Sau khi sinh em bé, làm cách nào để có được nguồn sữa mẹ dồi dào, thơm ngon, giàu dinh dưỡng là mối quan tâm hàng đầu của các bà mẹ. Danh sách những mẹo dân gian giúp mẹ nhiều sữa được chia sẻ trong bài viết này sẽ giúp các mẹ kích sữa tự nhiên hiệu quả, con yêu được bú nguồn sữa chất lượng.
Mục lục
1. Nguyên nhân khiến mẹ ít sữa sau sinh
Trước khi đến với các mẹo dân gian giúp mẹ nhiều sữa, chị em hãy tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Chúng bao gồm:
- Tinh thần căng thẳng: 2 loại hormone chịu trách nhiệm tiết sữa là Prolactin và Oxytocin. Tình trạng stress kéo dài của mẹ khiến 2 loại hormone này giảm xuống, ít dần đi. Mẹ thậm chí còn bị mất sữa.
- Không đủ dinh dưỡng: Mẹ sau sinh không được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng sẽ khiến cơ thể suy nhược, lâu hồi phục, lượng sữa tiết ra cũng giảm dần.
- Ăn thực phẩm ít sữa: Việc mẹ không kiêng cữ sau sinh nên ăn phải các thực phẩm gây ít sữa như rau mùi tây, lá lốt, măng chua, rau bạc hà, cà phê, thức ăn nhiều dầu mỡ… dẫn đến ít sữa.
- Bệnh liên quan đến tuyến vú: Áp xe vú, viêm tuyến vú do tắc sữa, thiểu sản tuyến vú, phẫu thuật ngực… là các nguyên nhân làm ảnh hưởng đến sự tiết sữa của tuyến vú.
- Sót rau: Hiếm gặp nhưng sót rau khiến tử cung co bóp mạnh để đẩy rau ra ngoài, khiến người mẹ đau đớn, hormone progesterone không giảm ức chế quá trình tiết sữa.
- Rối loạn nội tiết, thiếu máu: Nội tiết rối loạn kéo theo sự rối loạn của hormone, trong đó có hormone sản xuất sữa. Tình trạng thiếu máu khiến mẹ mệt mỏi, cơ thể không đủ máu đến cơ quan làm chậm quá trình tiết sữa.
- Cho con uống sữa công thức sớm: Trẻ sẽ chán sữa mẹ, bỏ ti. Bé không bú sẽ khiến sữa mẹ ít dần và mất hẳn.
- Lạm dụng ti giả: Khiến trẻ quen ti giả mà bỏ ti mẹ. Dùng dụng cụ hút sữa sẽ không kích thích tuyến sữa hoạt động tốt như khi bé bú trực tiếp. Lâu dần, bé không bú mẹ khiến sữa mẹ ít đi và mất sữa.
- Dùng máy hút sữa không đúng cách: Lực hút mạnh của máy làm tổn thương đầu ngực mẹ. Chưa kể, mẹ phụ thuộc hoàn toàn vào máy mà quên việc cho con bú dẫn đến ít sữa.
- Sinh non, sinh mổ: Cơ chế sản xuất sữa chưa hoàn thiện nếu mẹ sinh non gây ít sữa sau sinh. Mẹ sinh mổ dùng thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm làm cản trở tuyến sữa hoạt động dẫn đến cơ thể tiết ít sữa.
>>> Xem thêm: Nuôi con bằng sữa mẹ – Tổng kết những lợi ích tuyệt vời
2. Một số mẹo dân gian giúp mẹ nhiều sữa hơn
Dưới đây là một số phương pháp dân gian hỗ trợ kích sữa tự nhiên cho mẹ sau sinh:
2.1. Chườm ngực bằng cơm nóng hoặc xôi nóng
Sử dụng cơm nóng hoặc xôi nóng chườm ngực là mẹo dân gian giúp mẹ nhiều sữa được đông đảo người tin dùng. Cách thực hiện rất đơn giản nhưng cho kết quả nhanh chóng:
- Vo tròn nắm xôi nóng hoặc cơm nóng vừa mới nấu xong.
- Cho nắm cơm hoặc nắm xôi vào khăn xô rồi áp lên bầu ngực.
- Lăn nắm cơm hoặc nắm xôi theo chiều kim đồng hồ để sữa đặc, chín và không bị tắc.
- Khi thấy nắm cơm hoặc nắm xôi đã nguội thì mang hâm nóng rồi lăn tiếp.
- Thực hiện lăn mỗi lần khoảng 20 phút.
2.2. Ăn các món lợi sữa
Mẹ hãy xây dựng khẩu phần ăn uống với các món ăn lợi sữa để kích thích quá trình tiết sữa của cơ thể và duy trì ổn định nguồn sữa cho bé bú:
- Rau xanh giúp lợi sữa: Bồ ngót, rau lang, mồng tơi, rau dền, thì là, rau đay, măng tây, cải bó xôi, súp lơ xanh,…
- Canh lợi sữa: Giò heo hầm đu đủ xanh, móng giò thông thảo, rau ngót thịt bò, đậu hũ rong biển, đu đủ xanh sườn non, hoa chuối nấu thịt, cá chép thông thảo…
- Món ăn mặn lợi sữa: Cá chép hấp thì là, đậu phụ kho thịt, cá lóc kho tộ, thịt dê hầm đương quy, tôm nõn rang thịt, thịt nạc kho nghệ, gà ác tần thuốc bắc, cá diếc kho gừng, thịt bò hầm cà chua, đuôi bò hầm thuốc bắc, chân giò rim gừng…
- Cháo lợi sữa: Cháo cá chép, cháo thịt nạc đậu xanh, cháo móng giò hạt sen, cháo lươn, cháo mè đen, cháo cà rốt thịt bò, cháo trứng, cháo gạo nếp táo đỏ, cháo gà hạt sen, cháo thịt bò băm…
- Món tráng miệng lợi sữa: Chè hạt sen, chè mè đen đường phèn, chè đậu xanh…
- Nước uống lợi sữa: Nước đậu đen, nước gạo lứt rang, sữa nóng ấm,…
2.3. Sử dụng men trộn rượu trắng
Mẹ hãy mua rượu trắng và men về, trộn chúng lại với nhau thành một hỗn hợp cho thật mềm rồi đắp xung quanh ngực trong vòng 20 phút. Hỗn hợp men cùng rượu nóng sẽ hút tia sữa về, giúp sữa thơm ngon hơn. Nếu có thời gian, chị em hãy massage hỗn hợp này lên vùng bầu ngực trong 15 phút mỗi bên để thông tia sữa. Cuối cùng, bạn lau lại với khăn ấm. Cách này giúp sữa về rất nhanh và thơm.
2.4. Sử dụng một số loại lá
Các loại lá cũng có tác dụng kích sữa mẹ hiệu quả. Bạn có thể sử dụng:
Lá mít
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- 7 lá mít non (nếu là bé trai) hoặc 9 lá mít non (nếu là bé gái).
- Nước sạch.
- Lược chải tóc.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch rồi cho lá mít non và nước vào nồi nấu.
- Khi nước đã ấm, nhúng lược vào nồi rồi chải đều lên bầu ngực theo chiều từ trên xuống dưới.
- Sau khi chải xong, lấy khăn xô nhúng vào nồi nước rồi lau vệ sinh cho sạch đầu ti.
Cách này giúp lấy đi cặn sữa bám trên đầu ti, thông tắc tia sữa dễ dàng. Nếu có thời gian, mẹ hãy dùng lá mít ấm đắp lên ngực rồi nhẹ nhàng massage để sữa nhanh về.
Lá bồ công anh
Bồ công anh từ lâu đã nổi tiếng là loại thảo dược hàng đầu trong việc điều trị viêm tắc tuyến sữa cho sản phụ sau sinh. Không chỉ có hiệu quả trong việc chữa tắc tia sữa mà lá bồ công anh còn có tác dụng giúp mẹ nhiều sữa hơn. Các bước thực hiện như sau:
- Rửa sạch 20 – 40g lá bồ công anh tươi rồi giã nát, cho thêm chút muối vào.
- Vắt lấy nước uống.
- Dùng phần bã đã vắt nước đắp lên ngực, mỗi ngày 2 lần.
Chè vằng
Theo các tài liệu Đông y, chè vằng có công dụng kháng khuẩn, chống viêm, làm lành vết thương, thông huyết, có lợi với phụ nữ đang cho con bú. Sau khi sinh, mẹ uống nước chè vằng giúp giảm tình trạng sưng vú và viêm tuyến sữa. Việc uống nước chè vằng ngay sau khi sinh còn giúp sữa về nhiều, nhanh, đều hơn.
Ngoài tác dụng tốt cho mẹ bị mất sữa, tắc tia sữa thì lá chè vằng còn tạo nên cơn co bóp tử cung để đào thải sản dịch ra ngoài, giảm nguy cơ hậu sản, rút ngắn thời gian cơ thể mẹ hồi phục. Nước chè vằng còn giúp thanh nhiệt,làm mát sữa. Cách nấu nước chè vằng như sau:
- Rửa sạch, nấu 20 -30g chè vằng khô với nước cho thật sôi.
- Lọc lấy nước, uống khi còn ấm.
Lá vối
Lá vối chứa nhiều vitamin và khoáng chất với tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi sữa. Thành phần tanin, chất khoáng, tinh dầu, vitamin, chất kháng sinh trong lá vối có mùi thơm dễ chịu, giúp diệt nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như Streptococcus, Salmonella, phế cầu, vi khuẩn bạch hầu…
Theo các tài liệu Đông y, nụ và lá vối có tính hàn mát, vị đắng, không độc, giúp thanh nhiệt, giải biểu, kiện tỳ trệ. Cách thực hiện nấu nước lá vối rất đơn giản:
- Rửa sạch lá vối.
- Đun lá vối với nước sạch rồi lọc lấy nước uống hàng ngày, uống khi còn ấm.
Lá đinh lăng
Lá đinh lăng là vị thuốc Nam có tính bình, vị ngọt, công dụng giải độc, bổ ngũ tạng, tăng sữa, tiêu thực, tiêu sưng, bổ huyết. Nền y học phương Tây còn chứng minh được trong rễ và lá cây đinh lăng còn chứa nhiều hoạt chất như alkaloid, saponin, vitamin nhóm B, vitamin C, phytosterol, glycosid, 20 loại acid amin, tanin, axit hữu cơ, nguyên tố vi lượng, tinh dầu… giúp giảm tình trạng ứ và tắc sữa, giảm căng cứng vú, cải thiện quá trình lưu thông sữa. Cách thực hiện:
- Rửa sạch 150 – 200g lá đinh lăng tươi.
- Nấu lá đinh lăng cùng với khoảng 200ml nước.
- Khi nước sôi, nấu thêm 5 – 7 phút nữa rồi tắt bếp, chắt lấy nước uống hàng ngày.
2.5. Dùng lược
Đối với nhiều bà mẹ sau sinh, lược không chỉ dùng để chải đầu mà còn được truyền tai nhau với công dụng gọi sữa về nhanh. Theo kinh nghiệm được lưu truyền lại, mẹ bỉm chỉ cần dùng một chiếc lược gỗ chải lên bầu ngực nhiều lần vào những lúc rảnh rỗi để kích thích sữa về nhiều. Cách này cũng tương tự như việc mẹ massage ngực trước khi hút sữa, giúp sữa chảy nhiều hơn.
2.6. Sử dụng lá bắp cải
Nhiều ý kiến cho rằng ăn lá bắp cải sau khi sinh sẽ làm mất sữa mẹ. Mặc dù vậy, vẫn có mẹo dân gian giúp mẹ nhiều sữa bằng cách dùng lá bắp cải mà không phải ai cũng biết, đó là đắp lá bắp cải lên bầu ngực.
Phương pháp này dựa trên nguyên lý dùng nhiệt chườm ấm bầu ngực nhằm khắc phục tình trạng bít tắc tia sữa, hỗ trợ sữa lưu thông dễ dàng. Cách thực hiện:
- Rửa sạch lá bắp cải, cắt phần đầu lá mềm, chừa lại phần lá xanh cứng.
- Hơ lá bắp cải vừa cắt trên lửa cho nóng.
- Đắp một lớp khăn lên ngực rồi phủ lá bắp cải lên, kết hợp massage bầu ngực để sữa lưu thông.
- Khi lá bắp cải nguội thì thay lá khác.
2.7. Sữa ông thọ
Các chuyên gia cho biết, sữa ông thọ nằm trong danh sách thực phẩm giúp mẹ lợi sữa. Các thành phần dinh dưỡng trong sữa ông thọ như chất đạm, chất béo, carbohydrates rất có lợi cho sức khỏe. Đây là những chất dinh dưỡng quan trọng và cần thiết cho quá trình hồi phục sức khỏe sau sinh, tăng chất lượng sữa mẹ. Để gọi sữa nhanh về, mẹ hãy uống 1 – 2 ly sữa ông thọ ấm trước khi cho con bú khoảng 30 phút.
>>> Xem thêm: 3 cách kích sữa bằng máy hút sữa đơn giản, hiệu quả nhất cho mẹ
3. Lưu ý khi sử dụng mẹo dân gian giúp mẹ nhiều sữa
Có rất nhiều mẹo dân gian giúp mẹ nhiều sữa mà chị em có thể lựa chọn. Tuy vậy, bạn vẫn cần lưu ý những điều sau khi muốn áp dụng những phương pháp này:
3.1. Lựa chọn phương pháp dân gian phù hợp
Không phải các mẹo dân gian đều phù hợp với mọi người. Nhiều chị em có cơ địa nhạy cảm, dễ bị kích ứng và dù thảo dược có lành tính đến đâu thì vẫn có khả năng gây dị ứng cho cơ thể. Chính vì vậy, bạn hãy hiểu rõ cơ thể mình, hỏi ý kiến bác sĩ trước khi chọn loại thảo dược nào để áp dụng cho phù hợp với cơ thể.
Bên cạnh đó, chị em cũng cần chọn phương pháp dân gian phù hợp với điều kiện gia đình, địa phương và không nên áp dụng nhiều biện pháp cùng lúc. Thêm vào đó, bạn hãy kết hợp giữa mẹ dân gian và biện pháp khoa học khác để tăng thêm hiệu quả.
3.2. Kết hợp chế độ dinh dưỡng cho mẹ sau sinh
Trong chế độ dinh dưỡng của mẹ sau sinh, bạn cần đảm bảo ăn đủ 3 bữa chính và 3 bữa phụ mỗi ngày, ưu tiên món ăn được chế biến theo phương pháp luộc, hấp ninh nhừ. Quan trọng hơn, chị em cần cân bằng dinh dưỡng trong mỗi khẩu phần ăn. Thực đơn cần đảm bảo cung cấp đầy đủ các nhóm chất đạm, tinh bột, chất xơ, vitamin, khoáng chất để đảm bảo nguồn sữa đủ và chất lượng.
Phương pháp kích sữa đơn giản và dễ áp dụng nhất đối với các mẹ là bổ sung các thực phẩm lợi sữa như đu đủ xanh, ngũ cốc, rau hẹ, rau đay, củ sen… và uống đủ 2,5l nước mỗi ngày. Bên cạnh đó, mẹ tuyệt đối không được bỏ bữa để cơ thể luôn được cung cấp năng lượng liên tục.
Ngoài ra, chị em cũng cần hạn chế ăn thức ăn gây mất sữa hoặc thức ăn khiến sữa mẹ có mùi như gia vị cay nóng, tỏi ớt, hành, lá lốt… Chúng sẽ khiến trẻ không bú mẹ nếu thấy sữa có mùi lạ dẫn đến nguy cơ tuyến vú ít sản xuất sữa lại, lâu dần gây mất sữa.
>>> Xem thêm: Sau sinh ăn gì? Top thực phẩm lành tính, ích sữa cho mẹ
3.3. Chế độ sinh hoạt hợp lý
Một bí quyết giúp nhiều sữa chính là yếu tố tâm lý. Không ít sản phụ rơi vào trạng thái lo lắng, căng thẳng tinh thần, thậm chí là trầm cảm sau sinh gây mất sữa, ít sữa, sữa không về. Mẹ nên biết rằng, tâm lý của người mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến lượng sữa cho bé. Vì thế, sau khi sinh con, người mẹ cần nghỉ ngơi điều độ, ăn uống đầy đủ, hạn chế cảm xúc mệt mỏi, tiêu cực kéo dài. Tâm trạng vui vẻ, thoải mái và thư giãn là chìa khoá kích sữa mẹ về nhiều hiệu quả.
3.4. Hạn chế các thói quen gây mất sữa
Mẹ cần tránh xa các thói quen gây mất sữa như:
- Uống ít nước: 80% thể tích sữa mẹ là nước đóng vai trò hoà tan chất dinh dưỡng và kháng thể. Để mẹ có nhiều sữa và liên tục thì uống nhiều nước là điều tất yếu. Việc mẹ uống quá ít nước hoặc chất lỏng là nguyên nhân gây ít sữa, mất sữa.
- Cho con dùng ti giả nhiều: Ngậm mút là phản xạ thông thường ở trẻ sơ sinh, không phải cứ đói thì con mới bú nhiều. Nếu mẹ cho con mút và ngủ mà chẳng có giọt sữa nào thì con sẽ không muốn ti mẹ nữa. Điều này làm cơ thể mẹ hạn chế tạo sữa tiết sữa, lâu dần gây ít và mất sữa.
- Không massage ngực đúng cách: Nhiều mẹ khi vắt sữa có thói quen nặn, bóp bầu ngực. Đây là thói quen xấu gây viêm tắc, nhiễm trùng, áp xe vú. Do vậy, mẹ cần nâng niu, massage ngực nhẹ nhàng để kích thích tiết sữa.
3.5. Cho bé bú thường xuyên, đúng cách
Nhiều chị em sau sinh có quan niệm sai lầm rằng do sữa mẹ ít nên hạn chế cho con bú trực tiếp mà thay bằng dùng sữa công thức cho trẻ. Trên thực tế, cho bé bú mẹ trực tiếp đều đặn lại càng cần thiết đối với các mẹ ít sữa. Phương pháp được các chuyên gia khuyến khích bởi hiệu quả kích sữa về nhiều hơn so với các phương pháp khác.
Mẹ hãy cho con bú theo cữ cố định, khoảng 2 – 3 giờ thì cho bú một lần để số lượng sữa tiết ra nhiều. Ngoài ra, chị em đang nuôi con bằng sữa mẹ cũng cần biết làm thế nào để cho bú đúng cách để con tận hưởng nguồn sữa dồi dào. Điều mẹ cần lưu ý là không nên cho bú luân phiên các bên ngực mà hãy để bé bú hết bầu sữa bên này rồi mới chuyển sang bầu sữa bên kia.
Mong rằng những chia sẻ trên đã giúp chị em biết thêm nhiều mẹo dân gian giúp mẹ nhiều sữa sau khi sinh. Đây đều là những biện pháp an toàn nên mẹ hãy kiên trì thực hiện để gọi sữa về hiệu quả. Các mẹ hãy xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, nghỉ ngơi khoa học để sớm có được nguồn sữa dồi dào, thơm ngon nhé!
>>> Xem thêm: Cách bảo quản sữa mẹ giữ trọn dưỡng chất