Viêm ruột hoại tử (NEC) là nguyên nhân chính gây ra các bệnh lý dẫn đến tử vong ở trẻ sinh non. NEC có thể gặp ở bất kỳ trẻ sơ sinh nào trong vòng hai tuần sau khi sinh. Tuy nhiên, phổ biến nhất ở trẻ sinh non, chiếm 60% đến 80% các trường hợp. Khoảng 10% trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 1,5 kg bị viêm ruột hoại tử. Tình trạng này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Chính vì vậy, bố mẹ cần có hiểu biết về NEC để bé được phát hiện và điều trị.
Mục lục
I – Viêm ruột hoại tử là gì?
Viêm ruột hoại tử (NEC) là một bệnh đường ruột cấp tính thường gặp ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh thiếu tháng. Bệnh tiến triển khi lớp niêm mạc ruột non hoặc ruột già bị tổn thương rồi bắt đầu hoại tử làm xuất hiện tình trạng viêm. NEC chỉ ảnh hưởng đến niêm mạc của ruột nhưng cũng có thể ăn sâu và lan rộng gây loét, thủng ruột. Lỗ thủng trong ruột khiến cho các vi khuẩn thường chỉ có trong đường ruột lọt ra ngoài vào ổ bụng và gây nhiễm trùng. Một khi điều này xảy ra, nhiễm trùng có thể tiến triển rất nhanh trở thành một trường hợp cấp cứu.
II – Nguyên nhân viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh
Nguyên nhân gây NEC không xác định, có thể do thiếu oxy hoặc lưu lượng máu đến ruột, khiến tế bào niêm mạc ruột kém nuôi dưỡng và trở nên suy yếu. Khi ở trạng thái này, vi khuẩn từ thức ăn xâm nhập vào ruột có thể gây tổn thương hoặc hoại tử các mô, tổn thương có thể từ vài centimét đến suốt cả chiều dài ruột non. Tổn thương dưới dạng phù nề, xuất huyết, hoại tử, có sự thâm nhập bạch cầu đa nhân. Dẫn đến các biến chứng: thủng ruột, viêm phúc mạc, tắc ruột.
Viêm ruột hoại tử sơ sinh thường gặp ở trẻ non tháng, cân nặng thấp. Bệnh liên quan tới nhiều vấn đề:
- Nuôi dưỡng đường ruột
- Trẻ suy hô hấp kéo dài.
- Giảm lưu lượng máu ở hệ thống tạng (ngạt, đa hồng cầu).
- Thay máu.
- Trong các bệnh nhiễm trùng.
- Bệnh tim bẩm sinh.
- Rối loạn chuyển hóa.
- Quá trình phát triển phôi thai bất thường.
- Cho trẻ dùng sữa ngoài không đúng cách.
III – Triệu chứng của viêm ruột hoại tử
Nếu không được phát hiện và cứu chữa kịp thời, trẻ bị viêm ruột hoại tử có nguy cơ tử vong rất cao và có thể phải chịu những biến chứng lâu dài. Bệnh tiến triển với các triệu chứng như:
- Đau bụng: Mới đầu đau bụng nhẹ, sau đó nặng dần và kéo dài, dữ dội từng cơn. Thường đau ở quanh rốn hoặc vùng bụng trên.
- Nôn: Trẻ có thể buồn nôn. Chất nôn ra gồm dịch vị, có thể chứa dịch mật, nặng có thể nôn ra chất giống màu như cafe.
- Dấu hiệu vùng bụng: Thời kỳ đầu mức nhẹ là trướng hơi, mềm, có thể đau nhẹ, nhưng không có điểm đau nhất định. Về sau có thể xuất hiện điểm đau nhất định. Khi có triệu chứng đau bụng dữ dội, trướng bụng rõ rệt, cơ bụng co bóp mạnh, đau ép và đau quặn người là triệu chứng cho thấy bệnh đã rất nặng.
- Đi ngoài và đại tiện ra máu: Đi ngoài, phân loãng màu vàng hoặc giống canh trứng, số lần không ổn định. Có thể nặng hơn: phân có máu, có màu đỏ sẫm dạng sánh hoặc dạng canh màu đỗ đỏ, có khi có chất hoại tử màu trắng xám, mùi hôi, rất tanh, có thể có ít dịch nhờn, không mủ.
- Mất nước và mất máu: Khi bệnh tiến triển nặng dần, thường phát sinh mất nước, dung lượng máu giảm, natri thấp, kali thấp và nhiễm toan chuyển hóa, khiến bệnh nguy hiểm hơn.
- Triệu chứng nhiễm độc trong máu: Đa số trẻ em mắc bệnh ban đầu bị sốt, tinh thần sa sút bất an hoặc thèm ngủ, sắc mặt nhợt nhạt. Bệnh nặng lên nhanh chóng, thường từ 1-2 ngày sau khi phát bệnh, xuất hiện triệu chứng độc trong máu nghiêm trọng và ngất, nếu không kịp thời cấp cứu người bệnh rất nhanh tử vong.
Bố mẹ cần chú ý đến các triệu chứng điển hình của trẻ để phát hiện và chữa trị kịp thời:
- Triệu chứng tiêu hóa: nôn, trớ, tiêu chảy hoặc đi ngoài ra phân đen, vàng da, da bụng đỏ, trướng.
- Triệu chứng toàn thân: trẻ lờ đờ, bỏ bú, khó thở, suy kiệt. Trong trường hợp bệnh nặng có thể có xuất huyết dưới da.
IV – Chẩn đoán viêm ruột hoại tử như thế nào
NEC được chẩn đoán thông qua các xét nghiệm:
- Tìm máu trong phân
- Chọc dịch màng bụng: Có máu hoặc mủ, Soi cấy dịch tìm thấy vi khuẩn Gram (-)
- X-quang bụng: Bất thường trên phim Xquang có giá trị quan trọng trong chẩn đoán và theo dõi bệnh viêm ruột hoại tử. Các hình ảnh có thể gặp bao gồm: dày thành ruột, hình bóng hơi trong thành ruột hoặc thành tĩnh mạch cửa có giá trị chẩn đoán xác định. Ngoài ra có thể thấy hình ảnh tràn khí phúc mạc.
- Xét nghiệm cận lâm sàng bao gồm các biến đổi trong công thức máu: bạch cầu tăng, bạch cầu đa nhân trung tính tăng, tiểu cầu hạ, điện giải đồ thay đổi: Natri giảm, toan chuyển hóa.
Phân loại của Bell M.J và cộng sự căn cứ vào triệu chứng lâm sàng, sinh hóa và Xquang chia bệnh làm các nhóm gồm:
- Viêm ruột hoại tử nghi ngờ ( IA nghi ngờ và IB có thể)
- Khẳng định( II: nhẹ hoặc vừa, III: rất nặng)
Cần lưu ý chẩn đoán phân biệt bệnh với các nhóm bệnh khác như: viêm loét trực chảy máu, thủng ruột đơn thuần, xoắn ruột non, dị ứng đạm bò.
V – Phác đồ điều trị chuẩn viêm ruột hoại tử
Việc điều trị NEC phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm tuổi tác và sức khỏe tổng thể của trẻ, khả năng dung nạp của trẻ với các loại thuốc cụ thể và mức độ của bệnh.
1. Điều trị nội khoa:
- Ngừng cho ăn thông thường bằng miệng, nuôi dưỡng hoàn toàn bằng đường tĩnh mạch (từ 14-21 ngày điều trị phục hồi đoạn ruột)
- Thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng (Cần được chỉ định trong 24h đầu)
- Đặt sonde hút dịch dạ dày: ống được đặt trong dạ dày qua mũi hoặc miệng dùng để loại bỏ không khí và dịch dạ dày, ruột của trẻ.
- Bồi phụ tuần hoàn bằng dung dịch keo, dung dịch cao phân tử như dung dich Ringer lactat, dung dịch glucose 5%, dung dịch NaCl 0,9%,…
- Chụp X-quang thường xuyên để theo dõi sự tiến triển của NEC
- Kiểm tra công thức máu để theo dõi tình trạng nhiễm trùng
- Hỗ trợ hô hấp nếu cần thiết.
2. Điều trị ngoại khoa:
Trong những trường hợp nghiêm trọng của NEC, có thể phải phẫu thuật để cắt bỏ phần ruột bị hỏng. Điều trị ngoại khoa trong giai đoạn cấp tính cần được thảo luận, chỉ được chỉ định khi tình trạng bệnh nhân ổn định.
- Chỉ định tuyệt đối với trường hợp thủng ruột (tràn khí ổ bụng), triệu chứng của viêm phúc mạc (mất nhu động ruột, chướng bụng, da nhợt, phân máu) hoặc viêm mủ màng bụng do chọc dịch màng bụng.
- Cần xem xét phẫu thuật ở những trẻ bị viêm ruột hoại tử mà tình trạng lâm sàng và xét nghiệm xấu đi mặc dù được điều trị hỗ trợ.
- Trong quá trình phẫu thuật, cắt bỏ đoạn ruột hoại tử và làm hậu môn nhân tạo. (Nếu trẻ không có biểu hiện của thiếu máu cục bộ ruột thì có thể đóng hậu môn nhân tạo cho trẻ). Với việc giải quyết nhiễm trùng huyết và viêm phúc mạc, ruột có thể hoạt động trở lại sau vài tuần – vài tháng.
Viêm ruột hoại tử là một bệnh lý đường tiêu hóa nghiêm trọng, khoảng 25% trẻ hồi phục từ bệnh viêm ruột hoại tử cần điều trị các vấn đề lâu dài. Biến chứng của bệnh có thể gặp như hẹp ruột thứ phát, tắc mật, nhuyễn não chất trắng, rối loạn nhu động ruột và chậm phát triển. Bệnh có tiên lượng rất nặng, tỷ lệ tử vong cao từ 9 – 28%. Việc điều trị kịp thời có ý nghĩa vô cùng lớn đối với khả năng hồi phục và hạn chế tối đa các biến chứng ở trẻ.
VI – Cách phòng tránh viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh
Cần có biện pháp cụ thể về điều trị và chăm sóc chu đáo, nhằm giúp cho thai nhi trong thời gian ở trong bụng mẹ có sức khỏe tốt và phát triển phù hợp với từng giai đoạn bào thai, tránh để xảy ra tình trạng sinh non tháng.
Để phòng bệnh viêm ruột hoại tử cho trẻ cần giảm tối đa các nguy cơ khác liên quan đến sản khoa: sinh ngạt, suy hô hấp sau sinh.
Sữa mẹ có chứa nhiều yếu tố bảo vệ như (Ig A, Ig G, Ig M,..) là sữa duy nhất làm giảm nguy cơ viêm ruột hoại tử nhất là trẻ đẻ non tháng. Cho trẻ bú ngay một giờ đầu sau sinh, sữa non chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng cân đối và các kháng thể giúp nâng cao khả năng miễn dịch chống lại virut và vi khuẩn. Nên cho con bú hoàn toàn bằng sữa trong sáu tháng đầu. Trường hợp phải dùng sữa công thức cần chọn loại sữa thích hợp và có thể bổ sung lợi khuẩn thích hợp cho trẻ.
Để có được nguồn sữa mẹ dồi dào, các bà mẹ cần ăn đầy đủ dinh dưỡng. Đặc biệt là chất đạm, cần ăn tăng hơn 60% so với bữa ăn hàng ngày về đạm. Đồng thời người mẹ phải được nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc. Khi mẹ ngủ là thời gian các tuyến sữa tiết sữa nhiều nhất.
Với trẻ sinh non ăn từ từ từng bữa lượng nhỏ, điều chỉnh tốt thời gian và số lượng cho bữa, ăn tăng dần không quá 20ml/kg/ngày. Cần theo dõi và đánh giá tình trạng dung nạp sữa của bé.
Theo các nghiên cứu mới nhất của giáo sư P. Phuapradit tại Thái Lan, bổ sung lợi khuẩn ngay sau khi sinh, đặc biệt là chủng Bifidoabcterium BB-12 được coi là phương pháp phòng và giảm nguy cơ mắc viêm ruột hoại tử ở trẻ 4 lần so với nhóm chứng. Chính vì vậy, riêng với bé sinh non hoặc có các sự cố trong quá trình sinh nở, cần được bổ sung lợi khuẩn từ sớm và kéo dài.
>>Xem thêm: Bằng chứng khoa học và nghiên cứu của Bifidobacterium BB-12 (Imiale)
Tham khảo lợi khuẩn sống Imiale nhập khẩu từ Đan Mạch
Viêm ruột hoại tử là một bệnh lý cấp tính đường tiêu hóa với các biến chứng nguy hiểm và tỷ lệ tử vong cao vì thế việc phòng và điều trị kịp thời là rất cần thiết. Bố mẹ cần quan tâm đến việc chăm sóc thai kì, hạn chế tình trạng trẻ sinh non. Bố mẹ hiểu biết và có phương pháp chăm khóc trẻ phù hợp để phòng và phát hiện sớm nhất các triệu chứng của bệnh.
Để được tư vấn chi tiết về tình trạng sức khỏe của trẻ, vui lòng liên hệ với chuyên gia của chúng tôi theo HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.
Tham khảo nguồn: