Probiotics hay men vi sinh thường được sử dụng để hỗ trợ các vấn đề về tiêu hóa. Nhưng nhiều hơn thế, men vi sinh còn nhiều công dụng tuyệt vời tới tất cả cơ quan trong cơ thể. Việc bổ sung Probiotics được coi là nhu cầu quan trọng hàng ngày giống như các dưỡng chất cần thiết cho sự sống khỏe mạnh. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn những lợi ích sức khỏe của lợi khuẩn sống cho con người:
Mục lục
- 1/ Probiotics – Men vi sinh là gì?
- 2/ Bật mí những vị trí có mặt của probiotics trong cơ thể
- 3/ Probiotics hoạt động như thế nào trong cơ thể
- 3.1. Probiotics tham gia hỗ trợ chức năng tiêu hóa
- 3.2. Phòng nhiễm khuẩn
- 3.3. Hỗ trợ cải thiện cân nặng với người béo phì
- 3.4. Giảm căng thẳng, cải thiện rối loạn tâm thần kinh
- 3.5. Cải thiện các triệu chứng viêm
- 3.6. Điều hòa Cholesterol máu, huyết áp
- 3.7. Nâng cao sức khỏe làn da
- 3.8. Hỗ trợ chống lão hóa
- 4/ Probiotics phổ biến thường được bổ sung
- 5/ Phân biệt các dạng bào chế probiotics trên thị trường hiện nay
- 6/ Những trường hợp nào nên bổ sung probiotics càng sớm càng tốt?
- 7/ Làm thế nào để bổ sung lợi khuẩn cho cơ thể
- 8/ Hướng dẫn bảo quản các sản phẩm probiotics
- 9/ Bổ sung probiotics có an toàn?
- 10/ Những trường hợp nào không nên bổ sung probiotics?
- 11/ Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nên được bổ sung probiotics từ sớm?
- 12/ Hướng dẫn bổ sung probiotics đúng cách khi điều trị kháng sinh
- 13/ Các yêu cầu của 1 chế phẩm probiotics trên lâm sàng
- 14/ Những món ăn giàu lợi khuẩn nên bổ sung hàng ngày
1/ Probiotics – Men vi sinh là gì?
Hệ vi sinh vật trong tự nhiên rất đa dạng và phong phú: vi khuẩn, vi rút, nấm, trùng roi,…Đặc biệt trong số đó, trú ngụ tại cơ thể con người có 1 thành phần rất quan trọng, probiotics – những vi sinh vật có lợi đối với sức khỏe.
Một vi khuẩn được coi là probiotic khi có tất cả đặc điểm như:
- Có thể sống tách biệt với cơ thể con người.
- Có khả năng tồn tại trong đường ruột nhưng không gây hại, không chịu ảnh hưởng bởi pH của dạ dày, ruột hay bị các enzym phân hủy.
- Lợi ích đối với cơ thể đã chứng minh bởi các nghiên cứu lâm sàng.
Các vi khuẩn probiotic phổ biến nhất sử dụng trên lâm sàng bao gồm lactobacillus, bifidobacterium, bacillus,…. Ngoài ra còn có thêm saccharomyces boulardii – chủng nấm men có mặt nhiều trong các loại men vi sinh hiện nay.
Tuy mỗi loại vi khuẩn probiotic đảm nhận vai trò và vị trí khác nhau trong cơ thể nhưng tất cả chúng đều có chung một mục đích đó chính là giúp cơ thể hoạt động một cách khỏe mạnh, bao gồm cả việc chống lại vi khuẩn có hại sinh sôi quá mức.
>>> Xem thêm: 5 tiêu chí của WHO dành cho một lợi khuẩn lý tưởng
2/ Bật mí những vị trí có mặt của probiotics trong cơ thể
Hai yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự tồn tại của probiotics trong cơ thể là:
- pH môi trường phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của chúng.
- Khả năng bám dính vào biểu mô, niêm mạc để hấp thu các chất dinh dưỡng.
Đa số probiotic được tìm thấy chủ yếu ở đường tiêu hoá (ruột, đặc biệt là ở ruột già).
Niêm mạc ruột non có rất nhiều nếp gấp lồi và lõm (gọi là nhung mao), tạo nên diện tích bề mặt lớn để hấp thu chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó với sự giúp đỡ của tuyến tuỵ, nó tiết ra nước và bicarbonate để trung hoà acid từ dịch dạ dày. Vì vậy mà các probiotics ở ruột non không bị ức chế hay bị chết.
Ruột già là môi trường thích hợp cho sự phát triển của các probiotic, nơi có pH gần như trung tính, chứa nhiều chất nhầy giúp vi khuẩn probiotics có thể sinh sống một thời gian nhất định, cạnh tranh dinh dưỡng và tiết ra một số chất ức chế các tác nhân gây bệnh.
Ngược lại nồng độ lợi khuẩn (probiotic) ở dạ dày rất ít do dịch dạ dày có pH thấp, môi trường axit ảnh hưởng đến sự phát triển của lợi khuẩn.
Ngoài ra, ta cũng có thể tìm thấy probiotics ở da, miệng, phổi, thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo, âm đạo,…
3/ Probiotics hoạt động như thế nào trong cơ thể
Vai trò chính của lợi khuẩn (probiotics) là giúp cho các hoạt động trong cơ thể diễn ra một cách nhịp nhàng và hiệu quả.
3.1. Probiotics tham gia hỗ trợ chức năng tiêu hóa
1. Cân bằng hệ vi sinh đường ruột
Bình thường, trong đường ruột tồn tại cả vi khuẩn có lợi (85%) lẫn vi khuẩn có hại (15%), với một tỷ lệ nhất định chúng sẽ giúp cho việc tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể diễn ra một cách hiệu quả. Tuy nhiên, trong trường hợp số lượng vi khuẩn có hại gia tăng quá mức dẫn đến tình trạng loạn khuẩn đường ruột. Lúc này, lợi khuẩn sẽ đảm nhận vai trò lá chắn bảo vệ các tế bào niêm mạc ruột,khỏi sự tấn công của hại khuẩn, cân bằng hệ vi sinh nhờ:
- Cạnh tranh vị trí bám
- Cạnh tranh dinh dưỡng
- Tiết các chất kháng vi sinh vật tự nhiên tiêu diệt hại khuẩn
- Tiết chất nhầy hấp phụ độc tố của hại khuẩn, giảm nguy cơ tổn thương niêm mạc tiêu hóa
- Hỗ trợ quá trình hàn gắn các tổn thương tiêu hóa
2. Cải thiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa
Đặc biệt, trong các tình trạng rối loạn tiêu hóa, lợi khuẩn tham gia hỗ trợ điều tiết nhu động ruột, đảm bảo khôi phục chức năng hấp thu và bài tiết dinh dưỡng, nước, điện giải.
Sự có mặt của lợi khuẩn probiotic được chứng minh giảm mức độ nặng của tình trạng tiêu chảy:
- Giảm số lần đi ngoài
- Giảm triệu chứng co thắt gây đau bụng
- Giảm tổng thời gian đi ngoài.
Lợi khuẩn cải thiện táo bón qua kích thích bài tiết enzym tiêu hóa, thúc đẩy tốc độ hấp thu, thải trừ. Một vai trò khác của lợi khuẩn liên quan đến điều hòa tái hấp thu nước trong phân và bài tiết axit béo chuỗi ngắn (SCFAs) kích thích nhu động ruột. Tình trạng táo bón thuyên giảm khi được bổ sung đúng chủng Bifidobacterium gắn đích tại đại tràng với:
- Tăng tần suất đại tiện
- Phân mềm
- Không còn cảm giác đầy chướng bụng.
Phân sống đặc trưng bởi biểu hiện phân có nhiều nhầy, lợn cợn hạt hoặc sợi, mảnh thức ăn chưa được tiêu hóa hết còn nguyên dạng. Phân sống thường là hậu quả sau 1 đợt tổn thương các tế bào niêm mạc ruột (dùng kháng sinh, viêm ruột, nhiễm khuẩn ruột, …). Theo đó, khi trẻ đi ngoài phân sống dài ngày, cơ thể giảm bài tiết các men tiêu hóa (enzyme) phân cắt thức ăn, thiếu đi những chiếc kéo sinh học chia nhỏ dinh dưỡng. Cơ thể không thể hấp thụ chất trong thức ăn sẽ dẫn đến đi ngoài phân sống.
Lợi khuẩn (men vi sinh) bổ sung trong trường hợp này với vai trò hỗ trợ:
- Tiết bổ sung một số loại enzyme để tiêu hóa và hấp thu triệt để các chất dinh dưỡng
- Giảm độc tố của hại khuẩn, điều tiết nhu động ruột
- Tham gia vào quá trình tạo khuôn phân.
Viêm đại tràng
Viêm đại tràng là tình trạng tổn thương ở niêm mạc đại tràng, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến loét sâu, gây xuất huyết tiêu hóa, tắc ruột, thủng ruột,…Nguyên nhân gây viêm đại tràng chủ yếu là do mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, nhiễm khuẩn.
Lợi khuẩn Probiotics tham gia vào quá trình giảm viêm bằng cách:
- Cân bằng hệ vi sinh đường ruột.
- Giảm tính thấm ruột.
- Cạnh tranh dinh dưỡng với các vi khuẩn có hại ở trong đường ruột, tiêu diệt chúng.
- Điều hòa sự cân bằng giữa các yếu tố chống viêm và tiền viêm.
IBS (hội chứng ruột kích thích)
Hội chứng ruột kích thích là tình trạng rối loạn chức năng ruột mãn tính bao gồm các dấu hiệu như đầy bụng, đau bụng, rối loạn đại tiện.
Nguyên nhân phổ biến gây nên hội chứng ruột kích thích chưa được xác định rõ. Các nhà khoa học phát hiện mối tương quan giữa rối loạn khuẩn chí đường ruột, rối loạn hoạt động dẫn truyền thần kinh tại các khu vực niêm mạc dạ dày, tá tràng,… nhưng chưa biểu hiện rõ ràng. Bên cạnh đó yếu tố tâm lý (căng thẳng, trầm cảm) cũng là một trong những nguyên nhân gây nên hội chứng ruột kích thích.
Hậu quả của hội chứng ruột kích thích là rối loạn các hoạt động tiêu hóa (phản xạ dạ dày – ruột, thay đổi tính thấm,…),…
Lợi khuẩn (probiotic) trong trường hợp này giúp:
- Làm giảm các triệu chứng IBS (tiêu chảy, táo bón, phân sống,…).
- Cân bằng lại hệ vi sinh đường ruột.
- Bên cạnh đó, probiotic còn tiết ra chất nhầy bảo vệ niêm mạc đường ruột khỏi tránh khỏi những thương tổn tiềm tàng.
Phục hồi tổn thương niêm mạc tiêu hóa
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự có mặt của lợi khuẩn probiotic khiến cho niêm mạc của đường tiêu hóa nhanh lành hơn. Lợi khuẩn probiotic:
- Tiết chất nhầy bao phủ quanh niêm mạc bị tổn thương
- Ngăn cản sự tấn công của vi khuẩn có hại
- Duy trì pH giúp cho vết thương mau lành.
- Kích thích cơ thể sản xuất IL-1, TGF-β và cytokine (giảm các phản ứng viêm, khiến cho vết thương mau lành)
3.2. Phòng nhiễm khuẩn
Nhiễm khuẩn là sự gia tăng quá mức của vi khuẩn có hại trong cơ thể gây nên các phản ứng viêm, tổn thương biểu mô, niêm mạc, rối loạn tiêu hóa,… Nguyên nhân gây ra nhiễm khuẩn chủ yếu là do tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm mang nhiều mầm bệnh (vi khuẩn, vi rút,…) hay việc ăn uống không đảm bảo vệ sinh, … Khi bị nhiễm khuẩn, cơ thể sẽ kích thích đáp ứng miễn dịch bằng cách tăng cường tạo ra kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh, lượng bạch cầu tăng, CRP (protein phản ứng C đặc trưng cho mức độ và tình trạng viêm nhiễm) tăng hoặc không tăng tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân.
Lúc này, vai trò của lợi khuẩn probiotic là:
- Kích thích tương bào sản xuất kháng thể IgAs – thành phần quan trọng nhất và chiếm ưu thế tại bề mặt niêm mạc tiêu hóa có khả năng chống lại các kháng nguyên, các yếu tố gây bệnh tiềm tàng, độc lực và độc tố của vi khuẩn.
- Kích thích sản xuất các tế bào lympho T giúp đỡ chống lại các tác nhân xâm nhập từ bên ngoài (vi khuẩn, vi rút,…) và làm giảm các cytokine gây viêm trong các trường hợp nhiễm trùng (hô hấp, toàn thân,…)
3.3. Hỗ trợ cải thiện cân nặng với người béo phì
Lợi khuẩn probiotic giúp hỗ trợ cải thiện cân nặng ở người béo phì thông qua:
- Thúc đẩy giải phóng các hormon điều chỉnh cảm giác thèm ăn: Probiotics kích thích cơ thể tăng tiết hormone GLP-1 (glucagon peptide -1) và peptide YY (peptide tyrosine tyrosine) làm giảm cảm giác thèm ăn.
- Biến đổi các thức ăn khó tiêu thành SCFAs ( Short chain fatty acids – các acid béo chuỗi ngắn): SCFAs làm giảm sự lắng đọng chất béo bằng cách ức chế lượng thức ăn ăn vào, giảm quá trình tạo mỡ và tăng cường phân giải lipid, tăng quá trình oxy hóa chất béo lúc đói và tiêu hao năng lượng khi nghỉ ngơi.
- Tăng lượng protein điều hòa chất béo: Probiotics có thể làm tăng lượng protein giống angiopoietin 4 (ANTL4) – là một chất ức chế lipoprotein lipase (LPL) để kiểm soát sự lắng đọng chất béo trung tính thành tế bào mỡ.
Một số chủng lợi khuẩn trong chi Lactobacillus và Bifidobacterium đã được chứng minh là có tác dụng giảm cân và mỡ bụng.
3.4. Giảm căng thẳng, cải thiện rối loạn tâm thần kinh
Mối liên hệ giữa ruột và não thông qua trục não – ruột.
- Hệ thần kinh trung ương điều chỉnh tính thấm, bài tiết, nhu động và khả năng miễn dịch của đường tiêu hóa bằng cách tác động lên hệ thần kinh ruột, mô cơ và lớp nhầy của ruột.
- Probiotics tham gia vào việc bài tiết các chất có hoạt tính sinh học, làm giảm phản ứng của trục HPA (trục não – ruột) đối với căng thẳng, bằng chứng là sự giảm hormon vỏ thượng thận (corticosteroid) trong huyết tương thông qua hormon CRH ở vùng dưới đồi.
- Đối với trường hợp trầm cảm, lo lắng, lợi khuẩn kích thích cơ thể tăng cường sản xuất serotonin (80% serotonin của cơ thể nằm trong các tế bào ở đường tiêu hóa, nó có vai trò điều hòa chuyển động của ruột, kích thích tế bào thần kinh và nhu động ở ruột), nhờ đó mà giảm được các triệu chứng rối loạn tiêu hóa.
3.5. Cải thiện các triệu chứng viêm
- Lợi khuẩn probiotic tăng cường sản xuất axit béo chuỗi ngắn có đặc tính chống viêm (ví dụ như butyrate) cũng như tăng tổng hợp các peptide kháng khuẩn có ảnh hưởng đến sự phân giải viêm.
- Hơn thế nữa, probiotics và một số sản phẩm chuyển hóa được tiết ra bởi chúng có thể hoạt động như phối tử cho các thụ thể hệ miễn dịch bẩm sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến các con đường tiền viêm quan trọng.
- Bên cạnh đó, lợi khuẩn probiotic còn kích thích sự biệt hóa và hoạt động của các tế bào miễn dịch quan trọng (ví dụ: tế bào đuôi gai, tế bào T), và sau đó tăng sản xuất các cytokine điều hòa quan trọng, bao gồm interleukin-10 (IL-10) và yếu tố tăng trưởng chuyển đổi-beta (TGF-b). Nhờ đó mà các triệu chứng viêm được cải thiện.
3.6. Điều hòa Cholesterol máu, huyết áp
- Vi khuẩn Probiotic làm giảm sự hấp thụ cholesterol trong ruột bằng cách liên kết và kết hợp nó vào màng tế bào.
- Một số vi khuẩn có thể trực tiếp tổng hợp cholesterol từ các chất hữu cơ đơn giản có trong đường tiêu hoá.
- Ngoài ra, probiotic còn tác động đến quá trình thủy phân muối mật đã liên hợp thành axit mật tự do, khiến cho chúng kết tủa với cholesterol, làm giảm mức cholesterol trong huyết tương.
- Các axit béo chuỗi ngắn do vi khuẩn probiotic tạo ra cũng có thể ức chế tổng hợp cholesterol ở gan hoặc tái phân phối cholesterol từ huyết tương đến gan.
Theo một số nghiên cứu gần đây, lợi khuẩn probiotic làm giảm huyết áp nhẹ với thời gian sử dụng men vi sinh lớn hơn 8 tuần và liều lượng là 1011 CFU.
3.7. Nâng cao sức khỏe làn da
- Lợi khuẩn probiotic giúp da khỏe mạnh, tăng độ ẩm cho da, giảm độ sâu của các nếp nhăn hiện có và cải thiện độ bóng và độ đàn hồi tổng thể của da.
- Hơn nữa, các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng khi sử dụng probiotic còn làm giảm sự gia tăng sắc tố melanin và giảm lượng nước mất qua biểu bì, cải thiện mức độ hydrat hóa da.
- Ngoài ra, các probiotic còn sử dụng để hỗ trợ và điều trị mụn trứng cá, ngăn ngừa viêm da dị ứng,…Chúng tham gia vào quá trình làm lành vết thương khi da bị nhiễm trùng thông qua việc kích thích sản xuất các yếu tố tăng sinh nguyên bào sợi và sản xuất protein nền ngoại bào (hyaluronan và collagen), giảm yếu tố gây viêm.
3.8. Hỗ trợ chống lão hóa
Hiện tượng lão hóa có thể hiểu là do độ ẩm trên da giảm quá nhiều, hình thành các nếp nhăn sâu và dày, các đốm đồi mồi, sự đổi màu, mất collagen và sự phá vỡ tổng thể của mạng lưới elastin của lớp hạ bì, khiến cho da bị mất đàn hồi.
Bổ sung lợi khuẩn probiotic giúp cải thiện về độ đàn hồi và vẻ ngoài của da thông qua việc ức chế mức độ hoạt động của elastase và IL-1β, giảm sự hình thành nếp nhăn.
>>> Xem thêm: Men vi sinh: 5 lợi ích tuyệt vời và 6 nguyên tắc sử dụng
4/ Probiotics phổ biến thường được bổ sung
Các lợi khuẩn probiotic phổ biến thường được bổ sung hiện nay là:
- Lactobacillus là vi khuẩn có lợi thường có mặt ở đường tiêu hóa, đường tiết niệu và đường sinh dục. Bên cạnh đó, có thể tìm thấy lợi khuẩn này trong các thực phẩm lên men từ sữa (sữa chua) và trong một số thực phẩm chức năng. Lactobacillus được sử dụng phổ biến trong trường hợp tiêu chảy, rối loạn chức năng tiêu hóa lâu dài (hội chứng ruột kích thích), viêm đường tiêu hóa,…
- Bifidobacterium là vi khuẩn tồn tại chủ yếu ở khu vực đại tràng của đường ruột, chiếm phần lớn trong tổng số lợi khuẩn đường ruột. Nó có vai trò vô cùng quan trọng đối với hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch của cơ thể. Bifidobacterium được sử dụng phổ biến trong các trường hợp rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, táo bón, phân sống,…), hội chứng ruột kích thích,…
- Saccharomyces boulardii là một loại nấm men được sử dụng phổ biến cải thiện tiêu chảy, các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa,…
>>> Xem thêm: Lợi khuẩn Bifidobacterium hỗ trợ sức khỏe trẻ sinh non tháng
5/ Phân biệt các dạng bào chế probiotics trên thị trường hiện nay
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều dạng bào chế probiotics như: hỗn hợp bột cho sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh, dạng cốm, dạng bột đông khô, dạng viên nén, viên nhai, viên ngậm, dạng bao vi nang, dạng bao kép, dạng giọt dầu, dạng hỗn dịch nước
Lợi khuẩn được phối hợp trong sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh: Những hỗn hợp bột lợi khuẩn này có thể dễ dàng kết hợp vào các công thức sữa pha chế cho trẻ sơ sinh. Yêu cầu của các loại bột này cần đảm bảo cách ẩm tốt, pha với nhiệt độ không quá nóng (dưới 40 độ C)
Dạng giọt dầu: Những giọt dầu probiotic là sản phẩm lý tưởng nhất để cung cấp men vi sinh dạng sống cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Dầu bảo quản lợi khuẩn sống thường dùng là dầu hướng dương, dầu cọ với mục đích bảo vệ lợi khuẩn sống trong môi trường kỵ nước. Môi trường dầu giúp duy trì lợi khuẩn trưởng thành ở thể ngủ, không hô hấp, không trao đổi chất và giữ nguyên đặc tính sinh học vốn có. Bên cạnh đó, dầu là dung môi phân tán lợi khuẩn đồng nhất đảm bảo chia liều chính xác theo số lượng giọt.
Các giọt dầu được định lượng chính xác bằng cách sử dụng ống nhỏ giọt tích hợp (ống mao quản) và có thể được bảo quản ở nhiệt độ phòng. Các giọt dầu được thiết kế để sử dụng dễ dàng và thuận tiện, khi dùng chỉ cần lắc một chút trước khi sử dụng. Giọt dầu có nhãn sạch và được đóng gói trong chai thủy tinh màu hổ phách để bảo vệ các chủng lợi khuẩn khỏi ánh sáng.
Dạng nước: Nước là môi trường bảo quản bào tử lợi khuẩn. Khi đưa vào cơ thể, đảm bảo lợi khuẩn phân bố đồng đều trên niêm mạc ruột và đại tràng. Dạng này dễ sử dụng, điều kiện bảo quản tốt nhất nên được đóng gói trong chai thủy tinh màu hổ phách để tránh ảnh hưởng của ánh sáng. Hiện nay, một số sản phẩm dung dịch bào tử lợi khuẩn được bảo quản trong các ống nhựa màu trắng chưa phải hình thức bảo quản tối ưu.
Bột: Probiotic dạng bột khi hòa tan trong nước có thể dễ dàng trộn vào thức ăn hoặc đồ uống yêu thích để tiêu thụ trực tiếp. Dạng bột gặp một số khó khăn trong quá trình bảo quản lợi khuẩn vì khả năng hút nước cao.
Dạng bột đông khô: Khi hạ nhiệt độ xuống thật thấp, vi khuẩn sẽ trở nên khô như bột nhưng không bị tiêu diệt. Chúng sẽ trở lại thể sống tại thời điểm được uống vào. Dạng bột đông khô có độ ổn định cao.
Dạng đóng gói trong Nitơ: Probiotics là vi khuẩn kị khí nên dễ chết trong môi trường nhiều oxy. Do đó đóng gói Probiotics trong môi trường khí nitơ sẽ giúp tăng tuổi thọ probiotics.
Viên nang: Viên nang men vi sinh có nhiều kích cỡ bao gồm 00, 0, 1 và 3. Đây là dạng bào chế dễ sử dụng. Bên cạnh đó, probiotics được bao vi nang, bao kép để tránh ảnh hưởng của dịch dạ dày và dịch mật. Nhờ đó mà tối đa hóa khả năng tồn tại của probiotic trong dạ dày.
Viên nhai: Viên nhai có nhiều loại cho trẻ em và người lớn, thuận tiện cho người sử dụng. Trong viên nhai thường chứa đựng các bào tử lợi khuẩn, tồn tại trong thời gian dài mà không chịu ảnh hưởng của môi trường bên ngoài.
Viên ngậm: Đa phần probiotic bào chế dạng viên ngậm được sử dụng để hỗ trợ, cải thiện sức khỏe răng miệng khi gặp các vấn đề viêm nhiễm,…Dạng này rất thuận tiện cho người sử dụng. Tuy nhiên không sử dụng được cho trẻ sơ sinh.
>>> Xem bài viết: [Vạch trần] Có nên sử dụng cốm vi sinh cho trẻ sơ sinh?
6/ Những trường hợp nào nên bổ sung probiotics càng sớm càng tốt?
Bổ sung Probiotics trong các trường hợp:
- Rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, táo bón, phân sống,… ): Lợi khuẩn giúp cân bằng lại hệ vi sinh đường ruột, cải thiện tình trạng rối loạn tiêu hóa.
- Cơ thể bị nhiễm khuẩn (nhiễm trùng đường hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu,…): Lợi khuẩn probiotics giúp cải thiện tình trạng viêm, giúp nhanh chóng làm lành vết thương.
- Tiêu chảy do dùng kháng sinh: Bổ sung men vi sinh probiotics giúp cải thiện tình trạng tiêu chảy cho dùng kháng sinh, giúp cân bằng lại hệ vi sinh vật đường ruột.
- Hội chứng ruột kích thích: Bổ sung lợi khuẩn probiotics giúp làm giảm các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, tiết chất nhầy bảo vệ niêm mạc ruột tránh khỏi những thương tổn tiềm tàng. Bên cạnh đó, probiotics còn kích thích bài tiết serotonin làm giảm sự trầm cảm, lo lắng trên các bệnh nên bị hội chứng ruột kích thích.
- Bệnh nhân bị viêm đại tràng: Men vi sinh probiotics giúp làm giảm quá trình gây viêm, cải thiện các triệu chứng viêm và cân bằng lại hệ vi sinh đường ruột.
- Người bị béo phì: Lợi khuẩn probiotics giúp hỗ trợ cải thiện cân nặng ở người béo phì.
- Bệnh nhân bị tăng cholesterol máu: Men vi sinh probiotics đã được chứng minh giúp điều hòa cholesterol.
- Bệnh lý về da (viêm da dị ứng, mụn trứng cá, …): Nhiều nghiên cứu đã chỉ rõ probiotics nâng cao sức khỏe làn da, tham gia hỗ trợ và điều trị bệnh.
- Căng thẳng, rối loạn thần kinh: Lợi khuẩn tham gia vào việc bài tiết các chất có hoạt tính sinh học (hormon), làm giảm phản ứng của trục HPA (trục não – ruột).
Probiotics là những vi khuẩn sống tốt cho sức khỏe con người. Việc bổ sung chúng là điều cần thiết để nâng cao sức đề kháng, bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân có hại từ môi trường bên ngoài.
7/ Làm thế nào để bổ sung lợi khuẩn cho cơ thể
Mọi người có thể bổ sung lợi khuẩn thông qua:
7.1. Các sản phẩm từ sữa
Trong các sản phẩm từ sữa chứa phần lớn lợi khuẩn, đặc biệt là sữa chua hay phô mai.
Sữa chua là một trong những nguồn quan trọng. Sữa chua được sản xuất bằng việc sử dụng dịch nuôi cấy của Lactobacillus delbrueckii subsp. bulgaricus và Streptococcus salivarius subsp. thermophilus. Ngoài ra đôi khi các vi khuẩn Lactobacillus và Bifidobacterium được thêm vào trong hoặc sau quá trình lên men. Mặc dù sữa chua được sử dụng rộng rãi như là chất mang probiotic, nhưng trong hầu hết các sản phẩm sữa chua hiện nay, lượng lợi khuẩn tồn tại khá ít.
Khả năng tồn tại của probiotic trong sữa chua phụ thuộc vào các dưỡng chất sẵn có, các chất kích thích và ức chế sinh trưởng, nồng độ các chất hoà tan, lượng giống, nhiệt độ ủ, thời gian lên men và nhiệt độ bảo quản. Do đó, để cải thiện khả năng tồn tại và ổn định của các chủng probiotic trong sữa chua, một số nghiên cứu đã đưa ra các phương pháp như: cố định vi khuẩn probiotic trong các hạt alginate, alginate được bao bởi chitosan, alginate tinh bột, alginate-prebiotic, alginate-pectin hoặc bằng cách thêm các prebiotic hoặc cysteine vào sữa chua.
Phô mai được xem là một chất mang tốt của vi khuẩn probiotic. Các chủng probiotic chủ yếu được sử dụng trong các loại phô mai bao gồm: Bifidobacteria, lactobacilli, enterobacteria, lactococci.
7.2. Các sản phẩm không từ sữa
- Nước trái cây có hàm lượng calo, cholesterol thấp hơn các chế phẩm từ sữa. nên nước trái cây được dùng bổ sung probiotics ngày một nhiều, đặc biệt trên các đối tượng dị ứng hoặc không dung nạp với sữa.
- Một số sản phẩm khác cũng chứa probiotic như ngũ cốc ăn sáng, trái cây sấy khô, sữa chua đông lạnh khô, sữa bột phun khô…
- Rau quả lên men bao gồm atiso, bắp cải, ô liu, cà chua, củ cải đỏ… được xem là các chất mang probiotic tốt dựa vào khả năng lên men lactic bởi Lactobacillus. plantarum và các chủng vi khuẩn lactic khác. Việc sử dụng probiotic trong rau lên men đòi hỏi nhiệt độ bảo quản thấp.
- Các sản phẩm probiotic từ đậu nành cũng được các nhà nghiên cứu quan tâm do hàm lượng protein cao và nhiều lợi ích về sức khỏe.
- Chocolate cũng là một chất mang tốt cho probiotic.
7.3. Các loại men vi sinh probiotics
Ngày nay với sự phát triển của công nghệ và áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại đã cho ra đời nhiều dạng bào chế probiotics phù hợp, an toàn, dễ sử dụng (dạng bột đông khô, dạng đóng gói trong nitơ, dạng bao vi nang, bao kép,…) và mang lại độ ổn định cũng như hiệu quả cao.
Bên cạnh việc bổ sung probiotic thì mọi người cũng nên bổ sung thêm các prebiotic.
- Prebiotics bao gồm: Inulin, fructo-oligosaccharide (FOS), polydextrose, arabinogalactan, polyol lactulose và lactitol.
- Chúng có nhiều trong ngũ cốc nguyên hạt, hành tây, chuối, tỏi, mật ong, tỏi tây, atisô,….
- Vai trò chính của prebiotic là kích thích sự tăng trưởng của lợi khuẩn trong đường ruột hay nói các khác prebiotic là nguồn thức ăn của các lợi khuẩn.
Việc bổ sung kết hợp probiotic và prebiotic (Synbiotic) mang lại hiệu quả cao: giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động một cách tốt hơn so với việc chỉ bổ sung mỗi probiotic.
>>> Xem thêm: Imiale – Lợi khuẩn sống Bifidobacterium BB-12 từ Đan Mạch
8/ Hướng dẫn bảo quản các sản phẩm probiotics
Một số chủng lợi khuẩn probiotic chịu tác động bởi môi trường (ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm,…). Do đó chúng có thể bị phân hủy hoặc chết. Vì vậy, bảo quản sản phẩm probiotics đúng cách là một việc làm vô cùng cần thiết.
Tùy vào dạng bào chế probiotic mà có cách bảo quản sao cho phù hợp.
- Bảo quản sản phẩm ở nơi thoáng mát, tránh ánh sáng mặt trời, ở điều kiện nhiệt độ và độ ẩm theo quy định của nhà sản xuất (dạng bào chế thuốc bột, cốm, viên).
- Đôi khi cần bảo quản các men vi sinh probiotics trong tủ lạnh (dạng thuốc nước, hỗn dịch,…).
Lưu ý: Mọi người nên đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, ở trong đó sẽ quy định cách bảo quản đối với từng dạng sản phẩm Probiotic. Bảo quản đúng, lợi khuẩn sống sẽ phát huy tối đa tác dụng khi đưa vào cơ thể và mang lại hiệu quả cao cho người sử dụng.
>>> Xem thêm: Hướng dẫn sử dụng – bảo quản lợi khuẩn sống Imiale
9/ Bổ sung probiotics có an toàn?
Bình thường hệ tiêu hóa hoạt động vô cùng trơn tru và hiệu quả. Tuy nhiên vì một lý do nào đó mà số lượng vi khuẩn có lợi quá ít, gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Lúc này là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn có hại phát triển và gây bệnh. Vì vậy, việc bổ sung lợi khuẩn là cách an toàn và cần thiết để phòng ngừa cũng như bảo vệ sức khỏe.
Probiotics có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe đường ruột. Nó giúp cho cân bằng hệ vi sinh đường ruột, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Có thể bổ sung lợi khuẩn thông qua các loại thực phẩm, đồ uống hay sản phẩm men vi sinh probiotics
Tùy vào từng đối tượng mà có cách bổ sung probiotics sao cho phù hợp, mang lại an toàn và hiệu quả cao.
10/ Những trường hợp nào không nên bổ sung probiotics?
Mặc dù lợi khuẩn probiotics được coi là an toàn cho hầu hết những người khỏe mạnh. Song, một vài trường hợp sử dụng men vi sinh probiotics cần thận trọng như:
- Những người đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu (bị HIV / AIDS) hay bệnh nhân ung thư đang sử dụng hóa trị, xạ trị thì không nên dùng men vi sinh probiotics.
- Những người bị hội chứng ruột ngắn và những người có van tim nhân tạo nên hết sức thận trọng nếu cân nhắc việc bổ sung probiotics vào chế độ điều trị của họ.
- Các mẹ mang thai hoặc đang trong quá trình cho con bú thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng để tránh các phản ứng không mong muốn.
- Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, các mẹ cần tham khảo lời khuyên của bác sĩ việc sử dụng men vi sinh probiotics lâu dài.
11/ Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nên được bổ sung probiotics từ sớm?
Một số nghiên cứu đã cho thấy được nhiều lợi ích mà vi khuẩn probiotic mang lại cho trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh như:
- Lợi khuẩn probiotic giúp cải thiện tình trạng khóc đêm ở trẻ sơ sinh.
- Giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả, làm giảm thiểu các tình trạng khó tiêu, đầy bụng, tiêu chảy, táo bón, phân sống ở trẻ.
- Bên cạnh đó việc bổ sung probiotics sẽ giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.
- Ngoài ra, lợi khuẩn probiotic còn giúp bảo vệ cơ thể thông qua việc kích thích cơ thể tiết ra kháng thể chống lại các tác nhân có hại từ môi trường bên ngoài (vi khuẩn, vi rút), tăng cường sức đề kháng của trẻ.
Chính những lợi ích trong, việc bổ sung probiotics cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là cực kì cần thiết. Bên cạnh việc cân bằng nhu cầu dinh dưỡng hằng ngày của trẻ, các mẹ cũng cần chú trọng bổ sung lợi khuẩn cho trẻ thông qua các loại thực phẩm như sữa chua, phô mai,… hay cho trẻ sử dụng các loại men vi sinh. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm probiotics, do đó các mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc bổ sung probiotics cho trẻ sao cho phù hợp cũng như hỏi thêm ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng về liều lượng probiotics cần bổ sung cho trẻ. Từ đó, xây dựng cho trẻ chế độ ăn uống một cách hợp lý.
>>> Xem bài viết: Lợi khuẩn sống, gắn đích – Chìa khóa vàng cho sức khỏe của bé
12/ Hướng dẫn bổ sung probiotics đúng cách khi điều trị kháng sinh
Kháng sinh là những chất chuyển hóa từ vi sinh vật hoặc được tổng hợp. Ở liều nhỏ các chất này có tác dụng ức chế sự phát triển và sống sót của vi sinh vật. Thuốc kháng sinh được chỉ định trong trường hợp cơ thể bị nhiễm khuẩn.
Trong quá trình điều trị kháng sinh, mọi người cần lưu ý cách bổ sung probiotics sao cho phù hợp.
Kháng sinh sẽ không phân biệt được vi khuẩn nào có lợi hay vi khuẩn nào có hại. Nó sẽ tiêu diệt tất cả. Do đó, trong các trường hợp nhiễm khuẩn, sử dụng kháng sinh đôi khi sẽ gây nên tình trạng rối loạn tiêu hóa do sự mất cân bằng hệ vi sinh vật trong đường ruột. Lúc này, bổ sung probiotics sẽ giúp cân bằng lại hệ vi khuẩn đường ruột, làm giảm thiểu tác dụng phụ của kháng sinh. Tuy nhiên, mọi người cần chú ý nên bổ sung probiotics cách xa thời điểm sử dụng kháng sinh 3-4 giờ để đảm bảo hiệu quả.
13/ Các yêu cầu của 1 chế phẩm probiotics trên lâm sàng
Một chế phẩm probiotic phải đảm bảo được các tiêu chuẩn sau:
- Về mặt an toàn: Vi khuẩn probiotic phải có nguồn gốc rõ ràng, được định danh, được FDA công nhận về tính an toàn và hiệu quả đối với cơ thể, không đề kháng với kháng sinh.
- Về công nghệ: Chế phẩm có đặc tính lên men ổn định, tồn tại được trong điều kiện bảo quản thích hợp.
- Về mặt chức năng: Vi khuẩn probiotic phải sống được trong dịch sinh học của cơ thể (dịch dạ dày, dịch ruột, dịch mật), có khả năng bám dính tốt và khu trú trên biểu mô ruột. Chế phẩm phải bảo toàn được mật độ của vi khuẩn probiotic khi đưa vào cơ thể ở một khoảng quy định để đảm bảo nó sẽ phát huy hiệu quả tối đa đối với cơ thể.
>>> Xem bài viết: 5 lý do Imiale được các chuyên gia y tế và mẹ tin dùng
14/ Những món ăn giàu lợi khuẩn nên bổ sung hàng ngày
Sữa chua
Sữa chua là chế phẩm đã được lên men từ sữa có chứa axit lactic và bifidobacteria. Nó được xem là một trong những nguồn cung cấp lợi khuẩn Probiotic tốt cho sức khỏe. Việc ăn sữa chua hằng ngày sẽ giúp hệ tiêu hóa hoạt động một cách hiệu quả hơn.
Đậu nành lên men
Đậu nành lên men rất giàu protein và vitamin K2. Việc sử dụng đậu nành lên men làm giảm thiểu nguy cơ loãng xương và mắc một số bệnh về tim mạch. Bên cạnh đó, trong đậu nành lên men còn có chứa Bacillus subtilis. Đây là một chủng vi khuẩn có lợi đối với đường ruột.
Rau, củ lên men
Trong các loại rau củ lên men như: dưa cải, kim chi,… có chứa lợi khuẩn Lactobacillus. Nó giúp cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng, tiêu diệt các vi sinh vật có hại trong đường ruột.
Các loại ngũ cốc nguyên hạt
Các ngũ cốc nguyên hạt không chứa Probiotic mà nó chứa Prebiotic, việc bổ sung prebiotic sẽ giúp nuôi dưỡng các lợi khuẩn có ở ruột, tạo điều kiện cho chúng phát triển tốt.
Kombucha
Kombucha hay còn gọi là trà nấm thủy sâm, một thức uống được lên men từ trà xanh hay trà đen. Nó được coi là nguồn bổ sung lợi khuẩn tốt cho cơ thể.
Phô mai
Trong phô mai có rất nhiều protein, khoáng chất (canxi, photpho, selen,…) và vitamin (A, D, B12,…) tốt cho sức khỏe. Việc sử dụng phomai giúp mang lại nhiều lợi ích trên sức khỏe như ngăn ngừa loãng xương, phòng ngừa các bệnh tim mạch. Bên cạnh đó, phomai cũng rất giàu lợi khuẩn. Chính vì vậy, bổ sung phô mai sẽ giúp hệ tiêu hóa hoạt động một cách tốt hơn, cân bằng hệ vi sinh vật trong đường ruột và tăng sức đề kháng của cơ thể.
Bài viết trên cung cấp các kiến thức cần thiết về men vi sinh – probiotics. Mong rằng bạn đọc đã hiểu được tác dụng cũng như các phương pháp hiệu quả để bổ sung lợi khuẩn cho cơ thể. Nếu còn thắc mắc về các bệnh lý tiêu hóa cũng như lợi khuẩn sống cho trẻ sơ sinh, bạn hãy liên hệ ngay tới hotline 1900 9482 để được chuyên gia Imiale hỗ trợ nhanh nhất.