Nuôi con bằng sữa mẹ là sự khởi đầu tốt nhất cho sự phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần của trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, nó còn giúp trẻ phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng, dị ứng, suy dinh dưỡng,…Tuy vậy, không phải bà mẹ nào có cách nuôi con bằng sữa mẹ đúng. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu 10 kinh nghiệm nuôi con bằng sữa mẹ được đúc kết thông qua bài viết này.
Mục lục
- 1. Tầm quan trọng của nuôi con bằng sữa mẹ
- 2. Thành phần dinh dưỡng của sữa mẹ
- 3. Vai trò của sữa mẹ với sức khỏe của trẻ
- 4. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình nuôi con bằng sữa mẹ
- 5. Tần suất bú và thời gian bú của trẻ theo thời gian
- 6. Các thực phẩm lợi sữa cho mẹ sau sinh
- 7. Tránh một số yếu tố làm mất sữa mẹ
- 8. Cách dự trữ và bảo quản sữa mẹ dư thừa
- 9. Nên nuôi con bằng sữa mẹ trong bao lâu?
- 10. Tổng kết
1. Tầm quan trọng của nuôi con bằng sữa mẹ
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho sự phát triển của trẻ trong những tháng đầu đời. Việc nuôi con bằng sữa mẹ có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của mẹ và bé.
1.1. Đối với sức khỏe của trẻ
Nuôi con bằng sữa mẹ giúp trẻ phát triển tốt
Với thành phần dinh dưỡng đa dạng, giàu yếu tố miễn dịch (kháng thể, interferon, lactoferrin,…) và yếu tố tăng trưởng, việc nuôi con bằng sữa mẹ là giải pháp tối ưu, cung cấp đầy đủ dưỡng chất nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần.
Nuôi con bằng sữa mẹ giúp làm giảm tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ
Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng việc nuôi con bằng sữa mẹ giúp trẻ ngăn ngừa, làm giảm một số bệnh như:
- Viêm ruột hoại tử: Trong sữa mẹ có chứa NEUREGULIN-4. Đây là một trong những yếu tố phòng ngừa viêm ruột hoại tử ở trẻ.
- Tiêu chảy: Theo WHO, nuôi con bằng sữa mẹ giúp làm giảm tình trạng tiêu chảy ở trẻ. Cụ thể: Tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy ở trẻ không bú mẹ cao gấp 2 lần so với trẻ bú mẹ.
- Viêm tai giữa, viêm màng não do vi rút Haemophilus Influenzae, nhiễm trùng đường tiểu đường: Trẻ bú mẹ ít mắc các bệnh này hơn hoặc khi mắc thường nhẹ hơn so với trẻ không bú mẹ.
- Hen suyễn, dị ứng, bệnh Celiac (không dung nạp gluten), viêm loét dạ dày tá tràng, đái tháo đường tuýp I (do sự thiếu hụt hormon insulin trong máu), béo phì, bệnh tim mạch,…: Trẻ không bú mẹ có nguy cơ mắc các bệnh này cao hơn.
1.2. Đối với sức khỏe mẹ
- Giúp mẹ co hồi tử cung tốt.
- Dự phòng tình trạng băng huyết sau sinh: Khi trẻ bú mẹ sẽ kích thích thùy sau tuyến yên tiết ra hormon oxytocin làm tăng tiết sữa mẹ. Bên cạnh đó nó còn tác dụng lên các cơ tử cung giúp cầm máu ngay sau sinh.
- Giảm nguy cơ ung thư buồng trứng và ung thư vú.
- Giúp mẹ giảm cân nhanh hơn bởi vì cho con bú tiêu hao năng lượng.
- Làm người mẹ chậm có thai.
Nuôi con bằng sữa mẹ giúp gắn kết tình mẹ con: Nuôi con bằng sữa mẹ giúp mẹ và bé trở nên gần gũi hơn, giúp mẹ giảm căng thẳng và trầm cảm sau sinh.
Nuôi con bằng sữa mẹ mang lại hiệu quả kinh tế: Trẻ bú mẹ tốn ít chi phí hơn trẻ không bú mẹ, không cần phải pha chế, tiết kiệm thời gian và tiền bạc.
Thêm vào đó, nuôi con bằng sữa mẹ còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm chi phí hơn khi nuôi con bằng sữa công thức hay các loại thức ăn khác. Với những lợi ích trên, mong rằng các mẹ sẽ có cách nuôi con bằng sữa mẹ phù hợp nhằm giúp trẻ phát triển tốt.
2. Thành phần dinh dưỡng của sữa mẹ
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng thiết yếu giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Với tỷ lệ thích hợp các dưỡng chất như protein, glucid, lipid, vitamin và khoáng chất,… cung cấp đầy đủ năng lượng, nhờ vậy mà các hoạt động hấp thu và chuyển hóa cơ thể trẻ diễn ra một cách bình thường, khỏe mạnh.
Sữa mẹ có hai loại là sữa non và sữa ổn định.
- Sữa non được bài tiết ngay sau sinh. Sữa non thường sánh đặc, có màu vàng nhạt. Thành phần dinh dưỡng của sữa non rất đa dạng: protein, lipid, glucid, vitamin A,…Đặc biệt trong sữa non có chứa hàm lượng lớn kháng thể IgA tiết (sIgA), IgM và IgG. Các globulin này có vai trò quan trọng, giúp bảo vệ hàng rào miễn dịch của trẻ trong những tháng đầu đời.
- Sữa ổn định được bài tiết vài ngày sau khi sinh, có màu trắng trong hoặc trắng đục, được duy trì trong suốt quá trình nuôi con. Các thành phần trong sữa ổn định cân đối về hàm lượng, giúp trẻ hấp thu một cách dễ dàng.
Thành phần có trong sữa mẹ:
- Acid béo: axit linoleic và axit alpha-linolenic cần thiết cho sự phát triển não bộ, mắt và sự bền vững về thành mạch của trẻ, giúp trẻ dễ tiêu hóa.
- Lactose trong sữa mẹ cung cấp nguồn năng lượng cho trẻ. Bên cạnh đó, sau khi vào ruột được lên men tạo thành acid lactic giúp hấp thu vitamin và muối khoáng tốt hơn.
- Oligosaccharide – là nguồn dinh dưỡng cho vi khuẩn đường ruột, tạo điều kiện cho chúng tăng sinh và phát triển, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Bên cạnh đó các vi khuẩn đường ruột còn giúp tổng hợp các chất dinh dưỡng thiết yếu như vitamin B12, B6, folate và vitamin K.
- Lactoferrin là một protein có ái lực với sắt, yếu tố bảo vệ trẻ chống lại sự nhiễm trùng ruột.
- Lysozyme: Hàm lượng trong sữa mẹ cao gấp 1000 lần so với sữa bò, tham gia bảo vệ hệ thống miễn dịch của trẻ chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, vi rút,…
Trong mỗi cữ bú, sữa mẹ được chia thành 2 phần: Sữa đầu và sữa sau
- Sữa đầu chứa chủ yếu là lactose, nước, vitamin và khoáng chất cho trẻ.
- Sữa sau có hàm lượng protein và chất béo cao hơn sữa đầu, là nguồn cung cấp năng lượng chính cho các hoạt động của trẻ.
3. Vai trò của sữa mẹ với sức khỏe của trẻ
Sữa mẹ được xem là nguồn thức ăn hoàn chỉnh cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong những năm tháng đầu đời, cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Vai trò của sữa mẹ đối với sức khỏe của trẻ được nêu rõ như sau:
3.1. Cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ
Sữa mẹ có thành phần dinh dưỡng đa dạng với tỷ lệ thích hợp, cung cấp đầy đủ năng lượng cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
3.2. Cung cấp vitamin và khoáng chất
Vitamin và khoáng chất là những yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo, duy trì, thúc đẩy các quá trình chuyển hóa trong cơ thể trẻ diễn ra một cách bình thường và khỏe mạnh.
- Vitamin A tham gia vào cấu tạo nên sắc tố thị giác (rhodopsin), kích thích biệt hóa tế bào biểu mô, sinh tiết chất nhầy,…
- Vitamin C giúp tăng sức đề kháng, bảo vệ thành mạch.
- Vitamin E bảo vệ màng hồng cầu ổn định, là một chất chống oxy hóa kết hợp với vitamin C bảo vệ tế bào khỏi sự tấn công của các gốc tự do có trong cơ thể, ngăn ngừa ung thư.
- Các khoáng chất như canxi, photpho tham gia cấu tạo nên xương và răng. Sắt tham gia cấu tạo nên hemoglobin, vận chuyển oxy đến các tế bào,…
>> Xem thêm: Vai trò quan trọng của vitamin và khoáng chất đối với sức khỏe của trẻ
3.3. Giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần
Yếu tố tăng trưởng giống insulin (IGF 1) được tìm thấy trong sữa non có khả năng tự thúc đẩy sự phát triển của cơ bắp, tăng tổng hợp protein, dẫn đến tăng khối lượng cơ thể. Bên cạnh nguồn dưỡng chất (protein, lactose,…) thiết yếu, trong sữa mẹ còn chứa DHA (acid docosahexaenoic – sản phẩm chuyển hóa của acid linoleic), MFGM (màng cầu chất béo) tham gia cấu tạo nên chất dẫn truyền thần kinh, giúp trí não trẻ phát triển toàn diện.
3.4. Phòng ngừa các bệnh dị ứng, nhiễm trùng, tiêu chảy, đái tháo đường tuýp I,…ở trẻ
Nhiều tài liệu nuôi con bằng sữa mẹ đã chỉ ra rằng việc cho trẻ bú mẹ giúp giảm thiểu các bệnh trên nhờ vào
- Yếu tố miễn dịch: Các globulin miễn dịch IgA, IgG, IgM bảo vệ cơ thể tránh khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn, vi rút,…hay các chất kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn, vi rút và tham gia vào các phản ứng viêm như: actenin, lactoferrins, lysozyme và bạch cầu.
- Protein giàu proline (PRP) giúp hỗ trợ, làm giảm hoặc ngăn ngừa dị ứng. Ngoài ra, nó giúp giảm đau, sưng tấy khi bị viêm.
3.5. Hỗ trợ phòng ngừa tiêu chảy
Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng lactoferrin có trong sữa mẹ giúp ngăn ngừa tình trạng tiêu chảy do kháng sinh, do nhiễm virus Rota và Salmonella Typhi, tiêu chảy do nhiễm khuẩn E.coli,…
>> Xem thêm: Hướng dẫn điều trị tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ em
4. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình nuôi con bằng sữa mẹ
Quá trình nuôi con bằng sữa mẹ thường chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố, do đó các mẹ cần chú ý để giúp trẻ có thể tiếp nhận sữa mẹ một cách tốt nhất.
4.1. Tiếp xúc kề da 2 giờ đầu sau sinh
Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình nuôi con bằng sữa mẹ là việc tiếp xúc da kề da giữa mẹ và bé 2 giờ sau sinh. Điều này sẽ giúp việc tiết sữa thành công do khi trẻ ngậm núm vú mẹ, các xung động cảm giác sẽ được truyền đến
- Thùy trước tuyến yên, giải phóng hormon prolactin, kích thích tuyến vú tăng tiết sữa.
- Thùy sau tuyến yên, giải phóng hormon oxytocin, kích thích các cơ ở tuyến vú co bóp, đẩy sữa ra ngoài.
4.2. Hướng dẫn trẻ ngậm núm vú đúng cách
Bên cạnh quá trình tiết sữa mẹ quan thì yếu tố ảnh hưởng đến việc nuôi con bằng sữa mẹ có thành công hay không phải kể đến đó là việc ngậm núm vú của trẻ. Điều này quyết định đến lượng sữa trẻ nhận được.
- Trẻ ngậm núm vú đúng cách khi:
- Miệng trẻ mở rộng.
- Môi dưới của trẻ hướng ra ngoài.
- Cằm của trẻ chạm vào bầu vú mẹ.
- Ta nhìn thấy phần quầng vú ở phía trên miệng trẻ nhiều hơn ở phía dưới.
Trẻ ngậm bắt núm vú không tốt khi:
- Môi dưới của trẻ mím vào.
- Má trẻ căng hoặc lõm khi bú.
- Cằm của trẻ không chạm vào bầu vú.
- Môi dưới trẻ mím vào.
- Miệng trẻ không mở rộng.
4.3. Tư thế bú của trẻ
Tư thế bú của trẻ cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến việc nuôi con bằng sữa mẹ. Các mẹ có thể cho trẻ bú ở nhiều tư thế khác nhau (ngồi, nằm, đứng,…) song cần giữ trẻ thoải mái (đầu và thân thẳng, mặt hướng về phía vú), để miệng trẻ sát ngay núm vú.
Các mẹ đợi trẻ há miệng rộng, sau đó chuyển nhanh núm vú vào miệng trẻ để giúp trẻ ngậm sâu đến tận phần quầng vú. Trẻ mút vú tốt nhất là khi mút chậm, sâu và có khoảng nghỉ.
Cách nuôi con bằng sữa mẹ sẽ mang đến hiệu quả cao khi tư thế bú của trẻ đúng. Để trẻ hấp thu được nhiều sữa thì:
- Tư thế cho bú của mẹ phải thật thoải mái: Cần dùng gối hoặc chăn kê dưới đầu (trường hợp nằm) hoặc kê dưới cánh tay (trường hợp ngồi). Nếu các mẹ nằm ngửa thì phải đảm bảo đầu và vai được đỡ cao. Theo kinh nghiệm nuôi con bằng sữa mẹ của nhiều người thì tư thế nằm nghiêng là tư thế thoải mái nhất khi cho con bú.
- Tư thế trẻ: Đặt trẻ sao cho đầu và thân trẻ trên một đường thẳng, mặt trẻ hướng vào vú mẹ, mũi trẻ đối diện với núm vú, toàn thân trẻ phải được bế đỡ hoàn toàn.
4.4. Giải quyết vấn đề tâm lý của người mẹ
Tâm lý của mẹ cũng ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình nuôi con bằng sữa mẹ. Người mẹ căng thẳng, mệt mỏi sẽ khiến sữa ít được tiết ra, không đủ lượng sữa cung cấp cho trẻ.
Do đó, các mẹ cần giữ cho tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng, lo âu để đảm bảo cung cấp đầy đủ lượng sữa hằng ngày cho trẻ. Để có tâm lý thoải mái, tránh hiện tượng trầm cảm sau sinh, các mẹ có thể tâm sự, trò chuyện nhiều hơn với người nhà, nghe nhạc hoặc đi lại, vận động nhiều hơn,…
4.5. Vấn đề nứt núm vú ở người mẹ
Yếu tố ảnh hưởng đến quá trình nuôi con bằng sữa mẹ không thể không kể đến đó chính là hiện tượng nứt núm vú ở người mẹ.
- Khi núm vú của người mẹ bị nứt, rất dễ nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, khi cho con bú người mẹ cũng rất đau.
- Để tránh hiện tượng nứt núm vú thì sau khi cho trẻ bú xong, các mẹ nên thoa một ít sữa lên đầu núm vú vì sữa mẹ có đặc tính kháng viêm và kháng khuẩn hoặc bôi một ít lanolin (sáp màu vàng, có mùi đặc trưng).
4.6. Sử dụng thuốc ở bà mẹ đang cho con bú
Việc các mẹ sử dụng thuốc trong quá trình cho con bú có thể ảnh hưởng đến trẻ. Do đó, khi đang trong thời kỳ cho con bú, nếu các mẹ muốn sử dụng thuốc thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
- Các thuốc đi qua sữa mẹ là những thuốc có tính kiềm yếu như adrenaline, metoprolol, codeine,…
- Một số thuốc có thể làm tăng tiết sữa như: Metoclopramide, methyldopa, theophylline,…
- Theo tài liệu nuôi con bằng sữa mẹ, những thuốc cần tránh khi đang cho con bú là thuốc chống ung thư (Doxorubicin, cyclophosphamide, methotrexate,…), thuốc tác động lên thần kinh trung ương (Amphetamine, heroin, cocaine,…).
5. Tần suất bú và thời gian bú của trẻ theo thời gian
Theo nhiều tài liệu nuôi con bằng sữa mẹ, tần suất bú và thời gian bú sẽ thay đổi theo độ tuổi và nhu cầu của trẻ.
- Vào những tuần đầu tiên của cuộc đời, các mẹ nên cho trẻ bú theo nhu cầu (khi trẻ đói).
- Thông thường, trẻ bú 8-12 lần/ ngày trong khoảng tháng đầu tiên do sữa mẹ dễ tiêu hóa nên trẻ thường nhanh đói. Bên cạnh đó, việc cho trẻ bú thường xuyên còn giúp kích thích tăng tiết sữa.
- Khi trẻ được 1–2 tháng tuổi, trẻ có thể sẽ bú 7–9 lần một ngày.
- Trẻ sơ sinh có thể bú đến 20 phút hoặc lâu hơn trên một hoặc cả hai vú. Khi trẻ lớn hơn, trẻ quen với bú mẹ nên thời gian bú sẽ ngắn hơn (mất khoảng 5–10 phút cho mỗi lần bú), thường theo giờ cố định và mỗi cử bú cách nhau 2-3 giờ.
Ngoài việc thay đổi theo độ tuổi và nhu cầu thì thời gian trẻ bú còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Lượng sữa của mẹ nhiều hay ít.
- Sữa được tiết ra nhanh hay chậm.
- Cách ngậm núm vú của trẻ.
- Một số yếu tố khác như trẻ buồn ngủ, trẻ mất tập trung khi bú, trẻ nuốt chậm,…
6. Các thực phẩm lợi sữa cho mẹ sau sinh
Để việc nuôi con bằng sữa mẹ mang lại hiệu quả cao, cung cấp đầy đủ sữa đảm bảo cho nhu cầu phát triển của trẻ thì các mẹ cần phải có chế độ dinh dưỡng một cách hợp lý. Sau đây là một số loại thực phẩm lợi sữa gợi ý cho các mẹ:
Thịt heo
Đây là loại thực phẩm phổ biến trong thực đơn dinh dưỡng hằng ngày của các mẹ, chế biến đơn giản, có thể nấu được nhiều món, chứa nhiều chất dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, giá cả phù hợp. Móng giò heo có chứa nhiều collagen, thúc đẩy quá trình làm lành, hoàn thiện cấu trúc mô cơ, góp phần phục hồi sức khỏe sau sinh.
Thịt thăn bò
Một trong những thực phẩm lợi sữa cần kể đến là thịt bò. Bên cạnh việc chứa hàm lượng protein cao, thịt bò còn giàu vitamin B12 (giúp ổn định chức năng của hệ thần kinh), tham gia vào quá trình tạo máu của cơ thể, nhờ vậy sức khỏe sau sinh được cải thiện.
Cá
Bên cạnh việc giàu chất đạm thì cá còn là loại thực phẩm giàu omega 3, DHA. Các mẹ nên bổ sung vào chế độ dinh dưỡng hằng ngày để giúp trí não trẻ phát triển toàn diện.
Đu đủ
Theo kinh nghiệm nuôi con bằng sữa mẹ của ông bà ta, đu đủ chín nấu với móng giò heo là món ăn lợi sữa cho các mẹ. Đu đủ rất giàu vitamin và khoáng chất như vitamin A, B1, B2, C, sắt, magie, kẽm,…Ngoài ra, chất papain có trong đu đủ giúp dễ tiêu hóa và ức chế sự phát triển của vi khuẩn salmonella, tụ cầu,…
Khoai lang
Đây cũng là loại thực phẩm lợi sữa cho các mẹ, cung cấp nhiều chất xơ hòa tan, giúp mẹ dễ tiêu hóa.
Các loại đậu
Các loại đậu rất giàu chất dinh dưỡng như chất xơ, protein, vitamin, khoáng chất,… Đặc biệt, folate có trong các loại đậu giúp cho màng tế bào hồng cầu khỏe mạnh.
Hoa quả tươi
Sau khi sinh, các mẹ cần bổ sung các loại hoa quả tươi vào thực đơn dinh dưỡng hằng ngày. Bên cạnh việc cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ thì ăn hoa quả tươi hằng ngày còn giúp cải thiện sức khỏe làn da của mẹ.
Rau xanh
Ăn nhiều xanh giúp cung cấp vitamin và chất xơ cần thiết, cải thiện được tình trạng táo bón sau sinh.
Uống nhiều nước
Việc uống nhiều nước giúp cho các quá trình chuyển hóa trong cơ thể diễn ra bình thường, khỏe mạnh. Đặc biệt, cung cấp đủ nước cho trẻ vì phần lớn nước ở trẻ sơ sinh đều nhận được từ sữa mẹ (sữa đầu ở mỗi cữ bú).
7. Tránh một số yếu tố làm mất sữa mẹ
Trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ, các mẹ cần lưu ý các yếu tố sau để tránh làm mất sữa mẹ.
- Việc các mẹ buồn phiền, lo lắng rất dễ làm mất sữa mẹ do ức chế tuyến yên, giảm tiết prolactin, giảm sản xuất sữa.
- Người mẹ bị thiếu máu, suy dinh dưỡng cũng ảnh hưởng đến việc tiết sữa (lượng sữa tiết ít hoặc mất sữa).
- Mẹ lao động nặng, cơ thể mệt mỏi khiến lượng sữa tiết ra ít, không đủ cho nhu cầu bú của trẻ, lâu dần dẫn đến mất sữa.
- Mẹ sử dụng các thuốc ức chế sự tiết sữa như: Aspirine, kháng sinh, thuốc chống dị ứng,…
- Mẹ quá trẻ, tuyến vú chưa trưởng thành, tiết sữa kém.
- Việc cho trẻ bú chậm sau khi sinh khoảng 2-3 ngày cũng là một trong những yếu tố khiến sữa tiết ra ít hoặc mất sữa.
8. Cách dự trữ và bảo quản sữa mẹ dư thừa
Việc nuôi con bằng sữa mẹ mang đến nhiều lợi ích trong quá trình phát triển của trẻ. Thực tế hiện nay, người bà mẹ thường bận rộn với công việc, không có thời gian cho con bú. Do đó, họ thường vắt sữa ra để cho con bú. Vậy làm thế nào để dự trữ cũng như bảo quản đúng cách?
8.1. Cách vắt sữa mẹ
- Các mẹ cần rửa tay và dụng cụ đựng sữa thật sạch trước khi tiến hành vắt sữa.
- Tiếp theo, kích thích sữa tiết ra bằng cách dùng xoa bóp xung quanh bầu vú và núm vú, dùng tay ấn nhẹ vào vú hoặc sử dụng dụng cụ để hút sữa mẹ.
- Sau đó, ghi nhãn trên dụng cụ đựng sữa (lưu ý ghi ra ngày, giờ lấy sữa) và tiến hành bảo quản.
8.2. Cách bảo quản sữa mẹ
Các chuyên gia dinh dưỡng của học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị rằng: Sữa mẹ dư thừa trong mỗi cữ bú chỉ nên sử dụng trong vòng 2 giờ. Nếu các mẹ nhanh chóng bỏ tủ lạnh thì có thể sử dụng trong lần bú tiếp theo.
Thông thường sữa mẹ sau khi vắt bảo quản ở nhiệt độ phòng trong vòng 4 giờ (thời gian có thể dài tới 6-8 giờ nếu quá trình vắt sữa đảm bảo vệ sinh). Tuy nhiên, khuyến khích các mẹ bảo quản lạnh càng sớm càng tốt.
- Sữa mẹ bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh (khoảng 4OC) có thời gian sử dụng lên tới 8 ngày, tốt nhất vẫn nên sử dụng trong vòng 4 ngày.
- Trường hợp không sử dụng sữa mẹ trong 24 giờ, các mẹ nên làm đông sữa mẹ.
- Sữa mẹ bảo quản ở nhiệt độ (0 OF hoặc -18 OC), thời gian sử dụng có thể lên tới 9 tháng.
- Sữa mẹ bảo quản ở nhiệt độ (-4 OF hoặc -20 OC), thời gian sử dụng có thể lên tới 12 tháng.
>> Xem thêm: 7 nguyên tắc bảo quản sữa mẹ đúng cách
9. Nên nuôi con bằng sữa mẹ trong bao lâu?
Nuôi con bằng sữa mẹ là sự khởi đầu tốt nhất cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nên nuôi con bằng sữa mẹ trong thời gian bao lâu?
- Theo các tài liệu nuôi con bằng sữa mẹ của viện dinh dưỡng quốc gia, các chuyên gia khuyến khích nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu nhằm giúp trẻ phát triển khỏe mạnh, phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng, tiêu chảy,…
- Trong vòng 6 tháng đầu này, các mẹ không cần phải bổ sung bất kỳ chất lỏng nào (sữa công thức hay thức ăn khác, kể cả nước) vì các dưỡng chất có trong sữa mẹ đủ cung cấp cho nhu cầu của trẻ, giúp trẻ phát triển tốt. Ngoài ra, việc cho trẻ sử dụng thức ăn khác đôi khi còn tăng nguy cơ mắc bệnh ở trẻ do hệ cơ quan và các chức năng của trẻ chưa phát triển toàn diện.
- Tuy nhiên trong một số trường hợp, người mẹ không đủ sữa để cung cấp cho trẻ. Các mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc sử dụng sữa công thức cho trẻ. Lưu ý nên lựa chọn sữa có tỷ lệ các thành phần tương đương với sữa mẹ để giúp trẻ dễ hấp thu hơn.
10. Tổng kết
- Nuôi con bằng sữa mẹ là biện pháp tối ưu, mang lại hiệu quả cao trong quá trình sinh trưởng và phát triển của trẻ.
- Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh do các bệnh thông thường ở trẻ em như tiêu chảy, viêm phổi, làm giảm tình trạng dị ứng, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường tuýp I ở trẻ,…. Bên cạnh đó, việc nuôi con bằng sữa mẹ còn giúp cải thiện tình trạng sức khỏe sau sinh ở người mẹ (giảm nguy cơ ung thư vú và buồng trứng, cầm máu sau sinh, làm chậm có thai,…).
- Với thành phần dinh dưỡng đa dạng, phong phú (giàu protein, lipid, glucid, các yếu tố tăng trưởng và miễn dịch, nuôi con bằng sữa mẹ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe ngắn hạn và dài hạn cho cả em bé và mẹ. Ngoài những lợi ích trước mắt thì việc cho con bú còn góp phần mang lại sức khỏe tốt suốt đời.
- Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị các mẹ nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu của thai kỳ để đảm bảo trẻ phát triển một cách toàn diện nhất. Trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ, các mẹ cần tránh để tâm trạng căng thẳng, lo âu, hạn chế lao động nặng, … để sữa mẹ được tiết ra đều đặn, đảm bảo đủ nhu cầu bú mẹ hằng ngày của trẻ. Bên cạnh đó, một số bà mẹ bận rộn trong công việc cần lưu ý cách dự trữ và bảo quản sữa để đảm bảo nguồn sữa trẻ nhận được an toàn và chất lượng.