Trẻ còi xương, chậm phát triển, hay bị sâu răng có thể nghi ngờ đến các dấu hiệu thiếu vitamin D3. Vậy vitamin D3 là gi? Liệu có thật sự cần thiết bổ sung vitamin D3 cho trẻ? Nếu bổ sung thì cần bổ sung với liều lượng như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp đầy đủ 7 băn khoăn của mẹ khi bổ sung vitamin D3 cho trẻ đúng cách.
Mục lục
- 1. Vitamin D3 là gì?
- 2. Vai trò của vitamin D3 đối với sức khỏe của trẻ
- 3. Trẻ sơ sinh có thật sự cần bổ sung vitamin D3
- 4. Liều lượng và lưu ý khi bổ sung vitamin D3
- 5. Nguồn thực phẩm chứa nhiều vitamin D3
- 6. Lưu ý về độc tính của vitamin D3 khi dùng quá liều
- 7. Bổ sung vitamin D3 như thế nào là đúng cách
- Kết luận
1. Vitamin D3 là gì?
Vitamin D hay calciferol là loại vitamin tan trong dầu, có thể tự tổng hợp ở trong cơ thể hoặc bổ sung từ thực phẩm bên ngoài. Vitamin D bao gồm một nhóm từ vitamin D1 cho đến D5, trong đó vitamin D2 và D3 phổ biến và có hoạt tính mạnh nhất
Có 2 nguồn chính để tổng hợp vitamin D3 như:
- Tổng hợp qua da nhờ ánh sáng mặt trời. Khi ánh sáng chiếu vào làn da, bức xạ tia cực tím B (UVB) từ ánh sáng mặt trời kích hoạt sự hình thành vitamin D3 từ hợp chất 7-dehydrocholesterol trong da.
- Tổng hợp từ nguồn bổ sung từ một số thực phẩm có nguồn gốc động vật như dầu gan cá, lòng đỏ trứng hoặc các thực phẩm chức năng bổ sung.
2. Vai trò của vitamin D3 đối với sức khỏe của trẻ
Vitamin D3 có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, một số vai trò có thể kể đến như:
- Chức năng chính của vitamin D3 là làm tăng khả năng hấp calci vào thành ruột, giúp gắn kết calci vào xương. Vitamin D3 còn được tái hấp thu ở thận, đảm bảo thận được thận giữ lại canxi khi cần thiết, đóng vai trò quan trong quá trình calci hoá sụn tăng trưởng.
- Tạo nên cấu trúc xương, răng vitamin D đảm bảo quá trình calci hóa xương, kích thích tạo cốt bào. Do đó, bổ sung vitamin D sẽ giúp xương chắc khỏe và ngăn ngừa bệnh còi xương, chân bị vòng kiềng, hai đầu gối khuỳnh vào nhau (Knock knees) và yếu xương.
- Giúp tăng trưởng tế bào, hỗ trợ chức năng thần kinh: Vitamin D3 giúp nâng cao canxi huyết tương lên mức bình thường. Từ đó giúp ích cho hoạt động của các đoạn nối thần kinh – cơ cũng như giãn mạch, dẫn truyền thần kinh và bài tiết nội tiết tố.
- Chức năng miễn dịch: Theo một số nghiên cứu, các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng một số thụ thể của vitamin D có mặt trong tế bào trong hệ thống miễn dịch như tế bào sừng biểu bì, tế bào T hoạt hóa, tế bào trình diện kháng nguyên, đại thực bào và bạch cầu đơn nhân,… Ví dụ, khi chuyển đổi dạng của 25 OH – D (dạng tiền chất của vitamin D ở gan) thành hoạt chất, calcitriol trong bạch cầu đơn nhân hoặc đại thực bào được hoạt hóa. Hệ thống miễn dịch tế bào được kích hoạt bằng cách kích thích sản xuất cathelicidin, một peptit chống vi khuẩn có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, đặc biệt là Mycobacterium tuberculosis (vi khuẩn gây ra bệnh Lao)
- Giúp tăng cường protein tạo xương giúp khả năng thăng bằng của cơ thể tốt hơn, hạn chế được việc bé hay bị té ngã.
3. Trẻ sơ sinh có thật sự cần bổ sung vitamin D3
Theo các chuyên gia, trẻ sơ sinh cần khoảng 400 IU vitamin D3 mỗi ngày. Đến khi trẻ 1 tuổi có thể duy trì mức 400 IU và giữ nguyên cho tới khi trẻ trưởng thành. Khi trẻ sinh ra, đã có một lượng vitamin D3 chủ yếu được truyền từ mẹ sang thai nhi trong quá trình mang thai nhưng nó ở mức độ hạn chế. Nên việc bổ sung D3 cho trẻ sơ sinh rất cần thiết, nó mang lại nhiều lợi ích như:
3.1. Giúp xương chắc khỏe hơn
Vitamin D nói chung và vitamin D3 nói riêng có vai trò rất quan trọng trong quá trình tạo xương nhờ tác dụng chuyển hóa các chất vô cơ mà chủ yếu là canxi và phosphat. Loại vitamin này làm tăng hấp thu canxi và phosphat ở ruột, tăng tái hấp thu canxi ở ống thận và tham gia vào quá trình canxi hóa sụn tăng trưởng. [1]
Bên cạnh đó, nó còn có vai trò điều hòa nồng độ canxi trong máu luôn hằng định. Khi thiếu vitamin D, ruột không hấp thu đủ canxi và phospho làm canxi máu giảm, khi đó, canxi bị huy động từ xương ra để ổn định nồng độ canxi trong máu. Ở trẻ em, nếu thiếu hụt vitamin D, trẻ có nguy cơ bị còi xương, sụn không thể trưởng thành và khoáng hóa xương khiến to đầu các xương dài, xuất hiện các chuỗi hạt sườn, có thể các biến dạng cấu trúc xương, bao gồm các biến dạng xương sọ và biến dạng các chi dưới, gây ra tình trạng chân vòng kiềng và đầu gối gõ.
Ngoài ra, Vitamin D3 giúp xương hấp thụ calci hiệu quả hơn, từ đó giúp xương chắc khỏe nên khả năng thăng bằng cơ thể của trẻ sơ sinh tốt hơn, hỗ trợ phát triển chiều cao.
3.2. Tăng cường hệ miễn dịch
Khi nhắc đến Vitamin D chúng ta thường chỉ nhớ đến vai trò của nó trên xương và răng là chủ yếu mà quên mất rằng, vitamin D3 cũng có vai trò trong hoạt hóa tế bào bạch cầu, cải thiện hệ miễn dịch thông qua khả năng kháng viêm và điều hoà miễn dịch. Theo Liu PT cùng các cộng sự, trong quá trình chuyển từ dạng tiền chất qua dạng 25OHD ở gan thành calcitriol, bạch cầu đơn nhân hoặc đại thực bào được hoạt hóa, dẫn đến tăng khả năng miễn dịch tế bào bằng cách kích thích sản xuất cathelicidin, một peptit chống vi khuẩn [2]
Ngoài ra, Vitamin D được biết đến với vai trò tăng cường chức năng của tế bào miễn dịch, bao gồm tế bào T và đại thực bào, giúp cơ thể chống lại mầm bệnh. Theo các nhà nghiên cứu tại Milan (Italy), calcitriol, một dạng chuyển hóa của vitamin D đã được tìm thấy nhiều tại các vị trí viêm. [3]
Bên cạnh đó, vitamin D còn có chức năng thiết yếu trong việc hoạt hoá hàng rào bảo vệ của hệ thống miễn dịch. Trên thực tế, vitamin D có vai trò quan trọng mà theo các nhà khoa học, lượng vitamin D thấp có mối liên quan mật thiết đến tình trạng tăng mẫn cảm với nhiễm trùng, bệnh tật và rối loạn miễn dịch. Ví dụ như, lượng vitamin D thấp làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp, bao gồm lao phổi, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) cũng như nhiễm khuẩn và nhiễm vi rút hô hấp. [4]
Đồng thời, lượng vitamin D thấp còn gắn liền với giảm chức năng phổi, từ đó giảm khả năng của cơ thể chiến đấu chống lại nhiễm trùng hô hấp. Một số nghiên cứu gần đây còn cho thấy mối liên quan và khả năng hỗ trợ hệ thống miễn dịch chống lại SARS-CoV-2 của vitamin D trong cơ thể. [5]
>> Xem thêm: Tầm quan trọng của hệ miễn dịch đối với trẻ sơ sinh và cách tăng cường hệ miễn dịch
3.3. Chống lại bệnh tật
Bổ sung vitamin D3 cho trẻ sơ sinh giúp trẻ tăng khả năng miễn dịch giúp giảm khả năng mắc bệnh cúm nhất là cúm A, giảm nguy cơ phát triển bệnh tim ở trẻ,…
- Với các bệnh lý về hô hấp
Năm 2009, các nhà nghiên cứu của Trường Y Đại học Jikei (Nhật Bản) đã tiến hành một thử nghiệm so sánh giữa những học sinh được bổ sung vitamin D (3) (1200 IU/ngày) với học sinh không được bổ sung. Sau đó, trẻ được chẩn đoán cúm bằng lấy mẫu dịch mũi họng để tìm kháng nguyên.
Kết quả: Với nhóm sử dụng vitamin D3, tỷ lệ mắc cúm A xảy ra ở 18 em trong số 167 (chiếm tỷ lệ 10,8%). Còn với nhóm sử dụng giả dược, có 31 trong số 167 em (18,6%) mắc. Nghiên cứu này cho thấy rằng việc bổ sung vitamin D 3 đặc biệt là trong mùa đông có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh cúm A, nhất là ở đối tượng trẻ nhỏ. [6]
- Với các bệnh lý về tim mạch
Hiện nay có một số những nghiên cứu chỉ ra rằng vitamin D có thể giúp làm giãn các mô cơ trơn mạch máu trong bệnh lý liên quan tới huyết áp. Năm 2010, Tạp chí Y học Gia đình Hoa Kỳ (JABFM) công bố một nghiên cứu về mặt lâm sàng của Vitamin D liên quan tới bệnh lý về tim mạch. [7] Trong đó có đề cập
“Trong cơ trơn mạch máu, nội mô và tế bào cơ tim có thụ thể tiếp nhận vitamin D và các thụ thể này có thể có tác động đến các bệnh lý về tim mạch. Khi tiến hành quan sát, các nghiên cứu đã cho thấy mối quan hệ tương quan giữa nồng độ vitamin D thấp với bệnh lý huyết áp, vôi hóa động mạch vành và bệnh tim mạch hiện nay. Một nghiên cứu trên 1700 người cũng đã cho thấy mối liên hệ giữa nồng độ vitamin D và nguy cơ gặp các sự cố tim mạch. Trong khoảng thời gian nghiên cứu 5 năm, những người tham gia có mức 25-OH D <15 có nhiều nguy cơ bị mắc các biến cố tim mạch hơn [8]
4. Liều lượng và lưu ý khi bổ sung vitamin D3
Để có hệ xương chắc khỏe, trẻ sơ sinh cần phải được hấp thụ đầy đủ vitamin D cũng như canxi. Việc hấp thụ không đủ vitamin D trong thời kỳ phát triển có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh còi xương do thiếu vitamin D ngay từ khoảng 20 tháng tuổi. Năm 2008, Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP 2008) đã đưa ra khuyến nghị bổ sung liều vitamin D3 và lưu ý cho trẻ như sau:
- Trẻ sơ sinh bú mẹ và trẻ bú mẹ một phần: Ngay cả với những trẻ bú mẹ hoàn toàn vẫn có nguy cơ thiếu hụt vitamin D, vì trong sữa mẹ chỉ chứa một lượng rất ít vitamin D và 25-OHD. Vì vậy, mẹ nên bổ sung 400 IU/ ngày vitamin D3 bắt đầu từ những ngày đầu đời.
- Trẻ sơ sinh thiếu tháng: Uống 400-800 IU mỗi ngày một lần hoặc 150-400 IU/kg/ngày
- Trẻ vị thành niên không đủ lượng vitamin D3: uống 400 IU mỗi ngày một lần
- Trẻ em tăng nguy cơ thiếu vitamin D3: Có thể bổ sung ở liều cao hơn để đạt được tình trạng vitamin D3 bình thường
Vậy có những cách nào bổ sung vitamin D3 cho trẻ? Mẹ Bổ sung vitamin D3 cho con theo nhiều cách khác nhau, cụ thể:
- Tắm nắng cho trẻ: Cơ thể chúng ta có thể tổng hợp vitamin D từ ánh nắng trực tiếp thông qua da. Tuy nhiên, khả năng tạo ra vitamin D được bao nhiêu lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như di truyền, thời tiết, thời gian tắm, khu vực địa lý…
Hiện nay, có nhiều sự khác biệt trong việc khuyến cáo tắm nắng cho trẻ như thế nào. Theo khuyến cáo của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ APP “Không nên cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để tổng hợp đủ vitamin D” và “Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng nên tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng càng nhiều càng tốt.”. [10]
Lý do là tia UVB trong ánh sáng mặt trời có thể gây một số tác hại như lão hóa, ung thư da,… Vì thế, với trẻ quá nhỏ, mẹ có thể chỉ cần cho mở cửa để cho nắng sớm nhẹ tiếp xúc với bé. Khi phải tiếp xúc với nắng gắt, cường độ nhiều, trẻ nên được che chắn bằng các biện pháp phù hợp. Với trẻ em lớn hơn, mẹ có thể cho bé tắm nắng trước 9h sáng và sau 4h chiều, khi ánh nắng không quá gay gắt và có thể ngăn ngừa những tác hại của UVB khoảng 15-20 phút ba ngày mỗi tuần thường là đủ.
- Thông qua các thực phẩm chứa có chứa vitamin D: Thực tế, không có quá nhiều loại thực phẩm có vitamin D. Tuy nhiên, có một số thực phẩm lại giàu vitamin D như các loại cá như cá hồi, cá kiếm hay cá thu,…. Một lượng nhỏ vitamin này cũng được tìm thấy trong lòng đỏ của trứng, gan bò và thực phẩm bổ sung vitamin D như ngũ cốc và sữa. Với trẻ em sơ sinh và trong thời kỳ bú mẹ, có thể bổ sung vitamin D nhờ một số loại sữa công thức.
- Thông qua các thực phẩm chức năng. Bên cạnh một số nguồn vitamin D3 tự nhiên, ngày nay, trẻ em, nhất là trẻ em trong giai đoạn dậy thì, có thể bổ sung vitamin D3 bằng một số loại thực phẩm chức năng.
Đó là 3 nguồn chủ yếu cung cấp vitamin D3 cho trẻ. Mẹ bổ sung cho trẻ sơ sinh đến khi trẻ biết đi và có khả năng đi ra ngoài nhiều, phơi nắng thường xuyên kết hợp với chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất và sử dụng thực phẩm chứa nhiều vitamin D3. Vậy nguồn thực phẩm nào chứa nhiều vitamin D3, cùng tìm hiểu tiếp dưới đây.
5. Nguồn thực phẩm chứa nhiều vitamin D3
Bổ sung vitamin D3 cho trẻ trong chế độ ăn uống thích hợp có thể đạt được khối lượng xương đỉnh cao hơn ở tuổi trưởng thành, do đó ngăn ngừa loãng xương. Vitamin D3 chỉ có trong thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, một số thực phẩm mẹ có thể tham khảo như:
-
Các loại cá béo: cá hồi, cá trích, cá mòi, cá thu
Trong đó, cá hồi là một loại cá béo và là nguồn chứa nhiều vitamin D nhất. Theo dữ liệu thành phần thực phẩm của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), 100 gram cá hồi có thể chứa tới 526 IU vitamin D. Vì hàm lượng vitamin D ở cá hồi cao, nên một tuần mẹ chỉ nên cho bé ăn 2 lần, mỗi lần khoảng 300 gram cho trẻ 1-2 tuổi, 450 gram cho trẻ 3-6 tuổi và 600 gram cho trẻ trên 6 tuổi.
-
Lòng đỏ trứng
Có một số trẻ không thích hải sản, thay vào đó, mẹ có thể sử dụng lòng đỏ trứng để bổ sung vitamin D 3 cho con. Một quả trứng thông thường sẽ chứa phần lớn các protein trong lòng trắng, còn các chất béo, vitamin và khoáng chất được tìm thấy chủ yếu trong lòng đỏ.
Thông thường, một lòng đỏ trứng điển hình sẽ cung cấp khoảng 37 IU vitamin D. Con số này phụ thuộc vào mức độ phơi nắng và hàm lượng vitamin D trong thức ăn của gà. Tuy nhiên, mẹ chỉ nên cho trẻ ăn 3-4 quả trứng/ tuần
-
Tôm
Tôm là một loại động vật giáp xác rất phổ biến, tôm chứa rất ít chất béo nhưng chúng vẫn chứa một lượng vitamin D tốt cho cơ thể với hàm lượng 156 IU trong mỗi khẩu phần.
Ngoài ra tôm còn chứa acid béo omega-3 tốt cho sức khỏe của trẻ.
Với trẻ nhỏ hơn 3 tuổi mẹ nên cho trẻ ăn 20-40g thịt tôm, khoảng 3-4 lần/ tuần.
-
Các loại thịt đỏ: thịt bò, thịt cừu, thịt bê, thịt heo, ngoài ra còn có thịt ngựa, thịt trâu.
Các loại thịt đỏ – như là thịt bò, thịt cừu và thịt lợn – là nguồn cung cấp nhiều đạm, các vitamin và khoáng chất cho cơ thể, và có thể trở thành một phần trong chế độ ăn uống cân đối.
-
Dầu gan cá tuyết
Dầu gan cá tuyết là thực phẩm chứa nhiều vitamin D rất phổ biến hiện nay. Dầu gan cá tuyết có khoảng 450 IU vitamin D mỗi muỗng cà phê (4,9 ml).
Dầu gan cá tuyết cũng là một nguồn vitamin A tuyệt vời, đủ 90% lượng được khuyến cáo trong một muỗng cà phê (4,9 ml). Tuy nhiên, vitamin A có thể độc với liều cao. Do đó, hãy thận trọng với dầu gan cá tuyết, bạn cần đảm bảo là không dùng quá nhiều.
6. Lưu ý về độc tính của vitamin D3 khi dùng quá liều
Vitamin D3 rất tốt cho cơ thể của trẻ, nhưng không vì thế mà lạm dụng sử dụng nhiều cho trẻ. Nếu sử dụng vitamin D3 liều cao (40.000- 100.000 IU) trong thời gian dài có thể dẫn đến tích tụ quá nhiều trong cơ thể. Hậu quả chính của độc tính vitamin D là sự tích tụ calci trong máu, còn được gọi là tăng calci huyết. Các triệu chứng của việc tăng calci huyết như:
- Buồn nôn, nôn mửa và kém ăn
Các triệu chứng buồn nôn, nôn mửa và kém ăn xảy ra khi phản ứng với liều lượng vitamin D3 quá cao, dẫn tới mức calci lớn hơn 12 mg/dl (3,0 mmol/l). Tuy nhiên, các triệu chứng này không phải xảy ra ở tất cả những người có mức calci cao. Một nghiên cứu theo dõi ở 10 người, có nồng độ calci trong máu tăng cao khi cho uống vitamin D liều cao để điều chỉnh sự thiếu hụt vitamin này. Trong đó, có 4 người biểu hiện nôn mửa và buồn nôn, 3 người có biểu hiện kém ăn. [9]
- Đau dạ dày, táo bón hoặc tiêu chảy
Đau dạ dày, táo bón và tiêu chảy là nhữngtác dụng không mong muốn trên đường tiêu hóa phổ biến thường gặp trong tình trạng không dung nạp thức ăn hoặc hội chứng ruột kích thích. Tuy nhiên, chúng cũng có thể là dấu hiệu của nồng độ canxi tăng quá cao do nhiễm độc vitamin D.
Theo nghiên cứu, khi một đứa trẻ 18 tháng tuổi, nếu cung cấp 50.000 IU vitamin D3 trong 3 tháng trẻ sẽ có các triệu chứng như đau dạ dày, táo bón, tiêu chảy,…Các triệu chứng này sẽ hết nếu ngừng dùng các chất bổ sung.
- Nhuyễn xương
Vì vitamin D đóng một vai trò quan trọng trong quá trình hấp thụ canxi và chuyển hóa trong xương, nên việc cung cấp đủ lượng vitamin D là rất quan trọng để duy trì xương chắc khỏe. Tuy nhiên, quá nhiều vitamin D có thể gây hại cho sức khỏe của xương.
Trong cơ thể, vitamin K2 đóng vai trò chuyển hóa calci và khoáng chất chính cấu thành nên xương và răng. Vitamin D rất cần thiết cho việc hấp thụ calci, nhưng hàm lượng cao có thể gây mất xương do cản trở hoạt động của vitamin K2
Để bảo vệ phòng ngừa nhuyễn xương, tránh bổ sung quá nhiều vitamin D và có thể bổ sung thêm vitamin K2. Bạn cũng có thể ăn các loại thực phẩm giàu vitamin K2, chẳng hạn như sữa và thịt được cho ăn cỏ.
- Suy thận
Quá nhiều vitamin D có thể dẫn tới tổn thương thận ở những người khoẻ mạnh, cũng như những người mắc bệnh thận.
Ngoài ra, còn có các triệu chứng: mệt mỏi, chóng mặt, hay nhầm lẫn, khát quá mức, đi tiểu thường xuyên, huyết áp cao,…
Chính vì những độc tính trên mẹ nên thận trọng dùng cho trẻ là lượng tối ưu nhất là 400-800 IU/ ngày cho trẻ. Vì vậy việc bổ sung vitamin D đúng liều và đúng cách là điều vô cùng quan trọng.
7. Bổ sung vitamin D3 như thế nào là đúng cách
Bổ sung vitamin D3 rất cần thiết cho trẻ nhỏ, vì thế mẹ nên bổ sung cho trẻ đúng cách để cơ thể có thể tổng hợp và hấp thu chúng một cách tốt nhất. Dưới đây là một số cách mẹ có thể tham khảo:
- Việc quá liều vitamin D có thể gây nên nhiều tác dụng không mong muốn. Vậy nên mẹ cần phải xác định chính xác liều lượng cho con trong từng giai đoạn, độ tuổi. Với trẻ dưới 6 tháng thì lượng vitamin D cần thiết là 400 IU đến 1000 UI; trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi vitamin D cần thiết là 400 IU đến 1500 UI; Trẻ lớn hơn thì con số tối thiểu là 600 IU, không vượt quá 2500 IU (trẻ dưới 3 tuổi), không vượt quá 3000UI (trẻ dưới 8 tuổi); trẻ trên 8 tuổi thì con số tối đa là 4000 IU.
- Nếu bổ sung vitamin D cho trẻ bằng ánh sáng mặt trời, cần chú ý những khuyến cáo, hướng dẫn của WHO để hạn chế những tác hại của tia UV trong ánh sáng mặt trờ
- Nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia hoặc bác sĩ của bé để có thể lựa chọn sản phẩm phù hợp cho con. Tùy từng dạng chế phẩm và hướng dẫn của nhà sản xuất, mẹ cần tuân thủ đúng liều lượng, cách dùng, để đạt được hiệu quả tối ưu.
- Để tránh được việc quên uống thuốc nên cho trẻ uống vào một thời điểm nhất định trong ngày. Theo các chuyên gia, thời điểm bổ sung vitamin D tốt nhất là sau bữa sáng để tăng khả năng hấp thụ. Tuy nhiên, nếu cha mẹ không có thời gian vào buổi sáng có thể cho trẻ bổ sung sau các bữa ăn trong ngày và lưu ý trước 8 giờ tối bởi theo các nhà khoa học vitamin D bổ sung buổi tối cho thấy có mối liên quan đến tình trạng khó ngủ ở trẻ.
> >Xem thêm: Top 6+ sản phẩm Vitamin D cho trẻ sơ sinh
Kết luận
Bổ sung vitamin D3 rất cần thiết cho trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, giúp trẻ phát triển cấu trúc xương, răng, tăng khả năng miễn dịch, giúp trẻ sơ sinh giữ được thăng bằng không bị té ngã. Ở từng giai đoạn, trẻ sẽ có liều lượng bổ sung khác nhau, có thể bổ sung vitamin này từ ánh sáng mặt trời, thuốc hay nguồn thực phẩm như: tôm, cá hồi, cá ngừ,…Mẹ không nên dùng quá 40.000-100.000 IU có thể gây độc với cơ thể của trẻ. Hy vọng rằng bài viết trên cung cấp đầy đủ thông tin cho mẹ và bổ sung như thế nào là đúng cách.
Để được tư vấn cụ thể về tình trạng sức khỏe của bé, vui lòng liên hệ với các chuyên gia của chúng tôi theo HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.
Nguồn tham khảo:
———————————————–
Trích dẫn tài liệu tham khảo
5. . 2020 Apr 2;12(4):988. Evidence that Vitamin D Supplementation Could Reduce Risk of Influenza and COVID-19 Infections and Deaths
6. 2010 May;91(5):1255-60 Randomized trial of vitamin D supplementation to prevent seasonal influenza A in schoolchildren. “Am J Clin Nutr”[jour],