Tiêu chảy là tình trạng trẻ đi ngoài phân lỏng từ 3 lần trở lên trong một ngày. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 2 tuổi. Do vậy cha mẹ nên hết sức chú ý, tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để xử lý kịp thời khi trẻ bị tiêu chảy. Cùng tìm hiểu 10 điều cần biết về tiêu chảy ở trẻ nhỏ.
Mục lục
- Điều số 1: 4 nguyên nhân thường gặp nhất khi bé bị tiêu chảy
- Điều số 2: Dấu hiệu nguy hiểm cần đưa trẻ bị tiêu chảy đi khám
- Điều số 3: Đường lây tiêu chảy cho trẻ
- Điều số 4: Trẻ bị tiêu chảy bao lâu thì khỏi ?
- Điều số 5: Tiêu chảy kéo dài liệu có nguy hiểm không ?
- Điều số 6: Nguyên tắc điều trị tiêu chảy cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ:
- Điều số 7: Các loại thuốc điều trị tiêu chảy
- Điều số 8: Chế độ dinh dưỡng đặc biệt dành cho trẻ tiêu chảy
- Điều số 9: Cách dự phòng tiêu chảy cho trẻ nhỏ
- Điều số 10: Vai trò của lợi khuẩn trong hỗ trợ giảm nhẹ và phục hồi tiêu chảy
Điều số 1: 4 nguyên nhân thường gặp nhất khi bé bị tiêu chảy
1. Nhiễm trùng ruột do virus, vi khuẩn, ký sinh trùng
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất và hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Nguyên nhân là do hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển ổn định, khả năng chống chọi với các tác nhân gây hại kém.
Những tác nhân quen thuộc nhất là: Rotavirus, vi khuẩn E.coli, trực khuẩn lỵ Shigella, Salmonella enterocolitica, vi khuẩn tả Vibrrio cholerae
2. Dị ứng, không dung nạp thức ăn
Thức ăn bao gồm cả sữa cung cấp cho bé những chất dinh dưỡng thiết yếu. Tuy nhiên cũng chính một số loại thực phẩm lại có thể gây nguy hiểm cho trẻ nếu trẻ không dung nạp hoặc dị ứng. Chẳng hạn như khi trẻ không dung nạp lactose có trong các loại sữa. Hoặc khi trẻ bị dị ứng đạm sữa bò, dị ứng hải sản,…
Việc cho trẻ tập ăn những món mới là một thử thách đối với cha mẹ. Bởi phải luôn chuẩn bị tâm lý sẵn sàng và hướng xử trí cho trường hợp trẻ dị ứng thực phẩm đó.
3. Ngộ độc thực phẩm
Ngày nay, vấn đề an toàn thực phẩm đang là vấn đề nhức nhối đối với xã hội. Thực phẩm bẩn, chứa chất độc hại nguy hiểm với người lớn một phần thì nguy hiểm với trẻ em mười phần. Bởi cơ thể của trẻ nhạy cảm và dễ bị tổn thương hơn so với người lớn. Ngộ độc thực phẩm gây ra các biểu hiện như tiêu chảy, nôn mửa sau khi ăn phải thực phẩm không đảm bảo.
4. Loạn khuẩn đường ruột
Loạn khuẩn đường ruột là tình trạng mất cân bằng giữa lợi khuẩn và hại khuẩn đường ruột. Thông thường tỷ lệ này khoảng 85%-15%. Nhưng khi có các yếu tố tác động như: dùng kháng sinh, chế độ ăn thiếu dinh dưỡng, nhiễm khuẩn tiêu hóa,… hệ vi sinh này sẽ bị mất cân bằng. Do vậy trẻ có thể gặp một số rối loạn tiêu hóa, trong đó có tiêu chảy.
Điều số 2: Dấu hiệu nguy hiểm cần đưa trẻ bị tiêu chảy đi khám
Khi trẻ gặp một trong những dấu hiệu dưới đây, cha mẹ nên đưa bé đi khám để tìm ra nguyên nhân và có cách xử lý phù hợp.
- Đi ngoài phân lỏng liên tục (trên 5 lần/ngày)
- Phân có máu
- Trẻ nôn trớ nhiều
- Sốt cao trên 39 độ
- Trẻ có dấu hiệu mất nước: háo khát, la hét, mắt trũng, nếp véo da mất chậm.
- Trẻ ăn uống kém hoặc bỏ bú
- Trẻ không đỡ sau 2 ngày điều trị tại nhà
➤ Tham khảo thêm: Khi nào trẻ tiêu chảy kéo dài cần đến cơ sở y tế?
Điều số 3: Đường lây tiêu chảy cho trẻ
Các tác nhân gây tiêu chảy thường tấn công chủ yếu vào hệ tiêu hóa của trẻ. Hiểu được những con đường có thể lây bệnh cho trẻ giúp phòng tránh được nguy cơ tiêu chảy. Những con đường đó bao gồm:
- Tiếp xúc trực tiếp với đồ vật hoặc môi trường mang mầm bệnh (virus, vi khuẩn, ký sinh trùng). Những mầm bệnh thường tiềm ẩn trong đồ chơi, bát, thìa, cốc, sàn nhà nếu không được vệ sinh sạch sẽ. Sau đó chúng xâm nhập vào cơ thể trẻ thông qua các thói quen như mút tay, ngậm đồ chơi…
- Ăn thức ăn không đảm bảo vệ sinh: Thức ăn chưa được chế biến kỹ, hoặc thức ăn ôi thiu, nấm mốc có thể là con đường lây nhiễm vi sinh vật có hại vào cơ thể.
- Côn trùng mang mầm bệnh (ruồi, muỗi, gián) bám vào thức ăn và trẻ ăn phải thức ăn đó.
Điều số 4: Trẻ bị tiêu chảy bao lâu thì khỏi ?
Trẻ bị tiêu chảy cần được điều trị ngay. Thông thường nếu điều trị đúng hướng, trẻ có thể khỏi sau 3-5 ngày hoặc kéo dài hơn tới 1-2 tuần. Nếu trẻ tiêu chảy kéo dài từ 2 tuần trở lên được coi là tiêu chảy mạn tính và cần được điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Nếu như sau 2 ngày điều trị tại nhà mà tình trạng của bé trở nên nặng hơn, cha mẹ nên đưa bé đi khám ở các cơ sở y tế chuyên khoa Tiêu hóa hoặc chuyên khoa Nhi.
Điều số 5: Tiêu chảy kéo dài liệu có nguy hiểm không ?
Tiêu chảy kéo dài là tiêu chảy có hoặc không có máu trong phân, khởi phát cấp tính và kéo dài ít nhất 14 ngày. Tiêu chảy kéo dài thường liên quan đến suy dinh dưỡng hoặc nhiễm trùng ngoài đường tiêu hóa.
Tiêu chảy kéo dài rất nguy hiểm cho trẻ nhỏ, có thể gây:
- Suy dinh dưỡng: Suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ là hậu quả của tiêu chảy kéo dài, và cũng là yếu tố thúc đẩy dẫn đến tiêu chảy nghiêm trọng, có nguy cơ tử vong cao.
- Nhiễm khuẩn nặng ngoài đường ruột: 70% hệ miễn dịch của trẻ nằm ở ruột. Tiêu chảy kéo dài gây tổn thương nghiêm trọng đường ruột và làm suy giảm hệ miễn dịch ở trẻ. Do vậy trẻ có nguy cơ nhiễm khuẩn nặng.
- Mất nước
Đặc biệt trong các trường hợp sau, trẻ cần được điều trị tại bệnh viện:
- Trẻ bị nhiễm khuẩn nặng như viêm phổi hoặc nhiễm khuẩn huyết
- Trẻ dưới 4 tháng tuổi
- Trẻ có dấu hiệu mất nước
Vậy cần điều trị như thế nào để phòng tránh được những mối nguy hiểm do tiêu chảy kéo dài gây ra.
➤ Tham khảo: Tiêu chảy kéo dài ở trẻ, giải pháp khắc phục hiệu quả và an toàn
Điều số 6: Nguyên tắc điều trị tiêu chảy cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ:
Nguyên tắc chung để đảm bảo điều trị nhanh chóng, hiệu quả, triệt để tiêu chảy là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là:
- Điều trị nguyên nhân – Loại trừ tác nhân gây tiêu chảy: Điều trị nguyên nhân giúp trị dứt điểm và tránh tái đi tái lại. Tuy nhiên, không phải nguyên nhân nào cũng có phương pháp điều trị đặc hiệu. Một số phương pháp điều trị nguyên nhân đang được áp dụng là: Dùng kháng sinh để loại trừ vi khuẩn trong trường hợp tiêu chảy nhiễm khuẩn. Bổ sung men vi sinh để loại trừ nguyên nhân do loạn khuẩn đường ruột.
- Điều trị triệu chứng: Điều trị triệu chứng giúp cải thiện tình trạng của bé, giảm tỉ lệ tử vong do tiêu chảy. Trong đó, triệu chứng nguy hiểm nhất cần phòng ngừa và điều trị ngay là mất nước do tiêu chảy. Có thể phòng ngừa và điều trị mất nước bằng cách cho trẻ uống oresol theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ. Trong trường hợp mất nước nặng có thể sẽ phải bù dịch qua đường truyền tĩnh mạch. Khi được bù đủ dịch, trẻ cũng sẽ giảm triệu chứng nôn. Ngoài ra, có thể sử dụng thuốc cầm tiêu chảy như racecadotril để điều trị triệu chứng cho trẻ.
- Dự phòng suy dinh dưỡng: Suy dinh dưỡng có thể là hậu quả sau khi tiêu chảy kéo dài. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy dễ tái đi tái lại với mức độ ngày một nghiêm trọng. Do đó cần phải dự phòng sớm cho trẻ bằng cách bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng.
Điều số 7: Các loại thuốc điều trị tiêu chảy
Điều trị nguyên nhân:
- Kháng sinh: Lưu ý chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ. Bảng sau là những kháng sinh được khuyến cáo bởi Bộ Y tế trong một số trường hợp cụ thể:
Tất cả trẻ suy dinh dưỡng nặng cần được điều trị bằng kháng sinh phổ rộng như Gentamicin và Ampicillin trong vài ngày từ khi nhập viện. Ngoài ra cần phối hợp kháng sinh phổ rộng cho trẻ có dấu hiệu sốc nhiễm khuẩn.
Điều trị triệu chứng
- Truyền dịch: NaCl 0,9%, Ringer lactat
- Racecadotril (Hidrasec): Tác nhân ức chế enkephalinase, bảo tồn vai trò chống xuất tiết của enkephalins tại ruột. Do đó giảm được lượng phân bài xuất, giảm nguy cơ mất nước mà không ảnh hưởng đến nhu động ruột, không gây táo bón thứ phát, không ảnh hưởng lên hệ thần kinh trung ương.
- Oresol: uống bù dịch, chống mất nước, giảm nôn
- Kẽm: giảm mức độ nghiêm trọng của tiêu chảy
- Hạ sốt: Paracetamol: 15mg/kg/lần, 60mg/kg/24h.
➤ Tham khảo thêm: Các nhóm thuốc sử dụng khi trẻ bị tiêu chảy
Điều số 8: Chế độ dinh dưỡng đặc biệt dành cho trẻ tiêu chảy
Trẻ cần được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, phù hợp với nhu cầu trong giai đoạn này. Nhờ vậy trẻ mới có thể mau hồi phục và tránh được nguy cơ suy dinh dưỡng.
Nên lựa chọn thực phẩm có chứa đầy đủ các nhóm chất thiết yếu cho cơ thể: đạm, vitamin (A, B, C, D, E, K), tinh bột, khoáng chất (Magie, canxi, photpho, sắt, kẽm). Trong đó cần chú ý đặc biệt đến những chất dinh dưỡng sau:
Đạm: Nên chọn các loại đạm dễ tiêu hóa có trong thịt ức gà, thịt lợn, thịt bò, trứng.
Vitamin:
- Đặc biệt cần vitamin A: Khi tiêu chảy, trẻ giảm khả năng hấp thụ vitamin A và tăng nhu cầu sử dụng. Do đó cần bổ sung các thực phẩm chứa nhiều carotene: hoa quả màu vàng, đỏ (cam, cà rốt, gấc…), các loại rau, đậu màu xanh thẫm (rau cải, rau ngót, đậu xanh, đậu hà lan…), các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật (trứng, gan, sữa không tách bơ…)
Khoáng chất:
- Kẽm: Kẽm giúp giảm mức độ nghiêm trọng của tiêu chảy. Do vậy nên bổ sung kẽm ngay khi trẻ bắt đầu có dấu hiệu tiêu chảy. Kẽm có trong các loại thực phẩm sau: thịt đỏ, cua, sò, hàu, các loại đậu và cây họ đậu, khoai tây, rau cải,…
➤ Tham khảo thêm: 10 Món ăn giúp trẻ bị rối loạn tiêu hóa nhanh hồi phục
Điều số 9: Cách dự phòng tiêu chảy cho trẻ nhỏ
Phát hiện sớm và điều trị đúng cách là biện pháp ngăn tiêu chảy tiến triển. Tuy nhiên biết cách phòng tránh mới là biện pháp tốt nhất giúp trẻ tránh xa tiêu chảy.
- Nuôi con bằng sữa mẹ: Sữa mẹ chứa nhiều kháng thể tự nhiên giúp tăng sức đề kháng cho trẻ. Thành phần dinh dưỡng hợp lý trong sữa mẹ cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ nhỏ trong 6 tháng đầu đời.
- Luôn vệ sinh sạch sẽ đồ chơi, bình sữa, của trẻ. Cho trẻ dùng bát, thìa, cốc riêng.
- Sử dụng nước sạch.
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý ( đầy đủ dưỡng chất ).
- Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
- Vệ sinh cá nhân cho trẻ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng
- Xử lý phân đúng cách: bỉm của trẻ sau khi sử dụng phải được cho vào túi riêng, buộc kín trước khi vứt. Nhà vệ sinh phải đảm bảo sạch sẽ để tránh vi khuẩn lây lan
- Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ, đặc biệt nên cho trẻ sử dụng vắc xin rota virus.
Điều số 10: Vai trò của lợi khuẩn trong hỗ trợ giảm nhẹ và phục hồi tiêu chảy
Lợi khuẩn là những vi khuẩn có lợi của hệ tiêu hóa. Nếu bổ sung một lượng đủ lớn, chúng có tác dụng tuyệt vời đối với việc cải thiện triệu chứng, phục hồi đường ruột khi trẻ bị tiêu chảy.
Trong số hơn 1000 loài lợi khuẩn, Bifidobacterium là lợi khuẩn chiếm số lượng đông đảo nhất. Chúng cư trú chủ yếu tại đại tràng và chiếm đến 90% tổng lượng lợi khuẩn tại đây.
Trong các lợi khuẩn Bifidobacterium, chủng lợi khuẩn Bifidobacterium lactis BB12® đươc phân lập bởi Chr.Hansen Đan Mạch (nhà sản xuất lợi khuẩn hàng đầu thế giới) đã được chứng minh hiệu quả, an toàn cho bé bị tiêu chảy bằng hơn 307 nghiên cứu lâm sàng
- Nhanh chóng lấy lại cân bằng hệ vi sinh đường ruột
- Ức chế hại khuẩn phát triển bằng cách cạnh tranh vị trí bám
- Tăng cường sức đề kháng cho trẻ
- Hỗ trợ tiêu hóa và hấp thu triệt để chất dinh dưỡng bằng cách tiết ra nhiều enzym tiêu hóa.
- Điều hòa lượng nước trong phân, giảm tình trạng phân lỏng.
- Phục hồi niêm mạc ruột
Ngoài ra, bổ sung lợi khuẩn Bifidobacterium giúp phòng ngừa tiêu chảy tái đi tái lại ở trẻ.
➤ Tham khảo: Bí kíp lựa chọn lợi khuẩn (men vi sinh) tốt cho bé bị tiêu chảy
10 điều trên đây là những kiến thức cơ bản nhất mà bất kỳ ông bố bà mẹ nào có con nhỏ cũng đều phải biết. Mong rằng với những thông tin khách quan này sẽ giúp được phần nào trong việc phòng tránh, điều trị tiêu chảy. Từ đó, giảm thiểu tỷ lệ tử vong do tiêu chảy ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Nếu bạn có thêm những băn khoăn thắc mắc về tình trạng tiêu chảy của bé, hãy liên hệ ngay với chuyên gia của chúng tôi: HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482