Viêm đại tràng và Hội chứng ruột kích thích đều khiến bệnh nhân gặp phải các vấn đề về tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, phân có nhầy, kèm theo các triệu chứng như mệt mỏi, chuột rút. Chắc hẳn điều này khiến bạn rất bối rối trong việc xác định nguyên nhân nào gây ra vấn đề trên. Sau đây mời các bạn cùng tìm hiểu với mình để phân biệt Viêm đại tràng và Hội chứng ruột kích thích, từ đó đưa ra cách điều trị phù hợp.
Mục lục
1. Viêm đại tràng là gì?
Viêm đại tràng là tình trạng đại tràng bị viêm nhiễm, tổn thương có thể khu trú ở một vùng hoặc lan tỏa khắp đại tràng.
2. Hội chứng ruột kích thích là gì?
Hội chứng ruột kích thích hay còn gọi là bệnh đại tràng co thắt là một rối loạn chức năng của ruột, trong đó bệnh nhân thường có cảm giác khó chịu (đầy hơi), căng tức và rối loạn đại tiện (tiêu chảy / táo bón / hoặc kết hợp cả hai).
3. Nguyên nhân gây ra Viêm đại tràng / Hội chứng ruột kích thích:
3.1. Nguyên nhân gây ra Viêm đại tràng
Các nhà khoa học tin rằng, phản ứng bất thường của hệ miễn dịch có thể là nguyên nhân chính gây ra căn bệnh này. Bình thường, hệ thống miễn dịch bảo vệ niêm mạc ruột khỏi các kháng nguyên (như vi khuẩn, virus, chất độc trong thực phẩm…) bằng cách thu hút bạch cầu, đại thực bào, khởi phát quá trình viêm. Quá trình này sẽ kết thúc khi kháng nguyên được loại bỏ.
Tuy nhiên, với những bệnh nhân viêm đại tràng, hệ thống miễn dịch có những phản ứng bất thường nhắm vào ruột già và gây viêm.
Ngoài ra, sự mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, chế độ ăn nhiều chất gây viêm (như đường, chất béo …), sử dụng kháng sinh kéo dài hay tình trạng căng thẳng cũng có thể là căn nguyên gây viêm đại tràng.
3.2. Nguyên nhân gây ra Hội chứng ruột kích thích
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa đưa ra kết luận về nguyên nhân chính xác gây nên hội chứng ruột kích thích. Tuy nhiên, rất nhiều yếu tố liên quan mật thiết đến bệnh đã được xác định. Đó là:
Căng thẳng, lo âu hay áp lực công việc
- Căng thẳng kích thích trục Trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận (HPA) và sau đó kích thích giải phóng một số hormon như CRF, ACTH và cortisol, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến chức năng đường ruột, ảnh hưởng đến thành phần và sự phát triển của hệ vi sinh vật, đồng thời cũng kích thích hệ thần kinh giao cảm.
- Căng thẳng mãn tính có thể gây ra loạn khuẩn đường ruột, trong khi sự tương tác giữa vật chủ và hệ vi sinh vật có thể điều chỉnh hệ thống nội tiết – miễn dịch – thần kinh. Có thể kết luận rằng, sự thay đổi hệ vi sinh vật trong ruột do căng thẳng cũng đóng một vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của IBS.
Hội chứng ruột kích thích do không dung nạp với một số loại thực phẩm: ví dụ như không dung nạp lactose, không dung nạp gluten.
Các nguyên nhân khác như:
- Dây thần kinh trong ruột cực kỳ nhạy cảm.
- Sự thay đổi hormone và chất dẫn truyền thần kinh đến ruột.
- Sự mất cân bằng hệ vi sinh trong ruột.
- Ngoài ra, hội chứng ruột kích thích có thể gặp phải với những người bị ngộ độc thực phẩm hoặc nhiễm trùng đường tiêu hóa trước đó.
4. Những dấu hiệu chung của Viêm đại tràng – Hội chứng ruột kích thích (HCRKT)
Trên thực tế, hai bệnh trên có những dấu hiệu giống nhau, khiến người bệnh dễ nhầm lẫn như:
- Đau bụng từ âm ỉ đến quặn thắt.
- Đầy bụng, chướng hơi, khó tiêu, nôn hoặc buồn nôn.
- Tiêu chảy, phân có thể có chất nhầy.
- Chuột rút, mệt mỏi
5. Phân biệt Viêm đại tràng với Hội chứng ruột kích thích
6. Cách điều trị cụ thể cho từng tình trạng
6.1. Viêm đại tràng
Tình trạng viêm loét gây nên những tổn thương nặng nề cho niêm mạc đại tràng, nếu kéo dài tình trạng này, người bệnh dễ gặp phải các biến chứng như xuất huyết đại tràng, ung thư đại tràng…
Nguyên tắc điều trị viêm đại tràng là:
- Điều trị càng sớm càng tốt.
- Xác định nguyên nhân gây bệnh để lựa chọn phác đồ phù hợp.
- Duy trì chế độ ăn uống, chế độ làm việc và sinh hoạt phù hợp.
- Điều trị nội khoa kết hợp ngoại khoa tùy trường hợp.
Điều trị nội khoa
- Kháng sinh để chống nhiễm trùng, thuốc kháng nấm, thuốc kháng lao, thuốc chống ký sinh trùng.
- Thuốc giảm đau và chống co thắt, thuốc điều trị tiêu chảy, chống loạn khuẩn.
- Bồi hoàn nước và chất điện giải là hết sức cần thiết nhằm mục đích không để trụy tim mạch.
Điều trị ngoại khoa
- Phẫu thuật cắt bỏ đại tràng nếu diễn biến nặng, kéo dài. Tuy nhiên, việc cắt bỏ sẽ ảnh hưởng đến chức năng ruột và tâm lý của người bệnh.
- Nguyên nhân khác cần can thiệp ngoại khoa như: polyp đại tràng, ung thư đại tràng, …
Chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý
6.2. Hội chứng ruột kích thích
Với bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích: tới nay, thay đổi chế độ ăn và sinh hoạt được xem là giải pháp tối ưu để điều trị căn bệnh này, các bác sĩ có thể cân nhắc dùng thuốc trị triệu chứng nếu cần thiết.
7. Những điều cần làm để cải thiện các bệnh trên
7.1. Ăn uống lành mạnh và thay đổi lối sống
Ăn uống lành mạnh: là cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể như tinh bột, protein, chất béo, vitamin, khoáng chất, đồng thời hạn chế nạp vào cơ thể các chất gây hại.
- Ăn nhiều trái cây, rau củ.
- Bổ sung tinh bột từ bánh mì, gạo, ngũ cốc, mì ống, khoai tây,…
- Một số sữa và các sản phẩm từ sữa (2-3 phần mỗi ngày). Nếu bạn gặp tình trạng không dung nạp lactose, bạn có thể lựa chọn các sản phẩm thay thế như sữa đậu nành, sữa free-lactose, sữa gạo hoặc sữa yến mạch và sữa chua giàu canxi.
- Bổ sung protein từ thịt, cá, trứng, các loại đậu.
- Hạn chế thức ăn có nhiều chất béo và đường. Hạn chế chất béo bão hòa có trong các sản phẩm động vật như bơ, bơ sữa, pho mát, bánh ngọt, bánh quy… Thay thế những chất này bằng chất béo không bão hòa có trong dầu thực vật như hướng dương, hạt cải dầu và dầu ô liu, bơ,…
- Uống nhiều nước – ít nhất hai lít mỗi ngày.
Thay đổi lối sống để cải thiện triệu chứng
- Không bỏ bữa, chia nhỏ thành nhiều bữa ăn, tránh ăn quá no.
- Nhai kỹ thức ăn.
- Tránh ăn quá khuya.
- Tránh căng thẳng: bằng cách tập yoga; bài tập thở; thiền; tham gia các hoạt động xã hội; ngủ đủ giấc; tận dụng tối đa giờ giải trí; tìm kiếm sự tư vấn khi cần thiết.
- Tập thể dục thường xuyên, chẳng hạn như đi bộ, đi xe đạp hoặc bơi lội. Nếu việc bạn quá bận rộn, hãy kết hợp nó vào một ngày của bạn. Ví dụ, đạp xe đến nơi làm việc, sử dụng thang bộ thay vì thang máy khi có thể.
- Viết nhật ký triệu chứng: Trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi chế độ ăn uống nào, hãy ghi nhật ký về thực phẩm và triệu chứng bạn gặp phải. Đây có thể là một cách hữu ích để xác định các loại thực phẩm có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa của bạn.
- Bước hai – thay đổi chế độ ăn uống theo triệu chứng cụ thể
7.2. Thay đổi chế độ ăn của bạn
Đôi khi, một chế độ ăn uống cân bằng và thay đổi lối sống không đủ để cải thiện các triệu chứng. Chúng ta cần những thay đổi cụ thể hơn đối với chế độ ăn uống:
Với những người mắc Hội chứng ruột kích thích
- Giảm caffeine
Caffeine có thể kích thích nhu động ruột, làm trầm trọng thêm các triệu chứng đau và tiêu chảy. Hạn chế uống trà và cà phê không quá ba tách mỗi ngày. Cà phê phin chứa lượng caffein cao hơn (140 mg) so với cà phê hòa tan (100 mg) và trà (75 mg). Ngoài ra còn có caffein trong cola và một số loại nước ngọt khác, và trong sô cô la.
- Hạn chế rượu và đồ uống có ga
Rượu và đồ uống có ga có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng tiêu chảy. Hạn chế tối đa sử dụng những đồ uống này để cải thiện các triệu chứng.
- Giảm lượng tinh bột khó tiêu hóa
Đây là những loại tinh bột mất nhiều thời gian tiêu hóa trong ruột. Do đó, chúng đến đại tràng nguyên vẹn và được lên men bởi vi khuẩn trong ruột. Điều này tạo ra nhiều khí H2S, CO2, dẫn đến các triệu chứng đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy. Những thực phẩm khó tiêu hóa bao gồm:
- Thực phẩm chế biến sẵn như khoai tây chiên giòn, khoai tây chiên trong lò, bánh pizza siêu thị, bánh quy và bánh ngọt, ngũ cốc ăn sáng.
- Thực phẩm đã được nấu chín và để nguội – ví dụ như salad khoai tây / mì ống lạnh.
- Ngũ cốc nguyên hạt, đậu, bắp ngọt, chuối xanh.
Điều chỉnh lượng chất xơ
Chất xơ có thể cải thiện tình trạng táo bón trong IBS (Hội chứng ruột kích thích). Tuy nhiên, việc nạp quá nhiều chất xơ có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng tiêu chảy. Trước khi bạn loại bỏ hoàn toàn chất xơ khỏi chế độ ăn uống của mình, bạn cần xem xét tình trạng của mình (táo bón và/hoặc tiêu chảy), đồng thời theo dõi phản ứng của cơ thể khi ăn bữa ăn giàu chất xơ để có cách điều chỉnh phù hợp nhất.
- Thực phẩm giàu chất xơ bao gồm: yến mạch, lúa mạch, trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt (ví dụ, bánh mì nguyên cám, gạo lứt và mì ống nguyên cám)…
- Hạn chế thức ăn dầu mỡ, nhiều chất béo
Thức ăn dầu mỡ khó tiêu hóa và có thể gây ra các triệu chứng tiêu chảy; do đó, giảm chất béo trong chế độ ăn uống có thể giúp cải thiện tình trạng tiêu chảy của bạn:
- Cắt giảm các sản phẩm thịt béo như xúc xích, lạp xưởng,…
- Sử dụng các sản phẩm từ sữa ít béo hơn – ví dụ như sữa chua ít béo, pho mát, sữa tươi tách béo.
- Cắt bỏ phần mỡ có thể nhìn thấy khỏi thịt và chọn phần thịt nạc hơn.
- Sử dụng tối thiểu dầu / bơ khi nấu ăn (sử dụng bình xịt dầu hoặc đo bằng cách sử dụng một thìa cà phê dầu cho mỗi người, mỗi bữa ăn).
- Hãy thử các phương pháp nấu ăn khác nhau như hấp, luộc, cho vào lò vi sóng, nướng và luộc hơn là chiên.
Tránh thực phẩm chứa sorbitol:
- Sorbitol được hấp thu kém và có tác dụng nhuận tràng khi đi vào ruột kết, do đó có thể gây ra các triệu chứng đầy hơi và tiêu chảy. Những người bị IBS có thể nhạy cảm với một lượng nhỏ sorbitol.
- Sorbitol được tìm thấy trong chất làm ngọt nhân tạo, đồ uống đóng chai, kẹo bạc hà và kẹo cao su và thường được tìm thấy trong các sản phẩm giảm béo hoặc tiểu đường. Ngoài ra, hãy kiểm tra nhãn của những sản phẩm này để tìm mannitol và xylitol, những chất có ảnh hưởng tương tự.
Áp dụng chế độ ăn kiêng
Một số người nhận thấy rằng ngay cả sau khi thực hiện những thay đổi chế độ ăn uống này, các triệu chứng của họ vẫn không cải thiện. Tránh tiêu thụ một số loại thực phẩm hoặc tuân theo chế độ ăn kiêng có thể có một số lợi ích cho những người bị IBS. Chỉ nên tuân thủ các chế độ ăn kiêng như vậy khi có sự hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng.
Chế độ ăn kiêng với trường hợp: Không dung nạp thực phẩm
Một số người bị IBS có thể do không dung nạp với một số thực phẩm . Một số chứng không dung nạp thực phẩm, chẳng hạn như lactose, có thể được chẩn đoán bằng xét nghiệm hơi thở hydro. Không dung nạp thực phẩm khác có thể được xác định bằng cách tuân theo một chế độ ăn kiêng loại trừ các thực phẩm bị nghi ngờ.
Nếu cho rằng các loại thực phẩm cụ thể đang gây ra các triệu chứng, chuyên gia dinh dưỡng có thể khuyên bạn loại trừ các loại thực phẩm này trong một khoảng thời gian nhất định. Điều này là để theo dõi xem các triệu chứng có cải thiện khi những thực phẩm này được đưa ra khỏi chế độ ăn uống hay không.
Sau khoảng thời gian này (thường là 2-4 tuần), thức ăn sẽ dần dần được sử dụng lại để xem liệu các triệu chứng có quay trở lại hay không. Các chất không dung nạp phổ biến bao gồm lactose (có trong sữa và các sản phẩm từ sữa), lúa mì (có trong bánh mì, ngũ cốc và mì ống) và caffeine (có trong trà, cà phê hoặc cola).
Chế độ ăn FODMAP thấp
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chế độ ăn FODMAP thấp có hiệu quả trong việc cải thiện các triệu chứng của IBS. Đây là một nhóm carbohydrate chuỗi ngắn không được hấp thụ tốt trong ruột. Các loại carbohydrate này dễ bị lên men ở ruột già, dẫn đến đầy hơi, chướng bụng và tiêu chảy. Giảm tổng lượng đường có thể lên men này có thể cải thiện các triệu chứng IBS. Chế độ ăn FODMAP thấp nên được thử với sự hỗ trợ của chuyên gia dinh dưỡng.
Với những bệnh nhân bị viêm đại tràng
Tuân thủ uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Lập chế độ ăn uống hợp lý
- Áp dụng chế độ ăn hạn chế chất béo xấu (gồm chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa) như bánh quy, bánh ngọt; thức ăn nhanh; đồ ăn làm sẵn; đồ ăn vặt như khoai tây chiên, bim bim…
- Bổ sung thêm vitamin C: Loại vitamin này có thể có tác dụng bảo vệ ruột của bạn và giúp chúng lành hoặc phục hồi nhanh hơn sau khi bùng phát. Những người ăn chế độ giàu vitamin C có thời gian thuyên giảm UC kéo dài. Thực phẩm giàu vitamin C bao gồm mùi tây, ớt chuông, rau bina và quả mọng họ cam chanh
- Ăn nhiều chất xơ
Bổ sung nhiều thực phẩm có tác dụng chống viêm
Vì viêm loét đại tràng là một bệnh có tình trạng viêm nhiễm nên một trong những chiến lược chữa bệnh hiệu quả nhất là thực hiện chế độ ăn uống giàu chất chống viêm. Bạn nên loại bỏ các loại thực phẩm thúc đẩy quá trình viêm và thay thế bằng các loại thực phẩm chữa bệnh.
- Thực phẩm dễ gây viêm cần tránh là đường tinh luyện, thực phẩm chế biến, dầu thực vật tinh chế, bơ, sữa động vật…
- Thực phẩm khuyên dùng là: Thực phẩm nguyên hạt, chưa qua chế biến, ưu tiên những thực phẩm hữu cơ như rau hữu cơ, cá hồi, trà xanh, gừng, nghệ, hành tỏi và chất béo lành mạnh. Chất béo lành mạnh được tìm thấy trong dừa, ô liu, bơ và dầu của chúng.
- Nên ăn thức ăn dễ tiêu hóa như nước hầm xương, súp và rau nấu chín. Ăn nhiều bữa nhỏ hơn để không làm hệ tiêu hóa của bạn phải làm việc quá sức.
Khuyến khích ăn các thực phẩm giàu Anthocyanins
- Chế độ ăn giàu anthocyanins có thể hỗ trợ điều trị bệnh viêm đại tràng. Anthocyanins là flavonoid tạo nên sắc tố sẫm màu trong trái cây và rau quả. Đây là chất có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe do đặc tính chống viêm, chống vi khuẩn, bảo vệ thần kinh và điều hòa miễn dịch. Chúng bảo vệ ruột chống lại tình trạng viêm và tăng tính thấm ruột. Anthocyanins cũng cải thiện sức khỏe đại tràng thông qua khả năng thay đổi sự trao đổi chất hệ vi sinh vật trong ruột.
- 8 thực phẩm giàu Anthocyanins là: quả cherry, bắp cải tím, việt quất, nho, hành tím, đậu đỏ, cà tím, súp lơ tím…
Bổ sung axit béo omega-3:
- Các nghiên cứu cho thấy dầu cá có lợi ích bảo vệ và có thể giúp chữa lành bệnh viêm loét đại tràng.
- Omega-3 axit béo được tìm thấy trong các loại cá béo như cá hồi, cá mòi, trứng, quả óc chó, và các loại hạt (hạt lanh, cây gai dầu, bí ngô và hạt chia).
Lưu ý: Omega-3 từ thực vật như dầu lanh chỉ chứa omega 3 chuỗi nhỏ gọi là ALA và không có bất kỳ DHA nào. Cơ thể chúng ta rất khó chuyển đổi ALA thành DHA vì vậy tốt nhất là bạn nên bổ sung từ các loại cá hoặc các loại dầu thực vật như dầu oliu, dầu hạnh nhân…
Áp dụng các phương pháp cải thiện niêm mạc ruột:
Viêm đại tràng liên quan đến tình trạng viêm lớp niêm mạc ruột. Để chữa lành niêm mạc đã tổn thương, chúng ta cần ưu tiên dùng các thực phẩm dạng lỏng, đồng thời hạn chế các chất kích thích có hại cho sự phục hồi niêm mạc.
- Uống sinh tố, nước ép thêm collagen: Đây là cách hữu hiệu để giảm gánh nặng cho bộ máy tiêu hóa, khi đó niêm mạc ruột có thể tập trung vào việc chữa lành, phục hồi các vết loét. Đồng thời, Collagen chứa các axit amin, bao gồm glycine và glutamine, là những chất cần thiết để chữa lành các ổ viêm loét.
- Hạn chế thực phẩm kích thích như rượu, bia, thuốc lá…
7.3. Bổ sung men vi sinh (hay probiotics) cho cơ thể
Như đã nêu ở phần nguyên nhân, sự mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột có thể gây nên tình trạng viêm loét đại tràng. Vì vậy, việc bổ sung probiotics là vô cùng cần thiết. Chúng ta có thể bổ sung bằng cách:
- Thường xuyên ăn sữa chua, kim chi, đậu natto…
- Sử dụng các chế phẩm men vi sinh trên thị trường, ưu tiên các loại vi khuẩn như Lactobacilli, Bifidobacteria, Bacillus clausii… với hàm lượng lợi khuẩn đạt chuẩn từ 107 đến 1010 CFU trong 1 liều uống.
8. Khi nào bạn cần đến bác sĩ?
Với bệnh viêm đại tràng: Mặc dù nhìn chung, viêm đại tràng không phải là một bệnh lí gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, bệnh có thể dẫn đến một số biến chứng rất nặng nề như ung thư đại tràng, xuất huyết đại tràng, thiếu máu…. Do đó, khi phát hiện các triệu chứng của bệnh, bạn nên đi khám bác sĩ sớm nhất có thể. Các tình huống có thể giúp bạn phát hiện bệnh gồm
- Thay đổi thói quen đi tiêu
- Đau quặn bụng
- Có máu trong phân
- Tiêu chảy kéo dài không cải thiện với các loại thuốc thông thường
- Tiêu chảy cản trở giấc ngủ
- Sốt kéo dài không rõ nguyên nhân 1 đến 2 ngày.
Hội chứng ruột kích thích là tình trạng rối loạn chức năng của ruột. Dù những rối loạn này không gây nên tổn thương thực thể như viêm đại tràng, nhưng tình trạng này khiến người bệnh gặp phải nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Nếu những cách cải thiện trên không có hiệu quả, bạn nên đến các cơ sở khám chữa bệnh kịp thời để được điều trị một cách tốt nhất.
Xem thêm: Phác đồ điều trị Hội chứng ruột kích thích
Tóm lại: Viêm đại tràng và Hội chứng ruột kích thích là hai bệnh lý khiến chúng ta hay nhầm lẫn. Tuy nhiên, điểm khác biệt rõ nhất ở hai bệnh là chỉ viêm đại tràng mới gây ra những tổn thương niêm mạc ruột. Từ đây, chúng ta sẽ có cách điều trị khác nhau để khắc phục các tình trạng trên. Mong rằng bài viết này đã cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn.
Mọi chi tiết thắc mắc xin liên hệ HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.
Tài liệu tham khảo