Viêm đại tràng mãn tính thường gây ra những cơn đau bụng quặn thắt khó chịu và tình trạng rối loạn tiêu hóa kéo dài. Bệnh này thường kéo dài gây ra nhiều bất tiện trong cuộc sống thường ngày của bệnh nhân. Vì vậy việc chăm sóc và điều trị bệnh viêm đại tràng mãn tính được khá nhiều người quan tâm. Vậy viêm đại tràng mãn tính có nguy hiểm không? Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về cách chăm sóc và điều trị hiệu quả viêm đại tràng mãn tính.
Mục lục
1. Viêm đại tràng mãn tính là gì? Những nguyên nhân dẫn đến?
1.1. Viêm đại tràng mãn tính là gì?
Viêm đại tràng mãn tính là tình trạng viêm đại tràng kéo dài không được chữa triệt để dẫn tới tổn thương khu trú hoặc lan tỏa trên niêm mạc đại tràng. Tình trạng viêm đại tràng kéo dài hơn 4 tuần được coi là viêm đại tràng mãn tính.
Đối với các tình trạng viêm đại tràng mãn tính thể nhẹ thì niêm mạc đại tràng bị viêm kém bền vững về cấu trúc và dễ bị chảy máu. Với thể nặng hơn khiến bề mặt đại tràng bị loét, xung huyết, xuất huyết hoặc hình thành các ổ áp xe khó điều trị.
1.2. Nguyên nhân dẫn đến viêm đại tràng mãn tính
Yếu tố liên quan đến hệ thống miễn dịch
Viêm loét đại tràng mãn tính được cho là một tình trạng tự miễn dịch. Điều này có nghĩa là nhầm vi khuẩn vô hại bên trong đại tràng thành mối đe dọa và tấn công các mô của đại tràng, khi bạn bị viêm. Nguyên nhân khiến hệ thống miễn dịch hoạt động theo cách này vẫn chưa rõ ràng.
Các nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh
- Lối sống không lành mạnh: Sử dụng thường xuyên các thực phẩm cay nóng, các chất kích thích như bia, rượu… hoặc lối sống không lành mạnh (stress, thức quá khuya…) làm tổn thương niêm mạc đại tràng.
- Do vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng tấn công: Nhiễm ký sinh trùng như giun tóc, giun kim, giun đũa,…nhiễm vi trùng gây bệnh đường ruột như Salmonella, Shigella,..từ đó gây ra tình trạng viêm nhiễm.
- Táo bón kéo dài: Khi bị táo bón và không được điều trị triệt để, người bệnh sẽ dễ bị viêm đại tràng mãn tính.
- Do bệnh Crohn: Đây là một bệnh viêm đường ruột nếu không được điều trị kịp thời sẽ dễ dẫn đến viêm đại tràng mãn tính.
2. Triệu chứng của viêm đại tràng mãn tính
Các triệu chứng bệnh nhân có thể gặp phải do viêm đại tràng mãn tính gồm có:
- Chướng bụng, đầy hơi
- Đau bụng: Cơn đau quặn hoặc đau âm ỉ ở vùng hố chậu, các cơ đau có chiều hướng ra tăng và giảm đi sau khi đi đại tiện.
- Rối loạn đại tiện: đi ngoài 2 – 3 lần / ngày hoặc 2 – 3 ngày mới đi ngoài 1 lần.
- Rối loạn bài tiết phân: táo, lỏng, nát, có thể kèm theo nhầy máu, bã đậu tùy theo nguyên nhân.
- Sốt nhẹ nếu sốt cao hãy liên hệ kịp thời với bác sĩ
- Toàn thân: thay đổi tùy theo thể bệnh, có thể tự bình thường đến gầy sút rối loạn dinh dưỡng nặng, cơ thể suy nhược.
3. Điều trị viêm đại tràng mãn tính
Viêm đại tràng mãn tính điều trị như thế nào? Điều trị viêm đại tràng mãn tính tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà sẽ có các lựa chọn cách điều trị khác nhau. Dưới đây là các hiện nay được áp dụng nhiều:
3.1. Điều trị bằng thuốc
Các thuốc được sử dụng với mục đích làm giảm các triệu chứng của bệnh mà không thể chữa khỏi hoàn toàn nên dễ dàng tái phát nhiều lần, càng gây khó khăn cho điều trị.
Thuốc chống viêm
Là nhóm thuốc có khả năng ức chế, điều trị triệu chứng viêm nhờ vào việc ngăn chặn bài tiết các thành phần trung gian hóa học gây viêm. Các nhóm thuốc được lựa chọn bao gồm:
Nhóm 5-ASA (5-aminosalicylic acid)
- Chỉ định: điều trị đợt viêm nhẹ của viêm đại tràng trái – đại tràng sigma và trực tràng.
- Liều dùng: 2g/ngày, có thể kết hợp với corticoid kết quả tốt hơn
- Tác dụng phụ: cảm giác đầy tức thượng vị, buồn nôn, đau đầu, suy yếu tinh trùng dẫn đến vô sinh. Thuốc còn gây tình trạng giảm bạch cầu hạt, thiếu máu, tan máu…
- Liều tấn công: 0,25g/lần, ngày 3 – 4 lần, trong 4 – 8 tuần.
- Thể nhẹ, trung bình: 0,25g/lần, ngày 3 – 4 lần
- Với các tổn thương ở đại tràng trái và trực tràng có thể dùng viên đạn đặt hậu môn 1 viên/ ngày trong 2 tuần. Nếu cần có thể nhắc lại 2 tuần nữa.
- Các hoạt chất trong nhóm gồm: sulfasalazine, olsalazine mesalamine…
Nhóm corticosteroid
Nhóm corticosteroid là nhóm kháng viêm dùng trong các trường hợp nặng.
Chỉ định
Với đợt tiến triển nặng của viêm toàn bộ đại tràng
- Prednisolon 100mg/ ngày truyền tĩnh mạch liên tục trong 24h kéo dài 10- 14 ngày.
- Nếu không đáp ứng cần chỉ định cắt toàn bộ đại tràng.
- Nếu triệu chứng lâm sàng giảm, có thể duy trì theo đường uống 60 – 100 mg /ngày, sau đó giảm liều dần.
Đối với thể trung bình
- Đối với người lớn: 40 – 60 mg/ ngày, trong 5 -7 ngày. Sau đó giảm liều dần, giảm xuống 5mg đến khi lui bệnh hẳn.
- Đối với trẻ em: 1-2 mg/kg/ngày, chia làm 1-4 lần, cũng giảm liều dần.
Thuốc rất hữu ích cho các đợt bùng phát cấp tính, không thích hợp để dùng duy trì. Các hoạt chất của nhóm: prednisone, betamethasone, hydrocortisone…
Các thuốc ức chế miễn dịch
Những thuốc này hoạt động theo cơ chế ngăn chặn phản ứng của hệ thống miễn dịch bắt đầu quá trình viêm. Một tác dụng phụ phổ biến của nhiều loại thuốc ức chế miễn dịch là suy giảm miễn dịch, điều này dễ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân. Dưới đây là các thuốc có thể sử dụng đối với viêm đại tràng mãn tính:
- Azathiopin (imuran) có hiệu quả trong một số trường hợp nặng. Lliều dùng 2,5 mg/ kg/ ngày. Cần theo dõi bạch cầu hạt để ngừng thuốc kịp thời
- Cyclospoin A chỉ định dùng cho bệnh nhân điều trị corticoid không có kết quả điều trị. Liều lượng: 4mg/kg/ngày theo đường truyền tĩnh mạch.
Các thuốc phối hợp điều trị
Thuốc cầm tiêu chảy
- Thuốc làm chậm nhu động ruột: Thuốc tác dụng trực tiếp lên cơ vòng, cơ dọc thành ruột, làm giảm nhu động thành ruột, giảm tiết dịch đường tiêu hóa nên làm giảm sự mất dịch, chất điện giải, giảm thể tích phân, cầm tiêu chảy.
- Loperamid HCL ( Imodium ): 2mg / 2-3 lần/ngày
- Thuốc bao phủ niêm mạc ruột: Thuốc có tác dụng bao phủ mạnh, bảo vệ niêm mạc ruột bằng cách trải thành một màng đồng đều trên khắp bề mặt niêm mạc.
- Đất sét ( actapulgite , smecta ) 2 – 4 gói /ngày
Thuốc chống co thắt
- Drotaverine hàm lượng 0,04g ( Nospa): Thuốc có tác dụng chống co thắt cơ trơn do ức chế enzym phosphodiesterase. Enzym này khi bị ức chế sẽ có đặc tính giãn cơ.
- Liều dùng: 4 viên/ lần, 2 – 3 lần/ ngày
- Tác dụng không mong muốn: rối loạn hệ thần kinh (nhức đầu, chóng mặt..), rối loạn hệ tim mạch (đánh trống ngực, hạ huyết áp…)
- Papaverin hàm lượng 0,04g : Thuốc có hai cơ chế tác dụng chống co thắt, gồm ức chế phosphoryl hóa và cản trở calci trong khi co cơ. Thuốc ít tác dụng trên hệ thần kinh trung ương, với liều cao có thể gây ức chế ở một số người bệnh.
- Liều dùng: 2 viên/ lần X 2 – 3 lần /ngày
- Tác dụng không mong muốn: có thể gặp như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, quá mẫn với gan…
Thuốc điều chỉnh nhu động đại tràng
- Trimebutine ( trimebutine – debridat ):
- Trimebutin là một tác nhân chống co thắt không cạnh tranh, có ái lực trung bình với thụ thể opiat. Trimebutin kích thích nhu động ruột và ức chế nhu động ruột đã bị kích thích từ trước.
Liều dùng:
- Người lớn: 100mg/lần x 3 lần/ ngày
- Không dùng cho trẻ dưới 12 tuổi
Tác dụng không mong muốn: hiếu gặp mệt mỏi, buồn nôn, khó tiêu, chóng mặt…
- Metoclopramide ( primperan 10mg ): Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn dopamine, làm tăng tốc độ làm rỗng dạ dày và chuyển động của ruột non.
Liều dùng:
- Người lớn: 5 – 10 mg/lần, không nên vượt quá 3 lần/ngày
- Trẻ em từ 1 đến 12 tuổi: 0,1 – 0,15 mg/kg/lần (tối đa 10mg/lần).
Tác dụng không mong muốn: phản ứng dị ứng: phát ban; khó thở; sưng mặt, môi, lưỡi hoặc họng…
Viêm đại tràng mạn có nhiễm khuẩn đợt tiến triển
Nguyên nhân xảy ra cấp tính chủ yếu là do vi khuẩn gây nên. Biểu hiện cấp có triệu chứng chủ yếu đau bụng, đau thắt bụng dưới, đau quặn từng cơn, tiêu chảy đột ngột, phân toàn nước (có thể có máu, nhầy), người mệt mỏi, gầy sút nhanh….Dưới đây là một số thuốc dùng cho tình trạng viêm đại tràng mạn do vi khuẩn đợt tiến triển:
- Trimethoprim (Biseptol hàm lượng 480mg): Kháng sinh điều trị viêm đại tràng do ký sinh trùng, virus, nấm gây ra. Liều dùng: Uống mỗi lần 1-2 viên 480mg, ngày 2 lần, điều trị trong 5 ngày.
- Metronidazole: là một loại thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị viêm đại tràng do ký sinh trùng, amip hoặc vi khuẩn yếm khí. Liều dùng 750mg uống ba lần mỗi ngày trong 5-10 ngày hoặc 500mg tiêm mạch mỗi 6 giờ trong 5-10 ngày. Tên biệt dược của thuốc Choongwae trizele; Flagyl 250mg.
Ngoài các thuốc trên bạn có thể sử dụng các thuốc khác phù hợp với tình trạng bệnh hoặc phổ tác dụng của thuốc như Vancomycin (tác dụng tương tự như Metronidazole)…
Phẫu thuật
Phẫu thuật cắt bỏ đại tràng có thể được khuyến nghị khi thuốc không còn hiệu quả hoặc khi có các trường hợp nghiêm trọng (viêm đại tràng toàn thể hoặc giai đoạn cuối).
3.2. Biến chứng của viêm đại tràng mãn tính
Viêm đại tràng mãn tính rất khó chữa trị, bệnh kéo dài không được kiểm soát thì để lại hậu quả khá nghiêm trọng cho bạn. Dưới đây là các biến chứng có thể gặp phải:
Xuất huyết
Khi bệnh nhân bị viêm đại tràng mãn tính, niêm mạc đại tràng đã bị viêm loét trong thời gian dài, dẫn đến rất dễ xuất huyết. Xuất huyết khiến người bệnh đi ngoài ra máu, phân lẫn chất nhầy, mủ. Với trường hợp nặng còn có thể chảy máu ồ ạt khi đi đại tiện. Biến chứng này khá nguy hiểm vì nó dẫn đến tình trạng thiếu máu. Nếu tình trạng này kéo dài, cơ thể người bệnh luôn trong tình trạng xanh xao, mệt mỏi.
Giãn đại tràng
Rối loạn đại tiện là tình trạng thường gặp ở bệnh nhân viêm đại tràng mãn tính. Đại tràng luôn phải co thắt liên tục, ruột phải vận động quá mức sẽ dẫn đến giãn đại tràng. Biểu hiện giãn đại tràng gồm có bụng sưng to, đầy hơi hoặc khí, tiêu chảy, nôn, táo bón, mệt mỏi, đối với trẻ có thể khiến trẻ khó tăng cân, chậm phát triển…
Thủng đại tràng
Khi bị viêm nhiễm kéo dài không khỏi, các vết loét ngày càng lan rộng và nghiêm trọng hơn. Vết loét không đượcc điều trị kịp thời nó sẽ loet sâu dẫn đến nguy cơ thủng đại tràng vô cùng nguy hiểm. Trường hợp này bệnh nhân cần được mổ gấp để bảo vệ sức khỏe và tính mạng.
Ung thư đại tràng
Bệnh nhân viêm đại tràng mãn tính thì có khoảng 20% bệnh nhân trong số đó biến chứng thành ung thư đại tràng. Viêm đại tràng mãn khiến tế bào biểu mô niêm mạc có nguy cơ loạn sản, chuyển sang tế bào ác tính. Từ đó phát triển sang ung thư đại tràng, quá trình này kéo dài tích luỹ và phát triển trong khoảng 7 – 10 năm.
Xem thêm: 9 điều cần biết về viêm đại tràng
4. Chăm sóc bệnh nhân viêm đại tràng mãn tính
Viêm đại tràng mãn tính một bệnh cần được chăm sóc và điều trị lâu dài. Dưới đây là một số cách chăm sóc cho bệnh nhân viêm đại tràng mạn:
4.1. Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý
Viêm đại tràng mãn tính nên ăn gì kiêng gì? Dưới đây là một số gợi ý về chế độ ăn uống chung có thể giúp bạn kiểm soát tình trạng của mình:
- Hạn chế các sản phẩm từ sữa. Nhiều người bệnh bị viêm đại tràng mãn tính nhận thấy rằng các vấn đề như tiêu chảy, đau bụng và đầy hơi… được cải thiện bằng cách hạn chế hoặc loại bỏ các sản phẩm từ sữa. Có thể nguyên nhân do lactose trong sữa khiến bạn gặp các vấn đề trên. Vì vậy, bạn có thể sử dụng một sản phẩm không chứa lactose để thay thế.
- Ăn nhiều bữa nhỏ. Bạn có thể thấy rằng bạn cảm thấy tốt hơn khi ăn năm hoặc sáu bữa ăn nhỏ mỗi ngày thay vì hai hoặc ba bữa ăn lớn hơn.
- Uống nhiều chất lỏng. Cố gắng uống nhiều chất lỏng hàng ngày. Nước là tốt nhất. Rượu và đồ uống có chứa caffeine kích thích đường ruột của bạn và có thể làm cho bệnh tiêu chảy nặng hơn, trong khi đồ uống có ga thường tạo ra khí.
- Nói chuyện với chuyên gia dinh dưỡng. Bạn cũng có thể xin tư vấn từ các chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn hợp lý. Từ đó, nhằm mục đích cải thiện tình trạng bệnh viêm đại tràng mãn.
4.2. Lối sống và sinh hoạt lành mạnh
Một trong những nguyên nhân dẫn đến viêm đại tràng mãn tính là do stress, căng thẳng, lo lắng, trầm cảm… Vì vậy, việc đảm bảo cho tinh thần vui vẻ, thoải mái, lành mạnh là điều bệnh nhân nên chú ý. Để giúp kiểm soát căng thẳng, hãy thử:
- Tập thể dục. Ngay cả khi tập thể dục nhẹ cũng có thể giúp giảm căng thẳng, giảm trầm cảm và bình thường hóa chức năng ruột. Bạn nên tập thể dục thường xuyên để có thể duy trì tâm trạng thoải mái.
- Tập cách hít thở sâu. Những bài tập thở sâu sẽ giúp chúng ta thư giãn hơn vì tăng lượng oxy cung cấp cho cơ thể. Hãy áp dụng cách hít vào sâu bằng bụng, nín thở trong 3 giây, sau đó thở ra từ từ và hoàn toàn. Lặp lại bài tập này 3 lần liên tiếp nếu chưa thấy hiệu quả.
- Nghe nhạc. Âm nhạc đem lại cảm giác dễ chịu. Nó giải phóng các hormon chống lại stress. Bất kỳ loại nhạc nào hay bất cứ ở đâu khi cảm thấy căng thẳng hãy dành vài phút để nghe bài nhạc mình thích. Điều đó có thể khiến tâm trạng bạn ổn định hơn.
Có rất nhiều cách có thể khiến bạn bớt căng thẳng hơn mà bạn có thể áp dụng, trên đây là một số cách bạn nên thử.
4.3. Đảm bảo việc sử dụng thuốc của bệnh nhân
Khi bạn đang dùng thuốc điều trị viêm đại tràng mãn tính. Hãy đảm bảo bạn đã và đang dùng thuốc đầy đủ và chính xác. Việc sử dụng thuốc đối với bệnh nhân viêm đại tràng mãn thường phải dùng kéo dài. Vì vậy, bạn cần biết rõ mình đang dùng những loại thuốc nào hay dùng như thế nào? Dùng thuốc không đầy đủ hoặc sai cách có thể xuất hiện các cơn bệnh cấp tính rất nguy hiểm. Dưới đây là một số mẹo nhắc bạn uống thuốc:
- Note “Nhớ uống thuốc!” ở những vị trí bạn hay nhìn thấy như tủ lạnh, gương…
- Đặt thuốc uống ban đêm ngay cạnh giường ngủ
- Nhờ một người nhắc bạn uống thuốc.
- Đặt thuốc bạn phải uống vào một hộp riêng cho mỗi ngày, tuần….
- Ngoài ra bạn có thể dùng các app nhắc nhở uống thuốc hàng giờ, hàng ngày.
4.4. Bổ sung lợi khuẩn
Viêm đại tràng mãn tính khiến bạn gặp phải các tình trạng như tiêu chảy, táo bón, phân nát, cơ thể khó chịu. Việc này xảy ra do sự mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột do việc dùng thuốc hoặc các nguyên nhân khác. Vì vậy việc lựa chọn các sản phẩm bổ sung lợi khuẩn vô cùng cần thiết lúc này. Chọn các loại lợi khuẩn tốt giúp giảm đi các triệu chứng mà viêm đại tràng mạn gặp phải. Các lợi khuẩn trên thị trường: Lactobacillus acidophilus, Bifidobacterium,…
Lợi ích của việc dùng lợi khuẩn
- Tái cân bằng hệ vi sinh đường ruột từ đó làm giảm các triệu chứng như tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, khó tiêu…
- Giúp tăng tiết chất nhầy bảo vệ niêm mạc ruột, hỗ trợ hồi phục các tế bào ruột bị tổn thương, viêm, loét
- Bổ sung lợi khuẩn còn giúp ức chế, tiêu diệt các loại vi khuẩn gây bệnh.
- Giúp tăng sinh kháng thể, tăng cường sức đề kháng và bảo vệ cơ thể giảm các tình trạng nhiễm khuẩn của bạn.
Tổng kết: Viêm đại tràng mãn tính là bệnh lý cần thời gian điều trị lâu dài vì vậy bạn hãy kiên nhẫn thực hiện các bước điều trị. Bài viết trên đưa ra các cách chăm sóc và điều trị viêm đại tràng mãn tính mà bạn nên biết. Mong bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ các cách cải thiện tình trạng bệnh lý của mình.
>>Xem thêm: Phân biệt viêm đại tràng và hội chứng ruột kích thích
Mọi chi tiết thắc mắc liên quan đến sức khoẻ vui lòng liên hệ theo HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.
Tham khảo nguồn: Healthline