Quá tải lactose ở trẻ sơ sinh là tình trạng trẻ rối loạn tiêu hóa: đi ngoài sau bú, phân chua, đầy hơi, sôi bụng. Tuy quá tải lactose không nguy hiểm nhưng nếu kéo dài có thể khiến trẻ suy nhược do tiêu chảy, lâu dài có thể dẫn đến bất dung nạp lactose thứ phát. Để nhận biết quá tải lactose ở trẻ sơ sinh từ sớm cũng như cách xử lý hiệu quả, cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé.
Mục lục
1. Quá tải lactose ở trẻ sơ sinh là gì?
Quá tải lactose là tình trạng rối loạn chức năng lactase, do lượng men lactase không đủ để tiêu hóa hết đường lactose trong sữa trẻ dung nạp vào. Lượng lactose dư thừa di chuyển xuống ruột, bị vi khuẩn tại đây lên men dẫn đến trẻ bị đầy bụng, đau bụng, đi ngoài phân lỏng có mùi chua.
Ví dụ: Cơ thể trẻ một ngày chỉ tiết ra lượng lactase đủ để tiêu hóa hết 100ml sữa. Nhưng trẻ lại uống đến 150ml sữa/ ngày. Như vậy, dư ra lactose trong 50ml sữa trẻ không tiêu hóa được.
2. Dấu hiệu nhận biết quá tải lactose ở trẻ sơ sinh
2.1. Triệu chứng quá tải lactose ở trẻ sơ sinh
- Đi ngoài phân lỏng, màu xanh, mùi chua, có thể có nhầy, có bọt. Khi xét nghiệm phân, pH<6
- Đau bụng
- Sôi bụng, đầy hơi, hay ợ hơi, nôn trớ
- Quấy khóc
Những biểu hiện này giống với tình trạng bất dung nạp lactose. Tuy nhiên, dựa vào một số đặc điểm có thể phân biệt được 2 bệnh lý này.
2.3. Cách phân biệt quá tải lactose và bất dung nạp lactose
Độ tuổi mắc: Quá tải lactose thường xảy ra ở trẻ từ 3-6 tháng tuổi, còn bất dung nạp lactose có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào
Trong khoảng độ tuổi từ 0-6 tháng tuổi, hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện hoàn toàn với trẻ chưa có khả năng tự chủ trong việc bú mẹ, đặc biệt là bú bình. Vì vậy, trẻ dễ bú nhiều quá nhu cầu, dễ dẫn đến bị quá tải lactose.
Thay đổi cân nặng: Trẻ quá tải lactose tăng cân bình thường, còn trẻ gặp bất dung nạp lactose không tăng cân hoặc tăng cân rất chậm
- Quá tải lactose: Trẻ được bú nhiều và lượng lactose vẫn được cơ thể trẻ hấp thu nên trẻ tăng cân bình thường, hoặc thậm chí tăng cân tốt.
- Bất dung nạp lactose: Trẻ không đủ men để hấp thu được lượng lactose cơ bản cơ thể trẻ cần nên trẻ không tăng cân hoặc tăng cân chậm.
Thay đổi cân nặng là dấu hiệu lâm sàng quan trọng nhất để phân biệt giữa quá tải bất dung nạp lactose và bất dung nạp lactose
Đặc điểm khác: Trẻ quá tải lactose thường đói liên tục, mệt mỏi vào đầu giờ sáng, đi tiểu nhiều, khoảng 10 lần/ ngày. Trong khi đó, bất dung nạp lactose không có các triệu chứng như trên
Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác quá tải lactose hay bất dung nạp lactose cần thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng như test hơi thở Hydro hoặc thử nghiệm dung nạp lactose. Lưu ý, test phân không chẩn đoán phân biệt được bất dung nạp hay quá tải lactose.
>> Xem thêm: Quá tải Lactase hay bất dung nạp Lactase? Cách phân biệt
3. Nguyên nhân quá tải lactose ở trẻ sơ sinh
Quá tải lactose thường xảy ra ở trẻ từ 3-6 tháng tuổi do một số nguyên nhân như sau:
3.1. Do trẻ háu ăn hoặc được cho bú quá nhiều sữa
Nhiều mẹ có quan niệm cho trẻ uống càng nhiều sữa càng tốt, mẹ ép trẻ uống nhiều sữa trong 1 cữ hoặc uống quá nhiều cữ trong ngày. Cùng với thói quen bú bình, sữa chảy ra liên tục khiến sữa được nạp nhanh và nhiều, dẫn đến vượt quá khả năng đường ruột trẻ phân giải đường lactose. Điều này lý giải cho những triệu chứng trẻ gặp phải. Thời gian sữa đi qua đường tiêu hóa nhanh nên các dưỡng chất chưa kịp hấp thu, trẻ đi lỏng nhiều nên có biểu hiện đói liên tục. Còn uống nhiều sữa nên trẻ thường đi tiểu nhiều lần trong ngày.
3.2. Do mẹ chủ động hoán đổi bầu ngực quá sớm
Mẹ muốn con bú cả hai bầu ngực nên cho bé bú chưa hết một bên đã chuyển sang bên kia. Tình trạng này khiến trẻ bú nhiều sữa đầu và bú không hết sữa cuối. Trong khi đó, thành phần của 2 loại sữa này khác nhau, sữa đầu chứa nhiều đường và chất béo. Ít chất béo làm giảm thời gian lưu của sữa tại đường tiêu hóa, ruột chưa kịp tiết men để phân giải đường. Lượng đường dư thừa không được tiêu hóa gây ra các triệu chứng quá tải lactose.
4. Quá tải lactose ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?
Quá tải lactose khiến trẻ đi ngoài nhiều, có nguy cơ mất nước theo phân, mệt mỏi, suy nhược cơ thể. Đặc biệt, nếu tình trạng quá tải lactose kéo dài có thể dẫn đến bất dung nạp lactose thứ phát. Là do tiêu chảy nhiều khiến niêm mạc ruột bị tổn thương, ảnh hưởng đến chức năng tiết men lactase tự nhiên. Giảm sản xuất men lactase hơn mức bình thường gây ra hiện tượng bất dung nạp lactose.
Tuy nhiên, mẹ không cần quá lo lắng vì trẻ quá tải lactose sẽ sớm cải thiện khi được xử lý kịp thời và đúng cách.
5. Xử lý quá tải lactose ở trẻ sơ sinh
5.1. Cho trẻ bú đúng cách
Theo chuyên gia, để cải thiện tình trạng quá tải lactose, nguyên tắc đầu tiên là phải cho trẻ bú đúng cách và đúng nhu cầu.
Với trẻ bú sữa mẹ:
- Nên cho trẻ bú mẹ trực tiếp thay vì bú bình. Tốt nhất nên cho trẻ bú mẹ trực tiếp ngay từ sơ sinh. Với cách bú bình, sữa chảy ra liên tục không theo ý muốn của trẻ, trẻ bắt buộc uống sữa không tự chủ. Điều này dễ làm trẻ uống quá no. Với cách bú mẹ trực tiếp, trẻ tự chủ trong việc uống sữa, theo đúng nhu cầu.
- Cho trẻ bú hết một bên vú, bú 2 lần liên tiếp một bên, khi trẻ nhả núm vú mới đổi sang bên còn lại. Đối với mẹ có nhiều sữa, mẹ có thể vắt bên không bú để tránh cương cứng.
- Vắt bỏ 10-15ml sữa đầu. Do sữa đầu chứa nhiều đường và ít chất béo
Với trẻ bú sữa công thức:
- Cho trẻ bú vừa đủ, đúng cữ, không nên cho trẻ bú quá no
- Trong một số trường hợp, có thể đổi sang loại sữa nhạt, ít lactose hơn
5.2. Điều chỉnh dinh dưỡng của mẹ
Nếu bé bú sữa mẹ, trong giai đoạn bé quá tải lactose tiêu chảy, mẹ nên kiêng một số đồ tanh, chua, quá ngọt,…Mẹ chú ý chế độ ăn uống cân bằng các nhóm dinh dưỡng, đảm bảo sữa đủ chất giúp trẻ nhanh hồi phục
5.3. Dùng kẽm, men vi sinh
Kẽm giúp phục hồi đường ruột trẻ, giảm nhanh tình trạng rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, đầy hơi,…
Men vi sinh thiết lập cân bằng hệ vi sinh đường ruột, điều hòa hoạt động tiêu hóa, cải thiện khả năng phân giải đường, qua đó cải thiện triệu chứng.
6. Lưu ý khi chăm sóc trẻ quá tải lactose
- Mẹ không tùy ý sử dụng thuốc hoặc các thảo mộc cai sữa. Mẹ ít sữa khiến trẻ không đủ sức khỏe để hồi phục đường ruột
- Tuyệt đối không dùng kháng sinh cho trẻ. Do kháng sinh tiêu diệt lợi khuẩn, phá vỡ cân bằng vi sinh, trẻ không những không cải thiện mà còn gặp tình trạng nặng hơn
- Trường hợp trẻ bị quá tải lactose kéo dài, mẹ cải thiện theo các cách trên không hiệu quả, trẻ vẫn đi ngoài nhiều và mệt mỏi mẹ nên cho trẻ đi khám bác sĩ để xử lý kịp thời.
Trên đây, Imiale đã tổng hợp các kiến thức cần thiết về tình trạng quá tải lactose ở trẻ sơ sinh cho các mẹ tham khảo. Để cải thiện được hiệu quả vấn đề quá tải lactose ở trẻ, mẹ cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để cho con bú và am hiểu kỹ về cách chăm sóc con sao cho đúng cách và hợp lý. Nếu trong quá trình cải thiện cho con, mẹ có thắc mắc gì hãy liên hệ chuyên gia qua Hotline: 19009482 hoặc 0988410182 để được giải đáp sớm nhất!