Hội chứng ruột kích thích là một bệnh không chỉ phổ biến ở Việt Nam mà còn ở trên toàn thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Tiêu hóa Thế giới, khoảng 7-10% dân số trên thế giới mắc bệnh này. Nó ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống của người bệnh. Hiện nay chưa có thuốc điều trị dứt điểm, do đó mỗi người cần có kiến thức đầy đủ về bệnh để phòng ngừa cũng như cải thiện tình trạng bệnh. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho mọi người một cái nhìn tổng quan nhất về hội chứng ruột kích thích.
Mục lục
- 1. Hội chứng ruột kích thích – IBS (đại tràng co thắt) là gì?
- 2. Nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích
- 3. Để chẩn đoán hội chứng ruột kích thích thì cần dựa trên triệu chứng nào?
- 4. Phân biệt giữa viêm đại tràng và hội chứng ruột kích thích
- 5. Phác đồ điều trị và thuốc sử dụng
- 6. Cần làm gì để phòng ngừa hội chứng ruột kích thích
- 7. Chế độ ăn uống và sinh hoạt của người bị hội chứng ruột kích thích
1. Hội chứng ruột kích thích – IBS (đại tràng co thắt) là gì?
Hội chứng ruột kích thích – IBS (Irritable Bowel Syndrome) là tình trạng rối loạn chức năng ruột mạn tính bao gồm đau bụng, cảm giác đầy bụng và rối loạn đại tiện.
2. Nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích
Hiện nay, chưa có một nguyên nhân rõ ràng nào gây nên hội chứng ruột kích thích. Đa số trường hợp rối loạn chức năng ruột đều do yếu tố sinh lý trong cơ thể gây ra, song cũng không thể phủ nhận rằng nó còn chịu tác động của các yếu tố tâm lý xã hội. Thường thì hai yếu tố này sẽ tác động qua lại lẫn nhau và gây nên biểu hiện rối loạn trong cơ thể.
Sau đây là một số nguyên nhân gây nên hội chứng ruột kích thích
Rối loạn khuẩn chí đường ruột
Đây là tình trạng gia tăng quá mức các vi khuẩn có hại trong đường ruột, gây nên các biểu hiện như tiêu chảy, táo bón,…Hiện nguyên nhân này vẫn đang còn là một dấu hỏi lớn.
Viêm niêm mạc mức độ tiềm tàng
Có dấu hiệu tổn thương niêm mạc ở dạ dày, tá tràng,… nhưng chưa biểu hiện rõ ràng.
Tăng nhạy cảm nội tạng
Tăng nhạy cảm nội tạng là biểu hiện nhạy cảm của ruột đối với các hoạt động sinh lý diễn ra trong cơ thể như sự co giãn cơ trong lòng ruột, tăng cảm giác đau đối với quá trình lưu thông khí bình thường diễn ra trong lòng ruột.
Sau nhiễm khuẩn
Một số nghiên cứu của Tổ chức Tiêu hóa trên thế giới cũng chỉ ra rằng, ở một số bệnh nhân sau khi bị viêm dạ dày, ruột cấp xuất hiện các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích (hội chứng ruột kích thích hậu nhiễm trùng).
Rối loạn hoạt động tiêu hoá:
- Tăng phản xạ giữa dạ dày và ruột (đáp ứng co bóp quá mức) sau ăn dẫn đến tình trạng đau bụng, các cơn co thắt quá mức với biên độ cao ở đại tràng.
- Việc ăn quá nhiều thức ăn dầu mỡ cũng làm tăng tính thấm với ruột, gây nên các phản ứng quá mẫn.
- Các thức ăn giàu tinh bột lên men (bánh mì, bánh ngọt,…) kém hấp thu ở ruột non, chúng bị đẩy xuống đại tràng khiến đại tràng bị kích thích, tăng tiết dịch tiêu hóa.
Sự biến đổi nội tiết tố ở nữ giới
Sự biến đổi hormon ở nữ giới trong thời kỳ kinh nguyệt cũng ảnh hưởng đến chức năng ruột (độ nhạy cảm của trực tràng cao hơn so với lúc bình thường)
Trầm cảm
Trầm cảm là một yếu tố tâm lý xã hội tác động trực tiếp tới hội chứng ruột kích thích. Ở những người bị rối loạn cảm xúc, lo âu do bị thiếu hụt Serotonin thì biểu hiện rõ nhất trên hệ tiêu hóa (đau bụng, rối loạn tiêu hóa,…). Bởi vì khoảng 80% serotonin của cơ thể nằm trong các tế bào ở đường tiêu hóa, nó có vai trò điều hòa chuyển động của ruột (kích thích tế bào thần kinh và nhu động ở ruột).
3. Để chẩn đoán hội chứng ruột kích thích thì cần dựa trên triệu chứng nào?
Để chẩn đoán một người có bị hội chứng ruột kích thích hay không, chúng ta sẽ dựa vào tiêu chuẩn Rome IV năm 2016:
Các dấu hiệu chẩn đoán
Đau bụng hay cảm giác khó chịu ở bụng tái diễn lớn hơn 3 ngày/ tháng, trong 3 tháng gần đây, có 2 trong 3 đặc điểm sau:
- Đau giảm hoặc tăng sau khi đi đại tiện.
- Đau bụng đi kèm thay đổi số lần đi đại tiện,
- Đau bụng đi kèm thay đổi hình dạng phân.
Những triệu chứng trên sẽ kéo dài trên 6 tháng, gia tăng khi cơ thể stress, đi kèm lo âu, trầm cảm và xuất hiện sau bữa ăn.
Bên cạnh các triệu chứng kể trên, còn có một số triệu chứng thường gặp khác như là
- Cảm giác đầy bụng
- Phân cứng hoặc lỏng
- Có sự thay đổi số lần đại tiện: < 3 lần/ tuần (táo bón) hay >3 lần/ ngày (tiêu chảy).
- Rặn khi đi đại tiện (táo bón) hay buộc đi đại tiện gấp, đi không hết, phân có nhiều chất nhầy (tiêu chảy).
- Khó tiêu, buồn nôn.
- Cơ thể mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu, rối loạn tiểu tiện,…
Chú ý: Trong trường hợp bạn là người lớn tuổi (> 50 tuổi), mới có triệu chứng gần đây, sút cân, có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư đại tràng, Celiac hay viêm ruột mạn tính, dùng kháng sinh dài ngày,… thì cần phải làm thêm một số xét nghiệm thăm dò khác (xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, soi trực tràng, nội soi đại tràng,…) để chẩn đoán chính xác hơn.
4. Phân biệt giữa viêm đại tràng và hội chứng ruột kích thích
4.1. Viêm đại tràng
- Là tình trạng viêm nhiễm gây tổn thương ở niêm mạc đại tràng với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ biến chứng thành các bệnh nguy hiểm như (viêm đại tràng mạn, thủng đại tràng, ung thư đại tràng,…).
- Nguyên nhân đa phần do bị viêm nhiễm (nhiễm khuẩn, nhiễm vi rút, nhiễm ký sinh trùng,…), đôi khi cũng liên quan đến việc dùng thuốc kháng sinh dài ngày dẫn đến rối loạn tiêu hóa, căng thẳng, mệt mỏi,…
- Triệu chứng: đau quặn bụng, người mệt mỏi, gầy, sút cân nhanh, phân có thể lẫn máu và chất nhầy, đi đại tiện nhiều (tiêu chảy) dẫn đến mất nước và chất điện giải, trường hợp táo bón có thể kết hợp với đau bụng hoặc tiêu chảy xen kẽ, đầy bụng,…
4.2. Hội chứng ruột kích thích
- Là tình trạng rối loạn chức năng ruột mạn tính.
- Nguyên nhân do các quá trình sinh lý diễn ra bất thường trong cơ thể hoặc do yếu tố tâm lý xã hội như căng thẳng, mệt mỏi, trầm cảm,…
- Các triệu chứng của bệnh thường diễn ra trong một thời gian dài (>6 tháng), rất khó để chẩn đoán. Hội chứng ruột kích thích được nghĩ đến cuối cùng sau khi đã loại trừ tất cả các trường hợp mắc bệnh về đường tiêu hóa khác có thể có.
Xem thêm: Viêm đại tràng – 9 điều cần biết
5. Phác đồ điều trị và thuốc sử dụng
Hiện nay, chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu cho hội chứng ruột kích thích, việc điều trị bệnh này chủ yếu dựa trên các mục tiêu sau:
- Tập trung cải thiện triệu chứng của bệnh.
- Cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.
- Phát hiện và điều chỉnh các rối loạn tâm lý của người bệnh.
Phác đồ điều trị hội chứng ruột kích thích chia làm 2 phần chính: điều trị không dùng thuốc và điều trị dùng thuốc.
Đối với trường hợp điều trị không dùng thuốc.
- Các cán bộ y tế cần giáo dục kiến thức cho bệnh nhân: giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về bệnh.
- Với các bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích do căng thẳng, lo âu, trầm cảm thì dùng liệu pháp tâm lý để cải thiện.
- Khuyến khích bệnh nhân tiết thực: tăng cường chất xơ có trong các loại rau xanh, củ quả (rau cải, rau bina, khoai lang,…) trong khẩu phần ăn hằng ngày, tránh ăn phải các thức ăn sinh hơi (các thức ăn chứa nhiều tinh bột lên men, các loại đường đơn, đường đôi như bánh mì, bánh ngọt,…Nếu ăn quá nhiều sẽ đầy bụng, khó tiêu,…).
- Rèn luyện thể lực.
Đối với trường hợp điều trị dùng thuốc
Tùy vào mức độ nặng nhẹ của các triệu chứng mà bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc phù hợp.
Dưới đây là một số thuốc và cơ chế của nó nhằm làm giảm các triệu chứng (đau bụng, trầm cảm, táo bón, tiêu chảy) trong việc điều trị hội chứng ruột kích thích.
Điều trị đau bụng:
Cơ chế của thuốc điều trị đau bụng dựa trên việc làm giảm tình trạng co thắt các cơ trơn ở ruột.
Các thuốc chống co thắt gồm có:
- Mebeverine và Papaverin: chúng tác động trực tiếp lên sự giãn cơ trơn thành ruột.
- Bên cạnh đó, có thể làm giảm cơn đau bụng thông qua hoạt tính đối kháng cholinergic và kháng muscarin của các thuốc như dicyclomine, hyoscyamine, làm giảm co thắt cơ trơn ở ruột.
Điều trị trầm cảm
Các thuốc chống trầm cảm giúp hỗ trợ phóng thích endorphin nội sinh, ngăn cản tái hấp thu noradrenalin dẫn tới làm giảm cảm giác đau, bên cạnh đó nó còn có tác dụng khóa các nơron kích thích đau, serotonin. Đặc biệt hơn là các thuốc chống trầm cảm ba vòng thông qua hoạt tính kháng cholinergic cũng làm giảm nhu động ruột và cải thiện được tình trạng tiêu chảy ở trên bệnh nhân.
Một số thuốc điển hình là: amitriptyline, imipramine, nortriptyline, desipramine,…
Điều trị tiêu chảy
Các thuốc điều trị tiêu chảy phổ biến là:
- Loperamide: đây là một thuốc chống trầm cảm 3 vòng, nó làm giảm nhu động ruột do đó tình trạng tiêu chảy được cải thiện.
- Các thuốc đối vận thụ thể 5-HT3 (alosetron, ramosetron, …) làm giảm giải phóng serotonin, làm giảm tiết dịch, giảm nhu động ruột.
Điều trị táo bón
Có 2 nhóm thuốc được sử dụng để điều trị táo bón
- Thuốc nhuận tràng: Poly Ethylene Glycol, Bisacodyl, Methyl cellulose,…
Cơ chế của thuốc: tăng áp lực thẩm thấu, giữ nước trong lòng ruột, tăng khối lượng phân, làm mềm phân,…
- Thuốc đồng vận thụ thể 5- HT4 giúp tăng giải phóng serotonin, kích thích tăng nhu động ruột, cải thiện được tình trạng táo bón như: Prucalopride, Naronapride, Velusetrag,…
Linaclotide, một thuốc mới hiện nay với cơ chế đồng vận Guanylate Cyclase nhằm kích thích tiết và vận chuyển dịch ruột, làm tăng tiết dịch, tăng nhu động ruột. Do đó việc sử dụng thuốc này cũng khiến cho tình trạng táo bón được cải thiện một cách đáng kể.
6. Cần làm gì để phòng ngừa hội chứng ruột kích thích
Để phòng ngừa hội chứng ruột kích thích, mọi người cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt một cách khoa học.
- Mọi người nên hạn chế tối đa việc sử dụng các đồ ăn thức uống không lành mạnh: đồ uống có ga, bia, rượu, các thức ăn nhanh, bánh kẹo,…
- Bổ sung lợi khuẩn: giúp tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ hệ tiêu hóa làm việc một cách hiệu quả hơn.
- Luôn giữ cho tâm trạng được thoải mái, vui vẻ, tập cách thư giãn, giải tỏa stress, tránh suy nghĩ tiêu cực cũng là một cách giúp phòng ngừa hội chứng ruột kích thích hiệu quả.
- Ngoài ra, mọi người cũng nên tập cho mình thói quen ăn uống đúng giờ, đúng bữa,…
7. Chế độ ăn uống và sinh hoạt của người bị hội chứng ruột kích thích
Việc thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt là một cách giúp cải thiện được tình trạng bệnh, có 2 câu hỏi lớn được đặt ra ở đây mà chúng ta cần phải đáp.
- Người bị hội chứng ruột kích thích nên ăn gì?
- Người bị hội chứng ruột kích thích kiêng ăn gì?
Người bị hội chứng ruột kích thích nên ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ (các loại rau xanh, củ quả chín,…); sử dụng các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, cân bằng chất dinh dưỡng; uống đủ nước,…
Người bị hội chứng ruột kích thích cần kiêng ăn các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn chứa quá nhiều tinh bột lên men (bánh mì, bánh ngọt, …), nên hạn chế uống cà phê, trà, bia, rượu,…
Bên cạnh đó, việc bổ sung thêm lợi khuẩn đường ruột cũng rất cần thiết đối với những người bị hội chứng ruột kích thích. Lợi khuẩn có tác dụng hỗ trợ hệ tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, bảo vệ đường ruột khỏi các tác nhân có hại từ bên ngoài. Đặc biệt chúng còn cải thiện được tình trạng rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, táo bón, …)
- Với trường hợp bị tiêu chảy: Việc sử dụng lợi khuẩn Probiotic sẽ làm rút ngắn thời gian tiêu chảy trong ngày, giúp cơ thể cân bằng nước và điện giải.
- Với trường hợp táo bón: Bổ sung lợi khuẩn giúp kích thích bài tiết enzym tiêu hóa, tăng quá trình chuyển hóa thức ăn, điều tiết quá trình tái hấp thu nước trong phân, kích thích nhu động ruột do đó cải thiện tình trạng táo bón.
Ngoài ra, mọi người cũng cần phải duy trì thói quen ăn uống đúng giờ giấc; thường xuyên tập thể dục thể thao; thư giãn đầu óc sau những giờ làm việc, học tập mệt mỏi,…
Xem thêm: Phác đồ điều trị viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh
TÓM LẠI:
Bài viết trên giúp cho mọi người hiểu rõ hơn về hội chứng ruột kích thích (khái niệm về bệnh, bệnh chưa có nguyên nhân rõ ràng cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, phác đồ điều trị nhằm làm giảm triệu chứng cũng như cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân,…). Mong rằng với những thông tin trên, mọi người sẽ có biện pháp phòng ngừa phù hợp.
Mọi chi tiết thắc mắc xin liên hệ HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.