Tiêu chảy là tình trạng rối loạn tiêu hóa rất hay gặp ở cả người lớn và trẻ em. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới WHO mỗi năm có tới hàng tỷ người bị mắc tiêu chảy. Trong số đó có tới hàng triệu người chết vì tiêu chảy. Đây là con số gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về mức độ nguy hiểm của căn bệnh này. Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng từ đó đưa phác đồ điều trị phù hợp; hãy cùng chúng tôi tham khảo bài viết sau.
1. Tiêu chảy là gì?
Theo định nghĩa của Bộ Y tế, tiêu chảy là tình trạng đi đại tiện phân lỏng, nhiều nước bất thường từ 3 lần trở lên trong 24 giờ.
Lưu ý: Nếu đi đại tiện nhiều lần mà phân bình thường thì không phải tiêu chảy. Ở trẻ em bú mẹ hoàn toàn, đi phân sệt là bình thường.
Tình trạng này hay gặp phải: do nhiễm khuẩn, do thức ăn hoặc do tổn thương đường ruột,… khiến cho thức ăn khó tiêu hóa, nhu động ruột tăng nhanh làm thức ăn nhanh chóng bị đào thải ra ngoài
Tiêu chảy có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất là ở trẻ nhỏ. Theo WHO, số liệu năm 2003 cho thấy có khoảng 1,87 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do tiêu chảy. 80% trong số đó là trẻ từ 0 – 2 tuổi. Đây là một trong những căn bệnh về tiêu hóa gây tử vong cao trên toàn thế giới.
2. Phân loại tiêu chảy
Hiện nay có rất nhiều cách phân loại tiêu chảy, nhưng chủ yếu theo các cách sau:
2.1. Phân loại tiêu chảy theo cơ chế bệnh sinh
Theo cơ chế bệnh sinh thì tiêu chảy được chia làm 3 loại:
- Tiêu chảy xâm nhập: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất. Các yếu tố gây hại từ ngoài xâm nhập vào cơ thể thông qua đường tiêu hóa, hô hấp sẽ bám và ký sinh trong ruột. Sau đó chúng nhân lên gây phản ứng viêm và hủy tế bào tiêu hóa gây tiêu chảy
- Tiêu chảy thẩm thấu: Khi niêm mạc ruột bị tổn thương, thức ăn không tiêu hóa hết ứ đọng lại trong lòng ruột gây tăng áp thực thẩm thấu, hút nước vào lòng ruột gây tiêu chảy
- Tiêu chảy do xuất tiết: phẩy khuẩn tả tiết các độc tố ruột không gây tổn thương tế bào mà tác động lên các liên bào gây tăng xuất tiết. Có thể tăng xuất tiết và giảm hấp thu.
2.2. Phân loại tiêu chảy theo triệu chứng lâm sàng
- Tiêu chảy cấp phân nước (bao gồm cả bệnh tả): Là đợt tiêu chảy cấp dưới 14 ngày, thường là 5 – 7 ngày, phân thường lỏng nước. Nguy hiểm chính là mất nước và điện giải. Cơ thể sẽ sụt cân, thiếu hụt dinh dưỡng nếu không được bù dinh dưỡng kịp thời.
- Tiêu chảy cấp phân máu (Hội chứng lỵ): Là đợt tiêu chảy cấp, phân có thèm theo máu dưới 14 ngày, có thể kèm theo đau rát, mót rặn. Tình trạng này rất dễ gây nhiễm khuẩn huyết, suy dinh dưỡng và mất nước.
- Tiêu chảy kéo dài: Là đợt tiêu chảy cấp kéo dài liên tục trên 14 ngày. Phân thường không nhiều nước, mức độ nặng nhẹ thất thường. Có kèm theo rối loạn hấp thu nặng hơn tiêu chảy cấp
- Tiêu chảy kèm theo suy dinh dưỡng nặng: Nguy hiểm chính là nhiễm trùng toàn thân nặng, mất nước, suy tim, thiếu hụt vitamin và vi lượng.
Ngoài ra còn có phân loại theo nồng độ Natri máu và theo mức độ mất nước.
3. Những nguyên nhân gây ra tiêu chảy
3.1. Tiêu chảy do nhiễm khuẩn
Nhiễm khuẩn là một trong những lý do phổ biến nhất gây tiêu chảy. Khi vi khuẩn, virus, ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ bám và nhân lên tại đường ruột, gây tổn thương hệ tiêu hóa. Bên cạnh đó, chúng kích thích tiết các nội độc tố, gây rối loạn chức năng; làm giảm hoặc mất khả năng tái hấp thu nước và điện giải. Từ đó gây ra tình trạng tiêu chảy.
Các loại vi khuẩn, virus, ký sinh trùng gây ra tiêu chảy:
Virus
Rotavirus là tác nhân chính gây ra tiêu chảy nặng và đe dọa tính mạng cho trẻ dưới 2 tuổi. Những trẻ lớn và người lớn ít bị tiêu chảy do rotavirus.
Ngoài ra các virus khác có thể gây tiêu chảy là: Adenovirus, Enterovirus, Norovirus.
Vi khuẩn
Có rất nhiều loại vi khuẩn có khả năng gây ra tình trạng tiêu chảy. Tùy từng loại sẽ có biểu hiện, triệu chứng khác nhau. Thông thường tiêu chảy do nhiễm khuẩn hay gây ra bởi những vi khuẩn sau:
- E.Coli: vi khuẩn sinh nội độc tố ruột gây tiêu chảy cấp, phân nước
- Trực khuẩn lỵ Shigella: gây hội chứng phân lỵ, phân máu
- Salmonella: gây tiêu chảy phân nước hoặc phân máu
- Phẩy khuẩn tả: gây tiêu chảy xuất tiết bằng nội độc tố tả. Làm mất nước và mất điện giải nặng ở trẻ em và người lớn
Ký sinh trùng
- Ký sinh trùng Amip (lỵ) xâm nhập vào cơ thể ở dạng hoạt động, gây ra tiêu chảy.
- Giardia bám dính tại ruột non gây tiêu chảy do giảm hấp thu.
- Cryptosporidium gây suy giảm miễn dịch ở trẻ nhỏ, gây tiêu chảy nặng và kéo dài ở trẻ suy dinh dưỡng hoặc AIDS.
3.2. Rối loạn hệ vi sinh đường ruột
Hệ vi sinh đường ruột đóng vai trò hết sức quan trọng điều hòa các hoạt động tiêu hóa. Trong đường ruột tỷ lệ lợi khuẩn – hại khuẩn là 85% – 15%. Khi lượng tỷ lệ hại khuẩn cao hơn 15%, đường ruột giảm hấp thu, nhu động ruột tăng lên làm hạn chế tái hấp thu nước dẫn đến tiêu chảy, đi ngoài phân lỏng nhiều lần.
>> Xem thêm: Nguy cơ tiềm ẩn khi mất cân bằng lợi khuẩn và hại khuẩn
3.3. Ngộ độc thực phẩm, nguồn nước
Thức ăn ôi thiu, nấm mốc, lên men, chứa phụ gia có hại có thể gây độc cho hệ tiêu hóa. Bởi chúng chứa những vi khuẩn, virus, ký sinh trùng và những độc tố tác động trực tiếp lên niêm mạc ruột. Từ đó gây xuất hiện các tình trạng: đau bụng quằn quại, đi ngoài dữ dội nhiều lần kèm theo nôn mửa, lạnh bụng, sốt,…
Ngoài ra, nguồn nước ăn không đảm bảo, chứa các kim loại nặng như As, Hg,… hay các chất tẩy rửa, phụ gia,… vượt quá mức quy định cũng là một trong những nguyên nhân điển hình gây nên tiêu chảy. Khi đó cơ thể không thể hấp thu và sẽ đào thải hết ra ngoài dưới dạng phân lỏng, nhiều nước.
3.4. Không đảm bảo vệ sinh
Vệ sinh đảm bảo ATTP cũng như môi trường sống xung quanh là hết sức cần thiết cho sức khỏe đặc biệt là hệ tiêu hóa. Khi môi trường bị ô nhiễm, kém vệ sinh cũng làm tăng nguy cơ lây lan vi khuẩn sẽ tạo điều kiện cho chúng có thể xâm nhập vào cơ thể gây ra tình trạng tiêu chảy nhiễm khuẩn.
3.5. Dị ứng và không dung nạp một số thực phẩm
Dị ứng và không dung nạp một số thực phẩm cũng gây ra tình trạng tiêu chảy (ví dụ như không dung nạp lactose). Nguyên nhân là do hệ miễn dịch của cơ thể có kháng thể chống lại những dị nguyên có trong thức ăn gây dị ứng. Khi tác nhân dị ứng xâm nhập vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ tăng tiết IgE làm thay đổi chức năng của cơ trơn, làm tăng nhu động ruột gây tiêu chảy.
Mặt khác, khi cơ thể thiếu hụt các enzym chuyển hóa sẽ không thể phân cắt và hấp thu một số chất gây nên các tình trạng bất dung nạp. Ví dụ: Bất dung nạp lactose do thiếu hụt enzym lactase phân cắt đường lactose.
3.6. Kém hấp thu
Tình trạng kém hấp thu hay gặp ở những bệnh nhân sau phẫu thuật hay các bệnh nhân bị những bệnh liên quan trực tiếp đến hệ tiêu hóa như: viêm loét dạ dày, viêm đại tràng,… Khi không thể tiêu hóa và hấp thu thức ăn, thức ăn lâu ngày sẽ lên men và sinh các độc tố ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa của đường ruột gây nên các tình trạng rối loạn tiêu hóa, đặc biệt là tiêu chảy.
3.7. Sử dụng thuốc không hợp lý
Sử dụng thuốc quá liều hay việc lạm dụng thuốc quá mức cũng có thể dẫn đến tình trạng tiêu chảy.
Điển hình là ở những bệnh nhân xạ trị hoặc lạm dụng các thuốc nhuận tràng. Bởi nếu sử dụng lâu ngày, theo cơ chế điều hòa, nhu động ruột sẽ nhanh hơn, thúc đẩy việc tống thức ăn ra ngoài dẫn đến tiêu chảy.
Ngoài ra, sử dụng thuốc kháng sinh cũng gây nên tiêu chảy. Bởi kháng sinh không chỉ tiêu diệt hại khuẩn mà còn tiêu diệt cả lợi khuẩn. Vì vậy gây mất cân bằng vi khuẩn đường ruột.
3.8. Một số bệnh lý khác
Hội chứng ruột kích thích, hay các bệnh liên quan trực tiếp đến đại tràng, sau những cuộc phẫu thuật hệ tiêu hóa,… đều khiến suy giảm hoạt động của đường ruột. Vì vậy rất dễ gặp tình trạng tiêu chảy.
4. Các triệu chứng của tiêu chảy
4.1. Các triệu chứng chung ở người lớn
Tiêu chảy sẽ có rất nhiều biểu hiện khác nhau theo từng loại. Tuy nhiên, các triệu chứng điển hình và thường gặp như sau:
- Đi vệ sinh nhiều lần
- Phân lỏng, nhiều nước có thể có máu
- Đau quặn bụng từng cơn
- Có cảm giác lạnh bụng, bụng rỗng
- Buồn nôn, nôn mửa
- Không kiểm soát được cảm giác đi đại tiện
- Khát nước
- Chướng bụng, đầy hơi
4.2. Các triệu chứng riêng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đa phần có các triệu chứng trên, nhưng lưu ý thêm một số biểu hiện sau:
- Trẻ quấy khóc nhiều, ưỡn bụng
- Đi phân liên tục, bị són phân có nước vàng
- Trẻ mệt mỏi, chán ăn
- Mắt hơi trũng do mất nước
- Sốt, li bì, mệt lả,…
- Suy dinh dưỡng, chậm phát triển
>> Xem thêm: Nhận biết và xử trí tiêu chảy ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
5. Hậu quả của tiêu chảy
Tiêu chảy là một căn bệnh phổ biến và cơ bản nhưng để lại những hậu quả khôn lường nếu như không được điều trị đúng cách và kịp thời.
5.1. Mất nước, mất điện giải
Tiêu chảy kéo dài sẽ khiến cơ thể mất nước và điện giải do bị đào thải quá mức ra ngoài. Việc mất nước và điện giải dẫn đến những rối loạn chuyển hóa và hoạt động trong cơ thể, làm suy giảm chức năng của các cơ quan.
Mất nước quá nhiều mà không được bổ sung kịp thời làm giảm thể tích tuần hoàn của cơ thể. Một số dấu hiệu khi bị mất nước:
- Khô miệng
- Mắt trũng
- Khát nước
- Mệt mỏi
- Khô da.
Mất nước do tiêu chảy còn có thể gây hạ huyết áp, suy thận thậm chí là ngất xỉu.
Ngoài ra, thiếu hụt Natri, canxi, kali,… khiến suy nhược, mệt mỏi, buồn ngủ, lú lẫn, co giật, yếu cơ,…
5.2. Rối loạn chuyển hóa
Một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất của tiêu chảy là rối loạn các chức năng chuyển hóa. Tiêu chảy kéo theo mất điện giải, mất nước và các chất dinh dưỡng cũng như năng lượng cần thiết cho chuyển hóa tế bào và chức năng.
Ví dụ: mất Natri máu có thể dẫn đến các biến chứng thần kinh như: nhầm lẫn lơ mơ, hôn mê,… mất kali máu dẫn đến các biến chứng cơ và tim mạch,…
Nếu không được bù nước và điện giải kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả nguy hiểm như: trụy tim mạch, tai biến, nhược cơ,…
5.3. Suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng là hậu quả khá điển hình của tiêu chảy. Khi tiêu chảy, niêm mạc ruột bị tổn thương, làm thức ăn cũng như các chất dinh dưỡng không được tiêu hóa và hấp thu. Điều đó khiến cho cơ thể bị thiếu dinh dưỡng, dẫn đến suy dinh dưỡng.
Đặc biệt với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, suy dinh dưỡng rất ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện, làm trẻ nhỏ kém hấp thu, chậm phát triển.
5.4. Suy giảm miễn dịch
Khi gặp tổn thương hệ tiêu hóa cũng như suy giảm chức năng các cơ quan trong cơ thể, sẽ kéo theo sự suy giảm miễn dịch. Lý do là bởi cơ thể mất đi hàng rào bảo vệ, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus và ký sinh trùng cơ hội xâm nhập vào cơ thể.
6. Phác đồ xử trí tiêu chảy đúng cách
6.1. Phác đồ xử trí cho người lớn
Hầu hết các trường hợp tiêu chảy ở người lớn đều ở mức độ nhẹ. Như vậy có thể tự hồi phục trong thời gian ngắn mà không cần can thiệp y tế. Tuy nhiên nếu tình trạng này nặng và kèm thêm các triệu chứng như mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt,… thì cần bù nước hoặc truyền tĩnh mạch kịp thời.
Các cách xử trí tiêu chảy như sau:
Bù nước và điện giải kịp thời
Đây là giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất của điều trị tiêu chảy. Nên bù nước và điện giải thông qua dung dịch Oresol như sau:
- Sử dụng liều 10ml/kg cân nặng sau mỗi lần đi phân lỏng
- Với mức độ nhẹ và vừa, dùng 75ml/kg cân nặng trong vòng 4 giờ đầu.
Đối với những bệnh nhân không thể uống, cần bổ sung kịp thời thông qua đường truyền tĩnh mạch.
>> Xem thêm: Nước bù điện giải – Hướng dẫn bổ sung đúng và đủ
Sử dụng thuốc kháng sinh
Trong những trường hợp bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn, tiêu chảy có máu cần được điều trị kịp thời bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, việc lựa chọn và sử dụng thuốc kháng sinh cần được sự chỉ định của các chuyên gia y tế. Không được tự ý sử dụng.
Điều trị các triệu chứng của tiêu chảy
Một số trường hợp tiêu chảy nặng có kèm theo các biểu hiện như đau đầu, chóng mặt,… hay các bệnh lý của đường ruột như viêm ruột cần đến các cơ sở điều trị kịp thời để tránh các hậu quả nghiêm trọng hơn.
Sử dụng một số thuốc (nếu cần)
Có thể sử dụng một số thuốc để hỗ trợ tình trạng bệnh như: Berberin, Loperamid, racecadotril, smecta,… theo sự hỗ trợ của chuyên gia y tế.
Bổ sung lợi khuẩn sống – probiotics
Đối với những bệnh nhân tiêu chảy, việc bổ sung các lợi khuẩn sống probiotics là hết sức cần thiết. Bởi lợi khuẩn sẽ giúp cải thiện và phục hồi các chức năng của hệ tiêu hóa thông qua:
- Ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại: bằng cách cạnh tranh vị trí bám dính trên niêm mạc, chiếm chất dinh dưỡng và tiết chất kháng vi sinh vật tự nhiên loại trừ các hại khuẩn gây bệnh.
- Tái thiết lập cân bằng hệ vi sinh, tạo hàng rào bảo vệ, duy trì sự ổn định của đường tiêu hóa.
- Hấp thu độc tố do hại khuẩn tiết ra: nhờ tăng tiết chất nhầy bao niêm mạc ruột. Bảo vệ đường ruột bởi những tác nhân gây viêm, tổn thương, hoại tử.
- Hỗ trợ tiết enzym tiêu hóa chất khó hấp thu, tránh tình trạng đi ngoài phân sống
- Điều hòa nhu động ruột tại đại tràng, giảm số lần tiêu chảy.
- Sản sinh kháng thể giúp cơ thể khỏe mạnh, ngăn ngừa khả năng nhiễm bệnh.
6.2. Phác đồ xử trí cho trẻ em
Theo hướng dẫn Bộ Y tế ban hành, lựa chọn phác đồ điều trị cho trẻ tiêu chảy như sau:
- Phác đồ A: Điều trị tiêu chảy tại nhà
- Phác đồ B: Điều trị mất nước bằng ORS, bù dịch bằng đường uống tại cơ sở y tế.
- Phác đồ C: Điều trị nhanh chóng tiêu chảy mất nước nặng
Tùy vào tình trạng mất nước để lựa chọn phác đồ xử trí phù hợp.
Phác đồ A – Điều trị tiêu chảy tại nhà
Đối với phác đồ điều trị tại nhà, cần phải lưu ý 4 nguyên tắc sau:
Nguyên tắc 1: Bổ sung thêm dịch
- Cho trẻ bú nhiều hơn và lâu hơn sau mỗi lần bú
- Nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn, bổ sung thêm Oresol sau bú mẹ.
- Với trẻ không bú mẹ hoàn toàn, cho trẻ uống một hoặc nhiều loại dung dịch như: nước súp, nước cơm, nước cháo hoặc nước tinh khiết.
Bổ sung Oresol như sau:
- Trẻ < 2 tuổi: 50 – 100ml sau mỗi lần đi ngoài.
- Trẻ >= 2 tuổi: 100 – 200ml sau mỗi lần đi ngoài.
Lưu ý:
- Cho uống thường xuyên từng ngụm nhỏ bằng thìa.
- Nếu trẻ nôn, ngừng 10 phút sau đó tiếp tục cho uống nhưng chậm hơn.
- Tiếp tục cho trẻ uống cho tới khi ngừng tiêu chảy
Nguyên tắc 2: Tiếp tục cho trẻ ăn, dự phòng suy dinh dưỡng tại nhà
Khẩu phần ăn hằng ngày nên được duy trì và tăng dần lên. Cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng giúp bé phục hồi nhanh hơn, tăng trưởng đều đặn và phục hồi chức năng tiêu hóa.
- Nếu trẻ đã ăn được, cho trẻ ăn những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như: Thịt, cá, trứng, rau củ quả. Thức ăn nên được nghiền nhỏ để dễ tiêu hóa và chia làm nhiều bữa: 3-4h/ bữa (6 bữa/ngày).
- Nếu trẻ đang trong giai đoạn bú sữa, nên khuyến khích trẻ bú nhiều hơn. Nếu trẻ không chịu ti bình có thể cho uống bằng thìa sạch, cốc.
Sau khi tiêu chảy ngừng, cần duy trì bữa ăn phụ và chế độ ăn giàu năng lượng cho trẻ trong ít nhất 2 tuần. Bữa phụ nên được tiếp tục cho đến khi trẻ về được cân nặng bình thường theo độ tuổi phát triển.
Nguyên tắc 3: Bổ sung kẽm
- Trẻ < 6 tháng: ½ viên/ ngày trong 14 ngày (10mg) hoặc 5ml siro
- Trẻ >= 6 tháng: 1 viên/ ngày trong 14 ngày (20ml) hoặc 10ml siro.
Cách dùng: Pha vào 5ml nước hoặc sữa cho em bé uống. Hoặc có thể cho bé nhai trực tiếp hoặc hòa tan với nước sạch vào một thìa nhỏ.
Lưu ý: Cần bổ sung kẽm cho bé đủ 14 ngày
Nguyên tắc 4: Cho bé đi khám trở lại nếu như các triệu chứng không thuyên giảm
Phác đồ B – Điều trị có mất nước
Cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để có thể theo dõi và điều trị kịp thời.
Tại cơ sở y tế, trẻ sẽ được cho trẻ uống Oresol trong 4h đầu, với liều lượng dựa vào cân nặng và theo nhu cầu. Nếu trẻ nôn, chờ 10 phút sau đó cho uống chậm hơn và đánh giá lại sau 4h. Ngoài ra, trẻ cũng sẽ được bổ sung kẽm sớm, ngay khi trẻ có thể ăn
Phác đồ C – Điều trị mất nước nặng
Đối với trẻ bị tiêu chảy với triệu chứng mất nước nặng, cách tốt nhất là nhanh chóng bù dịch qua đường truyền tĩnh mạch. Nếu trẻ có thể uống hãy cho trẻ uống ORS qua đường miệng đến khi truyền dịch, thường hay sử dụng dung dịch Ringer Lactate.
Những trẻ uống được dù uống kém, vẫn cố cho uống dung dịch ORS cho tới khi dịch truyền được tĩnh mạch. Ngoài ra, cho trẻ uống dung dịch ORS (5ml/kg/giờ) ngay khi có thể uống được. Thường sau khoảng 3 – 4 giờ (trẻ nhỏ), một đến 2h (trẻ lớn hơn) để bổ sung thêm kiềm và kali đã không được cung cấp đủ qua đường tĩnh mạch.
>> Xem thêm: 8 mẹo dân gian trị tiêu chảy cực hiệu quả
7. Làm sao để phòng ngừa tiêu chảy
Để phòng ngừa tiêu chảy, cũng như phòng tránh những biến chứng nguy hiểm, nên áp dụng các biện pháp sau:
7.1. Giữ gìn vệ sinh cá nhân, môi trường
Vệ sinh cá nhân và môi trường sống xung quanh là giải pháp bảo vệ cho sức khỏe con người một cách tốt nhất.
Đây là biện pháp luôn được các chuyên gia khuyến cáo để phòng tránh sự xâm nhập và phát triển của vi khuẩn, virus và ký sinh trùng vào cơ thể.
7.2. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Thực phẩm dễ nhiễm các tác nhân gây tiêu chảy như vi khuẩn, virus và ký sinh trùng.
Lưu ý khi lựa chọn và sử dụng thực phẩm:
- Ăn chín uống sôi
- Rửa sạch và làm khô dụng cụ trước, sau khi nấu ăn hoặc ăn
- Lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc, tươi ngon. Hạn chế các thực phẩm lâu ngày, mốc,…
7.3. Đảm bảo nguồn nước sạch
Nguồn nước không đảm bảo là một trong số những nguyên nhân phổ biến gây tiêu chảy. Để đảm bảo nguồn nước sạch, cần:
- Lựa chọn nguồn nước sạch, đảm bảo an toàn
- Không được tắm giặt, vệ sinh cá nhân gần nguồn nước uống
- Không cho động vật đến gần nguồn nước
- Chứa nước trong chum, vại, bình được rửa sạch, có nắp đậy.
- Đun sôi trước khi sử dụng
7.4. Rửa tay thường xuyên
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước và sau khi ăn, sau khi đi đại tiện, khi chế biến thực phẩm, sau khi lao động hay vui chơi giúp hạn chế sự bám dính trên da của các vi khuẩn virus, ký sinh trùng có nguy cơ gây hại cho cơ thể.
7.5. Tiêm phòng vaccin
Để phòng ngừa tiêu chảy, phải tiêm phòng đầy đủ các loại vaccin theo yêu cầu của Bộ Y tế. Các vaccin phòng tiêu chảy như là: phòng rotavirus, vaccin tả, thương hàn, sởi, lỵ,…
8. Khi nào cần thăm khám bác sĩ?
Tiêu chảy có nhiều mức độ và có thể tự hồi phục tại nhà. Tuy nhiên khi gặp các biểu hiện sau thì nên đi thăm khám bác sĩ:
- Tiêu chảy quá nhiều lần trong ngày không giảm (> 3 lần / ngày)
- Tiêu chảy có máu
- Đau bụng quằn quại, người mệt mỏi
- Mất nước nặng: da khô, mắt trũng, khát nhiều,…
- Đối với những trẻ em bị tiêu chảy cấp, nên đưa đến các cơ sở điều trị nhanh nhất.
Tham khảo nguồn:
- https://www.healthline.com/health/diarrhea
- https://www.webmd.com/digestive-disorders/digestive-diseases-diarrhea
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diarrhea/symptoms-causes/syc-20352241
- https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/4108-diarrhea
- https://www.medicalnewstoday.com/articles/158634
- https://kcb.vn/wp-content/uploads/2015/06/H%C6%B0%E1%BB%9Bng-d%E1%BA%ABn-x%E1%BB%AD-tr%C3%AD-ti%C3%AAu-ch%E1%BA%A3y-%E1%BB%9F-tr%E1%BA%BB-em.pdf