Test dị ứng đạm sữa bò cho trẻ giúp chẩn đoán xác định bệnh để đưa ra hướng xử trí phù hợp, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ. Dị ứng đạm sữa bò ( Cow’s milk protein allergy – CMPA ) là dị ứng thực phẩm phổ biến nhất ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, với các triệu chứng trên da, hầu họng, hệ tiêu hóa,… và có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bài viết dưới đây, Imiale sẽ trình bày chi tiết các xét nghiệm dị ứng đạm sữa bò chính xác nhất và gợi ý các địa chỉ xét nghiệm uy tín nhất.
Mục lục
1. Thế nào là dị ứng đạm sữa bò?
Dị ứng đạm sữa bò liên quan đến hệ thống miễn dịch bẩm sinh của trẻ. Khi trẻ uống sữa bò hay ăn các thực phẩm từ sữa bò, hệ miễn dịch trẻ sẽ nhận nhầm protein trong sữa bò là tác nhân gây hại. Kết quả là cơ thể kích hoạt một loạt phản ứng miễn dịch, giải phóng histamin và các chất trung gian hóa học khác, biểu hiện ra ngoài là tình trạng dị ứng.
Các triệu chứng dị ứng đạm sữa bò chỉ khởi phát sau khi trẻ uống sữa bò hoặc ăn các thực phẩm từ sữa bò như phô mai, bánh kẹo… khoảng 15 phút – 2 giờ. Các triệu chứng điển hình bao gồm:
- Nổi mề đay: Ban đầu có thể chỉ nổi mẩn ở một vài vị trí, trường hợp nặng mề đay lan toàn thân. Trẻ có thể sưng mí mắt, sưng môi, phù mặt…
- Rối loạn tiêu hóa: Sau khi uống sữa, trẻ có thể nôn trớ. Các triệu chứng như tiêu chảy, táo bón có thể xuất hiện trong vòng 24h sau đó.
Các triệu chứng có thể nặng hay nhẹ tùy vào lượng sữa bò mà trẻ dung nạp và tình trạng bệnh của trẻ. Có những trẻ chỉ xuất hiện các triệu chứng trên da, tuy nhiên lại có những trẻ có triệu chứng toàn thân hay các triệu chứng nặng nề, gây nguy hiểm đến tính mạng:
- Sốc phản vệ: Trẻ sưng phù môi, nôn mửa liên tục, khó thở, thở khò khè, có thể lờ đờ, hôn mê. Sốc phản vệ là hậu quả nặng nhất của dị ứng, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
- Nôn trớ liên tục: Trường hợp trẻ nôn trớ nhiều có thể gây tắc đường thở. Lúc này, mẹ nên để nghiêng đầu trẻ sang một bên để không bị sặc chất nôn và nhanh chóng làm sạch chất nôn trong miệng, họng và mũi trẻ và đưa trẻ đến cơ sở y tế.
Tuy nhiên, để chẩn đoán xác định dị ứng đạm sữa bò, trẻ cần được thực hiện một số xét nghiệm chuyên biệt.
>> Xem thêm: Biểu hiện trẻ dị ứng đạm sữa bò mẹ cần lưu ý
2. Tại sao cần xét nghiệm chẩn đoán dị ứng đạm sữa bò cho trẻ?
Theo nghiên cứu, dị ứng đạm sữa bò xảy ra ở 2-6% trẻ em trên toàn thế giới, trẻ dưới 1 tuổi có tỉ lệ mắc cao nhất. Trong đó có tới 50% trẻ cải thiện hoàn toàn tình trạng dị ứng đạm sữa bò trong năm đầu tiên, 80-90% trong năm thứ hai.
Tỉ lệ trẻ dị ứng đạm sữa bò do cha mẹ báo cáo cao gấp khoảng 4 lần so với con số thực tế trẻ mắc. Điều này có nghĩa là, nhiều trẻ được nghi ngờ mắc CMPA do nhận thức của cha mẹ, dựa trên các triệu chứng trên da, trên hô hấp như phát ban trên da, tắc mũi dai dẳng, viêm da tiết nhờn hoặc dương tính với các xét nghiệm không chính thống.
Việc chẩn đoán sai trẻ dị ứng đạm sữa bò có thể là nguyên nhân dẫn đến thiếu dinh dưỡng ở trẻ. Sau khi tự nghi ngờ và tự chẩn đoán trẻ mắc dị ứng đạm sữa bò, cha mẹ duy trì cho trẻ chế độ ăn kiêng mà không có kết luận hay sự giám sát của bác sĩ. Tuy nhiên, điều này không cần thiết với các trẻ bị nghi ngờ sai, dẫn đên mất cân bằng dinh dưỡng, đặc biệt là trong năm đầu tiên.
Vì vậy, việc chẩn đoán xác định trẻ dị ứng đạm sữa bò có ý nghĩa quan trọng:
- Ngăn ngừa nguy cơ còi xương, giảm thoái hóa xương, giảm nguy cơ thiếu máu, tăng trưởng kém: Sau khi được chẩn đoán mắc CMPA, bác sĩ sẽ đưa ra chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ để vừa tránh ăn thực phẩm gây dị ứng, vừa cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển.
- Hạn chế các phản ứng có hại: Nếu không được chẩn đoán xác định, trẻ có thể lặp lại chế độ ăn có chứa thực phẩm gây dị ứng và có thể xảy ra phản ứng dị ứng bất cứ lúc nào. Việc test dị ứng đạm sữa bò để chẩn đoán xác định giúp cha mẹ nắm rõ được bệnh của con để luôn lưu ý và giám sát chặt chẽ chế độ ăn của con, hạn chế tình trạng trên xảy ra.
- Cải thiện kém hấp thu: Một trong những hậu quả của dị ứng đạm sữa bò là tổn thương niêm mạc dạ dày, ruột dẫn đến giảm hấp thu. Nếu được xét nghiệm và chẩn đoán sớm, trẻ dị ứng đạm sữa bò sẽ được áp dụng giải pháp nhằm bảo vệ và khôi phục niêm mạc ruột, cải thiện tình trạng bệnh.
Do đó, việc chẩn đoán trẻ dị ứng đạm sữa bò dựa trên triệu chứng và các test dị ứng là vô cùng cần thiết. Nếu trẻ có các biểu hiện kể trên khi dùng sữa bò hay các thực phẩm từ sữa bò, cha mẹ cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để thực hiện xét nghiệm và chẩn đoán kịp thời.
3. Các xét nghiệm (test) dị ứng đạm sữa bò
Hiện có 4 xét nghiệm chẩn đoán dị ứng đạm sữa bò được áp dụng tại các bệnh viện:
3.1. Test lẩy da (SPT)
Xét nghiệm lẩy da bao gồm việc cho da bé tiếp xúc với một lượng nhỏ protein sữa bò và theo dõi cẩn thận mọi dấu hiệu phản ứng dị ứng.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Đánh dấu vùng da thực hiện test
- Bước 2: Dùng kim tiêm chích tại vị trí đã đánh dấu
- Bước 3: Nhỏ giọt sữa bò hay protein sữa bò vào vị trí vừa đánh dấu và quan sát.
Cách đọc kết quả:
Xét nghiệm sẽ cho kết quả trong vòng 15-20 phút, sau đó bác sĩ sẽ kết hợp cùng với tiền sử gia đình cũng như các xét nghiệm khác để đưa ra chẩn đoán xác định về tình trạng dị ứng đạm sữa bò của bé.
- Âm tính: Trên da không có biểu hiện gì bất thường
- Dương tính: Vùng tiếp xúc với sữa bò sẽ xuất hiện vết sưng nhỏ màu đỏ tại chỗ hoặc mề đay lan rộng.
ĐÁNH GIÁ
Ưu điểm:
- Có giá trị chẩn đoán âm tính cao, có nghĩa là nếu phản ứng cho kết quả âm tính thì kết quả âm tính này chính xác cao.
- Thao tác đơn giản, có thể áp dụng cho mọi đối tượng.
- Có thể biết trẻ dị ứng với thành phần protein cụ thể nào bằng cách nhỏ giọt protein tinh khiết và quan sát biểu hiện của trẻ với cách thực hiện tương tự.
Nhược điểm:
- Cần thực hiện tại cơ sở y tế.
- Một số ít bệnh nhân có thể có phản ứng lâm sàng mạnh.
- Thường chỉ có giá trị chẩn đoán xác định khi có phản ứng mạnh.
3.2. Test kháng thể IgE đặc hiệu trong huyết thanh (slgE)
Immunoglobulin E (IgE) là một protein đặc trưng cho phản ứng dị ứng trong máu.
Xét nghiệm immunoglobulin E (sIgE) được chỉ định để đo nồng độ IgE trong máu, đặc hiệu cho một chất cụ thể và có vai trò như một marker chỉ điểm cho tình trạng dị ứng do tác nhân nào.
Nguyên tắc của phương pháp:
Hiện hai xét nghiệm kháng thể được sử dụng phổ biến là RAST và ELISA.
Trong phương pháp RAST, chất gây dị ứng (sữa) được gắn vào đĩa thạch, ủ với huyết thanh của bệnh nhân. Sau đó, đĩa thạch được ủ với chất kháng IgE được đánh dấu phóng xạ. Nếu có phản ứng dị ứng, cơ thể sẽ sinh ra IgE, liên kết với chất kháng IgE có đánh dấu phóng xạ. Từ đó có thể định lượng IgE trong huyết thanh của bệnh nhân khi tiếp xúc với tác nhân dị ứng là sữa bò.
Trong phương pháp ELISA, kháng thể IgE do cơ thể sinh ra được gắn với enzyme, nhờ đo hoạt tính enzyme mà định lượng kháng thể IgE.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Trẻ nghi ngờ dị ứng đạm sữa bò được tiến hành lấy mẫu máu xét nghiệm.
- Bước 2: Chờ kết quả xét nghiệm và đọc kết quả.
Cách đọc kết quả:
- Âm tính: 0,00 – 0,34 kUA/L
- Dương tính: > 0,34 kUA/L.
ĐÁNH GIÁ
Ưu điểm:
- Test có độ chính xác cao trong chẩn đoán trẻ dị ứng đạm sữa bò
- Thao tác đơn giản.
- Không xảy ra phản ứng quá mẫn trong quá trình test.
Nhược điểm:
- Cần thực hiện tại cơ sở y tế và mất thời gian đợi có kết quả.
- Chi phí xét nghiệm đắt hơn.
3.3. Test loại trừ qua đường miệng
Không có bất kỳ xét nghiệm nào chứng minh hay loại trừ chính xác khả năng mắc dị ứng đạm sữa bò. Do đó, chế độ ăn kiêng loại bỏ chất gây dị ứng và áp dụng một quy trình thử thách luôn là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định dị ứng đạm sữa bò ở bé.
Cách thực hiện:
Chuẩn bị dụng cụ cấp cứu sốc phản vệ
Sau khi kiểm tra thể chất trẻ sơ sinh không mặc quần áo, kiểm tra da, một giọt sữa công thức sẽ được nhỏ lên môi.
- Nếu không có phản ứng nào xảy ra sau 15 phút, thì cho uống công thức này và tăng liều từng bước (0,5, 1,0, 3,0, 10, 30, 50 đến 100 ml) cứ sau 30 phút. Sau đó, trẻ sơ sinh được theo dõi trong 2 giờ và kiểm tra các phản ứng trên da và hô hấp trước khi về nhà.
- Nếu không có phản ứng nào xảy ra, trẻ nên uống ít nhất 250ml sữa công thức làm từ sữa bò mỗi ngày trong tuần tiếp theo và cha mẹ được dặn phải quan sát trẻ để phát hiện các phản ứng muộn.
Kết quả:
- Nếu trẻ không xuất hiện bất kì phản ứng dị ứng nào khi dùng sữa bò công thức trong thời gian thử thách và tối đa 1 tuần sau khi theo dõi thì có nghĩa là trẻ không bị dị ứng đạm sữa bò và có thể tiếp tục chế độ ăn uống bình thường.
- Nếu triệu chứng dị ứng tái xuất hiện, bé được chẩn đoán là dị ứng đạm sữa bò (CMPA) và nên áp dụng chế độ ăn kiêng.
ĐÁNH GIÁ
Ưu điểm:
- Chính xác cao, là “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán trẻ dị ứng đạm sữa bò
Nhược điểm:
- Cần thực hiện tại cơ sở y tế, chuẩn bị dụng cụ cấp cứu sốc phản vệ
- Cần theo dõi trong thời gian dài.
3.4. Test ăn kiêng – cho ăn lại
Test này có thể được thực hiện tại nhà dưới sự giám sát chặt chẽ của phụ huynh
Cách thực hiện:
- Loại bỏ hoàn toàn sữa bò ra khỏi chế độ ăn của bé trong vòng 2 – 4 tuần.
- Sau 2 – 4 tuần thử nghiệm thì nên áp dụng một quy trình thử thách qua đường miệng với điều kiện có sẵn thiết bị hồi sức, ví dụ như trong bệnh viện.
Cách đọc kết quả:
- Nếu trẻ không có triệu chứng: Trẻ âm tính với dị ứng đạm sữa bò
- Các triệu chứng xuất hiện lại: Trẻ dương tính với dị ứng đạm sữa bò
ĐÁNH GIÁ
Ưu điểm:
- Có thể thực hiện tại nhà dưới sự giám sát của phụ huynh
- Kết quả chính xác, cùng với test dung nạp qua đường miệng là “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán trẻ dị ứng đạm sữa bò.
Nhược điểm:
- Cần theo dõi trong thời gian dài.
4. Test dị ứng đạm sữa bò ở đâu?
Khi bé gặp bất kỳ triệu chứng dị ứng nào nghi ngờ liên quan đến đạm sữa bò, ví dụ như thời gian khởi phát dấu hiệu dị ứng gần với thời gian cho bé tiêu thụ sữa bò thì ba mẹ nên cho bé đi khám ngay ở cơ sở y tế uy tín sớm nhất.
Bố mẹ có thể tham khảo một số cơ sở y tế dưới đây:
- Bệnh viện Nhi TW
- Bệnh viện Nhi đồng 1,2
- Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec
- Bệnh viện đa khoa Xanh pôn
- Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
- Bệnh viện Bạch Mai
Chi phí xét nghiệm (test) dị ứng đạm sữa bò
Tùy từng xét nghiệm trẻ được chỉ định mà chi phí sẽ khác nhau. Tham khảo chi phí xét nghiệm tại một số Bệnh viện:
- Bệnh viện Bạch Mai: Test lẩy da đặc hiệu với các dị nguyên sữa có giá 334.000 đồng, Định lượng IgE đặc hiệu với dị nguyên thức ăn giá 562.000 đồng.
- Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: 450.000 đồng
5. Test dị ứng đạm sữa bò có chính xác không?
Đây là thắc mắc của khá nhiều mẹ khi cho trẻ xét nghiệm dị ứng đạm sữa bò. Trong Group “Vì con” trên facebook, nhiều mẹ đã chia sẻ kinh nghiệm xét nghiệm chi tiết cho các mẹ còn đang băn khoăn. Cụ thể, theo các mẹ đã cho con thực hiện test, test chỉ cho kết quả dương tính khi con có biểu hiện nặng, còn trường hợp dị ứng nhẹ, thường kết quả test dị ứng đạm sữa bò sẽ không còn chính xác.
Theo mẹ Dieu Duong: “Nhà mình test lên nhé, lúc 7 tháng vì bé bị rất nặng. Dị ứng sữa bò và phô mai ở mức 3 điểm, ngoài ra còn dị ứng bột mì halzenut lòng trắng trứng 100 điểm”. Vì vậy nếu bé có triệu chứng nặng, mẹ nên cho bé đi kiểm tra và test xem bé dị ứng với thành phần nào để xây dựng chế độ ăn phù hợp cho bé.
Bên cạnh đó, cũng có mẹ phản ánh test không chính xác: “Trên 1 tuổi test còn sai mẹ ạ. Hôm nào ăn nhiều đạm hơn chút thì mẩn ban dị ứng, cho ăn bánh có chứa % sữa bò cao là dị ứng liền, vài ngày sau mới thải được hết dị nguyên” Theo mẹ Bùi Minh Anh, nên duy trì sữa mẹ, nên giảm lượng đạm, kiêng trứng, sữa bò và theo dõi phản ứng của con khi con có biểu hiện dị ứng đạm sữa bò.
Mẹ Hai Linh cũng chia sẻ: Dưới 1 tuổi không nên đi test vì trừ nặng mới lên kết quả. Còn nhẹ hay mẩn trong thì mẹ tự loại trừ và kiêng cho con.”
Vì vậy, khi thấy trẻ có triệu chứng nặng, mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được xét nghiệm vì lúc này test sẽ cho kết quả đúng, và biết được chính xác tác nhân dị ứng, Còn khi các triệu chứng nhẹ, không nguy hiểm đến tính mạng như chỉ nổi mẩn sau ăn, tiêu chảy xì xoẹt mẹ có thể the dõi tại nhà xem trẻ dị ứng với thức ăn nào để loại bỏ tác nhân dị ứng khỏi chế độ ăn của con.
6. Hướng dẫn mẹ chăm sóc trẻ dị ứng đạm sữa bò
Sau khi được chẩn đoán trẻ dị ứng đạm sữa bò, trẻ cần thay đổi chế độ ăn
6.1. Áp dụng chế độ ăn kiêng
Phương pháp điều trị dứt điểm đối với tình trạng dị ứng đạm sữa bò là loại bỏ hoàn toàn sữa bò ra khỏi chế độ dinh dưỡng của bé. Tuy nhiên, sữa bò và các sản phẩm từ sữa là nguồn dinh dưỡng quan trọng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ, chẳng hạn như protein, canxi và i-ốt, do đó mẹ cần tham khảo thêm chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng một chế độ ăn phù hợp cho bé.
Sữa thủy phân là sữa trong đó protein bò đã được xử lý, phân cắt thành các thành phần nhỏ hơn mà cơ thể trẻ có thể dung nạp được mà không gây ra các phản ứng dị ứng.
>>> Mẹ tham khảo: TOP 8 sữa cho trẻ dị ứng đạm sữa bò
6.2. Khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ
Tỷ lệ dị ứng sữa bò ở trẻ bú mẹ đã được chứng minh là thấp hơn so với trẻ bú sữa công thức khoảng 0.5%. Hơn thế nữa, sữa mẹ luôn là nguồn dinh dưỡng tối ưu nhất cho sự phát triển của bé, do đó nếu có thể thì các chuyên gia khuyến cáo nên cho con bú sữa mẹ nếu bé có nguy cơ cao bị dị ứng đạm sữa bò.
Nếu trẻ bú sữa mẹ đã được chẩn đoán dị ứng đạm sữa bò, mẹ nên loại bỏ tất cả các nguồn sữa bò như phô mai, sữa chua và bơ khỏi chế độ ăn uống của chính mình cũng như của con trong tối thiểu 3 tuần.
6.3. Bổ sung lợi khuẩn
Nghiên cứu đã chứng minh rằng chế độ ăn uống, hệ vi sinh vật đường ruột và sự tương tác của chúng được có liên quan đến sự thay đổi khả năng dung nạp miễn dịch của niêm mạc, liên quan đến dị ứng đạm sữa bò và các dị ứng thực phẩm khác.
Ngoài ra trẻ dị ứng đạm sữa bò có thể tổn thương đường tiêu hóa sau các rối loạn tiêu hóa, dẫn đến sự mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, gia tăng hại khuẩn và suy giảm số lượng lợi khuẩn. Vì vậy, việc bổ sung lợi khuẩn giúp cải thiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa, đồng thời phục hồi niêm mạc ruột ở những trẻ dị ứng đạm sữa bò.
Ngoài ra, đường ruột có chứa đến 70-80% tế bào miễn dịch. Do đó, bổ sung lợi khuẩn thiết yếu cũng chính giúp điều hòa miễn dịch, cải thiện tình trạng dị ứng đạm sữa bò.
Men vi sinh Imiale chứa lợi khuẩn sống Bifidobacterium BB12 – là lợi khuẩn thiết yếu đường ruột, giúp cải thiện và phục hồi niêm mạc ruột, được chứng minh hiệu quả cải thiện triệu chứng và giảm nhẹ tình trạng dị ứng đạm sữa bò ở trẻ nhỏ.
Dị ứng đạm sữa bò gây ảnh hưởng đến khoảng 2 – 3% trẻ trên toàn thế giới. Các phản ứng dị ứng xảy ra với mức độ khác nhau tùy cơ địa, từ nhẹ như mề đay mẩn ngứa cho tới shock phản vệ nguy hiểm đến tính mạng. Bố mẹ nên đưa bé đi khám ở những cơ sở uy tín test dị ứng đạm sữa bò để chăm sóc trẻ phù hợp.
>>> Xem thêm: Phân biệt dị ứng đạm sữa bò và bất dung nạp Lactose ở trẻ
Nếu có bất cứ thắc mắc hay cần sự hỗ trợ của chuyên gia về test dị ứng đạm sữa bò, mẹ hãy liên hệ ngay HOTLINE 19009482 hoặc 0988410182 để được giải đáp sớm nhất.