Tại Việt Nam, tỷ lệ suy dinh dưỡng chiếm tới 19,6% ở trẻ dưới 5 tuổi và 14,8% ở trẻ từ 5-19 tuổi (số liệu điều tra toàn quốc trong khoảng thời gian 2017-2020). Chính những con số này đã cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn có thể mắc suy dinh dưỡng của mỗi đứa trẻ là không hề thấp. Vậy suy dinh dưỡng chính xác là gì, những thông tin quan trọng nào không thể bỏ qua về bệnh lý này, tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ là gì?
Suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể thiếu hụt một loạt các chất dinh dưỡng cần thiết, tác động lớn đến sức khỏe thường ngày cũng như sự tăng trưởng về lâu dài đặc biệt là ở nhẻ nhỏ.
Tình trạng này liên quan đến chế độ ăn uống không không đủ chất dinh dưỡng hay kém hấp thu và có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi của trẻ. Tuy nhiên thường gặp nhất ở trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi, do độ tuổi này đang cần một lượng lớn các chất dinh dưỡng đầy đủ về mọi mặt để đảm bảo phát triển. Vì vậy các bậc cha mẹ tuyệt đối không nên bỏ qua những vấn đề liên quan đến tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng.
2. Tiêu chuẩn chẩn đoán suy dinh dưỡng là gì?
Trẻ chỉ cần có 1 trong 2 điều kiện về nhân trắc là chu vi vòng cánh tay (MUAC) hoặc cân nặng theo chiều cao (CN/CC) thấp hơn so với ngưỡng là được chẩn đoán bệnh suy dinh dưỡng cấp tính.
- Chu vi vòng cánh tay (MUAC) ≤ 125mm: Chu vi vòng cánh tay của trẻ được xác định bằng cách xác định điểm nằm giữa đoạn nối mỏm vai và mỏm khuỷu tay. Sau đó vòng thước quanh điểm này để xác định chu vi vòng cánh tay.
- Tỉ lệ cân nặng/chiều cao (chiều dài): CN/CC ≤ -2SD
Với trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng còn có các biểu hiện lâm sàng dựa vào các thể như sau:
Suy dinh dưỡng thể phù
- Phù dinh dưỡng: Phù xuất hiện từ 2 chân rồi dần thành phù khắp cơ thể. Hai bên chân đều phù, da trắng mềm, ấn lõm.
- Chu vi vòng cánh tay và cân nặng/chiều cao có thể bình thường.
- Trẻ hay mắc kèm theo rối loạn tiêu hóa, viêm phổi.
- Da trẻ xuất hiện tình trạng rối loạn sắc tố: Có các nốt đỏ ở bẹn, chân, tay, mông và quanh hậu môn. Các nốt này tập trung thành mảng đỏ, rồi dần trở nên thâm đen, tiếp đó bong ra để lại lớp da non dễ bị nhiễm trùng làm da trẻ loang lỗ.
- Loãng xương do thiếu canxi, thiếu vitamin A, gan to do thoái hóa mỡ, tim suy do thiếu đạm.
- Thực hiện các xét nghiệm để xác định các triệu chứng cận lâm sàng như huyết sắc tố giảm, hematocrit, protein máu …
Suy dinh dưỡng thể teo đét
- Tại mặt, mông, chân tay của trẻ bị mất hết lớp mỡ dưới da. Do đó trẻ trông gầy gò, hốc hác, mắt trũng da khô nhăn nheo.
- Trẻ có triệu chứng thiếu vitamin A, D, K, B1, B12… nhưng nhẹ hơn như viêm lợi, khó ngủ, hay quấy khóc,…
- Trẻ có thể mất cảm giác thèm ăn.
- Thực hiện các xét nghiệm để xác định các triệu chứng cận lâm sàng: Huyết sắc tố giảm, Hematocrit giảm, Protein máu giảm, Pre-albumin máu giảm, chỉ số đường máu và điện giải đồ thay đổi.
Suy dinh dưỡng thể phối hợp
Có các triệu chứng của 2 thể trên
3. Nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ?
3.1. Những vấn đề thuộc về trẻ.
- Trẻ ăn ít hoặc không ăn các loại thực phẩm đa dạng khác nhau.
- Trẻ mắc chứng tâm lý sợ hoặc chán ăn do bị ép buộc ăn uống thường xuyên. Lâu ngày dẫn đến tình trạng ăn uống ngày 1 ít đi.
3.2. Sai lầm trong nuôi dưỡng của cha mẹ
Những sai lầm trong nuôi dưỡng của cha mẹ vô tình có tác động rất lớn đến việc tăng nguy cơ bé bị suy dinh dưỡng. Cụ thể 1 số sai lầm phổ biến thường gặp như:
- Không cho trẻ bú mẹ đầy đủ.
- Cai sữa mẹ sớm.
- Nuôi dưỡng trẻ không đúng phương pháp khi thiếu/không có sữa mẹ.
- Cho ăn dặm quá sớm (trước 4 tháng tuổi).
- Kiêng ăn khi trẻ bệnh.
3.3. Trẻ mắc các bệnh lý
Trẻ mắc một số bệnh lý sẽ làm tăng thêm nguy cơ bị suy dinh dưỡng bao gồm:
- Bệnh nhiễm trùng: nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu chảy kéo dài, biến chứng hậu sởi, lỵ, … là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và phải dùng các thuốc có hiệu quả diệt vi trùng gây bệnh. Chính điều này sẽ đồng thời tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi cho cơ thể tại đường ruột, làm giảm quá trình lên men thức ăn dẫn đến việc kém hấp thu và biếng ăn.
- Bệnh không nhiễm trùng: Các bệnh lý không nhiễm trùng cũng là nguyên nhân không thể bỏ qua:
- Bệnh làm tăng nhu cầu chuyển hóa: phỏng, phẫu thuật, chấn thương, …
- Bệnh làm mất chất dinh dưỡng: cắt dạ dày hay ruột non, cắt nối ruột, bệnh lý kém hấp thu, tiêu chảy nặng, suy tụy, vết thương hở…
- Các bệnh lý mạn tính: suy tim, viêm loét dạ dày, chậm phát triển tâm thần vận động, động kinh, hôn mê kéo dài…
4. Cơ chế bệnh sinh- Hậu quả tương ứng với từng tác động?
Việc cung cấp năng lượng không đủ dẫn đến nhiều tác động đến sinh lý của cơ thể như hạn chế tăng trưởng, mất chất béo, cơ và khối lượng nội tạng, giảm tỷ lệ trao đổi chất… Điều này được giải thích qua các cơ chế sau:
- Những thay đổi sinh hóa trong suy dinh dưỡng cấp tính ảnh hưởng tới các hormone là hormone tuyến giáp, insulin, và hormone tăng trưởng (GH). Những thay đổi bao gồm giảm mức tri-iodothyroxine (T3), insulin, yếu tố tăng trưởng giống insulin-1 (IGF-1) và tăng mức GH và cortisol. Từ đó gây ra nhiều hậu quả như: giảm thiểu quá trình trao đổi chất, giảm khả năng tăng trưởng và phát triển của cơ thể…
- Chức năng miễn dịch của các hệ thống cơ quan cũng bị suy giảm ở các mức độ khác nhau với người bị suy dinh dưỡng cấp tính. Khả năng miễn dịch của tế bào bị ảnh hưởng vì teo tuyến ức, hạch, amidan. Do đó mà trẻ dễ bị nhiễm trùng hơn (nhiễm trùng tiết niệu, tiêu hóa, nhiễm trùng huyết, v.v.).
- Tình trạng teo ruột non có thể xảy ra làm ruột bị thay đổi tính thấm dẫn đến kém hấp thu. Bên cạnh đó, 1 tình trạng phổ biến khác là sự phát triển quá mức của vi khuẩn và tình trạng teo tuyến tuỵ dẫn đến kém hấp thu chất béo; nhiễm mỡ ở gan.
- Việc giảm albumin huyết tương và giảm các glycoprotein có thể làm giảm chuyển hóa 1 số thuốc. Từ đó làm thuốc không thể phát huy tác dụng hoặc gây ra tác hại trong cơ thể.
- Việc không cung cấp đủ chất làm các myofibrils tim (đơn vị cơ bản của sợi cơ tim) bị mỏng đi kèm theo việc giảm khả năng co bóp. Từ đó làm cung lượng tim giảm, gây ra nhịp tim chậm và hạ huyết áp. Sự kết hợp nhịp tim chậm, suy giảm khả năng co bóp của tim và mất cân bằng điện giải thường dẫn đến rối loạn nhịp tim.
- Suy dinh dưỡng cấp tính đã được công nhận là nguyên nhân gây ra giảm số lượng tế bào thần kinh, khớp thần kinh, rối loạn cấu trúc đuôi gai và rối loạn myelin, và tất cả chúng đều làm giảm kích thước não. Vỏ não bị mỏng đi và sự phát triển của não chậm lại.
5. Cách khắc phục suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ như thế nào
Với những bé suy dinh dưỡng, cần phải có những giải pháp nhanh chóng và kịp thời:
- Bổ sung thêm nhiều loại thực phẩm đầy đủ chất dinh dưỡng, nhưng phải theo một kế hoạch dinh dưỡng bài bản và phải theo dõi liên tục để đảm bảo rằng các mục tiêu này được đáp ứng.
- Cân nặng và chiều cao của trẻ suy dinh dưỡng cấp tính vừa phải được kiểm tra thường xuyên nhằm ngăn chặn tình trạng suy dinh dưỡng nặng hơn.
- Liên hệ để được hỗ trợ và điều trị y tế nếu cần.
Giải pháp tối ưu cho tình trạng suy dinh dưỡng trẻ nhỏ là bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng theo kế hoạch bài bản, theo dõi sát sao thể trạng của bé và tìm sự hỗ trợ của y tế nếu cần.
>> Xem thêm: Vai trò quan trọng của Vitamin và khoáng chất đối với sức khỏe của trẻ
6. Trẻ suy dinh dưỡng cần bổ sung gì?
Nhằm đẩy lùi tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em, biện pháp cơ bản và lâu dài nhất đó chính là cải thiện thực đơn cho trẻ suy dinh dưỡng thấp còi, sao cho khẩu phần ăn cung cấp đầy đủ, cân đối nhu cầu về mặt dinh dưỡng. Để đảm bảo điều đó, cha mẹ của trẻ cần chú ý những điều sau:
- Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ. Trong 6 tháng đầu, việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn giúp đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Do đó bố mẹ không nên cho trẻ cai sữa mẹ quá sớm.
- Bánh mì, gạo, khoai tây và các loại thực phẩm giàu tinh bột khác. Đây là phần lớn nhất của chế độ ăn uống và cung cấp năng lượng calo và carbohydrate được chuyển hóa thành đường giúp bổ sung năng lượng cho cơ thể.
- Bổ sung Canxi: Thức ăn giàu canxi gồm các sản phẩm từ các loại hạt, phô mai, sữa chua, sữa…
- Bổ sung kẽm: Kẽm là một khoáng chất được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm như thịt đỏ, bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt, hải sản… Nó cũng được tìm thấy với số lượng nhỏ trong vú sữa. Nó có vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng và phát triển bình thường của cơ quan sinh sản và não bộ, đồng thời còn tham gia vào hoạt động của hệ thống miễn dịch và nhiều quá trình khác trong cơ thể.
- Bổ sung Vitamin D: Thực phẩm có Vitamin D gồm gan, trứng, dầu cá… Vitamin D giúp cho quá trình xây dựng bộ xương hoàn thiện và giữ cho chúng chắc khỏe. Vitamin D cũng góp phần vào sức khỏe tim mạch và chống nhiễm trùng.
- Bổ sung Vitamin A: Vitamin A có vai trò tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp bảo vệ chống lại các bệnh nhiễm trùng đe dọa tính mạng như bệnh sởi và bệnh tiêu chảy, và cần thiết cho sự phát triển của thị lực và xương. Thức ăn giàu Vitamin A bao gồm sữa, pho mát, trứng, trái cây và rau quả như xoài, đu đủ, cà rốt, ..
- Thịt, gia cầm, cá, trứng, đậu và các nguồn protein không phải sữa khác – Những nguồn này tạo thành các chất cơ bản cấu tạo bên trong cơ thể và giúp ích cho nhiều chức năng của cơ thể và các enzym.
Trẻ em suy dinh dưỡng cần được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ đầy đủ ít nhất trong 6 tháng đầu, bổ sung thêm các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất.
>> Xem thêm: Bí quyết vàng hỗ trợ trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng
Tổng kết: Suy dinh dưỡng ở trẻ là tình trạng không hề hiếm gặp, tuy nhiên nó hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị từ sớm. Do đó, việc trang bị kiến thức về tình trạng suy dinh dưỡng là điều hết sức cần thiết cho các bậc làm cha mẹ. Mong rằng bài viết sẽ cung cấp khách quan, đầy đủ và hữu ích cho các bậc phụ huynh.
Mọi chi tiết thắc mắc xin liên hệ HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.
Tham khảo nguồn: