Phân có màu đen là tình trạng hay gặp khi bạn sử dụng những thực phẩm sẫm màu hay thuốc bổ sung sắt. Tuy nhiên, đây có thể là dấu hiệu phản ánh rằng đường tiêu hóa của bạn đang có vấn đề như loét dạ dày – tá tràng, viêm thực quản, ung thư dạ dày…Vậy làm thế nào để biết đâu là nguyên nhân khiến phân có màu đen? Và cách khắc phục vấn đề trên là gì? Mời các bạn cùng tìm hiểu bài viết sau.
Mục lục
- 1. Tại sao phân có màu đen?
- 2. Những triệu chứng thường đi kèm với phân có màu đen
- 3. Các xét nghiệm giúp xác định có máu trong phân hay không?
- 4. Hướng điều trị khi phân có màu đen do chảy máu đường tiêu hóa:
- 5. Ba điều cần làm ngay khi phân bạn có màu đen:
- 6. Khi nào cần đi khám khi phân có màu đen?
- TÓM LẠI:
1. Tại sao phân có màu đen?
Bình thường, phân của chúng ta thường có màu vàng nâu do sự có mặt của các dẫn xuất bilirubin trong phân. Tuy nhiên ở một số trường hợp, chúng ta thấy phân có màu đen, điều này có thể do hai nguyên nhân chính sau:
1.1. Phân có màu đen do chế độ ăn và dùng thuốc
Điều này thường gặp phải khi:
- Bạn ăn uống các thực phẩm sẫm màu như:
- Cam thảo đen
- Việt quất
- Bánh oreo, socola
- Gelatin màu đỏ
- Chất tạo màu thực phẩm
- Thực phẩm giàu sắt như tiết canh, hàu,…
- Dùng thuốc bổ sung sắt.
- Dùng thuốc có chứa Bismuth (như Pepto-Bismol)
1.2. Phân có màu đen do các bệnh lý đường tiêu hóa:
Các bệnh lý này thường có đặc điểm chung là gây chảy máu trong đường tiêu hóa. Máu xuất hiện trong ống tiêu hóa tạo điều kiện cho enzyme tiêu hóa và các vi khuẩn đại tràng phân hủy thành hematin, khiến phân có màu đen. Máu càng di chuyển lâu trong đường tiêu hóa càng khiến phân có màu tối. Đó cũng là lý do vì sao phân có màu đen thường là do chảy máu đường tiêu hóa trên (bao gồm: miệng, thực quản, dạ dày và phần đầu tiên của ruột non) và phân màu có màu đỏ tươi là do chảy máu ở đường tiêu hóa dưới.
Các nguyên nhân khiến chảy máu đường tiêu hóa trên là:
a. Tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa
Do hội chứng Mallory-Weiss:
Hội chứng Mallory-Weiss hay Hội chứng loét dạ dày – thực quản đề cập tới vấn đề chảy máu từ vết rách (vết rách Mallory-Weiss) trong niêm mạc ở chỗ giao giữa dạ dày và thực quản. Bệnh chiếm 5% khả năng gây xuất huyết tiêu hóa. Nguyên nhân của hội chứng này là do:
- Sự tăng áp lực ổ bụng khi nôn ói quá nhiều, nấc cục, ho liên tục, la hét quá nhiều, chấn thương vùng bụng hoặc khi hồi sức tim phổi.
- Hoặc có thể do nghiện rượu nặng.
Các triệu chứng điển hình là:
- Nôn ra máu (đỏ tươi).
- Phân có màu đen.
- Đau bụng hay vùng xương ức.
- Ăn uống khó tiêu.
Tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa do viêm thực quản:
Viêm thực quản là hiện tượng thực quản bị viêm loét do trào ngược acid dạ dày (GERD). Bệnh sẽ có các mức độ viêm ở niêm mạc thực quản khác nhau phụ thuộc vào thời gian và tần suất tiếp xúc với các chất trào ngược. Ban đầu, chúng ta chỉ thấy tình trạng viêm sưng thực quản. Lâu ngày, nếu không được điều trị, các vết loét, xuất huyết có thể xuất hiện do niêm mạc không thể chống lại sự tấn công của acid từ dạ dày. Phân có màu đen thường là dấu hiệu khi bệnh tiến triển nặng hơn.
Các dấu hiệu đi kèm có thể nhận biết là:
- Ợ hơi không do thực phẩm hay ợ hơi khi đói.
- Ợ chua.
- Buồn nôn (triệu chứng này thường gặp khi bệnh nhân ăn no).
- Đau tức ngực.
- Một số triệu chứng khác như: Người bị viêm thực quản trào ngược hay bị nghẹn, ăn không ngon miệng, khó nuốt, đau rát họng, mất tiếng, nóng rát ngực, nuốt đau, chảy nước bọt, viêm loét ở miệng…
Tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa do viêm loét dạ dày – tá tràng:
Đây là nguyên nhân phổ biến gây chảy máu đường tiêu hóa trên, dẫn đến phân có màu đen. Căn bệnh này thường liên quan đến nhiễm vi khuẩn H.pylori. Loại vi khuẩn này gây phá vỡ hàng rào niêm mạc, trực tiếp gây viêm trên niêm mạc dạ dày, tá tràng. Bên cạnh đó, việc sử dụng aspirin hay các loại thuốc chống viêm không steroid khác (NSAIDS) cũng có thể gây viêm loét dạ dày do cơ chế ức chế enzyme COX, giảm sản xuất chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày. Ngoài ra, các yếu tố làm tăng tiết acid dạ dày như ăn đồ cay nóng, quá chua hay căng thẳng kéo dài cũng khiến bệnh trầm trọng hơn.
Khi mắc viêm loét dạ dày – tá tràng, ngoài phân có màu đen, chúng ta thường gặp phải các triệu chứng khác như:
- Thường khó chịu, đau ở vùng thượng vị (vùng trên rốn).
- Cảm thấy đau bụng khi đói hay ăn quá no.
- Đầy bụng, khó tiêu, nôn hay buồn nôn.
- Ợ nóng hay ợ chua, nóng rát vùng thượng vị.
- Chóng mặt, choáng váng, hay mệt mỏi.
b. Tổn thương do chấn thương hoặc dị vật:
Chúng ta có thể gặp tình trạng xuất huyết tiêu hóa khi tiến hành nội soi do niêm mạc của người đó quá nhạy cảm, dễ bị tổn thương. Tình trạng này cũng có thể gặp khi nuốt phải vật sắc nhọn, hóc xương…
c. Sự phát triển của khối u: Trong một số trường hợp, chảy máu đường tiêu hóa trên cũng có thể là dấu hiệu của sự phát triển khối u, bao gồm u lành hoặc u ác tính (ung thư) ở dạ dày, thực quản, ruột.
- Các mạch máu bị sưng hoặc giãn tĩnh mạch cũng có thể dẫn đến chảy máu đường tiêu hóa trên. Điều này thường xảy ra khi tăng áp lực tĩnh mạch cửa trong các bệnh về gan (như xơ gan). Sự gia tăng áp lực có thể gây ra giãn tĩnh mạch thực quản và dạ dày, khiến chúng dễ vỡ và gây chảy máu.
- Các rối loạn về máu với các dấu hiệu như chảy máu quá nhiều và bầm tím thường xuyên chẳng hạn như Hemophilia (bệnh ưa chảy máu) và Thrombocytopenia (giảm số lượng tiểu cầu), cũng có thể góp phần gây chảy máu trong đường tiêu hóa.
1.3. Đối với trẻ em:
- Ở trẻ sơ sinh, một vài lần đầu tiên phân gần như có màu đen tuyền. Chúng được gọi là phân su. Chúng xảy ra do phân được tạo ra trong bụng mẹ khi vi khuẩn cư trú trong phân chưa có mặt. Do đó, có thể do phân su chưa được đào thải hết khiến cho bé đi phân có sợi màu đen.
- Tuy nhiên, ở trẻ lớn hơn, các đốm đen trong phân là do các nguyên nhân được liệt kê ở trên hoặc sau khi ăn phải thứ gì đó có thể bong ra thành màu đen, chẳng hạn như mảnh giấy.
» Xem thêm: Bé đi ngoài ra máu có nguy hiểm không?
2. Những triệu chứng thường đi kèm với phân có màu đen
Các triệu chứng có thể gặp tùy thuộc vào lượng máu bị mất và vi trí chảy máu. Những người bị mất máu nhẹ thường chỉ gặp các triệu chứng liên quan đến vi trí chảy máu. Nếu chảy máu xảy ra trong ruột non, người bệnh có thể bị đau bụng. Chảy máu từ miệng, thực quản hoặc dạ dày thường dẫn đến nuốt đau, khó tiêu hoặc nôn ra máu. Còn khi mất máu đáng kể có thể dẫn đến các triệu chứng thiếu máu, suy nhược, khó thở, da xanh xao, hoa mắt, chóng mặt, lú lẫn và nhịp tim nhanh.
3. Các xét nghiệm giúp xác định có máu trong phân hay không?
Các xét nghiệm sau sẽ được sử dụng để tìm hiểu xem bạn có đi cầu ra máu hay không:
- Xét nghiệm phân (tìm hồng cầu trong phân)
- Xét nghiệm máu để xác định công thức máu toàn phần, từ đó xác định xem bạn có bị thiếu máu hay các vấn đề liên quan không
- Nội soi: là một phương pháp hay được sử dụng để kiểm tra tình trạng tổn thương đường tiêu hóa của bạn. .
- Hình ảnh chụp CT hoặc X-quang nhằm xác định vị trí chảy máu của bạn. Hình ảnh có thể cho thấy một vết rách, tắc nghẽn hoặc khối u gây ra các triệu chứng của bạn.
- Chụp mạch máu được thực hiện để xác định tính toàn vẹn của mạch máu. Chất lỏng cản quang được tiêm vào động mạch và chụp X-quang lưu lượng máu của bạn. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn đã từng có phản ứng dị ứng với chất lỏng cản quang.
4. Hướng điều trị khi phân có màu đen do chảy máu đường tiêu hóa:
Điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây chảy máu.
- Điều trị bằng thuốc ức chế bơm proton, chẳng hạn như esomeprazole hoặc pantoprazole, có thể giúp giảm sản xuất axit, thúc đẩy quá trình chữa lành vết loét dạ dày tá tràng và do đó làm giảm nguy cơ chảy máu tái phát.
- Thuốc ức chế bơm proton và thuốc kháng sinh cũng có thể được sử dụng để điều trị nhiễm trùng Helicobacter pylori, một nguyên nhân khác gây viêm loét dại dày.
- Bác sĩ cũng cân nhắc thay đổi các loại thuốc bạn sử dụng nếu chúng là nguyên nhân làm bạn chảy máu. Ví dụ aspirin hoặc các NSAIDS khác.
- Nội soi có thể được sử dụng để điều trị nguyên nhân gây chảy máu của bạn. Nhân viên y tế có thể sử dụng nhiệt để đóng vết rách, giúp lành các vết loét. Băng có thể được đặt xung quanh các tĩnh mạch chảy máu để giúp chúng cầm máu.
- Có thể cần truyền máu nếu bạn bị mất một lượng máu lớn.
- Có thể cần phẫu thuật nếu bạn bị chảy máu nghiêm trọng hoặc các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Phẫu thuật có thể được sử dụng để sửa vết rách trong niêm mạc dạ dày hoặc ruột của bạn. Bạn có thể cần phẫu thuật để loại bỏ vật cản hoặc khối u.
» Xem thêm: [Lưu ý] 4 Nhóm thuốc sử dụng khi trẻ bị tiêu chảy
5. Ba điều cần làm ngay khi phân bạn có màu đen:
5.1. Xác định nguyên nhân
Xác định xem chế độ ăn hay hay thuốc có là nguyên nhân khiến phân có màu đen:
Trong vòng 24 – 48 giờ, bạn nên ngừng sử dụng:
- Các loại thực phẩm sẫm màu như cam thảo đen, việt quất, bánh oreo, socola, gelatin màu đỏ, chất tạo màu thực phẩm, hay thực phẩm giàu sắt (như tiết canh, hàu,…).
- Thuốc bổ sung sắt, thuốc chứa Bismuth.
- Dùng thuốc chứa aspirin hay các NSAIDS khác.
5.2. Thăm khám tại cơ sở y tế:
Sau khi loại bỏ nguyên nhân trên, nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, rất có thể là do bạn đang mắc phải các bệnh lý về đường tiêu hóa. Bạn nên đi khám bác sĩ để xác định rõ nguyên nhân và có cách điều trị phù hợp.
5.3. Ngăn chặn và phòng ngừa
Bạn có thể ngăn chặn và phòng ngừa phân có màu đen bằng cách:
- Không dùng NSAID hoặc aspirin: bởi những loại thuốc này có thể gây xuất huyết tiêu hóa. Lúc này, bạn nên xin tư vấn của bác sĩ về loại thuốc giảm đau khác an toàn hơn.
- Không hút thuốc lá hoặc thuốc lá điện tử: do có chứa Nicotine khiến mạch máu kém bền vững, dễ bị vỡ gây chảy máu.
- Không uống rượu hoặc caffeine: Rượu và caffein có thể gây kích ứng khiến lớp niêm mạc của dạ dày hoặc ruột của bạn bị tổn thương.
- Ăn nhiều loại thực phẩm lành mạnh: Thực phẩm lành mạnh bao gồm trái cây, rau, các sản phẩm từ sữa ít béo, thịt nạc, cá và các loại đậu như đậu lăng. Thực phẩm lành mạnh có thể giúp hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh, nâng cao hệ miễn dịch để chống lại bệnh tật.
- Uống nhiều nước.
- Học cách cân bằng cuộc sống, giảm thiểu stress: bằng cách thường xuyên tập thể dục, tập thiền, tham gia các hoạt động ngoài trời.
- Không nên ăn quá no, đặc biệt là buổi tối: Bởi lúc này hệ tiêu hóa cần được nghỉ ngơi. Đồng thời, ăn quá no dễ khiến trào ngược axit dạ dày, làm tổn thương thực quản.
- Hạn chế ăn những đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ như thịt nướng, mỳ cay, rau xào,… do những thực phẩm này dễ gây đầy bụng, khó tiêu, kích ứng đường tiêu hóa.
6. Khi nào cần đi khám khi phân có màu đen?
Tùy vào nguyên nhân khiến phân có màu đen mà mức độ nghiêm trọng sẽ khác nhau. Nếu nguyên nhân là do chế độ ăn hay sử dụng thuốc bổ sung sắt thì phân có màu đen là hoàn toàn bình thường, chỉ cần ngừng sử dụng chúng là tình trạng của bạn sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân bắt nguồn từ tình trạng xuất huyết đường tiêu hóa thì vấn đề càng trở nên nghiêm trọng. Về lâu dài, bạn có thể gặp tình trạng thiếu máu, thường xuyên mệt mỏi, nặng hơn nữa là sự tiềm ẩn của bệnh ung thư. Vì vậy, bạn cần đi khám ngay nếu thấy các dấu hiệu sau:
- Nôn ra máu và/hoặc phân có màu đen trong một thời gian dài, ngay cả khi bạn ngừng sử dụng những thực phẩm sẫm màu hay thuốc bổ sung sắt.
- Mệt mỏi
- Choáng váng hoặc chóng mặt
- Huyết áp thấp
- Nhịp tim nhanh
- Đau bụng, phân nhờn và đau dạ dày kéo dài hơn ba ngày.
Nhiều người thường có tâm lý ngại đi khám, đến khi bệnh nghiêm trọng rồi mới tìm cách chữa trị. Thế nhưng, một sự thay đổi nhỏ trong cơ thể cũng có thể phản ánh các nguy cơ mắc những bệnh nghiêm trọng. Vì vậy, hãy tìm đến bác sĩ sớm nhất có thể để bảo vệ sức khỏe của mình, tránh những biến chứng về sau.
TÓM LẠI:
Phân có màu đen là dấu hiệu khiến nhiều người lo lắng. Nếu đã loại bỏ nguyên nhân do chế độ ăn và dùng thuốc mà tình trạng này vẫn diễn ra thì chúng ta nên kịp thời đến bác sĩ. Bởi đây có thể là dấu hiệu của một bệnh nguy hiểm về sau. Mong rằng bài viết trên đã cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn.
Nếu bạn có thêm những băn khoăn thắc mắc về tình trạng đi phân màu đen, hãy liên hệ ngay với chuyên gia của chúng tôi: HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482
Nguồn tham khảo: