Tiêu chảy là tình trạng tăng số lần đại tiện trong ngày, phân chứa nhiều nước và lượng phân tăng hơn so với mức bình thường. Ở trẻ em tình trạng này khá phổ biến và rất hay gặp. Nếu tình trạng này kéo dài thì sẽ dẫn đến trẻ bị mất nước, mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột dẫn đến suy dinh dưỡng và thậm chí là tử vong. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ hơn về bệnh tiêu chảy và cách xử trí thông qua bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Tại sao trẻ bị tiêu chảy kéo dài?
Có rất nhiều nguyên nhân gây đến tiêu chảy kéo dài ở trẻ, xong chủ yếu là do những nguyên nhân sau:
1.1 Tiêu chảy do vệ sinh kém, trẻ nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng
Ảnh hưởng của vệ sinh kém dẫn đến nhiễm khuẩn tiêu hóa?
Việc đảm bảo vệ sinh đồ dùng, dụng cụ cũng như thức ăn cho trẻ là rất quan trọng. Bởi vì có rất nhiều loại vi khuẩn bám trên chúng mà bằng mắt thường chúng ta sẽ không thể thấy được. Nếu không được vệ sinh sạch sẽ thì vi khuẩn rất dễ xâm nhập vào hệ tiêu hóa của bé do trẻ có sở thích cho đồ dùng vào miệng.
Thức ăn cho trẻ phải đảm bảo vệ sinh tối ưu do chứa nhiều vi khuẩn, virus thậm chí là các chất độc như thuốc bảo vệ thực vật. Vì thế việc lựa chọn thức ăn cho trẻ các mẹ phải hết sức lưu ý để đảm bảo sức khỏe cho con.
Cơ chế tiêu chảy do nhiễm khuẩn tiêu hóa?
Nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây tiêu chảy ở trẻ nhỏ. Điển hình là Rotavirus, vi khuẩn E.coli, các trực khuẩn đường tiêu hóa Salmonella, trực khuẩn tả, ký sinh trùng Giardia,… Tùy theo từng loại nhiễm khuẩn mà có các biểu hiện gây bệnh khác nhau khác nhau.
Sau khi đi xâm nhập vào hệ tiêu hóa của cơ thể thông qua đường ăn, uống, chúng sẽ ký sinh trong đường tiêu hóa một thời gian và chết đi. Khi chết giải phóng ra các độc tố làm tăng tiết dịch ruột thông qua AMPv, GMPv, nồng độ canxi nội bào. Một lượng lớn dịch và các chất điện giải từ các tế bào niêm mạc ruột, tuyến được tiết ra gấp hàng chục lần mức bình thường, vượt quả khả năng hấp thu của ống tiêu hóa, gây nên tình trạng tiêu chảy.
Tại sao nhiễm khuẩn tiêu hóa thường gây tiêu chảy kéo dài
Với các trường hợp tiêu chảy do nhiễm khuẩn tiêu hóa, tình trạng tiêu chảy thường xảy ra ồ ạt, tần suất đi ngoài lớn. Sau một đợt tiêu chảy cấp nặng, chúng để lại những tổn thương lớn tại niêm mạc đường tiêu hóa và mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Đây chính là nguyên nhân khiến tiêu chảy ồ ạt, trẻ vẫn tiếp tục tiêu chảy kéo dài hoặc chuyển sang giai đoạn phân sống.
Trong trường hợp trẻ đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, trẻ có dấu hiệu mất nước, bé cần được xét nghiệm phân, chẩn đoán chính xác tình trạng nhiễm khuẩn và lựa chọn sử dụng phác đồ kháng sinh phù hợp (loại kháng sinh nào? Dùng với liều bao nhiêu? Và dùng trong bao lâu). Lưu ý tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng kháng sinh cho trẻ nhỏ, tránh kháng kháng sinh và tình trạng tiêu hóa của trẻ càng tổn thương do dùng kháng sinh sai cách.
1.2 Tiêu chảy kéo dài do thiếu enzym tiêu hóa (Hay gặp: không dung nạp lactose)
Enzym tiêu hóa là những protein đặc hiệu giúp phân cắt dinh dưỡng có trong thức ăn thành những chất hệ tiêu hóa có thể hấp thụ được. Thiếu hụt enzym tiêu hóa (do tổn thương hệ tiêu hóa, hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, chế độ ăn quá tải dinh dưỡng) cũng là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ không tiêu hóa triệt để, tiêu chảy kéo dài.
Đặc biệt trong đường tiêu hóa của trẻ nhỏ, Enzym lactase là loại enzym cần thiết nhất để tiêu hóa đường lactose, một loại đường chứa nhiều trong sữa khiến cho cơ thể của trẻ. Khi trẻ thiếu enzym lactose, trẻ gặp phải tình trạng không dung nạp được lactose. Đường lactose không được dung nạp sẽ làm tăng áp suất thẩm thấu trong lòng ruột, dẫn đến kéo nước vào lòng ruột để cân bằng áp suất. Chính lượng nước này và phần thức ăn không hấp thu được làm tăng trọng lượng và thể tích phân gây nên tình trạng tiêu chảy. Tình trạng thiếu men bẩm sinh này hay gặp ở người da đen hoặc thiếu men mắc phải do hậu quả của viêm ruột.
Trong trường hợp trẻ thiếu hụt enzym tiêu hóa, mẹ có thể bổ sung thời gian ngắn các sản phẩm men tiêu hóa cho trẻ với mục đích hỗ trợ tiêu hóa trong thời gian ngắn chờ cơ thể phục hồi các tổn thương trong ống tiêu hóa. Nhưng một cách an toàn hơn, lợi khuẩn là sự lựa chọn an toàn, cho hiệu quả tốt và có thể sử dụng kéo dài trong các trường hợp thiếu hụt enzym tiêu hóa.
1.3 Tiêu chảy do chế độ dinh dưỡng không hợp lý
Ở trẻ nhỏ, cơ thể chưa hấp thu được nhiều loại chất đạm – protein cũng như một số loại đường. Nguyên nhân chính được nêu lên do cấu trúc đường tiêu hóa của trẻ còn non yếu, chưa hoàn thiện. Chính vì vậy, khi chế độ dinh dưỡng cho bé quá nhiều chất đạm (protein) như thịt bò, cá, tôm,.. hay các loại bánh kẹo, thực phẩm chứa nhiều đường glucose, sorbitol (như nước trái cây) khiến trẻ không hấp thu do cơ thể đào thải ra bên ngoài, gây nên tình trạng tiêu chảy
Ngoài ra, một số thức ăn có chứa chất bảo quản, thức ăn đóng hộp không đảm bảo vệ sinh và an toàn thực phẩm có thể khiến cho bé buồn nôn, sốt, tiêu chảy cấp đau bụng, mệt mỏi.
1.4 Tiêu chảy kéo dài do sử dụng kháng sinh chưa đúng cách cho trẻ
Thuốc kháng sinh có tác dụng điều trị các bệnh viêm nhiễm, tuy nhiên nếu sử dụng trong một thời gian dài đặc biệt với kháng sinh đường uống sẽ ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật có lợi đường tiêu hóa, làm mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột (đây được coi là tác dụng không mong muốn của thuốc kháng sinh) gây nên trẻ bị tiêu chảy với biểu hiện như: phân có bọt, phân xanh, phân có lẫn thức ăn,… Vậy nên việc sử dụng kháng sinh an toàn và hiệu quả là điều mà mẹ cần lưu ý. Không nên tự ý sử dụng kháng sinh, hãy dùng theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
2. Hậu quả của việc kéo dài tiêu chảy của trẻ
Khi trẻ bị tiêu chảy kéo dài sẽ gây nên những hậu quả khó lường như:
- Mất nước nhiều, mất điện giải khiến máu bị cô đặc, giảm thể tích tuần hoàn dẫn đến giảm huyết áp sẽ dẫn đến suy tuần hoàn.
- Nhiễm độc và nhiễm acid do cơ thể mất muối kiềm của dịch tụy, dịch mật, dịch ruột. Kèm với rối loạn huyết động trên sẽ gây rối loạn chuyển hóa (chuyển hóa yếm khí), làm tình trạng nhiễm acid càng nặng. Giãn mạch, thoát huyết tương, giảm thể tích tuần hoàn cuối cùng là vô niệu.
- Tiêu chảy kéo dài nên giảm khả năng tiêu hóa và hấp thu ở ruột dẫn dến thiếu protein, vitamin, sắt, calci,… hậu quả tiếp theo là thiếu máu, suy dinh dưỡng, còi xương…
3. Tiêu chảy kéo dài ở trẻ có nguy hiểm không?
Tiêu chảy kéo dài ở trẻ rất nguy hiểm bởi những hậu quả của nó gây ra nếu như không được xử lý kịp thời. Đặc biệt ở trẻ nhỏ, tiêu chảy sẽ khiến bé quấy khóc, mệt mỏi, cơ thể thiếu những chất dinh dưỡng cần thiết như protein, vitamin, sắt, calci,… ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như là sự phát triển của trẻ. Ngoài ra nếu như không được bù nước và điện giải, sẽ dẫn đến tình trạng suy tuần hoàn cấp làm cho lượng máu lưu thông cho cơ thể bị rối loạn, bé không đi tiểu được và thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
4. Cách xử trí khi trẻ bị tiêu chảy kéo dài
4.1 Bổ sung nước, bổ sung điện giải, chất dinh dưỡng
- Đối với những trẻ còn bú mẹ thì nên cho bé bú nhiều hơn, cữ lâu hơn để đảm bảo được lượng nước cũng như chất dinh dưỡng cho trẻ.
- Đối với những trẻ đã ăn dặm thì nên cho bé ăn thành nhiều bữa với thức ăn dễ tiêu, nấu nhừ, không chứa quá nhiều protein giúp hệ tiêu hóa của bé có thể hấp thụ.
- Ngoài ra mẹ có thể bổ sung cho bé ăn hoa quả, các loại nước trái cây để bổ sung nước, chất điện giải và dinh dưỡng giúp bé không bị sút cân, suy dinh dưỡng.
- Bổ sung kẽm và vitamin để giúp bé mau hồi phục
4.2 Sử dụng các men vi sinh
Khi trẻ bị tiêu chảy kéo dài, hệ vi sinh vật đường ruột sẽ bị mất cân bằng làm ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa của trẻ. Vậy nên việc bổ sung men vi sinh giúp lấy lại được cân bằng và cung cấp cho đường tiêu hóa một lượng vi khuẩn có lợi để đảm bảo hoạt động tiêu hóa của trẻ, cũng như giúp trẻ có thêm sức đề kháng, cạnh tranh để kìm hãm sự phát triển của virus, vi khuẩn và ký sinh trùng gây bệnh. Men vi sinh (đặc biệt là chủng Bifidobacterium – Chủng thiết yếu nhất trong đường tiêu hóa – chiếm 90% tổng lợi khuẩn đường ruột) sẽ giúp trẻ mau khỏi bệnh cũng như không để lại những hậu quả đường ruột về sau.
4.3 Tham khảo lời khuyên của bác sĩ
Đối với những trẻ bị tiêu chảy kéo dài, các mẹ nên cho bé đi gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân và tìm ra hướng điều trị cũng như có những lời khuyên tốt nhất để không dẫn đến hậu quả không mong muốn.
5. Cách phòng tránh tiêu chảy kéo dài ở trẻ em
Sử dụng vaccin phòng Rotavirus
Gồm 2 liều:
- Liều đầu tiên: nên bắt đầu lúc 6 tuần tuổi.
- Liều thứ 2: sau đó 4 tuần.
- Phải kết thúc 2 liều trước 6 tháng tuổi.
- Nếu liều đầu tiên đã uống Rotarix thì bắt buộc liều thứ 2 cũng phải uống Rotarix
Đường dùng
- Chỉ dùng đường uống.
- Vắc xin Rotarix có khả năng bám dính rất tốt vì vậy sau khi uống nếu trẻ có nôn trớ thì cũng không cần uống liều khác. Tuy nhiên nếu xác định rằng đã bị nôn trớ phần lớn vắc xin thì có thể uống lại.
- Tiêm vaccin dự phòng các bệnh do thương hàn, phẩy khuẩn tả,… gây ra
- Đảm bảo vệ sinh tuyệt đối: vệ sinh bình sữa, dụng cụ đựng thức ăn bằng nước sôi và để khô. Rửa tay sạch sẽ cho bé bằng nước ấm thường xuyên đặc biệt là sau khi ăn. Giữ sạch sẽ đồ chơi, đồ dùng cho trẻ
- Sử dụng nguồn nước sạch, thức ăn cho bé rõ nguồn gốc, không chất bảo quản
- Cho bé bú sữa mẹ để tăng cường hệ miễn dịch cũng như đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ, đặc biệt là 6 tháng đầu đời
- Tránh cho bé tiếp xúc với người bệnh
- Cho bé ăn những thức ăn dễ tiêu hóa, không có quá nhiều đạm, phải được nấu chín và phù hợp với độ tuổi
- Bổ sung thêm nước trái cây để tăng cường sức đề kháng cho bé, tốt nhất dưới 120ml mỗi ngày
Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ cho trẻ
Trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ trong giai đoạn mọc răng thường xuyên xuất hiện tình trạng tiêu chảy. Trong giai đoạn này, trẻ thích thú gặm mút tay chân, gặm đồ chơi và các vật dụng xung quanh. Đây là con đường dễ dàng lây nhiễm vi khuẩn có hại cho đường tiêu hóa của trẻ.
Chính vì vậy, đảm bảo vệ sinh tay chân, đồ dùng vật dụng xung quanh trẻ rất quan trọng. Mẹ cần thường xuyên lau chùi và vệ sinh tay chân cho trẻ.
Dự phòng và xử trí tiêu chảy bằng bổ sung lợi khuẩn
Lợi khuẩn là phương pháp an toàn, hiệu quả trong phòng ngừa tiêu chảy cho trẻ nhỏ. Lợi khuẩn đóng vai trò tạo hàng rào sinh học bảo vệ hệ tiêu hóa khỏi những xâm nhập có hại, tạo cân bằng hệ vi sinh và phục hồi các tổn thương tiêu hóa. Bổ sung lợi khuẩn cho trẻ trong thời gian 3-6 tháng giúp trẻ nâng cao đề kháng, giảm khả năng ốm vặt, giảm tần suất sử dụng kháng sinh, qua đó giảm tần suất mắc và mức độ nặng của các đợt tiêu chảy kéo dài của trẻ.
Tổng kết:
Như vậy, để phòng tránh và xử trí tình trạng tiêu chảy kéo dài ở trẻ, mẹ cần đặc biệt lưu ý:
- Vệ sinh sạch sẽ xung quanh trẻ tránh nhiễm khuẩn
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hài hòa, đủ chất nhưng dễ tiêu hóa
- Thay đổi chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ có hệ tiêu hóa yếu, thiếu hụt enzym (đặc biệt khi thiếu hụt enzym lactase mẹ có thể phối hợp với sữa free lactose, giảm thiểu gánh nặng cho hệ tiêu hóa của trẻ)
- Không tự ý sử dụng kháng sinh bừa bãi khi trẻ có triệu chứng tiêu chảy.
>> Xem thêm: [Cập nhật] Phác đồ điều trị tiêu chảy cấp do Rotavirus mới nhất
>> Xem thêm: Khi nào trẻ tiêu chảy kéo dài cần đến cơ sở y tế?