Để giúp con phát triển toàn diện và luôn có một sức khỏe tốt, việc cân bằng chế độ dinh dưỡng cho bé là vô cùng quan trọng. Trẻ nhỏ có hệ tiêu hóa nhạy cảm rất dễ bị táo bón hay tiêu chảy nên mẹ cần thận trọng khi lên thực đơn cho bé. Vậy mẹ đã biết cần bổ sung những chất dinh dưỡng gì cho bé? Bổ sung qua những loại thực phẩm nào và những thực phẩm hạn chế cho bé sử dụng? cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết sau đây.
Mục lục
1. Các chất dinh dưỡng mà mẹ cần bổ sung cho bé
Một số dưỡng chất quan trọng không thể thiếu với cơ thể bé mà mẹ không nên bỏ qua. Các chất dinh dưỡng này sẽ giúp bé phát triển toàn diện cả về thể chất và trí não. Cụ thể:
1.1. Chất đạm
Protein là một trong những dưỡng chất thiết yếu của cơ thể. Cơ thể cần phá vỡ một lượng protein để xây dựng và sửa chữa các mô. Enzyme có bản chất là các protein hỗ trợ hàng nghìn phản ứng sinh hoá trong và ngoài tế bào. Trong cơ thể enzym kết hợp với các phân tử khác của tế bào gọi là chất nền, xúc tác cho các phản ứng cần thiết trong quá trình trao đổi chất.
Một số protein dạng sợi như colagen, keratin cung cấp cho các tế bào và mô độ cứng giúp hình thành khung liên kết cho các cấu trúc nhất định của cơ thể. Albumin và globulin là các protein hút và giữ nước nên duy trì lượng chất lỏng trong cơ thể. Ngoài ra, protein còn giúp vận chuyển các chất dinh dưỡng như vitamin, khoáng chất, glucose, oxy, cholesterol theo máu vào hoặc ra khỏi tế bào.
Từ đó thực hiện các chứng năng sinh lý của cơ thể, phát triển và duy trì các mô, tạo cấu trúc xương và răng chắc khỏe, tăng cường miễn dịch, cung cấp năng lượng cho bé hoạt động, duy trì pH và cân bằng chất lỏng cơ thể. Vì thế, mẹ cần bổ sung đủ lượng chất đạm cho bé mỗi ngày
1.2. Chất bột đường
Hầu hết các carbohydrate trong thực phẩm mẹ cho bé ăn được tiêu hóa và phân hủy thành glucose trước khi vào máu. Glucose trong máu được đưa vào các tế bào của cơ thể và sử dụng để sản xuất adenosine triphosphate (ATP- nguồn năng lượng cung cấp cho cơ bắp và tế bào) thông qua quá trình hô hấp tế bào.
Tế bào sau đó có thể sử dụng ATP để cung cấp năng lượng cho các hoạt động trao đổi chất. Sau khi đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể, glucose chuyển thành glycogen và dự trữ tại gan và cơ.
Không giống như đường và tinh bột, chất xơ không bị phân hủy thành glucose. Chất xơ có chứa pectin là chất keo hút nước nên sau khi vào đến đường tiêu hoá chất xơ hút nước trương nở giúp phân mềm ra và bé tiêu hoá dễ dàng hơn. Do đó việc bổ sung chất bột đường là vô cùng cần thiết cho trẻ.
1.3. Chất béo
Chất béo là nguồn cung cấp các acid béo thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được như omega 3, omega 6 cần thiết cho cấu tạo của màng tế bào, tổ chức liên kết và hệ thần kinh.
Do đó, chất béo hỗ trợ trí não phát triển, giúp bé tiếp thu kiến thức nhanh hơn. Chất béo cũng cung cấp năng lượng và giúp cơ thể hòa tan các vitamin tan trong dầu như Vitamin A, vitamin D, vitamin E, vitamin K và quá trình hấp thu các vitamin có trong ruột.
1.4. Vitamin
Vitamin là những chất không thể thiếu với cơ thể. Mỗi vitamin sẽ đảm nhiệm những vai trò khác nhau trong hoạt động sinh lý của cơ thể như:
- Vitamin A kết hợp với protein opsin tạo thành rhodopsin (một loại protein trong mắt giúp bé nhìn được trong ánh sáng yếu), hỗ trợ sự phát triển của tế bào bạch cầu bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm khuẩn.
- Vitamin C giữ sắt ở trạng thái cơ thể dễ hấp thu giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn. Vitamin C kích thích cơ thể sản xuất ra các tế bào bạch cầu và các đại thực bào giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Ngoài ra vitamin này còn là một chất chống oxy hóa mạnh, tăng cường hệ thống miễn dịch cho bé.
- Vitamin D gắn vào niêm mạc ruột tăng cường hấp thu Canxi và phốt pho cần thiết cho hệ xương, răng phát triển giảm nguy cơ loãng xương và tăng cường hệ miễn dịch cho bé.
- Vitamin B9 là một yếu tố cần thiết cho quá trình hình thành hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu của cơ thể. Vitamin B3 giúp giảm lượng cholesterol, có lợi cho quá trình tuần hoàn máu và hình thành hệ thần kinh, bảo vệ tế bào da dưới ánh nắng mặt trời.
1.5. Khoáng chất
Một số khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ như: Canxi và phốt pho là thành phần chính của xương, tồn tại dưới dạng phức hợp canxi- photphat tạo cấu trúc khung xương chắc khỏe, hỗ trợ quá trình phát triển của hệ xương và răng.
Sắt cùng với protein tạo huyết sắc tố hemoglobin vận chuyển oxy trong máu tới các tổ chức, do đó sắt giúp giảm nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ. Natri cần thiết cho sự phát triển, hoạt động của hệ thần kinh, duy trì chất lỏng và cân bằng pH cơ thể và giúp điều hòa huyết áp giúp bé có trạng thái khỏe mạnh để vui chơi.
>> Xem thêm: Vai trò quan trọng của vitamin và khoáng chất đối với sức khỏe của trẻ
2. Thức ăn và đồ uống nào tốt cho bé
Để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ mẹ có thể bổ sung các dưỡng chất qua những loại thực phẩm sau đây.
2.1. Trái cây và rau quả
Trái cây và rau quả là loại thực phẩm đặc biệt quan trọng vì cung cấp cho bé nhiều năng lượng, vitamin, chất chống oxy hóa, chất xơ và nước. Những chất dinh dưỡng này giúp bé phát triển toàn diện về thể chất và trí não, giảm tính trạng táo bón và tránh các bệnh lý nguy hiểm như bệnh tim mạch, đột quỵ và một số bệnh ung thư.
Mẹ nên cho bé ăn trái cây và rau trong cả bữa chính và bữa phụ của bé và cố gắng chọn những loại rau quả có màu sắc sặc sỡ, mùi vị hấp dẫn để kích thích bé ăn ngon.
Mẹ cần lưu ý rửa sạch trái cây và rau trước khi cho bé ăn để loại bỏ hết bụi bẩn và hóa chất có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của bé. Với những loại quả ăn được vỏ mẹ nên cho bé ăn cả vỏ. Vỏ quả cũng chứa nhiều vitamin và khoáng chất đặc biệt là lượng chất xơ ở vỏ quả khá nhiều.
Một số loại trái cây mẹ có thể cho bé ăn như: Thanh long, chuối, bơ, nho, na, táo, xoài,… Và các loại rau củ như: Cà rốt, bí ngô, các loại đậu, súp lơ, cà chua, mồng tơi,..
2.2. Thực phẩm giàu tinh bột
Mẹ nên cho bé ăn bổ sung các loại thực phẩm giàu tinh bột như: Mì ống, ngũ cốc ăn sáng, gạo, ngô, yến mạch, lúa mạch, các loại khoai,… Những loại thực phẩm này sẽ tạo cảm giác no lâu hơn, cung cấp năng lượng cần thiết giúp bé tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh.
2.4. Sản phẩm từ sữa
Một số loại thực phẩm từ sữa như sữa, sữa chua, pho mát là nguồn cung cấp protein và canxi dồi dào. Canxi trong sữa giúp cho quá trình phát triển xương và răng của trẻ. Mẹ có thể cho bé ăn thực phẩm từ sữa khi bé đã được khoảng 6 tháng tuổi.
Tuy nhiên sữa mẹ và sữa công thức vẫn là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời nhất cho bé cho đến khi bé được 12 tháng tuổi. Trẻ trong độ tuổi này thường phát triển rất nhanh và cần nhiều năng lượng, vì thế trẻ nên được vú sữa mẹ đến khoảng 2 tuổi. Nếu không đủ sữa, mẹ có thể thay bằng sữa bò với trẻ sau 12 tháng.
Khi chọn sữa cho bé mẹ nên lưu ý chọn những loại sữa hay sữa chua ít đường
2.5. Thực phẩm có chứa chất đạm
Nhiều thực phẩm giàu protein như: Thịt lợn, thịt gà, cá, trứng, đậu lăng, đậu xanh,… Nhóm thực phẩm này rất quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển của bé. Ngoài protein những loại thực phẩm này còn chứa các vitamin và khoáng chất hữu ích khác như Sắt, kẽm, vitamin B12 và các acid béo omega-3.
Sắt và acid béo trong thịt đỏ, cá có lợi cho sự phát triển trí não và khả năng tiếp nhận thông tin của bé. Tuy nhiên trẻ có thể bị nghẹn hoặc khó tiêu khi ăn những thực phẩm này. Do đó mẹ nên xay nhỏ và trộn với cháo và thức ăn khác trước khi cho bé dùng.
2.6. Đồ uống tốt cho sức khỏe
Nước được coi là đồ uống lành mạnh nhất cho bé.Trẻ nhỏ từ 6-12 tháng tuổi ngoài sữa mẹ và sữa công thức mẹ có thể cho bé uống thêm nước đun sôi để nguội. Mỗi ngày mẹ nên cho bé uống 120-180ml nước.Khi bé được 12 tháng tuổi mẹ có thể bắt đầu cho bé uống sữa bò bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho cơ thể.
3. Trẻ nhỏ cần hạn chế ăn những thực phẩm nào
Bên cạnh các loại thực phẩm tốt cho bé mẹ cũng cần lưu ý một số loại thực phẩm hạn chế cho bé sử dụng.
3.1. Mật ong
Mật ong có thể nhiễm khuẩn clostridium botulinum từ phấn hoa. Trẻ nhỏ có hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, chức năng giải độc của gan còn hạn chế nên mật ong có thể gây ngộ độc thực phẩm với trẻ trước 12 tháng tuổi.
Với trẻ trên 12 tháng tuổi mật ong được cho là có độ an toàn cao hơn, nhưng mẹ cũng không nên cho bé ăn quá nhiều độ ngọt trong mật ong có thể khiến bé sâu răng.
3.2. Thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo
Sử dụng thực phẩm chứa nhiều đường làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì và sâu răng ở trẻ. Không những thế bổ sung quá nhiều đường cũng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ sau này. Do đó, một số thực phẩm chứa nhiều đường mà mẹ không nên cho bé trước 24 tháng tuổi ăn như: Bánh quy, sữa chua chứa hương vị,…
3.3. Đồ uống có đường
Các loại đồ uống có đường như nước ngọt, nước trái cây, sữa có hương vị, soda,… chứa nhiều đường không tốt với sức khỏe. Đặc biệt với trẻ nhỏ bổ sung quá nhiều đường làm tăng nguy cơ béo phì và sâu răng, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
3.4. Đồ ăn nhanh
Một số loại đồ ăn nhanh như thịt đóng hộp, đồ chế biến sẵn (xúc xích, giăm bông ), khoai tây chiên,… chứa ít carbohydrate và protein do đó bé nhanh chóng cạn kiệt năng lượng và cảm thấy mệt mỏi. Đồ ăn nhanh thuộc nhóm thực phẩm chứa nhiều muối (Natri) nên làm tăng lượng Natri trong cơ thể ảnh hưởng tới sức khỏe dẫn đến các biểu hiện như bồn chồn, tăng phản xạ, hôn mê, thân nhiệt cao,… Ngoài ra, dầu mỡ dùng để rán tích lũy trong cơ thể làm tăng nguy cơ béo phì và nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở trẻ.
3.5. Thực phẩm và đồ uống chứa caffein
Mẹ không nên cho bé sử dụng nước ngọt, trà, cà phê do có chứa một lượng cafein không tốt với sức khỏe của bé. Cafein là một chất kích thích hệ thần kinh trung ương khiến bé bị mất ngủ, chán ăn dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng. Cafein tồn tại trong cơ thể bé nhiều giờ làm ảnh hưởng tới hành vi và sức khỏe của trẻ.
4. Mẹ nên cho trẻ ăn bao nhiêu và sau bao lâu một lần
Trẻ từ 6-12 tháng tuổi sữa mẹ và sữa công thức vẫn là nguồn dinh dưỡng chính. Tuy nhiên theo thời gian, trẻ lớn hơn và các loại thức ăn khác cũng dần dần chiếm một phần lớn trong khẩu phần ăn của trẻ. Khi mới cho bé ăn có thể mẹ sẽ không biết nên cho bé ăn bao nhiêu do dạ dày của bé còn nhỏ không thể chứa quá nhiều thức ăn.Sau đây là một số điều mẹ cần lưu ý
- Cho trẻ ăn 1 đến 2 thìa thức ăn và chú ý biểu hiện của bé để biết được bé đã no hay còn đói
- Lượng thức ăn sẽ được tăng theo thời gian và dần thay thế sữa mẹ và sữa công thức trở thành nguồn dinh dưỡng chính cho bé.
- mẹ nên cho bé ăn hoặc uống các loại thức ăn cách nhau 2-3 giờ hoặc 5-6 lần trong ngày bao gồm 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ cho bé.
Khi trẻ lớn hơn, lượng thức ăn mỗi ngày cho bé sẽ có sự thay đổi và điều này là rất bình thường. Bắt đầu từ khoảng 12 tháng tuổi bé phát triển chậm hơn so với khi còn nhỏ nên thời điểm này mẹ cần đảm bảo đầy đủ nguồn dinh dưỡng cho bé phát triển tốt. Vậy mẹ có thể cung cấp dinh dưỡng cho bé qua các loại thực phẩm nào?
5. Mẹ nên làm gì nếu bé kén ăn?
Trẻ nhỏ có thể sẽ không thích những loại thức ăn khi mới ăn lần đầu. Tuy nhiên mẹ nên tạo điều kiện cho bé thử đi thử lại nhiều lần, ngay cả khi ban đầu bé không thích thức ăn đó. Có thể sau một vài lần làm quen bé sẽ thích thú hơn với những loại thức ăn này. Mẹ có thể áp dụng một số mẹo sau đây nếu con kén ăn.
- Mẹ cần kiên nhẫn khi thử một món ăn mới cho bé. Nếu bé không thích ăn món nào đó trong lần đầu mẹ nên chờ một vài ngày trước khi cho bé ăn lại một loại thức ăn đó. Có thể khoảng 10 lần như vậy bé sẽ thích món ăn mới này.
- Mẹ có thể trộn lẫn thức ăn mới với thức ăn ưa thích của bé như sữa mẹ.
- Mẹ nên tạo thực đơn đa dạng và có thể xếp thành hình mặt cười hài hước trên đĩa kích thích sự thèm ăn của bé
- Ba mẹ có thể thử ăn loại thức ăn đó cho trẻ thấy răng mẹ thích món ăn đó, rồi cho trẻ làm thử
- Tạo không khí thoải mái, vui vẻ không nên ép trẻ ăn ngay lúc đó nếu trẻ không thích
6. Kết luận
Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bé là vô cùng cần thiết. Mẹ cần bổ sung các dưỡng như chất đạm, chất bột đường, chất béo, protein và khoáng chất thông qua các thực phẩm như rau củ quả, sản phẩm từ sữa, các loại thịt, trứng,…. Bên cạnh đó một số thực phẩm mẹ cần hạn chế cho bé ăn như thực phẩm nhiều dầu mỡ, nhiều đường, thực phẩm chứa cafein,…
Ngoài ra mẹ cũng cần lưu ý về lượng thức ăn cho bé ăn mỗi ngày để bé không bị quá đói hoặc quá no. Mẹ có thể áp dụng một số phương pháp kích thích bé ăn ngon nếu con bạn kén ăn như thử lại nhiều lần, tạo thực đơn đa dạng, phối hợp với thức ăn mà bé thích,… Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho mẹ những kiến thức cần thiết trong quá trình chọn thực phẩm và cân bằng dinh dưỡng cho bé.
Tài liệu tham khảo: