Acid folic thuộc nhóm vitamin tan trong nước, là một trong những chất quan trọng tham gia vào quá trình phát triển tế bào, các quá trình chuyển hóa, đặc biệt ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Để hiểu rõ hơn về acid folic và công dụng của nó, hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây.
Mục lục
- 1. Acid folic là gì?
- 2. Acid Folic: Nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển tế bào
- 3. Đối tượng nào có nhu cầu acid folic tăng cao?
- 4. Các thực phẩm chứa acid folic
- 5. Khi nào cần bổ sung thêm các sản phẩm chứa acid folic
- 6. Liều lượng và thời gian bổ sung acid folic
- 7. Bổ sung quá liều acid folic có ảnh hưởng gì không?
1. Acid folic là gì?
Folate, còn được gọi là vitamin B9, là một loại vitamin B tự nhiên có trong một số loại thực phẩm. Dạng hoạt động của vitamin B9 là acid levomefolic hoặc 5-methyltetrahydrofolate (5-MTHF). Trước khi đi vào máu, hệ tiêu hóa sẽ chuyển về dạng hoạt động sinh học 5-MTHF để cơ thể có thể hấp thu vitamin B9.
Acid folic là dạng tổng hợp của folate (tên khác là acid pteroylmonoglutamic). Acid folic hòa tan được trong nước và được sử dụng trong các chất bổ sung, thực phẩm tăng cường chẳng hạn như bột mì và ngũ cốc ăn sáng. Quá trình chuyển hóa acid folic trong cơ thể diễn ra chậm và không hoàn toàn. Lượng acid folic chưa được chuyển hóa có thể tích tụ trong máu và gây ra các vấn đề về sức khỏe.
2. Acid Folic: Nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển tế bào
Acid folic là nhân tố quan trọng cho sự phát triển của tế bào khỏe mạnh. Những tế bào này bao gồm những tế bào được tìm thấy bên trong các mô da cũng như trong tóc và móng tay. Bên cạnh đó, acid folic đồng thời tạo và giúp giữ cho các tế bào hồng cầu khỏe mạnh.
Trong cơ thể, acid folic được khử thành tetrahydrofolate, là coenzyme của nhiều quá trình chuyển hóa như:
- Chuyển serin thành glyxin với sự tham gia của vitamin B6. Glyxin là axit amin góp phần xây dựng lên khối protein, tham gia vào quá trình truyền tín hiệu hóa học trong não,…..
- Chuyển deoxyuridylat thành thymidylate để tạo ADN – thymine, tham gia cấu tạo chuỗi ADN trong cơ thể
- Tham gia tổng hợp các nucleotid có nhân purin và pyrimidin do đó ảnh hưởng tới tổng hợp ADN
- Đặc biệt acid folic là chất không thể thiếu cho việc tạo hồng cầu bình thường, do đó khi thiếu acid folic gây thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ
Khi không đủ folate hay acid folic trong chế độ ăn uống, hoạt động của cả ADN và chu trình methyl hóa sẽ bị giảm, làm giảm quá trình phân chia tế bào. Sự giảm này có thể dễ dàng nhận thấy ở tất cả những tế bào đang phân chia và đặc biệt biểu hiện rõ nhất ở các tế bào đang phân chia nhanh chóng, như trong việc giảm sản xuất hồng cầu – gây ra bệnh thiếu máu. Các tế bào khác có nguồn gốc từ tủy xương cũng giảm dẫn đến giảm bạch cầu và tiểu cầu. Nói cách khác, thiếu folate gây ra sự giảm chu kỳ ADN, dẫn đến tăng tính nhạy cảm với nhiễm trùng, giảm đông máu và kém hấp thu thứ phát, ảnh hưởng lớn tới quá trình phát triển tế bào.
3. Đối tượng nào có nhu cầu acid folic tăng cao?
Theo Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam của Bộ Y tế 2014, lượng acid folic khuyến nghị theo từng độ tuổi là:
- Dưới 6 tháng tuổi: 80 mcg/ngày
- 6 – 11 tháng tuổi: 80 mcg/ngày
- 1 – 3 tuổi: 160 mcg/ngày
- 4 – 6 tuổi: 200 mcg/ngày
- 7 – 9 tuổi: 300 mcg/ngày
- Nữ giới trưởng thành: 400 mcg/ngày
- Phụ nữ có thai: 600 mcg/ngày
- Bà mẹ cho con bú: 500 mcg/ngày
Các đối tượng có nhu cầu cao acid folic:
- Phụ nữ mang thai, sau sinh và cho con bú
- Phụ nữ bị mất nhiều máu trong kỳ kinh nguyệt
- Các đối tượng thiếu acid folic như thiếu máu hồng cầu to, thiếu máu tan máu..
- Bệnh nhân đang điều trị bằng các thuống kháng acid folic (methotrexat), đang điều trị thuốc chống động kinh hydantoin, bệnh nhân sốt rét,…
4. Các thực phẩm chứa acid folic
Bên cạnh các sản phẩm như sữa bầu, các thực phẩm chức năng bổ sung acid folic,… một số loại thực phẩm giàu acid folic chúng ta nên biết:
- Các loại rau, củ: măng tây, rau bina, bắp cải, súp lơ xanh, xà lách, khoai tây, …
- Các loại quả: cam, bơ, chanh, chuối, dưa hấu, …
- Các loại hạt, đậu: đậu tương, đậu Hà Lam, đậu lăng, ….
- Lòng đỏ trứng
- Ngũ cốc thô
- Sữa
Các loại thực phẩm này chứa acid folic với hàm lượng cao, tuy nhiên khi chế biến chúng ta cần lưu ý không nấu quá kỹ, có thể làm mất chất do chất dinh dưỡng này có khả năng tan trong nước.
5. Khi nào cần bổ sung thêm các sản phẩm chứa acid folic
Những đối tượng có nhu cầu cung cấp acid folic tăng cao, khi sử dụng thực phẩm hàng ngày vẫn không đáp ứng đủ, cần sử dụng thêm các sản phẩm bổ sung. Trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào, chúng ta cần tham khảo ý kiến của chuyên gia để được tư vấn tốt nhất cách bổ sung và liều lượng sao cho hiệu quả và an toàn nhất.
Các sản phẩm bổ sung acid folic trên thị trường hiện nay:
- Thực phẩm dạng hạt tăng cường. Những thực phẩm được xếp vào nhóm này là: bánh mỳ, ngũ cốc, mì ống,… Đây là nhóm thực phẩm giàu acid folic, có thể cung cấp và đáp ứng 25 – 100% nhu cầu của cơ thể. Hơn nữa, nhóm sản phẩm này dạng bột, khá an toàn nhất là cho người già và phụ nữ mang thai.
- Sữa bầu. Bên cạnh việc ăn nhiều thực phẩm giàu acid folic, mẹ bầu cũng cần bổ sung thêm thông qua việc uống sữa để đảm bảo đủ lượng cần thiết. Thông thường, mỗi ly sữa chúng ta có thể bổ sung vào cơ thể khoảng 150 – 250 mcg acid folic.
- Thực phẩm chức năng bổ sung acid folic. Trong các sản phẩm này thường được kết hợp nhiều loại vitamin và khoáng chất khác cần thiết cho cơ thể. Chú ý, khi sử dụng các chế phẩm, nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như nôn nao, tăng nghén, táo bón,… thì cần liên hệ ngay với bác sỹ để được tư vấn đổi loại khác phù hợp.
6. Liều lượng và thời gian bổ sung acid folic
Các sản phẩm thuốc cũng như thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng được bào chế với hàm lượng và dạng bào chế khác nhau, để phù hợp cho nhiều loại đối tượng cụ thể, như:
- Viên nén, viên nang: acid folic 400mcg, 800mcg, 1mg, 5mg,…
- Ống tiêm: acid folic 2,5 và acid folic 5mg /mL (tiêm dưới da, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch)
Liều dùng cho người lớn
- Người thiếu máu hồng cầu to: 1mg/ ngày, tiếp tục dùng đến khi các triệu chứng lâm sàng và tình trạng huyết học được bình thường hóa
- Người bị thiếu acid folic: 400-800 mcg/ ngày. Phụ nữ trước khi mang thai và trong 3 tháng đầu mang thai cần 400mcg/ ngày. Từ tháng 4 – 9 là 600mcg và khi cho con bú cần 500 mcg/ ngày.
Liều dùng cho trẻ em
- Trẻ thiếu acid folic: trẻ sơ sinh là 0,1 mg/ngày – trẻ dưới 4 tuổi dùng lên đến 0,3 mg/ngày – trẻ từ 4 tuổi dùng lên đến 0,4 mg/ngày
- Trẻ bổ sung vitamin và khoáng chất: bổ sung như bảng khuyến nghị
Đối với các thực phẩm chức năng bổ sung acid folic, việc tham khảo ý kiến của chuyên gia là thực sự cần thiết, không nên tự ý sử dụng.
7. Bổ sung quá liều acid folic có ảnh hưởng gì không?
Khi sử dụng quá nhiều acid folic có thể dẫn đến các tác dụng không mong muốn, thường có những dấu hiệu sau:
- Buồn nôn, tăng nghén
- Ăn không ngon
- Đầy hơi, rối loạn tiêu hóa
- Các phản ứng dị ứng: phát ban, nổi mề đay, …
- Sốc phản vệ
Bên cạnh đó, bổ sung quá nhiều acid folic có thể làm cho nồng độ acid folic chưa chuyển hóa trong máu cao, nguy cơ tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể kể đến như:
- Gây tăng sinh tế bào, ảnh hưởng nghiêm trọng đối với những người có khối u. Acid folic có tác dụng bảo vệ và tham gia vào quá trình phát triển của tất cả các loại tế bào. Cũng có nghĩa là nó cũng có khả năng làm tăng sự phát triển và lây lan của các tế bào ung thư.
- Che giấu sự thiếu hụt vitamin B12. Trong cơ thể, chúng ta sử dụng acid folic và vitamin B12 tương tự nhau, có nghĩa là khi thiếu hụt 1 trong 2 chất sẽ có những biểu hiện như nhau. Việc hấp thụ quá nhiều acid folic có thể che giấu sự thiếu hụt vitamin B12, làm tăng nguy cơ tổn thương não và hệ thần kinh.
- Làm chậm sự phát triển trí não ở trẻ em. Quá nhiều acid folic được bổ sung vào cơ thể có thể làm tăng tình trạng kháng insulin, kìm hãm sự phát triển trí não ở trẻ.
- Thúc đẩy quá trình lão hóa các tế bào thần kinh. Lượng acid folic dư thừa khiến các tế bào thần kinh nhanh bị lão hóa hơn, đặc biệt ở nhóm đối tượng có lượng vitamin B12 thấp. Các nhà nghiên cứu đã thực hiện nghiên cứu trên nhóm đối tượng người trên 60 tuổi và thu được kết quả cho thấy: so với người bình thường, họ có tình trạng suy giảm trí nhớ, rối loạn nhận thức nhiều hơn.
>> Xem thêm: Vitamin 3B là gì? – 5 Nguyên tắc sử dụng đúng
Mọi chi tiết thắc mắc xin liên hệ HOTLINE 1900 9482 hoặc 09 6762 9482