Phải làm sao khi trẻ sơ sinh bị sổ mũi, ngạt mũi? Trẻ sơ sinh chưa thể làm gì khi đường hô hấp của con bị cản trở thậm chí là bít tắc. Bố mẹ cần giúp bé rửa mũi không những giúp thông thoáng đường hô hấp mà vì còn nhiều lợi ích cho sức khỏe của bé. Bài viết dưới đây hướng dẫn chi tiết cho mẹ cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh đúng cách.
Mục lục
1. 5 Lợi ích của việc rửa mũi cho trẻ sơ sinh
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc rửa mũi đúng cách cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sẽ mang đến những lợi ích vô cùng tuyệt vời. Tìm hiểu về những lợi ích vượt trội của việc rửa mũi cho trẻ sơ sinh chúng ta sẽ được biết đến:
- Làm sạch khoang mũi: Việc rửa mũi lấy đi lượng đờm, chất nhầy hay bụi bẩn có trong khoang mũi từ đó giúp khoang mũi của bé được thoáng sạch.
- Mang đến cảm giác thoải mái: Đường thở được lưu thông, trẻ không còn khò khè không chịu tác động của đờm hay chất nhầy sẽ trở nên thoải mái hơn rất nhiều.
- Cải thiện hệ thống hô hấp: Rửa mũi giúp giảm kích thích do các yếu tố lên hệ hô hấp, nâng cao đề kháng của trẻ với các tác nhân gây bệnh.
- Loại bỏ các yếu tố gây viêm đường hô hấp ở trẻ: Dung dịch rửa mũi sẽ cuốn trôi bụi bẩn, vi khuẩn, các yếu tố “lạ” – là nguy cơ gây nên tình trạng viêm mũi họng, viêm đường hô hấp ở trẻ.
- Nâng cao hiệu quả điều trị khi trẻ có các tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp.
2. Khi nào nên rửa mũi cho trẻ sơ sinh
Rửa mũi cho trẻ sơ sinh có những lợi ích tuyệt vời như vậy, không có nghĩa là mẹ có thể lạm dụng. Nước mũi có chức năng giữ các hạt bụi bẩn, vi khuẩn,.. ở ngoài khoang mũi, ngăn chặn chúng đi vào đường hô hấp trong gây tổn thương.
Ngoài ra nước mũi còn giúp kích thích các yếu tố bảo vệ giúp tiêu diệt vi khuẩn. Việc rửa mũi quá nhiều lần khiến cho trẻ vô tình ảnh hưởng đến cơ chế tự bảo vệ này của đường hô hấp của con.
Nếu trẻ khỏe mạnh, vui chơi bình thường thì bố mẹ không cần phải rửa mũi cho con. Việc rửa mũi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chỉ thật sự cần thiết trong các trường hợp:
- Khi trẻ bị ngạt mũi do nước mũi – dịch mũi trở nên đặc quánh không thể ra ngoài gây bít tắc đường hô hấp.
- Trẻ thở khò khè do đờm dãi và nước mũi có màu xanh
- Trẻ bị sổ mũi, nước mũi sánh chảy dài ra ngoài
- Trẻ bị viêm đường hô hấp, nghẹt mũi, khó thở
Bố mẹ chỉ cần rửa mũi cho bé cho đến khi đường hô hấp đã sạch sẽ và thông thoáng mà không nhất thiết phải lặp lại nhiều lần trong ngày.
3. Cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh
Dưới đây là phần hướng dẫn các bước rửa mũi cho trẻ sơ sinh với kỹ thuật chuẩn – an toàn để bố mẹ thực hiện tại nhà.
Cách 1: Rửa mũi cho trẻ sơ sinh với nước muối sinh lý bằng ống nhỏ giọt và dụng cụ hút mũi
Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ rửa mũi bao gồm:
- Miếng lót Caryl hoặc khăn lông dày
- Vài chiếc khăn sữa, khăn mềm khô
- Dụng cụ hút mũi: Bóng hút mũi, dụng cụ hút mũi bằng dây, máy hút mũi chạy bằng pin
Dung dịch rửa mũi : Có thể dùng dung dịch nước muối sinh lý Natri Clorid 0.9%, hoặc lựa chọn tự pha ở nhà.
- Với trẻ sơ sinh, trẻ chưa ngồi vững mẹ nên chọn mua lọ có dung tích bé cỡ 10ml có đầu mềm và tù ( mỗi lần rửa cần 3-4 lọ)
- Với trẻ đã ngồi được, trẻ lớn mẹ có thể dùng các lọ có dung tích lớn hơn để đảm bảo áp suất giúp đẩy dịch ra ngoài.
Bước 2: Tiến hành rửa mũi:
- Trải miếng lót Caryl hoặc khăn bông dài rồi cho bé nằm nghiêng sang một bên. Mẹ lót ngay bên dưới đầu bé một chiếc khăn sữa để thấm phần dịch chảy ra lúc rửa mũi
- Mẹ dùng bàn giữ đầu bé nghiêng và cố định, phần khuỷu tay ghì nhẹ giữ cho bé không vùng vẫy. Chú ý giữ đầu bé cố định nhưng không quá mạnh tay khiến bé đau hoặc sợ hãi.
- Tay phải cầm lọ Natri Clorid 0,9% nhỏ từ từ từng giọt vào lỗ mũi phía trên, khoảng 5-6 giọt thì tạm dừng.
- Chú ý đặt miệng lọ ở sát sàn và gần vách mũi của bé, tuyệt đối không đưa quá sâu vào mũi của bé gây tổn thương niêm mạc.
Mẹ giữ nguyên tư thế 30 giây để dung dịch vào trong làm loãng dịch trong khoang mũi.
Sau đó mẹ tiếp tục bóp cho dung dịch rửa vào mũi của bé: dịch dãi và bụi bẩn sẽ theo đó chảy ra ngoài.
Bước 3: Lau, hút sạch dịch rửa mũi:
- Dùng khăn lau sạch cho bé, nếu vẫn còn dịch không thể lau khô cho bé mẹ có thể sử dụng các dụng cụ hút mũi chuyên dụng để làm sạch cho con như bóng hút mũi, dụng cụ hút mũi bằng dây, hay máy hút mũi.
- Thực hiện bước 2 và bước 3 tương tự với bên mũi còn lại
Đối với trẻ đã có thể ngồi được mẹ có thể cho bé ngồi lên đùi, mặt bé hướng ra ngoài, đầu hơi cúi. Thao tác rửa tiến hành tương tự tư thế nằm sao cho dịch rửa có thể chảy qua miệng hoặc qua bên mũi còn lại ra ngoài.
Cách 2: Rửa mũi cho trẻ sơ sinh bằng Xi-lanh
Chú ý: Cách này chỉ nên áp dụng cho trẻ lớn từ 3 tuổi trở lên, do lực đẩy của Xi- lanh mạnh nếu thao tác không quen dễ dùng lực mạnh gây tổn thương cho bé
Bước 1: Chuẩn bị
Dụng cụ rửa: Xi-lanh rửa chuyên biệt có đầu tù và mềm. Thể tích Xi lanh các cỡ 3ml, 5ml, 10ml tùy độ tuổi.
Dung dịch rửa mũi cho bé tương tự cách 1 mẹ có thể dùng nước muối sinh lý dung dịch Natri Clorid 0,9% chuyên dụng hoặc tự pha nước muối ấm.
Cách pha: Mẹ cũng có thể pha dung dịch rửa mũi theo tỉ lệ ¼ thìa cà phê muối trong 400ml nước đun sôi để nguội.
Bước 2: Tiến hành rửa
- Cho bé ngồi lên đùi mẹ hoặc cho bé cúi đầu lên dụng cụ đựng dịch mũi
- Mẹ dùng một tay giữ đầu bé cố định để tránh gây tổn thương trong quá trình rửa
- Hút lượng muối vừa đủ vào Xi- lanh, sau đó đặt vào sát sàn mũi gần vách mũi của một bên mũi. Chú ý không để quá sâu vào bên trong mũi của bé. Đẩy Xi-lanh với lực vừa đủ để dung dịch rửa chảy thành dòng ra từ miệng hoặc phía bên mũi còn lại.
Bước 3: Tiến hành lau khô, hút sạch
Mẹ dùng khăn mỏng lau sạch dịch còn sót lại giúp bé. Mẹ cũng có thể dùng các dụng cụ hút mũi để có thể hút sạch phần dịch còn lại
Lặp lại động tác với bên mũi còn lại của bé.
4. Một số sai lầm và Lưu ý khi rửa mũi cho trẻ sơ sinh
Đã có rất nhiều bố mẹ biết đến lợi ích của việc rửa mũi cho trẻ và đã rửa mũi cho con ở nhà, tuy nhiên lại đang mắc phải một số sai lầm. Trong đó có thể kể đến như:
Rửa mũi quá thường xuyên
Khi rửa mũi thường xuyên cho bé ngay cả khi bé khỏe mạnh, không gặp các vấn đề về hô hấp như khó thở, nghẹt mũi, khò khè,..
Nước mũi là lớp dịch với chức năng bảo vệ đường hô hấp, tạo độ ẩm và đề kháng giúp kháng lại các yếu tố gây bệnh. Nếu rửa mũi quá thường xuyên sẽ rửa trôi mất lớp bảo vệ này, mũi bé bị khô rát và dễ bị bụi bẩn hay các yếu tố có hại xâm nhập
Rửa mũi bằng Xi-lanh với lực đẩy quá mạnh.
Niêm mạc mũi của trẻ sơ sinh còn quá non nớt, xi lanh có thể gây tổn thương niêm mạc. Nguy hiểm hơn dung dịch rửa có thể tác động mạnh gây viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh
Cho dụng cụ hút rửa mũi vào quá sâu trong khoang mũi.
Việc này không những không tăng hiệu quả mà còn làm tổn thương niêm mạc mũi của con, làm đau bé trong quá trình rửa
Để không mắc những sai lầm không đáng có và có thể rửa mũi cho con một cách chuẩn – hiệu quả bố mẹ cần chú ý:
- Chỉ rửa mũi cho con khi cần thiết và không quá 3 lần một ngày.
- Chỉ sử dụng các dụng cụ chuyên dụng có chỗ tiếp xúc có đầu mềm và tù. Lựa chọn các xi-lanh hay dụng cụ hút rửa với kích thước phù hợp với lứa tuổi của con.
- Vệ sinh dụng cụ dùng để rửa mũi cho con một sạch sẽ trước và sau mỗi lần sử dụng. Không dùng chung cho các bé với nhau hay với bố mẹ.
- Khi rửa cần chú ý biểu hiện của con, cẩn thận tránh để con bị sặc.
- Cần giữ đầu bé cố định khi thao tác, bé cựa quậy có thể bị các dụng cụ làm đau bé. Tuy nhiên cũng không nên giữ quá chặt, dùng quá nhiều lực cũng có thể làm con sợ.
- Không dùng lực quá mạnh đặc biệt là khi rửa mũi cho bé bằng Xi-lanh
Tổng kết:
Vệ sinh đường hô hấp là một cách để nâng cao hiệu quả điều trị cũng như dự phòng một số bệnh về đường hô hấp.Để rửa mũi cho bé một cách đúng cách bố mẹ cần hiểu đúng và thực hiện chuẩn kỹ thuật. Mong là bài viết đã góp phần giúp bố mẹ trong việc chăm sóc con khỏe mạnh, lớn nhanh.
Tham khảo: Healthline
Mọi chi tiết thắc mắc xin liên hệ HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.