Tiêu chảy liên quan đến kháng sinh (AAD) xảy ra do dùng thuốc kháng sinh làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại sinh sôi. Các triệu chứng của AAD bao gồm tiêu chảy thường xuyên và đau quặn bụng.
Mục lục
1. Nguyên nhân bé uống kháng sinh bị tiêu chảy
Trong ruột chứa hàng tỉ vi khuẩn sinh sống bao gồm cả lợi khuẩn và hại khuẩn. Một đường ruột khỏe mạnh luôn có sự cân bằng 85% lợi khuẩn và 15% hại khuẩn. Sự cân bằng này giúp đảm bảo quá trình tiêu hóa, hấp thụ chất dinh dưỡng, thải trừ các chất độc hại, kìm hãm sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh ở đường ruột.
Khi sử dụng kháng sinh đường uống để tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng, kháng sinh cũng vô tình tiêu diệt luôn những lợi khuẩn tại ruột, làm phá vỡ thế cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột, gây ra hiện tượng loạn khuẩn làm cho bé bị tiêu chảy.
Loạn khuẩn tạo điều kiện cho các mầm bệnh cơ hội phát triển, đồng thời làm thay đổi quá trình trao đổi chất tại ruột.
Sự phát triển quá mức của mầm bệnh cơ hội
Việc phá vỡ cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột do sử dụng kháng sinh đã tạo cơ hội cho sự phát triển của vi khuẩn có hại. Khi đó, chúng tạo ra các loại độc tố làm tổn thương niêm mạc ruột cũng như kích hoạt quá trình viêm nhiễm, phù nề, xuất huyết trong lòng ruột và hội chứng tiêu chảy do dùng kháng sinh phát triển mạnh mẽ.
Một số tác nhân gây bệnh phổ biến đã được nghiên cứu
Clostridium difficile
Phần lớn các nghiên cứu đều cho rằng nguyên nhân chính gây ra AAD là do C. difficile. Khoảng 25–33% trường hợp AAD và gần như tất cả (95–99%) trường hợp viêm đại tràng giả mạc có thể do C. difficile[1]. C. difficile gây tiêu chảy thông qua trung gian độc tố, mà chủ yếu là do hai loại: độc tố ruột (enterotoxin) và độc tế bào (cytotoxin) (hay còn gọi là độc tố A và độc tố B).
- Hai loại độc tố này gây nên sự tổn thương các tế bào ruột: chúng gắn với các thụ thể nội bào của màng tế bào ruột, từ đó xâm nhập vào trong tế bào. Sau khi xâm nhập, độc tố A và B làm phá vỡ bộ khung tế bào (thông qua glycosyl hóa protein Rho), phá vỡ sợi actin và làm tế bào tròn lại. Hậu quà là làm tăng tiết dịch, phá hủy màng nhày và viêm ruột.
- Ngoài ra, độc tố A còn kích thích sản xuất cytokine, đóng góp vào quá trình viêm trong viêm đại tràng giả mạc.
Nhiễm C. difficile cấp tính là một tình trạng nghiêm trọng có thể dẫn đến tiêu chảy nặng, viêm đại tràng màng giả (viêm ruột già do C. difficile phát triển quá mức) thậm chí nguy hiểm tới tính mạng như bệnh megacolon độc.
Clostridium perfringens
Tổng quan nghiên cứu về mối tương quan giữa Clostridium perfringens và AAD cho thấy có 6% bệnh nhận tiêu chảy cấp nguy hiểm do nhiễm phải vi khuẩn này cho thấy có 6% bệnh nhận tiêu chảy cấp nguy hiểm do nhiễm phải vi khuẩn này.
Staphyloccocus aureus
Trong lịch sử, vi khuẩn này từng được coi là căn nguyên chính của AAD, nhưng các nghiên cứu sau đó về AAD gây ra bởi clindamycin (một loại kháng sinh chống tụ cầu hiệu quả) đã làm giảm giá trị lý thuyết này. Việc phát hiện ra C. difficile như một tác nhân gây bệnh AAD đã chuyển sự chú ý khỏi vi khuẩn này. Thuốc kháng sinh chủ yếu liên quan đến nhiễm S. aureus là tetracyclines, chloramphenicol và neomycin. Flemming và cộng sự đã nuôi cấy 2727 trường hợp tiêu chảy tại bệnh viện và chỉ phát hiện 198 (7,3%) có liên quan đến S. aureus
Candida albicans
Tiêu chảy do C. albicans có thể liên quan đến sự suy giảm hấp thu natri và nước do nấm men này hoặc do chủng C. albicans sản xuất hàm lượng β-lactamase cao.
Thay đổi sự trao đổi chất tại ruột
Tác động khác của việc mất cân bằng hệ vi khuẩn là thay đổi quá trình tiêu hóa và lên men carbohydrate ở ruột. Cụ thể:
- Quá trình lên men (các chất bột, đường) carbohydrat bị giảm, điều này dẫn đến sự tích tụ chất có hoạt tính thẩm thấu lớn trong ruột kết. Khi đó, áp lực thẩm thấu trong lòng ruột tăng lên, kích thích kéo nước, Na+, Cl– vào lòng ruột, kết quả là dẫn đến tình trạng tiêu chảy.
- Thiếu các axit béo chuỗi ngắn (SCFAs) lên men như axit axetat, butyrate và propionate, có vai trò kích thích hấp thụ natri và nước và duy trì tính toàn vẹn của các tế bào niêm mạc ruột
Tóm lại, khi kháng sinh phá vỡ sự cân bằng hệ vi sinh tại ruột, bệnh nhân có thể bị tiêu chảy thẩm thấu do carbohydrate chưa lên men và thiếu các axit béo chuỗi ngắn (SCFAs).
Theo các nghiên cứu lâm sàng, thuốc kháng sinh phổ rộng gây ra tình trạng tiêu chảy do kháng sinh (AAD) cao hơn tiêu diệt một loạt các vi sinh vật bình thường và có liên quan đến việc giảm đáng kể SCFA. Ngược lại, các kháng sinh phổ hẹp (có tỷ lệ AAD thấp hơn) ít ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật bình thường và không ảnh hưởng đến nồng độ SCFA
2. Nguyên tắc xử trí khi trẻ uống kháng sinh bị tiêu chảy:
2.1. Cân nhắc về việc tiếp tục sử dụng kháng sinh
Nếu sau khi dùng thuốc kháng sinh mà trẻ có triệu chứng bị tiêu chảy, thì có thể liên quan tới vấn đề thuốc uống. Biểu hiện lâm sàng của AAD có thể từ tiêu chảy nhẹ, không biến chứng đến viêm đại tràng nặng hơn, và có thể dẫn đến ngộ độc megacolon hoặc tử vong.
Do vậy, giải pháp tối ưu là liên hệ với bác sĩ đã kê kháng sinh để được tư vấn chính xác nhất với tình trạng của trẻ. Nếu tình trạng tiêu chảy của trẻ là nhẹ và không có dấu hiệu đáng lo ngại, nên cho trẻ sử dụng đủ liều kháng sinh đã kê để phòng trường hợp kháng thuốc. Đồng thời, các mẹ cần dùng các biện pháp bổ sung để hạn chế mất nước và chất điện giải.
Nếu tình trạng này của trẻ diễn ra thường xuyên, không thuyên giảm thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để thăm khám và nhận chỉ định điều trị từ bác sĩ chuyên khoa.
2.2. Loại trừ nguyên nhân gây tiêu chảy do kháng sinh (AAD) ở trẻ:
Các mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để xác định chính xác nguyên nhân tiêu chảy ở trẻ. AAD là một tác dụng phụ hay gặp, tỷ lệ cao đã được báo cáo ở nhóm bệnh nhi ngoại trú (33 trong số 100 trường hợp nhập viện) . Trong đó, Clostridium difficile chiếm gần một phần ba tổng số trường hợp AAD đã biết căn nguyên.
Cần tiến hành lấy phân, cấy máu để xác định chủng vi khuẩn gây bệnh. Trong trường hợp đã biết tác nhân gây bệnh AAD, thì nên dùng các loại kháng sinh cụ thể nhằm mục tiêu chống lại các mầm bệnh này. Đối với C. difficile , hai loại kháng sinh được khuyến cáo: vancomycin uống và metronidazole.
Việc sử dụng kháng sinh trong giai đoạn này cần được thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ, không được tự ý cho trẻ sử dụng.
2.3. Bù nước và điện giải cho trẻ
Mất nước là một trong những biến chứng đáng lo ngại nhất của bệnh tiêu chảy ở trẻ em. Mất nước thường đi kèm với mất các chất điện giải. Tiêu chảy nhẹ thường gây mất nước không đáng kể, nhưng khi bé bị tiêu chảy cấp thì tình trạng sẽ nghiêm trọng hơn.
Mất nước do tiêu chảy có thể gây co giật, tổn thương não, thậm chí là tử vong. Chính vì thế mà cha mẹ cần hết sức chủ động trong việc khắc phục tránh việc trẻ gặp phải những vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe.
Các mẹ nên cho trẻ uống nhiều dịch hơn bình thường để dự phòng mất nước. Các dịch đó có thể là:
Các dung dịch chứa muối
Oresol (ORS) (ưu tiên sử dụng ORS có nồng độ thẩm thấu thấp hơn là ORS chuẩn trước đây). Ưu điểm của ORS có nồng độ thẩm thấu thấp là làm giảm khối lượng tiêu chảy và nôn.
ORS chuẩn trước đây có độ thẩm thấu cao so với huyết tương nên có thể gây tăng natri máu, đồng thời gia tăng khối lượng phân thải ra, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Sử dụng ORS mới này sẽ khắc phục những nhược điểm của ORS chuẩn trước đây.
- Dung dịch có vị mặn như nước cháo có muối, nước cơm có muối
- Súp gà, súp thịt.
Các dung dịch không chứa muối
Bao gồm các dung dịch nước tinh khiết, nước dừa, nước hoa quả tươi không đường.
Những dung dịch tránh dùng khi bé tiêu chảy do AAD
Một số dung dịch có thể gây nguy hiểm nên phải tránh sử dụng khi tiêu chảy, đặc biệt là những loại nước uống có đường có thể gây tiêu chảy thẩm thấu và tăng natri máu, ví dụ như nước uống có ga, nước trà đường, nước trái cây công nghiệp.
Một số dung dịch khác cũng nên tránh vì chúng là những chất kích thích gây lợi tiểu như cà phê, các loại trà thuốc…
Lượng dịch cần bổ sung cho trẻ
- Trẻ dưới 2 tuổi; là khoảng 50-100ml sau mỗi lần đi ngoài.
- Trẻ 2-10 tuổi: khoảng 100-200ml sau mỗi lần đi ngoài.
- Trẻ lớn: uống theo nhu cầu.
2.4. Các mẹ nên tiếp tục cho trẻ ăn để phòng suy dinh dưỡng
Khẩu phần ăn hàng ngày nên được tiếp tục, không được hạn chế trẻ ăn và không nên pha loãng thức ăn. Nên tiếp tục cho trẻ bú mẹ thường xuyên. Cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng giúp cơ thể tiếp tục tăng trưởng, hồi phục nhanh cân nặng và chức năng đường ruột, gồm cả khả năng tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng.
Trái lại, những trẻ ăn kiêng hoặc thức ăn pha loãng sẽ bị sút cân, thời gian tiêu chảy kéo dài hơn và chức năng đường ruột phục hồi chậm hơn.
Trẻ bị tiêu chảy mà dưới 6 tháng tuổi
Mẹ cần tiếp tục cho bé bú và tăng số lần bú lên. Sữa mẹ giàu dưỡng chất sẽ giúp bé tăng cường sức đề kháng và nhanh khỏi bệnh. Trường hợp trẻ không được bú mẹ, nên cho trẻ ăn những sữa trẻ thường dùng, mỗi lần cách nhau 3 giờ. Cần chú ý vệ sinh, tiệt khuẩn bình bú để tránh nhiễm khuẩn cho trẻ.
Với trẻ trên 6 tháng tuổi
Trong thời gian trẻ bị tiêu chảy, mẹ nên cho bé ăn các món được chế biến dưới dạng mềm, dễ tiêu hoá như cháo, súp, các món ninh, hầm nhừ, cơm nát. Thức ăn cho trẻ bị tiêu chảy cần được nấu kỹ. Cho trẻ ăn ngay sau khi nấu để giảm nguy cơ bị bội nhiễm. Nên bổ sung thêm cho trẻ những hoa quả giàu kali như chuối, nước dừa,…
Khuyến khích trẻ ăn nhiều như trẻ muốn, cách nhau 3 hoặc 4 giờ, nên cho ăn thường xuyên với lượng nhỏ vì thức ăn sẽ dễ hấp thu hơn so với ăn ít bữa, số lượng nhiều.
Không nên cho trẻ ăn những rau sợi thô, củ quả, hạt ngũ cốc có nhiều chất xơ vì khó tiêu hóa.
Như đã nói ở phần trên, việc nạp nhiều carbohydrate trong giai đoạn này sẽ dẫn đến sự tích tụ không cần thiết, làm tình trạng tiêu chảy nặng hơn. Trong giai đoạn này, các mẹ cần hạn chế cho bé ăn những tôm, cua, thủy sản khác.
Nhóm thực phẩm này có chứa các phân tử protein kích ứng, gây ra phản ứng dị ứng thực phẩm. Trẻ có thể bị đau bụng, nôn trớ khiến bệnh tiêu chảy càng trở nên trầm trọng hơn.
Ngoài ra, cá, tôm hay thủy sản thường có lớp chất nhầy bề mặt, mùi tanh, dễ hấp dẫn các loại vi khuẩn đường ruột như salmonella, shigella. Khi bị tiêu chảy, hệ vi sinh đường ruột của trẻ đang bị rối loạn, việc sử dụng những thức phẩm này có thể gia tăng nguy cơ tiêu chảy cho trẻ.
Xem thêm: Thực đơn cho bé bị tiêu chảy
2.5. Bổ sung men vi sinh cho trẻ
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc bổ sung lợi khuẩn cũng có thể hữu ích trong việc điều trị tiêu chảy.
Theo một nghiên cứu năm 2015 từ Đại học Copenhagen, phân tích 17 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng với 3.631 trẻ em, bổ sung probiotic làm giảm một nửa nguy cơ tiêu chảy do kháng sinh so với không điều trị (8,8% so với 17,7%).
Vào năm 2020, Hiệp hội Tiêu hóa Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố cho thấy, một số người lớn và trẻ em đang điều trị bằng kháng sinh nên bổ sung probiotic như một biện pháp giúp ngăn ngừa nhiễm C. difficile . Probiotics (hay còn gọi là men vi sinh) được tạo thành từ các lợi khuẩn hoặc nấm men sống tự nhiên trong cơ thể.
Ưu điểm của việc sử dụng men vi sinh khi đang bị tiêu chảy là chúng có hiệu quả trong việc lập lại cân bằng hệ vi sinh đường ruột, góp phần chống lại sự phát triển của hại khuẩn khi sử dụng kháng sinh.
2.6. Một số lưu ý khi trẻ bị tiêu chảy do kháng sinh
Chỉ dùng kháng sinh khi thật cần thiết và có chỉ định của thầy thuốc. Nên nhớ rằng, kháng sinh không có tác dụng trong nhiễm virut như cảm lạnh và cúm. Dùng kháng sinh chính xác theo đơn, không tăng liều, dùng gộp cả liều bỏ lỡ hoặc dùng thuốc lâu hơn đơn bác sĩ kê.
- Không tự ý dùng thuốc chống tiêu chảy. Các thuốc này có thể cản trở khả năng loại bỏ độc tố của cơ thể và gây biến chứng.
- Sau khi khỏi bệnh, nên tránh dùng loại kháng sinh đã gây tiêu chảy trước đó.
3. Khi nào cần đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế?
Hãy đưa trẻ tới bệnh viện ngay lập tức nếu con bạn có các biểu hiện dưới đây:
- Đi ngoài rất nhiều lần, phân lỏng, đi liên tục.
- Sốt cao
- Đau bụng dữ dội
- Có máu trong phân
- Trẻ không tốt lên sau 2 ngày điều trị.
- Cảm giác mệt mỏi và không muốn uống nước hoặc không uống nước được, không bú được
- Có dấu hiệu mất nước như: tiểu ít, cáu kỉnh, mệt mỏi hoặc mệt lả, khô miệng, mắt trũng sâu…
4. Tại sao trẻ dùng kháng sinh bị tiêu chảy cần bổ sung lợi khuẩn Bifidobacterium?
4.1. Lợi khuẩn đường ruột của trẻ
Probiotics là các vi sinh vật sống, khi được sử dụng với lượng vừa đủ, sẽ mang lại lợi ích sức khỏe cho trẻ. Việc sử dụng probiotic có thể đặc biệt phù hợp với tiêu chảy do kháng sinh (AAD) và tình trạng nhiễm C.difficile (CDI), vì chúng đều có thể tác động tới hệ vi sinh đường ruột.
Trong khi thuốc kháng sinh làm nhiệm vụ điều trị nhiễm khuẩn, chúng vô tình tiêu diệt lợi khuẩn đường ruột, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển quá mức và hậu quả là tiêu chảy ở trẻ. Probiotics được sử dụng lúc này giúp bổ sung lợi khuẩn, bảo vệ ruột cho đến khi hệ vi sinh vật bình thường của đường ruột có thể phục hồi (thường là 1-2 tháng, sau khi ngừng sử dụng kháng sinh).
Chủng lợi khuẩn phổ biến thường được bổ sung là Lactobacillus và Bifidobacterium. Trong đó Bifidobacterium chính là 1 cư dân quen thuộc của hệ tiêu hóa. Chúng chiếm đến 90% lợi khuẩn đường ruột và 99% lợi khuẩn ở đại tràng.
4.2 Lợi khuẩn Bifidobacterium
Bifidobacterium giúp loại trừ vi khuẩn gây tổn thương đường tiêu hóa, củng cố hàng rào biểu mô ruột bằng cách: cạnh tranh vị trí bám của các vi khuẩn gây hại (được ghi nhận là có khả năng cạnh tranh vị trí bám tốt hơn so với các loại vi khuẩn khác); làm giảm pH tại ruột (do tạo sản phẩm lên men như axit lactic, axit butyric…), từ đó, ức chế sự phát triển của các vi khuẩn có hại; cạnh tranh các chất dinh dưỡng,…
Thêm vào đó, lợi khuẩn này còn giúp tăng cường miễn dịch cho hệ tiêu hóa bằng cách kích thích sản sinh ra mucin (tạo môi trường không thích hợp cho sự phát triển của các vi khuẩn có hại) và immunoglobulin A (IgA) nhận dạng và chống lại các tác nhân bên ngoài xâm nhập gây hại cho cơ thể.
Đồng thời, Bifidobacterium còn có khả năng kích thích tiết các enzyme tiêu hóa thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn, nhất là những thức ăn khó tiêu; tăng cường hấp thu dưỡng chất. Bởi những lý do trên mà, Bifidobacterium có ưu điểm vượt trội để hỗ trợ bổ sung cho trẻ bị tiêu chảy do kháng sinh.
Xem thêm: Nguyên tắc xử trí tiêu chảy ở trẻ nhỏ
Tóm lại
Tiêu chảy do kháng sinh ở trẻ là tình trạng không hiếm gặp. Nguyên nhân chủ yếu là do kháng sinh phá vỡ sự cân bằng hệ vi sinh đường ruột, từ đó tạo điều kiện cho sự phát triển của mầm bệnh cơ hội (chủ yếu là do Clostridium difficile) và làm thay đổi sự trao đổi chất tại ruột. Khi trẻ bị tiêu chảy, các mẹ cần liên hệ với bác sĩ, đồng thời kịp thời bổ sung nước và chất điện giải cho trẻ. Việc sử dụng men vi sinh được cho là có nhiều lợi ích trong việc lập lại sự cân bằng hệ sinh bị mất do sử dụng kháng sinh.
Mọi chi tiết thắc nắc xin liên hệ HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Sloan LM, Duresko BJ, Gustafson DR, Rosenblatt JE
2. Turck D, Bernet JP, Marx J và cộng sự.