Vitamin và khoáng chất là những yếu tố cần thiết cho hoạt động sinh học bình thường của cơ thể. Đối với trẻ nhỏ, hệ cơ quan chưa phát triển một cách toàn diện, nhu cầu về vitamin và khoáng chất là thiết yếu vì vậy các mẹ cần có những kiến thức cơ bản về chúng để bổ sung cho trẻ kịp thời và đầy đủ. Để hiểu rõ hơn vai trò của vitamin và khoáng chất đối với cơ thể, các mẹ hãy theo dõi bài viết dưới đây nhé.
Mục lục
1. 6 nhóm Vitamin thiết yếu nhất cho trẻ
1.1. Vitamin A
Vai trò của vitamin A
Vitamin A hay còn gọi là Retinol có vai trò quan trọng đối với cơ thể:
- Retinol tham gia vào cấu tạo nên Rhodopsin (sắc tố thị giác), giúp mắt nhìn rõ trong môi trường có ánh sáng yếu (vào lúc chiều tối).
- Hỗ trợ hệ thống miễn dịch do đó giúp cơ thể tránh được các tác nhân xâm nhập từ bên ngoài (vi khuẩn, vi rút,…).
- Tham gia vào các quá trình chuyển hóa trong cơ thể.
Ảnh hưởng khi thiếu vitamin A
Việc thiếu hay thừa vitamin A cũng mang đến những hậu quả nghiêm trọng
- Thiếu vitamin A sẽ dẫn đến bệnh quáng gà (không nhìn rõ vào lúc chiều tối), dễ bị nhiễm khuẩn, da khô, tóc khô, vết thương lâu lành, trẻ chậm lớn, trí não chậm phát triển.
- Thừa vitamin A sẽ có các biểu hiện như buồn nôn, chóng mặt, nhức đầu, ngứa, rụng tóc, …
Thực phẩm có chứa vitamin A
Vitamin A có nhiều trong các thực phẩm như:
- Rau củ quả có màu: rau ngót, rau bina, cà chua, cà rốt, bí đỏ, ớt, xoài, đu đủ, gấc,…dưới dạng beta- caroten (beta- caroten là một dạng tiền chất của vitamin A, có màu đỏ cam khi vào cơ thể sẽ biến đổi thành vitamin A).
- Dầu gan cá, bơ, sữa, lòng đỏ trứng, phô mai,…
- Gan và các sản phẩm từ gan cũng là nguồn cung cấp vitamin A dồi dào nhưng cần lưu ý là nên ăn với một lượng vừa phải (không được quá 1 lần/ tuần), vì nếu ăn quá nhiều rất dễ dẫn tới tình trạng thừa vitamin A.
Bổ sung vitamin A cho trẻ
Lượng vitamin A được khuyến nghị cần cung cấp cho trẻ hằng ngày dựa theo độ tuổi:
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi: 0,375 mg/ ngày.
- Trẻ từ 6-11 tháng tuổi: 0,4 mg/ ngày.
- Trẻ nhỏ từ 1-3 tuổi: 0,4 mg/ngày.
- Trẻ từ 4-6 tuổi: 0,45 mg/ngày.
- Trẻ từ 6-9 tuổi: 0,5 mg/ngày.
Một số nghiên cứu của viện dinh dưỡng đã chỉ ra rằng hàm lượng beta- caroten (tiền chất của vitamin A) ở rau xanh nhiều hơn quả chín. Do vậy với lượng vitamin được khuyến nghị ở trên, các mẹ có thể ước chừng cho trẻ sử dụng:
- Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi thì sữa mẹ là nguồn cung cấp vitamin A đầy đủ nhất.
- Còn đối với trẻ từ 6 tháng tuổi trở đi nên ăn ít nhất 2 -3 loại trái cây giàu vitamin A (cà chua, cà rốt, bí đỏ,…) và rau xanh mỗi ngày, cộng với một chút chất béo để hỗ trợ hấp thu vitamin A vì vitamin A tan tốt trong dầu.
Lưu ý rằng: Đối với các loại rau củ không nên nấu quá chín vì có thể làm giảm hàm lượng của beta- caroten có trong nó.
1.2. Vitamin B
Có nhiều loại vitamin B khác nhau như: B1 (Thiamin), B2 (Riboflavin), B3 (Niacin), B5 (Acid Pantothenic), B6 (Pyridoxin), B7 (Biotin), B9 (Acid folic), B12 (Cyanocobalamin). Mỗi loại đều đảm nhận một vai trò nhất định.
Hàm lượng vitamin B được khuyến cáo dùng hằng ngày cho trẻ là:
Dưới đây là một số thông tin về các loại vitamin B, mong rằng các mẹ có thể bổ sung cho trẻ đúng cách.
Vitamin B1
Vitamin B1 (Thiamin) có nhiều trong trái cây tươi (chuối, cam, …) , quả hạch, bánh mì nguyên hạt, ngũ cốc, đậu Hà Lan,…
Vitamin B1 tham gia tổng hợp nên acetylcholin (chất dẫn truyền thần kinh- cơ, đặc biệt là cơ tim), thúc đẩy tổng hợp bao myelin bảo vệ dây thần kinh. Bên cạnh nó còn tham gia chuyển hóa các chất tạo thành ATP (phân tử mang năng lượng) cung cấp cho mọi hoạt động sống của tế bào.
Vì vậy nếu thiếu hụt vitamin B1 thì trẻ có thể gặp phải tình trạng biếng ăn, sụt cân, tiêu hóa kém, teo cơ hay thậm chí là tim đập chậm.
Vitamin B2
Vitamin B2 (Riboflavin) có nhiều trong ngũ cốc, quả, rau xanh, sữa, bơ, gan, lòng trắng trứng,…
Vitamin B2 tham gia vào việc hình thành chất chống oxy hóa glutathione tiêu diệt các gốc tự do, ngăn ngừa bệnh tật (ung thư).
Sự có mặt của vitamin B2 còn giúp cho cơ thể hấp thu chất dinh dưỡng một cách hiệu quả thông qua việc tham gia vào các phản ứng chuyển hóa protein, chất béo, carbohydrate,… tạo ATP cung cấp năng lượng cho cơ thể.
Nếu không cung cấp đủ vitamin B2 sẽ dẫn đến tình trạng sụt cân, chậm lớn ở trẻ.
Vitamin B3
Vitamin B3 (Niacin) có nhiều trong thịt, cá, bột mì, trứng, …
Vitamin này tham gia vào các phản ứng chuyển hóa của cơ thể, có tác dụng phòng và điều trị bệnh pellagra (đây là một căn bệnh gây ra do thiếu vitamin B3, có các triệu chứng như mất trí nhớ, da bị viêm, tiêu chảy, lở loét,…), bên cạnh đó vitamin B3 còn có tác dụng là làm giảm cholesterol trong máu, chống xơ vữa động mạch.
Vitamin B5
Vitamin B5 (Acid Pantothenic) có nhiều trong thịt gà, thịt bò, trứng, nấm, bơ,…
Vitamin B5 là thành phần quan trọng cấu tạo nên coenzym A (tham gia vào phản ứng oxy hóa glucid; tân tạo glucose; phân hủy acid béo; tổng hợp sterol, hormon steroid và porphyrin).
Nếu thiếu vitamin B5 sẽ có các triệu chứng như mệt mỏi, nhức đầu, rối loạn ngôn ngữ, buồn nôn, nôn trớ, đau bụng, khó tiêu, co thắt cơ.
Vitamin B6
Vitamin B6 (Pyridoxine) có nhiều trong thịt heo, thịt gà, mầm lúa mì, yến mạch, ngũ cốc, đậu phộng, đậu nành,chuối, sữa,…
Vitamin B6 tham gia vào các phản ứng trao đổi, chuyển hóa của cơ thể, tham gia vào quá trình tổng hợp nên hemoglobin (thành phần quan trọng của tế bào máu), đặc biệt nó còn tham gia vào quá trình chuyển acid glutamic thành G.A.B.A (gamma-aminobutyric acid), chất có vai trò điều hòa hệ thần kinh.
Thiếu hụt vitamin B6 là nguyên nhân gây ra tình trạng lưỡi sưng, nứt và đau môi, phát ban da, cáu gắt, hệ miễn dịch suy yếu và thậm chí là co giật.
Vitamin B7
Vitamin B7 (Biotin) đóng vai trò quan trọng trong chuyển hóa hydrat carbon, lipid; rất ít khi thiếu vitamin này.
Vitamin B9
Vitamin B9 (Acid folic) có vai trò quan trọng với máu: giúp cơ thể hình thành các tế bào hồng cầu khỏe mạnh, bên cạnh đó việc bổ sung vitamin vào thời kỳ mang thai là cần thiết để giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh ( dị tật nứt cột sống ở trẻ sơ sinh).
Nếu vitamin này không được cung cấp đủ sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu.
Vitamin B12
Vitamin B12 (Cyanocobalamin) có trong thịt, cá, trứng, sữa, phô mai, ngũ cốc,…Nó có vai trò quan trọng trên cơ quan tạo máu (tham gia vào phản ứng chuyển thymin thành thymidine- tham gia cấu tạo nên các nucleoprotein và quá trình trưởng thành của hồng cầu), bên cạnh đó nó cũng giúp hệ thần kinh hoạt động khỏe mạnh.
Khi lượng vitamin B12 thấp sẽ gây cho trẻ tình trạng táo bón, đầy hơi, chán ăn, mệt mỏi,…
Thường trên thị trường các vitamin B1, B6, B12 sẽ được phối hợp với nhau theo một tỉ lệ nhất định tạo thành chế phẩm (vitamin 3B, vitamin 3B Plus, Trineulion,…) giúp điều hòa hệ thần kinh một cách ổn định.
Vitamin B9, B12 hay dùng để điều trị thiếu máu trong một số trường hợp ( thiếu máu hồng cầu to, thiếu máu nặng, thiếu máu ác tính).
1.3. Vitamin C
Vai trò của vitamin C đối với cơ thể
Vitamin C có vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch của cơ thể.
- Giúp tăng sức đề kháng, chống lại các bệnh nhiễm trùng.
- Làm bền vững thành mạch, chống chảy máu.
- Tham gia vào các phản ứng oxi hóa khử, chuyển hóa protid, lipid.
- Tham gia vào chuyển hóa collagen, giúp vết thương mau lành.
- Tham gia tổng hợp nên hormon steroid.
Bổ sung vitamin C cho trẻ
Nhu cầu vitamin C mỗi ngày đối với trẻ nhỏ khác nhau theo từng độ tuổi.
- 75mg – 120mg cho trẻ dưới 12 tháng tuổi
- 400 mg cho trẻ sơ sinh 1 tuổi đến 3 tuổi.
- 650 mg cho trẻ em 4 tuổi đến 8 tuổi
- 1200 mg cho trẻ em 9 tuổi đến 13 tuổi.
Vitamin C có hàm lượng cao trong nhiều loại trái cây như ổi, kiwi, dâu tây, cam, bí ngô, quả mâm xôi, cà chua,…
Nếu thiếu vitamin C sẽ dẫn đến bệnh Scorbut, trẻ dễ bị chảy máu.
Trong các trường hợp trẻ bị sốt, nhiễm trùng,….cần bổ sung thêm vitamin C để tăng sức đề kháng.
1.4. Vitamin D (Calciferol)
Vai trò của Vitamin D đối với trẻ em
Vitamin D được cơ thể tổng hợp từ ánh sáng mặt trời, song cũng có thể tìm thấy một lượng rất nhỏ vitamin D ở trong các loại thực phẩm như cá hồi, cá thu, thịt heo, thịt bò, lòng đỏ trứng, sữa,…
Nó có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển xương sụn ở trẻ.
Nếu thiếu vitamin D, trẻ sẽ bị còi xương, xương bị mềm, thóp lâu liền, răng hỏng,…
Hàm lượng vitamin D bổ sung cho trẻ
Lượng vitamin D cung cấp cho trẻ hằng ngày tùy thuộc vào lứa tuổi:
- Đối với trẻ dưới 1 tuổi: ít nhất là 400 IU/ ngày (không được vượt quá 1.000 IU/ngày với trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi, và 1.500 IU/ngày với trẻ 6 tháng đến 1 tuổi)
- Đối với trẻ 1-10 tuổi: ít nhất là 600 IU, tốt nhất là khoảng 1.000 IU/ngày (không được vượt quá 2.500 IU/ngày với trẻ 1-3 tuổi; 3.000 IU/ngày với trẻ 4-8 tuổi và 4.000 IU/ngày với trẻ trên 8 tuổi).
IU: là một đơn vị đo lường cho các giá trị của một chất dựa trên tác động sinh học của chất đó, thường sử dụng cho các loại vitamin.
1.5. Vitamin E (Tocopherol)
Vitamin E chắc hẳn không còn xa lạ đối với chúng ta, nó đóng vai trò là chất chống oxy hóa, giúp da dẻ mịn màng và mềm mại. Bên cạnh tác dụng làm đẹp cho phái nữ thì vitamin E còn tham gia vào các quá trình chuyển hóa của tế bào, giúp cho màng hồng cầu ổn định, giảm xơ cứng động mạch.
Việc thiếu hụt vitamin E có thể gây các rối loạn chuyển hóa. Vì vậy nên bổ sung cho trẻ một lượng cần thiết. Tuy nhiên, nhu cầu về vitamin ở mỗi độ tuổi là khác nhau:
- Trẻ từ 1-3 tuổi: 6mg/ngày.
- Trẻ từ 4-8 tuổi: 7mg/ngày.
Ta có thể tìm thấy vitamin E trong các thực phẩm như: lúa mì, ngô, lạc, lá rau xanh, bơ, mỡ, trứng,…
1.6. Vitamin K
Nguồn cung cấp vitamin K rất đa dạng.
- Thực vật: có nhiều trong lá xanh: bắp cải, rau má,…
- Động vật: thịt, cá, mỡ, gan,…
- Cơ thể tổng hợp từ vi khuẩn ở ruột,…
Vitamin K tham gia vào tổng hợp các yếu tố đông máu, làm giảm quá trình chảy máu ở trẻ.
Việc bổ sung vitamin K cho trẻ là cực kỳ quan trọng, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh ( lượng vitamin K rất ít do cơ thể không thể tự tổng hợp được, chỉ nhận được một lượng rất nhỏ từ sữa mẹ) nếu không bổ sung kịp thời thì sẽ dẫn đến tình trạng xuất huyết ( ở mũi, miệng, nguy hiểm nhất là xuất huyết não và màng não, thậm chí có thể dẫn đến tử vong).
2. Các khoáng chất cần thiết nhất cho sự phát triển của bé
2.1. Canxi
Vai trò của canxi đối với cơ thể
Canxi là khoáng chất rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ, nó tham gia vào các phản ứng chuyển hóa của cơ thể, cấu tạo răng, xương, …
Canxi có nhiều trong các thực phẩm như: bột mì, sữa, phô mai, rau lá xanh (cải, bina,..), đậu bắp, bông cải xanh, các loại đậu,…
Canxi giữ một vai trò quan trọng đối với cơ thể:
- Tham gia vào cấu tạo xương và răng do vậy nếu trẻ nhỏ thiếu hụt canxi thì dễ mắc bệnh còi xương, xương không đều, răng dị hình, dễ bị sâu răng, …
- Tham gia vào quá trình dẫn truyền xung thần kinh, trẻ thiếu canxi thường hay bị giật mình, khóc đêm,…
- Tham gia vào hệ thống miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh.
- Tham gia điều tiết các hormon sinh trưởng, giúp trẻ cao lớn, khỏe mạnh.
Nhu cầu canxi cho trẻ khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi
Xem thêm: 6 nguyên tắc bổ sung canxi cho trẻ đúng cách
2.2. Magie
Magie là nguyên tố ít được biết đến hơn canxi nhưng nó cũng đóng vai trò quan trọng không kém.
Có thể bổ sung Magie từ các loại thực phẩm như: các loại rau xanh (mồng tơi, cải,…), chuối, các loại hạt (hạnh nhân, đậu,…) , ngũ cốc, thịt, cá ,…
Magie có vai trò
- Tham gia điều hòa trạng thái thần kinh và chức năng vận động của hệ cơ.
- Tham gia vào các phản ứng chuyển hóa cơ bản biến các chất dinh dưỡng thành năng lượng mà cơ thể có thể sử dụng được.
- Giúp răng và xương chắc khỏe.
- Ngăn ngừa các tai biến tim mạch do tác dụng giãn mạch máu.
Nhu cầu magie cho trẻ khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi:
- Với trẻ dưới 6 tháng tuổi: 30mg / ngày
- Trẻ từ 6-12 tháng: 75mg / ngày
- Trẻ từ 1 – 3 tuổi: 80mg / ngày
- Trẻ trên 3 tuổi: 130mg / ngày
Đối với trẻ nhỏ, nếu thiếu Mg trẻ sẽ chậm lớn, có các dấu hiệu như buồn nôn, chán ăn, mất ngủ, mệt mỏi, đau nhức, run rẩy, co giật tay chân.
2.3. Sắt
Sắt là một nguyên tố vi lượng nhưng có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể sống.
- Tham gia vào vận chuyển chuyển điện tử trong chuỗi hô hấp tế bào.
- Tham gia cấu tạo nên huyết sắc tố (hemoglobin) để vận chuyển oxy từ phổi đến các cơ quan.
Đối với trẻ em, việc cung cấp đầy đủ sắt là rất cần thiết. Nhu cầu sắt cho trẻ khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi:
- Trẻ từ 1-3 tuổi cần khoảng 7mg/ngày.
- Trẻ từ 4-8 tuổi cần khoảng 10mg/ngày
Có thể bổ sung sắt thông qua các thực phẩm như: các loại thịt đỏ (thịt heo, thịt bò,…), ngao, trứng, bí đỏ, các loại hạt (óc chó, hạnh nhân, đậu,…), rau bina, …
Thiếu hụt sắt sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu; trẻ kém tập trung, hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi (do thiếu oxy máu não). Bên cạnh cũng có thể có các biểu hiện như da xanh, môi nhợt nhạt, biếng ăn, còi cọc, chậm lớn.
2.4. Kẽm
Kẽm có nhiều trong các loại thực phẩm như: thịt bò, cá, tôm, cua, mầm lúa mì,…
Việc bổ sung kẽm là rất cần thiết đối với trẻ nhỏ.
- Nó tham gia vào hệ thống miễn dịch, giúp bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, giúp vết thương mau lành.
- Tham gia tổng hợp protein, tham gia quá trình phân bào, thúc đẩy tăng trưởng.
Bên cạnh đó, kẽm còn là yếu tố kích thích ăn ngon.
Nhu cầu kẽm cho trẻ khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi
- Với trẻ dưới 6 tháng tuổi: 2mg / ngày
- Trẻ từ 6-12 tháng: 3mg / ngày
- Trẻ từ 1 – 3 tuổi: 3mg / ngày
- Trẻ trên 3 tuổi: 5mg / ngày
Nếu thiếu kẽm, trẻ sẽ biếng ăn, cơ thể chậm phát triển (do quá trình phân bào diễn ra chậm chạp),…
Tóm lại: