Vitamin D có một vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của con người trong mọi độ tuổi, tuy nhiên không phải ai cũng biết đầy đủ về nó. Vì vậy với bài viết này, chúng tôi hy vọng có thể giúp các bạn có một cái nhìn đầy đủ, khách quan và chính xác về loại vitamin quan trọng này.
Mục lục
1. Vitamin D là gì? Phân loại vitamin D
Vitamin D hay calciferol là tên gọi chung của một nhóm chất có cấu trúc secosterol , được biết đến là vitamin tan trong dầu. Vitamin D ngày nay được công nhận là một prohormone (tiền hóc môn có khả năng chuyển hóa thành dạng hoocmon có hoạt tính) chiếm một lượng nhỏ trong cơ thể nhưng lại có vai trò rất quan trọng.
Vitamin D chia làm hai dạng chính:
- Vitamin D2 (ergocalciferol) có mặt trong một số loại nấm.
- Vitamin D3 (cholecalciferol) có trong cá hồi, cá ngừ, dầu gan cá,… và được sinh ra khi con người tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
2. Các nguồn vitamin D
Có 3 nguồn chính giúp cơ thể bổ sung vitamin D:
2.1. Tổng hợp trên da khi tiếp xúc với ánh nắng
Khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, tia UVB (290-315 nm) xúc tác cho chuỗi phản ứng với 7-dehydrocholesterol ở tế bào biểu bì gây ra sự sắp xếp lại các liên kết đôi và mở ra vòng để tạo thành hợp chất có tên gọi seco-steroid (tiền vitamin D3). Tiền vitamin D3 tiếp tục được gắn thêm nhóm chức OH và được chuyển thành vitamin D3. Vitamin D3 được tạo ra liên kết với protein có trong huyết tương và được vận chuyển vào vòng tuần hoàn.
Các yếu tố ảnh hưởng làm giảm khả năng tổng hợp vitamin D tự nhiên liên quan đến việc giảm lượng ánh nắng tới da:
- Mùa đông
- Sắc tố da (melanin): Người da trắng sẽ tổng hợp vitamin D tốt hơn người da màu
- Vĩ độ gần cực, xa xích đạo
- Kem chống nắng
- Tôn giáo: đạo Hồi mặc quần áo kín
- Độ cao: Lên cao tiếp xúc nhiều hơn với tia UV
- Tình trạng mây mù, ô nhiễm không khí dày đặc ở nhiều thành phố lớn.
2.2. Thực phẩm
Vitamin D được tổng hợp nhờ ánh nắng rất ít mà chủ yếu nguồn vitamin D được lấy từ nguồn thực phẩm.
- Một số thực phẩm có hàm lượng vitamin D là các loại cá béo như: cá hồi, cá ngừ, cá thu và dầu gan cá.
- Các thực phẩm từ động vật như gan bò, phô mát, lòng đỏ trứng thường cung cấp một lượng nhỏ vitamin D3.
- Một số loại nấm có chứa một lượng ít vitamin D2.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cho phép sử dụng bột nấm được xử lý qua tia UV như phụ gia thực phẩm giúp bổ sung vitamin D2.
- Các sản phẩm sữa công thức tại Hoa Kỳ và Canada được yêu cầu bổ sung 100 IU vitamin D trong 1 lít sữa. Trên thực tế chế độ dinh dưỡng ở nhiều đối tượng như trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vẫn không đáp ứng nhu cầu vitamin D thiết yếu.
2.3. Thực phẩm chức năng bổ sung vitamin D
Thực phẩm chức năng có thể chứa cả hai loại vitamin D2 và D3.
- Vitamin D2 được sản xuất bằng cách chiếu tia UV vào thành phần ergosterol trong nấm men
- Vitamin D3 được sản xuất khi chiếu tia UV vào 7-dehydrocholesterol của lanolin và trải qua quá trình chuyển đổi cholesterol.
Đây là một trong 3 nguồn cung cấp vitamin D quan trọng của cơ thể.
Ngoài ra, còn một loại vitamin D khác là 25 OH D3 có hiệu lực cao hơn so với vitamin D3, có mặt trong một số thực phẩm từ động vật tuy nhiên lại không có chế phẩm thực phẩm chức năng nào trên thị trường có thành phần này.
3. Quá trình chuyển hóa vitamin D trong cơ thể
3.1. Hấp thu
Cả hai dạng vitamin D2 và D3 được khuếch tán qua niêm mạc ruột cùng với dầu và mỡ trong bữa ăn. Sau khi được hấp thu, vitamin D cùng các triglycerid, cholesterol,… tạo thành các hạt chylomicron (các hạt mỡ phân tử nhỏ) được vận chuyển trong máu. Khi các chylomicron này tới các mô mỡ và cơ xương, vitamin D một phần được tích lũy tại đây, một phần khác liên kết với protein di chuyển trong máu.
3.2. Chuyển hóa
Cả hai dạng vitamin D2 và D3 khi vào trong vòng tuần hoàn đều trơ về mặt sinh lý, do vậy chúng cần hai quá trình hydroxyl hóa để thành chất có hoạt tính sinh học. Trước tiên, phức hợp vitamin D – protein được vận chuyển tới gan để quá trình hydroxyl hóa đầu tiên xảy ra chuyển đổi vitamin D thành 25-hydroxyvitamin D [25 (OH) D] hay “calcidiol”. Calcidiol sẽ được vận chuyển tới thận và xảy ra quá trình hydroxyl thứ 2 để chuyển thành 1,25-dihydroxyvitamin D [1,25 (OH) 2D] có hoạt tính sinh lý, còn được gọi là “calcitriol”.
Calcitriol là dạng có hoạt tính của vitamin D trong cơ thể, và được điều hòa nhờ nồng độ canxi trong máu. Dạng calcidiol thì liên kết với protein huyết tương và lưu hành trong máu. Khi nồng độ canxi máu giảm, calcidiol trong máu sẽ được hydroxyl hóa tại thận và chuyển thành calcitriol.
3.3. Thải trừ
Trong cơ thể, các dạng vitamin D tồn tại trong 2 tháng, dạng calcidiol tồn tại trong 15 ngày, và calcitriol thời gian tồn tại chỉ trong vài giờ. Enzym CYP24A1 tại các mô là enzym phân hủy calcitriol, calcidiol trong cơ thể.
Các sản phẩm thoái hóa của vitamin D được bài tiết từ mật vào phân, rất ít bị thải trừ bởi thận do hệ thống thụ thể cubilin-megalin giúp thận tái hấp thu các chất chuyển hóa của vitamin D.
Tuy quá trình chuyển hóa vitamin D2 và D3 được xem là tương đồng nhau, nhưng sản phẩm chuyển hóa của Vitamin D3 được coi là tồn tại lâu và tác dụng mạnh hơn so với vitamin D2. Chính vì vậy, bạn nên lựa chọn các loại thực phẩm và thực phẩm chức năng giúp bổ sung vitamin D3.
4. Chức năng của vitamin D đối với hoạt động sinh lý của cơ thể
Vậy cụ thể hơn, Vitamin D có tác dụng gì?
4.1. Cân bằng nồng độ canxi và phospho trong máu
Calcitriol làm tăng nồng độ canxi và phospho trong máu, từ đó giúp thúc đẩy quá trình khoáng hóa xương xảy ra.
Tăng nồng độ canxi máu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động bình thường của hệ thống thần kinh cơ như giãn mạch, tăng dẫn truyền xung thần kinh, và bài tiết nội tiết tố. Để thực hiện vai trò này calcitriol thực hiện thông qua 2 cơ chế:
- Kích thích tăng hấp thu calci ở toàn ruột đặc biệt là tá tràng và hỗng tràng
- Kết hợp với PTH kích thích tái hấp thu canxi ở ống lượn xa tại thận, từ đó giúp cơ thể giữ lại canxi cần thiết.
Calcitriol giúp tăng nồng độ phospho trong máu qua 2 cơ chế:
- Thiếu phospho sẽ kích thích enzym CYP27B1 tăng sản xuất calcitriol từ dạng calcidiol, từ đó kích thích hấp thu phospho trong ruột.
- Khi dư phospho, calcitriol gây ra sự bài tiết FGF23 bởi các tế bào hủy xương trong xương, dẫn đến bài tiết phosphat ở thận.
Với vai trò quan trọng như vậy, vitamin D thúc đẩy sự phát triển của xương cả về chiều dài và độ rắn chắc, giảm các nguy cơ loãng xương tuổi già. Vai trò này quan trọng ở mọi lứa tuổi, đặc biệt với giai đoạn trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ giúp giảm nguy cơ còi xương ở trẻ em.
4.2. Điều hòa gen
Các nghiên cứu chỉ ra rằng calcitriol điều hòa vài trăm gen khác nhau trong cơ thể, số lượng gen này có thể lên đến 5% tổng gen của cơ thể.
4.3. Tham gia vào hệ thống miễn dịch
Nhiều receptor của vitamin D được tìm thấy ở tế bào T hoạt hóa hệ thống miễn dịch, tế bào trình duyệt kháng nguyên, bạch cầu đơn nhân, đại thực bào và tế bào T gây độc tế bào. Có nghiên cứu cho rằng calcitriol trong bạch cầu đơn nhân hoặc đại thực bào dẫn đến tăng khả năng miễn dịch tế bào bằng cách kích thích sản xuất cathelicidin, một peptit chống vi khuẩn có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, đặc biệt là Mycobacterium tuberculosis
Vitamin D có nhiều vai trò quan trọng, trong đó với việc điều chỉnh nồng độ Canxi trong máu và tăng khoáng hóa xương, việc bổ sung đầy đủ vitamin D và canxi trong chế độ ăn giúp con phát triển chiều cao, tránh tình trạng thấp còi. Vai trò này đặc biệt quan trọng ở cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
5. Vai trò, nhu cầu bổ sung vitamin D đối với từng giai đoạn cuộc đời
Một ủy ban chuyên gia của Hội đồng Thực phẩm và Dinh dưỡng (FNB) đã đưa ra một bảng khuyến nghị bổ sung vitamin D hằng ngày cho người khỏe mạnh qua chế độ dinh dưỡng như sau:
Với mỗi một giai đoạn cuộc đời, vitamin D lại đóng một vai trò khác nhau:Như vậy, bổ sung vitamin D được khuyến nghị dành cho mọi người ở mọi độ tuổi và cả tình trạng đặc biệt phụ nữ có thai và cho con bú.
5.1. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Giai đoạn này việc cung cấp đầy đủ vitamin D giúp cho xương phát triển nhanh. Ở trẻ em không được cung cấp đầy đủ canxi và vitamin D giai đoạn này sẽ có thể dẫn việc còi xương. Tình trạng còi xương có thể đánh giá thông qua chiều cao của trẻ, nặng hơn nữa có thể dẫn tới nguy cơ gặp dị dạng vĩnh viễn như chân vòng kiềng, cột sống cong bất thường, dị dạng xương,… Mẹ ngoài việc thường xuyên theo dõi sự phát triển chiều cao cân nặng của trẻ có thể giúp con bổ sung canxi và vitamin D cho giai đoạn đầu đời này.
5.2. Thanh thiếu niên giai đoạn dậy thì
Đây là giai đoạn giúp gia tăng nhanh chóng khối lượng và chiều dài xương trong cơ thể. Các xương dài như xương đùi,xương cẳng chân, xương cánh tay phát triển nhanh chóng. Bên cạnh đó, mật độ xương giai đoạn này cũng gia tăng nhanh chóng giúp các xương rắn chắc hơn. Vitamin D giúp cho quá trình khoáng hóa xương và dài xương diễn ra nhanh và hiệu quả. Do vậy việc cung cấp đầy đủ dinh dưỡng như sữa, vitamin D có vai trò quan trọng giúp xương dài hơn và chắc khỏe hơn.
5.3. Người trưởng thành dưới 50 tuổi
Đây là giai đoạn vitamin D giúp duy trì mật độ xương. Mật độ xương sẽ giảm dần theo tuổi, việc duy trì mật độ xương giúp cơ thể giúp xương rắn chắc.
5.4. Người trên 50 tuổi
Thông thường, ở độ tuổi này phụ nữ bước vào thời kì mãn kinh là một yếu tố gây giảm mật độ xương do giảm tiết estrogen. Vì vậy duy trì chế độ cung cấp đầy đủ vitamin D và canxi giúp giảm nguy cơ loãng xương trên đối tượng này. Nam giới ít gặp hơn tuy nhiên cũng cần lưu ý bổ sung dinh dưỡng và vận động hợp lý để phòng loãng xương tuổi già.
5.5. Người cao tuổi trên 70 tuổi
Cả nam và nữ đều xảy ra sự giảm mật độ xương nhanh chóng gây các hậu quả như loãng xương, còng lưng, thoái hóa và nguy hiểm là gãy xương khi ngã. Do vậy đây cũng là giai đoạn cần bổ sung nhiều hơn cả vitamin D và Ca do người cao tuổi giảm hấp thu dinh dưỡng và các chất. Người Việt Nam, người cao tuổi có tỷ lệ còng lưng cao do không trú trọng việc bổ sung canxi và vitamin D tuổi già. Tỷ lệ gãy xương cũng cao ở người cao tuổi một phần nguyên nhân là thiếu hụt canxi trong xương, khiến mật độ xương giảm, xương mất tính rắn chắc.
Như vậy bổ sung vitamin D là vô cùng quan trọng ở mọi lứa tuổi, và đặc biệt trên các đối tượng đặc biệt như trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, trẻ trong giai đoạn dậy thì, phụ nữ tiền mãn kinh, người cao tuổi trên 70.
6. Cách đánh giá, định lượng vitamin D trong cơ thể
Với việc calcitriol chỉ tồn tại ít giờ trong máu không thể là một thước đo định lượng vitamin D trong cơ thể. Nhiều tổ chức uy tín trên thế giới nhận thấy rằng việc sử dụng Calcidiol hay (25 [OH] D) giúp định lượng được nồng độ vitamin D trong máu.Tuy nhiên, việc định lượng 25OHD chưa được thống nhất trên toàn thế giới để trở thành một khung xem xét chuẩn để xác định cơ thể thừa hay thiếu vitamin D.
Sau khi xem xét dữ liệu về nhu cầu vitamin D, một ủy ban chuyên gia của Hội đồng Thực phẩm và Dinh dưỡng (FNB) tại Học viện Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia (NASEM) kết luận rằng mọi người có nguy cơ thiếu vitamin D khi dưới 30 đến 50 nmol / L, nguy cơ gây còi xương ở trẻ em và trẻ sơ sinh rất lớn. Ở mức trên 50 nmol/L được coi là đủ cho một người phát triển khỏe mạnh. Với nồng độ lớn hơn 125 nmol/L có thể coi là tình trạng bệnh lý dư thừa vitamin D. Tuy nhiên tại Việt Nam xét nghiệm thiếu vitamin D chưa được quan tâm, chỉ tới khi bệnh liên quan tới vitamin D biểu hiện trên lâm sàng người ta mới quan tâm tới việc bổ sung.
Tổng kết:
Vitamin D là một thành phần không thể thiếu đối với mọi lứa tuổi trong quá trình phát triển và duy trì mật độ xương. Việc bổ sung các thực phẩm và thực chức năng chứa vitamin D là vô cùng cần thiết với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để phòng các biến chứng dị dạng vĩnh viễn của chứng còi xương. Với người cao tuổi và phụ nữ tiền mãn kinh, một chế độ bổ sung đầy đủ canxi và vitamin D theo khuyến cáo giúp giảm nguy cơ loãng xương và gãy xương tuổi già. Nếu bạn chưa bổ sung vitamin D, thì hãy bổ sung vitamin D ngay hôm nay để xương phát triển và rắn chắc.
Mọi chi tiết xin liên hệ theo HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.
Nguồn tham khảo: