Trẻ sơ sinh vốn đi ngoài khá nhiều lần trong ngày, khoảng 3-5 lần/ngày. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh đi ngoài són phân có thể đại tiện nhiều hơn mức độ này và mỗi lần phân chỉ ra một ít, khiến cha mẹ phải thay bỉm tã cho trẻ thường xuyên. Để lý giải và tìm ra giải pháp cho vấn đề này, hãy cùng Imiale tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Trẻ sơ sinh đi ngoài són phân là gì?
Trẻ bị són phân, hay còn gọi là đại tiện không tự chủ, là tình trạng trẻ đại tiện không kiểm soát nhiều lần trong ngày. Mỗi lần đại tiện phân chỉ ra một ít, thường mềm và không thành khuôn. Tình trạng són phân xuất hiện khi phân bị ứ đọng một lượng lớn tại trực tràng, phần phân mềm và lỏng sẽ rỉ ra từ hậu môn hoặc khi nhu động ruột tăng không kiểm soát.
Mẹ có thể nhận biết trẻ bị són phân thông qua những biểu hiện dưới đây:
- Trẻ đi ngoài nhiều hơn bình thường
- Trẻ ị lắt nhắt, không hết phân
- Lượng phân nhỏ nhưng mềm hoặc cứng, bám ở bỉm hoặc quần
- Bé có thể són phân bất cứ lúc nào, nhất là khi ho, hắt hơi hoặc hoạt động mạnh
- Các biểu hiện khác: Sôi bụng, có âm thanh ọc ọc từ bụng; Ợ hơi, nôn trớ, ọc sữa; Táo bón; Đau bụng nhiều mức độ (từ âm ỉ đến các cơn đau dữ dội) vài ngày trước khi đi tiêu hoặc thậm chí hàng ngày; Đái dầm; Chán ăn…
2. Trẻ đi ngoài són nhiều lần trong ngày nguyên nhân do đâu?
Không phải lúc nào cũng có thể xác định chính xác trẻ sơ sinh đi ngoài són do đâu. Tuy nhiên, đây là bước đầu quan trọng để tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Dưới đây là một số nguyên nhân khiến trẻ ị són thường gặp:
2.1. Trẻ bị táo bón
Theo thống kê, có tới 80% trường hợp trẻ bị són phân có liên quan đến táo bón. Khi trẻ mắc táo bón, phân khô cứng và tích tụ lượng lớn trong lòng ruột kết. Trẻ có xu hướng nhịn đại tiện vì cảm giác đau và khó đi tiêu. Thói quen nhịn đại tiện như vậy càng khiến phân tích tụ càng nhiều và trẻ càng khó khăn trong việc đi tiêu. Vòng luẩn quẩn này kéo dài làm giãn cơ vòng tại hậu môn, trực tràng, do đó làm mất phản xạ đường ruột khi có nhu cầu. Trong khi đó, phân mới hình thành, vẫn còn lỏng có thể chảy ra xung quanh phân cứng và rò rỉ ra ngoài, gây bẩn quần áo của trẻ. Điều này có thể khiến cha mẹ nhầm lẫn với bệnh tiêu chảy.
Lúc này, trẻ sơ sinh đi ngoài nhiều lần nhưng lượng phân thường rất ít và có dạng viên nhỏ.
2.2. Chế độ dinh dưỡng của trẻ thiếu khoa học
Đối với trẻ sơ sinh bú sữa mẹ
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng gần như là duy nhất đối với trẻ trong những năm tháng đầu đời. Vì thế, sữa mẹ đóng vai trò quan trọng quyết định sức khỏe của cơ thể nói chung cũng như hệ tiêu hóa nói riêng. Trong khi đó, chế độ ăn của mẹ quyết định thành phần có trong sữa mẹ. Do đó, thực phẩm mẹ sử dụng có thể là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến són phân ở trẻ sơ sinh bú sữa mẹ.
Những thực phẩm mẹ tiêu thụ dưới đây có thể ảnh hưởng chất lượng sữa và gây ra són phân ở trẻ:
- Hải sản
- Đường: bánh kẹo, nước ngọt,…
- Chất béo: đồ chiên rán, thịt mỡ,…
- Chất kích thích: rượu bia, cà phê,…
- Thức ăn nhanh
Đối với trẻ tập ăn dặm
Trong thời kì này, trẻ tập làm quen với nhiều thực phẩm thô và mới lạ. Trong khi đó, hệ tiêu hóa non nớt của trẻ chưa kịp thích nghi. Điều này có thể khiến trẻ dễ mắc các vấn đề về tiêu hóa, bao gồm són phân.
2.3. Trẻ không hợp sữa công thức
Sữa công thức cung cấp nhiều chất dinh dưỡng mà sữa mẹ không có. Tuy nhiên, những chất này không phải lúc nào cũng phù hợp với trẻ. Ngoài ra, nhiều trẻ sử dụng lượng sữa quá mức cần thiết hoặc sữa được pha không đúng tỷ lệ, làm thay đổi hàm lượng chất dinh dưỡng có trong sữa. Những lý do này đều có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa và són phân ở trẻ sơ sinh.
2.4. Trẻ mắc một số bệnh lý
Khi trẻ mắc một trong những bệnh lý dưới đây thì đó có thể là nguyên nhân dẫn đến són phân:
- Loạn khuẩn đường ruột
- Dị tật hậu môn trực tràng: hẹp hậu môn, phình đại tràng,…
- Bệnh Hirschsprung
- Chứng loạn sản cột sống
- Chấn thương tủy sống
- Khối u tủy sống
- Bại não
- Bệnh cơ ảnh hưởng đến sàn chậu và cơ vòng hậu môn ngoài.
3. Cách xử lý trẻ sơ sinh hay đi ngoài són phân tại nhà
Xử lý tình trạng trẻ sơ sinh đi ngoài són phân không nhất thiết phải dùng đến thuốc. Các biện pháp cải thiện tại nhà dưới đây nên được ưu tiên áp dụng vì dễ dàng thực hiện và mang lại hiệu quả tốt. Nếu các biện pháp trên không giúp cải thiện tình trạng của trẻ, mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ loại thuốc trẻ có thể dùng và thực hiện đúng theo hướng dẫn.
3.1. Lựa chọn chế độ dinh dưỡng phù hợp với trẻ sơ sinh
Chế độ ăn của trẻ thay đổi theo các giai đoạn phát triển.
Đối với trẻ bú mẹ hoàn toàn
Do chế độ ăn của mẹ quyết định thành phần dinh dưỡng mà trẻ bú mẹ hấp thu. Do đó, nếu mẹ duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học cũng chính là biện pháp cải thiện táo són phân ở trẻ hiệu quả.
Nhìn chung, chế độ ăn tốt nhất dành cho mẹ cần tương tự chế độ ăn cho người bệnh táo bón, cụ thể là uống nhiều nước (ít nhất 2-3lít/ngày) và tăng cường chất xơ có trong các loại rau củ quả.
Ngoài ra, mẹ cần tránh những thực phẩm không có lợi cho hệ tiêu hóa như:
- Hải sản
- Đường: bánh kẹo, nước ngọt,…
- Chất béo: đồ chiên rán, thịt mỡ,…
- Chất kích thích: rượu bia, cà phê,…
- Thức ăn nhanh
Đối với trẻ ăn dặm
Những thực phẩm trẻ nên và không nên ăn trong giai đoạn này cũng giống chế độ ăn cho người bị táo bón.
Trong đó, mẹ cần lưu ý nhu cầu nước và chất xơ của trẻ thấp hơn so với người lớn. Ban đầu, khi trẻ mới làm quen với chất xơ, mẹ nên xay nhỏ, băm nhuyễn và nấu chín để trẻ dễ tiêu hóa. Các thực phẩm giàu xơ nên đa dạng mỗi ngày để trẻ có thể sử dụng nhiều loại chất dinh dưỡng khác nhau.
Dưới đây là những thực phẩm giàu xơ gợi ý cho bé:
- Rau củ: rau bina, cà rốt, các loại đậu, khoai lang, khoai tây, bông cải xanh,…
- Quả: Chuối, mận, lê, táo, dâu tây,…
- Các loại ngũ cốc: yến mạch, hạt quinoa, hạnh nhân,…
3.2. Lựa chọn sữa công thức phù hợp với trẻ
Điều đầu tiên mẹ cần lưu ý khi mua sữa cho bé là sữa phải đảm bảo chất lượng và phù hợp với độ tuổi của trẻ. Sau đó, khi pha sữa, mẹ cần chú ý đến cách pha, tỷ lệ sữa và nước trong khi pha. Nếu mẹ đã thực hiện đúng mà trẻ vẫn không cải thiện thì mẹ nên cân nhắc việc thay đổi loại sữa công thức khác.
3.3. Tập cho trẻ thói quen đại tiện tốt
Són phân là hậu quả của đại tiện không tự chủ. Trong khi đó, một thói quen đi tiêu tốt có thể giúp trẻ lấy lại phản xạ đi tiêu, ngăn ngừa đại tiện không tự chủ cũng như ỉa són hiệu quả.
Bố mẹ có thể tham khảo những lời khuyên dưới đây để giúp trẻ có thói quen đi tiêu hợp lý:
- Khuyến khích con thường xuyên ngồi vào bồn cầu vào một khung giờ nhất định trong ngày, tốt nhất là sau ăn để để lợi dụng phản xạ co bóp của đường ruột
- Khuyến khích con ngồi bồn cầu ngay khi buồn đại tiện.
- Thời gian ngồi bồn cầu nên giới hạn trong vòng 5 phút
- Đặt một chiếc ghế nhỏ dưới chân trẻ khi ngồi bồn cầu sao cho đầu gối cao ngang hông để trẻ làm quen dần với tư thế này.
- Tặng cho bé những phần thưởng và lời khen ngợi sẽ giúp trẻ hợp tác hơn. Tránh quát mắng vì có thể khiến bé có tâm lý phản kháng và lo sợ khi ngồi bồn cầu.
3.4. Vệ sinh vùng nhạy cảm cho bé thường xuyên
Phân lỏng thường chứa một số enzym có thể gây tổn thương da và niêm mạc quanh hậu môn của trẻ. Đồng thời, trẻ ỉa són thường xuyên khiến tã và quần luôn trong tình trạng bẩn và ẩm ướt, tạo môi trường cho nhiều loại vi khuẩn phát triển. Những điều trên khiến trẻ dễ mắc phải các vấn đề về da như hăm tã, ngứa ngáy, lở loét, kích ứng vùng hậu môn. Vì vậy, vệ sinh khu vực nhạy cảm của trẻ là việc mẹ nên làm để tránh gây khó chịu và ngăn ngừa một số bệnh lý về da cho trẻ.
Mẹ nên thay tã thường xuyên cho trẻ. Trước đó, cần vệ sinh sạch sẽ vùng đeo tã của bé. Vùng mông của trẻ cần được lau rửa bằng nước ấm, tránh sử dụng xà phòng có tính tẩy rửa mạnh vì dễ gây kích ứng làn da yếu ớt của trẻ.
3.5. Bổ sung men vi sinh
Trẻ són phân kéo dài khiến hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động không bình thường, có thể gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Điều này kéo theo một loạt các hệ quả như rối loạn tiêu hóa, chán ăn, giảm hấp thu. Vì vậy, bổ sung men vi sinh, hay còn gọi là các lợi khuẩn sống sẽ là giải pháp mang lại nhiều lợi ích bất ngờ. Từ việc lấy lại cân bằng hệ vi sinh đường ruột, men vi sinh giúp cải thiện các vấn đề như :
- Cải thiện táo bón
- Tăng cường hệ miễn dịch toàn thân
- Tăng cường hấp thu và tiêu hóa chất dinh dưỡng, từ đó giúp trẻ ăn ngon
Tóm lại, són phân là tình trạng đi ngoài không tự chủ nhiều lần trong ngày và mỗi lần đi cầu không hết phân. Biện pháp hiệu quả để xử lý tình trạng này là tìm ra nguyên nhân và loại bỏ nó, ví dụ như cải thiện táo bón hoặc thay đổi chế độ dinh dưỡng của trẻ. Đồng thời, cha mẹ nên tạo thói quen đi tiêu hợp lý cho trẻ ngay từ sớm để giúp trẻ lấy lại phản xạ đi tiêu. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp thông tin hữu ích cho bố mẹ để giải quyết tình trạng trẻ đi ngoài són phân.
Để được tư vấn cụ thể về tình trạng khỏe của bé, vui lòng liên hệ với các chuyên gia của chúng tôi theo HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.