Thời điểm 3 tháng tuổi là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của mỗi đứa trẻ, đó là thời điểm mà bé có thể cười nhiều hơn và chân tay bé đã linh hoạt hơn. Do đó, qua bài viết dưới đây, hy vọng các bậc cha mẹ sẽ biết được những sự thay đổi của trẻ và có những phương pháp chăm sóc trẻ phù hợp để giúp trẻ có điều kiện phát triển tốt nhất.
Mục lục
1. Những sự thay đổi đáng chú ý
Trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi đã có thể mỉm cười với người khác, nụ cười như nhắc nhở bố mẹ có con là điều tuyệt vời như thế nào.
Ngoài ra khi được 3 tháng tuổi, trẻ sơ sinh đã có thể cử động đầu, chân, tay nhiều hơn và trẻ chú ý hơn đến những chuyển động. Tuy nhiên, thời điểm này bé chưa thể chuyển động nhiều nhưng bố mẹ cũng không được chủ quan, phải thường xuyên quan sát trẻ, đặt sự an toàn của trẻ lên hàng đầu.
Ở thời điểm 3 tháng tuổi trẻ phát triển rất nhanh và bố mẹ có thể thấy sự thay đổi rõ rệt.
2. Cân nặng và chiều dài của trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi
Khi trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi, bố mẹ nên chuẩn bị cho con quần áo của trẻ 3 tháng tuổi hoặc thậm chí là 6 tháng tuổi vì chúng phát triển rất nhanh.
Thông thường bé trai thường lớn hơn bé gái một chút. Và dưới đây là cân nặng và chiều dài tiêu chuẩn của trẻ 3 tháng tuổi:
- Bé trai: Chiều dài trung bình khoảng 61,4 cm và nặng khoảng 6,4kg.
- Bé gái: Chiều dài trung bình khoảng 60cm và nặng khoảng 5,8kg.
Thông thường trong năm đầu tiên trẻ thường tăng từ 5-7 ounce mỗi tuần (khoảng hơn 0,1kg). Những em bé tăng cân quá nhanh trong vòng 6 tháng đầu có nguy cơ béo phì ngay từ khi lên 3 tuổi và những em bé luôn thừa cân cho đến 4 tuổi thì khả năng cao sẽ trở thành người thừa cân khi trưởng thành.
Vì vậy, bố mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ để kiểm tra thường xuyên cân nặng trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi để điều chỉnh chế độ ăn cho phù hợp.
Khi bác sĩ khuyến cáo nên cho con tăng cân chậm lại thì bố mẹ không nên cho con ăn quá nhiều, không nên thúc trẻ uống hết bình sữa hoặc bú hết vú bên kia khi trẻ đã no. Ngoài ra cần cho trẻ có thời gian vận động khi còn thức.
Với những trẻ bác sĩ khuyến cáo là chưa đủ cân nặng thì bố mẹ cần tăng cường cho con ăn để tăng cân. Bố mẹ phải đảm bảo cho con ăn thường xuyên và đủ sữa cho một cữ bú.
Ngoài ra trong thời điểm này sức đề kháng của trẻ chưa hoàn thiện do đó có thể mắc một số bệnh dưới đây.
3. Các bệnh thường gặp ở trẻ 3 tháng tuổi
Trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi có thể gặp một số bệnh thông thường, cụ thể:
- Chứng hăm tã: Đây là chứng bệnh phổ biến ở trẻ tuy nhiên bệnh này dễ điều trị.
- Chảy nước mũi, sốt, hắt hơi, khó chịu thậm chí là khó ngủ.
- Chàm: một số dấu hiệu thường gặp như là: da khô, bong tróc, phát ban và thường bắt đầu ở mặt và cổ. Với những trẻ có làn da trắng khi mắc bệnh da thường có màu hồng hoặc đỏ, còn với những trẻ có làn da sẫm màu hơn thì khi bị bệnh sắc tố da thường có màu nâu đỏ, tía hoặc hơi xám.
- Nhiễm trùng tai: Trẻ bị nhiễm trùng tai khi bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên, khi đó niêm mạc của một trong các ống tai sưng lên, xung huyết và tích tụ chất lỏng.
- Viêm da: các vết côn trùng cắn, dị ứng, nhiễm trùng do vi rút hoặc vi khuẩn đều có thể gây phát ban, ngứa, đóng vảy và chảy nước. Khi đó bố mẹ cần đưa con tới gặp bác sĩ để điều trị kịp thời.
Tóm lại, một số chứng bệnh hay gặp ở trẻ như là hăm tã, chàm, nhiễm trùng tai, viêm da,…Khi có dấu hiệu của các bệnh này bố mẹ không nên tự điều trị mà nên hỏi ý kiến bác sĩ để có những phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Và trẻ 3 tháng tuổi đã có thể nhận thức được nhiều hơn về những hoạt động diễn ra xung quanh chúng. Dưới đây là một số những thay đổi lớn trong quá trình phát triển của trẻ.
>> Xem thêm: 7 bệnh lý ngoài da hay gặp nhất ở trẻ – Nguyên nhân & cách xử trí
4. Các cột mốc quan trọng
4.1. Phát triển nhận thức xã hội
3 tháng tuổi là khi trẻ đã bắt đầu có những nụ cười xã giao với người lớn vì vậy hãy tạo cho trẻ một không khí vui chơi vui vẻ. Thời điểm này bé có thể có các biểu hiện sau:
- Khóc lóc khi kết thúc giờ vui chơi
- Bắt chước những chuyển động hoặc nét mặt của người lớn
- Biểu cảm trên gương mặt thể hiện rõ nét hơn
4.2. Phát triển chức năng vận động nhiều hơn
Khi đến 3 tháng tuổi, khả năng vận động của trẻ đã trở nên linh hoạt hơn. Trẻ có thể:
- Nâng cao đầu và ngực khi nằm sấp
- Tự mở và nắm lòng bàn tay của mình
- Trẻ tự đá hai chân vào nhau khi nằm xuống
- Cố gắng chạm vào những đồ vật đang treo lơ lửng trước mặt
Ở độ tuổi này, một số trẻ còn thích lăn lộn, vì vậy người lớn nên để mắt thường xuyên tới trẻ.
4.3. Phát triển thị giác và thính giác
Đây là thời điểm mà khả năng nghe, nhìn của trẻ đã trở nên nhạy cảm hơn với những việc diễn ra xung quanh, cụ thể:
- Bé đưa mắt theo các đồ vật hoặc những người đang di chuyển
- Bé nhìn kỹ hơn vào khuôn mặt của người khác
- Nhận ra những người hoặc những đồ vật quen thuộc ở khoảng cách xa
- Có thể phát ra các nguyên âm
- Hướng sự chú ý đến những nơi có âm thanh, tiếng ồn
- Có khả năng bắt chước một số tiếng ồn và âm thanh
4.4. Giấc ngủ
Trẻ sơ sinh không có chu kỳ giấc ngủ đều đặn cho đến 6 tháng tuổi. Ở 3 tháng tuổi trẻ thường ngủ khoảng 14 đến 16 tiếng mỗi ngày và thường thức dậy sau mỗi 2-4 giờ để ăn. Nhiều trẻ sơ sinh từ 3 đến 6 tháng tuổi có thể ngủ liên tục 6 đến 8 tiếng vào ban đêm nhưng cũng có một số trẻ chúng có thể quấy khóc vào ban đêm hoặc thức suốt đêm.
Một số dấu hiệu khi trẻ buồn ngủ mà bố mẹ có thể quan sát được:
- Dụi mắt
- Quấy khóc
- Muốn bú ngay cả khi chúng không thực sự thấy đói
4.5. Dinh dưỡng
Sữa mẹ vẫn là nguồn thức ăn tốt nhất cho sự phát triển của bé 3 tháng tuổi. Theo các chuyên gia thì nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu đời và có thể cho trẻ bú đến 12 tháng tuổi.
Trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi có thể bú nhiều lần trong ngày, phổ biến là từ 3 đến 4 tiếng một lần. Thông thường trẻ thường bú khoảng 120 ml sữa mẹ hoặc sữa công thức trong mỗi lần bú.
Tóm lại, đây là giai đoạn mà nhận thức xã hội của bé đã phát triển hơn, khả năng nghe, nhìn, vận động cũng trở nên linh hoạt. Ngoài ra, trẻ có thể ngủ nhiều hơn vào ban đêm và chế độ ăn của trẻ cũng nhiều hơn, trẻ bú khoảng 120ml trong một lần bú.
Vào thời điểm trẻ có nhiều sự thay đổi về thể chất và tinh thần như vậy thì việc chăm sóc trẻ 3 tháng tuổi cũng vô cùng quan trọng. Bố mẹ có thể lưu ý một số điều dưới đây để quá trình chăm sóc trẻ được tốt hơn.
>> Xem thêm: Nuôi con bằng sữa mẹ – Tổng kết những lợi ích tuyệt vời
5. Cách chăm sóc trẻ 3 tháng tuổi
Vào thời điểm bé 3 tháng tuổi bố mẹ nên tập trung chăm sóc trẻ ở những khía cạnh sau đây:
Giấc ngủ
Các bác sĩ nhi khoa khuyên nên đặt bé nằm ngửa trong độ tuổi này và cho trẻ ngủ trong không gian riêng. Việc nằm ngửa sẽ làm giảm nguy cơ mắc hội chứng đột tử khi ngủ ở trẻ sơ sinh (SIDS).
Không cho trẻ ngậm đồ chơi trong miệng
Đến 3 tháng tuổi là bé đã có thể cho đồ chơi vào miệng, vì vậy bố mẹ cần phải chú ý nhiều đến trẻ, tránh để trẻ nuốt phải những đồ chơi nhỏ có thể sẽ gây hóc, ngạt thở.
Để mắt tới con nhiều hơn
Thời điểm này bé đã có thể ngọ nguậy nhiều hơn, khi đặt chúng trên giường rất có thể chúng sẽ ngọ nguậy và rơi xuống đất, do đó người lớn nên thường xuyên để mắt đến trẻ khi trẻ nằm trên giường.
Nhiệt độ nước tắm
Khi tắm cho trẻ nên giữ nhiệt độ của nước không vượt quá 48,9 độ C để tránh gây bỏng.
Kích thích sự phát triển của trẻ
Ca hát và trò chuyện sẽ giúp cho não của trẻ hoạt động nhiều hơn. Dưới đây là một số cách mà người lớn có thể thử để giúp trí tuệ của trẻ phát triển hơn:
- Bố mẹ có thể sử dụng các tông giọng khác nhau khi nói
- Hãy kể một câu chuyện hay một bài đồng giao, chèn thêm tên của bé vào câu chuyện để bé quen dần với âm điệu và các tình huống khác nhau.
- Bố mẹ có thể đưa con đi du lịch để não bộ của trẻ phát triển hơn. Khi đi ra ngoài bé có thể quan sát cảnh vật xung quanh, thấy lá cây chuyển động và chim bay sẽ khiến chúng thích thú hơn.
Tạo ra các trò chơi vui nhộn cho trẻ
Giờ đây bé có thể sử dụng bàn tay của chúng nhiều hơn, vì thế bố mẹ có thể tạo ra một số trò chơi để bé luyện tập sự linh hoạt của bàn tay. Ví dụ, mẹ hãy cho bé nằm sấp và lăn quả bóng lại gần người bé, khi đó bé sẽ phối hợp cử động của tay và mắt để lấy được quả bóng.
Dần huấn luyện bé vào khuôn mẫu nhưng không quá khắt khe
Ví dụ, nếu bé bú nhiều hơn số lần mà mẹ mong muốn thì hãy đánh lạc hướng chúng bằng một bài hát, một món đồ chơi,… để kéo dài khoảng thời gian giữa các bữa ăn. Hoặc nếu con ngủ gật trong khi chưa bú xong thì hãy đánh thức chúng dậy bú tiếp cho đến no.
>> Xem thêm: 15 tips mách mẹ giúp bé ngủ nhanh và sâu giấc
6. Tổng kết
Ở thời điểm 3 tháng tuổi bé sẽ có sự thay đổi rõ rệt trong khả năng vận động và việc nhận thức về môi trường xung quanh như là cười với mọi người, chân tay của trẻ vận động được nhiều hơn,… Vì vậy bố mẹ cần để mắt đến bé nhiều hơn, chú ý đến thời gian ăn ngủ của trẻ và cần tạo cho trẻ một môi trường vui chơi và giáo dục lành mạnh để trí tuệ của trẻ được phát triển tốt nhất.
Mọi chi tiết thắc mắc xin liên hệ HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.