Trong những tháng đầu đời, bé phát triển các kỹ năng tiền thân, chẳng hạn như ngẩng cao đầu, đẩy cẳng tay lên trong thời gian nằm sấp và tăng cường cơ bụng khi vươn chân. Sức mạnh của cơ cổ, ngực, lưng, bụng và chân trong vài tháng qua sẽ tạo tiền đề để bé ngồi vững trong tương lai. Vậy Trẻ mấy tháng biết ngồi? Có những cách gì để giúp bé tập ngồi? Mời các bạn cùng tìm hiểu bài viết sau!
Mục lục
- 1. Trẻ mấy tháng biết ngồi? Khung thời gian trẻ biết ngồi
- 2. Các biểu hiện cho thấy trẻ đang tập ngồi
- 3. 5 mẹo giúp bé tự ngồi
- 4. Các động tác ngồi chuẩn không ảnh hưởng đến cột sống
- 5. Các động tác ngồi sai mẹ cần lưu ý
- 6. Chế độ dinh dưỡng trong thời gian trẻ tập ngồi
- 7. Trẻ tập ngồi muộn có sao không?
- 8. Xử trí như thế nào khi trẻ tập ngồi muộn?
1. Trẻ mấy tháng biết ngồi? Khung thời gian trẻ biết ngồi
Thông thường, trẻ sơ sinh bắt đầu tập ngồi vào khoảng 4 – 7 tháng tuổi . Tới 8 tháng tuổi, bé có thể tự ngồi dậy mà không cần sự hỗ trợ.
2. Các biểu hiện cho thấy trẻ đang tập ngồi
Khi được 3 – 4 tháng tuổi, sức mạnh của cơ cổ và đầu của bé tăng cường nhanh chóng.
- Đầu tiên, bé sẽ học cách ngẩng đầu khi nằm sấp.
- Sau đó, chúng sẽ tìm cách chống người lên bằng cánh tay và giữ ngực khỏi sàn, giống như tư thế chống đẩy.
- Dần dần, trong 3 tháng tiếp theo (khoảng 6 – 7 tháng tuổi), trẻ có thể ngồi trong vài giây mà không cần trợ giúp, tuy nhiên trong giai đoạn này, bạn nên đặt gối ở bao quanh trẻ để đề phòng té ngã.
- Đến khoảng 8 tháng tuổi, hệ cơ và xương của bé vững chắc hơn, điều này giúp bé tự ngồi dễ dàng.
3. 5 mẹo giúp bé tự ngồi
Điều quan trọng để bé phát triển kỹ năng ngồi là cơ cổ, lưng, bụng, mông của bé phải khỏe. Khi đó, bé có thể tự ngồi vững và giữ thăng bằng. Sau đây là một số mẹo để giúp bé tự ngồi dễ dàng:
3.1. Tập cho bé nằm sấp
Ngay từ khoảng 3 tháng tuổi, mẹ hãy dành thời gian mỗi ngày để bé nằm sấp. Nếu bé tỏ ra khó chịu với điều này, mẹ có thể giảm tần suất và chia thành nhiều lần, mỗi lần khoảng vài phút để bé quen dần. Thời gian nằm sấp rất quan trọng để tăng cường các cơ duỗi cổ, cho phép trẻ giữ đầu thẳng. Nó cũng cải thiện sức mạnh ở cánh tay, bàn tay, các ngón tay và khuỷu tay khi chống đỡ một phần cơ thể khi nằm.
Điều này luyện tập cho các cơ được khỏe để giúp trẻ ngồi dậy, bò, cũng như cầm nắm các đồ vật xung quanh. Hãy làm theo các hoạt động và lời khuyên hữu ích dưới đây để giúp con bạn hứng thú hơn với thời gian nằm sấp.
Sử dụng đồ chơi bắt mắt gần với bé
Đồ chơi bắt mắt hay phát ra tiếng động giúp bé thích thú hơn khi nằm sấp, điều này giúp bé nằm được lâu hơn. Nếu em bé của bạn dưới 2 tháng, khoảng cách tốt nhất để bé nhìn thấy là cách mặt bé khoảng 25 – 30 cm. Nếu trẻ vẫn không thể ngóc đầu lên được, hãy đặt đồ vật ngang mặt để trẻ có thể nhìn thấy.
Tăng cấp độ cho bài tập:
Bạn có thể đặt bé nằm sấp trên giường hoặc trên so-pha, còn bạn ngồi dưới sàn. Trong lúc đó, hãy nói chuyện với bé hoặc đặt món đồ chơi mà bé yêu thích ở trước mặt để bé có thể thực hiện bài tập này lâu nhất có thể.
Đặt bé ngồi trên các mặt phẳng (có bề mặt cứng, ổn định) khi bắt đầu tập ngồi
Khi cho bé ngồi thử, bạn nên đặt bé trên bề mặt phẳng và cứng, chẳng hạn như sàn gỗ cứng hoặc sàn gạch, thảm xốp hoặc thảm. Điều này sẽ giúp bé tập cách thăng bằng tốt hơn. Khi sức mạnh của cơ và sự thăng bằng phát triển hơn, hãy thử thách bé bằng cách đặt chúng ngồi trên bề mặt mềm hơn, có độ lún nhẹ chẳng hạn như trên giường, gối hoặc đi-văng. Việc này làm cho các cơ của trẻ hoạt động mạnh hơn rất nhiều để chúng có thể ngồi trên những bề mặt không ổn định.
Cho bé ngồi vào lòng bạn và giảm dần sự hỗ trợ này
Trong giai đoạn 6 – 7 tháng tuổi, bé đã có khả năng ngồi trong khoảng 1 – 2 giây, bạn nên đặt bé trong lòng và khoanh chân của mình lại, trong khi bé vẫn ngồi trên sàn. Chúng ta nên làm như vậy bởi sự hỗ trợ từ phía sau của bạn sẽ giúp bé có điểm tựa khi ngồi, đồng thời bạn có thể dễ dàng chỉnh lại tư thế khi bé cong vẹo hay “đổ” người do các cơ chưa thực sự khỏe. Khi thấy bé ngồi vững hơn trước, bạn chỉ nên giữ phần hông của bé, việc này đang tập cho trẻ tự ngồi khi không có bất kì sự trợ giúp nào.
3.2. Sử dụng gối Boppy có thể là một cách hay để giúp bé ngồi
Điều thú vị ở chiếc gối Boppy này là chúng được sử dụng với nhiều chức năng. Ngoài một chiếc gối để cho con bú, các mẹ có thể sử dụng để bé tập nằm sấp hay tập ngồi.
- Khi tập nằm sấp, hãy đặt bé nằm úp trên gối, tại đoạn vòng cung của gối Boppy. Cách này có thể giúp bé thoải mái hơn khi nằm sấp.
- Trong giai đoạn bắt đầu tập ngồi: hãy quấn gối Boppy quanh thân của bé. Độ cao hợp lý của chiếc gối là trên hông của trẻ. Gối Boppy giống như điểm tựa phía sau hỗ trợ bé ngồi vững. Dù được hỗ trợ nhưng việc tập ngồi của bé vẫn hiệu quả do các cơ duỗi ở phần lưng và bụng hoạt động để giữ người bé được thẳng. Ngoài ra, bạn có thể đặt 1 chiếc gối nhỏ ở trước mặt bé để phòng trường hợp bé ngã nhoài ra trước.
3.3. Treo đồ chơi cho bé với
Cách này đem lại cho bé thời gian vui vẻ hơn khi tập ngồi. Bạn có thể cầm đồ chơi trước mặt bé và để bé với lấy. Vị trí đặt đồ chơi nên ngang tầm mắt của bé. Việc đặt đồ chơi ở dưới sàn khi bé ngồi dễ khiến trẻ mất thăng bằng khi nhìn xuống. Đồng thời, bạn đừng quên theo dõi trẻ để tránh bé bị ngã xuống sàn.
3.4. Kéo bé ngồi dậy
Bài tập này có thể được thực hiện trong khi em bé đang nằm ngửa. Thời điểm tuyệt vời mà bạn làm điều đó vào mỗi lần thay tã cho bé. Cách thực hiện rất đơn giản:nắm lấy tay trẻ và từ từ kéo trẻ lên vị trí ngồi (có đỡ người con). Hoạt động này giúp bé phát triển cơ cổ và cơ bụng khi bé phải co cơ để ngồi dậy. Bạn nên bắt đầu làm điều này khi bé được 3 – 4 tháng tuổi, ngay khi chúng có thể tự ngẩng cao đầu.
3.5. Không nên để bé phụ thuộc vào các dụng cụ hỗ trợ khi tập ngồi
Các dụng cụ hỗ trợ như ghế bumboo và cầu nhảy…là nơi tuyệt vời để bé nhìn mọi thứ xung quanh từ tư thế thẳng đứng. Tuy nhiên, chúng lại không thực sự hữu ích trong giai đoạn bé tập ngồi. Thực tế, việc sử dụng các dụng cụ này khiến các cơ của bé không được vận động nhiều. Ví dụ, bạn sẽ nhận thấy em bé của bạn cúi xuống hoặc ngả vào các thành bên của các thiết bị này, do cơ cổ, lưng, bụng của bé còn yếu nên bé chưa thể giữ người trong tư thế thẳng đứng. Thay vì phụ thuộc vào những dụng cụ hỗ trợ này, bạn nên dành nhiều thời gian hơn để bé tự xây dựng sức mạnh của cơ với cái tư thế như nằm sấp, nằm ngửa, lăn hay ngồi giữa hai chân bạn.
4. Các động tác ngồi chuẩn không ảnh hưởng đến cột sống
Ngoài việc quan tâm rằng mấy tháng trẻ biết ngồi, mẹ cần chú ý tới cách ngồi đúng để không ảnh hưởng tới cột sống của trẻ:
- Ngồi trên mặt đất với chân của bé thẳng về phía trước (hoặc mở ra theo hình chữ V). Đứa trẻ có thể đặt cuốn sách tranh trên đùi khi đọc. Vị trí ngồi này là thích hợp nhất cho trẻ.
- Ngồi thành vòng tròn: Ngồi trên mặt đất, lòng bàn chân trái và phải chạm vào nhau tạo thành vòng tròn.
5. Các động tác ngồi sai mẹ cần lưu ý
Trong giai đoạn đầu đời, cột sống của bé còn yếu, vì vậy trẻ dễ bị gù lưng hoặc chân vòng kiềng nếu có tư thế ngồi sai. Sau đây là một số tư thế ngồi sai mà mẹ nên điều chỉnh cho bé:
Ngồi gù lưng
Ngồi gù lưng tức là lưng không thẳng, đầu và cổ có xu hướng nghiêng về phía trước. Nhiều bé sử dụng tư thế này khi chơi đồ chơi. Đối với trẻ sơ sinh, tư thế này sẽ có phần lưng thấp hơn, bé thoải mái hơn và việc chơi với đồ chơi cũng dễ dàng hơn. Nhưng thực tế, nếu duy trì tư thế này trong thời gian dài, áp lực lên chi dưới sẽ tăng lên và cột sống không được chắc khỏe. Khi vận động nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của chân, cũng như lưng bị cong bất thường tạo thành bướu.
Tư thế ngồi chữ W:
Một số bé hay dùng tư thế này trong giai đoạn đầu tập bò hoặc tập ngồi. Tư thế này được hiểu là bé ngồi xuống nhưng má trong của bàn chân và cẳng chân chạm xuống sàn, chĩa ra đằng sau tạo thành hình chữ W. Tư thế ngồi này có thể giúp bé dễ dàng cầm nắm thăng bằng và trông rất dễ thương. Vì vậy, hầu hết các bậc cha mẹ sẽ không nhận ra sự quan trọng của việc sửa tư thế này.
Tuy nhiên, tư thế này sẽ cản trở sự phát triển xương và ảnh hưởng tới dáng đi của bé sau này. Cụ thể:
- Khi trẻ ngồi trên mặt đất ở tư thế “W”, khung xương chậu mở rộng ra ngoài, lâu ngày khớp gối quay ra ngoài dễ làm tăng góc xoay trong của xương đùi. Những đứa trẻ như vậy thường có chân vòng kiềng, khiến dáng đi trở nên không đẹp.
- Ảnh hưởng đến cảm giác cân bằng của trẻ: Khi tập ngồi, việc giữ thăng bằng của bé rất quan trọng. Nó giúp bé có thể ngồi vững mà không bị ngã ra trước, sau hoặc hai bên. Với những bé hay ngồi tư thế “W”, hai chân chống đỡ hoàn toàn thân trên, bé không cần tự mình điều chỉnh, cho nên cảm giác thăng bằng không được hoàn thiện, sau này trọng tâm cũng không vững.
- Tư thế này khiến cho mông luôn bị ép ra phía trước, khiến cột sống bị cong vào trong rất nhiều, chúng ta thường gọi là bệnh gù lưng.
Tư thế quỳ
Một tư thế hay gặp mà các mẹ nên sửa cho bé là tư thế quỳ, nghĩa là bé ngồi lên gót chân. Giữ tư thế này lâu ngày, chân bị dồn nén sẽ khiến khớp gối bị hao mòn, khí huyết ở chi dưới không được lưu thông do phải chịu nhiều áp lực của phần thân trên đè lên. Đây là lý do tại sao một số trẻ sơ sinh bị hoa mắt và chóng mặt khi đứng lên.
6. Chế độ dinh dưỡng trong thời gian trẻ tập ngồi
Bên cạnh việc luyện tập hàng ngày, chế độ dinh dưỡng cho bé cũng rất quan trọng trong giai đoạn bé tập ngồi. Chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và cân bằng giúp bé có một cơ thể khỏe mạnh, mà từ đó, bé có được sự phát triển bình thường. Nếu bé ăn thiếu chất, cơ thể trở nên gầy yếu và không đủ sức để vận động (như ngồi, bò, chơi đùa). Một số chất dinh dưỡng quan trọng như sắt, canxi, kẽm, vitamin D đặc biệt cần thiết trong giai đoạn bé tập ngồi. Bởi những vitamin và khoáng chất này tạo hệ xương chắc khỏe cho bé. Điều này giúp cột sống của bé vững chắc hơn khi bé tập ngồi.
- Khi bé dưới 6 tháng tuổi, khuyến khích các mẹ cho trẻ bú thường xuyên. Sữa mẹ rất giàu chất dinh dưỡng như canxi, sắt, kẽm… cùng các kháng thể để giúp bé luôn khỏe mạnh. Ngay từ những tuần đầu sau sinh, bạn nên cho trẻ tắm nắng từ 10-15 phút trước 9 h sáng để bổ sung vitamin D cho bé.
- Với trẻ trên 6 tháng tuổi, trẻ sơ sinh cần nhiều dinh dưỡng hơn để khôn lớn. Đây cũng là thời gian thích hợp để bé làm quen với chế độ ăn dặm, với nguồn dinh dưỡng phong phú từ thực phẩm. Hãy đảm bảo chế độ ăn của trẻ có đầy đủ các nhóm chất như tinh bột, chất béo, đạm, vitamin và khoáng chất, đặc biệt là chế độ ăn giàu sắt, vitamin D và canxi.
- Trung bình mỗi ngày bé từ 7 – 12 tháng tuổi cần khoảng 11 mg sắt, 260 mg canxi và 400 IU vitamin D. Các vitamin và khoáng chất này kết hợp với nhau để hỗ trợ xương chắc khỏe và nhiều hệ thống cơ thể đang phát triển. Bên cạnh việc tắm nắng hàng ngày cho trẻ, trong chế độ ăn bổ sung cần chú ý thức ăn giàu canxi và các khoáng chất như tôm, cua, cá, trứng, rau xanh, đậu, sữa, và chế phẩm từ sữa. Chú ý cho trẻ ăn đủ chất béo để hấp thu vitamin D, MK7 và các vitamin tan trong dầu để trẻ phát triển tốt.
7. Trẻ tập ngồi muộn có sao không?
Nhiều cha mẹ cảm thấy lo lắng và bối rối khi bé cưng nhà mình vẫn chưa ngồi được, trong khi đó những đứa trẻ khác đã ngồi vững vàng. Mẹ thắc mắc chính xác bé mấy tháng biết ngồi? Con mình có đang gặp vấn đề sức khỏe nào không?
Để trả lời cho câu hỏi mấy tháng bé biết ngồi thì mỗi bé có tốc độ phát triển khác nhau, có thể sớm và cũng có thể muộn, vì thế mẹ không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu bé 4 tháng tuổi vẫn không thể giữ đầu lên cũng như không dùng tay để chống đỡ hay sang tháng thứ 9 vẫn không thể ngồi, mẹ cần đưa bé đi gặp bác sĩ để được tư vấn thêm. Lưu ý: Những bé sinh non có thể sẽ phát triển chậm hơn so với trường hợp bình thường.
Việc bé ngồi muộn có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ. Bé tập ngồi vững vàng sẽ tạo tiền đề để bé bước sang giai đoạn tập bò, đứng và tập đi sau này. Nếu bé có biểu hiện tập ngồi muộn, rất có thể các giai đoạn phát triển sau sẽ bị chậm lại. Thêm vào đó, khoảng 6 – 7 tháng tuổi là giai đoạn ăn dặm – bé chuyển từ thức ăn dạng lỏng sang thức ăn đặc hơn. Việc ngồi vững trong giai đoạn này sẽ giúp bé tránh khỏi nguy cơ bị nghẹn thức ăn.
8. Xử trí như thế nào khi trẻ tập ngồi muộn?
Nếu bé có biểu hiện tập ngồi muộn, mẹ nên rèn luyện cho bé các bài tập đã nêu ở trên như tập nằm sấp, tập ngồi chơi đồ chơi với sự hỗ trợ của gối Boppy hoặc của chính bạn… Trường hợp điều này không cải thiện, bạn nên đưa trẻ đi khám bác sĩ. Bởi rất có thể, đó là dấu hiệu cho thấy bé chậm phát triển khả năng vận động. Một số biểu hiện kèm theo mà bạn có thể nhận biết là:
- Tay chân mềm hoặc cứng hơn bình thường.
- Các chuyển động, động tác của bé yếu
- Đưa tay không thường xuyên
- Khả năng nâng và giữ đầu kém
- Ít khi với theo đồ vật, không cầm, nâng cao hoặc đưa đồ vật lên miệng.
Tóm lại:
Thông thường, trẻ từ 4 – 7 tháng tuổi đã bắt đầu tập ngồi. Để hỗ trợ bé trong giai đoạn này, bạn có thể tạo điều kiện cho trẻ rèn luyện sức mạnh cơ bằng cách tập co bé nằm sấp, đặt bé ngồi với sự trợ giúp ban đầu và giảm dần việc hỗ trợ…Với những trẻ tập ngồi muộn, bạn nên áp dụng lại những cách trên để bé quen dần. Nếu không cải thiện, bạn nên đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được khám và tư vấn kịp thời.
Mọi chi tiết thắc mắc xin liên hệ HOTLINE 1900 9482 hoặc 09 6762 9482