6 tháng tuổi là một trong những cột mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển rõ rệt của trẻ cả về thể chất, cảm xúc và kỹ năng. Bài viết dưới đây sẽ giúp ba mẹ hiểu thêm về những thay đổi cũng như sự phát triển của trẻ 6 tháng tuổi và những điều cần lưu ý để giúp ba mẹ có những chuẩn bị tốt nhất, giúp bé yêu phát triển khỏe mạnh.
Mục lục
1. Sự phát triển của trẻ 6 tháng tuổi
Trẻ 6 tháng tuổi bắt đầu muốn tự làm quen, tiếp xúc với thế giới xung quanh do đó ở độ tuổi này cơ thể của bé sẽ có rất nhiều thay đổi. Cụ thể như sau:
1.1. Về giấc ngủ của trẻ
Ở giai đoạn này phần lớn trẻ 6 tháng tuổi có thể ngủ xuyên đêm và có thêm vài giấc ngủ ngắn vào ban ngày. Tuy nhiên, trong một số trường hợp trẻ ngủ không yên giấc và thức giấc nhiều lần trong đêm, điều này có thể là do trẻ có những thay đổi về cơ thể như: trẻ bắt đầu mọc răng làm trẻ đau hoặc cơ thể phát triển nhanh khiến trẻ đói thường xuyên hơn làm trẻ thức giấc.
Ngoài ra ở độ tuổi này trẻ đã bắt đầu biết lật và nằm sấp khi ngủ, đây là thói quen không tốt cho hô hấp và hoạt động chức năng của cơ thể trẻ. Vì vậy, ba mẹ cần theo dõi, quan sát trẻ để giúp trẻ khắc phục thói quen này.
1.2. Sự phát triển giác quan của trẻ 6 tháng tuổi
Khi bé 6 tháng tuổi các giác quan trở nên nhạy bén hơn. Cụ thể là:
Thị giác
Khi được 6 tháng tuổi thị giác của bé trở nên sắc nét, rõ ràng hơn, trẻ có thể nhìn xa hơn và bắt đầu chú ý đến các chi tiết. Bên cạnh đó, trẻ cũng bắt đầu có nhận thức và cảm xúc với các màu sắc khác nhau. Đặc biệt, trẻ sẽ nhận biết được khuôn mặt của mọi người xung quanh, do đó trẻ vui vẻ hơn khi nhìn thấy những người thân thiết ở bên cạnh.
Thính giác
Em bé 6 tháng tuổi sẽ bắt đầu nhận biết được các âm thanh và giọng nói quen thuộc. Như khi nghe thấy giọng nói của ba mẹ bé sẽ mỉm cười, vui vẻ hay khi nghe thấy một âm thanh mới hay một tiếng động lớn bé sẽ quay đầu về hướng phát ra âm thanh đó để xem chuyện gì đang xảy ra.
Xúc giác
Trước kia khi còn là trẻ sơ sinh, trẻ nhút nhát khi phải chạm, tiếp xúc với những vật lạ, trẻ cảm thấy an tâm khi tiếp xúc với ba mẹ. Nhưng khi được 6 tháng tuổi trẻ sẽ cảm thấy hứng thú, quan tâm đến thế giới xung quanh hơn. Trẻ thích cầm nắm, chạm vào các vật thể khác nhau để trải nghiệm, khám phá và biết thêm về chúng.
Khứu giác và vị giác
Khứu giác và vị giác của em bé 6 tháng tuổi phát triển nhanh và nhạy cảm hơn. Trẻ có thể phân biệt được nhiều mùi và vị khác nhau. Trẻ có xu hướng tìm kiếm mùi hương quen thuộc của ba mẹ hay mùi sữa mẹ để thấy an tâm hay vui vẻ hơn. Bên cạnh đó, vị giác phát triển giúp bé phân biệt được vị khác nhau của món ăn, do đó trẻ có thể từ chối ăn những món mà trẻ không thích, trẻ biểu hiện nhăn mặt, không chịu ăn hay quấy khóc…
1.3. Sự phát triển về kỹ năng của trẻ 6 tháng tuổi
Bên cạnh những thay đổi về các giác quan thì các kỹ năng của trẻ 6 tháng tuổi cũng có nhiều sự phát triển rõ rệt
Kỹ năng vận động
Sau 6 tháng tăng trưởng và phát triển, các cơ của trẻ khỏe hơn nhiều so với lúc mới sinh. Trẻ cứng cáp hơn vì vậy trẻ 6 tháng tuổi cũng phát triển nhiều kỹ năng vận động như:
- Trẻ có thể tự ngồi mà không cần hỗ trợ của người lớn hay vật dụng hỗ trợ.
- Trẻ có thể tự ngẩng đầu và nhìn xung quanh.
- Trẻ lăn qua lăn lại dễ dàng.
- Trẻ bắt đầu cố gắng tập bò.
- Trẻ cố gắng bám, vịn vào 1 vật gì đó để đứng lên, có xu hướng dồn trọng lượng cơ thể vào chân.
- Trẻ chuyển từ cầm, nắm đồ vật bằng cả bàn tay sang cầm bằng ngón tay
Kỹ năng ngôn ngữ
Trẻ 6 tháng tuổi dù chưa thể nói hoàn chỉnh nhưng ngôn ngữ bắt đầu trở nên rõ ràng và tinh vi hơn. Trẻ có thể bập bẹ nói các nguyên âm như “a”, “o” hay phụ âm cơ bản như “b”, “m”, “d” với các âm điệu và độ cao khác nhau. Do đó ba mẹ có thể hát hay đọc truyện bằng cách nhấn mạnh các nguyên âm, phụ âm để giúp trẻ tiếp thu và phát triển ngôn ngữ ở độ tuổi này.
2. Những dấu hiệu bất thường ở trẻ 6 tháng tuổi
Bên cạnh sự phát triển bình thường của trẻ thì đôi khi 1 số trẻ khi được 6 tháng tuổi lại có 1 số dấu hiệu bất thường hay chậm phát triển. Một số dấu hiệu bất thường ở bé 6 tháng tuổi mà ba mẹ cần quan tâm như:
- Trẻ không thể tự chống đỡ sức nặng đầu của mình: trẻ 6 tháng tuổi các cơ của trẻ đã phát triển tương đối khỏe mạnh vì vậy việc trẻ không thể tự ngẩng đầu nhìn xung quanh mà phải nhờ sự giúp đỡ của ba mẹ hay bất kỳ vật chống đỡ nào cho thấy việc chậm phát triển về mặt thể chất của trẻ.
- Trẻ không phản hồi với âm thanh, giọng nói của mọi người hay tiếng ồn lớn là dấu hiệu của vấn đề liên quan tới thính giác của trẻ.
- Trẻ không nhận ra khuôn mặt của ba mẹ và người thân thiết: cho thấy những vấn đề về nhận thức và thị giác của trẻ.
- Trẻ 6 tháng tuổi chưa thể nói từ hoàn chỉnh nhưng có thể bập bẹ được các nguyên âm, phụ âm cơ bản hay trẻ cố bắt chước âm thanh trẻ nghe được vì vậy khi thấy trẻ chưa có kỹ năng này ba mẹ nên quan tâm đến khả năng nhận thức về mặt ngôn ngữ của trẻ.Tuy nhiên, ba mẹ cũng không cần quá lo lắng, trong nhiều trường hợp trẻ có thể phát triển ngôn ngữ chậm hơn ở những giai đoạn sau đó và không ảnh hưởng tới sức khỏe, nhận thức, trí tuệ của trẻ.
3. Những điều cần làm để bé 6 tháng tuổi phát triển tốt
Một trong những câu hỏi hay gặp nhất của ba mẹ khi bé ở bất kỳ độ tuổi nào đó là: “Cần làm gì/phải làm gì để bé phát triển tốt, khỏe mạnh?”. Đối với trẻ 6 tháng tuổi ba mẹ nên chú ý 1 số điều sau:
3.1. Tiêm phòng cho trẻ
Khi trẻ được 6 tháng tuổi, cần cho trẻ tiêm phòng hay tiêm nhắc lại 1 số vacxin như: Vacxin rota virus, bạch hầu, uốn ván, ho gà, HIB, cúm, bại liệt để giúp trẻ phòng tránh bệnh tốt nhất.
» Xem thêm: [Tổng hợp] Thời điểm và các loại vacxin cần tiêm cho trẻ
3.2. Xây dựng chế độ ăn hợp lý cho trẻ
Bên cạnh sữa mẹ, ba mẹ có thể bổ sung thêm các vitamin, khoáng chất và axit béo cho trẻ 6 tháng tuổi từ những bữa ăn dặm ngoài việc giúp bé tập làm quen với thức ăn rắn, còn giúp thúc đẩy sự phát triển của não và thần kinh, tăng cường chức năng miễn dịch và phát triển các cơ quan của trẻ.
Ngoài ra, mặc dù hệ tiêu hóa của trẻ 6 tháng tuổi đã tốt hơn nhưng vẫn chưa hoàn thiện vì vậy cần lưu ý đến thực đơn cho bé 6 tháng tuổi. Ba mẹ nên bắt đầu từ những thực phẩm đơn giản, dễ tiêu hóa mà vẫn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng tốt cho bé như ngũ cốc, hoa quả, rau củ. Một số loại rau củ quả như cà rốt, khoai lang giúp bổ sung vitamin A; rau xanh, chuối, đậu chứa nhiều vitamin B; cà chua, dâu tây cung cấp vitamin C và các loại ngũ cốc giúp bổ sung vitamin E… Bên cạnh đó, ba mẹ cũng cần lưu ý không nên cho trẻ ăn quá nhiều ngay khi bắt đầu ăn dặm, nên cho trẻ ăn một ít thức ăn khoảng 1-2 lần trong ngày và tăng dần lượng thức ăn và số lần lên 3-4 lần trong ngày.
>> Xem thêm: Thực đơn ăn dặm cho trẻ 6 tháng tuổi hấp dẫn, dễ hấp thu
3.3. Cho trẻ vận động
Ở độ tuổi này các cơ của trẻ đã cứng cáp hơn, trẻ bắt đầu muốn bò và bám để đứng lên. Do đó, việc tập cho trẻ thói quen vận động thường xuyên sẽ giúp ích rất nhiều trong việc phát triển thể chất, cơ, xương khớp của trẻ. Bên cạnh đó, vận động sẽ giúp trẻ tiêu hao năng lượng và trẻ sẽ ăn ngon miệng hơn. Đặc biệt, cho trẻ vận động thường xuyên còn giúp trẻ năng động,vui vẻ hơn, có lợi trong việc phát triển kỹ năng giao tiếp của trẻ.
3.4. Giao tiếp với trẻ
Vào giai đoạn này của bé, bộ não phát triển rất nhanh, do đó ba mẹ nên nói chuyện, giao tiếp với bé nhiều hơn từ những tình huống nhỏ trong cuộc sống như nói về những gì đang làm khi cho bé ăn hay khi thay tã cho bé, chỉ cho bé biết các màu sắc khi chơi với bé… Bên cạnh đó, kỹ năng ngôn ngữ của bé 6 tháng tuổi cũng bắt đầu phát triển hơn, vì vậy ba mẹ có thể dạy bé nói các từ cơ bản hay tên của bé và ba mẹ. Tất cả những điều này sẽ mang lại rất nhiều lợi ích trong việc phát triển kỹ năng ngôn ngữ và khả năng nhận biết của trẻ.
3.4. Vệ sinh cho trẻ
Khi được 6 tháng tuổi, trẻ có thể bắt đầu xuất hiện một số bệnh về da như: chàm, viêm da tiết bã nhờn, bong tróc da… Vì vậy, việc vệ sinh và bảo vệ da trẻ là rất cần thiết.
Ngoài ra, việc vệ sinh răng miệng cũng rất quan trọng, nhất là khi trẻ bắt đầu ăn dặm. Ba mẹ nên sử dụng bàn chải hay bông mềm để vệ sinh răng miệng cho bé, giúp tránh được các tình trạng như viêm lợi hay các bệnh răng miệng khác, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ.
3.5. Vệ sinh nhà cửa và giữ an toàn cho trẻ
Bé 6 tháng tuổi kỹ năng vận động và cảm giác phát triển rất nhanh, bé hiếu động hơn và thích khám phá thế giới xung quanh. Vì vậy vệ sinh nhà cửa sạch sẽ và giữ an toàn cho trẻ với các đồ vật nguy hiểm trong nhà như các vật sắc nhọn, ổ điện… giúp bảo vệ bé an toàn, tạo cho trẻ 1 môi trường tốt để vui chơi và phát triển.
Tiêm phòng cho trẻ, xây dựng chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, giao tiếp với trẻ, cho trẻ vận động thường xuyên, giữ vệ sinh cho trẻ và môi trường xung quanh là những điều cần thiết giúp bảo vệ bé phát triển khỏe mạnh, vui vẻ.
4. Tổng kết
Sự phát triển của trẻ 6 tháng tuổi sẽ mang đến rất nhiều bất ngờ cho ba mẹ. Vì vậy ba mẹ nên có những chuẩn bị tốt nhất cho những thay đổi của trẻ, giúp trẻ phát triển tốt, sẵn sàng cho những giai đoạn tiếp theo trong quá trình trưởng thành của trẻ. Mong rằng bài viết trên đây sẽ giúp ba mẹ có thêm nhiều thông tin hữu ích về sự phát triển và nhu cầu của bé 6 tháng tuổi để có những thay đổi phù hợp, giúp bé phát triển tốt, khỏe mạnh, vui vẻ.
Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ với các chuyên gia của chúng tôi theo HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.
Nguồn tham khảo: