Một chế độ chăm sóc và dinh dưỡng đầy đủ, an toàn, hợp lý cho trẻ sơ sinh luôn là vấn đề được quan tâm của các bậc cha mẹ, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và cả cộng đồng. Bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc của nhiều mẹ liên quan đến việc có nên tắm nắng cho trẻ sơ sinh để sản sinh nguồn vitamin D tự nhiên hay không?
Mục lục
1. Ánh nắng mặt trời và vai trò của chúng với sức khỏe
1.1. Tia UV là gì?
Trong ánh nắng mặt trời, ngoài thành phần ánh sáng trắng nhìn thấy còn có các bức xạ có bước sóng ngắn (200-400nm) không nhìn thấy được gọi là tia UV. Thành phần của tia UV trong ánh nắng chia thành 3 nhóm:
- UV-A (320-400 nm) chiếm tỷ lệ cao nhất trong thành phần tia UV, có thể gây ra sạm da, nguy cơ ung thư da.
- UV-B (290–320 nm) chiếm tỷ lệ nhỏ trong thành phần tia UV, nguy hiểm hơn tia UV-B.
- UV-C (200–290 nm) nguy hiểm nhất nhưng được hấp thụ hầu hết bởi tầng ozon.
1.2. Lợi ích của ánh nắng mặt trời
Việc cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời đúng cách là các giúp bé nhận được nhiều lợi ích to lớn:
- Tổng hợp vitamin D tự nhiên nhờ tia UVB
- Giúp cơ thể khỏe khoắn khi hòa mình với thiên nhiên
- Điều trị một số bệnh da liễu như vảy nến.
Các lợi ích này chủ yếu liên quan đến tác dụng tổng hợp vitamin D của ánh nắng mặt trời.
1.3. Tác hại của ánh nắng mặt trời
Tuy có nhiều lợi ích quan trọng khi cho bé tắm nắng, nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận việc tiếp xúc với ánh nắng sẽ có nhiều nguy hiểm cho bé:
- Ung thư da: Tiếp xúc với ánh nắng là một trong những nguy cơ chính gây ra sự phát triển của khối u ác tính và ung thư da không tế bào hắc tố (NMSC) và nguy cơ này cao hơn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
- Ức chế miễn dịch: thông qua việc kích thích tế bào T sản sinh cytokin IL – 10 ức chế miễn dịch
- Gây ra các bệnh lý về da: lão hóa da, sạm da, cháy da và được coi là một nguy cơ gây ra bệnh lý lupus ban đỏ.
Tuy ánh nắng mặt trời có lợi ích đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tuy nhiên không thể xem nhẹ những tác hại nguy hiểm tiềm tàng khi tiếp xúc với nó. Với những nguy cơ tiềm tàng này được đánh giá là nguy hiểm hơn rất nhiều so với lợi ích nhận được khi tiếp xúc nên không khuyến khích việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để tổng hợp vitamin D. Mặt khác, thiếu hụt về vitamin D hoàn toàn có thể bổ sung qua dinh dưỡng.
2. Vitamin D và 5 vai trò cho sức khỏe của bé
Vitamin D (còn được gọi là “calciferol”) là một loại vitamin tan trong dầu, có trong một số thực phẩm và các thuốc bổ sung vitamin D hoặc được tổng hợp nhờ tia UVB trong ánh nắng.Tất cả nguồn vitamin D từ thực phẩm cũng như được tổng hợp từ ánh nắng đều trơ về mặt sinh học và phải trải qua hai lần hydroxyl hóa lần lượt tại gan và thận để trở thành dạng có hoạt tính là 1,25-dihydroxyvitamin D, còn được gọi là “calcitriol”. Vitamin D có nhiều vai trò với cơ thể:
- Giúp xương phát triển khỏe mạnh: Vitamin D thúc đẩy sự hấp thụ canxi ở ruột, duy trì cân bằng nồng độ canxi và photphat trong máu để giúp quá trình khoáng hóa xương diễn ra bình thường. Nếu không có đủ vitamin D, xương có thể trở nên mỏng, giòn hoặc biến dạng.
- Giảm viêm
- Điều chỉnh các quá trình tăng trưởng tế bào, chức năng thần kinh cơ và miễn dịch,
- Tham gia vào chuyển hóa glucose thông qua tác động làm tăng nồng độ insulin máu
- Điều hòa nhiều gen mã hóa protein quy định sự tăng sinh, biệt hóa và quá trình chết tự nhiên của tế bào.
Với vai trò quan trọng như vậy trẻ sơ sinh cần được bổ sung đầy đủ vitamin D hằng ngày.Tuy nhiên thực tế, sữa mẹ sẽ không đủ cung cấp vitamin D cho sự phát triển của trẻ do chỉ cung cấp từ 25-75 IU/L. Do vậy Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến nghị bổ sung 400 UI/ngày cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn ngay sau khi sinh và kéo dài cho đến khi chúng cai sữa và tiêu thụ ít nhất 1 L/ngày sữa công thức.
3. Phân loại vitamin D
Có 2 loại vitamin D chính trong tự nhiên là vitamin D2 và D3.
Khả năng hấp thu của cả hai dạng vitamin D trên là như nhau trên đường tiêu hóa. Sau khi được hấp thu, cả hai dạng vitamin trên đều giúp tăng nồng độ vitamin D. Tuy nhiên người ta chứng minh được rằng với cùng một lượng vitamin D2 và D3 được bổ sung thì vitamin D3 có thể tồn tại lâu hơn và tạo ra dạng hoạt tính sinh học tốt hơn so với vitamin D2. Do vậy, mẹ nên ưu tiên bổ sung các sản phẩm có chứa vitamin D3 cho trẻ.
Sự khác biệt giữa vitamin D2 và D3 còn nằm ở các nguồn thực phẩm cung cấp chúng cho bé, cụ thể:
- Vitamin D2 (ergocalciferol) : chủ yếu được cung cấp nhờ một số loại nấm, sữa công thức và thực phẩm chức năng chứa vitamin D
- Vitamin D3 (cholecalciferol): các thực phẩm cung cấp vitamin D3 chủ yếu là từ động vật tiêu biểu như cá hồi, cá thu, dầu gan cá, gan bò. Ngoài ra còn được cung cấp nhờ một số sản phẩm sữa công thức và thực phẩm bổ sung vitamin D3 và tổng hợp trên biểu bì da nhờ ánh nắng.
Cả hai dạng vitamin trên đều có thể cung cấp dinh dưỡng cho bé tuy nhiên các thực phẩm mẹ nên ưu tiên bổ sung sữa công thức hoặc thực phẩm chức năng cho bé sơ sinh và bổ sung các thực phẩm giàu vitamin D3 có trong các loại cá hồi, cá ngừ, dầu gan cá và thực phẩm chức năng cho bé ăn dặm.
» Xem thêm: [Tổng quan] Vitamin D3: 7 điều mẹ cần biết
4. Có nên tắm nắng cho trẻ sơ sinh?
Theo Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Hoa Kỳ (NCBI) khuyến cáo không cho bé dưới 6 tháng tuổi tiếp xúc với ánh mặt trời dù trực tiếp hoặc gián tiếp để tránh tình trạng tổn thương da. Trẻ tiếp xúc ánh sáng mặt trời càng sớm, tần suất nhiều và lâu có nguy cơ đột biến gen cấu trúc da, khả năng mắc các bệnh tự miễn về da tăng cao (lupus ban đỏ, viêm da cơ địa, ung thư da,…).
Trên thực tế, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cũng tuyên bố rằng “Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng nên tránh ánh nắng trực tiếp càng nhiều càng tốt.”
Theo NCBI có công bố một kết quả nghiên cứu cho thấy 90% trẻ sơ sinh tiếp xúc với ánh nắng gay gắt vào buổi chiều cũng không đủ cung cấp lượng vitamin D cần thiết. AAP cũng tuyên bố rằng “Không nên chủ động tiếp xúc với ánh nắng mặt trời tạo đủ vitamin D”. Tại Úc, chính phủ cũng đưa ra rất nhiều khuyến cáo nghiêm ngặt để bảo vệ bé như “Không đội mũ, không vui chơi”- trẻ em sẽ không được vui chơi ngoài trời nếu không đội mũ.
Các chính phủ đồng thuận rằng nên bổ sung vitamin D thông qua dinh dưỡng hơn là qua việc tiếp xúc với ánh nắng, đặc với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
5. Một số sai lầm mẹ thường mắc phải khi tắm nắng cho trẻ sơ sinh
Những sai lầm của cha mẹ khi tắm nắng cho trẻ sơ sinh
Theo thống kê, lượng vitamin D được sản xuất ra phụ thuộc vào nhiều yếu tố: da trắng hay da màu, thời gian tiếp xúc với ánh nắng vào thời điểm nào trong ngày, vào tháng nào trong năm, ở vĩ độ bao nhiêu. Có một nghiên cứu rất thú vị diễn ra tại Ấn độ khi người dân nước này, kể cả trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh được tiếp xúc với ánh sáng quanh năm nhưng vẫn thiếu hụt phần lớn lượng vitamin D. Từ đây, quan điểm chỉ cần tắm nắng càng lâu, càng nhiều cơ thể sẽ có đủ vitamin D đã được bãi bỏ.
Đây là sai lầm của nhiều cha mẹ khi bôi kem chống nắng cho trẻ hoặc mặc đồ kín cho trẻ ra phơi nắng để tổng hợp vitamin D. Thực tế thì chỉ phần tia UVB có tác dụng tổng hợp vitamin D, mà tia UV lại bị hấp thụ hoặc phản xạ bởi kem chống nắng và quần áo thì sẽ không giúp trẻ tạo vitamin D.
Trẻ sơ sinh có não bộ vô cùng nhạy cảm với nhiệt, nên cần tránh ánh nắng trực tiếp bằng mũ rộng vành mỗi khi ra ngoài.
Theo tiến sĩ Michael F. Holick, Giáo sư Y khoa, Sinh lý học và Sinh lý học tại Trường Y Đại học Boston, tác giả của ‘Giải pháp Vitamin D’ và ‘Lợi ích tia cực tím’, giải thích: “Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời vào buổi sáng sớm và chiều muộn không cung cấp bất kỳ vitamin D nào nhưng lại khiến chúng ta tiếp xúc với bức xạ tia UVA có thể làm thay đổi hệ thống miễn dịch và tăng nguy cơ ung thư da ”. Như vậy việc cho bé tiếp xúc với ánh nắng buổi sáng hoặc buổi chiều tối của nhiều cha mẹ với mong muốn giúp con tổng hợp vitamin D không hợp lý.
Thủy tinh có thể hấp thụ tia UV nên khi cho trẻ ngồi sau cửa kính thì bé không tổng hợp vitamin D.
6. 3 việc mẹ cần làm để giúp bé có lượng Vitamin D đầy đủ nhất
Thiếu vitamin D và còi xương luôn là một vấn đề quan trọng đối với các bác sĩ nhi khoa và các bậc cha mẹ. Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh còi xương ở trẻ em là “thiếu dinh dưỡng”. Sự thiếu hụt dinh dưỡng này không tương đồng với “thiếu tiếp xúc với ánh nắng”. Do vậy các mẹ cần phối hợp cả việc cho con tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và chế độ dinh dưỡng để cung cấp đủ lượng vitamin D cho trẻ. Có hai nguồn giúp bổ sung vitamin D là:
6.1. Cung cấp vitamin D qua thực phẩm (rau, củ, thịt, cá, trứng…):
Thực phẩm chứa vitamin D3 trong thực tế phổ biến nhất là cá hồi, cá ngừ, cá thu trong đó dầu gan cá chứa hàm lượng vitamin D cao. Một số loại nấm chứa vitamin D2. Tuy nhiên hàm lượng vitamin D trong thực phẩm tương đối thấp do vậy cung cấp không đủ cho bé. Đặc biệt với trẻ sơ sinh chưa ăn dặm thì sẽ không được bổ sung vitamin D qua thực phẩm mà chủ yếu bổ sung nhờ nguồn sữa mẹ và sữa công thức. Ngoài ra vitamin D chỉ được hấp thu khi chế độ ăn có dầu mỡ nên cha mẹ nên cung cấp một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng các loại thực phẩm.
6.2. Cung cấp vitamin D qua sữa công thức hoặc thực phẩm chức năng có vitamin D:
Với trẻ không bú mẹ hoặc bú mẹ một phần thì sữa công thức bổ sung vitamin D sẽ là lựa chọn ưu tiên cho bé. Hoa Kỳ bắt buộc bổ sung thêm 40–100 IU/100 calo trong sữa công thức cho trẻ sơ sinh và 40–80 IU/100 calo là lượng bắt buộc ở Canada. Tuy nhiên, do các bé thông thường uống ít sữa, không cung cấp đủ lượng vitamin D cần thiết thì mẹ có thể bổ sung bằng các chế phẩm thực phẩm chức năng bổ sung vitamin D.
6.3. Tiếp xúc với ánh nắng
Tuy biện pháp này không được khuyến khích để cung cấp vitamin D, nhưng trong giai đoạn trưởng thành bé sẽ ít nhiều tiếp xúc với ánh nắng trong quá trình vui chơi hoạt động ngoài trời. Đây sẽ được coi là một con đường cung cấp vitamin tự nhiên cho cơ thể.
7. Khi nào bé có thể bắt đầu tắm nắng và cách tắm nắng sao cho đúng?
7.1. Độ tuổi:
Khuyến cáo của các tổ chức uy tín, bé bắt đầu được tiếp xúc với ánh nắng tối thiểu trên 6 tháng tuổi. Đối với các trường hợp trẻ sinh non, trẻ nhẹ cân thì độ tuổi có thể lâu hơn. Với việc tắm nắng có thể khi bé từ 1-2 tuổi.
7.2. Thời gian tắm nắng:
Thời gian phơi nắng cho con phụ thuộc vào tuổi của bé và mùa trong năm, thời tiết trong ngày. Với những bé lớn tuổi, mẹ cho bé vui chơi ngoài trời, tuy nhiên tối đa không quá 20 phút vào nắng. Mùa đông thời gian này có thể dài hơn. Trong ngày hè, ưu tiên cho trẻ chơi trong bóng dâm hơn là tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng do lúc đó có cả phản ứng nhiệt và UV sẽ tác động lên cơ thể trẻ.
7.3. Không gian
Lựa chọn không gian sạch sẽ không khói bụi, dưới tán cây mát có một phần nhỏ ánh nắng xuyên qua vào ngày hè. Ngày trời gió to, mẹ không nên cho con ra ngoài tắm nắng. Mùa đông có thể cho con phơi nắng trực tiếp.
7.4. Trang phục
Không nên mặc kín, có thể để hở cánh tay và chân của bé. Luôn luôn đội mũ rộng vành để bé và cần thiết thì đeo kính cho bé để bảo vệ mắt.
7.5. Cách phơi nắng
Mẹ cho lần lượt tay và chân, nếu có thể là lưng và ngực của bé tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Mẹ có thể kết hợp cả việc cho con tắm nắng và cho con vui chơi để tăng cường thể chất và tinh thần cho bé. Cần chú ý tới các phản ứng của da bé như đỏ dát hoặc các phản ứng quấy khóc của con khi tắm nắng. Mẹ cũng có thể tăng tương tác với con bằng cách nô đùa hoặc xoa bóp cơ thể cho bé. Không tắm cho bé ngay sau tắm nắng tránh trường hợp bị shock nhiệt
Tổng kết
Tắm nắng cho bé là một trong ba con đường giúp bé tổng hợp vitamin D, tuy nhiên không phải là ưu tiên hàng đầu. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ việc bổ sung đủ lượng vitamin D cho bé là vô cùng quan trọng để trẻ phát triển khỏe mạnh. Mẹ nên xem xét bổ sung cho bé đủ lượng vitamin D thông qua chế độ dinh dưỡng đặc biệt là thực phẩm chức năng bổ sung vitamin D. Hy vọng bài viết trên đây đã giúp cha mẹ có những lựa chọn tốt nhất cho việc bổ sung vitamin D cho trẻ.
» Xem thêm: [TỔNG QUAN] VITAMIN D VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
Mọi chi tiết xin liên hệ theo HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.
Nguồn tham khảo