Rối loạn đại tiện là một tình trạng phổ biến không chỉ ảnh hưởng tới khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng mà còn gây ra những triệu chứng khó chịu cho người bệnh như đau bụng, tiêu chảy, táo bón,… Tình trạng này, nếu không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ. Cùng tìm hiểu nguyên nhân và hướng xử trí khi gặp rối loạn đại tiện qua bài viết sau đây.
Mục lục
1. Rối loạn đại tiện là gì
Rối loạn đại tiện là tình trạng giảm khả năng tiêu hóa thức ăn và hấp thu các chất dinh dưỡng. Do khả năng tiêu hóa thức ăn của ruột suy giảm và cấu trúc giải phẫu của hệ tiêu hóa thay đổi gây cản trở quá trình đại tiện. Rối loạn đại tiện có thể gây nên những biểu hiện tiêu chảy hoặc táo bón, tính chất phân thay đổi. Tình trạng này nếu không được điều trị có thể để lại những biến chứng nguy hiểm cho cơ thể.
2. Nguyên nhân rối loạn đại tràng
Rối loạn đại tràng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như:
- các vi sinh vật xâm nhập
- Suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể
- Chế độ ăn uống không hợp lý
- Do di truyền
Những yếu tố này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý đường tiêu hóa, dẫn đến rối loạn chức năng đại tiện của cơ thể. Một số bệnh lý có thể gây ra tình trạng rối loạn đại tiện như:
Hội chứng ruột kích thích (IBS)
Hội chứng ruột kích thích còn được gọi là viêm đại tràng co thắt là tình trạng rối loạn chức năng đường ruột, tái phát nhiều lần. Tuy nhiên, không tìm thấy bất kỳ nguyên nhân thực thể nào khi xét nghiệm hoặc chụp X quang. Các yếu tố sinh lý và tâm lý có thể là nguyên nhân làm tăng nguy cơ gây hội chứng IBS. Hội chứng này dẫn đến tính trạng
- Đau bụng, đầy hơi, giảm đau sau khi đi đại tiện
- Thay đổi tần suất đi đại tiện có thể táo bón hoặc tiêu chảy
- Chuột rút
>> Xem thêm: Điều trị hội chứng ruột kích thích nên ăn gì? Kiêng gì?
Bệnh Crohn
Crohn là một bệnh viêm ruột mạn tính ở đường tiêu hóa, dẫn đến đau bụng mệt mỏi, tiêu chảy và sụt cân. Bệnh có thể ảnh hưởng đến tất cả các phần của đường tiêu hóa, nhưng phổ biến nhất tại hồi tràng và đại tràng. Nguyên nhân gây bệnh là do di truyền, hút thuốc lá, nhiễm virus hoặc vi khuẩn gây viêm. Bệnh Crohn ban đầu với những viêm nhiễm và áp xe gây nên những tổn thương loét niêm mạc. Biểu hiện ban đầu của những bệnh nhân mắc Crohn:
- Đau bụng, chuột rút
- tiêu chảy mạn tính
- Sốt, mệt mỏi
- Chán ăn, sụt cân
- bụng mềm, sờ thấy chướng bụng hoặc thấy khối.
Bệnh Celiac
Bệnh Celiac là một loại rối loạn tự miễn do nhạy cảm với mảnh gliadin của gluten. Gluten là một protein được tìm thấy trong một số loại ngũ cốc bao gồm cả lúa mì, lúa mạch đen và lúa mạch. Với những bệnh nhân mắc celiac nếu ăn thực phẩm có chứa gluten hệ thống miễn dịch sẽ phản ứng lại bằng cách sẽ tấn công vào lớp màng bên trong ruột non gây ra chứng teo nhung mao màng nhầy ở ruột non. Một số bệnh nhân mắc bệnh không có triệu chứng hoặc có dấu hiệu suy dinh dưỡng. Bên cạnh đó một số người khác có thể xuất hiện tình trạng như:
- Chướng bụng, chán ăn
- Tiêu chảy nhẹ, phân lẫn máu, có mùi tanh,..
Tắc ruột
Tắc ruột là tình trạng tắc nghẽn ruột non và ruột già, có thể tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn ruột. Sự tắc nghẽn này làm giảm khả năng tiêu hóa thức ăn của hệ tiêu hóa gây nên các triệu chứng như:
- Đau bụng tập trung ở quanh rốn và thượng vị
- Tiêu chảy ở người tắc bán phần ruột, táo bón, nôn.
Rối loạn chức năng đại tiện là triệu chứng của các bệnh lý đường tiêu hoá như IBS, crohn, celain, tắc ruột, ung thư đường ruột,… Những bệnh lý này do chế độ ăn uống không hợp lý, lối sống không khoa học, các vi sinh vật xâm nhập và gây bệnh hoặc yếu tố di truyền gây ra. Do đó, người bệnh cần tìm ra nguyên nhân gây bệnh, hạn chế nguy cơ, giúp cho quá trình điều trị hiệu quả hơn.
3. Triệu chứng của rối loạn đại tiện
Rối loạn đại tiện thường do chức năng hệ tiêu hóa suy giảm, quá trình tiêu hóa xuất hiện những thay đổi bất thường như:
- Thay đổi tần suất đi đại tiện: Khi bị rối loạn đại tiện người bệnh thường có cảm giác muốn đi đại tiện gấp, ăn vào là đi đại tiện hoặc đi ít một hoặc có cảm giác đi ngoài không hết phân.
- Thay đổi tính chất phân: Phân cứng hơn (táo bón), phân lỏng (tiêu chảy), lẫn máu, mùi tanh,…
- Cơn đau giảm sau khi đi đại tiện
Nếu những triệu chứng trên xuất hiện ít nhất 3 lần mỗi tháng và diễn ra trong 3 tháng qua được xác định rối loạn đại tiện.
Như đã nói ở trên, rối loạn đại tiện có thể là triệu chứng tiềm ẩn của một số bệnh lý nguy hiểm như hội chứng ruột kích thích (IBS), tắc ruột, crohn, ung thư ruột,… Chính vì thế, khi cơ thể có những dấu hiệu bất thường trên đường tiêu hoá và có biểu hiện đau bụng kèm nôn, sốt cao, mệt mỏi diễn ra thường xuyên, người bệnh cần nhanh chóng tới gặp bác sĩ.
Bác sĩ sẽ chỉ định làm các xét nghiệm phân, nội soi hệ tiêu hoá, chụp X-quang để tìm ra nguyên nhân gây nên tình trạng rối loạn đại tiện này.
4. Điều trị rối loạn chức năng đại tiện
Sớm phát hiện tình trạng rối loạn đại tiện và điều trị kịp thời sẽ hạn chế biến chứng nguy hiểm. Tuỳ vào nguyên nhân gây bệnh khác nhau, người bệnh có thể thay đổi lối sống, sử dụng thuốc hoặc phải phẫu thuật.
4.1. Thay đổi chế độ ăn
Khi gặp vấn đề về đường tiêu hóa, một chế độ ăn uống khoa học sẽ giúp bạn cải thiện đáng kể tình trạng tiêu hóa thức ăn của mình. Lựa chọn thực phẩm phù hợp với cơ thể giúp bạn giảm các triệu chứng của bệnh IBS, Crohn, celiac,.. giúp sức khỏe đường tiêu hóa nhanh hồi phục.
Nếu nguyên nhân gây rối loạn đại tiện là do bệnh lý Celiac
Người bệnh nên tuân theo chế độ ăn nghiêm ngặt, tránh sử dụng những thực phẩm có chứa gluten. Chính vì gluten có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn nên việc tránh những thực phẩm chứa chất này, giúp người bệnh giảm các triệu chứng và nguy cơ gây những biến chứng nguy hiểm.
Các loại thực phẩm chứa gluten như ngũ cốc, lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen,… được các bác sĩ khuyến cáo không nên sử dụng với bệnh nhân có bệnh lý Celiac.
Rối loạn đại tiện do hội chứng ruột kích thích hoặc bệnh crohn
Người bệnh có thể ghi lại nhật ký những thực phẩm ăn hàng ngày cũng như những triệu chứng xảy ra để dễ dàng xác định được tác nhân gây bệnh. Từ đó, bạn có thể tránh được những thực phẩm khiến cho tình trạng bệnh trầm trọng hơn và cố gắng duy trì một chế độ ăn khoa học, lựa chọn nhưng thực phẩm dễ tiêu hóa, phù hợp với cơ thể cải thiện tình trạng rối loạn chức năng đại tiện.
Bổ sung chất xơ
Bệnh nhân đến gặp bác sĩ có thể được khuyến khích tăng hoặc giảm lượng chất xơ trong chế độ ăn. Chất xơ có một vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn. Trong trường hợp táo bón, chất xơ sau khi vào cơ thể hút nước, trương nở, giúp khối phân mềm hơn và nhanh chóng được thải ra ngoài, cải thiện tình trạng táo bón.
Việc lựa chọn thực phẩm phù hợp cho cơ thể là vô cùng quan trọng. Người bệnh nên xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, bổ sung những thực phẩm dễ tiêu và có lợi cho đường ruột để nhanh chóng cải thiện tình trạng bệnh của mình.
>> Xem thêm: Chất xơ có trong thực phẩm nào? 30+ loại giàu chất xơ nhất
4.2. Tập thể dục thường xuyên
Người bệnh có thể thực hiện một số bài tập thể dục nhẹ nhàng giúp cho quá trình tiêu hóa thức ăn, giảm viêm và cải thiện sức khỏe đường ruột.
- Bạn có thể thực hiện một số bài tập yoga nhẹ nhàng, tìm một người hướng dẫn để quá trình thực hiện dễ dàng và đạt hiệu quả cao hơn.
- Đi bộ cũng là một lựa chọn tốt nếu bạn gặp tình trạng rối loạn đại tiện, đi bộ sau khi ăn khoảng 15 phút giúp quá trình tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn. Khi đi bộ bạn nên cố gắng giữ thẳng lưng, lựa chọn giày thoải mái, linh hoạt, có thể lựa chọn đi bộ ngoài trời hoặc sử dụng máy chạy bộ tại nhà phù hợp với lịch sinh hoạt của bạn.
Người bệnh nên lựa chọn những bài tập thể dục nhẹ nhàng, tránh vận động quá sức. Đặc biệt, trong những buổi đầu tập luyện, nên khởi động nhẹ nhàng trước khi bước vào bài tập để cơ thể dần làm quen, giảm nguy cơ tiềm ẩn do hoạt động quá sức như chóng mặt, đau đầu, đau cơ, tim đập nhanh,…
4.3. Các thuốc trị rối loạn đại tiện
Nếu tình trạng rối loạn tiêu hóa diễn ra thường xuyên kèm theo các triệu chứng đau bụng, sốt và nôn bạn nên đến gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân. Dựa vào nguyên nhân gây bệnh bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc để giảm triệu chứng và loại bỏ nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
- Trong trường hợp bị táo bón, người bệnh được khuyên dùng các nhóm thuốc nhuận tràng như: thuốc nhuận tràng làm mềm phân, thuốc nhuận tràng tạo khối, nhuận tràng kích thích,…
- Nếu bị tiêu chảy, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng thuốc cải thiện tình trạng tiêu chảy.
- Trong một số trường hợp người bệnh có thể được khuyên dùng một số thuốc tăng cường miễn dịch, corticoid hoặc sử dụng kháng sinh nếu có nhiễm khuẩn.
- Bổ sung vitamin C và các khoáng chất để tăng cường hệ miễn dịch, thêm sữa chua vào thực đơn để cung cấp men vi sinh cho hệ tiêu hóa.
Khi sử dụng các thuốc điều trị rối loạn đại tiện bạn nên tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ. Sử dụng thuốc đúng cách tình trạng bệnh sẽ được cải thiện nhanh chóng và hạn chế những tác dụng không mong muốn.
>> Xem thêm: Tổng quan thuốc điều trị táo bón và phương pháp điều trị
4.4. Phẫu thuật
Với những trường hợp rối loạn đại tiện do bệnh crohn hoặc tắc ruột, sau khi thay đổi chế độ sinh hoạt và sử dụng thuốc mà tình trạng rối loạn đại tiện không được cải thiện bác sĩ sẽ chỉ định bạn nên thực hiện phẫu thuật. Việc phẫu thuật loại bỏ những phần bị bệnh sẽ giúp bạn cải thiện tình trạng này.
Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật bạn nên tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về chế độ ăn uống, sinh hoạt và dùng thuốc đúng cách để nhanh chóng hồi phục và hạn chế nguy cơ mắc bệnh trở lại.
Rối loạn đại tiện khá phổ biến nhưng không phải ai cũng biết cách xử trí đúng cách. Khi gặp tình trạng này, người bệnh nên tìm ra nguyên nhân, thay đổi lối sống, đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ sử dụng thuốc và tìm cách điều trị. Ngoài ra, người bệnh cần thay đổi thói quen đi đại tiện, hạn chế số lần đi vệ sinh, giảm thời gian đi đại tiện tránh những ảnh hưởng xấu tới đường tiêu hóa.
5. Kết luận
Rối loạn đại tiện xảy ra do sức khoẻ đường tiêu hoá suy giảm, giảm khả năng tiêu hoá thức ăn. Tình trạng này xảy ra trong các bệnh lý như IBS, crohn, tắc ruột,… do các yếu tố về môi trường, di truyền, chế độ ăn và sinh hoạt gây nên.
Có một số phương pháp người bệnh có thể kết hợp điều trị như: xây dựng lối sống lành mạnh, thay đổi chế độ ăn, tập thể dục thường xuyên kết hợp uống thuốc theo đơn của bác sĩ. Bệnh nhân có thể phải phẫu thuật cắt bỏ phần bị bệnh nếu tình trạng bệnh diễn biến nặng. Hy vọng bài viết trên đây sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin cần thiết về rối loạn đại tiện.
Mọi chi tiết thắc mắc vui lòng liên hệ HOTLINE 19009482 hoặc 0967629482
Tham khảo nguồn:
1. https://www.healthline.com/health/bowel-disorders
2. https://www.sciencedirect.com/topics/nursing-and-health-professions/defecation-disorder