Viêm đại tràng là một bệnh lý gặp phải khi niêm mạc đại tràng bị tổn thương với các dấu hiệu thường gặp như đau bụng (có khi đau quặn), tiêu chảy có thể kèm máu, mủ trong phân…khiến cho bệnh nhân thường xuyên khó chịu. Sau đây mời các bạn cùng tìm hiểu kĩ hơn về căn bệnh này, từ đó đưa ra cách xử trí phù hợp.
Mục lục
1. Viêm đại tràng là gì?
Viêm đại tràng (ulcerative colitis – UC) là tình trạng viêm nhiễm gây tổn thương khu trú hoặc lan tỏa ở niêm mạc đại tràng. Đại tràng là nơi có hệ vi sinh vật phong phú. Do đó, sự tổn thương tại đây dễ gây ra các biến chứng nặng nề như: xuất huyết tiêu hóa, thủng đại tràng, giãn đại tràng cấp tính, ung thư đại tràng…
2. Triệu chứng của bệnh viêm đại tràng:
Tùy mức độ nghiêm trọng của bệnh mà các triệu chứng của từng bệnh nhân có thể khác nhau. Có người trải qua giai đoạn có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng nào (hay còn goi là giai đoạn thuyên giảm). Hoặc các triệu chứng có thể trở lại và bùng phát nghiêm trọng (giai đoạn bùng phát).
Các triệu chứng phổ biến của UC bao gồm:
- Tiêu chảy có thể kèm theo máu, mủ trong phân.
- Đau bụng: cảm giác đau quặn thắt, giống tiếng ngựa phi trong bụng
- Mệt mỏi, sút cân.
- Nôn và buồn nôn.
- Thiếu máu.
Các triệu chứng ít phổ biến hơn bao gồm: đau nhức khớp, kích ứng mắt, phát ban…
3. Nguyên nhân gây ra viêm đại tràng
Các nguyên nhân có thể gây ra viêm đại tràng là:
Phản ứng bất thường của hệ thống miễn dịch
Viêm đại tràng hiện được cho là tình trạng tự miễn dịch, xảy ra khi phản ứng miễn dịch hoạt động quá mức và nhắm vào các tế bào khỏe mạnh.
Bình thường, hệ thống miễn dịch bảo vệ niêm mạc ruột khỏi các kháng nguyên (như vi khuẩn, virus, chất độc trong thực phẩm…) bằng cách thu hút bạch cầu, đại thực bào, khởi phát quá trình viêm. Quá trình này sẽ kết thúc khi kháng nguyên được loại bỏ.
Tuy nhiên, với những bệnh nhân viêm đại tràng, hệ thống miễn dịch có những phản ứng bất thường nhắm vào ruột già và gây viêm.
Thực phẩm, chất độc và mầm bệnh có thể gây ra phản ứng quá mức này. Trong đó, nhạy cảm với thực phẩm là một trong những thủ phạm chính. Khi một người có phản ứng miễn dịch quá mức với một số loại thực phẩm, việc tiếp xúc với những thực phẩm này khiến hệ thống miễn dịch coi chúng như một mối đe dọa và sản xuất ra kháng thể (hoặc globulin miễn dịch).
Thực tế cho thấy, gluten, sữa, ngô, đậu nành, các loại hạt, trứng và đồ ăn vặt là những thực phẩm dễ gây nên tình trạng trên. Nếu bạn là người nhạy cảm, việc tiếp xúc nhiều lần với những thực phẩm này dễ gây viêm ruột và các vấn đề tiêu hóa khác.
Mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột
Cơ chế dẫn đến viêm loét đại tràng được cho là liên quan đến sự tương tác phức tạp giữa hệ thống miễn dịch, đường ruột và vi khuẩn đường ruột. Vi khuẩn có lợi đóng vai trò bảo vệ niêm mạc ruột khỏi sự tấn công của các vi khuẩn có hại bằng cách tổng hợp và tiết ra các peptid có tính kháng khuẩn, đồng thời cạnh tranh vị trí bám dính với hại khuẩn.
Khi diễn ra sự mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, niêm mạc ruột dễ bị tổn thương, gây ra các vết loét – khởi đầu cho tình trạng viêm đại tràng cũng như các bệnh viêm ruột khác.
Đồng thời, những người bị viêm đại tràng có thể có nhiều vi khuẩn có đặc tính gây viêm và ít vi khuẩn có đặc tính chống viêm hơn. Nồng độ vi khuẩn khử sulfat cao khiến sản xuất hydro sulfua nhiều hơn ở bệnh nhân viêm đại tràng. Chất này gây độc cho các tế bào biểu mô ruột, dẫn đến viêm loét đại tràng.
Chế độ ăn không hợp lý: nhiều đường, nhiều chất béo xấu và các thực phẩm dễ gây viêm…
Chế độ ăn uống có thể liên quan đến quá trình sinh bệnh và diễn biến của bệnh viêm đại tràng thông qua tác động trực tiếp lên cơ thể và tác động gián tiếp lên hệ vi sinh vật đường ruột.
- Agus và cộng sự chỉ ra rằng chế độ ăn nhiều chất béo / nhiều đường dẫn đến rối loạn sinh học niêm mạc ruột, đặc trưng bởi sự phát triển quá mức của vi khuẩn proteobacteria tiền viêm và giảm vi khuẩn bảo vệ niêm mạc ruột
- Ngoài ra, chế độ ăn uống cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động chức năng của hệ vi sinh vật đường ruột. Axetat và butyrate – một axit béo chuỗi ngắn (SCFA), được sản xuất từ quá trình lên men của vi khuẩn có vai trò quan trọng trong việc duy trì chức năng của hàng rào niêm mạc và điều chỉnh chức năng miễn dịch.
- Hơn nữa, chế độ ăn phương Tây có đặc điểm là ăn nhiều đường, chất béo và thiếu chất xơ có liên quan đến việc giảm SCFA và tăng tính nhạy cảm với bệnh viêm đại tràng trong các nghiên cứu thực nghiệm.
Ngoài ra, khi bạn tiêu thụ những thực phẩm gây viêm, hệ thống miễn dịch của bạn sẽ phản ứng bằng cách sản xuất nhiều cytokine gây viêm và giảm sản xuất cytokine chống viêm. Những thực phẩm gây viêm có thế là đường và ngũ cốc tinh chế, thịt nuôi tại nhà máy, cá nuôi, thực phẩm chế biến sẵn và dầu hạt tinh chế, chất tạo ngọt nhân tạo, thịt đỏ, bơ….
Những thực phẩm này chứa hóa chất, chất béo chuyển hóa và các thành phần độc hại khác có khả năng gây viêm cao, tạo thêm axit trong các mô và làm tổn thương ruột.
Viêm đại tràng có liên quan đến căng thẳng mãn tính
Điều này là do sự kết nối phức tạp giữa não và ruột. Trong điều kiện căng thẳng tâm lý, bao gồm cả thiếu ngủ, não (trục HPA) sẽ kích thích sản xuất các cytokine gây viêm. Điều này có thể làm tăng tính thấm của ruột và thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột. Các yếu tố gây căng thẳng về tâm lý cũng làm giảm lưu lượng máu đến ruột và do đó ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của hàng rào niêm mạc ruột.
Một số loại thuốc như thuốc chống viêm, thuốc kháng sinh và thuốc tránh thai có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm đại tràng.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có khả năng gây kích ứng và chảy máu đường tiêu hóa, làm bệnh trầm trọng hơn.
- Sử dụng thuốc kháng sinh lâu ngày có nguy cơ mắc các bệnh viêm ruột cao hơn. Do kháng sinh tiêu diệt cả vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại ở ruột, gây nên sự mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột.
4. Các loại viêm loét đại tràng
Viêm loét đại tràng được phân loại theo vị trí của nó. Các loại viêm loét đại tràng bao gồm:
- Proctosigmoiditis: ảnh hưởng đến trực tràng và phần dưới của đại tràng
- Viêm đại tràng bên trái: ảnh hưởng đến phần bên trái của đại tràng bắt đầu từ trực tràng
- Viêm đại tràng: ảnh hưởng đến toàn bộ ruột già
- Viêm loét hậu môn: tình trạng viêm khu trú ở trực tràng và chảy máu trực tràng có thể là dấu hiệu duy nhất của bệnh. Dạng này có xu hướng nhẹ nhất.
- Viêm loét đại tràng nặng cấp tính: dạng hiếm gặp ảnh hưởng đến toàn bộ đại tràng và gây đau dữ dội, tiêu chảy nhiều, chảy máu, sốt và không ăn được.
Xem thêm: 9 điều cần biết về viêm đại tràng
5. Phân biệt viêm đại tràng với hội chứng ruột kích thích
5.1. Giống nhau
Cả hai bệnh này đều được xếp vào nhóm bệnh lý tiêu hoá. Khi mắc phải người bệnh đều gặp những triệu chứng nổi bật như sau:
- Đau bụng từ âm ỉ đến quặn thắt.
- Đầy bụng, chướng hơi, khó tiêu, nôn hoặc buồn nôn.
- Rối loạn đại tiện: Có thể táo bón hoặc tiêu chảy, hoặc xen kẽ cả hai.
- Chuột rút, mệt mỏi
5.2. Khác nhau
Điểm khác nhau rõ rệt nhất ở hai nhóm bệnh trên là:
Về sự tác động
Hội chứng ruột kích thích là tình trạng rối loạn chức năng của ruột, nó không gây nên những tổn thương thực thể ở niêm mạc đại tràng, do đó, người bệnh không có máu trong phân, nội soi đại tràng không thấy tổn thương.
Trong khi đó, viêm đại tràng tạo nên các vết loét ở đại tràng, vì vậy, những người gặp phải bệnh này thường thấy máu trong phân, nội soi sẽ tìm thấy các vết loét ở niêm mạc đại tràng.
Hướng điều trị
Với Hội chứng ruột kích thích: bệnh nhân hiếm khi cần nhập viện hoặc phẫu thuật. Điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt là cách điều trị ưu tiên.
Còn Viêm đại tràng có thể khiến người bệnh phải nhập viện và/hoặc cần phẫu thuật. Bệnh nhân cần thiết phải dùng thuốc kết hợp với thay đổi lối sống.
Biến chứng
Viêm đại tràng gây nên những tổn thương lâu dài ở đại tràng, có thể biến chứng thành ung thư đại tràng, trong khi hội chứng ruột kích thích không gặp tình trạng này.
6. Chuẩn đoán bệnh viêm đại tràng
Bác sỹ sẽ thực hiện các xét nghiệm khác nhau để chuẩn đoán viêm đại tràng như:
- Xét nghiệm phân: Được sử dụng để loại trừ nhiễm trùng hoặc để phát hiện chất viêm (calprotectin trong phân).
- Xét nghiệm máu: Có thể phát hiện sự hiện diện của viêm, kháng thể bất thường, thiếu máu, hoặc thiếu hụt dinh dưỡng / vitamin.
- Soi trực tràng: Kiểm tra trực tràng và 1/3 dưới của đại tràng.
- Nội soi đại tràng: Kiểm tra toàn bộ đại tràng và phần cuối của ruột non.
7. Nguyên tắc điều trị
Nguyên tắc điều trị viêm đại tràng là:
- Điều trị càng sớm càng tốt.
- Xác định nguyên nhân gây bệnh để lựa chọn phác đồ phù hợp.
- Duy trì chế độ ăn uống, chế độ làm việc và sinh hoạt phù hợp.
- Điều trị nội khoa kết hợp ngoại khoa tùy trường hợp.
Điều trị nội khoa
- Kháng sinh để chống nhiễm trùng, thuốc kháng nấm, thuốc chống ký sinh trùng.
- Thuốc giảm đau và chống co thắt, thuốc điều trị tiêu chảy, chống loạn khuẩn.
- Bồi hoàn nước và chất điện giải là hết sức cần thiết nhằm mục đích không để trụy tim mạch.
Điều trị ngoại khoa
- Phẫu thuật cắt bỏ đại tràng nếu diễn biến nặng, kéo dài. Tuy nhiên, việc cắt bỏ sẽ ảnh hưởng đến chức năng ruột và tâm lý của người bệnh.
- Nguyên nhân khác cần can thiệp ngoại khoa như: polyp đại tràng, ung thư đại tràng, …
Chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý
- Điều chỉnh chế độ làm việc nghỉ ngơi sao cho hợp lý, vận động thể lực hằng ngày, chỉ dùng thuốc khi thật cần thiết và theo chỉ định của bác sĩ.
- Khi bị táo bón: cần giảm chất béo, tăng chất xơ, chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ.
- Khi bị tiêu chảy: hạn chế ăn nhiều chất xơ để thành ruột không bị tổn thương, không ăn rau sống, trái cây khô, trái cây đóng hộp, nếu ăn trái cây tươi thì phải gọt bỏ vỏ, có thể ăn trái cây xay nhừ.
- Tránh chất kích thích: cà phê, sô cô la, trà, …
- Hạn chế các sản phẩm từ sữa: trong sữa có đường nên rất khó tiêu và chất đạm của sữa có thể gây dị ứng, nên thay bằng sữa đậu nành.
- Hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ
- Tránh sử dụng các loại thuốc kháng viêm, giảm đau như: aspirin, ibuprofen, naproxen, voltaren, feldene… vì có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết đại tràng
8. 6 việc cần làm ngay khi mắc viêm đại tràng
Các lựa chọn điều trị thông thường cho bệnh viêm loét đại tràng là dùng thuốc để giảm các triệu chứng và phẫu thuật. Tuy nhiên, những phương pháp điều trị này có thể gây nên nhiều tác dụng phụ.
Các bệnh nhân viêm đại tràng có thể khắc phục tình trạng của mình bằng cách thay đổi chế độ ăn và sinh hoạt:
8.1. Tuân thủ uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
8.2. Lập chế độ ăn uống hợp lý
Chế độ ăn kiêng với bệnh nhân viêm đại tràng
- Áp dụng chế độ ăn hạn chế chất béo xấu (gồm chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa) như bánh quy, bánh ngọt; thức ăn nhanh; đồ ăn làm sẵn; đồ ăn vặt như khoai tây chiên, bim bim…
- Bổ sung thêm vitamin C: Loại vitamin này có thể có tác dụng bảo vệ ruột của bạn và giúp chúng lành hoặc phục hồi nhanh hơn sau khi bùng phát. Những người ăn chế độ giàu vitamin C có thời gian thuyên giảm UC kéo dài. Thực phẩm giàu vitamin C bao gồm mùi tây, ớt chuông, rau bina và quả mọng họ cam chanh.
- Ăn nhiều chất xơ
Bổ sung nhiều thực phẩm có tác dụng chống viêm
Vì viêm loét đại tràng là một bệnh có tình trạng viêm nhiễm nên một trong những chiến lược chữa bệnh hiệu quả nhất là thực hiện chế độ ăn uống giàu chất chống viêm. Bạn nên loại bỏ các loại thực phẩm thúc đẩy quá trình viêm và thay thế bằng các loại thực phẩm chữa bệnh.
- Thực phẩm dễ gây viêm cần tránh là đường tinh luyện, thực phẩm chế biến, dầu thực vật tinh chế, bơ, sữa động vật…
- Thực phẩm khuyên dùng là: Thực phẩm nguyên hạt, chưa qua chế biến, ưu tiên những thực phẩm hữu cơ như rau hữu cơ, cá hồi, trà xanh, gừng, nghệ, hành tỏi và chất béo lành mạnh. Chất béo lành mạnh được tìm thấy trong dừa, ô liu, bơ và dầu của chúng.
- Nên ăn thức ăn dễ tiêu hóa như nước hầm xương, súp và rau nấu chín. Ăn nhiều bữa nhỏ hơn để không làm hệ tiêu hóa của bạn phải làm việc quá sức.
Khuyến khích ăn các thực phẩm giàu Anthocyanins
- Chế độ ăn giàu anthocyanins có thể hỗ trợ điều trị bệnh viêm đại tràng [7]. Anthocyanins là flavonoid tạo nên sắc tố sẫm màu trong trái cây và rau quả. Đây là chất có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe do đặc tính chống viêm, chống vi khuẩn, bảo vệ thần kinh và điều hòa miễn dịch. Chúng bảo vệ ruột chống lại tình trạng viêm và tăng tính thấm ruột. Anthocyanins cũng cải thiện sức khỏe đại tràng thông qua khả năng thay đổi sự trao đổi chất hệ vi sinh vật trong ruột. [8]
- 8 thực phẩm giàu Anthocyanins là: quả cherry, bắp cải tím, việt quất, nho, hành tím, đậu đỏ, cà tím, súp lơ tím…
Bổ sung axit béo omega-3
Các nghiên cứu cho thấy dầu cá có lợi ích bảo vệ và có thể giúp chữa lành bệnh viêm loét đại tràng [9]. Omega-3 axit béo được tìm thấy trong các loại cá béo như cá hồi, cá mòi, trứng, quả óc chó, và các loại hạt (hạt lanh, cây gai dầu, bí ngô và hạt chia).
Lưu ý: Omega-3 từ thực vật như dầu lanh chỉ chứa omega 3 chuỗi nhỏ gọi là ALA và không có bất kỳ DHA nào. Cơ thể chúng ta rất khó chuyển đổi ALA thành DHA vì vậy tốt nhất là bạn nên bổ sung từ các loại cá hoặc các loại dầu thực vật như dầu oliu, dầu hạnh nhân…
Áp dụng các phương pháp cải thiện niêm mạc ruột
Viêm đại tràng liên quan đến tình trạng viêm lớp niêm mạc ruột. Để chữa lành niêm mạc đã tổn thương, chúng ta cần ưu tiên dùng các thực phẩm dạng lỏng, đồng thời hạn chế các chất kích thích có hại cho sự phục hồi niêm mạc.
- Uống sinh tố, nước ép thêm collagen: Đây là cách hữu hiệu để giảm gánh nặng cho bộ máy tiêu hóa, khi đó niêm mạc ruột có thể tập trung vào việc chữa lành, phục hồi các vết loét. Đồng thời, Collagen chứa các axit amin, bao gồm glycine và glutamine, là những chất cần thiết để chữa lành các ổ viêm loét.
- Hạn chế thực phẩm kích thích như rượu, bia, thuốc lá…
8.3. Viết nhật ký thực phẩm
Tạo nhật ký thực phẩm là một cách thông minh để tìm hiểu loại thực phẩm nào ảnh hưởng đến bạn. Trong vài tuần, hãy theo dõi chặt chẽ những gì bạn ăn và cảm giác của bạn trong những giờ sau đó. Ghi lại chi tiết những thực phẩm khiến bạn gặp triệu chứng như cảm giác khó chịu, đau bụng, tiêu chảy… Hãy thử loại bỏ những thực phẩm đó để xem liệu các triệu chứng có cải thiện không.
Bằng cách này, bạn có thể kiểm soát các triệu chứng nhẹ của viêm đại tràng gây nên bởi các thực phẩm mà bạn nhạy cảm.
8.4. Bổ sung men vi sinh (hay probiotics) cho cơ thể
Như đã nêu ở phần nguyên nhân, sự mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột có thể gây nên tình trạng viêm loét đại tràng. Vì vậy, việc bổ sung probiotics là vô cùng cần thiết. Chúng ta có thể bổ sung bằng cách:
- Thường xuyên ăn sữa chua, kim chi, đậu natto…
- Sử dụng các chế phẩm men vi sinh trên thị trường, ưu tiên các loại vi khuẩn như Bifidobacteria có khả năng gắn đích tại đại tràng… với hàm lượng lợi khuẩn đạt chuẩn từ 10^9 CFU trong 1 liều uống.
8.5. Giảm tình trạng căng thẳng và cải thiện giấc ngủ
Căng thẳng mãn tính và thiếu ngủ có thể dẫn đến sự phát triển của viêm loét đại tràng và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của tình trạng này. Để khắc phục tình trạng này, chúng ta cần:
- Ngủ đủ ít nhất 6-7 tiếng/ngày.
- Tập thể dục, thể thao thường xuyên ít nhất 30 phút/ngày để giải tỏa stress, nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần.
- Tập yoga, tập dưỡng sinh để cải thiện sức khỏe.
- Không nên uống chè hay cà phê vào buổi tối: bởi trong các loại đồ uống này chứa caffeine giúp bạn luôn tỉnh táo làm việc. Thế nhưng sử dụng chúng vào buổi tối dễ khiến bạn mất ngủ, ngủ không ngon giấc.
- Sử dụng các loại tinh dầu như oải hương, bạc hà, bưởi… để xông phòng, điều này sẽ giúp bạn thư giãn, dễ ngủ hơn.
8.6. Khi nào bạn cần đến bác sĩ?
Mặc dù nhìn chung, viêm đại tràng không phải là một bệnh lí gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, bệnh có thể dẫn đến một số biến chứng rất nặng nề như ung thư đại tràng, xuất huyết đại tràng, thiếu máu…. Do đó, khi phát hiện các triệu chứng của bệnh, bạn nên đi khám bác sĩ sớm nhất có thể. Các tình huống có thể giúp bạn phát hiện bệnh gồm
- Thay đổi thói quen đi tiêu
- Đau quặn bụng
- Có máu trong phân
- Tiêu chảy kéo dài không cải thiện với các loại thuốc thông thường
- Tiêu chảy cản trở giấc ngủ
- Sốt kéo dài không rõ nguyên nhân 1 đến 2 ngày
Tóm lại: Viêm đại tràng là bệnh lí mạn tính thường gặp gây ra nhiều phiền toái trong sinh hoạt và công việc. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Hi vọng bài viết đã cung cấp cho quý độc giả những thông tin hữu ích về bệnh để phát hiện bệnh sớm hơn, giảm thiểu các triệu chứng và biến chứng nặng nề.
Xem thêm: Viêm đại tràng nên ăn gì, kiêng gì?
Mọi chi tiết thắc mắc liên hệ HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.