Món ngon cho bé trong giai đoạn ăn dặm và tập ăn cơm là vô cùng quan trọng. Nhưng cũng chính vì thế khiến nhiều mẹ bỉm sữa phải suy nghĩ mỗi ngày vấn đề cho con ăn gì. Vậy món ăn nào bắt mắt nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho bé? Bài viết dưới đây sẽ gợi ý 15 món ăn cho bé, mẹ có thể tham khảo để cải thiện thực đơn cho bé mỗi ngày.
Mục lục
1. Khi nào mẹ có thể bắt đầu cho bé ăn dặm?
Nhiều mẹ thắc mắc nên cho bé ăn dặm khi nào là hợp lý vừa cung cấp được các chất dinh dưỡng kịp thời vừa an toàn cho bé. Câu trả lời là khi bé khoảng 6 tháng tuổi, bé có thể tự ngồi dậy và ngẩng đầu thật lâu mẹ có thể thử cho bé ăn dặm. Nếu bé thể hiện sự thích thú khi ba mẹ ăn hoặc cho bé ăn và mẹ có thể thấy bé há miệng khi mẹ cho con ăn, khi đó mẹ có thể chắc chắn rằng bé đã sẵn sàng ăn dặm.
Khi mẹ bắt đầu cho bé ăn dặm, mẹ hãy quan sát phản ứng của bé với thức ăn nếu bé dùng lưỡi đẩy thức ăn ra khỏi miệng thì mẹ cũng đừng quá lo lắng, có thể bé vẫn chưa quen với việc ăn một món mới. Thức ăn đặc là một trải nghiệm mới với con vì thế mẹ không nên ép bé ăn mà hãy thử lại sau vài ngày.
Mẹ hãy cố gắng giúp con dần làm quen với thức ăn rắn và chuẩn bị cho con một thực đơn đầy đủ chất dinh dưỡng, đa dạng đầy màu sắc kích thích bé ăn ngon hơn.
>> Xem thêm: Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi
2. Thực phẩm bắt mắt cho bé
Thực đơn đầy màu sắc là một cách kích thích sự thèm ăn của bé, giúp bé làm quen với thức ăn rắn. Sau đây là một số thực phẩm vừa đẹp mắt lại giàu chất dinh dưỡng cho bé mẹ có thể tham khảo:
2.1. Thực phẩm màu đỏ hồng
Một số loại thực phẩm có màu đỏ hồng như: Củ cải đường, dâu tây, dưa hấu, cà chua, ớt đỏ, thanh long… Nhóm thực phẩm này là nguồn cung cấp vitamin C và các chất chống oxy hóa, chống viêm cho bé.
2.2. Quả màu cam
Các loại quả như Cam, xoài, đu đủ, cà rốt, bí ngô … cung cấp vitamin A, vitamin C, folate, kali và beta-carotene cho bé. Các chất dinh dưỡng này giúp bé tăng cường hệ miễn dịch, sản xuất các tế bào hồng cầu và hệ thần kinh của bé phát triển.
2.3. Thực phẩm màu vàng
Các loại thực phẩm như Chuối, ngô, lê,… có màu vàng tạo sự ấm áp, cung cấp vitamin C, vitamin A, vitamin B6, acid folic, kali và magie. Các thực phẩm này khi phối hợp với thực phẩm nhóm khác giúp món ăn đẹp mắt hơn và cung chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sự phát triển của bé.
2.4. Thực phẩm màu xanh lá
Các loại bơ, bông cải xanh, bắp cải, đậu hà lan, đậu xanh, dưa chuột, táo xanh, chanh,… cung cấp cấp lutein, acid folic, sắt, vitamin K, vitamin D, vitamin A, vitamin C, canxi, kali, magie và axit amin. Màu xanh là màu của cây cỏ , thiên nhiên rất gần gũi với bé, khi xuất hiện trong đĩa thức ăn sẽ tạo được sự hứng thú cho bé và thực phẩm nhóm này cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng. Do đó khi phối hợp với thực phẩm có màu khác luôn đảo bảo vừa đẹp mắt lại cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho bé.
2.5. Thực phẩm màu tím
Nhiều loại thực phẩm có màu tím như: Cà tím, việt quất, mâm xôi, mận, nho,…cung cấp các chất chống oxy hóa khác nhau, nhưng chủ yếu là anthocyanin, bảo vệ cơ thể bé chống lại tổn thương tế bào và viêm nhiễm.
2.6. Thực phẩm màu trắng
Súp lơ trắng, nấm, củ cải, thanh long,… là những thực phẩm có màu trắng và rất gần gũi với người dân Việt Nam. Các thực phẩm này cung cấp vitamin C, magie, kali và selen khi phối hợp với nhóm thực phẩm khác giúp bé phát triển toàn diện.
Mẹ có thể kết hợp nhiều màu sắc khác nhau thành những hình dáng hấp dẫn giúp món ăn bắt mắt hơn. Chính điều này có thể kích thích sự thèm ăn của bé, giúp bé ăn ngon hơn đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé.
3. Một số món ngon cho bé
Khi bé mới bắt đầu ăn đồ ăn rắn, nhiều bé không quen nên có biểu hiện kén ăn. Do đó, mẹ có thể nấu những món ngon cho bé giàu chất dinh dưỡng với màu sắc bắt mắt và những hình dạng đặc biệt.
3.1. Cháo dinh dưỡng cho bé
Cháo dinh dưỡng một món ăn được hầu hết các mẹ chuẩn bị cho bé từ 9-10 tháng ăn dặm hàng ngày. Có nhiều món cháo khác nhau mà mẹ có thể nấu cho bé, dưới đây là một số món cháo và cách nấu cháo cho bé ăn dặm mà mẹ có thể tham khảo.
Cháo gà cà rốt
Thịt gà chứa hàm lượng calo cao cùng với protein, chất béo và các vitamin, khoáng chất cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng cho bé vui chơi và phát triển. Tuy nhiên thịt gà lại không chứa chất xơ là một chất bột đường có lợi cho sức khỏe đường tiêu hóa của bé.
Vì thế, khi nấu cháo gà cho bé mẹ có thể bổ sung thêm các thực phẩm có chứa chất xơ như cà rốt, bí đỏ, đậu xanh,… để bổ sung chất xơ cho bé. Mẹ có thể nấu cháo gà cho bé như sau:
Chuẩn bị nguyên liệu: 50g gạo,100g thịt gà,1 củ cà rốt, nước mắm, dầu ăn, hạt nêm
Cách làm:
- Mẹ băm nhỏ thịt gà hoặc xay bằng máy xay đến khi nhuyễn thêm một ít nước mắm, đường hoặc hạt nêm. Sau đó, cho vào nồi hầm cùng với cháo
- Mẹ rửa sạch cà rốt, gọt vỏ luộc đến khi mềm, xay nhuyễn rồi cho vào nồi cháo cùng thịt gà.
- Khi cháo chín mẹ múc ra bát và trình bày đẹp mắt để giúp bé ăn ngon hơn.
Cháo thịt bò bí đỏ
Thịt bò cung cấp hàm lượng lớn sắt, protein và các vitamin có lợi cho quá trình phát triển của bé. Bí đỏ kết hợp với thịt bò vừa bổ sung dinh dưỡng vừa giúp món cháo đẹp mắt hơn. Vì thế cháo thịt bò bí đỏ là một sự kết hợp hoàn hảo. Sau đây là cách nấu cháo thịt bò mẹ có thể tham khảo.
Chuẩn bị nguyên liệu: 100g thịt bò, 50g gạo tẻ, 200g bí đỏ, muối, nước mắm, hạt nêm, đường
Cách làm:
- Mẹ gọt vỏ bí đỏ, bỏ ruột, rửa sạch, thái thành miếng nhỏ hấp chín rồi nghiền nhuyễn
- Với thịt bò mẹ có thể xay hoặc băm nhuyễn, thêm một chút dầu ăn, nước mắm, hạt nêm đảo đều và để trong 5-10 phút
- Bước tiếp theo mẹ vo sạch gạo và cho vào nồi hầm đến khi chín nhừ, thêm thịt bò và bí đỏ đảo đều và đun khoảng 8-10 phút cho thịt bò chín mềm, nếm và thêm gia vị cho vừa ăn
- Cuối cùng là mẹ múc ra đĩa, cắm thêm vài rau thơm cho đẹp mắt.
Cháo ếch rau ngót
Trong ếch có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng rất tốt cho cơ thể như: Protein, chất béo, vitamin A, D, B, E và các khoáng chất Phốt pho, canxi, kali, sắt,… Những dưỡng chất này đặc biệt quan trọng với sự phát triển của bé. Do đó mẹ có thể dùng ếch nấu cháo cho bé. sau đây là một cách nấu cháo ếch cho bé mà mẹ có thể tham khảo
Nguyên liệu: 50g thịt ếch, 30g gạo tẻ, 30g rau ngót và các loại gia vị nước mắm, hạt nêm, dầu ăn, đường
Cách làm:
- Mẹ rửa sạch rau ngót rồi xay nhuyễn
- thịt ếch được băm hoặc xay nhuyễn, thêm gia vị ướp trong 5-10 phút
- Mẹ vo sạch gạo, hầm đến khi chín nhừ, thêm thịt ếch và rau ngót đảo đều, đun thêm 5-10 phút cho thịt và rau chín rồi múc ra bát cho bé thưởng thức.
Cháo hàu đậu xanh
Hàu là một loại hải sản biển có chứa protein, chất béo, chất bột đường, natri, kali, canxi, sắt, vitamin C, B6, B12,… nguồn cung cấp các dưỡng chất thiết yếu cho bé. Mẹ có thể nấu cháo hàu cho bé để thay đổi khẩu vị và bổ sung dinh dưỡng cho bé. Tuy nhiên, nếu bé có tiền sử bị dị ứng với hải sản thì mẹ không nên cho bé ăn cháo hàu.
Chuẩn bị: Hàu, đậu xanh, gạo tẻ, hành, nước mắm, hạt nêm, dầu ăn,…
Cách làm:
- Mẹ có thể chọn mua hàu còn vỏ hoặc hàu làm sẵn. Sau đó mẹ cần sơ chế qua một số bước để làm sạch, loại bỏ bụi bẩn trên hàu. Ruột hàu sau khi mua về mẹ cần ngâm với nước và rửa sạch hết các lớp bụi bẩn và phần vỏ còn dính lại. Sau đó mẹ có thể ngâm ruột hàu với muối hạt hoặc bột mì trong khoảng 5-10 phút để loại mùi tanh.
- Đậu xanh mẹ ngâm khoảng 20-30 phút để bỏ vỏ, ninh cùng với gạo khoảng 30 phút đến khi chín mềm
- Mẹ cho 1-2 thìa dầu ăn vào phi thơm hành, cho hàu đã thái nhỏ vào, thêm nước mắm, hạt nêm và đảo đều.
- Khi cháo chín mẹ cho hàu vào nồi cháo đảo đều vào đun thêm khoảng 5-10 phút là có thể dùng được. Mẹ múc cháo ra bát, cắm thêm vài lá rau mùi cho bắt mắt.
>> Xem thêm: 8+ món cháo dễ tiêu cho trẻ tiêu chảy
3.2. Món ăn trong bữa chính
Sau khi bé được khoảng 19 tháng tuổi mẹ có thể bắt đầu cho bé ăn cơm nhuyễn, lúc này mẹ nên chuẩn bị cho bé những đĩa thức ăn bắt mắt và đầy dinh dưỡng ăn cùng với cơm. Mẹ có thể tham khảo một số món ăn sau đây:
Thịt viên sốt cà chua
Thịt viên sốt cà chua là món ngon cho bé, nhiều màu sắc và hình dáng đặc biệt giúp bé ăn ngon hơn và bổ sung chất dinh dưỡng.
Nguyên liệu: Thịt nạc, cà chua, hành khô, hành lá và các loại gia vị: Dầu ăn, hạt nêm, nước mắm.
Cách làm:
- Mẹ sơ chế sạch thịt nạc và băm nhỏ hoặc xay nhuyễn.
- Hành khô băm nhỏ và gia vị được cho vào trộn đều với thịt. Sau đó mẹ nặn thành những viên tròn vừa ăn, cho dầu ăn vào chảo và rán thịt viên.
- Cà chua rửa sạch, thái nhỏ, xào chín với dầu ăn và hành khô. Khi cà chua chín mẹ cho thêm ít nước và gia vị đến vừa ăn.
- Tiếp theo mẹ cho thịt viên đã rán vào cà chua, nấu thêm 5-7 phút, thêm chút hành lá hoặc rau mùi cho thơm và đẹp
Rau củ luộc
Rau củ luộc là một món khá đơn giản, mẹ có thể lựa chọn bất kỳ loại rau nào bé thích để luộc cho bé ăn. Một số rau củ gợi ý cho mẹ như: cà rốt, su hào, củ cải trắng, súp lơ, rau cải, rau muống,…
Lưu ý: Nếu mẹ luộc chung nhiều loại rau, rau nào lâu chín hơn cho vào trước, rau nào nhanh chín cho vào sau để đảm bảo rau không quá chín làm giảm một số chất dinh dưỡng.
Bò hầm rau củ
Mẹ có thể kết hợp thịt bò với rau củ vừa đảm bảo chất dinh dưỡng và bát canh cũng hấp dẫn bé hơn. Thịt bò chứa nhiều chất dinh dưỡng như protein, chất béo, vitamin và khoáng chất kết hợp với chất xơ và vitamin trong rau củ đảm bảo nguồn dinh dưỡng dồi dào cho bé.
Nguyên liệu: Thịt bò, cà rốt, khoai tây, cà chua hành tím, hành khô, hành lá, và gia vị: nước mắm, đường, hạt nêm
Cách làm:
- Mẹ rửa sạch thịt bò và cắt thành những miếng vuông, ngang theo thớ thịt
- Cà rốt và khoai tây rửa sạch, gọt vỏ và cắt thành những miếng vuông vừa ăn
- Sau đó mẹ tiến hành ướp thịt bò với gừng đập dập, hạt tiêu, đường, nước mắm, trộn đều và ướp trong 30 phút.
- Tiếp theo mẹ phi thơm hành với dầu ăn rồi cho thịt bò vừa ướp vào xào đến săn lại. Sau khi thịt đã săn mẹ cho cà chua thái nhỏ vào xào đến khi chín.
- Đổ nước ngập mặt thịt, đun đến khi sôi lại và hầm trong 30 phút, cho cà rốt vào đun khoảng 15 phút rồi cho khoai tây nấu đến khi chín, thêm nếm gia vị vừa ăn, thêm hành lá rồi nấu khoảng 1-2 phút nữa là được
- Bước cuối cùng, mẹ múc thịt, rau củ ra bát và cho bé thưởng thức.
Trứng cuộn rau củ
Trứng là món ăn yêu thích của đa số trẻ nhỏ, chứa nhiều chất dinh dưỡng như protein, chất béo, vitamin D, B6, B12 và các khoáng chất Natri, kali, sắt, canxi.
Do đó món ăn từ trứng là một lựa chọn hoàn hảo cho mẹ, nhưng mẹ cũng cần lưu ý nếu trẻ từng bị dị ứng với trứng gà. Có nhiều cách để chế biến trứng, nếu còn phân vân mẹ có thể tham khảo cách nấu như sau:
Nguyên liệu: Trứng gà, cà rốt, cà chua, súp lơ hoặc bất kỳ loại rau nào bé thích, đường, dầu ăn, nước mắm
Cách làm
- Rửa sạch Cà rốt, cà chua, súp lơ rồi hấp hoặc luộc chín, sau đó bạn đem thái nhỏ và cho ra bát.
- Mẹ đập trứng gà vào bát và thêm nước mắm, đường cho vừa ăn rồi đánh đều.
- Mẹ cho 1-2 thìa dầu ăn vào chảo bật lửa nhỏ, mỡ nóng mẹ đỏ trứng vào. Khi mặt trên của trứng còn ướt mẹ thêm các loại rau củ vừa thái ở trên đều trên mặt và cuộn lại.
- Chiên thêm khoảng 2 phút cho trứng chín và rau củ bám chặt vào trứng. Sau đó mẹ cho ra đĩa và trang trí thêm vài lá rau hoặc những miếng cà chua cho bắt mắt.
Tôm hấp đậu
Từ 6 tháng tuổi mẹ có thể thêm tôm vào khẩu phần ăn của bé. Tôm là thực phẩm chứa nhiều canxi, kali, magie, protein, chất béo, vitamin A, D… rất tốt cho sự phát triển của xương, và hỗ trợ sức khỏe đường tiêu hóa.
Tuy nhiên nếu bé có tiền sử dị ứng hải sản thì tôm lại không phải lựa chọn tối ưu của mẹ. Ở những độ tuổi khác nhau mẹ nên chế biến tôm theo một cách khác phù hợp với bé như Cháo tôm, súp tôm, tôm hấp,… Khi bé bắt đầu ăn cơm nhuyễn mẹ có thể hấp tôm cho bé ăn cùng cơm.
Nguyên liệu: Tôm tươi, đậu phụ, cà rốt, dầu ăn, đường, nước mắm, tăm, dao,
Cách làm:
- Ngâm tôm trong nước lạnh và nước muối để rửa sạch. Sau đó mẹ tách phần chân, đầu, vỏ tôm ra khỏi thịt và phần chỉ màu đen ở sống lưng tôm.
- Cà rốt rửa sạch, gọt vỏ và cắt thành từng khoanh dày khoảng 0,5-1cm đặt lên đĩa. Thêm cà rốt vào món ăn không chỉ bổ sung chất dinh dưỡng mà còn làm món ăn bắt mắt hơn.
- Đậu phụ cắt thành miếng vừa ăn đặt lên trên miếng cà rốt. Sau đó mẹ đặt tôm đã sơ chế lên đậu phụ.
- Mẹ đặt đĩa vào nồi hấp khoảng 5 phút là chín. Lượng nước còn lại trong nồi mẹ đem khuấy với bột bắp khi còn nóng làm nước dùng thêm chút dầu mè, khuấy đều. Sau đó mẹ dùng hỗn hợp này rưới lên đĩa tôm và đậu phụ là có món ngon cho bé thưởng thức.
Những món ăn vừa giàu chất dinh dưỡng vừa đẹp mắt giúp bé ăn ngon hơn. Chỉ với những thực phẩm đơn giản mẹ có thể trang trí thêm những loại rau củ hoặc trái cây giúp điã thức ăn hấp dẫn hơn.
3.3. Món ăn bắt mắt trong bữa phụ
Mỗi ngày bé cần được ăn cả 3 bữa chính và 2 bữa phụ để đảm bảo bé không bị đói và được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Với bữa phụ mẹ có thể chuẩn bị cho bé những đĩa hoa quả đẹp mắt được xếp thành hình con vật để thu hút bé với đĩa thức ăn, giúp bé thích ăn hơn.
Đĩa trái cây con công
Mẹ có thể xếp trái cây thành những con vật đẹp mắt như công, gà, mèo, cá,… Bằng cách này mẹ có thể thu hút bé với đĩa trái cây của mình và dạy bé biết về những động vật xung quanh bé.
Nguyên liệu: Nho, lê, cà rốt, việt quất,…
Cách làm:
- Cắt đôi quả nho và quả lê, đặt nửa quả lên lên đĩa và xếp nho xung quanh lê để tạo hình con công
- Thêm một vài quả việt quất hoặc bất kỳ loại trái cây nào bạn thích lên trên nửa quả nho để tạo sự đa dạng
- Cắt những miếng cà rốt làm 2 chân và mũi cho con công
- Dùng tăm chọc lỗ trên quả lê để làm mắt
Chỉ vài bước đơn giản mẹ đã có ngay một đĩa hoa quả hình con công vừa giàu chất dinh dưỡng, vừa đẹp mắt để kích thích sự thèm ăn của bé.
Mặt cá trái cây
Ngoài đĩa hoa quả hình con công, mẹ có thể linh hoạt xếp trái cây thành hình con cá lạ mắt cho bé.
Nguyên liệu: Quả cam, việt quất, cà rốt, kem tươi
Cách làm:
- Cắt một quả cam thành những lát mỏng, và củ cà rốt được cắt thành những hình tròn nhỏ dày khoảng 0,5cm làm đuôi cá
- Dùng quả việt quất hoặc những miếng nho tím tạo hình bong bóng, chấm thêm kem tươi và miếng cam để tạo mắt cho cá
Snack trái cây hình chiếc mũ
Xếp trái cây thành hình chiếc mũ cũng là một lựa chọn cho mẹ. Bằng những loại trái cây đơn giản mẹ có thể xếp thành những đĩa trái cây lạ mắt, kích thích bé ăn ngon.
Nguyên liệu: Táo, chuối, dâu tây hoặc bất kỳ loại quả nào bé thích
Cách làm:
- Cắt táo, chuối và dâu tây thành những hình tròn dày khoảng 1 cm. Hoặc mẹ có thể thay thế bằng những loại quả nhiều màu sắc khác như dứa, cam, thanh long, dưa hấu,… Tùy theo sở thích của mẹ và loại quả mẹ muốn cho bé ăn.
- Xếp thành nhiều lớp tạo hình những chiếc mũ cao trên đĩa
Bánh mì kẹp chuối
Mẹ có thể kết hợp bánh mì cùng với trái cây để món ăn cho bé phong phú hơn.
Chuẩn bị: Bánh mì, chuối, bơ, thạch,…
Cách làm
- Mẹ cho một ít bơ vào mặt trong của bánh mì được cắt đôi
- Đặt quả chuối đã bóc vỏ vào giữa bánh mì và thêm một ít thạch phía trên quả chuối để trông giống như sốt cà chua.
- Lưu ý: Thạch chỉ để trang trí mẹ không nên cho bé ăn, nếu cho bé ăn thạch mẹ cần theo dõi bé, tránh hiện tượng bé bị hóc không được xử lý kịp thời.
Bánh muffin hình mặt người
Một khuôn mặt vui vẻ được tạo bằng nhiều màu sắc khác nhau giúp bé có tâm trạng tốt hơn. Chính điều này sẽ kích thích sự thèm ăn của bé và mẹ không còn lo lắng về tình trạng kén ăn cua bé.
Nguyên liệu: Bánh muffin hoặc bánh mì, một số loại rau, trái cây và lò vi sóng để nướng bánh.
Cách làm:
- Mẹ có thể tìm mua bánh muffin hoặc thay thế bằng miếng bánh mì hình tròn đặt lên đĩa.
- Cắt một số loại rau hoặc trái cây như nho, đậu xanh, cà rốt, Súp lơ xanh, các loại đậu, dâu tây, quả việt quất,..
- Sau khi nướng bánh mì trong lò vi sóng nướng đến khi chín mẹ lấy ra, thêm một ít bơ lên phía trên và mẹ xếp các loại trái cây và rau thành hình mặt cười lên miếng bánh.
Sandwich sushi
Ngày nay sandwich sushi không còn quá xa lạ với người Việt. Sandwich sushi Với hình dáng đặc biệt và màu sắc bắt mắt được kết hợp từ nhiều loại rau củ quả chứa các chất dinh dưỡng. Do đó đây là món ăn mẹ có thể lựa chọn thêm vào thực đơn cho bé để thay đổi khẩu vị.
Cách làm
- Trứng gà được đánh tan, thêm đường, muối hoặc nước mắm, rồi mẹ chiên với một ít dầu ăn. Sau đó mẹ cắt trứng thành những miếng hình chữ nhật kích thước gần bằng miếng bánh mì
- Cà rốt và đậu cove được gọt vỏ, tước xơ và rửa sạch, rồi mẹ luộc chín vớt ra, cắt cà rốt thành sợi dài bằng chiều ngang miếng bánh mì.
- Cắt phần rìa cứng của miếng bánh mì và dùng cây cán bột cán cho bánh mì mỏng dẹt.
- Sau đó xếp cà rốt, đậu cove, trứng và mẹ có thể thêm thịt, xúc xích, giò để làm nhân tùy sở thích của bé.
- Cuối cùng mẹ cuộn miếng bánh mì lại và cho bé thưởng thức.
>> Xem thêm: Hướng dẫn chi tiết Xây dựng chế độ ăn dặm kiểu Nhật cho bé
4. Tổng kết
Khẩu phần ăn đa dạng các món vừa đẹp mắt lại giàu chất dinh dưỡng sẽ kích thích sự thèm ăn của bé. Mẹ nên kết hợp thực phẩm có màu sắc khác nhau để món ăn của bé bắt mắt hơn. Những bé mới bắt đầu ăn dặm mẹ có thể cho bé ăn cháo thịt gà, cháo ếch, cháo hàu, cháo bò,… để bổ sung dinh dưỡng và tạo tiền đề cho bé chuẩn bị ăn cơm.
Khi bé khoảng 19 tháng tuổi mẹ có thể cho bé ăn cơm nhuyễn cùng một số món ăn khác trong bữa chính. Với bữa phụ mẹ nên trang trí hoa quả thành những hình dáng đẹp mắt, cải thiện tâm trạng của bé, giúp bé tiếp cận với những món ăn mới dễ dàng hơn. Trên đây làm một số món ngon cho bé mà mẹ có thể tham khảo, hy vọng bài viết sẽ mang đến cho mẹ những kiến thức bổ ích trong quá trình nuôi con.
Mọi chi tiết thắc mắc xin liên hệ HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.
Tài liệu tham khảo