Táo bón không chỉ gây ra những cảm giác khó chịu cho người bệnh, khi mắc táo bón kéo dài còn có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: trĩ, nứt hậu môn hay sa trực tràng… Nếu như tình trạng táo bón nhẹ có thể được điều trị bằng việc thay đổi lối sống thì táo bón nặng, lâu ngày không đại tiện cần sử dụng thuốc thụt tháo để cải thiện tình trạng này. Một trong những thuốc điều trị táo bón nhanh và hiệu quả là Microlax.
Mục lục
- 1. Microlax là gì?
- 2. Công dụng- Đối tượng sử dụng của Microlax
- 3. Microlax tạo ra tác dụng nhuận tràng bằng cách nào?
- 4. Con đường đi của Microlax trong cơ thể
- 5. Cần lưu ý những gì trong và sau quá trình sử dụng Microlax?
- 6. Thông tin về liều dùng của Microlax
- 7. Cần làm gì khi dùng thuốc thiếu liều- quá liều?
- 8. Dùng Microlax như thế nào là đúng cách?
- 9. Tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc là gì?
- 10. Chống chỉ định & thận trọng khi sử dụng Microlax
- 11. Nên tránh những gì khi sử dụng Microlax?
- 12. Các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tác dụng không mong muốn của Microlax
- 13. Sử dụng Microlax với các đối tượng đặc biệt
- 14. Nên bảo quản thuốc Microlax như thế nào?
1. Microlax là gì?
Microlax là thuốc thụt trực tràng chứa thành phần chính là Sorbitol, chất có tác dụng kích thích hoạt động của trực tràng, đẩy nhanh quá trình tống phân khỏi ruột trong các trường hợp táo bón, cũng như trong các trường hợp cần làm sạch ruột trước các thủ thuật thăm dò đường ruột.
Thành phần của Microlax
- Sorbitol 70%, dạng tinh thể: 4.465 gram
- Natri citrate: 450 mg
- Natri lauryl sulfoacetate: 45 mg
- Thành phần khác Glycerol, Axit sorbic và Nước tinh khiết đến đủ 5ml.
Trong đó:
- Sorbitol dạng tinh thể giúp cho quá trình hút nước từ các mô vào ruột nhanh hơn.
- Natri citrat làm tăng áp suất thẩm thấu trong lòng ruột nên tăng lưu giữ nước, làm mềm phân nhanh.
- Natri lauryl sulfoacetate có tác dụng tăng cường sự thấm nước vào phân.
Tất cả các thành phần kết hợp giúp cho Microlax tạo ra tác dụng nhuận tràng nhanh chóng và hiệu quả.
2. Công dụng- Đối tượng sử dụng của Microlax
- Điều trị táo bón không thường xuyên, táo bón mạn tính, đi phân không đều ở cả người lớn và trẻ em dưới 3 tuổi.
- Đặc biệt là tình trạng táo bón ở những bệnh nhân nằm liệt giường trong lão khoa, nhi khoa và sản khoa.
- Làm sạch ruột trước khi khám trực tràng hoặc các thủ thuật đường ruột khác.
3. Microlax tạo ra tác dụng nhuận tràng bằng cách nào?
Với thành phần chính là Sorbitol– một dung dịch ưu trương, Microlax tạo ra tác dụng nhuận tràng do sự chênh lệch áp suất thẩm thấu bên trong và bên ngoài ruột, làm cho nước từ các mô đi vào trong lòng ruột giúp kích thích nhu động ruột, đẩy nhanh quá trình tống phân của trực tràng. Qua đó, giúp giảm táo bón và làm sạch ruột.
4. Con đường đi của Microlax trong cơ thể
- Hấp thu và phân phối: Phần lớn hơn 90% sorbitol không được hấp thu và chuyển hóa trong cơ thể. Chúng được đưa vào đại tràng qua trực tràng, hậu môn. Thuốc tăng áp lực thẩm thấu và hút nước vào lòng ống tiêu hóa tạo công dụng nhuận tràng, tháo phân. Chỉ 1 phần thuốc rất nhỏ được hấp thu qua trực tràng và thực hiện quá trình chuyển hóa.
- Chuyển hóa: Thuốc được chuyển hóa chủ yếu ở gan phân thành Fructose và Glucose (2 loại đường hữu ích cho cơ thể)
- Thải trừ: Một phần nhỏ Sorbitol được bài tiết qua nước tiểu ở dạng không chuyển hóa (dạng hợp chất ban đầu); phần còn lại được đào thải dưới dạng CO2 khi thở ra trong quá trình hô hấp.
Trên đây là một số đặc điểm về con đường di chuyển của thuốc của Microlax, hãy tham khảo để sử dụng thuốc một cách hợp lý.
5. Cần lưu ý những gì trong và sau quá trình sử dụng Microlax?
Một số vấn đề cần lưu ý khi sử dụng Microlax:
- Để thuốc tránh xa tầm tay trẻ em
- Thuốc sử dụng để thụt trực tràng, không được uống
- Microlax có thể gây ra tình trạng lệ thuộc vào thuốc, làm cho hệ tiêu hóa hoạt động không bình thường và có thể kéo dài tình trạng táo bón, chỉ nên sử dụng thuốc 1 lần/ ngày trừ khi có tư vấn của bác sĩ.
- Tránh dùng song song nhiều loại thuốc nhuận tràng hoặc thuốc làm mềm phân cùng một thời điểm trừ khi được bác sĩ yêu cầu.
Nắm rõ các cảnh báo trên để tránh xảy ra các sai sót đáng tiếc trong quá trình sử dụng thuốc.
6. Thông tin về liều dùng của Microlax
Đối với mỗi đối tượng, lượng thuốc sử dụng là khác nhau:
- Trẻ em dưới 3 tuổi: sử dụng 1/2 ống 5ml/lần/ngày.
- Người lớn: sử dụng 1 ống 5ml/lần/ngày.
Không sử dụng Microlax quá 1 lần trong ngày nếu không có sự tư vấn của bác sĩ hay dược sĩ.
7. Cần làm gì khi dùng thuốc thiếu liều- quá liều?
Việc thiếu liều hay quá liều khi sử dụng là một vấn đề thường gặp của người bệnh. Khi gặp phải tình trạng trên, người bệnh cần:
- Không sử dụng với số lượng lớn hơn hoặc nhỏ hơn hoặc lâu hơn so với khuyến cáo. Sorbitol thường chỉ được dùng trong một thời gian ngắn cho đến khi các triệu chứng của bệnh nhân được cải thiện.
- Nếu quên một liều và gần đến thời gian liều tiếp theo thì hãy bỏ qua liều đã quên và sử dụng liều tiếp theo như hướng dẫn của bác sĩ. Không được dùng gấp đôi liều để bù lại liều đã quên.
- Nếu sử dụng thuốc quá liều, gọi ngay cho bác sĩ để nhận được sự tư vấn và xử lý kịp thời.
- Không sử dụng Microlax nhiều hơn 1 tuần mà không có lời khuyên của bác sĩ hoặc dược sĩ.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay xuất hiện những dấu hiệu bất thường khi sử dụng quá liều hay thiếu liều, hãy liên lạc với bác sĩ điều trị để được tư vấn cụ thể.
8. Dùng Microlax như thế nào là đúng cách?
Tùy theo đối tượng sử dụng, Microlax có những hướng dẫn riêng để có thể đảm bảo an toàn và hiệu quả cho người bệnh:
Đối với người lớn và trẻ em trên 3 tuổi:
- Trước khi dùng thuốc: Vệ sinh sạch sẽ hậu môn trước khi dùng thuốc
- Tư thế đưa thuốc: Ngồi xuống bồn cầu ở tư thế quen thuộc hoặc chỉ cần ngồi xổm xuống một chút và đưa cổ ống hoàn toàn vào trực tràng.
- Dùng thuốc: Vặn nắp và bóp một giọt dung dịch ra khỏi ống – điều này sẽ giúp việc đưa đầu ống vào trực tràng dễ dàng hơn. Nhẹ nhàng bóp toàn bộ lượng dịch trong ống vào trực tràng. Giữ chặt ống, rút đầu ống ra khỏi trực tràng. Siết chặt cơ mông để ngăn dung dịch chảy ra ngoài.
- Sau khi dùng thuốc: Để phân mềm ra, bệnh nhân không được đi tiêu ngay lập tức, nên đợi ít nhất 5 phút.
Đối với trẻ em dưới 3 tuổi:
- Trước khi dùng thuốc: Vệ sinh sạch sẽ hậu môn trước khi dùng thuốc
- Tư thế đưa thuốc: Tư thế nằm thay tã thông thường.
- Dùng thuốc: Chỉ nên nhét nửa cổ ống (xem phần đánh dấu trên cổ ống) và chỉ ép một 1/2 lượng dịch trong ống vào trực tràng của bé. Sau khi bóp vào dung dịch, nhẹ nhàng đưa hai chân bé lại gần nhau để ngăn dung dịch rò rỉ ra ngoài.
Để sử dụng thuốc đúng cách, tránh sai sót, người sử dụng cần lưu ý:
- Không ép đầu thụt, hay đưa đầu thụt quá mạnh hoặc quá nhanh vào trực tràng vì có thể gây thương tích niêm mạc hậu môn.
- Nên quan sát phân sau khi sử dụng thuốc, nếu phân có dính máu thì nguy cơ cao hậu môn của bạn đã bị tổn thương. Nên thông báo ngay cho bác sĩ về tình trạng này để có hướng xử lý kịp thời.
- Trong khoảng 30 phút sau khi sử dụng, ruột của bệnh nhân sẽ bị kích thích nhẹ. Lưu ý đây chỉ là một tác động bình thường của thuốc nhuận tràng kích thích, không cần quá lo lắng về tình trạng này.
- Gọi ngay bác sĩ nếu 1 giờ sau khi sử dụng mà vẫn chưa có cảm giác muốn đi tiêu hoặc không đi tiêu được.
Sử dụng thuốc đúng cách sẽ giúp thuốc được hấp thu tối đa, qua đó giúp người bệnh đạt được hiệu quả điều trị cao.
9. Tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc là gì?
Mặc dù thuốc khá an toàn nhưng vẫn gặp phải một số tác dụng phụ mà người dùng nên chú ý và theo dõi:
Hiếm gặp: Mặc dù hiếm gặp nhưng các tác dụng phụ này rất nặng và đôi khi gây tử vong với người dùng thuốc:
- Các dấu hiệu của phản ứng dị ứng như: phát ban, nổi mề đay, ngứa, da đỏ, sưng, phồng rộp, có hoặc không kèm theo sốt; thở khò khè, tức ngực hoặc cổ họng, khó thở, nuốt hoặc nói chuyện, khàn giọng bất thường; hoặc sưng miệng, mặt, môi, lưỡi, hoặc cổ họng.
- Tiêu chảy nặng .
- Khó thở, tăng cân nặng hoặc phù ở tay hoặc chân.
- Các dấu hiệu mất nước và điện giải như thay đổi tâm trạng, lú lẫn, đau cơ hoặc suy nhược, nhịp tim không bình thường, chóng mặt hoặc ngất xỉu,tim đập nhanh, khát nhiều hơn, co giật, cảm thấy rất mệt mỏi hoặc yếu, không đói, không thể đi tiểu hoặc thay đổi lượng nước tiểu được tạo ra, khô miệng, khô mắt, đau bụng hoặc nôn mửa.
- Các dấu hiệu tăng đường huyết như lú lẫn, buồn ngủ, khát nhiều hơn, đói hơn, đi tiểu thường xuyên hơn, mặt đỏ bừng, thở nhanh.
- Thị lực mờ.
Gọi cho bác sĩ hoặc nhân viên y tế ngay lập tức nếu có một trong các dấu hiệu hoặc triệu chứng trên.
Thường gặp: Các tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc là:
- Đầy hơi, buồn nôn nhẹ
- Co thắt dạ dày
- Kích ứng trực tràng
Trên đây không phải là tất cả các tác dụng phụ có thể xảy ra. Nếu bệnh nhân có thắc mắc về các tác dụng phụ, hãy gọi cho bác sĩ để được tư vấn y tế về tác dụng phụ.
10. Chống chỉ định & thận trọng khi sử dụng Microlax
10.1. Chống chỉ định
Cần lưu ý đến những bệnh lý đã có hoặc những đặc điểm sinh lý đặc biệt của cơ thể người bệnh, tránh sử dụng thuốc trên bệnh nhân có các dấu hiệu như:
- Dị ứng với Sorbitol hoặc bất kỳ thành phần nào khác của thuốc
- Hạ Natri huyết: Sorbitol làm dịch nội bào chứa Natri bị dịch chuyển vào khoang ngoại bào, làm giảm nồng độ Natri huyết thanh và làm trầm trọng thêm tình trạng hạ Natri máu đã có từ trước.
- Mất nhiều nước và chất điện giải: Khi sử dụng thuốc liên tục, có thể xảy ra tình trạng mất nước thừa chất điện giải, gây tăng natri huyết.
- Tổn thương ở hậu môn như: trĩ, sa trực tràng, rách da hậu môn…Khi sử dụng Microlax sẽ gây đau buốt, rách niêm mạc do cọ xát của ống bơm thuốc với da hậu môn.
- Bệnh nhân tiêu chảy: do thuốc có tác dụng nhuận tràng nên bệnh nhân tiêu chảy khi sử dụng sẽ làm nặng thêm tình trạng bệnh, dẫn đến mất nước, điện giải,…
- Bệnh nhân viêm ruột: Những bệnh nhân bị bệnh viêm ruột không được sử dụng Microlax vì bệnh nhân có thể gặp phải những biến chứng nguy hiểm như thủng đại tràng khi sử dụng thuốc nhuận tràng kích thích.
- Bệnh nhân rối loạn tắc ruột: Thuốc Microlax khó tạo ra tác dung nhuận tràng ở những bệnh nhân mắc chứng bệnh này.
- Bệnh nhân suy thận, suy tim sung huyết.
- Không được sử dụng Microlax ở những bệnh nhân vô niệu
10.2. Thận trọng
Microlax nên thận trọng khi sử dụng cho những bệnh nhân
- Rối loạn chức năng tim phổi hoặc thận do Sorbitol có thể xâm nhập vào hệ tuần hoàn nên có thể làm thay đổi áp lực tim, phổi và thận.
- Bệnh nhân đái tháo đường: Sorbitol trong Microlax được chuyển đổi thành Glucose trong cơ thể, làm tăng lượng đường huyết trong máu. Dẫn đến những biến chứng trên bệnh nhân đái tháo đường, thậm chí có thể dẫn đến hôn mê.
11. Nên tránh những gì khi sử dụng Microlax?
Một số hoạt chất trong một số chế phẩm thuốc có thể ảnh hưởng tác dụng nhuận tràng của Microlax như:
- Thuốc chứa hoạt chất là Lamivudine: Sorbitol trong Microlax có thể làm giảm nồng độ Lamivudine trong máu ở một số bệnh nhân, điều này có thể làm cho thuốc kém hiệu quả hơn.
- Thuốc chứa hoạt chất là Natri polystyren sulfonat: Khi sử dụng Microlax với các sản phẩm có chứa Natri polystyrene sulfonate, Sorbitol và Natri polystyrene sulfonate có thể xảy ra tổn thương các mô trong ruột và có thể gây tử vong trong những trường hợp nghiêm trọng.
Chưa ghi nhận tương tác giữa thức ăn với Microlax.
Để đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng, nên thông báo cho bác sĩ và dược sĩ nếu bạn đang sử dụng thuốc có chứa các hoạt chất trên.
12. Các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tác dụng không mong muốn của Microlax
Để hạn chế các tác dụng không mong muốn xảy ra, người bệnh nên:
Trình bày cho dược sĩ hay bác sĩ về tiền sử dị ứng với sorbitol, natri citrat, natri lauryl sulfoacetate hay bất kỳ dị ứng nào khác. Chế phẩm có thể chứa các thành phần tá dược gây ra dị ứng.
Trình bày với bác sĩ hay dược sĩ về tất cả các loại thuốc đã, đang và sẽ sử dụng trong thời gian tới.
Trình bày cho dược sĩ hay bác sĩ về tiền sử bệnh lý.
- Các bệnh về thận như suy thận, viêm thận…
- Các bệnh về dạ dày và đường tiêu hóa như viêm ruột, tắc nghẽn ruột, buồn nôn, nôn, trĩ…
- Các thuốc nhuận tràng đã sử dụng và thời gian sử dụng.
- Các bệnh tim mạch như suy tim, suy tim sung huyết.
- Bệnh đái tháo đường.
13. Sử dụng Microlax với các đối tượng đặc biệt
Phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú hay người cao tuổi đều có những sự khác biệt về sinh lý so với người trưởng thành:
- Phụ nữ có thai: Không có dữ liệu về tính an toàn của thuốc trong quá trình mang thai ở người. Chỉ nên dùng Sorbitol trong thời kỳ mang thai khi lợi ích nhiều hơn nguy cơ.
- Phụ nữ cho con bú: Không có dữ liệu về sự bài tiết của Sorbitol vào sữa mẹ.
- Người lớn tuổi có thể nhạy cảm hơn với tác dụng của thuốc này.
- Trẻ em: Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
14. Nên bảo quản thuốc Microlax như thế nào?
Không như các thuốc đặt trực tràng, Microlax chỉ cần được bảo quản ở điều kiện thường:
- Đặt thuốc ở vị trí thoáng mát, tránh nóng, ẩm.
- Nhiệt độ bảo quản cần đảm bảo là dưới 25oC.
- Đóng nắp khi ống còn thuốc để đảm bảo chất lượng thuốc cho lần sử dụng sau.
Hãy bảo quản chế phẩm theo những điều kiện trên để thuốc có tác dụng tốt nhất khi sử dụng, tránh sự biến đổi về mặt vật lý hay hóa học.
Tài liệu tham khảo: