Lỵ amip thường gây ra các biểu hiện: đau quặn bụng, mót rặn, phân lúc lỏng lúc táo,…Đây là các biểu hiện gây khó chịu cho người bệnh. Nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng như chảy máu ruột, viêm ruột thừa, viêm phúc mạc, nhiễm trùng và các ổ áp xe. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho người đọc các thông tin về con đường lây bệnh, triệu chứng, phác đồ điều trị theo bộ y tế và nguyên tắc chăm sóc.
Mục lục
- 1. Lỵ amip là gì?
- 2. Đặc tính sinh học lỵ amip và cơ chế tác dụng
- 3. Con đường lây bệnh lỵ amip và các yếu tố nguy cơ
- 4.Những biểu hiện thường gặp điển hình của lỵ amip
- 5. Những điểm khác biệt giữa Lỵ amip với lỵ trực khuẩn
- 6. Phác đồ điều trị lỵ amip theo bộ y tế
- 7. Nguyên tắc chăm sóc & chế độ dinh dưỡng cho trẻ mắc lỵ amip nhanh phục hồi
- 8. Nhóm thực phẩm trẻ mắc lỵ amip nên tránh
- 9. Các biện pháp phòng bệnh
1. Lỵ amip là gì?
Lỵ amip là một bệnh nhiễm trùng đường ruột do amip đơn bào thuộc loài Entamoeba histolytica ký sinh trong đường ruột gây ra.
2. Đặc tính sinh học lỵ amip và cơ chế tác dụng
Đặc tính sinh học của amip được thể hiện qua 2 chu kỳ:
2.1. Chu kỳ không gây bệnh
Nếu chẳng may chúng ta ăn phải thức ăn bẩn có chứa bào nang của amip. Khi vào đường tiêu hóa, dịch tiêu hóa làm vỡ vỏ bào nang và giải phóng amip ở dạng chưa hoạt động. Một phần chúng sẽ chuyển lại thành dạng bào nang và đào thải ra ngoài theo phân. Phần khác, chúng chuyển thành thể minuta (đây là thể chưa gây bệnh) và chờ điều kiện thuận lợi để gây bệnh.
2.2. Chu kỳ gây bệnh
Trong ruột, nếu có điều kiện thuận lợi để amip phát triển như: sức đề kháng giảm, thành ruột tổn thương, nhiễm trùng, nhiễm độc,…thì thể minuta (chưa gây bệnh) sẽ chuyển thành thể magna (thể gây bệnh). Khi đi vào máu và di chuyển tới gan gây áp xe gan, khi lên phổi gây áp xe phổi, hiếm hơn là lên não và gây áp xe tại não.
Ở điều kiện bất lợi (như: thiếu nước), thể magna có thể chuyển thành dạng minuta rồi chờ cơ hội gây bệnh trở lại hoặc đào thải ra ngoài theo phân (chết nhanh).
2.3. Cơ chế bệnh sinh
Entamoeba histolytica là một loại ký sinh trùng đường ruột có thể giết chết tế bào biểu mô ruột kết thông qua lectin galactose-N-acetylgalactose. Đây là chất cho phép amip bám vào tế bào vật chủ. Khi các tế bào biểu mô ruột kết chết đi sẽ thu hút bạch cầu trung tính và đại thực bào đến để tiêu hóa. Đồng thời chúng giải phóng ra các chất trung gian hóa học gây viêm như: prostaglandin, leucotrien,…Vì vậy, tạo điều kiện thuận lợi cho amip hoạt động.
3. Con đường lây bệnh lỵ amip và các yếu tố nguy cơ
3.1. Con đường lây truyền
Bệnh lỵ amip có thể lây qua các con đường sau:
- Qua đường ăn uống, tay bẩn.
- Nguồn trung gian truyền bệnh như: ruồi, nhặng,…
- Tiếp xúc với người bị bệnh hoặc những người đang mang mầm bệnh nhưng không có biểu hiện gì
- Qua đường tình dục không an toàn như qua hậu môn.
3.2. Yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố dẫn tới nguy cơ cao mắc bệnh lỵ amip như:
- Sống ở nơi vệ sinh kém như: khu vực gần bãi rác, nhà tù, các đường dẫn nước có nước thải chạy qua,…
- Nơi ở ẩm ướt, vệ sinh kém
- Sức đề kháng kém dẫn tới nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn.
4.Những biểu hiện thường gặp điển hình của lỵ amip
Các dấu hiệu bệnh lỵ amip điển hình thường gặp qua các giai đoạn như:
4.1. Ở thời kỳ ủ bệnh
Từ vài tuần đến vài tháng, người bệnh không có biểu hiện.
4.2. Thời kỳ khởi phát
Chuyển từ giai đoạn không gây bệnh sang gây bệnh, người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng như:
- Ăn không tiêu, chán ăn.
- Đau bụng, rối loạn tiêu hóa
- Đi ngoài phân lỏng,…
4.3. Thời kỳ toàn phát
- Đau quặn bụng: người bệnh thỉnh thoảng có cơn đau quặn bụng ở hố chậu phải, đau âm ỉ dọc theo khung đại tràng, có kèm theo các triệu chứng buồn đi ngoài và nhanh muốn đi lại.
- Mót rặn: người bệnh có thể đi ngoài 10-15 lần/ngày, phân ít, trong phân có máu và chất nhầy.
4.4. Giai đoạn mãn tính
- Phân lúc lỏng, lúc táo: vài ngày đầu phân thường sệt, lỏng, có ít máu và ít nhầy. Càng về giai đoạn sau thì chủ yếu là nhầy và máu. Chất nhầy (giống như nhựa chuối) và máu tách ra riêng rẽ.
- Nếu áp xe gan do amip người bệnh sẽ có các biểu hiện như: sốt cao, rét run, đau hạ sườn phải, sau đó lan lên vai.
- Bệnh thường không gây mất nước và điện giải.
5. Những điểm khác biệt giữa Lỵ amip với lỵ trực khuẩn
Lỵ amip khác với lỵ trực khuẩn ở điểm nào? Cùng theo dõi ngay sau đây:
5.1. Lỵ trực khuẩn
Nguyên nhân gây bệnh: Shigella
Thời gian ủ bệnh: Ngắn (vài giờ – vài ngày)
Đặc điểm:
- Thể: Cấp tính
- Nguồn lây: Người đang bị bệnh hay người mang trùng
- Con đường lây: Tiêu hóa
- Tuổi: Chủ yếu là người già yếu và trẻ nhỏ
- Mùa: Thu hè
Hội chứng nhiễm độc: Sốt cao, rét run khiến bệnh nhân suy kiệt nhanh
Hội chứng lỵ:
- Đau quặn hố chậu trái và hạ vị
- Mót rặn nhiều và có dấu hiệu sa trực tràng
- Nhiều lần đi ngoài nhầy máu, 10-20 lần/ngày.
- Phân có thể nhầy đục như mủ, có lẫn máu hoặc nhầy, phân và máu không có ranh rới rõ rệt.
Điều trị:
- Kháng sinh. Ví dụ: Biseptol, Acid nalidixic, quinolon khác,….
- Bù nước và điện giải
Hiện nay chưa có biện pháp phòng ngừa đặc hiệu do chưa có vacxin
5.2. Lỵ amip
Nguyên nhân gây bệnh: Entamoeba histolytica
Thời gian ủ bệnh: Dài (vài tuần – vài tháng)
Đặc điểm:
- Thể: Cấp tính và mạn tính
- Nguồn lây: Người bị bệnh và người mang bào nang amip.
- Con đường lây: Tiêu hóa
- Tuổi: Chủ yếu là lứa tuổi lao động
- Mùa: Rải rác quanh năm
Hội chứng nhiễm độc: Không sốt/sốt nhẹ nên bệnh nhân ít bị ảnh hưởng
Hội chứng lỵ:
- Đau quặn hố chậu phải
- Mót rặn ít
- Ít đi ngoài nhầy máu hơn, 4-10 lần/ngày.
- Phân có thể nhầy trong như nhựa chuối, lẫn máu hoặc nhầy, phân, máu tách ra riêng rẽ.
Điều trị:
- Thuốc diệt amip. Ví dụ: Metronidazol, mixiode,…
- Chống thiếu máu, suy kiệt thể lực, chú ý về chế độ dinh dưỡng.
Hiện nay chưa có biện pháp phòng ngừa đặc hiệu do chưa có vacxin
» Xem thêm: Tiêu chảy cấp ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, phác đồ điều trị chuẩn
6. Phác đồ điều trị lỵ amip theo bộ y tế
6.1. Nguyên tắc điều trị
- Phải điều trị sớm và triệt để
- Điều trị đủ liều và đúng quy trình
- Dùng thuốc đặc hiệu và thích hợp cho từng giai đoạn
- Phối hợp với kháng sinh để diệt vi khuẩn.
6.2. Thuốc điều trị
Lỵ amip là nguyên nhân gây ra các tình trạng khó đau quặn bụng, mót rặn gây khó chịu cho người bệnh. Để tiêu diệt amip, người bệnh có thể tham khảo một số thuốc sau:
a. Thể cấp tính: diệt amip tổ chức
Đây là những có thể khuếch tán thuốc vào trong mô để diệt amip thể magna, chúng có tác dụng trên cả thể kén và thể đơn bào, các thuốc cụ thể như:
- Metronidazol:
Metronidazol hiện đang là được ưu tiên trong việc điều trị bệnh amip. Đây là một dẫn chất 5-nitro-imidazol, có phổ rộng tác dụng trên động vật nguyên sinh như: amip, Giardia và trên vi khuẩn kỵ khí. Trong ký sinh trùng, nhóm 5-nitro của thuốc bị khử thành các chất trung gian gây độc với tế bào. Các chất này sẽ liên kết với cấu trúc xoắn của phân tử ADN (amip) làm vỡ các sợi này và cuối cùng làm chết tế bào của amip.
Dạng viên nang 250mg, người lớn uống 4-6 viên chia 2 lần/ ngày x 7 ngày, trẻ em: 12-17 mg/kg x 7-10 ngày.
- Tinidazol
Tinidazol là dẫn chất imidazol tương tự như metronidazol. Thuốc này có tác dụng thâm nhập vào tế bào vi sinh vật, sau đó phá hủy chuỗi DNA và ức chế tổng hợp DNA của amip. Do đó có tác dụng diệt amip.
Viên 500mg, người lớn 4-5 viên chia làm 2 lần/ ngày x 4-5 ngày.
- Secnidazol
Secnidazol là một dẫn chất 5-nitroimidazol. Thuốc có tác dụng diệt amip do phá huỷ và ngăn cản tổng hợp DNA, dẫn tới ngăn cản tổng hợp protein và gây chết các tế bào amip.
Người lớn uống duy nhất 1.5-2g/ngày với amip ruột; 4-5 ngày với amip gan, phổi. Trẻ em uống duy nhất 1 lần 30 mg/kg/ngày.
b. Thể mạn tính: diệt amip tiếp xúc như thể minuta
- Diiodohydroxyquinoline (Direxiode):
Direxiode có hoạt chất Diiodohydroxyquinoline ít hấp thu tại niêm mạc ruột, tập chung nhiều trong lòng ruột có tác dụng diệt bào nang amip.
Viên 210mg, Người lớn uống 2-3 viên/ ngày. Trẻ em trên 30 tháng tuổi uống 5-10mg/kg/ ngày. Thuốc uống trong vòng 7 ngày.
- Humatin, Intetrix (tilbroquinol và tiliquinol)
Thuốc này có tác dụng diệt amip ở trong lòng ruột, tác dụng lên cả thể không hoạt động và dang nang amip.
Viên 250mg, người lớn uống 2g/ngày x 10 ngày.
c. Nhóm thuốc phối hợp
- Kháng sinh: tetracyclin hoặc spiramycin.
Việc phối hợp hai kháng sinh có tác dụng diệt được nhiều loại vi khuẩn cùng lúc và giảm khả năng xuất hiện các chủng đề kháng.
- Thuốc bao niêm mạc đường tiêu hóa: Kaolin, smecta,….
Nhóm thuốc này có khả năng bám dính và hấp thụ cao, tạo hàng rào bảo vệ niêm mạc đường tiêu hoá, tránh các tác nhân gây bệnh.
- Thuốc giảm đau: papaverin, atropin,…
Thuốc giảm đau atropin, papaverin,…có tác dụng giãn cơ trơn, được sử dụng trong chống co thắt cơ trơn đường tiêu hoá, làm giảm cơn đau quặn bụng.
- Thuốc chống táo bón: bisacodyl
Thuốc chống táo bón có tác dụng kích thích nhu động ruột, làm mềm phân nên dễ dàng đi ngoài hơn, giảm được các triệu chứng đi mót rặn.
d. Thuốc đông y chữa amip
- Nha đạm tử (hạt đầu sầu rừng brucea javanica) điều trị lỵ cấp tính
Nha đạm tử có tác dụng ức chế sinh tổng hợp DNA của amip, ngăn cản tổng hợp protein của vi khuẩn. Do đó có tác dụng chữa lỵ amip.
- Củ tỏi: allium sativum.
Trong tỏi chứa chất Allicin có tác dụng ức chế vi khuẩn và nấm gây bệnh. Do vậy, chúng cũng được dùng trong việc điều trị lỵ amip.
- Mộc hoa trắng: Holarrhena antidysenterica.
Thành phần conessin từ cây mộc hoa trắng có tác dụng chữa lỵ amip do ức chế tại độc tố và ngăn cản tiết ra độc tố. Từ đó, giảm được độc tố của vi khuẩn giúp bảo vệ đường ruột.
7. Nguyên tắc chăm sóc & chế độ dinh dưỡng cho trẻ mắc lỵ amip nhanh phục hồi
Khi trẻ bị mắc lỵ amip để chóng hồi phục, mẹ nên áp dụng các biện pháp chăm sóc sức khỏe cho trẻ như:
7.1. Nguyên tắc chăm sóc cho trẻ bị lỵ amip:
- Làm giảm các triệu chứng như: đau quặn bụng, co thắt đại tràng để trẻ cảm thấy dễ chịu hơn. Các biện pháp có thể là chườm ấm bụng, chườm gạo rang, uống nước gừng,…
- Cho trẻ uống nhiều nước và Oresol để tránh mất cân bằng nước và điện giải. Nước uống của trẻ mẹ thay đổi luân phiên để tránh nhàm chán như: nước dừa, nước gạo rang,…
- Nếu trẻ đang bú mẹ thì tiếp tục cho trẻ bú và bú nhiều hơn và lâu hơn.
- Cho trẻ ăn các thực phẩm dễ nuốt, dễ ăn, dễ hấp thụ như: cháo thịt bằm, cháo gạo rang, cháo hạt sen,…
- Không thúc ép trẻ ăn.
- Chia nhỏ các bữa ăn của trẻ thành 4-5 bữa/ ngày.
- Bổ sung lợi khuẩn để giúp trẻ ăn ngon hơn, tăng hệ thống miễn dịch, phục hồi hệ tiêu hóa.
- Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ.
7.2. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ
- Chế độ dinh dưỡng phải đảm bảo đủ và cân bằng 4 nhóm chất như: chất đạm, chất xơ, tinh bột, vitamin và chúng thường có nhiều trong thịt, cá, ngũ cốc, trái cây và rau xanh.
- Cho trẻ ăn hoặc uống nước trái cây tươi, đặc biệt thực phẩm chứa nhiều vitamin C như: cam, ổi,…
- Nên bổ sung thêm các loại rau củ, hạt như: hạt sen, củ mài, đậu xanh, ngó sen,…
8. Nhóm thực phẩm trẻ mắc lỵ amip nên tránh
Khi trẻ bị mắc lỵ amip mãi không khỏi, bệnh ngày nghiêm trọng thêm, nguyên nhân có thể là thực phẩm không phù hợp cho trẻ trong thời mắc bệnh. Do vậy, mẹ nên tránh cho trẻ ăn các thực phẩm dưới đây:
- Các sản phẩm từ sữa như: bơ, kem, pho mát. Đây là những sản phẩm gây kích ứng ở ruột làm cho tình trạng bệnh càng trở nên nghiêm trọng hơn. Còn sữa trẻ đang uống hàng ngày thì vẫn cho uống bình thường không cắt giảm khẩu phần sữa của trẻ.
- Thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, thức ăn cay.
- Không ăn các thực phẩm chứa nhiều đường như bánh ngọt do chúng sẽ kích thích vi khuẩn phát triển.
- Đồ uống có ga như nước ngọt.
- Rau củ: hành tây, rau hẹ, rau cần, giá đậu.
- Giảm bớt các thực phẩm giàu protein trong bữa ăn hàng ngày như: trứng, cá, sữa bò,…
9. Các biện pháp phòng bệnh
Để tránh được nguy cơ nhiễm amip thì chúng ta cần có các biện pháp phòng bệnh như:
- Quản lý và xử lý phân để đảm bảo không lây lan nguồn bệnh.
- Bảo vệ nước sinh hoạt tránh bị ô nhiễm.
- Không vứt rác bừa bãi quanh khu vực cư trú.
- Diệt ruồi, gián, nhặng,….do chúng là những côn trùng mang bệnh.
- Thực hiện chế độ ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi ngoài.
» Xem thêm: Tiêu chảy kéo dài ở trẻ – Giải pháp khắc phục hiệu quả, an toàn
Liên hệ ngay với chuyên gia của Imiale qua hotline: 1900 9482 hoặc 09 6762 9482 nhận được tư vấn từ chuyên gia.
Nguồn tham khảo: