Chúng ta đều biết rằng, chế độ ăn và sinh hoạt ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng và mức độ nặng của bên nhân mắc IBS – Hội chứng ruột kích thích. Để giảm các triệu chứng khó chịu và hướng tới một cuộc sống lành mạnh, hãy cùng tìm hiểu về những thực phẩm nên ăn – nên tránh. Bài viết dưới đây sẽ cho chúng ta hiểu rõ hơn về điều trị Hội chứng ruột kích thích như thế nào là hợp lý.
Mục lục
Hội chứng ruột thích thích là gì?
Hội chứng ruột kích thích (IBS – Irritable bowel syndrome) còn được gọi là bệnh đại tràng co thắt, đại tràng kích thích, viêm đại tràng nhầy, viêm đại tràng co thắt… Đây là một tình trạng bệnh riêng biệt với bệnh viêm ruột và không liên quan đến các tình trạng ruột khác. IBS là một nhóm các triệu chứng đường ruột thường xảy ra cùng nhau, các triệu chứng khác nhau về mức độ nghiêm trọng và thời gian ở mỗi người.
Đối với một số người, thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp giảm bớt các triệu chứng. Vì các triệu chứng của những người mắc bệnh IBS là không giống nhau, do bệnh xuất phát từ các nguyên nhân khác nhau, nên các cách tiếp cận để thay đổi chế độ ăn uống cần phải khác nhau.
1. Người mắc hội chứng ruột kích thích nên kiêng gì? 10 thực phẩm nên tránh
1.1. Chất xơ không hòa tan
Có 2 loại chất xơ được tìm thấy trong thực phẩm: chất xơ hòa tan và không hòa tan. Khả năng dung nạp chất xơ là khác nhau ở mỗi người. Chất xơ không hòa tan có trong cám lúa mì, khoai tây, súp lơ,…. có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh ở một số người nhưng ở những người khác lại không có tình trạng này.
Sử dụng thực phẩm chứa nhiều chất xơ hòa tan (táo, cà rốt, cam,..) thay cho chất xơ không hòa tan có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng như các cơn đau thắt, tình trạng chướng bụng,…
1.2. Gluten
Gluten là một nhóm protein được tìm thấy trong ngũ cốc bao gồm lúa mạch đen, lúa mì và lúa mạch…, có thể gây ra nhiều vấn đề cho một số người bị IBS.
Một số nghiên cứu năm cho thấy rằng, chế độ ăn không có gluten có thể cải thiện các triệu chứng IBS ở khoảng một nửa số người được nghiên cứu. Các bác sĩ khuyên những người bị IBS nên thử không sử dụng các thực phẩm chứa gluten để xem liệu các triệu chứng của họ có cải thiện hay không.
Nếu thấy rằng gluten làm cho các triệu chứng khó chịu hơn, hãy tuân theo chế độ ăn không gluten.
1.3. Sữa và sản phẩm từ sữa
Sữa có thể gây nhiều tình trạng khó chịu ở những người bị IBS vì trong sữa chứa nhiều chất đạm, chất béo và đường lactose, có thể dẫn đến tiêu chảy. Nếu cảm thấy sữa hoặc các sản phẩm từ sữa khiến cho bạn khó chịu đường tiêu hóa, hãy cân nhắc chuyển sang các sản phẩm thay thế từ sữa, chẳng hạn như sữa thực vật, pho mát làm từ đậu nành…
1.4. Đồ chiên rán
Khoai tây chiên và các loại thực phẩm chiên rán khác rất phổ biến trong danh sách thức ăn nhanh đang được ưa chuộng hiện nay. Tuy nhiên, ăn quá nhiều có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe. Hàm lượng chất béo cao có thể gây khó khăn cho các cơ quan trong cơ thể đối với những người bị IBS.
Chế biến bằng cách chiên rán trong dầu mỡ thực sự có thể làm thay đổi thành phần hóa học của thực phẩm, khiến thức ăn khó tiêu hóa hơn, dẫn đến các triệu chứng khó chịu ở đường ruột.
1.5. Các loại đậu
Đậu , đậu lăng và đậu Hà Lan nói chung là nguồn cung cấp protein và chất xơ tuyệt vời, nhưng chúng có thể gây ra các triệu chứng IBS. Chúng chứa các hợp chất gọi là oligosaccharid có khả năng chống lại sự tiêu hóa của các enzym đường ruột.
Hãy thử tránh các loại đậu để xem liệu điều này có giúp làm giảm các triệu chứng IBS của bạn hay không. Hoặc, khi ăn đậu hoặc đậu lăng, ngâm chúng qua đêm rồi rửa sạch trước khi nấu sẽ giúp cơ thể tiêu hóa dễ dàng hơn.
1.6. Đồ uống có caffein
Một số người cho rằng uống cà phê buổi sáng để tỉnh táo và dễ tiêu hóa hơn. Nhưng giống như tất cả các thức uống có caffein, cà phê có tác dụng kích thích đường ruột có thể gây tiêu chảy. Cà phê, nước ngọt và đồ uống tăng lực có chứa caffeine có thể là tác nhân gây ra IBS. Thay vào đó, nếu bạn cần tăng cường năng lượng cho buổi sáng, hãy cân nhắc ăn một bữa ăn nhẹ hoặc đi bộ nhanh.
1.7. Sô cô la
Thanh sô cô la và kẹo sô cô la có thể kích hoạt IBS vì chúng thường chứa nhiều chất béo và đường, thường chứa lactose và caffeine. Một số người bị táo bón sau khi ăn sô cô la.
1.8. Đồ uống có cồn
Đồ uống có cồn là nguyên nhân phổ biến đối với những người mắc IBS. Điều này là do cách cơ thể tiêu hóa rượu. Ngoài ra, rượu có thể dẫn đến mất nước, có thể ảnh hưởng đến tiêu hóa. Bia là một lựa chọn đặc biệt rủi ro vì nó thường chứa gluten. Rượu vang và đồ uống hỗn hợp có thể chứa lượng đường cao.
1.9. Tỏi và hành tây
Tỏi và hành tây là những chất tạo hương vị tuyệt vời cho thức ăn của bạn, nhưng chúng cũng có thể gây khó khăn cho đường ruột của bạn, gây ra khí thừa.
1.10. Bông cải xanh và súp lơ trắng
Bông cải xanh và súp lơ trắng rất khó tiêu hóa đối với cơ thể – đó là lý do tại sao chúng có thể gây ra các triệu chứng ở những người bị IBS. Khi ruột của bạn phân hủy những thực phẩm này, nó sẽ gây ra khí và đôi khi gây táo bón, ngay cả đối với những người không bị IBS.
2. Chế độ ăn cho người bị hội chứng ruột kích thích IBS
Nhiều bác sĩ khuyên những người bị IBS nên tuân theo chế độ ăn uống FODMAP thấp. Chế độ ăn kiêng này tập trung vào việc hạn chế thực phẩm giàu một số loại carbohydrate. FODMAP là viết tắt của các oligosaccharid, disaccharid, monosaccharid và polyols có thể lên men. Đây là những carbohydrate chuỗi ngắn, có thể lên men.
Theo Trường Y Harvard, nghiên cứu cho thấy ruột non không thể dễ dàng hấp thụ thực phẩm có chứa FODMAPs, chúng có thể gây đầy hơi, khó tiêu và các phản ứng kích ứng. .
Thực phẩm có chứa FODMAPs bao gồm :
- Hầu hết các sản phẩm sữa, có nguồn gốc từ sữa
- Một số loại trái cây, bao gồm táo, anh đào và xoài
- Một số loại rau, bao gồm đậu, đậu lăng, bắp cải và súp lơ
- Lúa mì và lúa mạch đen
- Chất ngọt như sorbitol, mannitol và xylitol
Trong khi tránh các loại thực phẩm trên, bạn vẫn có thể thưởng thức rất nhiều loại thực phẩm khác có điểm FODMAP thấp. Các loại thực phẩm FODMAP thấp có lợi cho sức khỏe khác mà bạn có thể sử dụng bao gồm:
- Các sản phẩm sữa không chứa lactose: Sữa free lactose
- Một số loại trái cây, bao gồm chuối, việt quất, nho, kiwi, cam và dứa
- Một số loại rau, bao gồm cà rốt, cần tây, cà tím, đậu xanh, cải xoăn, bí đỏ, rau bina và khoai tây
- Gạo, hạt kê và bột ngô
- Hạt bí ngô, hạt vừng và hạt hướng dương
Xem thêm: Phác đồ điều trị Hội chứng ruột kích thích
3. Người bị Hội chứng ruột kích thích IBS có ăn được sữa chua không?
Ăn sữa chua có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của Hội chứng ruột kích thích (IBS) vì sữa chua có chứa lợi khuẩn, giúp đưa vi khuẩn có lợi trở lại đường ruột. Nhưng sữa chua là sản phẩm từ sữa, cũng nằm trong danh sách thực phẩm cần tránh. Vậy người mắc Hội chứng ruột kích thích có nên ăn sữa chua hay không?
Sự thật là Hội chứng ruột kích thích ở mỗi người là khác nhau, từ nguyên nhân đến các loại triệu chứng. Nguyên nhân chính xác vẫn chưa được xác định, điều đó có nghĩa là cơ thể một số người có thể phản ứng kém với sữa chua trong khi những người khác có thể thấy nó giúp ích cho các triệu chứng và tình trạng của họ.
Vì vậy hãy kiểm tra phản ứng của cơ thể với sữa chua trước khi hoàn toàn sử dụng trong chế độ ăn uống hàng ngày.
Nếu sữa chua giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh, hãy lựa chọn các loại sữa chua có ít nhất 100 triệu CFU lợi khuẩn để đem lại hiệu quả tối ưu. Sữa chua nguyên chất, ít béo nên được ưu tiên vì không chứa quá nhiều đường hoặc chất béo.
Hãy đến gặp bác sĩ nếu không chắc liệu sữa chua có phải là một lựa chọn tốt cho cơ thể bạn hay không.
Tổng kết
Điều quan trọng cần nhớ là quá trình tiêu hóa và thức ăn của mỗi người là khác nhau. Một số người bị IBS có thể dung nạp các loại thực phẩm mà những người khác không thể. Tìm hiểu cơ thể của bạn và tìm hiểu những thực phẩm giúp bạn cảm thấy tốt nhất và hạn chế những thực phẩm gây ra các triệu chứng khó chịu. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bổ sung lợi khuẩn rất hữu ích nhằm giảm các triệu chứng của bệnh IBS. Vì vậy, người mắc bệnh IBS có thể bổ sung bằng cách sử dụng các chế phẩm men vi sinh để cung cấp cho cơ thể nguồn lợi khuẩn có ích.
Để được tư vấn rõ hơn về sức khoẻ của bạn xin liên hệ HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.