Tỉ lệ trẻ dị ứng đạm sữa bò trên toàn thế giới chiếm khoảng 2-5%. Dị ứng sữa công thức ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ trong giai đoạn đầu đời, đặc biệt là với các bé phụ thuộc sữa công thức từ nhỏ. Bài viết này sẽ cung cấp các thông tin cần thiết cho bạn về phác đồ chẩn đoán và điều trị cho trẻ dị ứng đạm bò.
Mục lục
1. Dị ứng đạm sữa bò là gì?
Dị ứng đạm sữa bò (cow’s milk protein allergy – CMPA) là tình trạng cơ thể trẻ có những phản ứng bất thường với các protein có trong sữa bò hoặc các sản phẩm có chứa protein từ sữa. Sau khi dùng các sản phẩm từ sữa bò từ vài phút đến vài giờ, trẻ xuất hiện các phản ứng dị ứng điển hình như nổi mề đay, mẩn đỏ, sổ mũi, khò khè….
Dị ứng đạm sữa bò có nguy cơ mắc cao ở trẻ sơ sinh, với tỷ lệ mắc 2% –3% trẻ dưới 1 tuổi. Tỉ lệ mắc giảm dần đối với trẻ lớn hơn, chỉ còn dưới 1% ở trẻ nhỏ dưới 6 tuổi.
2. Nguyên nhân trẻ dị ứng đạm bò
Nguyên nhân khiến trẻ dị ứng đạm sữa bò là do hoạt động quá mức của hệ miễn dịch. Hệ miễn dịch của trẻ nhận diện đạm bò – thành phần protein kích thước phân tử lớn có trong sữa bò hoặc các sản phẩm từ sữa bò, là tác nhân gây hại và tiết ra kháng thể IgE để bảo vệ cơ thể. Khi kháng thể IgE gắn với tác nhân gây dị ứng, bạch cầu được huy động đến tiêu diệt tác nhân lạ, đồng thời giải phóng các chất trung gian hoá học như histamin, serotonin,… gây ra các phản ứng dị ứng.
Hai thành phần chính trong sữa bò có thể gây dị ứng cho trẻ: Casein, Whey.
3. Triệu chứng trẻ dị ứng đạm sữa bò
Trẻ dị ứng đạm sữa bò chỉ khởi phát các triệu chứng sau vài phút – vài giờ dùng các thực phẩm có chứa đạm sữa bò như sữa, phomai, bánh kẹo hoặc bú mẹ nếu chế độ ăn của mẹ bao gồm cả thịt bò. Các triệu chứng có thể nặng hay nhẹ tùy vào lượng đạm bò mà trẻ nạp vào và cả tình trạng bệnh của trẻ. Dị ứng đạm bò gây ra các triệu chứng toàn thân mà không chỉ khu trú tại một vùng, một vị trí nhất định. Triệu chứng ban đầu có thể nhẹ nhàng, sau đó nặng dần, thậm chí đe dọa tính mạng trẻ, bao gồm:
- Trên da: Da trẻ xuất hiện mẩn đỏ, nổi mề đay gây ngứa, hoặc phù mạch, gây sưng mắt, môi, tay chân. Ban đầu mẩn có thể chỉ xuất hiện ở mặt, má đùi, sau đó có thể lan rộng, rải rác khắp cơ thể.
- Trên tiêu hóa: Triệu chứng xuất hiện sớm nhất là nôn trớ. Sau đó trong vòng 24h, trẻ có thể gặp các rối loạn tiêu hóa như đau bụng, táo bón/tiêu chảy.
- Trên hô hấp: Khó thở, trẻ thở nhanh, gấp, khò khè.
- Trên tin mạch: Tim đập nhanh.
- Toàn thân: Trẻ mệt mỏi hay quấy khóc, nặng nhất là sốc phản vệ (Sốc phản vệ là phản ứng dị ứng nghiêm trọng xuất hiện nhanh, ngay lập tức và diễn biến qua nhiều giai đoạn nghiêm trọng có thể khiến trẻ tử vong).
Cần phân biệt trẻ dị ứng đạm sữa bò với trẻ bất dung nạp Lactose, do 2 bệnh lý này có những triệu chứng trên tiêu hóa khá giống nhau. Việc chẩn đoán sai bệnh có thể dẫn đến sai lầm trong điều trị, khiến tình trạng bệnh nặng không cải thiện, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Với trẻ dị ứng đạm sữa bò, mẹ cần lưu ý một số triệu chứng nặng, có thể gây nguy hiểm nếu không được xử trí kịp thời: Sốc phản vệ, mề đay hay trào ngược dạ dày – thực quản.
Sốc phản vệ
Khi trẻ bị dị ứng đạm sữa bò tình trạng này có thể diễn biến nặng hơn dẫn đến tình trạng sốc phản vệ.
- Sưng phù môi, hầu họng, niêm mạc
- Nôn mửa nhiều lần có thể kèm tiêu chảy
- Khó thở hoặc thở khó chịu
- Đau tức ngực
- Huyết áp thấp, mạch yếu và nhanh
- Chóng mặt
- Trẻ lờ đờ, hôn mê
Ngay lúc này mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.
Trào ngược dạ dày – thực quản
Tình trạng nôn trớ, trào ngược có thể chèn đường thở. Do đó, khi trẻ nôn trớ liên tục, triệu chứng nặng hơn, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Mề đay
Đối với mề đay mẹ có thể hoàn toàn xử trí tại nhà bằng cách dừng cho trẻ dùng sữa bò hoặc thực phẩm chứa sữa bò. Trường hợp triệu chứng kéo dài 2-3 ngày mà không có dấu hiệu cải thiện, mẹ có thể cho trẻ dùng thuốc kháng Histamin H1 theo chỉ dẫn của bác sĩ/dược sĩ:
- Loratadin 10mg/ngày đối với trẻ trên 6 tuổi, 5mg/ngày đối với trẻ từ 2-5 tuổi
- Cetirizin 10mg/ngày đối với trẻ trên 6 tuổi, 5mg/ngày đối với trẻ từ 2-5 tuổi
Trong trường hợp nặng, mẹ tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi phối hợp thuốc kháng Histamin H1 và Corticoid.
Lưu ý: Nguyên nhân nổi mề đay là do các chất trung gian hóa học, nội tiết chứ không phải do nhiễm vi khuẩn, nấm…. Do đó, không sử dụng các bài thuốc dân gian như sử dụng lá trầu không, lá kinh giới để xử lý tình trạng nổi mề đay, có thể khiến da bị tổn thương nặng nề hơn.
4. Hình ảnh trẻ dị ứng đạm sữa bò
Trẻ dị ứng đạm sữa bò được chẩn đoán trước hết dựa vào triệu chứng lâm sàng, kết hợp với các test đặc hiệu. Dưới đây tổng hợp hình ảnh trẻ dị ứng đạm sữa bò giúp cha mẹ nhận biết tình trạng của trẻ và có biện pháp xử trí kịp thời:
5. Chẩn đoán dị ứng đạm sữa bò ở trẻ
Trẻ được chẩn đoán dị ứng đạm sữa bò chủ yếu qua khai thác tiền sử dị ứng và chẩn đoán xác định qua các test dị ứng (xét nghiệm dị ứng).
5.1 Khai thác tiền sử dị ứng của trẻ
Cần khai thác tiền sử gia đình vì dị ứng thường mang tính chất di truyền. Người nhà bé mà có mắc các bệnh dị ứng như viêm mũi dị ứng, chàm hen suyễn, mày đay… thì em bé đó có nguy cơ phản ứng dị ứng với đạm sữa bò.
Bên cạnh đó, các vấn đề sức khỏe của trẻ và các thông tin như: loại sữa trẻ đang dùng, các triệu chứng, thời điểm xuất hiện… cần cho việc chẩn đoán. Kiểm tra các cơ quan chịu ảnh hưởng của dị ứng như da, hệ tiêu hóa, hệ hô hấp… cũng rất quan trọng.
5.2 Các xét nghiệm dị ứng
Dưới đây là các phản ứng test dị ứng đạm sữa bò mà thường được sử dụng:
Test 1 – Lẩy da
Đây là kỹ thuật cơ bản giúp xác định tình trạng phản ứng của cơ thể với đạm sữa bò.
Cách tiến hành:
- Bước 1: Vẽ lên tay đánh dấu vùng da thực hiện xét nghiệm (test)
- Bước 2: Dùng đầu kim tiêm gây vết chích hoặc vết xước tại vị trí đã đánh dấu.
- Bước 3: Nhỏ 1 – 2 giọt sữa bò hay protein sữa bò vào vị trí gây vết chích. Sau đó chờ sau 15 – 30 phút, quan sát các biểu hiện trên da trẻ để đánh giá.
Cách đọc kết quả:
- Âm tính: không có biểu hiện gì trên da
- Dương tính: Trên da xuất hiện mẩn, ngứa, xung huyết, ban đỏ… mức độ nặng hay nhẹ phụ thuộc và độ rộng của vết ban đỏ.
Test 2 – Định lượng IgE đặc hiệu
Xét nghiệm này sử dụng để sàng lọc dị ứng thông qua đánh giá khả năng đáp ứng với các triệu chứng dị ứng ở bệnh nhân. Phản ứng này có độ chính xác cao hơn test lẩy da, được áp dụng khi test lẩy da không có phản ứng mà vẫn nghi ngờ nguyên nhân là do dị ứng đam sữa bò.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Lấy mẫu máu trước khi tiến hành xét nghiệm
- Bước 2: Cho trẻ uống sữa bò (hoặc ăn thực phẩm từ sữa bò)
- Bước 3: Lẫy mẫu máu sau khi uống sữa bò
- Bước 4: Xét nghiệm 2 mẫu máu.
Cách đọc kết quả:
- Âm tính: 0,00 – 0,34 kUA/L
- Dương tính: > 0,34 kUA/L.
Test 3 – Kích ứng đường miệng
Đây là test đặc thù các phản ứng dị ứng do thực phẩm hay thức ăn gây nên.
Cách thực hiện: Test này chỉ được thực hiện tại các cơ sở y tế
- Bước 1: Cho trẻ ăn/ uống thức ăn chứa đạm sữa bò.
- Bước 2: Quan sát các phản ứng của trẻ.
Nhân viên y tế sẽ quan sát triệu chứng của trẻ và đưa ra chẩn đoán xác định tình trạng của trẻ. Đây là tiêu chuẩn vàng trong xét nghiệm trẻ bị dị ứng đạm sữa bò.
Test 4 – Ăn kiêng sau cho ăn lại
Test này được thực hiện tại nhà dưới sự theo dõi của phụ huynh. Đây là test kiểm tra mức độ dị ứng của trẻ với đạm sữa bò.
Cách tiến hành như sau:
- Dừng tất các sản phẩm có chứa đạm sữa bò như bơ sữa, sữa tươi nguyên kem, phô mai… để đánh giá các triệu chứng dị ứng trên da, mắt, hô hấp, toàn thân của con.
- Sau 3 tháng mẹ có thể thử dùng lại với lượng nhỏ thức ăn chứa thành phần từ đạm sữa bò và theo dõi phản ứng của trẻ. Nếu không còn phản ứng, mẹ có thể cho trẻ ăn lượng nhỏ thức ăn/ sữa bò và tăng dần đến khi bằng khẩu phần ăn của trẻ khỏe mạnh. Nếu vẫn còn phản ứng, mẹ cho bé ăn lại sau 3 tháng nữa và tiếp tục theo dõi tình trạng dị ứng của con.
6. Chế độ ăn cho trẻ dị ứng đạm sữa bò
Đối với trẻ dị ứng đạm sữa bò, chế độ ăn ảnh hưởng đến khởi phát triệu chứng cũng như mức độ tiến triển của bệnh. Do đó, sau khi được chẩn đoán dị ứng đạm sữa bò, chế độ ăn của trẻ cần TRÁNH sữa bò các các sản phẩm chứa sữa bò hay sữa động vật khác (sữa dê).
Cụ thể, trẻ cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
Nguyên tắc 1: Trẻ dị ứng đạm sữa bò tiếp tục bú sữa mẹ
Khuyến khích mẹ tiếp tục cho con bú vì sữa mẹ không chứa thành phần đạm bò nên an toàn, không gây phản ứng dị ứng đồng thời cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho trẻ.
Các tổ chức Y tế khuyến cáo mẹ hãy cho con bú ít nhất trong 6 tháng đầu đời và nếu có thể mẹ hãy cho con bú trong vòng 24 tháng sau khi sinh.
Lúc này, dinh dưỡng của con phù thuộc phần lớn vào chất lượng của sữa mẹ. Do đó, mẹ cần bổ sung dinh dưỡng bằng cách:
- Chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày: Chia nhỏ bữa ăn giúp tiêu hóa và hấp thu dễ dàng hơn. Mẹ có thể ăn từ 3 – 6 bữa/ ngày để đáp ứng nhu cầu năng lượng và dinh dưỡng của cả mẹ và bé.
- Đa dạng các nhóm thực phẩm cho mẹ: Mỗi bữa ăn của mẹ cần đầy đủ các thành phần dinh dưỡng bao gồm chất đạm, cacbonhydrat, chất béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất…
- Tránh một số thực phẩm: Tuy nhiên ở giai đoạn này mẹ cũng nên hạn chế sử dụng một số loại thức ăn. Nó có thể ảnh hưởng đến lượng sữa và chất lượng sữa của mẹ như thực phẩm mang tính kích thích: đồ tanh, đồ cay, bia, rượu, trà, cà phê…
- Sau khi trẻ cai sữa, mẹ có thể quay về chế độ ăn bình thường, không cần tránh các thực phẩm từ bò.
Nguyên tắc 2: Loại bỏ sữa bò hay các sản phẩm có chứa sữa bò ra khỏi khẩu phần ăn của mẹ
Thành phần protein trong thức ăn có thể qua sữa mẹ và gây các biểu hiện dị ứng tương tự như trẻ ăn phải thức ăn chứa đạm bò. Vì vậy, đối với trẻ bị dị ứng đạm sữa bò mà bú mẹ hoàn toàn thì cũng cần bỏ protein sữa bò khỏi chế độ ăn của mẹ.
Tuy nhiên, giai đoạn này sữa là nguồn cung cấp nhiều dinh dưỡng cần thiết cho mẹ, vì vậy mẹ có thể lựa chọn các thực phẩm hoặc các sữa thay thế như: sữa đậu nành, sữa dừa, sữa hạt điều… Khi lựa chọn sữa thay thế cho mẹ cần quan tâm đến các yếu tố như hàm lượng dinh dưỡng, các chất vi lượng, các vitamin có trong sữa, nhu cầu của mẹ và chi phí.
Ngoài ra, mẹ có thể áp dụng chế độ tránh sữa bò và thực phẩm chứa đạm sữa bò từ 2-6 tuần: Tránh uống sữa bò và thực phẩm chứa đạm sữa bò 2 tuần, sau đó dùng lại và theo dõi phản ứng của trẻ:
- Nếu triệu chứng không lặp lại: Mẹ có thể quay lại chế độ ăn bình thường.
- Nếu triệu chứng của trẻ lặp lại: Tránh ăn và lặp lại chế độ tránh sữa bò, thực phẩm chứa đạm sữa bò đến khi bé không lặp lại các triệu chứng.
Nguyên tắc 3: Với trẻ dùng sữa ngoài, cho trẻ dùng sữa thủy phân một phần hoặc hoàn toàn
Để hạn chế các phản ứng dị ứng, trẻ dị ứng đạm sữa bò được khuyên dùng sữa thủy phân (hoàn toàn hoặc không hoàn toàn). Trong loại sữa này, thành phần protein có thể gây dị ứng cho trẻ đã được xử lý, thủy phân thành các phân tử có kích thước nhỏ hơn và không còn khả năng gây phản ứng dị ứng cho trẻ.
Lưu ý:
- Chọn sữa phù hợp với độ tuổi của trẻ để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Hiện có 2 loại sữa: sữa dành cho trẻ dưới 6 tháng, và sữa dành cho trẻ trên 6 tháng.
- Sữa thủy phân có thể có mùi vị khác với sữa mẹ, khó uống hơn. Do đó, một số trường hợp trẻ phản kháng, không chịu uống sữa. Lúc này, mẹ cần cho trẻ uống liều lượng nhỏ, khoảng 100-200 ml/ngày sau đó tăng dần đến 600ml/ngày với trẻ dưới 1 tuổi.
- Kết hợp với cho bé ăn dặm, lưu ý tránh các món từ thịt bò, sữa bò….
>>> Xem thêm: 5 nguyên tắc chọn sữa cho trẻ dị ứng đạm bò
Nguyên tắc 4: Với trẻ ăn dặm, tránh sữa bò và các chế phẩm từ bò
Trẻ dị ứng đạm sữa bò được khuyến khích ăn dặm khi ngoài 6 tháng tuổi để ngăn ngừa các dị ứng khác. Chế độ ăn dặm của trẻ dị ứng đạm sữa bò cũng cần mẹ cân nhắc kĩ:
- Khi bắt đầu ăn dặm: Mẹ cho bé ăn một số loại rau củ như cà rốt, khoai lang, chuối….
- Từ tháng thứ 7: Có thể bổ sung lòng đỏ trứng, thịt heo và đến thịt gà.
- Tránh cho trẻ dị ứng đạm sữa bò uống sữa bò hoặc ăn các chế phẩm từ thịt bò như bơ, phomai, bánh kẹo…
- Sau đó, mẹ có thể tập cho bé ăn các thực phẩm từ bỏ theo nguyên tắc 2-6 tuần (tương tự như với mẹ). .
7. Sữa cho trẻ dị ứng đạm sữa bò
Cách duy nhất để xử trí dị ứng đạm sữa bò là hoàn toàn tránh sữa bò và những chế phẩm từ sữa bò có thể gây dị ứng cho khỏi chế độ ăn. Ở trẻ không bú sữa mẹ, sữa công thức đóng vai trò quan trọng như sữa mẹ nó cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Hiện nay có ba loại sữa công thức được khuyến nghị cho trẻ có CMPA: công thức sữa đậu nành, công thức sữa thủy phân hoàn toàn, công thức sữa acid amin:
7.1 Sữa thủy phân một phần (partially hydrolyzed protein milk)
Protein trong sữa bò được thủy phân, phất cắt thành nhiều mảnh peptid nhỏ hơn (có cấu trúc từ 4-10 axit amin hợp thành). Sữa thủy phân một phần giúp giảm bớt kích thước của cấu trúc protein trong sữa bò.
Một số sữa thủy phân một phần uy tín trên thị trường hiện nay:
- Nan Superme
- Aptamil HA
7.2 Sữa thuỷ phân hoàn toàn (extensively hydrolyzed protein milk)
Ở dạng này, protein trong sữa bò được thuỷ phân thành nhiều đoạn rất nhỏ (có thể là peptid kết hợp giữa 2-3 axit amin) để cơ thể không xem các đoạn đó là yếu tố lạ. Từ đó sẽ hạn chế gây nên tình trạng dị ứng cho trẻ khi uống.
- Meiji HP (Nhật)
- Aptamil AllerPro
- Aptamil Pepti
- Aptamil Pepti-Junior Gold + (của Úc)
- Aptamil Pepti-Junior (của Anh)
- Pregestimil.
- Nutramigen
- Similac Alimentum bột
- Similac Alimentum nước
7.3 Sữa acid amin
Protein được tạo nên từ các thành phần cấu tạo nhỏ nhất là các acid amin. Do đó, sữa acid amin là sữa được thuỷ phân rất nhiều lần protein để được các phân tử acid amin nhỏ nhất. Do thành phần là acid amin dễ tiêu hóa nhất nên đây cũng được coi là dòng sữa thủy phân.
- Puramino
- Neocate
- Elecare
Lưu ý:
- Các công thức khác như sữa dê… không dùng cho trẻ bị dị ứng đạm sữa bò. Do có khả năng phản ứng chéo với các protein có cấu trúc tương tự.
- Sữa thủy phân một phần không thích hợp cho trẻ sơ sinh bị dị ứng đạm bò nặng, nhiều biểu hiện kích ứng. Nhưng mẹ vẫn có thể sử dụng trong trường hợp trẻ bị dị ứng đạm sữa bò ở thể nhẹ.
- Lưu ý một số lựa chọn thay thế bằng sữa đạm thực vật: chẳng hạn như sữa gạo, sữa hạnh nhân… không đủ dinh dưỡng và do đó không được khuyến nghị thay thế cho sữa mẹ hoặc sữa bò. Một số loại sữa phổ biến ở dạng này là: XO Allegry (Hàn Quốc), Novalac riz (Pháp), Modilac riz, Các loại sữa hạt (137 degrees, Alpro, Balance, Koshi…), Similac Isomil soy, Wakado Bonlact soy…
8. Lưu ý khi chăm sóc trẻ dị ứng đạm sữa bò
- Đầu tiên hãy đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và tư vấn về tình trạng của con bạn, từ đó chọn các loại sữa công thức an toàn: sữa thủy phân hoàn toàn, sữa công thức amino acid.
- Cần bổ sung rất nhiều thực phẩm giàu calci, đạm, vitamin D, B12 ngoài sữa như: bông cải, cải bó xôi, đậu nành… để có chế độ ăn uống cân bằng.
- Sử dụng sữa công thức thay thế như sữa đậu nành, sữa gạo, các món ưa thích như kem, phô mai… không chứa protein trong sữa bò.
- Hạn chế cho bé ăn các thực phẩm đã được chế biến sẵn
Bé bị dị ứng đạm sữa bò mẹ nên ăn gì?
Tóm lại: Tình trạng trẻ dị ứng đạm sữa bò xảy ra khá thường xuyên ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ. Để cải thiện tình trạng này, mẹ nên cho trẻ tránh các sản phẩm từ sữa bò tùy theo tình trạng dị ứng của trẻ. Ngoài ra, mẹ lưu ý phân biệt trẻ dị ứng đạm sữa bò với trẻ bất dung nạp Lactose để có hướng xử trí phù hợp.
» Xem thêm: Phân biệt bất dung nạp lactose và dị ứng đạm sữa bò ở trẻ
Để tìm hiểu thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ với các chuyên gia của chúng tôi theo HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.
Nguồn tham khảo: