Là vị dược liệu quan trọng trong nhiều bài thuốc, dễ trồng, ít sâu bệnh,… là những đặc điểm nổi bật của đinh lăng. Trong những năm gần đây, đinh lăng cũng là một trong những dược liệu được nghiên cứu về tác dụng dược lý nhiều nhất. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số thông tin về đặc điểm thực vật và ứng dụng của cây đinh lăng trong đời sống nói chung và sức khỏe con người nói riêng.
Tổng quan về cây đinh lăng
Tên gọi khác
Ngoài tên gọi là Đinh lăng, loài này còn được biết đến với các tên gọi khác như: cây gỏi cá, nam dương lâm…
Tên khoa học
Polyscias fruticosa (L.) Harms (Panax fruticosum L, Nothopanax fruticosum (L) Miq, Tieghemopanax fruticosus (L.) R. vig.
Họ
Ngũ gia bì Araliaceae
Đặc điểm thực vật của cây
- Cây đinh lăng là một loại cây nhỏ, thân nhẵn, không có gai, thường cao 0.8 đến 1.5 m.
- Các lá có sắc tố xanh đậm, kết cấu bóng, và có hình tam giác và có vẻ phân chia. Lá kép 3 lần xẻ lông chim dài 20-40 cm, không có lá kèm rõ. Lá chét có cuống gầy dài 3-10mm, phiến lá chét có răng cưa không đều, lá có mùi thơm.
- Các lá riêng lẻ khác nhau từ hình trứng hẹp đến hình mác và dài khoảng 10 cm.
- Cụm hoa hình chùy ngắn dài 7-18mm, gồm nhiều tán, mang nhiều hoa nhỏ. Tràng 5, nhị 5 với chỉ nhị gầy, bầu hạ 2 ngăn có rìa trắng nhạt.
- Quả dẹt, dài 3-4 mm, dày 1mm có vòi tồn tại.
Đinh lăng có những đặc điểm về lá, hoa, rễ khá riêng biệt. Việc nhận diện đúng cây sẽ giúp người dùng sử dụng cây với đúng mục đích, giúp người dùng đạt được hiệu quả như mong muốn.
Phân bố
Cây đinh lăng phát triển mạnh trong môi trường có độ ẩm trung bình, nhiệt độ từ 16-29oC. Cây được trồng chủ yếu ở một số nước Đông Nam Á và các đảo nhiệt đới của khu vực Thái Bình Dương.
Tại Việt Nam, cây được trồng phổ biến trên khắp cả nước. Đinh lăng phát triển tốt ở Việt Nam nên việc sử dụng vị thuốc này trong điều trị một số bệnh cũng đang được đẩy mạnh.
Bộ phận dùng
Người ta thường dùng: lá, thân, cành, rễ để sử dụng trực tiếp cũng như làm nguyên liệu đầu vào để chiết xuất hay nghiền bột để tạo ra các dạng bào chế khác.
Thu hái và chế biến
Tùy vào bộ phận thu hái và mục đích sử dụng mà thu hái dược liệu vào những thời điểm khác nhau:
- Thu hái rễ: nên thu hái vào mùa thu hoặc đông.
- Thu hái lá: nên tiến hành vào lúc cây chớm ra hoa hoặc sắp ra hoa, khi đó lá phát triển nhất và chứa nhiều hoạt chất. Lá thu hái cũng nên là lá bánh tẻ, bỏ lại lá non, tránh để dập nát và thâm đen làm giảm chất lượng
- Thu hái toàn cây: nên thu hái khi cây bắt đầu ra hoa, bằng cách cắt tỉa cành từ dưới lá tươi cuối cùng của các bộ phận trên mặt đất như thân, nhánh mang lá, hoa…
Sau khi thu hái xong, các bộ phận được rửa sạch, phơi hay sấy khô. Việc thu hái vào thời điểm thích hợp sẽ đảm bảo thu được các bộ phận cây có hàm lượng hoạt chất cao nhất.
Thành phần hóa học
Ngày nay, có rất nhiều nghiên cứu về các thành phần hóa học có trong cây đinh lăng. Trong đó, các thành phần hóa học có vai trò quan trọng trong đời sống, sức khỏe con người như:
- Alkaloid, Glucozid, Saponin, Flavonoid, Tannin
- Vitamin B
- Các acid amin không thể thay thế được như Lyzin, Xystei, Methionine…
Công dụng – Tác dụng
Từ xa xưa, đinh lăng đã được coi là một vị thuốc quý. Cây đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ trong y học cổ truyền, nơi nó được xem như là thuốc giảm đau, hạ sốt và lợi tiểu. Bên cạnh đó, đinh lăng còn là một vị thuốc bổ giúp bồi bổ cho người suy nhược cơ thể và thần kinh. Người ta còn dùng đinh lăng với tác dụng lợi sữa, giải độc, tăng cường sinh lý…
Các nghiên cứu trong y học hiện đại về tác dụng của đinh lăng đã cho kết quả:
- Đinh lăng giúp cho hệ thần kinh tiếp nhận kích thích tốt hơn và thực hiện phản xạ nhanh hơn. Qua đó, giúp cải thiện về thần kinh cho những người suy nhược.
- Trên gia súc, gia cầm, đinh lăng được sử dụng để điều trị tiêu chảy do tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn sinh mủ và vi khuẩn đường ruột.
Ngoài ra, trên động vật thí nghiệm, đinh lăng còn tạo ra được một số tác dụng khác như: tăng sức dẻo dai của cơ thể, làm giảm trương lực cơ tim trên ếch, hạ huyết áp- tăng co bóp tử cung nhẹ trên thỏ…
>>> Xem thêm: Bồ công anh và những điều cần biết
Một số bài thuốc từ cây dược liệu đinh lăng theo y học cổ truyền Việt Nam
Theo Đông y, đinh lăng có vị nhạt, hơi đắng, tính bình nên việc sử dụng đinh lăng riêng lẻ hay kết hợp cùng những vị thuốc khác đã tạo ra nhiều bài thuốc hay, giúp điều trị nhiều bệnh, triệu chứng cho con người:
Bài thuốc giúp bồi bổ cơ thể cho người suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh
- Nguyên liệu: Sử dụng 150-200g lá đinh lăng tươi; 200ml nước sôi.
- Cách sắc: Đun nước sôi, cho lá đã rửa sạch vào đun cùng.
- Trong quá trình đun, đảm bảo lá luôn ngập trong nước sôi. Sau 5-7 phút, ngừng đun, chắt lấy nước.
- Cách dùng: uống trực tiếp, dùng hằng ngày.
- Lưu ý: sau khi thu được nước sắc lần đầu, có thể sử dụng lá sắc lần 2 cũng với 200ml nước.
Bài thuốc chữa tắc tia sữa
- Nguyên liệu: rễ đinh lăng 40g, gừng tươi 3 lát, 500ml nước
- Cách sắc: cho rễ đinh lăng cùng gừng vào 500ml nước, sắc đến khi còn lại khoảng 250ml.
- Cách dùng: uống khi còn nóng, uống 125ml/lần, 2 lần/ngày.
>>> Xem thêm: 26 Loại ngũ cốc, thảo dược, thực phẩm lợi sữa bổ dưỡng nhất
Bài thuốc chữa ho suyễn lâu năm
- Nguyên liệu: Rễ đinh lăng, bách bộ, đậu săn, rễ cây dâu, nghệ vàng, rau tần dày lá, mỗi loại 8g 8g, củ xương bồ 6g; gừng khô 4g,
- Cách sắc: sắc tất cả nguyên liệu trong 600ml, đun nhỏ lửa đến khi còn 250ml.
- Cách dùng: uống khi còn nóng, uống 125ml/lần, 2 lần/ngày.
Bài thuốc chữa phong thấp, thấp khớp
- Nguyên liệu: Rễ đinh lăng 12g; Cối xay, Hà thủ ô, Huyết rồng,Cỏ rễ xước,thiên niên kiện tất cả 08 g; Vỏ quýt, quế chi 04g
- Cách sắc: sắc tất cả nguyên liệu (trừ quế chi) trong 600ml, đun nhỏ lửa đến khi còn 250ml. Quế chi bỏ vào sau cùng khi sắp nhắc ấm thuốc xuống.
- Cách dùng: uống khi còn nóng, uống 125ml/lần, 2 lần/ngày.
Bài thuốc chữa đau mỏi các khớp, vận động khó khăn ở người già
- Nguyên liệu: rễ đinh lăng (sao thơm) 20g, ngưu tất 16g, thổ linh 20g, nam tục đoạn 20g, xuyên khung 12g, đương quy 12g, đỗ trọng 10g, khởi tử 12g, cam thảo 12g, đại táo 12g, trần bì 12g.
- Cách dùng: sắc tất cả nguyên liệu với 800ml nước, đun nhỏ đến khi còn lại khoảng 250ml, chia 2 – 3 lần uống trong ngày
- Lưu ý: 12 – 15 ngày là một liệu trình.
Bài thuốc chữa sưng đau cơ khớp, vết thương
- Nguyên liệu: lấy khoảng 40gam lá tươi
- Cách dùng: giã nhuyễn lá
- Cách dùng: đắp trực tiếp lên vết thương vết thương hay chỗ sưng đau.
Bài thuốc phòng co giật ở trẻ
- Nguyên liệu: lá đinh lăng non và già cùng phơi khô
- Cách dùng: lót vào gối hay trải xuống giường cho trẻ nằm.
Bài thuốc chữa đau lưng mỏi gối
- Nguyên liệu: 20 – 30g thân, cành đinh lăng
- Cách dùng: sắc các thành phần với 600ml nước, đun nhỏ lửa đến khi còn lại khoảng 300ml nước. Chắt lấy nước chia 3 lần uống trong ngày.
- Lưu ý: Có thể phối hợp cả rễ cây xấu hổ, cúc tần và cam thảo dây.
Bài thuốc chữa mất ngủ
- Nguyên liệu: lá đinh lăng 24g, tang diệp 20g, lá vông 20g, tâm sen 12g, liên nhục 16g.
- Cách dùng: sắc tất cả nguyên liệu với 400ml, đun nhỏ lửa đến khi còn lại khoảng 150ml. Chia 2 lần uống trong ngày.
Bài thuốc chữa đái buốt đái rắt, nước tiểu đỏ
- Nguyên liệu: lá đinh lăng, xa tiền thảo, kim tiền thảo, liên tiền thảo, mỗi vị một nắm to.
- Cách dùng: sắc uống trong ngày.
- Lưu ý: có thể gia thêm chè búp 10 – 12g.
Bài thuốc chữa đau quặn thận, bí tiểu tiện
- Nguyên liệu: lá đinh lăng 40g, xấu hổ tía 40g, rau ngổ 30g, râu bắp 24g, xa tiền thảo 20g.
- Cách dùng: sắc uống ngày 1 thang.
Bài thuốc chữa liệt dương
- Nguyên liệu: rễ đinh lăng, hoài sơn, ý dĩ, hoàng tinh, hà thủ ô, kỷ tử, long nhãn, cám nếp, mỗi vị 12g; trâu cổ, cao ban long, mỗi vị 8g; sa nhân 6g.
- Cách dùng: sắc uống ngày 1 thang.
Bài thuốc chữa viêm gan
- Nguyên liệu: rễ đinh lăng 12g; nhân trần 20g; ý dĩ 16g; chi tử, hoài sơn, biển đậu, rễ cỏ tranh, xa tiền tử, ngũ gia bì, mỗi vị 12g; uất kim, nghệ, ngưu tất, mỗi vị 8g.
- Cách dùng: sắc uống ngày 1 tháng.
Cần tham khảo ý kiến bác sĩ Đông Y về việc sử dụng các bài thuốc trên trong điều trị, để đem lại hiệu quả cao, đồng thời tránh những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra.
Một số nghiên cứu khác về đinh lăng
Bên cạnh các bài thuốc y học cổ truyền, các bộ phận của cây đinh lăng cũng được chiết xuất và bào chế thành các dạng thuốc như viên nén, viên nang, viên tròn để thuận tiện hơn cho người sử dụng.
Việc sử dụng các loại thuốc trên luôn cần sự tư vấn y tế, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng.
Tác dụng không mong muốn
Đinh lăng là một loài khá an toàn khi sử dụng. Được xếp vào nhóm có độc tính thấp, người dùng ít gặp các tác dụng không mong muốn. Tuy nhiên, vẫn có các trường hợp người sử dụng gặp một số tác động bất lợi của thuốc như:
- Kích ứng miệng
- Giãn đồng tử
- Đau dạ dày
- Buồn nôn, nôn mửa
- Tiêu chảy
- Kích ứng da sau khi tiếp xúc nhiều lần.
Các tác dụng không mong muốn trên có thể chưa đầy đủ, nếu gặp bất kỳ triệu chứng hay dấu hiệu bất thường nào khác, hãy liên hệ với nhân viên y tế để được hỗ trợ.
- Thành phần gây độc: Phần lớn các trường hợp xuất hiện tác dụng không mong muốn do hoạt chất Saponin glycoside. Tuy nhiên, các hợp chất khác trong đinh lăng cũng có thể là nguyên nhân gây ra các bất thường trong và sau quá trình sử dụng.
- Các bộ phận gây độc: tất cả các bộ phận của đinh lăng đều có thể gây độc. Từ lá, hoa, thân, cành đến rễ khi tiếp xúc hay sử dụng đều có thể gây ra tác dụng không mong muốn.
Các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tác dụng không mong muốn
Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dùng cũng như hạn chế các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra, cần:
- Tham khảo ý kiến của dược sĩ hay bác sĩ về tiền sử dị ứng của bạn với các dược liệu hay bất kỳ dị ứng nào khác trước khi sử dụng các chế phẩm có thành phần là đinh lăng.
- Trình bày cho dược sĩ hay bác sĩ về tiền sử bệnh lý của người bệnh để được tư vấn y tế trước khi sử dụng.
- Đối với một số người có một số phản ứng dị ứng như viêm, sưng tấy, nóng ran do da tiếp xúc với lá của đinh lăng, cần tránh tiếp xúc để hạn chế phản ứng dị ứng.
Nên tránh những gì khi sử dụng đinh lăng
Chưa có báo cáo ghi nhận trường hợp nào về tương tác giữa đinh lăng hay các chế phẩm có chứa đinh lăng với thuốc dùng cùng hay thức ăn.
Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng, nên thông báo cho bác sĩ và dược sĩ về các loại thuốc đã, đang hoặc sẽ sử dụng.
Những điều cần lưu ý trong khi sử dụng đinh lăng
Đinh lăng là một loại dược liệu an toàn nhưng vẫn cần có những lưu ý trong quá trình sử dụng, với mục tiêu cao nhất là hiệu quả và tính an toàn cho người sử dụng. những điều lưu ý đó là:
- Sử dụng đinh lăng với liều lượng như trong các khuyến cáo, vì sử dụng quá nhiều hay lạm dụng các chế phẩm từ đinh lăng sẽ gây ra các triệu chứng chóng mặt, suy nhược, mệt mỏi hoặc uể oải.
- Không uống ngay trước khi ngủ vì cây có tác dụng kích thích nên có thể gây mất ngủ.
- Trẻ em chỉ nên sử dụng một lượng nhỏ các chế phẩm có chứa đinh lăng. Tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ về liều dùng cho trẻ em để tránh xảy ra các tác dụng không mong muốn.
Sử dụng cho đối tượng đặc biệt
Sử dụng đinh lăng trên phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú hay trẻ em đều cần có những lưu ý riêng:
- Phụ nữ có thai: Chưa có dữ liệu về tác động của các hoạt chất trong đinh lăng. Tuy nhiên, đã có nghiên cứu về tính an toàn của đinh lăng trên chuột, kết quả cho thấy liều cao dịch chiết từ lá đinh lăng >500mg/kg làm cho chuột cái có nguy cơ rụng nang trứng.
- Cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng đinh lăng trong quá trình mang thai để tránh tác dụng không mong muốn cho cả mẹ và thai nhi.
- Phụ nữ cho con bú: sử dụng được cho phụ nữ cho con bú, nhất là trong các trường hợp tắc sữa. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng và có ý định dùng dài ngày hơn khuyến cáo.
- Trẻ em: chưa có dữ liệu về tính an toàn của đinh lăng đối với trẻ em.
- Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về liều dùng, thời gian dùng, chế phẩm hay dạng bào chế có thể sử dụng cho trẻ em để hạn chế tối đa tác dụng không mong muốn.
>>> Xem thêm: Cỏ cà ri – 11 tác dụng kỳ diệu đối với sức khỏe
Những thông tin trên sẽ giúp người dùng có thể sử dụng đinh lăng và các chế phẩm từ dược liệu này một cách an toàn và hiệu quả. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng hay bất kỳ vấn đề nào khác liên quan đến đinh lăng. Mọi chi tiết thắc mắc vui lòng liên hệ HOTLINE 1900 9482 để được chuyên gia y tế tư vấn.