Đối với trẻ nhỏ, cơ thể chưa phát triển một cách toàn diện, sức đề kháng còn yếu do đó rất dễ bị nhiễm vi khuẩn, vi rút. Tiêm phòng vacxin là một trong những cách tốt nhất để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm ở trẻ. Bài viết dưới đây sẽ giúp các mẹ hiểu rõ về các loại vắc xin và thời điểm thích hợp để tiêm phòng cho trẻ.
Mục lục
- 1. Vacxin là gì?
- 2. Tại sao cần tiêm vacxin cho trẻ?
- 3. Các loại vacxin cần tiêm cho trẻ và các thời điểm tiêm tương ứng
- 3.1 Vacxin viêm gan B
- 3.2 Vacxin phòng bệnh lao
- 3.3 Vacxin 5 trong 1
- 3.4 Vacxin bại liệt
- 3.5 Vacxin sởi- rubella
- 3.6 Vacxin viêm não Nhật bản
- 3.7 Vacxin tả (vùng có nguy cơ cao)
- 3.8 Vacxin thương hàn (vùng có nguy cơ cao)
- 3.9 Vacxin cúm
- Sau đây là phần tổng hợp độ tuổi của trẻ và các loại vacxin cần tiêm cho trẻ.
- 4. Tầm quan trọng của việc tiêm vacxin đúng thời điểm khuyến cáo
1. Vacxin là gì?
Vacxin là một chế phẩm sinh học chứa kháng nguyên có nguồn gốc từ vi sinh vật gây bệnh hay vi sinh vật có cấu trúc kháng nguyên giống vi sinh vật gây bệnh. Khi được đưa vào cơ thể, nó sẽ kích thích cơ thể tạo ra kháng thể đáp ứng miễn dịch.
Vacxin được sử dụng với mục đích phòng và chữa bệnh.
Phân loại vacxin
Hiện nay, vacxin được chia thành 5 loại như sau:
- Vacxin sống giảm độc lực: là những chế phẩm sinh học có chứa tác nhân gây bệnh đã được làm giảm độc tính, khi được đưa vào cơ thể không có khả năng gây bệnh. Một số vacxin điển hình là: vacxin đậu mùa, vacxin BCG, vacxin bại liệt, vacxin sởi, vacxin thương hàn,…
- Vacxin bất hoạt (vacxin chết): Là những chế phẩm sinh học chứa kháng nguyên đã mất khả năng gây bệnh nhưng vẫn giữ được tính chất kích thích gây đáp ứng miễn dịch. Một số vacxin điển hình là: vacxin ho gà, vacxin tả, vacxin viêm não Nhật Bản,…
- Vacxin giải độc tố: Là những chế phẩm sản xuất từ ngoại độc tố của vi khuẩn, virus đã được làm bất hoạt. Một số vacxin điển hình là: vacxin uốn ván, vacxin bạch hầu,…
- Vacxin tách chiết: Là những chế phẩm chứa kháng nguyên được tách chiết từ vi sinh vật. Một số vacxin điển hình là: vacxin chứa thành phần polysaccharide của vi khuẩn (vacxin não mô cầu, vacxin phế cầu),…
- Vacxin tái tổ hợp: Là những vacxin được sản xuất dựa vào công nghệ gen và kỹ thuật di truyền. Điển hình là vacxin viêm gan B tái tổ hợp.
2. Tại sao cần tiêm vacxin cho trẻ?
Đối với trẻ nhỏ, sức đề kháng còn yếu, rất dễ bị mắc các bệnh truyền nhiễm. Việc tiêm vacxin cho trẻ là cực kì cần thiết, vì nó sẽ kích thích cơ thể trẻ tạo ra các kháng thể đáp ứng miễn dịch chủ động, do đó khi bị tác nhân gây bệnh tấn công, hàng rào miễn dịch của cơ thể sẽ tiêu diệt chúng theo nguyên tắc chìa khóa- ổ khóa (kháng thể tiêu diệt kháng nguyên tương ứng) nhằm bảo vệ cơ thể cũng như tránh được những hậu quả xấu nhất khi trẻ mắc bệnh (tử vong).
3. Các loại vacxin cần tiêm cho trẻ và các thời điểm tiêm tương ứng
Chắc hẳn, các mẹ đang thắc mắc “ Nên tiêm những vacxin gì cho trẻ?” và “ Thời gian tiêm cho trẻ là khi nào đúng không?”. Dưới đây là các loại vacxin cần tiêm cho trẻ và lịch tiêm vacxin cho trẻ theo khuyến cáo của Bộ Y tế trong chương trình tiêm chủng mở rộng, mong rằng sẽ giúp ích cho các mẹ trong việc chăm sóc sức khỏe cho bé.
Theo Thông tư 38/2017/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành ngày 17/10/2017 về Danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc, các loại vacxin cần tiêm cho trẻ bao gồm:
3.1 Vacxin viêm gan B
Việc tiêm vacxin viêm gan B cho trẻ sơ sinh là cực kì cần thiết bởi vì đây là bệnh rất dễ lây lan và để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng nếu như trẻ mắc phải ( tổn thương gan, xơ gan, ung thư gan).
Theo thống kê của viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, 90% trẻ bị nhiễm viêm gan B dưới 1 tuổi sẽ tiến triển thành viêm gan mạn và là nguồn lây truyền viêm gan B chủ yếu của cộng đồng. Do đó các mẹ cần chú ý để tiêm vắc xin cho trẻ đúng thời điểm quy định.
Hai loại vacxin viêm gan B được dùng phổ biến hiện nay là: Vacxin Engerix-B được sản xuất bởi GlaxoSmithKline (Bỉ) và vacxin Hepavax – Gene được sản xuất bởi Korea Green Cross (Hàn Quốc). Cả hai vacxin này đều thuộc loại vacxin tái tổ hợp.
Cơ chế tác dụng: Khi vacxin được đưa vào cơ thể kích thích tạo ra kháng thể đáp ứng miễn dịch tương ứng chống lại kháng nguyên gây bệnh.
Thời điểm tiêm phòng vacxin viêm gan B cho trẻ
- Mũi 0: Tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh. Trong trường hợp mẹ dương tính với virus viêm gan B thì tiêm thêm cho trẻ huyết thanh kháng virus viêm gan B.
- Mũi 1: Tiêm khi trẻ đủ 2 tháng tuổi.
- Mũi 2: Tiêm khi trẻ đủ 3 tháng tuổi.
- Mũi 3: Tiêm khi trẻ đủ 4 tháng tuổi.
- Mũi 4: Tiêm khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
Sau khi tiêm vacxin viêm gan B, trẻ có thể gặp một số tác dụng phụ như: sưng đau tại chỗ tiêm, sốt nhẹ, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi, nổi mề đay mẩn ngứa,…
3.2 Vacxin phòng bệnh lao
Lao là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis, bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp.Thời gian điều trị lao thường kéo dài và rất dễ xảy ra tình trạng đề kháng thuốc. Do đó, cách tốt nhất để phòng bệnh là tiêm phòng vacxin cho trẻ.
Tên biệt dược: Vacxin BCG
Nguồn gốc: Việt Nam
Vacxin BCG để phòng bệnh lao là loại vacxin sống giảm độc lực.
Cơ chế tác dụng: Virus lao được đưa vào cơ thể đã được làm giảm độc tính do đó gây nên sự nhiễm trùng nhẹ hoặc không biểu hiện, sự nhân lên của virus tạo cho cơ thể đáp ứng miễn dịch lâu bền.
Thời điểm tiêm vacxin phòng lao tốt nhất cho trẻ là 1 mũi trong 24h sau khi sinh.
Tác dụng phụ sau khi tiêm vacxin BCG ở trẻ là xuất hiện nốt đỏ nhỏ tại chỗ tiêm, sau đó loét ra và tự lành, tạo sẹo nhỏ có đường kính 5mm, đôi khi trẻ có thể bị áp xe hay nổi hạch nách nếu tiêm quá liều hoặc dụng cụ tiêm không được vô trùng.
3.3 Vacxin 5 trong 1
Các mũi vacxin cần thiết để tiêm cho trẻ không thể không nhắc đến vacxin 5 trong 1.
Việc tiêm vắc xin 5 trong 1 cho trẻ có rất nhiều ưu điểm: giảm được số mũi tiêm so với tiêm từng loại vacxin một, tránh gây đau cho trẻ, tiết kiệm được thời gian, nhân lực cũng như dụng cụ y tế,…
Hiện nay trên thị trường thường sử dụng các loại vacxin 5 trong 1 để tiêm cho trẻ là:
- Vacxin 5 trong 1 ComBE Five phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và các bệnh viêm phổi, viêm màng não gây ra bởi H.influenzae tuýp B do Ấn Độ sản xuất
- Vacxin 5 trong 1 Pentaxim phòng các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt và các bệnh viêm phổi, viêm màng não gây ra bởi H.influenzae tuýp B. do Pháp sản xuất.
Điểm khác biệt của 2 loại vacxin này là:
Đối với vaccine ComBE Five, thành phần ho gà là loại toàn tế bào trong khi vacxin Pentaxim thành phần ho gà thuộc loại vô bào.
Phản ứng sau khi tiêm vacxin Pentaxim thường nhẹ hơn phản ứng sau khi tiêm vaccine ComBE Five.
Bên cạnh đó việc tiêm vaccine ComBE Five là miễn phí trong khi tiêm vacxin Pentaxim sẽ tốn phí.
Do đó các mẹ cần cân nhắc để lựa chọn loại vacxin phù hợp với trẻ.
Cơ chế tác dụng của vacxin này là kích thích cơ thể tạo ra kháng thể đáp ứng miễn dịch.
Thời điểm các mẹ cần tiêm vacxin 5 trong 1 (4 mũi) cho trẻ
- Mũi 1: trẻ 2 tháng tuổi.
- Mũi 2: trẻ 3 tháng tuổi.
- Mũi 3: trẻ 4 tháng tuổi.
- Mũi 4: trẻ từ 16-18 tháng tuổi.
Tác dụng phụ sau tiêm của vacxin 5 trong 1 cho trẻ là:
Đối với vaccine ComBE Five, sau khi tiêm trẻ có thể có các biểu hiện như sốt, sưng, nóng, đỏ, đau tại chỗ tiêm, quấy khóc dai dẳng, khó chịu, buồn ngủ, …
Đối với vacxin Pentaxim, sau khi tiêm trẻ có thể có các biểu hiện như sốt, nổi mề đay, phát ban ngoài da, đỏ, sưng hoặc nổi sần cứng tại vết tiêm.
3.4 Vacxin bại liệt
Bại liệt là một bệnh truyền nhiễm lây qua đường tiêu hóa, được gây ra bởi virus Polio. Đây là một trong những bệnh gây tử vong hàng đầu cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Vì vậy các mẹ cần lưu ý thời điểm thích hợp tiêm phòng để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cho trẻ.
Sau đây là các loại vacxin phòng bại liệt được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng, cơ chế tác dụng, thời điểm dùng cho trẻ và tác dụng phụ có thể xảy ra.
- Vacxin bại liệt OPV được sử dụng bằng đường uống. Vacxin này thuộc loại vacxin sống giảm độc lực.
- Vacxin bại liệt IPV được sử dụng bằng đường tiêm. Vacxin này là vacxin bất hoạt (vacxin chết).
Cơ chế tác dụng: kích thích cơ thể tạo ra kháng thể đáp ứng miễn dịch.
Thời điểm cho trẻ sử dụng vacxin bại liệt
Đối với vacxin OPV
- Liều 1: Trẻ 2 tháng tuổi.
- Liều 2: Trẻ 3 tháng tuổi.
- Liều 3: Trẻ 4 tháng tuổi.
Đối với vacxin IPV: Tiêm 1 mũi khi trẻ 5 tháng tuổi.
Tác dụng phụ thường gặp khi cho trẻ uống vacxin OPV là buồn nôn, nôn,…
Thông thường, sau khi tiêm vacxin IPV, trẻ có các biểu hiện như đỏ, đau tại chỗ tiêm, có thể sốt nhẹ,…
3.5 Vacxin sởi- rubella
Sởi là bệnh do virus sởi gây ra, Rubella hay còn gọi là bệnh sởi Đức do virus Rubella gây ra, 2 bệnh này chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp. Khi bị bệnh, trẻ thường có biểu hiện sốt, phát ban, ho, chảy nước mũi, chảy nước mắt,…Bệnh có thể có các biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm màng não,…Do đó cách tốt nhất để phòng bệnh chính là tiêm vacxin cho trẻ.
Hiện nay, vacxin phòng sởi- rubella hay còn gọi là vacxin MR do Việt Nam sản xuất đã được tiêm rộng rãi trong chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Cơ chế tác dụng: kích thích cơ thể tạo ra kháng thể đáp ứng miễn dịch.
Tiêm vacxin MR khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
Sau khi tiêm, trẻ có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: đau, đỏ tại chỗ tiêm, đôi khi có sốt nhẹ.
3.6 Vacxin viêm não Nhật bản
Viêm não Nhật Bản là tình trạng tổn thương hệ thần kinh trung ương được gây ra bởi các loại virus như: virus Herpes, virus sởi, virus quai bị,…. Bệnh khiến trẻ có các biểu hiện nhức đầu dữ dội, nôn mửa, co giật, cứng cổ, mất định hướng,…Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ để lại các biến chứng vô cùng nguy hiểm (loét nhiễm trùng, rối loạn tâm thần, rối loạn chuyển hóa,…).
Để phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho trẻ, các mẹ nên chủ động đưa trẻ đi tiêm phòng vacxin theo đúng lịch tiêm chủng mở rộng do Bộ Y tế quy định.
Vacxin viêm não Nhật Bản được tiêm phòng hiện nay cho trẻ là:
- Vacxin Jevax do Việt Nam sản xuất.
- Vacxin Imojev do công ty Sanofi Pasteur – Pháp sản xuất.
Cơ chế tác dụng: kích thích cơ thể tạo ra kháng thể đáp ứng miễn dịch.
Lịch tiêm phòng vacxin viêm não Nhật Bản cho trẻ:
- Mũi 1: Khi trẻ 12 tháng tuổi.
- Mũi 2: Cách 1-2 tuần so với mũi 1.
- Mũi 3: Cách 1-2 năm so với mũi 1.
Sau khi tiêm, trẻ có thể có các biểu hiện đỏ, đau tại chỗ tiêm, có thể có sốt. Do đó trẻ cần ở lại cơ sở tiêm chủng 30 phút- 1 tiếng để theo dõi và nếu trẻ có biểu hiện của tác dụng phụ thì sẽ được nhân viên y tế xử trí kịp thời.
3.7 Vacxin tả (vùng có nguy cơ cao)
Tả là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus Vibrio cholerae, khi mắc bệnh trẻ thường có các biểu hiện như sốt, đau bụng, tiêu chảy,…Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến mất nước và tử vong.
Hiện nay, vacxin phòng tả đã được đưa vào danh mục vacxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng ở những vùng có nguy cơ mắc bệnh cao.
- Vacxin tả thường dùng là vacxin MORCVAX do hãng Vabiotech – Việt Nam sản xuất.
- Vacxin MORCVAX là vacxin dùng bằng đường uống, cơ chế tác dụng của vacxin là kích thích cơ thể tạo kháng thể đáp ứng miễn dịch. Vacxin này sử dụng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên và người lớn có nguy cơ mắc bệnh.
Thời gian sử dụng vacxin tả cho trẻ
Liều 1: Trẻ từ 2 tuổi trở lên.
Liều 2: Cách liều 1 khoảng 2 tuần (14 ngày).
Thường sau khi uống, trẻ có thể gặp phải tác dụng phụ như: buồn nôn và nôn, nặng hơn có thể bị đau đầu, đau bụng, sốt,…
»Xem thêm: 10 điều mẹ cần biết khi trẻ bị tiêu chảy
3.8 Vacxin thương hàn (vùng có nguy cơ cao)
Thương hàn là một bệnh cấp tính được gây ra bởi trực khuẩn Salmonella, bệnh rất dễ lây nhiễm nếu vệ sinh kém. Khi mắc bệnh trẻ sẽ có các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, mệt mỏi, vã mồ hôi,…và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, thủng ruột,…
Chính vì vậy, tiêm vacxin là cách tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cho trẻ ở những vùng có nguy cơ cao (vùng xuất hiện trường hợp mắc bệnh thương hàn).
Có 2 loại vacxin bệnh thương hàn tiêm cho trẻ là:
- Vacxin TYPHIM VI do hãng Sanofi – Pháp sản xuất.
- Vacxin TYPHOID VI do Việt Nam sản xuất.
Vacxin thương hàn được chỉ định tiêm 1 mũi cho trẻ từ 2 tuổi trở lên và người lớn ở những vùng có nguy cơ cao mắc bệnh, sau khi tiêm cho trẻ thì cơ thể sẽ tạo ra các kháng thể đáp ứng miễn dịch.
Tác dụng phụ có thể gặp sau khi tiêm vacxin thương hàn là: sưng, nóng, đau tại chỗ tiêm; đôi khi có sốt, đau đầu, mệt mỏi, phát ban (rất hiếm gặp),…
Bên cạnh các loại vacxin cần tiêm cho trẻ theo chương trình tiêm chủng mở rộng thì các mẹ cũng nên tiêm vacxin cúm cho trẻ.
3.9 Vacxin cúm
Cúm cũng là một loại bệnh truyền nhiễm cấp tính được gây ra bởi virus cúm type A, B, C. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp. Khi bị bệnh, trẻ sẽ có các biểu hiện như sốt cao, đau đầu, viêm thanh quản, môi khô, mệt mỏi, co giật,…Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có thể suy hô hấp, trụy mạch dẫn đến tử vong. Do đó, để phòng bệnh này, các mẹ nên tiêm vacxin cúm cho trẻ.
Hiện nay trên thị trường, vacxin cúm được sử dụng để tiêm cho trẻ là vacxin VAXIGRIP do Sanofi Pasteur – Pháp sản xuất. Vacxin này có 2 loại:
- Vacxin VAXIGRIP 0,25ml được chỉ định sử dụng với trẻ từ 6 – 36 tháng tuổi.
- Vacxin VAXIGRIP 0,5ml được chỉ định sử dụng với trẻ trên 36 tháng tuổi.
Lịch tiêm vacxin cúm cho trẻ:
Do hiệu quả đáp ứng hệ miễn dịch của cơ thể đối với vacxin cúm chỉ trong một thời gian ngắn và hiện nay xuất hiện thêm nhiều chủng virus cúm mới nên các mẹ cần cho trẻ tiêm mũi nhắc lại mỗi năm 1 lần (trẻ trên 9 tuổi).
Sau khi tiêm vacxin cúm cho trẻ, trẻ có thể có các biểu hiện như đỏ, ngứa, đau tại chỗ tiêm, đôi khi có thể sốt nhẹ, đau đầu, vã mồ hôi. Trường hợp nặng trẻ có biểu hiện sưng mủ, áp xe tại chỗ tiêm hay sốc phản vệ. Vì vậy sau khi tiêm vacxin xong, trẻ cần được theo dõi tại cơ sở y tế ít nhất 30 phút để khi gặp phải tác dụng phụ, nhân viên y tế có thể xử trí kịp thời.
Sau đây là phần tổng hợp độ tuổi của trẻ và các loại vacxin cần tiêm cho trẻ.
Trẻ sơ sinh
- Trong vòng 24h đầu, tiêm vacxin viêm gan B (mũi 0).
- Sau 24h, tiêm vacxin lao (BCG).
Trẻ 2 tháng tuổi:
- Tiêm vacxin viêm gan B (mũi 1).
- Tiêm vacxin 5 trong 1 (mũi 1).
- Cho trẻ uống vacxin OPV (liều 1).
Trẻ 3 tháng tuổi:
- Tiêm vacxin viêm gan B (mũi 2).
- Tiêm vacxin 5 trong 1 (mũi 2).
- Cho trẻ uống vacxin OPV (liều 2).
Trẻ 4 tháng tuổi:
- Tiêm vacxin viêm gan B (mũi 3).
- Tiêm vacxin 5 trong 1 (mũi 3).
- Cho trẻ uống vacxin OPV (liều 3).
Trẻ 5 tháng tuổi:
Tiêm vacxin IPV.
Trẻ từ 6-9 tháng tuổi:
Tiêm vacxin cúm: tiêm 2 mũi, mũi 2 cách 1 tháng so với mũi 1.
Trẻ 12 tháng tuổi:
Tiêm vacxin viêm não Nhật Bản (mũi 1), mũi 2 tiêm sau mũi 1 1-2 tuần.
Trẻ 16-18 tháng tuổi:
Tiêm vacxin 5 trong 1 (mũi 4).
Trẻ 18 tháng tuổi:
- Tiêm vacxin viêm gan B (mũi 4).
- Tiêm vacxin phòng sởi – rubella.
Trẻ 2 tuổi:
- Tiêm vacxin viêm não Nhật Bản (mũi 3).
- Cho trẻ uống vacxin tả (đối với trẻ ở vùng có nguy cơ cao mắc bệnh) 2 liều, liều 2 cách liều 1 14 ngày.
- Tiêm vacxin Thương hàn (đối với trẻ ở vùng có nguy cơ cao mắc bệnh).
4. Tầm quan trọng của việc tiêm vacxin đúng thời điểm khuyến cáo
Các loại vacxin cần tiêm cho trẻ đều có cơ thể tác dụng là kích thích cơ thể tạo ra đáp ứng miễn dịch. Ở nồng độ kháng thể nhất định, cơ thể sẽ có khả năng chống lại kháng nguyên (tác nhân gây bệnh: vi khuẩn, virus) xâm nhập vào cơ thể. Chính vì vậy việc tiêm vacxin cho trẻ đúng thời điểm khuyến cáo là vô cùng quan trọng.
Nếu trẻ không được tiêm chủng theo đúng lịch đã khuyến cáo (tiêm chủng muộn hay tiêm không đủ số mũi) thì lượng kháng thể tạo ra không đủ để chống lại tác nhân gây bệnh. Do đó trẻ sẽ có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm rất cao.
»Xem thêm: Hiệu quả của Imiale trong tăng cường kháng thể miễn dịch
TÓM LẠI: Bài viết này giúp các mẹ hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc tiêm vacxin, các loại vacxin cần tiêm cho trẻ và thời điểm tiêm tương ứng. Mong rằng các mẹ sẽ có kế hoạch đưa trẻ đi tiêm chủng phù hợp để đảm bảo trẻ có đủ sức đề kháng để chống lại các tác nhân gây bệnh từ môi trường bên ngoài. Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ với các chuyên gia của chúng tôi theo HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.