Theo WHO, có tới 16% tỷ lệ trẻ em tử vong do tiêu chảy. Trong số đó, trẻ dưới 2 tuổi chiếm đến 80%. Để giảm thiểu nguy cơ tổn thương cho trẻ nhỏ, mẹ cần phát hiện các dấu hiệu trẻ tiêu chảy sớm nhất. Sau đây là 8 dấu hiệu điển hình của tiêu chảy và các bước hướng dẫn mẹ xử lý khi bé bị tiêu chảy.
Mục lục
1. 8 biểu hiện điển hình khi trẻ nhỏ mắc tiêu chảy
Tiêu chảy có thể gặp ở mọi lứa tuổi, và đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh. Vì vậy mẹ cần theo dõi, quan sát và nhận biết sớm nhất các biểu hiện bất thường của trẻ.
Dưới đây là 8 biểu hiện điển hình mà trẻ bị tiêu chảy thường gặp:
1.1 Trẻ đi ngoài nhiều lần trong ngày
Theo Bộ Y tế, tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng bất thường từ 3 lần trở lên trong 24 giờ. Trong các trường hợp nặng hơn, trẻ có thể đi ngoài tới 15 – 20 lần chỉ trong 1 ngày. Tính chất phân:
- Lỏng
- Nhiều nước
- Có thể lẫn nhầy
- Mùi chua – hôi – tanh, có thể có bọt hoặc máu.
Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do nhiễm khuẩn hoặc nhiễm độc đường ruột. Độc tố từ thức ăn hay từ vi khuẩn tiết ra, thấm qua niêm mạc ruột, gây độc và có thể tổn thương tế bào niêm mạc. Dây thần kinh ruột tạo phản xạ kích thích lên não bộ, tăng tần suất co bóp cơ trơn niêm mạc dẫn đến tăng tần suất đại tiện của trẻ.
Bên cạnh đó, nước – điện giải và các chất dinh dưỡng chưa kịp hấp thu, bị tống trực tiếp ra ngoài gây tình trạng phân lỏng. Nếu nhiễm khuẩn nặng, nguy hiểm có thể kèm theo máu.
Khi tình trạng này kéo dài và liên tục trên 7 – 8 lần trong 1 ngày sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ. Hậu quả là trẻ bị mất nước nghiêm trọng, thậm chí là tử vong. Mẹ cần lưu ý theo dõi tình thể trạng của trẻ, đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín thăm khám kịp thời nếu có các biểu hiện mất nước, tụt huyết áp, rối loạn điện giải.
➤Xem thêm: Triệu chứng tiêu chảy cấp ở trẻ em và phác đồ điều trị chuẩn
1.2 Trẻ đau quặn bụng
Thông thường, đau quặn bụng là hậu quả do sự co thắt cơ trơn niêm mạc thất thường, không đều nhau. Co thắt diễn ra từng cơn, gây cảm giác đau nhói. Đi kèm với tình trạng này, trẻ thường khó chịu, quấy khóc, cơ thể mệt mỏi.
1.3 Nôn trớ, ói mửa
Cơ thể con người có phản xạ tống đẩy khi độc tố do vi khuẩn gây hại hoặc độc tố từ thức ăn tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc ruột tạo phản ứng kích thích. Cơ thể tống chất có hại ra ngoài theo 2 con đường, một là qua đường hậu môn, bé tiêu chảy. Con đường còn lại là đường miệng, hầu họng – thực quản.
Khi đó, các dây thần kinh truyền xung động qua hành não, về trung tâm nôn, gây phản xạ tống đẩy thức ăn ra ngoài.
Nôn trớ đưa một lượng lớn nước, dịch tiêu hóa, thức ăn qua đường miệng. Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến lượng nước trong cơ thể. Khi trẻ vừa nôn vừa tiêu chảy, trẻ rất dễ dẫn đến tình trạng tụt huyết áp, rối loạn điện giải.
1.4 Trẻ biếng ăn
Khi trẻ bị tiêu chảy, hệ tiêu hóa hoạt động kém. Vì thế khả năng hấp thu & vị giác giảm sút, trẻ hay có biểu hiện biếng ăn.
Trẻ tiêu chảy, miệng thường có cảm giác đắng, ăn không ngon, biếng ăn. Chính vì như vậy, nguồn dinh dưỡng cung cấp cho trẻ giảm, khả năng hồi phục càng chậm.
1.5 Đầy hơi, bụng đầy chướng
Khi bị tiêu chảy, chức năng tiêu hóa của trẻ bị rối loạn. Thức ăn khó tiêu gây tích khí trong dạ dày. Khí không thoát ra được sẽ gây đè ép và căng bụng. Khiến trẻ khó chịu, quấy khóc không ngừng.
Đầy chướng bụng, giảm thể tích chứa thức ăn, trẻ ăn được ít hơn, dễ nôn trớ hơn.
1.6 Đau rát hậu môn
Với tần suất đi đại tiện trên 5 lần trong 1 ngày sẽ gây tổn thương tới niêm mạc hậu môn. Và hệ quả là trẻ bị đau rát hậu môn. Điều này gây cảm giác khó chịu, mệt mỏi và quấy khóc mỗi lần đi đại tiện tiếp theo.
Mẹ cần vệ sinh sạch sẽ vùng hậu môn sau khi trẻ tiêu chảy. Có thể áp dụng chườm lạnh, ngâm nước nóng hay thoa dầu dừa lên niêm mạc hậu môn,.. Sau đó, để mông bé thông thoáng, chưa vội đóng bỉm để trẻ dễ chịu hơn.
1.7 Sốt nhẹ
Một số trẻ khi bị tiêu chảy có thể kèm theo sốt nhẹ. Khi trẻ có biểu hiện sốt nhẹ trên 37 độ C thì có thể trẻ bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn. Tuy nhiên sốt chỉ xảy ra trong một vài ngày đầu của bệnh tiêu chảy. Vì thế khi trẻ bị tiêu chảy có kèm theo sốt, mẹ không nên tự ý điều trị cho trẻ mà cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ.
1.8 Trẻ mệt mỏi, quấy khóc
Mệt mỏi, quấy khóc là hệ quả của các dấu hiệu trên. Chỉ khi điều trị được tình trạng tiêu chảy, trẻ mới có thể trở lại trạng thái bình thường.
2. Các dấu hiệu mất nước nguy hiểm ở trẻ mẹ cần đặc biệt lưu ý
Mất nước là một dấu hiệu nguy hiểm đối với trẻ bị tiêu chảy. Tình trạng mất nước kéo dài, không được chữa trị có thể dẫn đến hôn mê, thậm chí tử vong. Các dấu hiệu sau đây có thể giúp bố mẹ nhận biết con mình có đang bị mất nước hay không:
- Toàn thân: Khi mất nước, trẻ thường có các biểu hiện vật vã, quấy khóc. Nếu tình trạng này kéo dài, trẻ có thể ngủ li bì, khó đánh thức thậm chí hôn mê.
- Khát nước:
Mẹ có thể kiểm tra trẻ có bị mất nước hay không thông qua cách uống nước:
Nếu trẻ uống một cách háo hức hoặc khóc ngay khi ngừng cho uống. Đây là biểu hiện mất nước mức độ nhẹ đến vừa.
Nếu trẻ không uống hoặc uống một cách yếu ớt. Lúc này có thể quan sát thấy trẻ ngủ li bì, hôn mê. Đây là biểu hiện mất nước mức độ nặng. Lúc này mẹ cần ngay lập tức mang trẻ đến các cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời.
- Miệng, lưỡi khô: mẹ có thể kiểm tra bằng cách dùng tay sạch và khô sờ vào lưỡi của trẻ. Nếu thấy khô, không có nước bọt có nghĩa là trẻ đang có dấu hiệu mất nước.
- Không có nước mắt khi trẻ khóc: Mẹ có thể để ý khi trẻ quấy khóc, có nước mắt chảy ra hay không?
- Da không đàn hồi như bình thường (không đàn hồi trở lại khi bạn nhẹ nhàng véo và thả ra): Khi nghi ngờ trẻ bị mất nước, mẹ có thể véo vào da vùng bụng hoặc đùi của trẻ.
Nếu nếp da sau khi véo nhẹ cần dưới 2 giây để đàn hồi trở lại, trẻ đang có dấu hiệu mất nước.
Nếu nếp da sau khi véo cần trên 2 giây để đàn hồi trở lai, trẻ có biểu hiện mất nước nặng.
3. Cách bù nước đúng và đủ cho trẻ tiêu chảy
Khi trẻ bị tiêu chảy, việc cần làm đầu tiên là phải bù đúng – đủ nước và điện giải cho trẻ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách bù như thế nào cho đúng. Và với từng đối tượng trẻ lại có cách bù nước – điện giải khác nhau.
Đối với trẻ sơ sinh
- Tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ, bú nhiều hơn và lâu hơn sau mỗi lần bú.
- Cho trẻ uống thêm 50-100ml ORS sau mỗi lần đi đại tiện.
Đối với trẻ nhỏ
- Cho trẻ uống từ 100 – 200ml ORS sau mỗi lần đi đại tiện.
- Trong các trường hợp không có ORS, mẹ có thể cho trẻ uống nước cháo, nước đun sôi để nguội, hoặc các loại nước sạch khác như nước hoa quả, nước dừa không đường.
- Tuyệt đối không cho trẻ uống các loại nước ngọt, nước có gas.
BYT khuyến cáo mẹ nên sử dụng ORS cho trẻ bị tiêu chảy. Thành phần của ORS bao gồm các chất điện giải rất thích hợp bù dịch cho trẻ mà không ảnh hưởng tới chức năng thận. ORS giúp hồi phục 95% các trường hợp tiêu chảy kèm theo mất nước mức độ nhẹ và trung bình.
Cách sử dụng ORS đúng cách cho mẹ
- Pha 1 gói ORS với lượng nước chính xác theo hướng dẫn ghi trên bao bì gói. Dung dịch ORS sau khi pha chỉ được sử dụng trong 24 giờ
- Cho trẻ uống sau khi đi đại tiện hoặc ói mửa.
- Đối với trẻ dưới 2 tuổi, cho uống bằng muỗng nhỏ cách nhau 1 – 2 phút. Đối với trẻ lớn hơn cho uống từng ngụm bằng ly.
- Nếu trẻ có biểu hiện nôn ói sau khi uống, cho trẻ nghỉ 15 phút sau đó uống lại chậm hơn lúc đầu.
4. Giảm nhẹ triệu chứng khi trẻ bị tiêu chảy
4.1 Ăn đủ để phòng ngừa suy dinh dưỡng
Khi trẻ bị tiêu chảy, mẹ không nên hạn chế trẻ ăn cũng như không pha loãng thức ăn của trẻ. Cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng sẽ góp phần rút ngắn thời gian tiêu chảy, hồi phục cân nặng và chức năng đường ruột.
Với trẻ đang bú mẹ, khuyến khích mẹ cho trẻ bú đều đặn và nhiều lần hơn nếu trẻ muốn.
Với trẻ lớn hơn, mẹ cho trẻ ăn như bình thường. Thức ăn cần phải được nấu chín hoặc nghiền nhỏ để dễ tiêu hóa.
Các thực phẩm mẹ nên tránh cho trẻ ăn:
- Thực phẩm gây khó tiêu hóa như rau sợi, củ quả, hạt ngũ cốc
- Nước cháo loãng chỉ có tác dụng bù nước chứ không cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ
- Thực phẩm gây tiêu chảy nặng hơn như thức ăn chứa quá nhiều đường
4.2 Bổ sung lợi khuẩn
Trẻ bị tiêu chảy dẫn đến sự mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, chức năng tiêu hóa bị rối loạn, sức đề kháng giảm sút.
Trong cơ thể trẻ em, nồng độ Bifidobacterium chiếm tới 90% tổng số lợi khuẩn. Chúng có vai trò trong việc ức chế hại khuẩn phát triển, tăng cường sức đề kháng, hấp thu chất dinh dưỡng,…. Do đó, khi trẻ bị tiêu chảy, đường ruột thiếu hụt trầm trọng các lợi khuẩn, ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.
Vì thế bổ sung lợi khuẩn ngay từ nhũng biểu hiện ban đầu của tiêu chảy là việc làm cần thiết.
Khi nào cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở ý tế :
Nếu trẻ có các biểu hiện như:
- Quấy khóc, vật vã
- Khát nhiều
- Nôn nhiều
- Phân lỏng có máu
- Không tiểu tiện được
Hoặc sau khi thực hiện các biện pháp tại nhà trong 5 ngày mà vẫn không cải thiện tình trạng tiêu chảy của trẻ
Khi đó, mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở ý tế để được điều trị kịp thời
Để hiểu rõ hơn vui lòng liên hệ với chuyên gia qua Hotline: 1900 9482 hoặc 0967 629 482.
➤Xem thêm: Bí kíp lựa chọn men vi sinh tốt cho bé bị tiêu chảy