Canxi là thành phần cần thiết cho cơ thể đặc biệt liên quan đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Thiếu canxi là vấn đề rất hay gặp ở trẻ, vậy làm thế nào để mẹ nhận biết con mình đang bị thiếu canxi và kịp thời bổ sung dưỡng chất? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Mục lục
1. 7 Dấu hiệu nhận biết trẻ bị thiếu canxi
1.1. Thóp lâu liền, xương khớp biến dạng
- Với trẻ sơ sinh, thóp là vùng mềm giữa các xương sọ bên trên trán của trẻ, sau 12 – 18 tháng tuổi là thóp của trẻ sẽ khép kín, liền lại. Nhưng nếu trẻ bị thiếu canxi thì vùng thóp này sẽ lâu liền, đầu trẻ có thể phát triển to bất thường, trong khi vóc dáng còi cọc.
- Tương tự phần thóp, xương chân của bé cũng sẽ bị biến dạng như cong hình chữ O, chữ X. Xương mềm khiến cho các hoạt động lẫy, bò, ngồi, đứng và biết đi chậm hơn so với các trẻ cùng lứa tuổi
1.2. Khóc đêm, ngủ hay giật mình, ngủ không ngon giấc
- Canxi tác động lên thần kinh trung ương, đặc biệt là phần vỏ não điều hòa cân bằng giữa hai trạng thái hưng phấn và ức chế, tham gia vào phóng thích chất dẫn truyền thần kinh. Vậy nên khi thiếu Canxi, vỏ não sẽ ở trạng thái hưng phấn làm cho trẻ trằn trọc, khó đi vào giấc ngủ, ngủ không ngon giấc. Sự tăng cường phóng thích chất dẫn truyền thần kinh làm trẻ bị giật mình thường xuyên, ngủ mơ màng, bất an và hay quấy khóc
1.3. Răng mọc chậm, sâu răng, răng mọc lộn xộn
Có đến 99% lượng canxi trong cơ thể tồn tại trong răng, xương và là thành phần cấu tạo chính của răng, xương. Chính vì vậy, thiếu canxi là thiếu nguyên liệu hình thành răng nên trẻ sẽ mọc răng chậm, tổ chức răng lỏng lẻo dễ bị tấn công bởi các yếu tố gây hại gây nên sâu răng, biến dạng răng, dẫn đến răng mọc lộn xộn, không theo hàng
1.4. Trẻ nhận thức chậm
Vì Canxi là khoáng chất rất cần thiết cho việc dẫn truyền tín hiệu cho hệ thần kinh, nên nếu trẻ em bị thiếu canxi, trẻ thường bị nhận thức chậm, phản xạ kém, mọi hoạt động kém linh hoạt hơn so với những trẻ khác. Trong trường hợp nặng, nhiều bé còn có biểu hiện không quan tâm đến mọi vật và những người xung quanh.
1.5. Biếng ăn, nôn trớ, nấc cụt
- Canxi là thành phần được nạp từ thức ăn vào trong cơ thể, khi không cung cấp đủ canxi trẻ sẽ cảm thấy ăn uống không ngon miệng, chán ăn. Nếu kéo dài tình trạng này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ.
- Tình trạng thiếu canxi ở trẻ em không chỉ tác động đến hệ xương, hệ thần kinh, mà còn tác động lên cơ trơn phế quản, làm hẹp đường dẫn khí gây khó thở, tác động lên cơ trơn dạ dày làm co thắt dạ dày, dẫn đến hiện tượng nấc cụt, ọc sữa, nôn trớ đồ ăn ở trẻ em.
1.6. Tóc rụng vành khăn
Dấu hiệu dễ gặp nhất khi thiếu canxi ở trẻ là tóc thường rụng thành hình vành khăn. Tóc phía sau gáy mọc ít hoặc không mọc, nguyên nhân từ việc thiếu vitamin D khiến rối loạn chuyển hóa canxi trong cơ thể. Hiện tượng này có thể xảy ra với nhiều trẻ khác nhau và là dấu hiệu dẫn đến nguy cơ còi xương ở trẻ nhỏ.
1.7. Ra mồ hôi trộm
Khi thiếu canxi, trẻ thường hay ra nhiều mồ hôi ở trán, vùng đầu gáy kể cả khi không hoạt động (ngủ) là do sự tác động đến sự dẫn truyền thần kinh làm tăng bài tiết mồ hôi. Mồ hôi nếu không được xử lý sẽ gây cảm lạnh dẫn đến các bệnh như ho, viêm phế quản, viêm phổi rất hay gặp ở trẻ nhỏ
Xem thêm: Hội chứng colic và cách giảm quấy khóc cho trẻ
2. Hậu quả khi trẻ thiếu canxi
Từ những dấu hiện nhận biết trên có thể thấy thiếu canxi sẽ dẫn đến những hậu quả ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ như:
- Còi xương, suy dinh dưỡng
- Xương bị biến dạng, phát triển thất thường
- Hệ miễn dịch yếu, dễ bị tấn công bởi các yếu tố nguy cơ
- Rối loạn thần kinh, rối loạn giấc ngủ
- Nhận thức chậm và khó thích nghi ở môi trường mới
3. Làm thế nào để trẻ không bị thiếu canxi?
Nhu cầu canxi hàng ngày của trẻ theo lứa tuổi (nhu cầu canxi là tổng lượng canxi đưa vào cơ thể), vì vậy chúng ta nên bổ sung canxi cho trẻ theo từng giai đoạn phát triển do cơ thể cần lượng canxi khác nhau:
- Trẻ em từ 0 – 6 tháng tuổi cần 200mg canxi/ngày.
- Trẻ từ 7 đến 12 tháng tuổi cần 260mg canxi/ngày.
- Trẻ từ 1 đến 3 tuổi cần 700mg canxi/ngày.
- Trẻ từ 4 đến 8 tuổi cần 1000mg canxi/ngày
- Từ 9 – 18 tuổi cần 1200mg canxi/ngày
Tham khảo nguồn: Web MD
3.1. Bổ sung các loại thưc phẩm giàu canxi
Chúng ta nên bổ sung canxi cho trẻ thông qua các thực phẩm có hàm lượng canxi cao như:
Sữa, phô mai, sữa chua: Mỗi 250gr sản phẩm sữa như: sữa, pho mát và sữa chua có chứa khoảng 300mg canxi. Mẹ nên cho bé sử dụng hằng ngày đặc biệt trước khi đi ngủ để bé hấp thu canxi tốt hơn và giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn.
Các loại hạt: Nhiều loại hạt rất giàu dinh dưỡng như vừng (9 gam vừng cung cấp 9% nhu cầu canxi mỗi ngày, thêm vào đó là các khoáng chất khác như đồng, sắt và mangan), hạt chia (rất giàu axit béo omega-3 từ thực vật),… mẹ có thể thêm trực tiếp vào món ăn hằng ngày hoặc sử dụng tinh dầu.
Các loại đậu, rau xanh: Các loại đậu và rau xanh có lượng canxi đáng kể và là nguồn nguyên liệu dồi dào cho bé.
- Đậu rồng: cứ 172 gam hạt nấu chín có chứa tới 244mg canxi, tương đương 24% nhu cầu hàng ngày
- Đậu nành, đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ: có hàm lượng ít hơn dao động khoảng 4-6% nhu cầu hàng ngày
- Màu xanh đậm của rau rất tốt cho sức khỏe và đặc biệt giàu canxi, chẳng hạn như rau bina (chân vịt / bó xôi), cải rổ và cải xoăn. Cụ thể, 190g cải rổ nấu chín có 266 mg canxi, bằng 1/4 nhu cầu cần trong một ngày.
Ngoài ra, mẹ cũng có thể bổ sung thêm các loại quả như cam, các loại hải sản như tôm, cua. Đó là những thực phẩm không những bổ sung được canxi mà còn cung cấp lượng vitamin cần thiết cho sự phát triển của trẻ như: vitamin C, D, K, B1
3.2. Bổ sung Vitamin D
Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển khung xương và răng của trẻ sơ sinh, tham gia vào quá trình hấp thu canxi và photpho trong cơ thể. Việc bổ sung vitamin D là điều cần thiết để trẻ phát triển khỏe mạnh. Chúng ta có thể bổ sung thông qua việc tắm nắng (ánh nắng trước 9 giờ sáng) hoặc dự phòng đường uống theo Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị:
- Trẻ được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn hoặc một phần:Cần bổ sung vitamin D theo liều lượng là 400 IU/ngày ngay từ sau khi sinh và thực hiện đến 12 tháng tuổi
- Trẻ uống sữa công thức:Thông thường trẻ sử dụng sữa công thức không cần bổ sung vitamin D do trong sữa đã bổ sung lượng đầy đủ cho trẻ. Tuy nhiên mẹ cũng nên lưu ý về hàm lượng vitamin D có trong sữa để cung cấp kịp thời
- Trẻ trên 1 tuổi và tất cả các đối tượng khác:Theo khuyến cáo của Viện Y khoa Hoa Kỳ, trẻ trên 1 tuổi và các đối tượng khác cần bổ sung vitamin D qua khẩu phần ăn hàng ngày hoặc bổ sung ít nhất là 600 IU/ngày.
Để được tư vấn chi tiết về tình trạng sức khỏe của bé, vui lòng liên hệ với chuyên gia của chúng tôi theo HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.