Bệnh ngoài da ở trẻ em là một căn bệnh phổ biến và xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh ngoài da thường gây khó chịu cho các con và khiến cha mẹ lo lắng. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu rõ thêm về biểu hiện của một số bệnh về da ở trẻ em và cách xử trí khi các con mắc phải những bệnh này.
Mục lục
1. Tại sao trẻ nhỏ lại dễ gặp các bệnh ngoài da
Làn da của trẻ em rất mỏng manh, cấu trúc da và các tuyến dưới da chưa hoàn thiện, sức đề kháng của trẻ còn non yếu. Do đó, trẻ sẽ dễ bị nhiễm khuẩn.
Đặc biệt khi thời tiết nóng ẩm, mùa hè, vệ sinh kém – đây là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập, trẻ sẽ dễ mắc các bệnh ngoài da hơn so với người trưởng thành.
2. Những bệnh ngoài da ở trẻ em mà mẹ có thể xử lý sớm. Khi nào cần đưa con đi bác sĩ?
Trẻ em có thể mắc rất nhiều bệnh ngoài da. Dưới đây là 07 bệnh phổ biến nhất mà các bé thường mắc phải, các mẹ có thể tham khảo để tiện theo dõi con của mình.
2.1 Rôm sảy
Nguyên nhân gây rôm sảy
Rôm sảy hay phát ban do nhiệt là tình trạng thường xảy ra trong mùa hè khi thời tiết nóng ẩm, đây là lúc trẻ đổ nhiều mồ hôi khiến ống dẫn trong tuyến mồ hôi bị bít tắc, khiến mồ hôi không thoát ra được và bị ứ đọng ở những mô xung quanh, gây ra kích ứng và mẩn đỏ.
Biểu hiện
Tình trạng da: biểu hiện sẽ khác nhau tùy theo loại rôm sảy
- Miliaria crystallina: Xuất hiện những nốt mụn nhỏ màu trắng hoặc trong suốt, chứa đầy chất lỏng trên bề mặt da – xảy ra trên bề mặt da.
- Miliaria rubra: Xuất hiện mụn đỏ trên da – xuất hiện ở lớp sâu hơn (dưới da – lớp biểu bì), gây cảm giác ngứa hoặc như kim châm, có thể có viêm và đau da do cơ thể không thể tiết mồ hôi qua bề mặt da. Đôi khi mụn có thể tiến triển và chứa đầy mủ.
- Miliaria profunda (thường xảy ra ở người lớn nhiều hơn): Đây là bệnh ngoài da hiếm gặp hơn 2 loại trên, mụn thường to hơn, dai và có màu da, xuất hiện ở sâu trong da – hạ bì.
Vị trí tổn thương: cổ, những vùng da nhiều nếp gấp (nách, bẹn, khuỷu tay), thậm chí toàn thân.
Chăm sóc và điều trị
Nguyên tắc: hạ nhiệt – giữ khô ráo – tránh nhiễm khuẩn.
- Để trẻ nằm ở nơi mát mẻ, sạch sẽ.
- Không làm xước da trẻ để tránh nhiễm trùng.
- Tắm sạch và lau khô, giữ cho khu vực bị rôm sảy khô ráo.
- Dùng quạt và mặc cho trẻ quần áo không quá chật, thoáng mát và thấm hút mồ hôi.
Đưa trẻ đi gặp bác sĩ khi nào?
Đa số bệnh rôm sảy thường sẽ tự khỏi nhưng trẻ sẽ cần được gặp bác sĩ khi nổi rôm sảy kèm các biểu hiện sau:
- Khi trẻ đau tăng, sưng, đỏ hoặc ấm xung quanh khu vực bị ảnh hưởng
- Mủ chảy ra từ các tổn thương
- Trẻ bị sốt hoặc ớn lạnh
Bác sĩ có thể cho trẻ bôi một số kem bôi ngoài da như calamine hoặc lanolin để tình trạng được cải thiện.
- Calamine: giúp giảm ngứa, tuy nhiên hay gây khô da nên nên được dùng cùng kem dưỡng ẩm
- Lanoline: làm mát, dưỡng ẩm.
2.2. Nhọt
Nguyên nhân gây nhọt
Nhọt là bệnh ngoài da do viêm cấp tính gây hoại tử nang lông và tổ chức xung quanh. Bệnh thường gặp về mùa hè, đặc biệt là ở trẻ em. Nguyên nhân gây viêm có thể là do nhiễm khuẩn ngoài da.
Biểu hiện
Tình trạng da: Sẩn nhỏ, màu đỏ, sưng nề, chắc, tấy đỏ ở nang lông. Sau 2 ngày đến 3 ngày, tổn thương có thể lan rộng hơn và hóa mủ.
Vị trí: Ở đầu, mặt, cổ, lưng, mông và chân, tay.
Chăm sóc và điều trị
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, giữ quần áo chăn màn sạch sẽ để tránh tự lây nhiễm ra các vùng da khác.
- Không nặn hay kích thích vùng thương tổn.
- Làm sạch da: cho trẻ tắm, vệ sinh vùng nhọt bằng những sản phẩm dịu nhẹ, lành tính.
Đưa trẻ đi gặp bác sĩ khi nào?
Mụn nhọt không phải là một bệnh ngoài da nguy hiểm nhưng nó có thể tiềm ẩn nguy cơ gây biến chứng về nhiễm khuẩn. Do đó, khi trẻ có các biểu hiện như: nhọt lớn, nhọt kéo dài hơn một tuần, nhọt rất đau, có mẩn đỏ lan rộng trên da xung quanh nhọt, trẻ có rất nhiều nhọt bị nhọt thường xuyên,… cha mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế để khám và chữa trị kịp thời.
Bác sĩ có thể thoát mủ trong nhọt hoặc cho trẻ uống kháng sinh để cải thiện tình trạng nhọt.
2.3 Hăm tã
Nguyên nhân gây hăm tã
Hăm tã còn được gọi là viêm da dưới tã và thường xảy ra do:
- Ma sát: Làn da nhạy cảm của bé bị cọ xát bởi tã ướt dẫn đến da phát ban, bong tróc ở các khu vực tiếp xúc.
- Kích ứng, dị ứng: Vùng da dưới tã bị đỏ, ngứa ngoài da do các chất kích ứng như phân, nước tiểu hoặc chất tẩy rửa. Điều này có thể do tã, acid trong nước tiểu hoặc chất tẩy rửa.
- Nhiễm trùng Candida: Xảy ra do nhiễm trùng candida – nấm men, vết ban thường có màu đỏ tươi và thường xuất hiện sau khi sử dụng thuốc kháng sinh.
Biểu hiện
Tình trạng da: Da trẻ bị mẩn đỏ và kích ứng.
Vị trí: Vết mẩn xuất hiện dưới tã, có thể xuất hiện ở những vị trí nhất định hoặc xuất hiện trên khắp mông hay bộ phận sinh dục của trẻ.
Chăm sóc và điều trị:
- Thay tã thường xuyên hơn bình thường.
- Rửa sạch bằng dung dịch sát khuẩn dịu nhẹ và lau cho khô, tránh chà xát mạnh.
- Tránh dùng khăn lau có cồn.
- Nếu nghi ngờ dị ứng, ngừng sử dụng tất cả các loại xà phòng, chất tẩy rửa mới nào có thể gây phát ban.
- Nếu phát ban xuất hiện do nhiễm nấm Candida, đưa trẻ đưa đi khám bệnh để được bác sĩ tư vấn biện pháp điều trị phù hợp.
Đưa trẻ đi gặp bác sĩ khi nào?
Trẻ bị hăm tã có thể được chăm sóc tại nhà trừ khi trẻ có những triệu chứng đi kèm như sau: phát ban kèm sốt, phát ban kèm tiêu chảy, trẻ có vẻ bị đau nghiêm trọng, vết hăm lở loét, mưng mủ, chảy dịch
>> Xem thêm: Cách trị hăm cho trẻ sơ sinh – 7 điều cần biết
2.4 Mụn sữa
Nguyên nhân gây mụn sữa
Mụn sữa hay mụn trứng cá ở trẻ em và trẻ sơ sinh là tình trạng xuất hiện mụn mủ trắng hoặc mụn đỏ, mụn đầu trắng trên da trẻ. Chưa rõ nguyên nhân xảy ra hiện tượng này nhưng một số nhà nghiên cứu tin rằng đó là do hormon của mẹ truyền cho trẻ sơ sinh
Biểu hiện
Tình trạng da: Xuất hiện mụn mủ trắng hoặc mụn đỏ, mụn đầu trắng trên da trẻ
Vị trí: Mụn có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu trên da mặt, nhưng chủ yếu là má.
Chăm sóc và điều trị
- Mụn sữa có thể biến mất mà không cần điều trị. Mẹ cũng có thể áp dụng một số biện pháp chăm sóc da cho bé tại nhà như sau:
- Giữ khuôn mặt trẻ sạch sẽ: rửa mặt cho trẻ hàng ngày bằng nước ấm, hạn chế trẻ sờ tay lên mặt.
- Không sử dụng sản phẩm gây kích ứng.
- Không kì cọ khuôn mặt trẻ, không nặn mụn.
Đưa trẻ đi gặp bác sĩ khi nào?
Khi có các biểu hiện như xuất hiện mụn đầu đen, mụn bọc có mủ, viêm nhiễm hoặc đau đớn, trẻ nên được đưa tới gặp bác sĩ để nhận được lời khuyên phù hợp.
2.5. Chốc lở
Chốc lở là gì? Nguyên nhân gây chốc lở
Chốc lở bệnh ngoài da phổ biến và hay gặp ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân là do tụ cầu vàng, liên cầu hoặc cả hai. Những yếu tố như tuổi nhỏ, thời tiết nóng ẩm, mùa hè, điều kiện vệ sinh kém, có chấy rận, ghẻ, côn trùng cắn, viêm da cơ địa là yếu tố nguy cơ để bệnh chốc lở phát triển.
Biểu hiện
Tình trạng da: đặc trưng bởi các bọng nước nông, rải rác, nhanh chóng hoá mủ, dập vỡ đóng vảy tiết màu vàng nâu hoặc nâu nhạt giống màu mật ong. Nếu cạy vảy sẽ thấy ở dưới là vết trầy nông màu đỏ, bề mặt ẩm ướt. Ở đầu, vảy tiết sẽ làm bết tóc.
Vị trí: tổn thương thường ở vùng da hở như tay, mặt, cổ, chi dưới; đặc biệt chốc ở đầu thường kèm theo chấy.
Chăm sóc và điều trị:
Đây là tổn thương do nhiễm khuẩn nên gia đình nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và đưa ra phác đồ phù hợp nhất.
- Điều trị tại chỗ: Đắp nước muối sinh lí 0,9% để làm bong vảy tiết, tắm bằng dung dịch sát khuẩn pha loãng như thuốc tím, povidon,… (không thực hiện với trẻ dưới 2 tuổi)
- Điều trị toàn thân khi tổn thương nhiều, lan tỏa. Bác sĩ có thể kê các kháng sinh với liều lượng tham khảo như sau:
2.6. Mày đay
Nguyên nhân gây mày đay
- Mày đay là phản ứng của mao mạch trên da với các yếu tố khác nhau gây nên phù cấp hoặc mạn tính ở trung bì. Nguyên nhân nổi mày đay có thể là:
- Do thức ăn, do thuốc, do nhiễm khuẩn, do dị ứng, do tiếp xúc với chất hữu cơ hay hóa học.
- Mày đay mạn tính do các yếu tố vật lý từ bên ngoài (mày đay do vận động xúc cảm như khi mệt nhọc, gắng sức, stress, mày đay do quá lạnh, do quá nóng,..)
- Mày đay do bệnh lý: lupus ban đỏ, viêm mạch,…
- Mày đay do di truyền
- Mày đay tự phát (không rõ nguyên nhân)
Biểu hiện
Tình trạng da: Nổi vết sần kích thước to nhỏ khác nhau, nổi cao trên mặt da, màu sắc hơi đỏ hoặc nhợt nhạt hơn vùng da xung quanh. Đa số trường hợp mày đay đều gây ngứa ngoài da, càng gãi càng ngứa và nổi thêm nhiều sẩn khác.
Vị trí: Có thể khu trú hoặc nổi khắp toàn thân.
Chăm sóc và điều trị
- Có thể chăm sóc tại nhà cho trẻ như sau:
- Dừng tất cả các loại thuốc hoặc thực phẩm nghi ngờ gây dị ứng cho trẻ
- Hạn chế trẻ gãi, chà xát mạnh trên da
- Tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp
- Mặc cho trẻ quần áo cotton nhẹ nhàng, thoải mái
Đưa trẻ đi gặp bác sĩ khi nào?
Với các trường hợp trẻ nổi mày đay lâu không khỏi, nổi mày đay mạn tính, trẻ nên được đưa đi khám chuyên khoa để xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh, đồng thời giảm triệu chứng.
2.7. Viêm da cơ địa
Nguyên nhân gây viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa là bệnh ngoài da mạn tính tiến triển từng đợt, bệnh thường bắt đầu từ khi còn là trẻ nhỏ với đặc điểm là ngứa và có tổn thương dạng chàm. Những yếu tố có thể gây nên viêm da cơ địa:
- Di truyền: gia đình có người bị viêm da cơ địa thì con cũng sẽ có khả năng mắc bệnh này
- Môi trường: Ô nhiễm môi trường, dị nguyên (lông động vật, lông quần áo, hóa chất, đồ dùng,…)
Biểu hiện
Tình trạng da: Thường có phản ứng sớm, cấp tính do dị ứng với biểu hiện là các đám đỏ trên da, ngứa, sau đó xuất hiện nhiều mụn nước nông, dễ vỡ, xuất tiết và đóng vảy tiết, có thể bội nhiễm, hạch lân cận sưng to.
Vị trí: 2 má, có thể ở da đầu, trán, cổ, thân mình, mặt dưới các chi.
Chăm sóc và điều trị
Nguyên tắc: Loại bỏ các yếu tố gây dị ứng – Điều trị tại chỗ hoặc toàn thân
- Tắm hàng ngày với sữa tắm dịu nhẹ, ít kiềm
- Thuốc: Trẻ nên được dùng thuốc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Khi cần sử dụng corticoid, hydrocortisone 1-2,5% thường được sử dụng do hoạt tính yếu, ít gây hại cho trẻ em. Không dùng thuốc kháng Histamin cho trẻ em dưới 2 tuổi.
Ngoài ra, do đây là bệnh mạn tính nên điều gia đình cần chú ý phòng tránh cho trẻ bằng cách:
- Giảm các yếu tố gây dị ứng: giữ phòng ngủ thoáng mát, tránh tiếp xúc lông động vật, gia cầm, len, dạ, giảm bụi nhà, giảm stress,
- Cho trẻ mặc đồ cotton thoáng mát.
- Tắm nước ấm, không quá nóng, không quá lạnh, nhiệt độ < 36°C
- Dùng xà phòng lành tính.
- Vệ sinh vùng tã lót ở trẻ nhỏ tránh chất tiết gây kích thích.
- Giữ không khí trong phòng đủ ẩm.
Trên đây là những biểu hiện của các bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ em và cách điều trị cũng như phòng tránh cho trẻ. Đa số các bệnh đều có thể tự khỏi khi cha mẹ chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn cần chú ý các biểu hiện bất thường ở để con được can thiệp y tế khi cần thiết.
>> Xem thêm: 10 giải pháp thảo dược cho trẻ bị hăm
Mọi chi tiết thắc mắc liên quan đến sức khoẻ vui lòng liên hệ HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482
Tham khảo nguồn: