Sốt phát ban là bệnh có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em nhưng thường phổ biến ở trẻ nhỏ. Đây là một bệnh tưởng chừng rất dễ điều trị và chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, nếu chăm sóc tại nhà không đúng cách có thể gây nguy hiểm. Khi trẻ bị sốt phát ban, các bậc cha mẹ thường băn khoăn, lo lắng đặt câu hỏi sốt phát ban ở trẻ có nguy hiểm không và làm thế nào để phòng tránh đúng cách. Bài viết dưới đây giúp cha mẹ giải đáp vấn đề này.
Mục lục
- 1. Sốt phát ban là gì?
- 2. Nguyên nhân gây tình trạng trẻ sốt phát ban
- 3. Dấu hiệu sốt phát ban cần được phát hiện sớm ở trẻ
- 4. Các xét nghiệm chẩn đoán sốt phát ban
- 5. Quá trình sốt phát ban ở trẻ
- 6. Cách hạ sốt cho trẻ tại nhà
- 7. Trẻ sốt phát ban bao lâu thì giảm
- 8. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ sốt phát ban nhanh hồi phục
- 9. Cách phòng sốt phát ban ở trẻ
- 10. Dấu hiệu nào cần đưa trẻ sốt phát ban nhanh chóng đến cơ sở y tế
1. Sốt phát ban là gì?
Sốt phát ban là tình trạng sốt rất thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ từ 6 – 36 tháng tuổi. Một trẻ có thể bị sốt phát ban nhiều lần tùy theo tình trạng sức khỏe và nguyên nhân gây bệnh. Hầu hết các trường hợp sốt phát ban ở trẻ là do virus lành tính.
Sốt phát ban đặc trưng bởi tình trạng nóng sốt kết hợp với nổi các đốm đỏ ẩn hoặc nhô lên bề mặt da thường do virus gây ra. Bệnh thường không nguy hiểm và sẽ giảm triệu chứng cũng như hồi phục hoàn toàn nếu được nghỉ ngơi và điều trị đầy đủ. Tuy nhiên, khi triệu chứng sốt quá cao có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
Nếu được chăm sóc tốt, bệnh có thể tự khỏi sau 5 – 7 ngày và không để lại di chứng gì đáng ngại.
2. Nguyên nhân gây tình trạng trẻ sốt phát ban
Sốt phát ban ở trẻ nhỏ có thể do nhiều loại vi-rút gây ra. Tuy nhiên, có 2 nguyên nhân thường gặp gây sốt phát ban là vi-rút herpes, Sởi, vi-rút gây bệnh rubella, bệnh chủ yếu lây lan qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với giọt bắn chứa dịch tiết mũi họng của người bệnh khi ho, hắt hơi.
Ngoài ra sốt phát ban còn có thể đến từ các nguyên nhân như:
- Sốt phát ban do chấy rận (sốt phát ban cổ điển)
- Sốt phát ban do chuột (sốt phát ban địa phương)
- Sốt phát ban do mò mạt (sốt phát ban bụi rậm)
Trẻ có thể ủ bệnh một thời gian trước khi khởi phát các triệu chứng đặc trưng. Sau khi phát ban, trẻ vẫn còn có nguy cơ lây nhiễm trong bốn ngày nữa.
Yếu tố nguy cơ chính để mắc bệnh là chưa được tiêm chủng. Ngoài ra, một số nhóm có nguy cơ hình thành các biến chứng do sau mắc bệnh gồm trẻ nhỏ, những người bị suy giảm hệ miễn dịch và phụ nữ mang thai.
3. Dấu hiệu sốt phát ban cần được phát hiện sớm ở trẻ
Thời gian ủ bệnh thường kéo dài 1 tuần. Trong thời gian này, trẻ không có bất cứ biểu hiện bất thường nào.
Sau thời gian ủ bệnh (thường là 7 ngày), trẻ sẽ có biểu hiện:
- Sốt: sốt nhẹ hoặc sốt cao (38-400C), sốt cao nhưng là sốt từng cơn.
- Nổi ban đỏ: trong vòng 12-24 giờ sau sốt, ban hay hồng ban sẽ xuất hiện tùy theo đặc điểm của vi-rút bị nhiễm và thể trạng của từng bé. Nếu ban do virus sởi (ban đỏ), ban do virút rubella (ban đào)… Ban trong sốt phát ban sẽ biến mất rất nhanh sau khi căng da, phát ban khoảng 3-5 ngày rồi lặn hẳn.
- Một số triệu chứng kèm theo như người mệt mỏi, uể oải, chảy nước mũi, đỏ mắt, bỏ ăn, quấy khóc, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy nhẹ.
- Ngoài ra có thể kèm theo đau họng, sưng hạch cổ.
Hầu hết trẻ bị sốt phát ban từ ngày thứ tư trở đi sẽ dần hết sốt, ăn uống được. Tuy nhiên, nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời sốt phát ban có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho trẻ. Đặc biệt, bệnh càng trở nên nguy hiểm với những trẻ có sức đề kháng kém, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ dưới 12 tháng tuổi, … Một số biến chứng có thể gặp như:
- Viêm tai giữa,
- Viêm phổi nặng,
- Viêm màng não,
- viêm loét giác mạc gây mù vĩnh viễn,
- Suy dinh dưỡng nặng hậu nhiễm sởi.
4. Các xét nghiệm chẩn đoán sốt phát ban
Nếu cha mẹ nghi ngờ con mình bị bệnh sốt phát ban hoặc đã tiếp xúc với người mắc bệnh, hãy chủ động liên hệ với bác sĩ của bé ngay lập tức. Bác sĩ sẽ đánh giá và đưa ra chỉ định để xác định xem con bạn có bị nhiễm trùng hay không.
Dựa theo triệu chứng lâm sàng:
Chẩn đoán bệnh sốt phát ban chủ yếu vẫn dựa vào triệu chứng lâm sàng của bệnh với triệu chứng chính là sốt cao trên 39,5°C. Hình ảnh sốt phát ban ở trẻ em trên lâm sàng đặc trưng là các nốt phát ban hồng hoặc đốm xuất hiện trên ngực, bụng và lưng trước khi lan rộng đến hai tay và cổ, ban kéo dài vài ngày.
Theo kết quả xét nghiệm máu:
Bên cạnh đó có thể làm xét nghiệm máu để kiểm tra kháng thể chống lại sốt phát ban. Bác sĩ có thể kiểm tra các loại kháng thể thông thường như sởi, rubella khác nhau trong máu của bạn. Kháng thể là các protein đặc hiệu để nhận biết và tiêu diệt các “chất lạ” có hại, chẳng hạn như vi rút và vi khuẩn. Dựa vào kết quả xét nghiệm bác sĩ có thể xác định xem hiện tại bé có nhiễm vi rút hay miễn dịch với vi rút đó hay không.
Liệu pháp dây thắt Lacet
Ngoài ra để phân biệt với sốt xuất huyết, bác sĩ có thể dùng liệu pháp dấu dây thắt Lacet bằng cách dùng ngón tay cái và ngón trỏ cùng bên căng vùng da có chấm đỏ (ban đỏ) hoặc vùng da sung huyết. Nếu phát hiện chấm đỏ mất đi, buông ra là màu đỏ hồi phục ngay thì chính là dấu hiệu của sốt phát ban. Ngược lại, nếu vẫn thấy chấm đỏ li ti sau khi căng da, đó là sốt xuất huyết.
Thực tế, các nốt phát ban trong sốt phát ban khá đặc trưng. Ở Việt Nam, với những bác sĩ có kinh nghiệm, đa phần chỉ dựa trên triệu chứng lâm sàng cũng có thể xác định được. Vì vậy, tốt hơn hết, khi trẻ có những dấu hiệu nghi ngờ, cha mẹ nên đưa trẻ tới các cơ sở y tế uy tín.
5. Quá trình sốt phát ban ở trẻ
5.1. Thời kỳ ủ bệnh
Thời kỳ ủ bệnh của bệnh truyền nhiễm là khoảng thời gian từ khi tiếp xúc đến khi xuất hiện các triệu chứng.
Sau thời gian ủ bệnh ban đầu, bạn có thể bắt đầu gặp các triệu chứng không đặc hiệu, chẳng hạn như sốt, ho và chảy nước mũi.
Trong thời kỳ ủ bệnh, trẻ có thể có biểu hiện quấy khóc. Sau đó, trẻ có biểu hiện sốt. Với từng loại nguyên nhân gây sốt phát ban thì lại có các biểu hiện sốt khác nhau: sốt phát ban do sởi, trẻ thường sốt cao kèm ho, chảy nước mũi và mắt đỏ; sốt phát ban do rubella trẻ chỉ có biểu hiện sốt nhẹ hoặc không sốt.
5.2. Giai đoạn khởi phát
Sau khi ủ bệnh một thời gian, trẻ sốt phát ban có thể sẽ xuất hiện các triệu chứng như sau:
- Đau đầu: Dấu hiệu ban đầu là trẻ bị đau đầu, trán hâm hấp nóng với trẻ lớn. Đối với trẻ sơ sinh giai đoạn này sẽ có biểu hiện quấy khóc nhiều.
- Sốt: Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh là trẻ sốt cao đột ngột, nhiệt độ có thể đạt tới 39,5oC, kèm theo đó là các triệu chứng viêm họng, sổ mũi, ho. Ở cổ có thể nhìn thấy các hạch bạch huyết ở cổ nổi lên. Sốt có thể kéo dài từ 3-5 ngày và trẻ phát ban sau sốt.
- Cảm giác ớn lạnh: Kèm theo sốt là cảm giác ớn lạnh khiến trẻ rất khó chịu.
- Phát ban: Phần lớn các trường hợp, phát ban sẽ xuất hiện sau những cơn sốt. Thường thì trẻ phát ban đỏ sau 3 ngày sốt. Lúc này da của bé sẽ xuất hiện các đốm đỏ nhỏ bằng hoặc bị sưng lên. Một số đốm có thể có một vòng màu trắng bao quanh nó. Phát ban ở trẻ sẽ lan rộng từ từ bắt đầu từ vùng ngực, lưng, bụng tới cổ và cánh tay. Chúng có thể không lan tới chân và mặt, thường biến mất sau vài giờ hoặc vài ngày mà không khiến bé cảm thấy khó chịu.
Kèm theo những dấu hiệu trên, sốt phát ban có thể xuất hiện thêm một vài biểu hiện khác như:
- Ho khan
- Buồn nôn, ói mửa
- Tiêu chảy nhẹ, dễ mất nước
- Mệt mỏi, trẻ sơ sinh sẽ quấy khóc nhiều.
- Chán ăn, biếng ăn, ở trẻ sơ sinh có thể bú ít.
- Sưng mí mắt
5.3. Giai đoạn hồi phục
Hầu hết trẻ bị sốt phát ban từ ngày thứ tư trở đi sẽ dần hết sốt, ăn uống được. Nếu được chăm sóc đúng cách sẽ không để lại các vết thâm cho trẻ (ngoại trừ sởi). Trong trường hợp nhiễm khuẩn thứ phát, có thể để lại vết lở loét hình thành sẹo.
Căn bản trẻ trở lại vui chơi bình thường không để lại biến chứng. Nhưng nếu không điều trị và chăm sóc đúng cách có thể gây viêm phổi, viêm tai giữa, đi ngoài ra máu hoặc nặng hơn là viêm não.
Do bệnh sốt phát ban ở trẻ dễ bị nhầm lẫn với các dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết, vì vậy, khi trẻ có những biểu hiện bất thường về sức khỏe, tốt nhất các cha mẹ nên đưa trẻ đi gặp bác sĩ để có thể được chẩn đoán và xử lý kịp thời.
6. Cách hạ sốt cho trẻ tại nhà
Trên thực tế, nếu các triệu chứng không nặng thì sốt phát ban có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Thông thường, khi trẻ bị sốt, nhất là trẻ sơ sinh thì các mẹ luôn nghĩ đến việc cho bé đến bác sĩ để được kiểm tra. Điều này rất nên làm, tuy vậy, không phải ai cũng có điều kiện đến bác sĩ một cách nhanh chóng.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp phải có sự can thiệp điều trị trong một số tình huống nhất định, nhất là khi trẻ sốt quá cao và kéo dài. Việc theo dõi thân nhiệt của trẻ là điều vô cùng quan trọng. Khi trẻ sốt cao, cha mẹ có thể áp dụng một số mẹo như sau để hạ sốt cho trẻ tại nhà:
6.1. Chườm mát và hạ thân nhiệt cho trẻ
Điều quan trọng nhất khi trẻ bị sốt là cần tìm cách làm giảm nhiệt độ cơ thể của bé. Mẹ có thể giúp bé tản nhiệt bằng một số cách sau:
Mặc quần áo rộng rãi thoáng mát
Mặc dù khi sốt trẻ có thể sẽ cảm thấy hơi lạnh một chút, nhưng mẹ nên cởi bỏ bớt chăn mền, quần áo. Chỉ cần cho trẻ mặc một lớp quần áo mỏng, nhẹ giúp cơ thể nhanh chóng tỏa nhiệt, hạ sốt. Đồng thời, quần áo rộng, mềm mại, dễ chịu khiến cơ thể bớt ngứa, các nốt phát ban cũng bớt gây khó chịu.
Mẹ cũng cần chú ý lau mồ hôi cho con. Với trẻ sơ sinh, khăn xô mỏng quấn quanh người bé là một lựa chọn hay vì nó có thể giúp con dễ thoát nhiệt lại vừa cảm thấy dễ chịu và thấm mồ hôi tốt.
Lau mát
Lau người cho trẻ bằng nước ấm thay vì tắm trực tiếp là cách hạ sốt nhanh cho trẻ em an toàn. Việc lau người không chỉ làm giảm bớt nhiệt độ trên cơ thể mà còn giúp bé cảm thấy thoải mái hơn. Mẹ nên lau mát bằng nước ấm (nước thường pha ấm để tắm em bé) khi trẻ sốt cao trên 39oC gây khó chịu trong khi chờ tác dụng của thuốc hạ sốt hoặc trẻ đang co giật.
Dùng khăn nhúng vào chậu nước, vắt ráo và lau toàn thân cho trẻ, tập trung tại các vị trí dễ thoát nhiệt như trán, nách, bẹn, lòng bàn tay, bàn chân của trẻ.
Đo thân nhiệt
Kiểm tra nhiệt độ trẻ mỗi 15 – 30 phút, ngưng lau mát khi nhiệt độ dưới 38oC.
Không nên kiêng gió
Thay vào đó nên cho trẻ nghỉ ngơi trong phòng mát mẻ, thoáng đãng và sạch sẽ. Tránh sử dụng phòng điều hòa, nếu trẻ nóng, có thể sử dụng quạt.
Lưu ý: Lau mát hạ sốt thường áp dụng cho trẻ từ 6 tháng – 5 tuổi, không áp dụng cho trẻ sơ sinh vì dễ gây mất nhiệt, hạ thân nhiệt. Nước ấm giúp mạch máu dưới da giãn nở tốt giúp thải nhiệt. Tránh dùng nước lạnh hay nước đá sẽ làm các mạch máu co lại không tỏa nhiệt được.
6.2. Sử dụng thuốc hạ sốt
- Sử dụng thuốc hạ sốt là một cách nhanh chóng giúp giảm thân nhiệt ở trẻ. Các biện pháp chườm mát bên trên chỉ phù hợp khi thân nhiệt của bé không quá cao. Trong trường hợp trẻ sốt cao (>38oC), buộc phải dùng thuốc hạ sốt ở trẻ. Thuốc đầu tay được chọn là acetaminophen (paracetamol) vì đây là thuốc hiệu quả nhanh, thường có tác dụng 30 phút và kéo dài từ 4 – 6 giờ, ít tác dụng phụ. Cần cho trẻ uống đúng liều 10 – 15mg/kg/lần, ngày uống 4 lần nếu trẻ còn sốt.
- Không tự ý cho trẻ dưới 3 tháng uống bất kỳ loại thuốc hạ sốt nào. Trường hợp này, bé cần được đi khám và bác sĩ chỉ định
Lưu ý:
- Không sử dụng aspirin, ibuprofen hạ sốt cho trẻ sơ sinh. Vì trẻ có nguy cơ mắc hội chứng Reye, một bệnh não hiếm gặp nhưng nghiêm trọng hoặc làm trầm trọng tình trạng xuất huyết nếu nhiễm virus gây sốt xuất huyết.
- Trường hợp trẻ không thể uống thuốc hạ sốt do nôn hay co giật, mẹ có thể sử dụng thuốc hạ sốt dạng viên đặt hậu môn. Mẹ hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng cho trẻ mẹ nhé!
6.3. Xử trí khi trẻ sốt cao co giật
Đưa trẻ ngay tới cơ sở y tế khi có biểu hiện sốt co giật
7. Trẻ sốt phát ban bao lâu thì giảm
Sốt phát ban do virus lành tính gây ra. Thông thường, triệu chứng sốt phát ban ở trẻ thường tự biến mất sau 5 – 7 ngày, bệnh có thể tiến triển ngắn hơn hoặc dài hơn tùy thuộc vào sức khỏe, thể trạng và việc chăm sóc, điều trị cho trẻ.
Dấu hiệu cho thấy trẻ sắp khỏi bệnh sốt phát ban là:
- Các triệu chứng tự biến mất;
- Tình trạng sốt phát ban không trở nặng;
- Hạ sốt và lặn hết ban;
- Trẻ không còn thở khò khè, nhịp tim và hô hấp trở lại bình thường;
- Vui vẻ, hoạt bát trở lại và ít quấy khóc
8. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ sốt phát ban nhanh hồi phục
Cho đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị và phòng ngừa sốt phát ban. Do đó, cách tốt nhất để giúp trẻ nhanh khỏi bệnh là phụ huynh cần chuẩn bị đầy đủ kiến thức về căn bệnh cũng như có chế độ dinh dưỡng để chăm sóc trẻ sốt phát ban đúng cách.
8.1. Những thực phẩm trẻ sốt phát ban nên bổ sung
Đối với người bị sốt phát ban việc có chế độ ăn uống phù hợp là điều rất cần thiết. Nếu chế độ ăn uống hợp lý có thể rút ngắn thời gian khỏi bệnh và mau chóng hồi phục hơn. Mẹ có thể cho trẻ ăn những thức ăn sau để trẻ sớm trở lại bình thường:
Uống đủ nước mỗi ngày
Những cơn sốt cao, li bì sẽ khiến bé sốt phát ban bị mất nước và mất chất điện giải. Vì vậy mẹ hãy chú ý, cho trẻ uống đủ nước. Có thể lựa chọn nước lọc, nước ép trái cây, nước ép rau củ hoặc oresol,…
Thực phẩm giàu Vitamin C
Vitamin C có tác dụng tăng cường sức khỏe và khống chế virus phát triển. Khi trẻ bị sốt phát mẹ có thể bổ sung vitamin C bằng các loại quả như: cam, bưởi, đu đủ, chuối, quýt,… Hãy cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường, nhất là những loại nước ép trái cây tươi để đảm bảo việc cung cấp đủ nguồn vitamin cho cơ thể, cải thiện sức đề kháng.
Thực phẩm dễ tiêu hóa
Những món ăn dễ tiêu giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn. Lựa chọn món ăn dễ tiêu giúp hệ tiêu hóa không bị rối loạn và loại bỏ biến chứng đầy bụng, khó tiêu,…
Điểm danh các loại thực phẩm dễ tiêu, dễ hấp thu: Súp, ngũ cốc, rau xanh, cháo,…
Lưu ý: Nếu trẻ bị nhiễm sởi cần chú ý việc bổ sung vitamin A với liều lượng phù hợp theo lứa tuổi để bảo vệ đôi mắt cho trẻ. Vì một trong số những biến chứng do sởi gây ra có thể làm mù lòa mắt của trẻ.
8.2. Những thực phẩm mẹ nên kiêng khi trẻ bị sốt phát ban.
Đồ ăn cay nóng
Cần loại bỏ ngay những đồ ăn cay nóng ra khỏi thực đơn của bé. Đồ cay nóng có thể gây kích ứng dạ dày, gây khó tiêu, từ đó có thể làm trầm trọng hơn tình trạng của bệnh sốt phát ban của bé
Đồ ăn nhiều dầu, mỡ
Cũng giống như đồ cay nóng, các loại thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ sẽ khiến hệ tiêu hóa phải hoạt động nhiều hơn. Do vậy mà thể trạng bị ảnh hưởng và bệnh cũng sẽ kéo dài hơn.
9. Cách phòng sốt phát ban ở trẻ
Để phòng ngừa bệnh sốt phát ban ở trẻ, cha mẹ cần lưu ý những điều dưới đây:
- Cách ly trẻ bệnh, để trẻ bệnh ở nhà vì nhà trẻ, mẫu giáo, trường học là môi trường rất dễ lây lan của bệnh
- Hiện nay vẫn chưa có vaccine phòng sốt phát ban nói chung nên cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh là tránh để trẻ tiếp xúc với người bệnh. Tuy nhiên, một số virus hiện nay đã có vaccine và khuyến khích cha mẹ chủng ngừa cho con. Cụ thể, Sởi có thể chích ngừa khi trẻ được 9 tháng tuổi theo chương trình tiêm chủng mở rộng; Rubella được chích chung với quai bị và sởi bằng vắc-xin 3 trong 1 khi trẻ được 12 tháng – 15 tháng tuổi và tiêm nhắc liều thứ 2 khi trẻ được 4 tuổi – 6 tuổi.
- Rửa tay sạch sẽ luôn là phương pháp hữu hiệu để phòng ngừa các bệnh có nguyên nhân do virus. Vậy nên cần hướng dẫn các thành viên trong gia đình thường xuyên rửa tay thật sạch để tránh nguồn bệnh
- Bổ sung trái cây giàu vitamin C để tăng cường sức đề kháng chống lại virus
10. Dấu hiệu nào cần đưa trẻ sốt phát ban nhanh chóng đến cơ sở y tế
Thực tế, sốt phát ban đa phần do virus lành tính gây nên. Tuy nhiên, cũng không loại trừ nguy cơ biến chứng. Do đó, trẻ bị sốt phát ban cần được thăm khám và điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ. Phụ huynh cần cho trẻ đến khám lại ngay khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu sau:
- Trẻ bị sốt cao (>39oC) không hạ sau khi đã phát ban.
- Rối loạn tri giác: Lừ đừ, ngủ li bì, hôn mê, mệt mỏi…
- Trẻ bị co giật.
- Trẻ thở mệt, thở nhanh, khó thở, tím tái
- Phát ban không thấy chuyển biến tốt sau 3 ngày.
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi.
- Cha mẹ nghi ngờ trẻ bị mất nước do tiêu chảy.
Trẻ em ở bất kỳ giai đoạn nào cũng rất dễ mắc phải bệnh lý sốt phát ban. Tình trạng này có thể không quá nguy hiểm nếu được sự chăm sóc đúng cách và kịp thời từ cha mẹ. Mong rằng bài viết phần nào đã cung cấp cho cha mẹ những kiến thức cần thiết trong hành trang nuôi dạy con trẻ.
Mọi chi tiết thắc mắc xin liên hệ HOTLINE 1900 9482 hoặc 09 6762 9482
Tham khảo nguồn: