Vitamin những dưỡng chất thiết yếu đóng vai trò trong các hoạt động cơ quan và hệ thống cơ thể. Mỗi dưỡng chất đảm nhiệm một chức năng và nhiệm vụ khác nhau. Sự kết hợp giữa các chất B1, B6, B12 trong nhóm vitamin B được gọi tắt là vitamin 3B. Để hiểu rõ hơn về vitamin B nói chung và vitamin 3B nói riêng, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu bài viết dưới đây.
Mục lục
- 1. Vitamin B là gì? Các loại vitamin B
- 2. Vitamin 3B gồm những loại nào?
- 3. Công dụng và chỉ định của vitamin 3B
- 4. 5 Nguyên tắc sử dụng 3B đúng cách an toàn tại nhà
- 5. Vitamin 3B có sử dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không?
- 6. Phụ nữ có thai và cho con bú có sử dụng được vitamin 3B hay không?
- 7. Nếu dùng quá liều vitamin 3B sẽ xử trí thế nào?
- Tổng kết
1. Vitamin B là gì? Các loại vitamin B
Vitamin B là một nhóm gồm 8 dưỡng chất thiết yếu có vai trò quan trọng trong hoạt động sống của cơ thể. Vitamin B thuộc loại vitamin hoà tan trong nước, chúng giúp cơ thể chuyển đổi thức ăn thành năng lượng (trao đổi chất), tạo ra các tế bào máu mới và duy trì các tế bào da, tế bào não và các mô cơ thể khác khoẻ mạnh.
8 loại vitamin B bao gồm:
1.1. Vitamin B1 (thiamin)
Vitamin B1 hay thiamin, giúp ngăn ngừa các biến chứng trên hệ thần kinh, não, cơ, tim, dạ dày và ruột. Nó cũng tham gia vào quá trình vận chuyển của các chất điện giải vào tế bào cơ và thần kinh.
1.2. Vitamin B2 (riboflavin)
Vitamin B2 giúp phân hủy protein, chất béo và carbohydrate. Nó đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì cung cấp năng lượng cho cơ thể. Riboflavin giúp chuyển đổi carbohydrate thành adenosine triphosphate (ATP). Cơ thể con người sản xuất ATP từ thức ăn, và ATP tạo ra năng lượng khi cơ thể yêu cầu. Hợp chất ATP rất quan trọng để dự trữ năng lượng trong cơ bắp.
1.3. Vitamin B3 (niacin)
Vitamin B3 có tác dụng tăng hàm lượng tăng cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL) và giảm triglyceride, kiểm soát cholesterol cải thiện tình trạng mỡ máu, chống xơ vữa động mạch
1.4. Vitamin B5 (acid pantothenic)
Con người cần Vitamin B5 để tổng hợp và chuyển hoá chất béo, protein và coenzym A. Vitamin B5 ít được biết đến bởi sự thiếu hụt chúng là rất hiếm và chúng có mặt ở khặp mọi nơi.
1.5. Vitamin B6
Vitamin B6 có nhiều chức năng trong cơ thể, và nó đóng một vai trò trong hơn 100 các phản ứng enzym. Một trong những vai trò chính của nó là giúp cơ thể chuyển hóa protein, chất béo và carbohydrate thành năng lượng.
1.6. Vitamin B7 (biotin)
Vitamin B7 là một coenzym cho các enzym carboxylase tham gia vào các quá trình tổng hợp chất béo và acid amin, tạo gluconeogenensis.
1.7. Vitamin B9 (folate)
Folate là một trong những vitamin B và cần thiết để tạo ra các tế bào hồng cầu và bạch cầu trong tủy xương , chuyển hóa carbohydrate thành năng lượng và sản xuất DNA và RNA.
1.8. Vitamin B12
Vitamin B-12 rất quan trọng đối với chức năng bình thường của não và hệ thần kinh. Nó cũng tham gia vào quá trình hình thành các tế bào hồng cầu và giúp tạo ra và điều chỉnh DNA. Sự trao đổi chất của mọi tế bào trong cơ thể phụ thuộc vào vitamin B-12, vì nó đóng một phần trong quá trình tổng hợp axit béo và sản xuất năng lượng. Vitamin B-12 cho phép giải phóng năng lượng bằng cách giúp cơ thể con người hấp thụ axit folic.
» Xem thêm: Những vitamin và khoáng chất thiết yếu cho trẻ
2. Vitamin 3B gồm những loại nào?
Vitamin 3B là sự kết hợp của ba loại vitamin B1, B6, B12 dưới dạng tổng hợp nhằm bổ sung vitamin B cho cơ thể. Công dụng của từng thành phần như sau:
2.1. Vitamin B1 (thiamin)
Tim, gan, thận và não đều chứa một lượng lớn thiamin. Cơ thể cần thiamin để:
- Chức năng chuyển hoá, tổng hợp: Tham gia vào quá trình tổng hợp các enzym thuỷ phân đường (carbohydrat) từ thực phẩm, là hợp chất xúc tác tổng hợp axit béo.
- Chức năng dẫn truyền thần kinh: Tạo ra một số chất dẫn truyền thần kinh, ngăn ngừa các biến chứng trên hệ thần kinh, não.
- Tạo năng lượng cho hoạt động sống của tế bào: Nguồn nguyên liệu tổng hợp ATP – năng lượng cần thiết có các hoạt động sống cơ thể
Khi thiếu vitamin B1, cơ thể sẽ gặp phải các tình trạng:
- Giảm cân, ít hoặc không thèm ăn
- Các vấn đề về trí nhớ hoặc nhầm lẫn
- Vấn đề tim mạch
- Ngứa ran và tê ở bàn tay và bàn chân
- Mất trương lực cơ
- Phản xạ kém
2.2. Vitamin B6
Vitamin B-6, hoặc pyridoxine, đóng một vai trò trong hơn 100 phản ứng enzym. Cơ thể cần vitamin B-6 để:
- Chức năng chuyển hoá, phân huỷ: Chuyển hóa axit amin, phá vỡ carbohydrate và chất béo
- Phát triển trí não
- Thực hiện chức năng miễn dịch
Thiếu vitamin B6 có thể gây ra:
- Thiếu máu
- Suy giảm miễn dịch
- Rối loạn thần kinh
- Đóng vảy, nứt khóe miệng, môi
2.3. Vitamin B12
Vitamin B – 12 chứa khoáng chất coban hay đôi khi được gọi là “cobalamin”. Cơ thể sử dụng vitamin B-12 để:
- Tạo ra các tế bào hồng cầu mới
- Chức năng di truyền: tổng hợp ADN trong quá trình phân chia tế bào
- Duy trì chức năng não và thần kinh
- Chuyển hóa chất béo và protein
Thiếu vitamin B-12 thường gây ra một tình trạng gọi là thiếu máu nguyên bào khổng lồ. Các triệu chứng thiếu hụt vitamin B-12 có thể bao gồm:
- Mệt mỏi, chán ăn
- Sút cân
- Táo bón
- Tê bì chân tay
- Suy giảm trí nhớ
3. Công dụng và chỉ định của vitamin 3B
3.1. Công dụng:
- Cải thiện tình trạng suy nhược của cơ thể do thiếu Vitamin B1, B6, B12: Có công dụng bổ sung các axit amin thiết yếu, hỗ trợ chứng năng gan, mật và giúp người dùng ăn ngon miệng hơn.
- Sử dụng cho những những người bị thiếu hụt vitamin B: Điều trị nhanh chóng hiện tượng thiếu hụt vitamin nhóm B ở cả trẻ em lẫn người lớn.
- Tăng cường sức để kháng: nâng cao sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch, giúp hệ thần kinh hoạt động tốt hơn, ngăn ngừa tình trạng mệt mỏi, thiếu tập trung có thể xảy ra.
- Hỗ trợ điều trị cho các trường hợp bị thiếu máu: như thiếu máu ác tính, thiếu máu do ký sinh, thiếu máu do dinh dưỡng, thiếu máu do phẫu thuật và các dạng thiếu máu khác.
- Đảm bảo hệ thần kinh luôn khoẻ mạnh: giúp giảm đau trong đau dây thần kinh, bệnh lý thần kinh do tiểu đường gây nên khi bệnh nhân bị nghiện rượu nặng hoặc do nghiện thuốc.
- Hỗ trợ phụ nữ có thai: điều trị và dự phòng chứng buồn nôn và nôn trong suốt thời kỳ mang thai.
3.2. Chỉ định
- Các trường hợp thiếu vitamin nhóm B: B1, B6, B12, đau đầu, trẻ em suy nhược chậm lớn.
- Điều trị trong trường hợp rối loạn hệ thần kinh như đau dây thần kinh, viêm dây thần kinh ngoại biên, viêm dây thần kinh mắt, viêm dây thần kinh do tiểu đường và do rượu, viêm đa dây thần kinh, dị cảm, hội chứng vai cánh tay, suy nhược thần kinh, đau thần kinh toạ và co giật do tăng cảm ứng của hệ thống thần kinh trung ương.
- Bệnh zona.
- Dự phòng và điều trị chứng buồn nôn và nôn trong thời kỳ mang thai.
- Thiếu máu do thiếu vitamin B6 và vitamin B12
- Hồi phục và duy trì sức khỏe sau khi bệnh, trong thời gian làm việc quá sức hay đối với những người già
4. 5 Nguyên tắc sử dụng 3B đúng cách an toàn tại nhà
4.1. Liều dùng – cách dùng
Hàm lượng vitamin B trong một vài chế phẩm
♦ Đối với thuốc:
- Vitamin B1: 125mg
- Vitamin B6: 125mg
- Vitamin B12: 125mcg
♦ Đối với thực phẩm chức năng:
- Vitamin B1: 3mg
- Vitamin B6: 3mg
- Vitamin B12: 6mcg
♦ Liều dùng:
- Người lớn: uống 1-2 viên/ lần, ngày 2-3 lần. Điều trị các chứng đau nhức: uống 2 viên/lần, ngày 3–4 lần.
- Đối với trẻ em: Liều dùng với thuốc 3B là 1 viên /lần, ngày 2 lần
♦ Liều dùng dự phòng khuyến nghị: 1 viên/lần, ngày 2 lần. Tuỳ theo từng sản phẩm và dạng bào chế. Đối với trẻ em trên 12 tuổi liều dùng như người lớn. Còn các chế phẩm khác liều bằng ½ người lớn.
Uống với nước đun sôi để nguội
Điều trị: Tuân thủ theo sự chỉ dẫn của bác sĩ
4.2. Thời điểm dùng
Vitamin 3B nên uống vào buổi sáng trước khi ăn là tốt nhất. Vì là loại vitamin tan trong nước, uống lúc đối khả năng sinh khả dụng sẽ cao, dễ hấp thu và có thể bài tiết tốt qua đường nước tiểu là chủ yếu.
4.3. Tương tác thuốc
- Vitamin B1 làm tăng tác dụng của các thuốc ức chế thần kinh cơ.
- Vitamin B6 làm giảm hiệu quả của levodopa trong điều trị Parkinson
- Vitamin B6 làm giảm hoạt tính của altretamin, làm giảm nồng độ phenobarbital và phenytoin trong huyết thanh.
- Một số thuốc có thể làm tăng nhu cầu vitamin B6 như hydralazin, isoniazid, penicillamine và các thuốc tránh thai đường uống.
4.4. Thực phẩm nên tránh khi dùng vitamin 3B
Vitamin B có trong rất nhiều loại thực phẩm và tan trong nước, vì vậy khi sử dụng chúng ta nên lưu ý:
- Tránh ăn đồ ăn chiên rán, dầu mỡ, mỡ động thực vật, chất béo để có thể hấp thu tốt hơn
- Đa dạng các món ăn, không nên ăn một món quá nhiều
- Khi bổ sung vitamin 3B hạn chế sử dụng các thực phẩm giàu vitamin B1, B6, B12 như: gan, sò, cá hồi, thịt nội tạng, ngũ cốc,… nhằm tránh sự quá liều lượng cho phép của cơ thể bởi thời gian đào thải quá lâu dẫn đến những tác dụng không mong muốn như đau đầu, buồn nôn, mẩn ngứa,… Tuy nhiên các triệu chứng đó thường ít gặp.
- Bổ sung các loại rau củ, nước ép trái cây như: cam, táo,… để hỗ trợ một phần việc hấp thu.
4.5. Vitamin 3B dùng trong bao lâu?
Không nên sử dụng liên tục quá 30 ngày bởi khi bổ sung vitamin B6 liều cao có thể gây hội chứng lệ thuộc pyridoxin.
Khi gặp các tình trạng mẩn ngứa, dị ứng, quá mẫn với thành phần của thuốc nên dừng lại ngay.
5. Vitamin 3B có sử dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không?
Thông thường, vitamin 3B được chỉ định sử dụng cho người thiếu vitamin nhóm B, suy nhược cơ thể và trẻ em trên 8 tuổi. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ việc bổ sung vitamin nói chung là hết sức cần thiết. Có thể bổ sung vitamin 3B đối với trẻ nhỏ, tuy nhiên nhằm tránh những tình trạng không mong muốn mẹ nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
Đối với trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh gặp tình trạng thiếu hụt vitamin bệnh lý, sinh lý, nên đưa trẻ đi khám và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.
Để an toàn và đảm bảo chất dinh dưỡng cho trẻ em, cha mẹ nên bổ sung cho con thông qua thức ăn như là: cá hồi (hàm lượng B1, B6, B12 rất cao), các loại ngũ cốc, các loại đậu (có chứa vitamin B1, B2), đu đủ, nước cam (B3, B9),…
6. Phụ nữ có thai và cho con bú có sử dụng được vitamin 3B hay không?
Bổ sung vitamin 3B cho phụ nữ có thai hết sức cần thiết, bởi:
- Khi mang thai, nhu cầu vitamin B rất lớn, đặc biệt vitamin B12 giúp cho thai nhi phát triển toàn diện và tránh khỏi tình trạng dị tật bẩm sinh
- Vitamin B12, B6 tham gia vào quá trình tạo máu, khi mang thai việc bổ sung sắt kết hợp vitamin 3B giúp người mẹ không bị thiếu máu và chất dinh dưỡng cho trẻ
- Pyridoxine đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình chuyển hoá và tăng cường miễn dịch, giúp tăng cường sức đề kháng của mẹ và bé, đảm bảo hoạt động sống của cơ thể
- Vitamin B1 tăng tổng hợp hormone và tạo ra một số chất dẫn truyền thần kinh, đảm bảo sự phát triển của trẻ từ trong thai.
7. Nếu dùng quá liều vitamin 3B sẽ xử trí thế nào?
Hiện nay, chưa có tài liệu nào ghi nhận hậu quả khi dùng vitamin 3B quá liều. Tuy nhiên chúng ta nên tuân thủ theo liều dùng được khuyến cáo.
Khi gặp các biểu hiện quá mẫn, dị ứng,… nên dừng sử dụng và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.
Tổng kết
Trên đây là tổng quan về vitamin nhóm B nói chung và vitamin 3B nói riêng. Mỗi loại vitamin B có những chức năng riêng biệt, nhưng chúng hỗ trợ nhau để được hấp thụ đúng cách và mang lại lợi ích sức khỏe tốt nhất. Bên cạnh việc bổ sung thêm vitamin 3B, một chế độ ăn uống lành mạnh, đa dạng sẽ cung cấp tất cả các vitamin B cho hoạt động sống của cơ thể.
» Xem thêm: Vai trò quan trọng của vitamin và khoáng chất đối với sức khỏe của trẻ
Để tìm hiểu thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ với các chuyên gia của chúng tôi theo HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.
Nguồn tham khảo:
- Healthline
- Drugs.comDrugbank