Trẻ sơ sinh thường ngủ rất nhiều, đôi khi bé ngủ lâu hơn bình thường và không dậy bú khiến cha mẹ lo lắng và không biết có nên đánh thức con hay không. Bài viết này sẽ giúp cha mẹ hiểu đúng về giấc ngủ của con và cách xử lý khi trẻ sơ sinh ngủ nhiều quên bú.
Mục lục
- 1. Giấc ngủ sinh lý bình thường của trẻ sơ sinh
- 2. Vai trò của giấc ngủ đối với sự phát triển của trẻ
- 3. Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ trẻ sơ sinh
- 4. Thế nào là tình trạng trẻ sơ sinh ngủ nhiều?
- 5. Nguyên nhân trẻ sơ sinh ngủ nhiều. Trẻ sơ sinh ngủ nhiều có tốt không?
- 6. Trẻ sơ sinh ngủ nhiều có nên đánh thức
- 7. Cách xử trí cho cha mẹ khi trẻ sơ sinh ngủ nhiều bú ít
- 8. Khi nào cần đưa trẻ sơ sinh ngủ nhiều thăm khám bác sĩ?
- 9. Tổng kết
1. Giấc ngủ sinh lý bình thường của trẻ sơ sinh
Giấc ngủ được coi là một khoảng thời gian khi não và cơ thể được nghỉ ngơi. Các nghiên cứu về giấc ngủ cho biết giấc ngủ được chia thành các giai đoạn riêng biệt và lặp lại theo một chu kỳ có thể dự đoán được. Thời gian và chất lượng giấc ngủ không chỉ phụ thuộc vào tổng thời gian ngủ mà còn phụ thuộc vào thời gian ngủ mỗi đêm và thời gian ngủ trong từng giai đoạn.
Trẻ sơ sinh ngủ gần như cả ngày, vậy có tiêu chuẩn nào để đánh giá thời gian ngủ của các bé hay không? Trẻ ở các tháng tuổi khác nhau sẽ có thời gian ngủ khác nhau nhưng nhìn chung, thời gian ngủ của trẻ sẽ giao động trong khoảng nhất định như sau:
- Trẻ sơ sinh 0 đến 3 tháng: Trẻ thường ngủ khoảng 14 đến 17 giờ mỗi ngày, thậm chí lên tới 22 giờ đối với trẻ sinh non. Các giấc ngủ diễn ra liên tục vào cả ngày lẫn đêm và kéo dài khoảng vài tiếng.
- Trẻ từ 4 đến 11 tháng: Thời gian ngủ của trẻ là khoảng 12 đến 16 giờ mỗi ngày. Ít nhất hai đến ba giờ trong tổng thời gian ngủ là những giấc ngủ ngắn vào ban ngày.
- Trẻ từ 12 đến 35 tháng: Bé thường ngủ 11 đến 14 giờ mỗi ngày. Càng lớn, trẻ sẽ càng ngủ những giấc dài hơn vào ban đêm.
Giấc ngủ của trẻ được chia thành 2 giai đoạn chính luân phiên nhau là N-REM (giấc ngủ sâu) và REM (giấc ngủ mắt chuyển động nhanh – giấc ngủ động). Giai đoạn REM chiếm khoảng 50% thời gian ngủ của trẻ và cha mẹ có thể nhận ra trẻ đang ở giai đoạn này thông qua các biểu hiện của trẻ như: trẻ ọ ẹ, cánh tay hoặc chân của trẻ cử động nhẹ, nét mặt thay đổi hoặc đảo mắt. Trẻ sẽ ngủ không sâu và dễ bị đánh thức hơn khi đang trong giai đoạn REM.
2. Vai trò của giấc ngủ đối với sự phát triển của trẻ
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của trẻ và ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển suốt cuộc đời trẻ.
- Giấc ngủ giúp trẻ phát triển tốt hơn: Somatotropin là một loại hormone tăng trưởng được tiết ra khi trẻ trong giai đoạn N-REM của giấc ngủ. Trẻ sơ sinh lớn rất nhanh do chúng dành phần lớn thời gian trong ngày để ngủ. Do đó, thiếu ngủ có thể khiến trẻ chậm phát triển thể chất.
- Ngăn ngừa béo phì: Nghiên cứu cho thấy trẻ ngủ thiếu giấc trong 6 tháng đầu sơ sinh là một yếu tố nguy cơ gây béo phì khi trẻ lớn lên. Có thể thấy, thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên cân nặng của trẻ.
- Phát triển trí não và khả năng học tập: Nghiên cứu cho thấy những trẻ có giấc ngủ bình thường sẽ phát triển và có điểm số cao hơn trong tương lai. Giấc ngủ cũng rất quan trọng đối với việc củng cố trí nhớ và những điều bé học được, đặc biệt là trong những năm đầu tiên khi bé mới bắt đầu tìm hiểu về môi trường xung quanh.
- Phát triển hệ thống miễn dịch: Hệ thống miễn dịch của trẻ còn non nớt, chưa mạnh như người lớn và giấc ngủ giúp phát triển hệ thống này. Trẻ ngủ đủ giấc sẽ ít mắc bệnh và bị nhiễm trùng hơn, đồng thời hồi phục nhanh hơn khi mắc bệnh.
3. Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ trẻ sơ sinh
Yếu tố bên trong và bên ngoài đều có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của trẻ sơ sinh.
3.1. Yếu tố bên ngoài
- Bé cảm không cảm thấy an toàn
- Bé vừa mới hoạt động mạnh
- Có nhiều chuyển động diễn ra xung quanh bé
- Môi trường nóng, ngột ngạt, ồn ào, ánh sáng mạnh
- Quần áo quá nóng, quá lạnh hoặc cộm khiến bé cảm thấy khó chịu
- Thức ăn: dị ứng với sữa công thức hoặc đồ mẹ đã ăn có thể khiến trẻ đầy hơi, bồn chồn, ngủ không ngon giấc
3.2. Yếu tố bên trong
- Trẻ khó chịu do mắc các vấn đề bệnh lý (viêm đường hô hấp, cảm lạnh,…)
- Thiếu hụt calci: Thiếu calci khiến trẻ ngủ không sâu, hay giật mình hoặc bức bối, mất ngủ, hiếu động.
4. Thế nào là tình trạng trẻ sơ sinh ngủ nhiều?
Trẻ được coi là ngủ nhiều (bé sơ sinh ngủ nhiều) khi tổng thời gian ngủ của trẻ vượt quá thời lượng ngủ trung bình theo lứa tuổi ở mục 1.
Ngoài ra, trẻ sơ sinh thường có cấu tạo dạ dày rất nhỏ nên các bé cần được cho ăn thường xuyên (2-4h một lần) để có đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Hầu hết các bé sẽ ngủ liên tục trong khoảng từ 30–45 phút đến lâu nhất là 3–4 giờ, sau đó, bé thường sẽ thức dậy để bú và ngủ lại ngay.
Các mẹ có thể cho trẻ ăn trong khoảng thời gian bé thức giấc, và nếu trẻ sơ sinh ngủ nhiều không chịu dậy bú lâu hơn 4h trong hai tuần đầu tiên, mẹ nên đánh thức con dậy để cho ăn vì đây là khoảng thời gian bé cần dinh dưỡng để phát triển nhất.
5. Nguyên nhân trẻ sơ sinh ngủ nhiều. Trẻ sơ sinh ngủ nhiều có tốt không?
5.1. Nguyên nhân trẻ sơ sinh ngủ nhiều
Đôi khi trẻ có thể ngủ nhiều hơn bình thường do:
- Trước đó trẻ ngủ không đủ giấc
- Trẻ vừa mới tiêm phòng
- Khi trẻ đang có một sự bùng nổ tăng trưởng hoặc bước nhảy vọt trong sự phát triển (mỗi trẻ đều sẽ phải trải qua)
- Trẻ cần nghỉ ngơi do mắc một số bệnh lý (VD: vàng da, cảm lạnh,…)
- Trẻ mệt do đói, ăn không đủ
- Trẻ sinh non
5.2. Trẻ sơ sinh ngủ nhiều có nguy hiểm không?
Thực ra, đa số trường hợp các bé ngủ nhiều đều không đáng lo trừ khi có các biểu hiện kèm theo. Một số dấu hiệu có thể giúp cha mẹ theo dõi tình trạng bệnh lý ở trẻ:
- Biểu hiện của vàng da là trẻ có da và lòng trắng của mắt màu vàng, các dấu hiệu nặng hơn bao gồm: hôn mê, cáu gắt, khó khăn khi ăn uống,…
- Trẻ ăn không đủ sẽ có thể bị mất nước, sụt cân và thậm chí không phát triển được. Biểu hiện: lờ đờ, không phản ứng; trẻ lớn hơn 6 tuần tuổi và tăng ít hơn 170g mỗi tuần; trẻ thải ra ít hơn 4 chiếc tã ướt mỗi ngày; trẻ không bình tĩnh hơn sau khi ăn.
- Trẻ bị ốm thường kèm theo các biểu hiện như mệt mỏi, lười phản ứng hoặc quấy khóc nhiều, bé cũng có thể chảy nước mũi, thở khò khè, sốt, nôn mửa, tiêu chảy,…
6. Trẻ sơ sinh ngủ nhiều có nên đánh thức
Trẻ sơ sinh thường lớn rất nhanh, chúng cũng cần được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng để có thể phát triển toàn diện. Trẻ cần được cho ăn thường xuyên với tần suất khoảng 2-4h một lần. Thông thường, trẻ sẽ tự thức dậy và đòi bú nhưng nếu trẻ ngủ quá lâu (hơn 4h), cha mẹ nên đánh thức trẻ dậy để cho ăn.
Những lợi ích của việc đánh thức trẻ:
- Tránh cho trẻ bị đói: Trẻ tiêu hóa sữa rất dễ dàng và nhanh chóng nên với lượng sữa vừa với kích thước dạ dày nhỏ của chúng, trẻ sẽ đói rất nhanh.
- Tránh việc trẻ tiếp tục ngủ lại vì đói: Thông thường, khi đói trẻ sẽ có phản xạ đòi ăn nhưng đôi khi chúng lại tiếp tục ngủ do đói. Khi đó, trẻ cần được cha mẹ đánh thức.
- Trẻ cần tăng cân: Trẻ sơ sinh cần đủ dinh dưỡng để có thể tăng cân và phát triển. Do đó, đánh thức trẻ để cho ăn là vô cùng cần thiết.
- Tăng cường nguồn sữa cho trẻ: Nếu mẹ không cho trẻ bú đủ và thường xuyên, quá trình sản xuất sữa của mẹ có thể bị chậm lại. Do đó, cần cho trẻ bú đều để lượng sữa của mẹ đủ cung cấp cho con.
7. Cách xử trí cho cha mẹ khi trẻ sơ sinh ngủ nhiều bú ít
Trẻ sơ sinh ngủ nhiều vào ban ngày hay ban đêm đều nên được đánh thức dậy để cho ăn. Tuy nhiên cha mẹ có thể gặp khó khăn khi cố ép con dậy để cho ăn, hoặc tâm lý chung cha mẹ cũng không muốn đánh thức con mình khi chúng đang ngủ ngon.
Vậy giải pháp cho vấn đề này là gì?
- Cha mẹ có thể đánh thức con khi bé đang trong giai đoạn giấc ngủ REM – tức khi con có các biểu hiện như: ọ ẹ, cử động tay chân nhẹ, nét mặt thay đổi hoặc đảo mắt.
- Hãy thử chạm nhẹ vào má để đánh thức trẻ, hoặc nếu cách này không thành công, cha mẹ có thể vuốt nhẹ vào lòng bàn chân hoặc nhẹ nhàng cử động các ngón chân để đánh thức trẻ.
Khi trẻ được xác định là ốm, cha mẹ có thể để bé nghỉ ngơi nhiều hơn bình thường vì cơ thể bé đang phải chống chọi để khỏi bệnh. Ưu tiên cho bé ăn khi bé tỉnh giấc. Tuy nhiên, nếu bé ngủ quá lâu, hãy đánh thức bé vào giai đoạn REM.
8. Khi nào cần đưa trẻ sơ sinh ngủ nhiều thăm khám bác sĩ?
Ngủ quá nhiều ở trẻ sơ sinh thường không phải là trường hợp khẩn cấp trừ khi trẻ có dấu hiệu của các vấn đề nghiêm trọng khác. Gọi bác sĩ hoặc đưa trẻ đi cấp cứu khi:
- Trẻ thờ ơ, không hứng thú với việc ăn uống sau khi ngủ dậy
- Trẻ thở to, thở hổn hển hoặc thở khò khè
- Lỗ mũi của trẻ phập phồng khi thở
- Da xung quanh xương sườn của trẻ bị lõm vào khi thở
- Trẻ bị sốt, tiêu chảy hoặc nôn mửa
- Trẻ có nguy cơ đã hít phải, chạm vào hoặc ăn phải thứ gì đó độc hại
- Trẻ có dấu hiệu mất nước (chẳng hạn như tã ướt ít hơn, nước tiểu sẫm màu hơn, khóc không nước mắt hoặc môi nứt nẻ)
- Không phản ứng lại khi cố đánh thức bé dậy
9. Tổng kết
Qua bài viết này, chúng tôi đã truyền tải một số thông tin về vấn đề ngủ nhiều ở trẻ sơ sinh như sau:
- Tổng thời gian ngủ trung bình của trẻ sơ sinh ở các tháng tuổi khác nhau là khác nhau và sẽ dao động trong một khoảng nhất định.
- Giấc ngủ có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
- Chất lượng giấc ngủ của trẻ sơ sinh thường bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên trong (bệnh lý) và bên ngoài (môi trường xung quanh).
- Trẻ được coi là ngủ nhiều nếu thời gian trẻ ngủ vượt quá tổng thời gian ngủ trung bình.
- Trẻ sơ sinh có thể ngủ nhiều do: trẻ ngủ không đủ giấc, trẻ mới tiêm phòng, trẻ đang có bước nhảy vọt trong tăng trưởng, trẻ mệt mỏi do bị bệnh.
- Đánh thức trẻ dậy để ăn giúp trẻ được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, tránh việc trẻ ngủ li bì vì đói.
- Trẻ nên được đánh thức ở giai đoạn REM thông qua việc chạm nhẹ vào má nếu trẻ ngủ quá 4h.
- Trẻ cần được đưa đến gặp bác sĩ khi có dấu hiệu của các vấn đề nghiêm trọng khác (mệt mỏi, sốt, khó thở, thở gấp, ngộ độc)
Mọi chi tiết thắc mắc liên quan đến sức khoẻ xin vui lòng liên hệ HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.
Tham khảo nguồn: Healthline