Tư thế ngủ của trẻ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và ngoại hình của trẻ. Có trẻ thích nằm ngửa, có trẻ lại thích nằm nghiêng, và có cả trẻ nằm sấp. Vậy trẻ sơ sinh nằm nghiêng có tốt không? Có nên để trẻ sơ sinh nằm nghiêng không? Bài viết dưới đây sẽ trả lời những thắc mắc đó và mách mẹ tư thế nằm ngủ được khuyến cáo cho trẻ mà mẹ có thể tham khảo.
Mục lục
1. Trẻ sơ sinh nằm nghiêng có tốt không?
Theo các chuyên gia Nhi khoa, trẻ sơ sinh nằm nghiêng trong thời gian ngắn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe trẻ:
- Hạn chế sặc, trớ sau ăn: Với trẻ bú mẹ, trẻ thường ngủ trong vòng tay mẹ ngay sau khi bú xong. Trẻ ngủ khi vừa ăn no xong dễ gặp tình trạng sặc, nôn trớ, nhất là khi nằm ngửa. Lúc này, mẹ có thể đặt trẻ nằm nghiêng để giảm nguy cơ sặc, nôn trớ nhé.
- Giảm ngáy, khò khè: Khi nằm ngửa, đường thở của trẻ bị cản trở, gây ra tiếng ngáy, khò khè khi ngủ. Việc nằm nghiêng có thể cải thiện đáng kể tình trạng này.
- Giảm áp lực lên các cơ quan: Khi nằm nghiêng, áp lực lên tim, hay các cơ quan tiêu hóa giảm đáng kể, giúp các hệ cơ quan này hoạt động dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, khi trẻ nằm nghiêng kéo dài, trong suốt cả giấc ngủ dài sẽ gây ra các hậu quả khó lượng, có thể ảnh hưởng đến tính mạng trẻ, đặc biệt là chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Do vậy, hiện nay các chuyên gia khuyến cáo KHÔNG NÊN cho trẻ sơ sinh nằm nghiêng trong thời gian dài. Nếu trẻ không chịu nằm ngửa, mẹ có thể để trẻ nằm nghiêng một bên trong thời gian ngắn, sau đó đổi bên và cứ liên tục thế nhé.
2. Rủi ro khi trẻ sơ sinh nằm nghiêng
2.1. Trẻ nằm nghiêng có nguy cơ nằm sấp xuống
Rủi ro thường gặp nhất khi bé sơ sinh nằm nghiêng là chúng sẽ nằm sấp xuống. Khi trẻ còn quá nhỏ chưa thể cất đầu lên thì mặt của em bé sẽ bị úp xuống đệm và có thể gây khó thở. Khi chúng bị khó thở sẽ làm tăng nguy cơ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ (SIDS).
SIDS là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ từ 1 tháng tuổi đến 1 năm. Nguy cơ SIDS cao nhất ở trẻ sơ sinh từ 2 đến 4 tháng tuổi. Ở Hoa Kỳ có khoảng 3500 trẻ sơ sinh chết đột ngột trong khi ngủ mỗi năm.
2.2. Trẻ sơ sinh nằm nghiêng gây hiện tượng đầu phẳng
Hộp sọ của trẻ mới sinh ra còn mềm và cơ cổ của chúng còn yếu. Vì vậy, nếu cho trẻ sơ sinh nằm nghiêng một bên lâu sẽ dễ làm cho đầu bé phẳng 1 bên, đầu không còn cân xứng được gọi là hội chứng “plagiocephaly”.
Tuy nhiên đây là một điều hoàn toàn bình thường và có thể tự mất đi. Một số cách dưới đây có thể ngăn chặn chứng đầu phẳng: Đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ. Thường xuyên thay đổi vị trí nằm của trẻ ở trong cũi để chúng thay đổi hướng nhìn, cụ thể:
- Đặt đầu em bé ở đầu cũi
- Ngày hôm sau đặt đầu trẻ ở dưới chân cũi. Điều này có thể giúp trẻ quay đầu sang hướng khác để duy trì tầm nhìn.
- Tiếp tục làm xen kẽ cách này trong những ngày tiếp theo.
- Bỏ tất cả các loại đồ chơi xung quanh khiến trẻ chỉ nhìn một bên mà không nhìn thẳng lên.
- Kiểm tra lại tư thế ngủ của con đảm bảo rằng trẻ đang úp lưng xuống cũi và mặt hướng thẳng lên.
Ngoài ra, ban ngày khi con thức mẹ có thể cho trẻ một khoảng thời gian ngắn nằm sấp và có giám sát chặt chẽ. Điều này sẽ giúp cho đầu của trẻ không phẳng ở phía sau và còn giúp phát triển các cơ ở cổ, cánh tay và phần trên của cơ thể.
2.3. Trẻ sơ sinh nằm nghiêng có thể vẹo cổ
Vẹo cổ thường xảy ra nhất vào thời điểm trẻ mới được sinh ra (do vị trí trong bụng mẹ) nhưng có thể kéo dài đến 3 tháng sau sinh. Nếu vẹo cổ xảy ra trong vòng 3 tháng đầu sau sinh thì có thể là do trẻ sơ sinh ngủ nghiêng nhiều.
Một số dấu hiệu báo hiệu trẻ bị vẹo cổ mà mẹ nên biết:
- Nghiêng đầu về một hướng
- Chỉ thích bú một bên
- Trẻ di chuyển mắt để nhìn qua vai của mình thay vì nhìn người đối diện
- Không thể quay đầu hoàn toàn.
Tật vẹo cổ cũng ảnh hưởng đến tư thế ngủ của trẻ. Khi bị vẹo cổ trẻ thích nằm nghiêng về một bên hoặc quay đầu về một bên mỗi đêm để cảm thấy thoải mái hơn.
Chứng vẹo cổ có thể được cải thiện nhờ các bài tập làm tăng sức mạnh của cổ mà mẹ có thể tập cùng con ở nhà.
2.4. Bé sơ sinh nằm nghiêng sẽ thay đổi màu sắc da Harlequin
Có khoảng 10% trẻ sơ sinh khoẻ mạnh bị rối loạn chuyển màu da khi ngủ nghiêng. Tình trạng này sẽ khiến cho một bên mặt và cơ thể của trẻ ửng hồng hoặc đỏ. Tuy nhiên sự thay đổi màu sắc là tạm thời và có thể biến mất trong vòng 2 phút.
Sự thay đổi màu sắc da Harlequin xảy ra do máu đọng lại ở các mạch máu nhỏ hơn ở phía mà em bé nằm. Vì vậy nên tránh để trẻ ngủ nghiêng để ngăn chặn tình trạng này.
Tóm lại, để trẻ sơ sinh ngủ nghiêng có thể dẫn đến rủi ro nghiêm trọng như SIDS. Ngoài ra cũng có thể gặp hiện tượng đầu phẳng, vẹo cổ hoặc thay đổi màu sắc da Harlequin ở những trẻ nằm nghiêng lâu về một bên. Vậy cha mẹ cần làm gì khi trẻ sơ sinh nằm nghiêng?
3. Cần làm gì khi trẻ sơ sinh nằm nghiêng
Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, trẻ sẽ tự chọn cho mình tư thế ngủ thoải mái nhất, nên không ít trẻ quen ngủ ở tư thế nằm nghiêng. Vậy, để tránh rủi ro khi trẻ nằm nghiêng, cha mẹ cần làm gì?
- Đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ: Trước hết, mẹ tạo thói quen cho trẻ nằm ngửa khi ngủ. Ngoài ra, mẹ nên lưu ý không đặt đồ chơi xung quanh gây thu hút, khiến trẻ tập trung vào đồ chơi, không chịu nằm ngửa hoặc nhìn sang hướng khác.
- Dùng dụng cụ hỗ trợ giữ trẻ nằm ngửa khi ngủ: Mẹ tham khảo cách quấn khăn xung quanh, sử dụng túi ngủ, hay cho trẻ nằm trong nôi, cũi có đệm vừa vặn với người để hạn chế bé lăn qua lăn lại khi ngủ. Ngoài ra, mẹ cũng không nên để một số vật dụng cồng kềnh vào trong cũi của trẻ như: gấu bông lớn, gối phụ, chăn thừa, nhiều quần áo,…
- Thường xuyên quan sát trẻ khi ngủ: Trẻ có thể lăn qua lăn lại bất cứ lúc nào, do đó cha mẹ nên giám sát, theo dõi thường xuyên khi trẻ ngủ để có thể điều chỉnh sớm nhất bằng cách cho trẻ ngủ chung phòng, hoặc lắp camera ở phòng ngủ của trẻ.
- Chỉnh lại tư thế cho trẻ khi thấy trẻ nằm nghiêng: Khi thấy trẻ nằm nghiêng, mẹ hãy từ từ chỉnh lại tư thế chuẩn cho bé nhé. Sau đó, nếu trẻ có vô tình lăn sang một bên, mẹ lại kiên trì điều chỉnh cho bé nhé. Việc này có thể cần duy trì cho đến khi trẻ có thể lăn qua lăn lại hai bên mà không gặp khó khăn.
4. Khi nào trẻ sơ sinh có thể nằm nghiêng?
Như đã trình bày, trẻ gặp các rủi ro khi trẻ chưa phát triển hoàn thiện, cổ trẻ chưa cứng cáp, hộp sọ còn mềm. Tuy nhiên, các rủi ro này sẽ giảm khi trẻ lớn hơn, các cơ quan cứng cáp hơn. Lúc này trẻ hoàn toàn có thể ngủ nghiêng mà không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Vậy, khi nào là thời điểm hợp lý?
Sau 1 tuổi, trẻ trở nên cứng cáp hơn, có thể lăn lộn nhiều hơn, có thể ngẩng đầu lên, thậm chí là lăn người khi mẹ đặt chúng nằm sấp (lẫy). Ở độ tuổi này, bé có thể nằm nghiêng để ngủ, tuy nhiên mẹ chỉ để con ngủ nghiêng khi tự chúng nằm ở tư thế đó nhé.
Vậy, trẻ sơ sinh nằm tư thế nào là chuẩn? Cùng tìm hiểu tiếp dưới đây!
5. Tư thế nằm chuẩn cho trẻ sơ sinh
Tại sao trẻ sơ sinh cần nằm đúng tư thế?
Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, dạ dày trẻ nhỏ, nằm ngang nên sau khi bú rất dễ bị trào ngược. Ngoài ra, trào ngược có thể để lại một số hậu quả như:
- Trẻ sợ bú, bú kém thậm chí bỏ bú.
- Thức ăn trào ngược chèn vào đường thở gây khò khè, khó thở thậm chí viêm đường hô hấp.
- Trường hợp xấu nhất, dịch dạ dày vào phổi có thể gây viêm phổi.
Do đó, tư thế ngủ đúng rất quan trọng với trẻ sơ sinh.
Tư thế nằm ngủ cho trẻ sơ sinh được khuyến cáo
Trong thời gian ngắn, tư thế nằm nghiêng và nằm sấp có thể không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, ngược lại có thể mang lại một số lợi ích. Cụ thể, một nghiên cứu đã chỉ ra, ngủ sấp (tương tự tư thế của trẻ khi trong bụng mẹ) trong thời gian ngắn giúp:
- Tăng cường phát triển vận động, ngăn ngừa hội chứng đầu phẳng, cải thiện tình trạng hăm tã, hẹp môn vị.
- Giúp trẻ ngủ ngon hơn, kéo dài thời gian ngủ.
- Kiểm soát hô hấp, tim mạch trong giấc ngủ.
Tuy nhiên, nằm sấp hay nằm nghiêng trong thời gian dài làm tăng nguy cơ đột tử khi ngủ. Đồng thời, không có bằng chứng rõ ràng cho thấy nằm ngửa làm tăng nguy cơ trẻ quấy khóc, trào ngược chất nôn (Theo Tap chí Quốc tế về dịch tễ học).
Do đó, ủng hộ tư thế chuẩn cho trẻ là tư thế nằm ngửa: Khi nằm, đầu trẻ tạo với giường góc 30 độ bằng cách đặt 2 khăn lót dưới đầu, 1 khăn lót dưới vai và mông chạm nệm.
Một số lưu ý khi cho trẻ nằm ngửa:
- Khi nằm ngủ, tư thế thoải mái nhất của trẻ là hai tay thả lỏng, đưa lên đầu. Hai chân trẻ gập nhẹ ở gối và đùi.
- Tập thói quen cho trẻ nằm ở tư thế này bằng cách nhẹ nhàng xoa bụng, hát cho trẻ nghe hoặc đung đưa cho trẻ ngủ.
- Đảm bảo toàn bộ phần lưng của chúng áp sát với đệm và mặt hướng thẳng lên trên.
- Không nên sử dụng các thiết bị giữ trẻ cố định hoặc ngăn trẻ lăn lộn. Việc sử dụng các thiết bị đó đôi khi còn làm tăng nguy cơ mắc SIDS vì trẻ có thể bị ngạt thở khi chạm vào đó.
Tổng kết
Vấn đề trẻ sơ sinh có nên nằm nghiêng hay không luôn được rất nhiều bà mẹ quan tâm hiện nay. Câu trả lời là không nên cho trẻ nằm nghiêng đặc biệt là trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi vì điều này có thể gây ra một số rủi ro và nghiêm trọng nhất là hội chứng ngưng thở khi ngủ. Vì vậy tư thế tốt nhất cho trẻ sơ sinh khi ngủ là nằm ngửa, đầu trẻ tạo với giường góc 30 độ bằng cách đặt 2 khăn lót dưới đầu, 1 khăn lót dưới vai và mông chạm nệm
Ngoài ra thông qua bài viết các bậc làm cha mẹ cũng có thể tham khảo thêm các biện pháp ngăn trẻ ngủ nghiêng cũng như là một số típ làm tăng sự an toàn cho trẻ khi chúng ngủ nghiêng hoặc ngủ sấp.
Mọi chi tiết thắc mắc xin liên hệ HOTLINE 19009482 hoặc 0967629482
>> Xem thêm: Trẻ sơ sinh ngủ nhiều có tốt không? Hiểu đúng về giấc ngủ