Trẻ sơ sinh biếng ăn là tình trạng trẻ không chịu bú sữa mẹ hoặc các loại sữa công thức. Hay trong giai đoạn trẻ ăn dặm trẻ cũng không chịu hợp tác, khiến cha mẹ cảm thấy lo lắng, và luôn cố gắng tìm cách bắt trẻ ăn. Điều này có thể khiến tình trạng biếng ăn ở trẻ sơ sinh trở nên nghiêm trọng hơn. Vậy để tìm hiểu, làm rõ nguyên nhân, giải pháp về tình trạng biếng ăn trên trẻ sơ sinh, mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ về điều này này.
Mục lục
1. Thế nào là trẻ sơ sinh biếng ăn
Trẻ sơ sinh biếng ăn là tình trạng:
- Trẻ giảm lượng sữa bú mẹ so với thông thường.
- Trẻ không ăn hết khẩu phần ăn dặm trong vòng 30p.
- Trẻ quấy khóc không chịu ăn hoặc không quan tâm đến đồ ăn.
Vấn đề này kéo dài liên tục trong vòng 1 tháng. Nếu để lâu dài hơn thì gây ảnh hưởng đến sự tăng cân và phát triển ở trẻ. Với một trẻ sơ sinh khỏe mạnh thì tốc độ tăng cân sẽ được quy ước như sau:
Một đứa trẻ khỏe mạnh bú mẹ hoàn toàn thì sẽ tăng cân rất nhanh trong 3 tháng đầu, giảm dần 3 tháng sau và càng về sau tốc độ lên cân sẽ chậm lại.
- 0-3 tháng tuổi: tăng 25-40g/ngày, tương đương 0.75 – 1.2kg/tháng
- 3-6 tháng tuổi: tăng 18-25g/ngày, tương đương mỗi tháng tăng 0.5-0.7kg/tháng
- 6-12 tháng tuổi: tăng 0.2-0.3kg/tháng
- Sau 12 tháng bé tăng trung bình 1-2kg mỗi năm
Vậy nếu như con trong giai đoạn 1 tháng bú mẹ mà mỗi tháng không tăng đạt 0.7 kg thì hãy liên hệ bác sĩ Nhi để xem xét vấn đề để điều chỉnh!
Nhiều cha mẹ thường lầm tưởng việc trẻ biếng ăn và trẻ kén ăn. Tuy nhiên hai trường hợp này không giống nhau.
- Trẻ biếng ăn là tình trạng trẻ không ăn đủ khẩu phần ăn theo nhu cầu, dẫn đến trẻ chậm tăng trưởng và phát triển.
- Trẻ kén ăn là việc trẻ không ăn một số loại thức ăn nhất định, dẫn đến trẻ thiếu một số chất dinh dưỡng.
2. Phân loại trẻ sơ sinh biếng ăn theo nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ sơ sinh biếng ăn, và chúng được xếp thành 3 nhóm chính: biếng ăn theo tâm lý, sinh lý và bệnh lý.
Trẻ sơ sinh biếng ăn tâm lý
Biếng ăn tâm lý không được coi là bệnh mà là tình trạng rối loạn ăn uống ở trẻ sơ sinh, có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào trong sự phát triển của trẻ. Trẻ cảm thấy bức bối, khó chịu, hoặc có những phản ứng tiêu cực khi bị cha mẹ la mắng, ép buộc ăn nhiều. Tình trạng này gây ảnh hưởng đến cả tinh thần và thể chất của bé.
Nguyên nhân gây nên tình trạng biếng ăn tâm lý:
- Trẻ bú mẹ:
Mẹ có quá ít sữa, sữa không đủ khiến trẻ cảm thấy không đủ, khó chịu, lâu dần làm cho bé cũng làm bé bú ít đi.
Lượng sữa mẹ quá nhiều khiến bé bị ngợp gây khó chịu khi bú.
Mẹ sử dụng các loại thuốc, thực phẩm gây ảnh hưởng mùi vị trong sữa mẹ khiến trẻ sợ hãi không dám uống, làm giảm khả năng bú sữa ở trẻ.
Mẹ ép trẻ bú nhiều, khoảng cách giữa các cữ bú gần, trẻ không thấy đói mà vẫn bị ép, khiến trẻ cảm thấy sợ.
- Trẻ ăn dặm
Mẹ ép buộc trẻ ăn với một lượng lớn hơn so với khẩu phần, vượt quá khả năng hấp thu của trẻ, trẻ không thấy đói mà vẫn ép ăn. Lâu dần sinh tâm lý sợ hãi khi ăn.
Trẻ sơ sinh thay đổi dạng ăn đột ngột: từ sữa chuyển sang ăn dặm, bé không quen với việc phải nhai, tạo tâm lý lười nhai, khiến bé ăn ít đi.
Cha mẹ không hiểu tâm lý trẻ sơ sinh, do trẻ chưa nói được để xác định các vấn đề của trẻ.
Biểu hiện nhận biết trẻ sơ sinh biếng ăn theo tâm lý:
- Trẻ khóc, không chịu ăn khi mẹ đưa ti vào bú.
- Trẻ không chịu ngồi ngoan khi vào bữa ăn, có động tác che tay, ngậm miệng, quay mặt đi khi mẹ đưa thức ăn lên.
- Nếu bị cha mẹ ép ăn, bé sẽ quấy khóc, nhè ra, không hợp tác, gặp khó khăn trong việc ăn uống. Trẻ chỉ ăn một lượng rất ít so với khẩu phần ăn thông thường.
Trẻ sơ sinh biếng ăn sinh lý
Biếng ăn sinh lý thường gặp khi trẻ bước vào các giai đoạn phát triển khác nhau theo từng tháng tuổi. Thời gian trẻ biếng ăn kéo dài 1-2 ngày hoặc lên tới 1-2 tuần, phụ thuộc vào từng trẻ. Trẻ biếng ăn trong một khoảng thời gian ngắn và ít ảnh hưởng đến tâm sinh lý phát triển của bé. Từng giai đoạn của trẻ đều có thể là nguyên nhân gây nên biếng ăn sinh lý.
Nguyên nhân gây biếng ăn sinh lý ở trẻ sơ sinh:
- Giai đoạn từ 3-4 tháng tuổi: trẻ bắt đầu tập lẫy, ngóc đầu, khám phá môi trường xung quanh. Điều này làm trẻ giảm chú ý, giảm hứng thú đến việc ăn uống.
- Giai đoạn 6 tháng tuổi: trẻ chuyển sang một chế độ ăn mới: từ bú mẹ sang ăn dặm, thay đổi dạng ăn làm trẻ khó tiếp nhận thức ăn.
- Giai đoạn 9-10 tuổi: thời điểm trẻ tập bò, đi, đứng nên thức ăn không còn hấp dẫn trẻ nhiều nữa. Cùng lúc đó, vào thời điểm này, trẻ bắt đầu bước vào giai đoạn mọc răng sữa, gây đau, sốt ở trẻ, làm trẻ không muốn ăn.
- Khi trẻ buồn ngủ thì khả năng ăn của trẻ giảm. Đánh thức trẻ trong giấc ngủ để cho ăn cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng trẻ không chịu ăn.
Các biểu hiện ở trẻ:
- Trong lúc bú mẹ, trẻ không tập trung, thường xuyên ngóc đầu nhìn ngó xung quanh, ngừng bú giữa chừng, bú ít hoặc thôi không bú nữa.
- Trẻ chuyển sang ăn dặm thì không tiếp nhận thức ăn, không nhai, không nuốt hoặc ngậm thức ăn. Bữa ăn kéo dài hơn thông thường.
- Trẻ tập đi, đứng, bò thì không chịu ngồi yên khi ăn, chạy nhảy, nghịch đồ chơi, hoặc phá bữa ăn.
- Trẻ đau răng, khóc, không chịu nhai nuốt, từ chối ăn.
Trẻ sơ sinh biếng ăn bệnh lý
Trẻ biếng ăn bệnh lý có mối liên quan lớn đến việc rối loạn tiêu hóa ở trẻ.
Các nguyên nhân gây nên tình trạng biếng ăn bệnh lý ở trẻ sơ sinh:
- Trẻ gặp các bệnh lý về đường tiêu hóa: đường ruột bị loạn khuẩn, rối loạn tiết dịch, co bóp bất thường trong ruột hoặc dạ dày gây đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón,… làm cho trẻ biếng ăn hoặc ăn ít.
- Trẻ mọc răng, viêm lợi khi ăn đồ ăn nóng sẽ tiếp xúc với khu vực bị tổn thương gây đau cho trẻ. Vậy cha mẹ chú ý thổi nguội thức ăn cho bé.
- Trẻ bị viêm họng, viêm amidan: trẻ khi nuốt thấy đau, khiến trẻ quấy khóc không ăn.
- Trẻ gặp tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm trùng: đường hô hấp, tiêu hóa, gây tình trạng giảm hấp thu các vitamin, khoáng chất, làm giảm tình trạng hấp thu thức ăn.
- Sử dụng các loại thuốc: sử dụng kháng sinh để điều trị nhiễm khuẩn, cũng là một tác nhân gây diệt các vi khuẩn có lợi, dẫn đến loạn khuẩn, khó tiêu, đầy bụng. Các thuốc hay các loại vitamin, tiêm vacxin cũng ảnh hưởng đến quá trình ăn uống, hấp thu ở trẻ.
Biểu hiện ở trẻ sơ sinh biếng ăn do bệnh lý:
- Trẻ xuất hiện các dấu hiệu của tình trạng rối loạn tiêu hóa: đau bụng, buồn nôn, nôn, chán ăn, tiêu chảy, táo bón,…
- Trẻ mệt mỏi không hợp tác trong quá trình ăn uống.
- Trẻ ngậm đồ ăn, không nuốt hoặc quấy khóc không chịu ăn trong trường hợp trẻ bị viêm họng, đau răng.
Do chế độ ăn chưa hợp lý
- Chế độ ăn thiếu chất: đặc biệt là thiếu kẽm, sẽ gây ảnh hưởng đến vị giác của trẻ. Trẻ khó cảm nhận thức ăn, mất cảm giác ngon miệng từ đó giảm khả năng ăn uống, gây thiếu chất, ảnh hưởng đến sự phát triển cả về thể chất, trí tuệ của trẻ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng 60% trẻ thiếu kẽm là do chế độ ăn. Do vậy cha mẹ cần đảm bảo bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé.
- Lạm dụng sữa: Khi mẹ cho trẻ uống nhiều sữa khiến trẻ không còn thấy đói và không thèm ăn. Lượng kcal cần thiết cho trẻ mỗi ngày: 85-105kcal/kg/ngày. Trong 100ml sữa chứa 80-100 kcal, do vậy nếu cho trẻ uống quá nhiều sữa sẽ vượt quá mức cần thiết ở trẻ, khiến cho trẻ chán ăn, không hợp tác.
Do chưa có kỷ luật bàn ăn
- Với trẻ bú mẹ: Trẻ thường hay bú vặt, cứ khóc hay đòi là mẹ cho bú, bú đc một ít lại bỏ, từ đó tạo thói quen xấu cho trẻ.
- Với trẻ ăn dặm: Trẻ xem điện thoại, tivi trong khoảng thời gian ăn. Cho trẻ ăn vặt ngoài bữa, khiến trẻ không còn thấy đói, không tập trung vào bữa ăn chính. Ngoài ra, để ép con ăn, cha mẹ có thể kéo dài bữa ăn. Các yếu tố trên tạo thói quen xấu cho trẻ.
>>> Xem thêm: Trẻ 1 tuổi biếng ăn, mẹ phải làm sao?
3. Trẻ sơ sinh biếng ăn dẫn đến hậu quả gì?
- Chậm phát triển thể chất: nguồn dinh dưỡng chủ yếu đến từ các loại thực phẩm. Nếu trẻ bú không đủ, hoặc ăn dặm không đa dạng sẽ gây tình trạng thiếu chất: thiếu sắt gây thiếu máu, thiếu vitamin A gây khô mắt, thiếu vitamin D gây còi xương,…. Khiến trẻ chậm lớn.
- Chậm phát triển trí não: các chất dinh dưỡng như protein; omega 3,6,9; DHA; sắt;…. có trong thịt, cá, trứng, sữa,… Trẻ không được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất này gây ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ, trí tuệ kém hơn so với trẻ được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng.
- Giảm sức đề kháng, tăng khả năng nhiễm bệnh: khi trẻ không có đủ các yếu tố bảo vệ sẽ dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp,… khiến bé lại càng biếng ăn hơn. Điều này tạo thành một vòng luẩn quẩn gây khó khăn với cha mẹ.
4. Cách khắc phục biếng ăn ở trẻ sơ sinh
Theo từng loại nguyên nhân trên, sẽ có những cách khác nhau để khắc phục tình trạng biếng ăn ở trẻ.
Khắc phục trẻ sơ sinh biếng ăn tâm lý
Với tình trạng biếng ăn theo tâm lý thì nguyên nhân chủ yêu đến từ việc trẻ bị bắt ép, tạo tâm lý sợ ăn. Do vậy cha mẹ cần:
- Tạo tâm lý thoải mái cho trẻ khi ăn: không nên dọa nạt, quát mắng; không ép trẻ bú, trẻ ăn; kiên trì chờ đợi trẻ. Khi trẻ bú đủ sẽ tự nhả ra hoặc thôi ăn. Nhiều bà mẹ thấy việc con ăn ít thì lo trẻ sợ đói, do vậy thường bắt ép trẻ ăn, uống. Mẹ nên bỏ thói quen này khi cho trẻ ăn.
- Để cho trẻ xuất hiện cảm giác đói: khi trẻ đói sẽ đòi ăn, tăng khả năng ăn uống ở trẻ.
- Thực đơn đa dạng cho trẻ ăn dặm: việc ăn đi ăn lại một hai loại thực phẩm trong ăn dặm gây cảm giác chán ăn ở trẻ. Cần xây dựng thực đơn dinh dưỡng, đủ các nhóm chất, tạo hình dáng, màu sắc bắt mắt thu hút trẻ, làm trẻ hứng thú với món ăn.
- Tránh ảnh hưởng mùi vị sữa: Mẹ cho con bú cần chú ý các thực phẩm khi ăn để tránh thay đổi mùi vị sữa.
Khắc phục trẻ sơ sinh biếng ăn sinh lý
Trẻ sơ sinh biếng ăn theo sinh lý phần lớn phụ thuộc vào các giai đoạn phát triển của trẻ. Trẻ ở giai đoạn này cần thích nghi với sự thay đổi của cơ thể, do vậy cha mẹ không nên quá lo lắng. Thay vào đó hãy cố gắng tìm hiểu, thay đổi chế đồ phù hợp với bé.
- Trẻ mọc răng, đau răng: ưu tiên các đồ ăn lỏng mềm. Nếu trẻ con ăn sữa, chia nhỏ các bữa trong ngày cho bé.
- Khi trẻ không chú ý vào đồ ăn: chế biến các món ăn có màu sắc bắt mắt, cho trẻ sử dụng bát thìa mà trẻ yêu thích.
Khắc phục trẻ sơ sinh biếng ăn bệnh lý
Nguyên nhân chính cho việc biếng ăn ở trẻ sơ sinh do bệnh lý là tình trạng rối loạn tiêu hóa ở trẻ. Do vậy cha mẹ cần đưa trẻ đến thăm khám bác sĩ để điều trị dứt điểm bệnh. Kết hợp với chế độ ăn, chế độ dùng thuốc để tăng khả năng phục hồi.
- Chế độ ăn:
Trẻ bú mẹ: trong trường hợp sữa mẹ không đủ lượng để cung cấp dinh dưỡng cho bé, thì cần bổ sung thêm sữa ngoài, sữa công thức cho trẻ.
Trẻ bước vào độ tuổi ăn dặm: cân bằng 4 nhóm chất: đạm, đường bột, vitamin và chất béo.
Bổ sung thêm lợi khuẩn tốt cho hệ tiêu hóa ở trẻ, giúp cải thiện rối loạn tiêu hóa, tăng cường sức khỏe đường ruột, tăng sức đề kháng ở trẻ.
- Bổ sung thêm vitamin và chất khoáng cần thiết để tăng cường sức đề kháng ở trẻ.
- Tránh sử dụng, lạm dụng các thuốc không cần thiết, đặc biệt là các thuốc kháng sinh.
Xây dựng chế độ ăn hợp lý
- Ăn theo nhu cầu của trẻ:
Thay vì ăn nhiều, ăn một lượng lớn vào một thời điểm thì có thể chia nhỏ bữa ăn với một lượng ăn phù hợp.
- Kỷ luật bàn ăn:
Bế trẻ bú đúng cách. Sắp xếp thời điểm bú cách nhau tối thiểu 2 tiếng.
Không xem tivi, điện thoại,… chơi nghịch đồ chơi trong khoảng thời gian trẻ ăn, rèn luyện trẻ ăn trong khoảng thời gian cố định 30-40p. Nếu trẻ ko ăn, mẹ hỏi lại trẻ 3 lần; bỏ qua bữa nếu trẻ không chịu ăn, không cho ăn vặt cho đến bữa sau. Chú ý trường hợp thấy trẻ có dấu hiệu hạ đường huyết mới cho trẻ ăn.
Cha mẹ có thể tham khảo phương pháp ăn EASY theo một quy trình lặp đi lặp lại từ lúc bé thức dậy vào buổi sáng cho đến khi bé đi ngủ vào ban đêm.
E (eat): ăn sau khi ngủ dậy
A (activity): vận động và nô đùa
S (sleep): thời gian bé ngủ
Y (your time): thời gian cho mẹ thư giãn, nghỉ ngơi
- Lượng kẽm trung bình cần cho trẻ:
Dưới 6 tháng tuổi: 2mg/ ngày.
Từ 7-12 tháng tuổi: 3mg/ ngày.
Sữa mẹ cung cấp đủ kẽm cho trẻ bú. Nếu trẻ trong độ tuổi ăn dặm cần chú ý đến các thực phẩm: thịt đỏ, trứng, sữa, các loại hạt, ngũ cốc,…
- Lượng kcal cần thiết cho trẻ:
0-2 tháng tuổi: 105 kcal/kg/ngày
3 tháng tuổi: 95 kcal/kg/ngày
4-32 tháng tuổi: 85 kcal/kg/ngày
Trong 100ml sữa chứa 80-100 kcal, do vậy cha mẹ cần tính toán lượng sữa hợp lý dựa vào cân nặng của trẻ. Trẻ trong độ tuổi ăn dặm không nên lạm dụng quá nhiều sữa mà nên kết hợp chế độ ăn uống đa dạng, đủ dưỡng chất.
>>> Xem thêm: Mẹo chữa biếng ăn cho trẻ sơ sinh tại nhà hiệu quả
5. Khi nào trẻ sơ sinh biếng ăn cần đi khám
Tình trạng biếng ăn ở trẻ sơ sinh là điều mà các bậc phụ huynh cần quan tâm, vì nó liên quan mật thiết đến quá trình phát triển ở trẻ. Cần đưa trẻ đi khám nếu xuất hiện các biểu hiện sau:
Khi trẻ bỏ bú hoặc không ăn, ăn rất ít diễn ra liên tục trong vòng 48h có thể đến từ nguyên nhân bệnh lý, hoặc nguyên nhân sinh lý mà cha mẹ không phát hiện ra. Cần cân nhắc đưa trẻ đến ngay trung tâm y tế để khám và tìm hiểu nguyên nhân.
Việc bé xuất hiện một trong các triệu chứng dưới đây cũng cần đưa đi khám:
- Trẻ liên tục quấy khóc, không ăn.
- Trẻ mệt mỏi, lừ đừ, ăn ít hoặc không ăn.
- Trẻ bị sốt, nghẹt mũi, khó thở, khò khè.
- Xuất hiện các tình trạng rối loạn tiêu hóa: đau bụng, tiêu chảy,…
Chế độ ăn uống liên quan trực tiếp đến quá trình phát triển thể chất và trí tuệ ở trẻ, do đó để hạn chế tình trạng trẻ sơ sinh biếng ăn cha mẹ có thể tham khảo những giải pháp mà Imiale đã đưa ra trong bài. Nếu có bất cứ thắc mắc hay vấn đề cần giải đáp, đừng ngần ngại liên hệ tới Hotline 1900 9482 của chúng tôi để được hỗ trợ sớm nhất.