Sổ mũi là vấn đề thường gặp không chỉ đối với người lớn mà còn với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Thời tiết thay đổi, môi trường bụi bặm,… là những yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng này. Sổ mũi thường không nguy hiểm, đây là phản ứng bình thường của cơ thể. Tuy nhiên trong một số trường hợp, nếu không được xử trí đúng cách sẽ khiến trẻ khó chịu, mệt mỏi, lâu dần dẫn đến viêm xoang, viêm phế quản, viêm tai giữa,…
Mục lục
1. Thế nào là trẻ sơ sinh bị sổ mũi
Sổ mũi là tình trạng dịch và chất nhầy chảy ra từ mũi. Chất nhầy là chất tiết ra từ màng nhầy ở trong khoang mũi, nó có tác dụng bảo vệ niêm mạc mũi khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn, vi rút,…Ngoài ra nó còn có tác dụng làm ẩm không khí đi vào trong mũi.
Thông thường, chất nhầy tiết ra từ mũi sẽ theo nước bọt chảy xuống họng.
Trẻ sơ sinh bị sổ mũi là dấu hiệu chất nhầy và dịch mũi tiết ra quá mức. Điều này xảy ra khi thời tiết khô, lạnh hay trời quá nóng. Bên cạnh đó, việc trẻ tiếp xúc với các dị nguyên lạ đi vào đường thở (mũi) như vi khuẩn, vi rút, khói, bụi,…cũng gây ra tình trạng sổ mũi.
Chất nhầy chảy ra từ mũi có thể thay đổi màu sắc: trắng trong sang trắng đục, vàng, xanh,…tùy vào mức độ sổ mũi nặng hay nhẹ.
2. Cách phát hiện trẻ sơ sinh sổ mũi
Trẻ sơ sinh bị sổ mũi sẽ có các dấu hiệu như:
- Môi và miệng khô, trẻ thường xuyên khát nước.
- Hắt hơi liên tục
- Người mệt mỏi, lừ đừ, biếng ăn
- Trẻ có thể sốt nhẹ, ho, đổ mồ hôi nhiều
- Khó ngủ hoặc ngủ không sâu.
- Trẻ quấy khóc.
- Dịch từ mũi chảy ra nhiều.
3. Phân loại nguyên nhân và tác nhân gây sổ mũi ở trẻ sơ sinh
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng sổ mũi ở trẻ sơ sinh. Dưới đây là các nguyên nhân phổ biến.
3.1. Trẻ sơ sinh sổ mũi do dị ứng
Dị ứng là phản ứng miễn dịch của cơ thể khi có các tác nhân lạ xâm nhập vào. Khi tiếp xúc với các dị nguyên như khói, bụi, nước hoa, lông súc vật,…, cơ thể trẻ sẽ tiết ra kháng thể IgE đặc hiệu chống lại dị nguyên đó, đồng thời kích thích tế bào Mast (có nhiều ở mắt, mũi, phổi, dạ dày, ruột,…) giải phóng Histamin và các chất trung gian hóa học khác khiến trẻ bị ngứa, ho, hắt hơi, khó thở,…
Dị nguyên lạ xâm nhập vào đường mũi sẽ kích thích niêm mạc mũi tiết nhiều chất nhầy, lượng chất nhầy dư thừa gây ra tình trạng sổ mũi ở trẻ.
3.2. Trẻ sơ sinh sổ mũi do cảm lạnh
Thời tiết lạnh, khô khiến trẻ rất dễ bị cảm. Một trong những phản ứng khi bị cảm ở trẻ là hắt hơi, sau đó chảy nước mũi liên tục. Bên cạnh đó trẻ cũng có thể có các triệu chứng khác như ho, sốt,…Tình trạng sổ mũi thường diễn ra 1-2 ngày, sau đó chuyển sang nghẹt mũi, khó thở.
3.3. Trẻ sơ sinh sổ mũi do cảm cúm
Đây là tình trạng vi rút xâm nhập vào cơ thể và gây viêm nhiễm. Thường sẽ có các dấu hiệu sổ mũi, nghẹt mũi, ho, khó thở,…thậm chí sốt cao. Vi rút xâm nhập vào mũi gây ra viêm, kích thích mũi tiết nhiều chất nhầy gây nên sổ mũi, nước mũi lỏng trong suốt, đôi khi gây ra tình trạng nghẹt mũi khiến trẻ khó thở.
3.4. Trẻ sơ sinh sổ mũi do nhiễm khuẩn
Vi khuẩn muốn đi vào mũi phải vượt qua hàng rào bảo vệ (chất nhầy, lông mao). Khi chúng xâm nhập vào sẽ bị cản bởi lông mao, trẻ cảm thấy khó chịu và dấu hiệu đầu tiên cho biết điều đó chính là trẻ hắt hơi, tiếp theo đó, mũi sẽ kích thích tiết ra chất nhầy để bao vây, ngăn chặn vi khuẩn không cho chúng tiến sâu hơn. Khi chất nhầy tiết ra quá mức, trẻ sơ sinh sẽ bị sổ mũi, nước mũi ban đầu sẽ lỏng trong suốt, sau đó có thể đặc dần và chuyển sang màu vàng hoặc xanh.
3.5. Lạm dụng thuốc xịt mũi
Việc sử dụng thuốc xịt mũi để hạn chế hoặc làm giảm tình trạng viêm mũi cho trẻ, tuy nhiên các mẹ không biết rằng khi lạm dụng nó quá mức sẽ khiến cho các triệu chứng ngày càng nặng thêm, về lâu dài có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng xoang mãn tính, trẻ sơ sinh bị chảy nước mũi và nước mũi có mùi hôi.
4. Nguyên tắc chung xử trí sổ mũi cho trẻ tại nhà
Nguyên tắc 1: Xác định nguyên nhân gây sổ mũi ở trẻ sơ sinh
Các mẹ cần xác định các yếu tố sau:
- Thời tiết: quá nóng, quá lạnh, hanh, khô
- Dấu hiệu của trẻ: trẻ hắt hơi, khó chịu, nổi mẩn khi tiếp xúc với đồ vật, lông vật nuôi, khói, bui, nước hoa,…
Nguyên tắc 2: Áp dụng một số biện pháp chung
- Giữ ấm cho trẻ: Đây là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất khi trẻ bị sổ mũi do cảm lạnh, hơi ấm giúp thông mũi, nước mũi dễ dàng đi ra ngoài hơn, do đó mà tình trạng sổ mũi ở trẻ sơ sinh cũng giảm dần.
- Cho trẻ uống nước ấm: Việc cho trẻ uống nước ấm không chỉ giúp người trẻ ấm hơn mà còn giúp làm loãng chất nhầy tiết ra từ mũi nhờ vậy khiến cho chất nhầy dễ thoát ra khỏi mũi hơn.
- Vệ sinh nhà cửa xung quanh sạch sẽ: Nhà cửa thông thoáng sẽ giúp trẻ thoải mái, làm giảm cảm giác khó chịu của trẻ sơ sinh bị sổ mũi. Bên cạnh đó, việc vệ sinh nhà cửa sạch sẽ còn giúp loại bỏ sự xâm nhập của vi khuẩn, vi rút,…Nhờ vậy mà tình trạng sổ mũi ở trẻ sơ sinh được cải thiện.
- Hạn chế để trẻ tiếp xúc với vật nuôi trong nhà: Lông súc vật là một trong những yếu tố nguy cơ khiến trẻ bị dị ứng, bị nhiễm khuẩn,… Do đó các mẹ không nên để trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh tiếp xúc với vật nuôi trong nhà.
- Xoa dầu cho trẻ: Tinh dầu có tác dụng kháng khuẩn, vị cay nóng giúp thông mũi, nước mũi nhanh được tống ra ngoài, nhờ vậy mà giảm được tình trạng sổ mũi ở trẻ.
- Vệ sinh mũi cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý: nhằm làm giảm tình trạng nhiễm khuẩn cho trẻ.
* Cách vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh bằng dung dịch nước muối sinh lý (khoảng 4 lần/ ngày)
- Đặt trẻ nằm ngửa sao cho đầu thấp hơn chân.
- Nhỏ vào mỗi bên mũi của trẻ 2-3 giọt dung dịch nước muối sinh lý (đã được làm ấm nếu trời lạnh).
- Chờ 30 giây để nước muối thấm vào và làm loãng chất nhầy có trong hốc mũi.
- Dùng bóng hút để hút chất nhầy bên trong hốc mũi trẻ bằng cách:
-
- Bóp xẹp bóng hút.
- Tiếp theo dùng tay bịt một lỗ mũi của trẻ.
- Đưa bóng hút đã bóp xẹp vào lỗ mũi còn lại của trẻ, sau đó thả nhẹ bóng hút để nó phình lại như ban đầu. Chất nhầy đã được hút vào trong bóng hút.
- Rửa sạch bóng hút bằng cách bóp mạnh để chất nhầy đi ra.
- Tiếp tục làm tương tự với bên mũi còn lại.
- Sau khi thực hiện xong thì rửa lại bóng hút nhiều lần bằng nước sạch.
5. Các biện pháp cụ thể khi trẻ khi bị sổ mũi
Sau đây là biện pháp cụ thể đối với từng nguyên nhân gây sổ mũi cho trẻ sơ sinh đã đề cập đến ở trên.
5.1. Dị ứng
Cách trị sổ mũi cho trẻ sơ sinh khi dị ứng, các mẹ cần
- Loại bỏ các dị nguyên gây dị ứng cho trẻ: khói, bụi, phấn hoa, lông súc vật.
- Nếu trẻ chỉ bị dị ứng nhẹ sau khi loại bỏ được các dị nguyên: hắt xì, sổ mũi,…
- Cho trẻ uống nước ấm.
- Dùng dung dịch nước muối sinh lý để rửa sạch mũi cho trẻ.
- Trong trường hợp trẻ có các dấu hiệu như nhức đầu, mệt mỏi, nôn mửa, ngứa nhiều, ho, khó thở, sổ mũi nhiều,…Các mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí và điều trị kịp thời.
- Uống thuốc kháng histamin theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Tiêm adrenalin trong trường hợp trẻ bị sốc phản vệ do dị ứng.
5.2. Cảm lạnh, cảm cúm
Cách xử trí trẻ sơ sinh bị ho sổ mũi do cảm lạnh, các mẹ cần
- Giữ ấm cho trẻ
- Cho trẻ uống nhiều nước ấm
- Xoa dầu vào lòng bàn chân trẻ sẽ giúp khí huyết lưu thông,làm giảm tình trạng nghẹt mũi ở trẻ, trẻ dễ thở hơn. Tuy nhiên các mẹ cần chú ý chỉ cần thoa một lượng nhỏ vì tinh dầu có tính cay và nóng, đôi khi sẽ gây kích ứng da của trẻ.
- Nếu trẻ bị sốt, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ
- Trường hợp trẻ sốt cao liên tục không hạ, trẻ sơ sinh bị ho sổ mũi nhiều, các mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
5.3. Trẻ bị nhiễm khuẩn
Trường hợp trẻ sơ sinh bị sổ mũi do nhiễm khuẩn, các mẹ cần:
- Cho trẻ uống nhiều nước ấm
- Rửa mũi cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý
- Xoa dầu dưới lòng bàn chân của trẻ nhằm giúp khí huyết lưu thông, trẻ dễ thở hơn, làm giảm tình trạng nghẹt mũi.
- Vệ sinh nhà cửa, đồ chơi của trẻ sạch sẽ.
- Thường xuyên lấy dịch mũi của trẻ để trẻ dễ thở hơn. Để tránh tình trạng viêm nhiễm, khi làm xong các mẹ nên vứt khăn giấy vào sọt rác và lau sạch xung quanh mũi cho trẻ.
- Trường hợp trẻ bị ho sổ mũi kéo dài, kèm theo sốt, chán ăn, mệt mỏi,…Các mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
5.4. Lạm dụng thuốc xịt mũi
Thuốc xịt mũi thường là thuốc kê đơn (thuốc do bác sĩ chỉ định dùng) để làm giảm tình trạng viêm nhiễm ở mũi.
Khi việc lạm dụng thuốc xịt mũi (sử dụng quá nhiều lần trong một ngày), trẻ sơ sinh có thể sẽ bị sổ mũi nhiều hơn. Trong trường hợp này, các mẹ ngừng dùng thuốc cho trẻ thì tình trạng sổ mũi sẽ giảm dần.
Nếu ngưng dùng thuốc xịt mũi mà tình trạng sổ mũi ở trẻ sơ sinh vẫn không được cải thiện, các mẹ cần liên hệ với bác sĩ để được tư vấn thêm.
Trên đây là một số cách xử trí khi trẻ sơ sinh bị sổ mũi, mong rằng sẽ giúp ích cho các mẹ trong quá trình chăm sóc trẻ.
6. Hướng dẫn phòng ngừa sổ mũi ở trẻ sơ sinh
- Vệ sinh nhà cửa, đồ chơi cho trẻ sạch sẽ, giữ nhà cửa luôn thoáng mát.
- Rửa tay cho trẻ thường xuyên để loại bỏ vi khuẩn, vi rút,…
- Cho trẻ uống nhiều nước.
- Nếu gia đình đang sử dụng điều hòa thì cần vệ sinh điều hòa thường xuyên để tránh bụi bẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
- Giữ ấm cho trẻ khi thời tiết trở lạnh.
- Tránh để trẻ tiếp xúc với vật nuôi trong nhà (lông súc vật).
- Bịt khẩu trang cho trẻ khi đi ra đường.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hằng ngày một cách hợp lý: đảm bảo cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
- Tránh để trẻ tiếp xúc với người mang bệnh (cảm, nhiễm trùng,…)
- Cho trẻ vận động, chơi đùa nhiều hơn để rèn luyện thể lực.
TÓM LẠI
Bài viết trên cung cấp cho các mẹ những nguyên nhân thường gặp cũng như một số cách xử trí tại nhà khi trẻ sơ sinh bị sổ mũi. Song, việc thực hiện các biện pháp phòng tránh là cách tốt nhất để làm giảm tình trạng này ở trẻ. Mong rằng với những thông tin cũng cấp ở trên, các mẹ sẽ có cách chăm sóc trẻ phù hợp.
» Xem thêm: Nguyên tắc xử trí trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi an toàn tại nhà
Mọi chi tiết xin liên hệ theo HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.
Nguồn tham khảo: