Nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là tình trạng tắc nghẽn 1 hay cả 2 bên mũi, có thể kèm theo những triệu chứng như chảy nước mũi, hắt hơi,… Nghẹt mũi có thể diễn ra ở mức độ nhẹ gây khó chịu cho trẻ. Nhưng cũng có trường hợp nghẹt mũi nặng gây tình trạng nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng của trẻ như: thiếu oxy và ngạt thở. Để nhận biết sớm biểu hiện của trẻ bị nghẹt mũi và các biện pháp xử trí nhanh – an toàn tại nhà cho trẻ, hãy cùng chúng tôi tham khảo bài viết dưới đây.
Mục lục
- 1. Những biểu hiện nghẹt mũi ở trẻ
- 2. Nguyên nhân gây nghẹt mũi ở trẻ
- 3. Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi có nguy hiểm không?
- 4. Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi bao lâu thì hết?
- 5. Những biện pháp xử trí khi trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi
- 6. Các biện pháp phòng nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh
- 7. Những sai lầm cần tránh của cha mẹ khi trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi
- 8. Tổng kết
1. Những biểu hiện nghẹt mũi ở trẻ
Vậy làm sao để nhận biết trẻ bị nghẹt mũi? Gia đình có thể nhận ra trẻ bị nghẹt mũi thông qua một trong các dấu hiệu sau:
- Trẻ không bú được lâu, hay sặc, tím tái khi bú, bỏ ăn (do nghẹt mũi làm trẻ khó thở khi bú)
- Trẻ luôn há miệng khi thở, khi ngủ ngáy to, sụt sịt, thở khò khè
- Trẻ bị ứ đọng dịch nhầy ở mũi
- Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi ho khan
- Trẻ ngạt mũi kéo dài sẽ dẫn tới biến dạng khuôn mặt như: răng vẩu, cằm lẹm, mũi hếch, cánh mũi bè ra…
2. Nguyên nhân gây nghẹt mũi ở trẻ
Nguyên nhân của nghẹt mũi ở trẻ có rất nhiều nhưng phần lớn nguyên nhân ở mọi lứa tuổi là do tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp trên như: viêm mũi, viêm xoang, viêm mũi dị ứng,… Biểu hiện thường là sốt nhẹ kéo dài, sổ mũi, nước mũi có màu vàng – xanh, chảy mũi xuống họng gây đau họng, ho, khiến cho trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi khò khè, có hơi thở hôi, nôn ọe,. Tuy nhiên, ở những nhóm đối tượng khác nhau sẽ có thêm một số nguyên nhân khác như:
2.1. Ở trẻ sơ sinh
- Dị tật bẩm sinh: tịt lỗ mũi sau một hay cả hai bên (biểu hiện xuất hiện ngay sau khi sinh)
- Nghẹt mũi sơ sinh: do chất lỏng sót trong mũi trẻ từ khi còn trong bụng mẹ, trẻ thường cố hắt hơi để loại bỏ chất lỏng – triệu chứng thường biến mất trong vòng 1 tuần
- Viêm mũi do lậu cầu (một loại vi khuẩn lây nhiễm qua đường tình dục thường là do mẹ gây nhiễm cho con): triệu chứng xuất hiện sau khi sinh 24 đến 48 giờ.
2.2. Trẻ nhỏ
- Dị tật bẩm sinh: tịt lỗ mũi sau một hoặc hai bên không hoàn toàn.
- V.A quá phát (một bệnh hô hấp phổ biến ở trẻ em): trẻ ngạt mũi thường xuyên, sốt và nghẹt mũi tăng lên trong những đợt viêm nhiễm cấp tính.
2.3. Ở trẻ em
- V.A quá phát
- Do dị vật (trẻ thường ngạt mũi đột ngột một bên, sau đó xuất hiện chảy mũi, dịch mủ thối một bên).
3. Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi có nguy hiểm không?
Nghẹt mũi là biểu hiện rất phổ biến và thường gặp ở trẻ nên cha mẹ thường chủ quan và bỏ qua.
Nghẹt mũi do các vấn đề về hô hấp như viêm mũi, viêm xoang, nếu không được điều trị kịp thời sẽ khiến trẻ em và trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi lâu ngày, thậm chí tiến triển thành viêm mạn tính.
Do đó, cha mẹ cần chú ý theo dõi các biểu hiện sau ở trẻ và đưa trẻ tới bệnh viện ngay khi trẻ có các biểu hiện này, bởi vì đây có thể dấu hiệu của các bệnh như viêm, nhiễm khuẩn, dị ứng nặng, chấn thương hoặc dị vật trong mũi:
- Sốt
- Phát ban
- Ngạt mũi kèm theo sưng trán, mắt, bên mũi hoặc má
- Ngạt mũi kéo dài hơn hai tuần
- Khó thở hoặc thở nhanh (trên 60 nhịp thở/phút)
- Khó khăn khi cho ăn hoặc trẻ không quan tâm đến việc cho ăn
- Trẻ vô cùng quấy khóc hoặc có vẻ đau
Nghẹt mũi sơ sinh, nghẹt mũi do không khí khô, dị ứng nhẹ, trẻ có thể được gia đình theo dõi và chăm sóc tại nhà bằng các biện pháp an toàn sẽ được đề cập ở cuối bài này.
4. Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi bao lâu thì hết?
Điều này còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây nghẹt mũi ở trẻ.
- Trong các trường hợp như nghẹt mũi bẩm sinh, nghẹt mũi do bệnh lý (viêm mũi, viêm xoang), cha mẹ cần đưa trẻ đi thăm khám và làm theo chỉ dẫn của bác sĩ để giải quyết nguyên nhân. Biểu hiện nghẹt mũi sẽ biến mất cùng với tiến triển của bệnh.
- Trong các trường hợp như nghẹt mũi do không khí khô, dị ứng do lông động vật, dị ứng thời tiết,… sau khi loại bỏ được các nguyên nhân gây bệnh và được gia đình chú ý chăm sóc, biểu hiện nghẹt mũi sẽ biến mất sau vài ngày.
5. Những biện pháp xử trí khi trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi
Vậy trẻ em và trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi phải làm sao? Trẻ nên được áp dụng những biện pháp điều trị chung để cải thiện triệu chứng, đồng thời nếu trẻ nghẹt mũi do bệnh lý (viêm mũi, viêm xoang), trẻ nên được điều trị để loại bỏ nguyên nhân.
5.1. Điều trị chung
Nguyên tắc: Làm thông thoáng hốc mũi – Loại bỏ dịch nhầy
Làm thông thoáng hốc mũi: rửa mũi bằng natriclorid 0,9%, hút dịch mũi, xì nhẹ từng bên mũi.
Các bước hút mũi:
- Đặt bé nằm nghiêng sang một bên, nhỏ từ từ 1-2 giọt nước muối sinh lý NaCl 0,9% vào mỗi lỗ mũi để làm lỏng chất nhầy, tránh nhỏ quá nhiều để tránh trẻ bị sặc.
- Dùng bầu hút để rút nước muối và chất nhầy (lưu ý bóp bầu trước khi đưa vào mũi trẻ để tránh đẩy không khí vào trong mũi, khiến chất nhầy bị đẩy vào sâu hơn).
- Bóp bỏ hết chất nhầy.
- Thực hiện khoảng 15 phút trước khi cho trẻ ăn và trước khi đi ngủ, thực hiện 3-4 lần mỗi ngày.
5.2. Điều trị cụ thể
Trường hợp 1: Trẻ bị nghẹt mũi do bệnh lý viêm mũi, viêm xoang, nghẹt mũi không rõ nguyên nhân.
Nguyên tắc xử trí: Trẻ nên được đưa tới cơ sở khám chữa bệnh để được bác sĩ tư vấn và đưa ra biện pháp xử trí phù hợp. Trong đó phác đồ áp dụng một trong các nguyên tắc sau đây:
- Loại trừ và điều trị nguyên nhân viêm: sử dụng kháng sinh hoặc loại các nguyên nhân dị ứng
- Sử dụng thuốc chống viêm
- Sử dụng thuốc co mạch
- Sử dụng các thuốc giảm triệu chứng
Một số thuốc có thể sử dụng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ khi điều trị
- Kháng sinh: Kháng sinh nhóm beta lactam (hiện nay thường dùng amoxicillin/clavulanate), cephalosporin thế hệ 1 và 2, macrolide.
- Thuốc co mạch: Ephedrine 1-3%
- Thuốc trị triệu chứng kèm theo: Paracetamol (hạ sốt), thuốc chống sung huyết mũi (Oxymetazoline 0,05%, Xylometazoline 0,05%).
Trường hợp 2: Trẻ bị kích ứng niêm mạc mũi do khô mũi
Nguyên tắc: Làm ẩm mũi cho trẻ.
Cách thực hiện:
- Nhỏ 1-2 giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên mũi của trẻ, điều này giúp làm lỏng chất nhầy và tạo độ ẩm cho mũi trẻ.
- Đặt máy xông hơi hoặc máy tạo độ ẩm gần nôi của trẻ, do không khí khô khiến niêm mạc mũi trẻ khô và dễ bị kích ứng hơn.
Trường hợp 3: Trẻ bị nghẹt mũi bẩm sinh, nghẹt mũi do polyp, do khối u, do dị vật
Trẻ cần được đưa tới cơ sở khám chữa bệnh để tạo hình lại dị hình, cắt bỏ khối u và polyp, hoặc loại bỏ dị vật.
5.3. Một số mẹo nhỏ để cải thiện nghẹt mũi cho trẻ
- Tắm nước ấm: Cho trẻ thư giãn trong nước ấm sẽ khiến các bé quên đi cảm giác khó chịu, và nước ấm có thể làm loãng dịch nhầy giúp thông mũi, khiến trẻ hô hấp dễ dàng hơn.
- Massage cho trẻ: Nhẹ nhàng thoa lên sống mũi, day nhẹ cánh mũi, xoa lông mày, gò má, chân tóc và đầu của trẻ. Massage nhẹ nhàng giúp trẻ dễ chịu và bình tĩnh hơn. Biện pháp này có thể thực hiện khi trẻ khó chịu và quấy khóc.
- Kê cao gối cho trẻ: Trẻ bị nghẹt mũi sẽ thức giấc thường xuyên hơn, khò khè và trở nên cáu kỉnh. Nằm nghiêng thường khiến các bé cảm thấy khó chịu, do vậy cha mẹ có thể kê gối của trẻ cao hơn chân một chút để chất nhầy (nếu có) có thể trôi ra khỏi xoang mũi.
6. Các biện pháp phòng nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh
Nguyên tắc chung: Giữ đủ ẩm – Đủ ấm – Môi trường xung quanh sạch – Phát hiện, xử trí sớm tình trạng viêm nhiễm hầu họng của trẻ.
- Nhỏ nước muối sinh lý vệ sinh mũi trẻ hàng ngày.
- Đặt máy xông hơi hoặc máy tạo độ ẩm gần nôi của trẻ, đặc biệt là khi gia đình bật điều hòa thường xuyên.
- Giữ không khí xung quanh trẻ sạch sẽ, thoáng mát. Hút bụi và thay bộ lọc không khí thường xuyên.
- Tránh bị lạnh, ẩm đột ngột hay kéo dài.
- Tránh các tác nhân kích thích như: bụi, khói, hóa chất độc hại…
- Giải quyết các ổ viêm ở mũi họng
7. Những sai lầm cần tránh của cha mẹ khi trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi
- Tự ý sử dụng thuốc hay thuốc xoa cho trẻ: Không nên tự ý sử dụng thuốc hoặc thuốc xoa cho trẻ tại nhà do hầu hết các loại thuốc cảm, thuốc kháng sinh đều không an toàn hoặc không hiệu quả với trẻ sơ sinh. Các loại thuốc xoa – thường chứa tinh dầu bạc hà, bạch đàn hoặc long não đã được chứng minh là nguy hiểm đối với trẻ em dưới 2 tuổi.
- Dùng miệng loại bỏ chất nhầy trong mũi trẻ: Biện pháp này không hợp vệ sinh và vô tình có thể truyền vi khuẩn miệng của người hút sang mũi trẻ, khiến bệnh trạng của trẻ nặng hơn.
- Cố gắng tự loại bỏ dị vật trong mũi trẻ: Cần đưa trẻ ngay lập tức đi cấp cứu hoặc gặp bác sĩ nhi khoa ngay khi phát hiện dị vật. Không nên cố gắng tự mình loại bỏ bất cứ thứ gì ngoài chất nhầy trong mũi của bé.
- Bỏ qua những biểu hiện quan trọng ở trẻ: Đôi khi nghẹt mũi có thể khiến trẻ khó thở đồng thời đi kèm các triệu chứng khác như sốt, ho, khó thở… Do đó, gia đình cần để tâm theo dõi trẻ để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.
>> Xem thêm: Cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh chuẩn – An toàn tại nhà
8. Tổng kết
Qua bài viết này, các mẹ đã được đọc và tham khảo những thông tin về nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh như sau:
- Biểu hiện thường gặp của trẻ bị nghẹt mũi là trẻ không bú được lâu, bỏ ăn, há miệng khi thở, ứ đọng dịch nhầy, ho khan.
- Nguyên nhân cho thấy đa số trẻ nghẹt mũi là do viêm mũi, viêm xoang nhưng ở những lứa tuổi khác nhau, nguyên nhân gây nghẹt mũi cũng sẽ khác nhau.
- Bản thân ngạt mũi không nguy hiểm nhưng nó có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý khác.
- Để điều trị ngạt mũi hiệu quả và an toàn nhất, cần áp dụng biện pháp điều trị chung và điều trị cụ thể cho từng trường hợp khác nhau.
- Nghẹt mũi có thể được phòng tránh bằng những biện pháp đơn giản.
- Không nên tự ý sử dụng thuốc hay cố loại bỏ bất kỳ thứ gì khỏi mũi trẻ trừ dịch nhầy, đồng thời cần luôn chú ý theo dõi các biểu hiện ở trẻ.
Mọi chi tiết thắc mắc xin liên hệ HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.
Tham khảo nguồn: