Đi ngoài phân sống là tình trạng phân lỏng, nát, không thành khuôn, trong phân có lợn cợn chất nhầy hoặc thức ăn chưa được tiêu hóa hết, thường có mùi chua, tanh… Vậy trẻ đi ngoài phân sống có mùi tanh có nguy hiểm không? Và làm thế nào để khắc phục tình trạng này? Mời các bạn cùng tìm hiểu nhé!
Mục lục
1. Nguyên nhân gây tình trạng phân sống có mùi tanh
Thông thường, bé đi ngoài phân sống có mùi tanh có thể do bé đang gặp phải tình trạng nhiễm khuẩn ruột hoặc do chế độ ăn uống, dinh dưỡng không hợp lý. Cụ thể:
1.1. Chế độ ăn uống không hợp lý:
Với những trẻ bú mẹ hoàn toàn
Với trẻ bú mẹ hoàn toàn thì việc đi ngoài phân sống có mùi tanh có thể do chế độ ăn của mẹ chứa quá nhiều thực phẩm dầu mỡ, chất béo trong khi có quá ít các chất xơ, vitamin, khiến cho chất lượng sữa mà trẻ bú bị ảnh hưởng.
Với trẻ bắt đầu ăn dặm hay sử dụng sữa công thức
Trẻ bú sữa công thức thì nguyên nhân có thể do cho trẻ ăn quá nhiều thức ăn mà bé không tiêu hóa hết được (đặc biệt là sữa hoặc đồ ăn có hàm lượng đường nhiều gây kích thích đường ruột).
Các mẹ thường có xu hướng mong muốn con ăn chất đạm, chất béo với suy nghĩ con ăn càng nhiều càng khỏe, càng lớn nhanh. Thế nhưng, cơ thể bé chỉ có thể hấp thụ chất dinh dưỡng ở mức độ nhất định, nếu ăn nhiều quá sẽ dẫn đến dư thừa, cơ thể không hấp thụ hết được.
Phần thức ăn không được tiêu hóa hết sẽ tạo điều kiện cho các vi khuẩn lên men sinh hơi, đặc biệt là khi nạp quá nhiều thức ăn giàu đạm, làm cho phân có mùi tanh.
Các mẹ cho bé ăn dặm quá sớm
Tình trạng phân sống có mùi tanh xảy ra thường xuyên hơn với trẻ bắt đầu ăn dặm – khi mà thức ăn được chuyển dần từ dạng lỏng sang dạng rắn. Điều này có thể do các mẹ cho con ăn dặm quá sớm (dưới 6 tháng tuổi).
Nhiều người tin rằng, việc cho con bắt đầu ăn dặm sớm lúc 4-5 tháng tuổi sẽ giúp con cứng cáp hơn. Tuy nhiên điều này hoàn toàn sai lầm. Bởi khi dưới 6 tháng tuổi, hệ tiêu hóa của trẻ còn chưa hoàn thiện, việc sản xuất ra các enzyme tiêu hóa như protease, lipase, lactase,… còn hạn chế.
Lúc này, nếu các mẹ áp dụng chế độ ăn dặm quá sớm sẽ khiến bé không tiêu hóa hết được thức ăn và dễ khiến bé gặp phải tình trạng phân sống.
1.2. Trẻ bị loạn khuẩn đường ruột do chế độ ăn không đảm bảo vệ sinh hay sử dụng kháng sinh kéo dài
Một đường ruột khỏe mạnh luôn có sự cân bằng 85% lợi khuẩn và 15% hại khuẩn. Khi sự cân bằng này bị phá vỡ (có thể do sử dụng kháng sinh kéo dài hoặc chế độ ăn uống không hợp lý, chưa hợp vệ sinh), vi sinh vật có hại sẽ thừa cơ phát triển, gây rối loạn hoạt động chức năng của hệ tiêu hóa, dẫn đến tình trạng phân sống ở trẻ.
- Nếu bé ăn phải đồ ăn không đảm bảo vệ sinh thì đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho sự xâm nhập của những vi khuẩn có hại như tả, lỵ,… Khi đó, các vi khuẩn có hại sẽ nhân lên và làm tổn thương hệ tiêu hóa của trẻ, ảnh hưởng tới sự hấp thu các chất. Mặt khác, các bé có thường có thói quen ngậm, mút những đồ vật mà nó cầm nắm được. Do vậy, môi trường không đảm bảo vệ sinh có thể tạo điều kiện cho những chất độc hại và một số vi khuẩn tấn công hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa, gây nhiễm khuẩn đường ruột và tình trạng phân sống ở trẻ.
- Việc sử dụng kháng sinh kéo dài cũng gây nên sự mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Kháng sinh được chỉ định cho các bé để điều trị các tình trạng nhiễm khuẩn, tuy nhiên sử dụng kháng sinh qua đường uống cũng vô tình tiêu diệt các vi sinh vật có lợi trong hệ tiêu hóa. Sự suy giảm về số lượng lợi khuẩn sẽ tạo điều kiện cho các vi sinh vật có hại phát triển. Kết quả là sự mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột (hay còn gọi là loạn khuẩn).
» Xem thêm: Tác hại khi dùng kháng sinh không đúng cách cho trẻ
1.3. Trẻ bị nhiễm lỵ amip gây ra phân sống mùi tanh
Nếu trẻ ăn phải các đồ ăn thức uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, trẻ có nguy cơ nhiễm lỵ amip, khiến phân của bé nhờn mùi tanh, lúc thì phân sống có bọt.
Khi mắc nhiễm lỵ amip cấp, nếu không được điều trị sớm, đúng, bệnh sẽ chuyển thành mạn tính (dạng viêm đại tràng mạn tính) ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bé do rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, mất nước, mất chất điện giải,…
Vì vậy, việc giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn các loại thực phẩm chưa nấu chín hoặc thịt sống và các loại thực phẩm chưa nấu chín (tiết canh, nem chạo, nem chua, gỏi…) chính là một trong những biện pháp phòng ngừa đi ngoài phân sống ở trẻ.
2. Trẻ đi ngoài phân sống có mùi tanh có nguy hiểm không?
Các chuyên gia khuyên rằng, nếu trẻ đi ngoài phân sống, phân rắn, lợn cợn, có nước và đi ngoài từ 1-3 lần mỗi ngày thì không đáng lo. Mẹ chỉ cần chăm sóc trẻ, có chế độ ăn uống phù hợp giúp trẻ tự hồi phục, đào thải độc tố và các chất dư.
Trong 3 tháng đầu sau sinh, nếu bé bú mẹ hoàn toàn gặp phải tình trạng phân sống, dù bé đi nhiều hơn 4-5 lần/ngày nhưng cân nặng vẫn đạt chuẩn thì các mẹ không cần điều trị gì. Các bé sẽ tự hồi phục và khỏe mạnh sau 2-3 tháng. Còn nếu trẻ đang sử dụng sữa công thức mà đi ngoài phân sống thì mẹ cần xem xét đến khả năng bé không phù hợp với loại sữa đang dùng, từ đó có những thay đổi để giúp bé hấp thu tốt hơn.
Nếu tình trạng đi ngoài phân sống có mùi tanh xảy ra kéo dài thì có thể gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của trẻ. Có thể kể đến như:
- Các chất tồn dư lâu ngày trong hệ tiêu hóa do sự hấp thu chậm có thể biến đổi thành chất độc, làm tổn thương hệ tiêu hóa.
- Bé bị sụt cân, suy dinh dưỡng do kém hấp thu các chất.
- Ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ của trẻ do không được cung cấp đầy đủ các dinh dưỡng thiết yếu.
- Tạo điều kiện cho các vi sinh vật có hại xâm nhập do sự mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, gây viêm nhiễm, hoại tử đường tiêu hóa.
» Xem thêm: Trẻ sơ sinh đi ngoài phân sống – Mẹ nhất định phải biết những điều này
3. Cách điều trị tình trạng trẻ đi ngoài phân sống có mùi tanh:
3.1. Chế độ ăn hợp lý:
- Với trẻ đang bú mẹ hoàn toàn: mẹ cần điều chỉnh chế độ ăn của mình cho hợp lý, hạn chế những thức ăn dầu mỡ, ăn nhiều rau xanh để đảm bảo chất lượng sữa mà trẻ bú.
- Với trẻ sử dụng sữa công thức: các mẹ cần lựa chọn loại sữa phù hợp hơn để tránh tình trạng khó tiêu, phân sống ở trẻ.
- Với trẻ bắt đầu ăn dặm: nên áp dụng ăn dặm cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên
- Khẩu phần ăn của bé cần có đầy đủ các nhóm chất: carbohydrate, lipid, protein, vitamin, khoáng chất. Các mẹ nên cho bé ăn theo nhu cầu, tránh tình trạng ép con ăn.
- Tạm thời không cho trẻ ăn tôm, cua, các loại hải sản khác khi đang gặp phải tình trạng phân sống: bởi các thực phẩm này làm cũng khó tiêu, làm tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa. Đồng thời, đây là những thực phẩm có khả năng kích ứng đường tiêu hóa cao, không thích hợp khi trẻ đang gặp phải tình trang phân sống.
- Không ăn quá nhiều trong một bữa, nên tạo cho bé thói quen ăn nhiều bữa nhỏ, khoảng cách giữa các bữa nên từ 3-4 tiếng. Điều này giúp bé tiêu hóa thức ăn tốt hơn, tránh tình trạng đầy trướng bụng. Thức ăn chưa kịp tiêu hóa hết đã cho ăn bữa tiếp theo.
3.2. Sử dụng kháng sinh
Các mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và xác định tình trạng nhiễm khuẩn của bé. Nếu cần thiết, bé sẽ được chỉ định dùng kháng sinh để điều trị tình trạng nhiễm khuẩn đường ruột. Các mẹ tuyệt đối không tự ý cho con mình sử dụng kháng sinh khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ.
3.3. Bổ sung lợi khuẩn cho bé
Bổ sung lợi khuẩn giúp lập lại sự cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, đồng thời duy trì một hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh. Chúng ta có thể bổ sung lợi khuẩn cho bé từ nhiều nguồn như sữa chua, yakul hay men vi sinh. Đây đều là những nguồn cung cấp lợi khuẩn cho bé một cách an toàn và hiệu quả. Hiện nay trên thị trường, có vô vàn các chế phẩm sinh học (men vi sinh) được sản xuất. Các mẹ cần tìm hiểu kỹ để lựa chọn chủng vi khuẩn tối ưu cho con mình. Các chủng vi khuẩn điển hình hiện nay là Lactobacilli, Bifidobacteria, Bacillus clausii… Trong đó, Bifidobacteria được biết đến là chủng vi khuẩn quen thuộc của hệ tiêu hóa. Nó chiếm 90% lợi khuẩn ở đường tiêu hóa và 99% lợi khuẩn tại đại tràng.
Bifidobacterium giúp loại trừ vi khuẩn gây tổn thương đường tiêu hóa, củng cố hàng rào biểu mô ruột, giúp tăng cường miễn dịch cho hệ tiêu hóa Bifidobacterium cũng được biết đến với vai trò giúp bé hấp thu triệt để dưỡng chất, đồng thời góp phần tổng hợp các vitamin nhóm B, vitamin K – tham gia vào hoạt động phân giải các chất đạm, chất béo, chuyển hóa thành năng lượng. Nó còn có khả năng kích thích tăng tiết enzyme lactase của đường ruột, hỗ trợ cơ thể bé tiêu hóa đường lactose, đối với trường hợp bất dung nạp rất hay gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
- Khi gặp phải tình trạng phân sống ở trẻ, các mẹ không nên cho bé dùng thuốc cầm tiêu chảy. Bởi loại thuốc này có thể cản trở sự đào thải độc tố của hệ tiêu hóa, khiến cơ thể tích lũy các chất độc hại.
- Nếu trẻ đi ngoài phân sống có những biểu hiện mất nước, mẹ cần bù nước và các chất điện giải cho trẻ, đồng thời thường xuyên theo dõi tình trạng của bé để kịp thời xử lý. Đặc biệt, khi trẻ đi ngoài phân sống hơn 10 lần mỗi ngày, mẹ cần nghĩ ngay đến trẻ bị tiêu chảy cấp.
» Xem thêm: Tiêu chảy cấp ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, phác đồ điều trị chuẩn
Tình trạng phân sống có mùi tanh ở trẻ có thể rất nguy hiểm nếu như không phát hiện và xử trí sớm. Các mẹ cần thường xuyên theo dõi tình trạng phân của bé để nhận biết kịp thời và đưa ra cách xử trí phù hợp. Để được tư vấn cụ thể về tình trạng sức khỏe của bé, vui lòng liên hệ với các chuyên gia của chúng tôi theo HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.