Bình thường, các bé bắt đầu mọc răng vào khoảng 6 tháng tuổi. Tuy nhiên trong một số trường hợp, trẻ mọc răng chậm hơn so với bình thường. Chắc hẳn, có nhiều phụ huynh sẽ tự hỏi: Tại sao trẻ chậm mọc răng? Trẻ mọc răng chậm có ảnh hưởng gì không? Và khi bé chậm mọc răng thì nên làm gì? Bài viết sau sẽ giải đáp những thắc mắc của quý vị về vấn đề này.
Mục lục
1. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển răng của bé
Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự phát triển răng của bé có thể là:
Chất lượng nguồn sữa mẹ: khi mới sinh, nguồn cung cấp Canxi cho bé là từ sữa mẹ. Chế độ dinh dưỡng của mẹ ảnh hưởng lớn tới chất lượng sữa của trẻ. Nếu mẹ được cung cấp đầy đủ Canxi và các chất cần thiết khác thì bé sẽ được hấp thu đầy đủ Canxi cho sự phát triển xương và răng.
Vitamin D:
- Vitamin D là hoạt chất cần thiết cho sự hấp thu Canxi và Phospho – các yếu tố hình thành xương, răng.
- Vitamin D kiểm soát lượng canxi trong máu, ruột và xương.
- Cung cấp đầy đủ vitamin D cho cơ thể sẽ giúp canxi và phospho được gắn chắc trong các mô xương và điều hòa cân bằng nội môi của canxi và phospho trong cơ thể con người.
Do đó, thiếu vitamin D có thể dẫn đến men răng yếu hơn. Một số báo cáo gần đây cho thấy mối liên hệ giữa sức khỏe răng miệng và vitamin D, những người có mức vitamin D thấp có tỷ lệ mất răng nhiều hơn những người có mức vitamin D cao.
Canxi:
- Canxi là yếu tố chính hình thành nên xương và răng của trẻ, chiếm đến 90%.
- Canxi còn là khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của mầm răng và cho sự cốt hóa các sụn đầu xương dài.
Do đó, xương, răng có được dẻo dai, khỏe mạnh hay không phụ thuộc rất nhiều vào canxi.
Phospho: cũng ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển xương và răng. Theo tiêu chuẩn của WHO/FAO thì tỷ lệ Ca/P tốt cho trẻ là từ 1.2 – 2. Nếu một trong hai yếu tố tăng, ví dụ hàm lượng phospho đưa vào tăng sẽ làm cho sự hấp thu canxi giảm xuống và sự bài xuất canxi qua nước tiểu tăng lên.
Vitamin K2: Vai trò chính của vitamin K2 là đưa canxi vào những bộ phận cần canxi trong cơ thể, như răng, xương và giữ canxi không lắng đọng tại não, tim và những nơi khác của cơ thể. Sự lắng đọng canxi có thể gây nên nhiều hậu quả nguy hiểm, bao gồm cả lão hóa sớm và tử vong sớm.
Ngoài ra, các bệnh lý mà bé gặp phải như hội chứng Down, suy giáp… gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển răng cũng như thời điểm mọc răng của bé.
2. Thời điểm mọc răng của trẻ
Hầu hết, các bé bắt đầu mọc những chiếc răng đầu tiên vào khoảng 6 tháng tuổi. Muộn nhất là 36 tháng tuổi, bé sẽ mọc đầy đủ răng sữa (gồm 20 chiếc răng). Theo tiêu chuẩn chung, các bé sẽ mọc răng theo thứ tự như trong bảng dưới đây:Đến 9 – 10 tháng tuổi, nếu bé chưa bắt đầu mọc răng, bé của bạn có dấu hiệu mọc răng chậm hơn bình thường. Nếu sự phát triển chiều cao, cân nặng, chỉ số thông minh… vẫn diễn ra bình thường, các mẹ không nên quá lo lắng, bé chậm mọc răng có thể do sinh lý. Thế nhưng, nếu bé có sự phát triển bất thường, đến 18 tháng tuổi mà bé chưa mọc chiếc răng nào, thì các mẹ nên đưa bé đến khám tại các cơ sở y tế để tìm rõ nguyên nhân.
3. Nguyên nhân chậm mọc răng ở trẻ
3.1 Trẻ chậm mọc răng do di truyền
Một nguyên nhân có thể khiến trẻ chậm mọc răng là do di truyền. Bạn nên hỏi tiền sử những thành viên trong gia đình. Nếu có người từng mọc răng chậm thì các mẹ cũng không nên quá lo lắng. Nhưng nếu chờ một thời gian mà bé vẫn không có dấu hiệu mọc răng thì các mẹ nên đưa bé đi khám.
3.2 Thời điểm sinh và môi trường sống của bé
Các chuyên gia cho rằng, dựa vào yếu tố trẻ sinh đủ tháng hay trẻ sinh non mà tốc độ mọc răng cũng có sự khác nhau.
Môi trường sống thiếu ánh sáng mặt trời là nguyên nhân khiến trẻ chậm mọc răng. Điều này được lý giải là do 80% vitamin D được tổng hợp ở da dưới tác động của ánh sáng mặt trời. Loại vitamin này có vai trò quan trọng trong việc hình thành cấu trúc xương, răng.
3.3 Bé chậm mọc răng do sinh lý : giới tính, lợi của bé quá cứng
Yếu tố giới tính cũng có thể là tác nhân khiến trẻ mọc răng chậm. Thông thường, các bé gái sẽ mọc răng nhanh hơn so với các bé trai.
Một nguyên nhân khác khiến trẻ mọc răng chậm là do cấu trúc lợi quá cứng. Khi đó, răng của bé không thể xuyên qua lớp lợi để nhú lên được. Điều này khiến răng bé mọc chậm hơn bình thường.
3.4 Bé chậm mọc răng do chế độ ăn không đảm bảo gây thiếu chất
a. Thiếu vitamin D: Như đã nêu ở trên, vitamin D có vai trò cần thiết cho sự hấp thu canxi để xây dựng khung xương và răng. Do đó, thiếu vitamin D có thể là nguyên nhân khiến bé chậm mọc răng.
Sữa mẹ và thực phẩm có thể cung cấp khoảng 20% lượng vitamin D cho cơ thể. Thiếu vitamin D có thể do:
- Bé không được bú mẹ trong 6 tháng đầu
- Bé không được cung cấp đầy đủ thức ăn giàu vitamin D như: thịt, cá, trứng…trong sự phát triển đầu đời thì khả năng bé chậm mọc răng là rất cao.
Ngoài chậm mọc răng, một số dấu hiệu khác để các mẹ nhận biết tình trạng thiếu vitamin D của con mình là:
- Trẻ quấy khóc nhiều, hay giật mình, hay ra mồ hôi trộm dù trời không nóng
- Thóp rộng, bờ thóp mềm, lâu liền thóp
- Đầu bẹt, xương sọ mềm
- Còi xương.
Các mẹ hãy nhận biết kịp thời để cung cấp đủ vitamin D cho bé.
b. Thiếu Canxi:
Thiếu Canxi khiến mầm răng kém phát triển, không thể nhú ra được, làm cho trẻ mọc răng chậm. Trong 6 tháng đầu đời, sữa mẹ là nguồn cung cấp Canxi chủ yếu cho cơ thể. Do vậy, trẻ dễ gặp tình trạng thiếu Canxi nếu không được bú mẹ hoặc chất lượng sữa không đảm bảo (do mẹ bị thiếu canxi do chế độ ăn nghèo Canxi). Ngoài ra, việc thiếu vitamin D cũng cản trở sự hấp thu Canxi tại ruột.
Dấu hiệu có thể nhận biết trẻ đang thiếu Canxi là: bé thường ra mồ hôi trộm về đêm, dễ bị giật mình khi ngủ, tóc rụng vành khăn…
c. Hấp thu quá nhiều phospho:
Một yếu tố nữa gây thiếu Canxi là hấp thu quá nhiều phospho. Phospho xuất hiện trong tất cả các loại thức ăn, đặc biệt là trong thịt. Do đó, việc dư thừa phospho là điều dễ xảy ra. Điều này sẽ khiến cơ thể bé không được hấp thu đủ Canxi cho sự phát triển răng. Trẻ bị thừa Photpho còn kèm theo các biểu hiện như xơ cứng mạch máu, suy thận và tim phình to,….
d. Thiếu vitamin MK7:
MK7 là một loại vitamin K2, có nhiệm vụ chính là đưa Canxi ở máu vào xương và răng giúp trẻ mọc răng đều, khỏe. Dù được bổ sung đầy đủ vitamin D và Canxi mà thiếu đi vitamin này, trẻ vẫn gặp phải vấn đề này do Canxi không được đưa tới nơi cần thiết để hình thành răng của bé.
Bé không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng do chế độ ăn không hợp lý cũng khiến trẻ gặp phải suy dinh dưỡng. Lúc này, thể chất của trẻ kém phát triển, không tạo đủ năng lượng cho sự phát triển của bé, từ đó mà bé mọc răng chậm hơn so với các bé khỏe mạnh.
3.5 Trẻ chậm mọc răng do gặp phải các bệnh lý
Các hội chứng Down, tuyến yên bất thường, suy giáp, nhiễm khuẩn khoang miệng…thường dẫn đến trẻ mọc răng chậm.
Hội chứng Down hay tuyến yên bất thường hay suy giáp ảnh hưởng lớn tới sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. Chúng ta thường thấy những dấu hiệu như trẻ chậm biết đi, chậm nói, thừa cân, răng mọc chậm… Với những trường hợp này, trẻ cần được sự tư vấn y tế.
Những tổn thương nướu do vật lý hoặc nhiễm khuẩn, nấm ngứa cũng có thể khiến trẻ chậm mọc răng. Nếu bé quấy khóc, kiểm tra miệng thấy có mùi hôi thì các mẹ nên đưa bé đi khám.
3.6 Trẻ chậm mọc răng do ăn dặm muộn
Thời điểm ăn dặm được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo là từ 6 tháng tuổi, sau thời gian này nếu trẻ chỉ chăm chăm uống sữa mà không có động tác nhai thì khó kích thích việc mọc răng. Việc ăn dặm đúng thời điểm dù là bằng thức ăn mềm cũng có tác động lớn trong việc kích thích nướu răng, mầm răng và giúp bé mọc răng. Vì vậy, cho trẻ ăn dặm đúng thời điểm, đúng phương pháp cũng giúp trẻ sớm mọc răng.
4. Trẻ mọc răng chậm có ảnh hưởng gì không?
Thông thường, bé sẽ bắt đầu mọc răng vào khoảng 6 tháng tuổi. Đây cũng là khoảng thời gian mà bé bước vào chế độ ăn dặm. Việc mọc răng đúng thời điểm sẽ cho phép trẻ được ăn đa dạng và đầy đủ các chất cần thiết cho cơ thể. Vì vậy, việc bé mọc răng chậm có thể ảnh hưởng gián tiếp tới cân nặng, sức mạnh của hệ miễn dịch, cũng như sự phát triển trí tuệ.
Ngoài ra, thời điểm mọc răng của trẻ chậm hơn so với bình thường có thể khiến bé chậm biết nói. Bởi việc mọc răng sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Khi trẻ mọc răng và ngày càng có thể cắn, nhai nhiều thức ăn có kết cấu khác nhau, chúng đang tập cho hệ cơ vận động miệng, tạo điều kiện cho sự phát triển khả năng nói.
Tuy nhiên, cha mẹ không nên quá lo lắng nếu thấy con mình mọc răng chậm hơn so với những đứa trẻ khác vì thời điểm mọc răng có thể khác nhau giữa các bé.
5. Trẻ mọc răng chậm phải làm sao?
Giải pháp để ứng phó khi bé chậm mọc răng mà mẹ có thể tham khảo dưới đây.
5.1 Chế độ sinh hoạt
- Các mẹ nên cho trẻ tắm nắng từ 15 – 20 phút/ ngày, vào thời điểm mà nắng nhẹ dịu (trước 9 giờ sáng). Tắm nắng giúp bé tổng hợp vitamin D, có ích cho sự hấp thu canxi và phospho cần thiết để phát triển xương, răng.
- Thường xuyên xoa bóp chân lợi để kích thích mọc răng: các mẹ có thể dùng bông hoặc vải gạc thấm nước muối sinh lý hoặc nước sạch đã đun sôi, rồi chà nhẹ lên lợi của bé, có thể thực hiện nhiều lần trong ngày.
- Khi bé bị nhiễm khuẩn khoang miệng, các mẹ không nên tự dùng thuốc mà cần sự tham vấn của bác sĩ.
- Nếu quá 18 tháng tuổi mà trẻ chưa mọc răng thì các mẹ nên đưa bé đến các cơ sở y tế để khám và tiến hành chụp X-quang kiểm tra bé có chân răng hay không.
5.2 Chế độ dinh dưỡng
Việc cân bằng, đầy đủ các nhóm chất: đạm, tinh bột, chất béo, các vitamin, khoáng chất cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
a. Bổ sung vitamin D:
Theo nghiên cứu 80% vitamin D được tổng hợp ở da dưới tác dụng của tia cực tím; 20% vitamin D còn lại có từ sữa mẹ và thức ăn. Do đó, các mẹ nên thường xuyên cho bé tắm nắng, cho trẻ bú ít nhất trong 6 tháng tuổi, đồng thời bổ sung những thực phẩm giàu vitamin D như: thịt, dầu cá, cá mòi, trứng, bơ, nấm, đậu,…
b. Bổ sung Canxi và phospho cho bé:
Nếu trẻ chậm mọc răng do thiếu canxi, mẹ có thể tăng thêm các thực phẩm giàu canxi như trứng, sữa, phô mai, tôm cua, súp lơ, cải bó xôi… vào thực đơn hàng ngày của cả mẹ và bé.
Ngoài ra, cha mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi muốn bổ sung canxi cho bé bằng thuốc. Trẻ sơ sinh nhận canxi chủ yếu qua sữa mẹ nên trong 6 tháng đầu, khuyến khích các mẹ cho bé bú hoàn toàn để bé có cơ thể khỏe mạnh, cứng cáp, sức đề kháng tốt.
Bên cạnh chế độ ăn giàu canxi thì mẹ sau sinh có thể uống thêm canxi để đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu 1000-1200mg canxi mỗi ngày, vừa giúp mẹ nhanh hồi phục sức khỏe sau sinh, hạn chế đau nhức mỏi do thiếu canxi, vừa đảm bảo lượng canxi có trong sữa mẹ cho bé bú.
»Xem thêm: 7 Dấu hiệu nhận biết trẻ bị thiếu canxi mẹ không thể bỏ qua
c. Bổ sung vitamin K2:
- Các loại rau xanh như cải xoăn, súp lơ, cải thìa…; đậu nành lên men (như natto) – nguồn thực phẩm chứa dồi dào vitamin K2; gan gà, trứng gà…
- Sử dụng thêm dầu oliu, dầu vừng,… khi chế biến các món ăn cho bé bởi các loại dầu này giúp tăng khả năng hấp thu của những vitamin tan trong dầu như A, D, E, K… Mẹ có thể trộn dầu oliu vào cháo hay bột của bé.
- Áp dụng chế độ ăn dặm cho bé từ 6 tháng tuổi: cho bé theo nguyên tắc từ “ít – nhiều”, “loãng – đặc” để kích thích hoạt động nhai của bé. Mẹ bắt đầu cho bé ăn bột để bé quen dần, sau đó là cháo, cơm nát, rồi đặc hơn là cơm. Các mẹ cũng nên cho bé tự gặm rau, củ quả mềm với nhiều màu sắc để bé thích thú, làm quen với việc nhai hơn.
»Xem thêm: Top 5 sản phẩm bổ sung vitamin D3 K2 cho trẻ tốt nhất hiện nay
Tóm lại:
Thời điểm mọc răng cũng phản ánh sự phát triển về thể chất cũng như trí tuệ của trẻ. Thông thường, bé sẽ bắt đầu nhú chiếc răng đầu tiên vào khoảng 6 tháng tuổi và có đủ 20 chiếc răng khi 3 tuổi. Bé chậm mọc răng có thể do yếu tố di truyền, thời điểm sinh, thiếu chất dinh dưỡng hay gặp phải các bệnh lý. Điều này ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất cũng như ngôn ngữ của trẻ.
Do đó, các mẹ nên bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho bé như vitamin D, canxi, phospho, vitamin K2; thường xuyên mat-xa lợi của bé… và đưa bé đi khám ngay nếu những cách trên không hiệu quả.