Một tuổi là giai đoạn trẻ đang tập đi, bé có khả năng nhai và cắn thức ăn tuy chưa được hoàn thiện. Thực đơn cho bé 1 tuổi cần chú trọng vào việc cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng như tinh bột, chất béo, protein cùng các vitamin và chất khoáng khác, đồng thời tạo nên sự hứng thú khi ăn cho bé. Cùng chúng tôi tìm hiểu bài viết dưới đây!
Mục lục
- 1. Một số chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển của trẻ
- 2. Các yếu tố tạo nên một thực đơn hoàn hảo cho bé 1 tuổi
- 3. Những thực phẩm bé nên ăn
- 4. Những thực phẩm bé cần tránh
- 5. Thời điểm cho bé ăn
- 6. Cho trẻ ăn bao nhiêu và tần suất như thế nào?
- 7. Một số thực đơn mẫu cho bé 1 tuổi bắt mắt, đầy đủ dinh dưỡng
- 8. Một số lưu ý cho mẹ
1. Một số chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển của trẻ
Trung bình, trẻ bước sang 1 tuổi cần cung cấp khoảng 900 – 1000 calo / ngày. Đây là giai đoạn quan trọng cho sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ, vì vậy cha mẹ cần quan tâm đến khẩu phần ăn để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé. Cụ thể:
Carbohydrat (Chất bột đường)
Carbohydrat là nguồn năng lượng chính cung cấp cho cơ thể, ngoài ra còn có vai trò trong chuyển hóa chất béo và bổ sung chất xơ, góp phần cải thiện hệ tiêu hóa. Trung bình, trẻ 1 tuổi cần cung cấp khoảng 95 g carbohydrat / ngày. Chúng ta có thể bổ sung carbohydrat từ:
- Gạo: Cháo, bột
- Các loại ngũ cốc như bánh mì nguyên hạt, ngũ cốc, gạo, mì ống, các loại đậu…
- Các loại củ như khoai tây, khoai lang…
- Trái cây.
Protein (Đạm)
Protein có vai trò cung cấp năng lượng và cấu trúc lên các hệ cơ quan cho cơ thể. Đồng thời protein còn có chức năng hình thành nên các globulin miễn dịch và duy trì cân bằng axit – base (cân bằng nội môi) trong cơ thể. Ngoài ra, protein còn là thành phần quan trọng tạo nên hệ thống enzyme và hormone. Protein rất quan trong với sự phát triển của trẻ.
Vì vậy, chúng ta cần cung cấp cho bé khoảng 11 g protein / ngày. Nguồn cung cấp protein là thịt, cá, các loại gia cầm(như gà, vịt…), trứng gà, các sản phẩm từ sữa (như pho-mát, sữa chua…), các loại đậu (đậu nành, đậu đỏ, đậu đen…),…
Chất béo (Lipid)
Chất béo là nguồn cung cấp năng lượng thiết yếu cho cơ thể, giúp duy trì nhiệt độ cơ thể, đồng thời bổ sung các axit béo cần thiết cho sự phát triển trí não của trẻ. Chất béo còn giúp hấp thụ các vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E, K.
Chúng ta có thể bổ sung chất béo từ: các sản phẩm từ sữa như pho-mát, sữa chua; trứng gà; dầu thực vật; thịt, cá; trái bơ… Trung bình một ngày, bé cần cung cấp khoảng 30 g chất béo để phát triển một cách toàn diện.
Các loại vitamin và khoáng chất
Vitamin D
Vitain D cần thiết cho sự hình thành xương, răng và có vai trò hấp thụ Canxi và phosphor tại ruột. Nhu cầu vitamin D hàng ngày cho bé 1 tuổi là khoảng 400 IU / ngày. Vitamin này được tìm thấy nhiều trong các loại cá, dầu cá, gan, lòng đỏ trứng gà, sữa công thức…
Vitamin K
Trung bình trẻ 1 tuổi cần cung cấp khoảng 2.5 mcg vitamin K / ngày. Đây là chất cần thiết cho việc tổng hợp Prothrombin, tham gia trong việc tạo thành các yếu tố đông máu; được tổng hợp bởi vi khuẩn đường ruột. Để cung cấp đủ vitamin K, chúng ta có thể bổ sung cho bé từ thực phẩm như các loại rau xanh (chân vịt, rau diếp, súp lơ, bắp cải); dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu ô liu, dầu hạt cải)…
Vitamin B12
Vitamin có vai trò cần thiết cho sự tổng tổng hợp axit nucleotit và nucleoprotein, hình thành hồng cầu và liên quan mật thiết đến sự chuyển hóa folate. Nhu cầu vitamin B12 hàng ngày của bé là 0.5 mcg / ngày. Loại vitamin này được tìm thấy nhiều trong thịt, cá, gia cầm, pho mát, trứng, ngũ cốc dinh dưỡng và các sản phẩm từ đậu nành.
Canxi
Canxi có vai trò:
- Xây dựng cấu trúc xương và răng.
- Ảnh hưởng đến sự vận chuyển ion qua màng tế bào.
- Cần thiết trong việc dẫn truyền thần kinh và chức năng của cơ.
Nhu cầu canxi hàng ngày
- Nhu cầu hàng ngày của bé 1 tuổi là 260 mg / ngày.
- Nguồn cung cấp canxi: Các sản phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai); rau cải kale; thịt; cá; trứng…
Sắt
Vai trò:
- Hình thành hemoglobin và tham gia vận chuyển oxy.
- Chống nhiễm trùng.
- Nguồn cung cấp cho bé: thịt; gan; sản phẩm ngũ cốc dinh dưỡng; rau lá xanh…
- Nhu cầu hàng ngày: 11 mg / ngày
Ngoài ra còn rất nhiều chất dinh dưỡng khác như: Magie, mangan, iod, selen, phosphor…cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
>>Xem thêm: Vai trò quan trọng của vitamin và khoáng chất đối với sức khoẻ của trẻ
2. Các yếu tố tạo nên một thực đơn hoàn hảo cho bé 1 tuổi
2.1. Cân bằng giữa các nhóm chất dinh dưỡng
Thức đơn cho trẻ 1 tuổi cần cung cấp một chế độ dinh dưỡng cân bằng gồm các loại ngũ cốc, rau, trái cây, protein và sữa. Điều này sẽ tối đa hóa lượng dinh dưỡng mà trẻ nhận được và đảm bảo rằng các chất dinh dưỡng thiết yếu không bị thiếu trong chế độ ăn uống của trẻ. Đây là tiền đề quan trong cho sự phát triển của trẻ sau này.
2.2. Màu sắc thu hút
Một tuổi là giai đoạn bé trở nên hiếu động hơn, bé cũng thường tò mò và yêu thích sự mới lạ. Các mẹ nên chú ý đến việc chế biến cũng như lựa chọn thực phẩm với nhiều màu sắc để thu hút sự quan tâm của trẻ, giúp bé ăn ngon miệng hơn.
2.3. Thực phẩm lành mạnh
Chúng ta nên ưu tiên các loại thực phẩm gần với nguồn gốc tự nhiên của chúng. Ví dụ như:
- Thực phẩm hữu cơ sẽ tốt hơn thực phẩm biến đổi gen bởi chúng không chứa các chất hóa học ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Đặc biệt trong việc chọn sữa cho trẻ, các mẹ hãy ưu tiên những loại sữa có ghi Non-GMO (không biến đổi gen) hoặc organic (hữu cơ) cho bé.
- Ưu tiên các loại ngũ cốc nguyên hạt hơn là ngũ cốc đã tinh chế:
Ngũ cốc nguyên hạt là những loại ngũ cốc chưa trải qua quá trình xử lý nên vẫn giữ được lớp cám và mầm bên ngoài. Đây là nguồn cung cấp chất xơ và các chất dinh dưỡng quan trọng khác, chẳng hạn như selen, kali và magie. Một số loại thực phẩm điển hình là: gạo lứt, yến mạch, bánh mì nguyên cám…
Ngũ cốc tinh chế là những loại ngũ cốc được loại bỏ cám và mầm giúp chúng được bảo quản lâu hơn, ví dụ như gạo trắng, bột mì trắng, bánh ngọt…Những thực phẩm có thể khiến lượng đường trong máu tăng cao, cũng như nhanh đói hơn sau khi ăn.
Hạn chế thực phẩm tạo màu và hương vị nhân tạo như đồ uống có ga, nước ngọt…
3. Những thực phẩm bé nên ăn
Thực đơn cho bé 1 tuổi cần có những thực phẩm sau
Rau xanh
Rau chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Trẻ mới biết đi có thể ăn bao nhiêu rau tùy thích. Ngoại lệ duy nhất là rau bina, mặc dù nó chứa nhiều sắt nhưng nó cũng có nhiều oxalat làm cản trở sự hấp thụ canxi. Do đó trẻ mới biết đi có thể ăn rau bina tối đa 1 lần / tuần. Trung bình bé 1 tuổi cần nạp khoảng 120 – 180 g rau / ngày.
Trái cây
Trái cây cung cấp rất nhiều vitamin, đặc biệt là vitamin C, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của trẻ. Trái cây cũng cung cấp kali, magiê và các khoáng chất khác. Các mẹ có thể cho trẻ ăn trái cây vào bữa sáng thứ hai hoặc bữa xế. Bé cần cung cấp khoảng 120 – 180 g trái cây / ngày.
Sản phẩm ngũ cốc: gạo, bánh mì, các loại đậu, yến mạch…
Ngũ cốc chứa rất nhiều carbs, giúp cung cấp năng lượng cho bé. Chúng cũng cung cấp vitamin B và chất xơ có tác động tích cực đến hệ tiêu hóa. Thay vì mì ống đơn thuần hoặc bánh mì trắng, bạn có thể cho bé ăn bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt, bột nghiền thô và mì ống làm từ bột ngũ cốc nguyên hạt. Thực đơn ăn cho bé 1 tuổi nên chứa khoảng 60 – 120 g các loại ngũ cốc là lý tưởng nhất.
Thịt và cá
Đây là nguồn cung cấp protein và sắt dồi dào cho sự phát triển của trẻ. Đặc biệt, trẻ em 1 tuổi nên ăn cá 2 lần/tuần, ví dụ như cá hồi hoặc cá ngừ, nướng hoặc hấp. Trung bình bé cần cung cấp khoảng 60 – 120 g / ngày.
Nước
Nước là yếu tố quan trọng duy trì mọi hoạt động trong cơ thể. Bổ sung nước là cách tốt nhất và lành mạnh nhất để làm dịu cơn khát. Trẻ 1 tuổi cũng có thể uống nước trái cây – tất nhiên là nước mới ép, không nên có quá nhiều đường. Đồ uống có thêm đường, màu, hương vị hoặc ga không nên có trong thực đơn cho trẻ 1 tuổi.
Sữa
Bên cạnh thực đơn ăn dặm đầy đủ các chất đạm, chất béo, chất xơ và tinh bột, mẹ cũng cần cho bé uống khoảng 600 – 800 ml sữa / ngày để đảm bảo sự phát triển của trẻ. Sữa là một phần quan trọng trong chế độ ăn của trẻ vì nó cung cấp canxi và vitamin D, giúp xương chắc khỏe. Giai đoạn 12-18 tháng tuổi là độ tuổi thích hợp để chuyển sang uống sữa bằng cốc.
>>Xem thêm: 15 loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất cho bé
4. Những thực phẩm bé cần tránh
Bên cạnh việc cho trẻ khám phá nhiều món ăn mới, cha mẹ cũng cần quan tâm đến thực phẩm nào là phù hợp cho trẻ. Cha mẹ cần loại bỏ những thực phẩm khiến bé dị ứng hoặc nhạy cảm. Đồng thời, không cho trẻ ăn những thực phẩm chứa các chất hóa học hay có nguy cơ cao khiến trẻ nghẹt thở. Dưới đây là một vài thực phẩm cần tránh trong thực đơn cho trẻ 12 tháng tuổi:
- Hạn chế cho trẻ ăn những thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ như xúc xích, gà rán, khoai tây chiên… Bởi những thực phẩm này chứa những chất chuyển hóa có hại cho sức khỏe của trẻ.
- Không khuyến khích cho bé ăn dưa chua, bắp cải xào… vì những thực phẩm này có thể gây đầy bụng, khó tiêu, không thích hợp với hệ tiêu hóa của trẻ.
- Không nên cho bé ăn nhiều đồ ngọt, đặc biệt là các loại bánh có kem béo ngậy, bánh quy, kẹo, đồ uống giải khát… vì chúng chứa nhiều đường, chất tạo ngọt nhân tạo, chất tạo màu. Ăn nhiều thực phẩm nhiều đường cũng khiến trẻ dễ bị sâu răng và béo phì.
Thêm vào đó, trẻ đối mặt với nguy cơ cao bị nghẹt thở do thức ăn, đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ. Trong đó, những thực phẩm làm tăng nguy cơ này có thể kể đến là:
- Các loại đậu, hạt: đậu nành, đậu đen, hạt lạc, hạt điều…
- Quả nho, quả cherry… hoặc hạt của các loại quả.
- Kẹo dẻo, kẹo caosu, bỏng ngô, bim bim…
- Xương cá, xương lợn…
5. Thời điểm cho bé ăn
Trẻ mới biết đi nên ăn từ 5 – 6 bữa một ngày: gồm 3 bữa chính và 2 – 3 bữa phụ, mỗi bữa cách nhau khoảng 2 – 3 giờ. Giữa các bữa ăn đó, bạn không nên cho trẻ ăn các món ăn nhẹ khác để dạ dày của trẻ có thời gian tiêu hóa.
Điều quan trọng là nên cho con bạn ăn ở những khoảng thời gian nhất định và duy trì thời gian biểu đó hàng ngày để tạo thói quen cho bé. Tốc độ trao đổi chất của trẻ hiện đang trong quá trình thiết lập.
Nếu đứa trẻ ăn uống thất thường, cơ thể sẽ bắt đầu tích tụ chất béo và quá trình trao đổi chất sẽ chậm lại. Đồng thời, mẹ nên cho bé có đủ thời gian để ăn các bữa chính và bữa phụ như nửa giờ cho bữa chính và mười phút cho bữa phụ.
6. Cho trẻ ăn bao nhiêu và tần suất như thế nào?
Con bạn có thể ăn từ ¾ đến một chén thức ăn, từ 3 – 4 lần / ngày, cộng với hai đến ba bữa ăn nhẹ giữa các bữa chính. Nếu bạn không cho con bú, trẻ sẽ cần ăn thường xuyên hơn.
Khi được 1 tuổi, khoảng thời gian trẻ bắt đầu biết đi, lịch trình ăn uống của con bạn nên bao gồm bốn đến năm bữa ăn mỗi ngày, cộng với hai bữa ăn nhẹ lành mạnh. Các sản phẩm từ sữa là một phần rất quan trọng trong chế độ ăn của trẻ Hãy cho trẻ uống một hoặc hai cốc sữa mỗi ngày.
7. Một số thực đơn mẫu cho bé 1 tuổi bắt mắt, đầy đủ dinh dưỡng
7.1. Thực đơn cho bé 1 tuổi tăng cân mẹ tham khảo
Thứ 2, 4:
- 7h: Cháo thịt băm + bí đỏ.
- 9h: 200 ml sữa.
- 11h: Cháo tôm, rau mồng tơi.
- 14h: Nước cam (cam 50 – 100 g + 5 g đường).
- 16h: 200 ml sữa.
- 18h: Cháo gà hạt sen rau củ.
- 20h30: 200 ml sữa.
Thứ 3, 5:
- 7h: Cháo thịt heo + rau ngót.
- 9h: ½ quả chuối chín.
- 11h: Cháo thịt bò + bí đỏ.
- 14h: Sữa chua 60 – 80 g.
- 16h: 200 ml sữa.
- 18h: Cháo hàu.
- 20h30: 200 ml sữa.
Thứ 6, CN
- 7h: Cháo hạt sen.
- 9h: Đu đủ 100 – 200 g.
- 11h: Cháo cá lóc.
- 14h: Nước cam (cam 50 – 100 g + 5 g đường).
- 16h: 200 ml sữa.
- 18h: Cháo yến mạch, cà rốt.
- 20h30: 200 ml sữa.
Thứ 7:
- 7h: Cháo thịt bò, khoai tây, cà rốt.
- 9h: Táo 100 – 200 g.
- 11h: Cháo cật, cải thảo.
- 14h: Sữa chua 60 – 80 g.
- 16h: 200 ml sữa.
- 18h: Cháo thịt heo, rau ngót.
- 20h30: 200 ml sữa.
7.2 Một số gợi ý cách chế biến món ăn cho bé
Cháo tôm, rau mồng tơi
Nguyên liệu: Tôm, rau mồng tơi, hành, gạo, dầu ăn
Cách chế biến: Tôm lột bỏ vỏ, bỏ gân đen rồi băm nhỏ cùng hành lá, ướp chút gia vị, xào sơ qua. Mồng tơi băm nhỏ. Gạo nấu chín nhừ sau đó cho thêm tôm và mồng tơi vào, nêm nếm cho vừa ăn là được.
Cháo gà hạt sen, rau củ
Nguyên liệu: Lườn gà hoặc đùi gà, gạo, hạt sen, cà rốt, ớt chuông, lơ xanh, bột nêm dành cho trẻ.
Cách chế biến: Lườn hoặc đùi gà rửa sạch, ướp với xíu bột nêm. Hạt sen, cà rốt rửa sạch, thái miếng nhỏ. Súp lơ thái miếng, luộc chín. Ớt chuông thái nhỏ, xào chín. Cho gạo, hạt sen, cà rốt vào nồi áp suất, hầm nhừ. Hầm chín thì xé thịt gà nhỏ, múc cháo ra bát và trình bày với chút ớt chuông và súp lơ xanh.
Cháo hàu
Nguyên liệu: hàu 2 – 3 con, 20 g gạo nếp, 50 g gạo tẻ, 30 g hạt sen, ½ củ cà rốt, gừng, tỏi, hành khô, hành lá, gia vị.
Cách chế biến:
- Hàu ngâm đến khi mở miệng, lấy phần con bên trong, rửa sạch với muối để hết nhớt, sau đó cắt nhỏ.
- Gạo nấu thành cháo.
- Cà rốt thái nhỏ hạt lựu, hạt sen ngâm, rửa sạch rồi để ráo. Hành, gừng, tỏi thái nhỏ.
- Xào thơm hàu với chút hành.
- Cháo chín thì cho cà rốt và hạt sen vào hầm cho đến khi chín nhừ, cho thêm hàu vào khuấy cho đều tay, cho thêm chút hành lá vào, cho vào bát cho bé thưởng thức.
7.3. Thực đơn cho bé 1 tuổi ăn cơm (bé có khả ăn thô tốt)
Trong giai đoạn 1 tuổi, bé đã có khả năng nhai cơm và cắn thức ăn. Về cơ bản, thời gian biểu khi ăn của bé giống với thực đơn cho bé 1 tuổi tăng cân, chỉ khác ở các cách chế biến món ăn cho bé. Các mẹ có thể áp dụng thực đơn sau dành cho bé:
Thực đơn số 1
- Món chính: cơm cuộn rong biển, chả cá chình kho gừng.
- Món rau: canh măng tây
- Tráng miệng: xoài chín.
Thực đơn số 2
- Món chính: cơm nát, thịt bò xào củ cải.
- Món rau: canh mồng tơi.
- Tráng miệng: chuối.
Thực đơn số 3
- Món chính: cơm nát, xíu mại sốt cà chua.
- Món rau: canh cải bó xôi.
- Tráng miệng: thanh long.
Thực đơn số 4
- Món chính: cơm nát, cá hồi xào cải kale.
- Món rau: canh mướp mồng tơi.
- Tráng miệng: kiwi.
- Món phụ: bánh táo khoai lang.
Thực đơn số 5
- Món chính: cơm nát, cá quả sốt cà chua
- Món rau: canh rau dền.
- Tráng miệng: thanh long đỏ.
Thực đơn số 6
- Món chính: cơm nát, bò hầm.
- Món rau: su su luộc.
- Tráng miệng: sinh tố xoài.
Thực đơn số 7
- Món chính: cơm nát, gà hầm hạt sen.
- Món rau: canh bí đỏ
- Tráng miệng: Nho đen không hạt.
Về cơ bản thực đơn này giống với thực đơn cho bé 1 tuổi kiểu Nhật. Các món ăn được chế biến riêng rẽ và trình bày đẹp mắt mà vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ và tăng cường sức đề kháng cho trẻ
8. Một số lưu ý cho mẹ
8.1. Cách chế biến món ăn
- Đảm bảo các món được chế biến sao cho mềm, dễ nhai.
- Cho bé ăn những món ăn được cắt dài thay vì cắt thành những miếng tròn nhỏ để tránh dị vật vào đường thở của bé, gây nghẹt thở.
- Không nên cho bé ăn những thức ăn khô, cứng như bỏng ngô, khoai tây chiên… vì dễ khiến bé bị ngạt thở.
8.2. Phát hiện dấu hiệu trẻ đói hay no
Trung bình mỗi trẻ 1 tuổi cần cung cấp khoảng 1000 calo / ngày. Tuy nhiên, với mỗi trẻ, nhu cầu năng lượng cũng khác nhau. Do đó, mẹ cần nắm bắt được những dấu hiệu đói hay no ở trẻ để có sự điều chỉnh phù hợp nhất với cơ thể của bé.
Dấu hiệu trẻ đang đói mà mẹ cần biết:
- Muốn chạm vào thìa hay thức ăn.
- Chỉ vào thức ăn.
- Tỏ ra thích thú khi nhìn thấy thức ăn.
- Thể hiện mong muốn với món ăn cụ thể bằng các từ hoặc âm thanh.
Dấu hiệu trẻ đã no:
- Nhai chậm hơn.
- Ngậm chặt miệng khi mẹ bón đồ ăn.
- Đẩy thức ăn ra xa.
- Lắc đầu để bày tỏ không muốn ăn nữa.
Một số cách giúp bé ăn ngon miệng hơn:
- Luôn tạo bầu không khí thoải mái, dễ chịu khi bé ăn.
- Khuyến khích trẻ ăn cùng với gia đình để giúp bé hòa nhập và ăn ngon miệng hơn.
- Không nên cho bé vừa ăn vừa xem ti vi, điện thoại vì dễ khiến trẻ phân tâm.
- Tránh đùa nghịch, khiến trẻ cười khi ăn vì dễ khiến bé bị sặc.
Xem thêm: Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi
Tóm lại: Bé 1 tuổi cần cung cấp đủ các chất dinh dưỡng như carbohydrate, protein, chất béo, đồng thời cung cấp đầy đủ các vitamin như A, D, E, K, các vitamin nhóm B… cho sự phát triển toàn diện. Để làm được điều này, mẹ cần xây dựng một thực đơn cho bé một tuổi cân bằng giữa các nhóm chất, đảm bảo trẻ được ăn những thực phẩm lành mạnh với màu sắc thu hút. Mong rằng bài viết trên đã cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn!
Mọi chi tiết thắc mắc liên quan đến sức khoẻ vui lòng liên hệ HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.
TÀI LIỆU THAM KHẢO