Nhiệt độ là thước đo đánh giá khả năng điều tiết và chức năng sinh hóa của cơ thể. Vì vậy làm sao để nhận biết, theo dõi nhiệt độ trẻ sơ sinh? Phải xử trí ra sao khi nhiệt độ của trẻ quá cao hoặc quá thấp so với nhiệt độ chuẩn. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp cho cha mẹ những câu hỏi trên.
Mục lục
- 1. Thế nào là nhiệt độ bình thường của trẻ sơ sinh
- 2. Cách đo và đọc thân nhiệt chính xác ở trẻ sơ sinh
- 3. Phân loại nhiệt kế đo thân nhiệt trẻ
- 4. Phân loại bất thường nhiệt độ ở trẻ và cách tham chiếu chính xác
- 5. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thân nhiệt trẻ tăng cao (sốt ) và cách xử trí
- 6. Nguyên nhân thân nhiệt của trẻ giảm và giải pháp cho mẹ
- 7. Khi nào cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế thăm khám nếu biến đổi thân nhiệt ở trẻ?
- 8. Tổng kết
1. Thế nào là nhiệt độ bình thường của trẻ sơ sinh
Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhiệt độ bình thường của trẻ dao động khoảng 36.4°C và con số này có thể thay đổi một chút. Tại trực tràng, thông thường, nhiệt độ có thể đo được là 37°C (tương đương 98.6°F). Mức nhiệt này có thể ghi được là 36°C vào buổi sáng hoặc 37.9°C vào chiều. Đây là khoảng nhiệt độ sinh lý bình thường ở trẻ [1]. Nếu nhiệt độ trẻ sơ sinh từ 38°C trở lên, trẻ có thể đã bị tăng thân nhiệt hoặc sốt.
2. Cách đo và đọc thân nhiệt chính xác ở trẻ sơ sinh
Để xác định thân nhiệt trẻ sơ sinh, cha mẹ có thể đo ở một số vị trí khác nhau. Chẳng hạn như:
- Trực tràng
- Miệng
- Tai
- Nách
- Thái dương.
2.1. Cách đo nhiệt độ của trẻ sơ sinh
Với gia đình có con nhỏ, lúc nào trong tủ thuốc cũng nên có sẵn một nhiệt kế. Cha mẹ có thể mua trên các trang thương mại điện tử hoặc từ các hiệu thuốc hoặc các siêu thị.
Đo nhiệt độ của bé ở nách:
Đây không phải là cách đo chính xác nhất nhưng là cách sử dụng phổ biến nhất từ trước đến nay, kể cả trong bệnh viện. Hình thức này được áp dụng với trẻ dưới 5 tuổi. Để thực hiện, cha mẹ làm như sau:
- Trước khi kẹp nhiệt độ cho trẻ cần đưa nhiệt kế về dưới mức 35 độ.
- Đặt trẻ nằm vào đùi bạn ở tư thế thoải mái và đặt nhiệt kế vào nách.
- Nhẹ nhàng giữ cánh tay của bé kẹp sát vào cơ thể của bé để giữ nhiệt kế ở vị trí trong thời gian quy định của nhà sản xuất – thường là khoảng 5 phút. Một số nhiệt kế kỹ thuật số phát ra tiếng bíp khi chúng sẵn sàng.
- Rút nhiệt kế ra và đọc kết quả.
Đo nhiệt độ trực tràng:
Trong các vị trí, nhiệt độ đo được ở trực tràng thường cung cấp kết quả đo nhiệt độ chính xác nhất và có thể dễ dàng thực hiện ở trẻ sơ sinh:
- Rửa nhiệt kế bằng xà phòng và nước hoặc lau bằng cồn.
- Đặt trẻ nằm sấp hoặc nằm ngửa, chân co về phía ngực.
- Thoa một ít dầu vaseline quanh bầu nhiệt kế và nhẹ nhàng đưa vào lỗ trực tràng.
- Giữ nhiệt kế số tại chỗ trong khoảng 2 phút cho đến khi nhiệt kế phát ra tiếng bíp.
- Sau đó nhẹ nhàng lấy nhiệt kế ra và đọc nhiệt độ.
Cách đo bằng nhiệt kế đo tai:
- Đặt đầu nhiệt kế tai hướng vào trong lỗ tai của trẻ.
- Ấn nút, và đợi sau 1 giây, nhiệt kế sẽ báo kết quả thân nhiệt trên màn hình.
Cách đo bằng nhiệt kế đo ở trán:
- Đặt nhiệt kế vào vùng giữa trán khoảng cách 2 – 3cm.
- Di chuyển nhiệt kế chậm từ giữa trán sang vùng thái dương để thiết bị dò đỉnh nhiệt độ.
- Đợi sau 3 giây và đọc kết quả nhiệt độ trên màn hinh.
2.2. Cách đọc kết quả nhiệt độ cơ thể trẻ sơ sinh
Nếu cha mẹ sử dụng nhiệt kế điện tử ở nách của con và làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất một cách cẩn thận, bạn sẽ có được kết quả chính xác.
Tuy nhiên, kết quả sẽ không còn chính xác, nếu như:
- Trẻ được quấn chặt trong chăn
- Nhiệt độ phòng cho trẻ sơ sinh cao
- Trẻ hiếu động, vừa hoạt động xong
- Trẻ đang ôm chai nước nóng
- Trẻ mặc nhiều quần áo
- Trẻ mới tắm xong
Nếu gặp trường hợp này, hãy để nhiệt độ của trẻ sơ sinh và của môi trường xung quanh về ổn định, sau đó đo lại nhiệt độ. Lưu ý tránh để trẻ rùng mình hoặc lạnh.
3. Phân loại nhiệt kế đo thân nhiệt trẻ
Hiện trên thị trường có nhiều loại nhiệt kế khác nhau tùy loại mà vị trí đo là khác nhau để thực hiện đo nhiệt độ cho trẻ rất thuận tiện. Cụ thể như sau:
3.1. Nhiệt kế hồng ngoại [2]
Người ta dùng loại nhiệt kế hồng ngoại đo nhiệt độ ở lỗ tai hoặc vùng trán. Cách đo này là nhanh nhất, chỉ mất không quá 3 giây, rất tiện lợi, dễ đo.
- Cách đo bằng nhiệt kế đo tai (màng nhĩ): Loại này cho kết quả nhanh nhưng đắt tiền; chúng có thể cho kết quả sai nếu không đặt chúng vào tai một cách chính xác, điều này dễ xảy ra với trẻ sơ sinh vì lỗ tai của trẻ rất nhỏ.
- Cách đo bằng nhiệt kế đo ở trán: Ưu điểm của loại nhiệt kế này là có thể đo thân nhiệt mà không cần chạm vào cơ thể trẻ nên trẻ không sợ, không la khóc. Thời gian đo nhanh, dễ theo dõi diễn biến nhiệt độ của con bạn liên tục khi trẻ sốt cao hoặc vừa mới uống thuốc hạ sốt.
3.2. Nhiệt kế điện tử
Hiện nay, trên thế giới, các loại nhiệt kế điện tử cũng được sử dụng phổ biến vì cách sử dụng an toàn và thời gian đo nhanh, cũng chỉ trong vòng 1 phút, so với nhiệt kế thủy ngân phải chờ đến 5 phút.
3.3. Nhiệt kế thủy ngân
Nhiệt kế thủy ngân là loại nhiệt kế được dùng từ trước đến nay nên khá thông dụng đối với mọi người. Đo thân nhiệt bằng loại nhiệt kế này ở nhiều vị trí:
- Đo nhiệt độ ở nách: Tuy không phải là cách đo chính xác nhất nhưng là cách sử dụng phổ biến nhất từ trước đến nay. Nhiệt độ ở nách từ 37,5 độ C trở lên được xem là sốt.
- Đo nhiệt độ ở miệng: Nếu nhiệt độ ở miệng trên 38 độ C được coi là sốt.
- Đo nhiệt độ hậu môn (dùng cho trẻ em hoặc người già khi không lấy được nhiệt độ theo đường miệng hoặc cặp ở nách). Nếu nhiệt độ trên 38 độ C được xem là sốt.
Về độ chính xác: Bình thường, nếu đo thân nhiệt ở nách thì kết quả cộng thêm 0,5 – 0,7 độ C; đo ở miệng, tai, trán thì kết quả cộng thêm 0,1 – 0,3 độ C sẽ ra nhiệt độ toàn thân.
Nhược điểm: Mặc dù nhiệt kế thủy ngân phổ biến, nhưng khi sử dụng cần chú ý. Nếu không cẩn thận để nhiệt kế vỡ, nó sẽ giải phóng những mảnh thủy tinh nhỏ và thủy ngân có độc tính cao.
4. Phân loại bất thường nhiệt độ ở trẻ và cách tham chiếu chính xác
Bất thường nhiệt độ ở trẻ xảy ra do sự mất cân bằng thân nhiệt của hai quá trình sinh nhiệt và thải nhiệt. Sự mất cân bằng này có thể gây ra hai trạng thái: thân nhiệt giảm và thân nhiệt tăng.
4.1. Nhiệt độ cơ thể thấp (dưới 36 độ)
Nếu trẻ chỉ có triệu chứng nhiệt độ cơ thể hạ thấp thì không quá đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu nhiệt độ cơ thể thấp xảy ra có kèm với các triệu chứng khác, chẳng hạn như ớn lạnh, run rẩy, khó thở thì có thể đây là dấu hiệu của một số bệnh nghiêm trọng.
Nhiệt độ cơ thể trẻ sơ sinh thấp thường xảy ra do:
- Trẻ sinh non, lớp mỡ dưới da thấp, khả năng giữ nhiệt cơ thể kém
- Cảm lạnh hoặc do nhiệt độ bên ngoài thấp
- Mắc một số rối loạn tuyến giáp hoặc bệnh tiểu đường
Nhiệt độ cơ thể thấp cũng có thể xảy ra với nhiễm trùng. Thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh, người lớn tuổi hoặc những người có sức đề kháng yếu. Chẳng hạn như nhiễm trùng huyết, cũng gây ra giảm nhiệt độ cơ thể bất thường.
4.2. Sốt
Ở hầu hết người trưởng thành, sốt là tình trạng nhiệt độ ở miệng trên 38°C hoặc nhiệt độ tại trực tràng hay tai trên 38.3°C. Trẻ bị sốt khi nhiệt độ trực tràng từ 38°C trở lên.
Sốt được phân loại theo các mức:
- Sốt nhẹ: khi nhiệt độ cơ thể từ 37,5 – 38°C.
- Sốt vừa: khi nhiệt độ cơ thể từ 38 – 39°C.
- Sốt cao: khi nhiệt độ cơ thể từ 39 – 40°C.
- Sốt quá cao: khi nhiệt độ cơ thể trên 40°C.
5. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thân nhiệt trẻ tăng cao (sốt ) và cách xử trí
Sốt không phải là một căn bệnh – nó được coi là một triệu chứng của một bệnh lý. Sốt thường có nghĩa là cơ thể đang chống chọi với bệnh tật và hệ thống miễn dịch đang hoạt động. Dưới đây là một số những nguyên nhân có thể gây ra tăng thân nhiệt ở trẻ:
5.1. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thân nhiệt trẻ tăng cao (sốt)
Như đã nói trên, sốt không phải là bệnh, nó là dấu hiệu của một số các bệnh lý, đặc biệt là nhiễm khuẩn. Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra tình trạng thân nhiệt trẻ tăng cao (sốt):
- Nhiễm virus: Cảm lạnh, cúm và các bệnh nhiễm virus có thể là nguyên nhân phổ biến nhất gây sốt. Sốt có thể là triệu chứng duy nhất trong 24 giờ đầu tiên sau khi nhiễm.Trong khi các triệu chứng khác như chảy nước mũi, ho, phân lỏng,… sau đó mới xuất hiện. Ví dụ khi trẻ bị nhiễm virus Roseola – virus gây sốt phan ban, 2, 3 ngày đầu, trẻ chỉ có dấu hiệu sốt. Sau thời gian đó, các nốt phát ban mới xuất hiện.
- Nhiễm khuẩn: Sốt do nhiễm khuẩn thường do các vi khuẩn gây nên. Khi nghi ngờ, bác sĩ có thể cho trẻ xét nghiệm máu để khẳng định. Thông thường, trẻ có thể bị sốt khi nhiễm khuẩn trong viêm họng hoặc nhiễm khuẩn bàng quang.
- Sốt do phản ứng với vaccine: Sau khi tiêm vaccine, hầu hết trẻ sẽ bị sốt trong vòng 12 giờ. Tình trạng này có thể kéo dài từ 2 đến 3 ngày. Đây là phản ứng sinh lý bình thường và vô hại. Nó cho thấy vắc xin đang hoạt động và hệ thống miễn dịch của trẻ đã được kích hoạt.
- Sốt ở trẻ sơ sinh (Nghiêm trọng): Trong 3 tháng đầu đời, nếu trẻ xuất hiện tình trạng sốt, có thể trẻ mắc một bệnh lý nhiễm khuẩn dẫn tới nhiễm trùng huyết đe dọa tới tính mạng của trẻ. Lúc này trẻ cần được đi khám càng sớm càng tốt.
- Viêm màng não (Rất nghiêm trọng): Đây là tình trạng các lớp màng bao quanh não bộ và tủy sống bị viêm do các tác nhân như virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng,… Khi trẻ sốt từ 38,5oC trở lên liên tục, nhất là với trẻ sơ sinh chưa được chủng ngừa, nếu có các dấu hiệu nghi ngờ khác, cha mẹ nên đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất, để tránh những tổn thương não.
- Mọc răng: Mọc răng cũng có thể là nguyên nhân khiến nhiệt độ cơ thể tăng nhẹ, nhưng mọc răng thường chỉ khiến cơ thể sốt tới 38°C, nếu nhiệt độ cao hơn có thể là do nguyên nhân khác.
5.2. Cách xử trí khi bị tăng thân nhiệt
a) Đánh giá tình trạng hiện tại của trẻ.
- Rất khó để tìm ra nguyên nhân nếu chỉ dựa vào triệu chứng sốt. Đôi khi phải khi xuất hiện các triệu chứng khác, cha mẹ mới có thể biết nguyên nhân gây ra sốt ở trẻ. Thông thường, mất 24h để có thể xác định được nguyên nhân gây ra tình trạng này.
- Cần đánh giá mức độ sốt của trẻ để có biện pháp xử trí phù hợp:
37,8° – 38,5°C: Sốt nhẹ, không cần điều trị bằng thuốc.
38,5 – 39,5°C: Sốt cao, cần điều trị bằng thuốc ngay.
Trên 39,5°C: Sốt rất cao, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ giảm thân nhiệt và giảm nguy cơ co giật.
b) Bù nước và điện giải:
Bù nước và điện giải để hạ sốt cho trẻ. Khi sốt cao, trẻ sẽ mất nước qua 2 đường là mồ hôi và hơi thở. Để giảm nhiệt, cơ thể sẽ toát mồ hôi và mang nhiệt theo. Trong trường hợp sốt cao liên tục, sau mỗi lần hạ sốt, lượng mồ hôi đổ nhiều. Vì vậy cần cung cấp đủ nước sẽ giúp cơ thể tỏa nhiệt qua da.
Với trẻ sơ sinh, chỉ cho ăn thêm sữa ngoài hoặc sữa mẹ.
c) Chườm mát và hạ thân nhiệt cho trẻ:
- Thận trọng: Với các bé dưới 1 tuổi bị sốt, không nên mặc quá nhiều quần áo hoặc quấn chặt. Vì trẻ sơ sinh có thể bị nóng quá mức hơn trẻ lớn hơn.
- Nên cởi bỏ bớt/ nới rộng quần áo hoặc cho trẻ mặc 1 lớp quần áo mỏng nhẹ, trừ khi bị run. Nguyên nhân là để giúp trẻ thoát nhiệt từ da. [3]
- Dùng khăn nhúng vào chậu nước, vắt ráo và lau toàn thân cho trẻ, chủ yếu tại các vị trí dễ thoát nhiệt như trán, nách, bẹn, lòng bàn tay, bàn chân. Có thể đặt khăn trên trán, 2 bên hõm nách và 2 bên bẹn của trẻ.
- Khi khăn bớt ấm, nhúng lại vào chậu nước, vắt ráo nước và lặp lại hành động trên cho đến khi nhiệt độ giảm. Tuyệt đối không chườm cho trẻ bằng nước lạnh. Vì khi chườm lạnh sẽ làm các mạch máu co lại, lỗ chân lông cũng co lại làm cho nhiệt không thoát ra ngoài được và trẻ sẽ càng sốt cao hơn.
- Khi nước ở trong chậu hết ấm thì thay chậu nước khác hoặc cho thêm nước nóng, kiểm tra lại nhiệt độ của nước và lau người tiếp cho trẻ.
- Đo lại thân nhiệt của trẻ sau mỗi 15 – 30 phút chườm để kiểm tra sự thay đổi của nhiệt độ. Dừng chườm cho trẻ khi nhiệt độ < 37,5°C.
- Lau khô người và mặc lại quần áo mỏng cho trẻ. [2]
d) Sử dụng thuốc hạ sốt:
- Không tự ý cho trẻ dưới 3 tháng uống bất kỳ loại thuốc hạ sốt nào. Trường hợp này, bé cần được đi khám và bác sĩ chỉ định.
- Đối với sốt 37,8 ° – 38,5 ° C, hiếm khi cần dùng thuốc hạ sốt ngay. Sốt là một phản ứng miễn dịch bình thường của cơ thể chống lại các tác nhân nhiễm khuẩn và cũng chưa gây khó chịu cho bé.
- Sốt chỉ cần được điều trị bằng thuốc nếu nó khiến bé cảm thấy khó chịu. Thông thường, nếu sốt trên 38,5°C sẽ được chỉ định dùng thuốc.
- Đối với những cơn sốt trên 38,5°C, cha mẹ có thể sử dụng hạ sốt paracetamol (acetaminophen) với mức liều 10 – 15 mg / kg cân nặng.
- Mục tiêu điều trị: Giảm nhiệt độ để bé cảm thấy dễ chịu. Thông thường, thuốc hạ sốt có thể hạ nhiệt từ 1 – 1,5 °C. Nó sẽ không đưa ngay nhiệt độ xuống bình thường và phải mất 1 hoặc 2 giờ để thấy hiệu quả.
- Không sử dụng aspirin, ibuprofen hạ sốt cho trẻ sơ sinh. Vì trẻ có nguy cơ mắc hội chứng Reye, một bệnh não hiếm gặp nhưng nghiêm trọng hoặc làm trầm trọng tình trạng xuất huyết trong sốt xuất huyết.
» Xem thêm: Paracetamol – Sử dụng thuốc hạ sốt an toàn, hiệu quả
e) Chế độ chăm sóc sau cơn sốt
Bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất cần thiết thông qua nguồn dinh dưỡng từ sữa mẹ.
Sau cơn sốt, trẻ toát mồ hôi nhiều, mẹ cần thường xuyên lau mồ hôi cho trẻ, tránh nhiễm cảm. Có thể lấy 1 khăn nhúng nước hơi ấm để lau nhẹ vùng nách, bẹn cho trẻ.
6. Nguyên nhân thân nhiệt của trẻ giảm và giải pháp cho mẹ
Thân nhiệt của trẻ sẽ bị hạ khi nhiệt độ cơ thể giảm xuống dưới 35oC. Trẻ có thể bị giảm thân nhiệt trong trường hợp:
- Trẻ sinh quá non, lớp mỡ dưới da thấp.
- Mắc các bệnh lý rối loạn chuyển hoá: xơ gan, đái tháo đường,…
- Suy dinh dưỡng.
- Nhiễm lạnh do không mặc đủ quần áo trong thời tiết lạnh, ở ngoài lạnh quá lâu, rơi vào nước lạnh hoặc nhiệt độ phòng cho trẻ sơ sinh quá thấp.
Vậy mẹ nên làm gì khi trẻ bị hạ thân nhiệt?
- Ủ ấm, đưa trẻ vào nơi ấm áp hơn: đặc biệt chú ý đến lòng bàn chân, lòng bàn tay trẻ.
- Cởi bỏ quần áo ướt, quấn trẻ trong chăn, túi ngủ hoặc khăn khô trong trường hợp trẻ bị nhiễm lạnh.
- Với trường hợp trẻ có mắc các bệnh lý, cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và xử lý kịp thời.
7. Khi nào cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế thăm khám nếu biến đổi thân nhiệt ở trẻ?
Thực tế, phát hiện trẻ bị sốt không khó, nhưng điều quan trọng là cần xác định nguyên nhân và xử lý kịp thời. Hãy đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất nếu trẻ có những thay đổi thân nhiệt kèm theo các triệu chứng sau:
- Trẻ bị thờ ơ, bơ phờ và không còn hoạt bát hoặc quấy khóc không ngừng.
- Trẻ có triệu chứng nghiêm trọng đe dọa tính mạnh như khó thở, co giật.
- Trẻ sốt trên 40°C.
- Sốt liên tục, kéo dài và không hạ.
- Trẻ dưới 12 tuần tuổi.
- Sốt trên 24 giờ.
- Phát ban hoặc xuất hiện đốm màu tím trên da (những vết này không có trước khi con bị bệnh).
8. Tổng kết
Tóm lại, việc giữ mức nhiệt ổn định trong khoảng sinh lý là điều vô cùng quan trọng, nhất là với trẻ nhỏ. Trong quá trình theo dõi nhiệt độ cơ thể nếu phát hiện nhiệt độ cơ thể có những thay đổi bất thường kèm theo các triệu chứng nguy hiểm cần liên hệ với bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
» Xem thêm: 5+ Giải pháp nâng cao đề kháng cho trẻ hay ốm vặt
Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ với các chuyên gia của chúng tôi theo HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.