Phân sống là một trong những biểu hiện của rối loạn tiêu hóa ở trẻ em. Tình trạng này tuy không gây ra nguy hiểm tức thời, nhưng nếu tiếp diễn kéo dài dễ ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài ở trẻ. Để có thể nhận biết và có biện pháp xử trí kịp thời, hiệu quả mẹ hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Tình trạng phân sống ở trẻ là gì?
Phân sống ở trẻ là tình trạng thức ăn không được tiêu hóa và hấp thu triệt để khi vào cơ thể mà được đào thải trực tiếp ra ngoài theo phân. Khi thực hiện các xét nghiệm cặn dư phân, ngoài các chất cặn bã, chất xơ không thể tiêu hóa hết, còn phát hiện các chất đạm, tinh bột, mỡ…
Tình trạng này kéo dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ, gây ra tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi.
2. Nguyên nhân gây ra tình trạng phân sống
Khi trẻ gặp phải tình trạng đi ngoài phân sống, nguyên nhân chủ yếu là do loạn khuẩn đường ruột. Việc đầu tiên mẹ cần làm là xem xét lại chế độ dinh dưỡng của bé. Những sai lầm về chế độ dinh dưỡng hay gặp dưới đây dễ khiến trẻ mắc đi ngoài phân sống:
- Chế độ ăn uống thiếu khoa học, mất cân bằng giữa các nhóm chất dinh dưỡng: chất đạm, đường, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất, khiến hoạt động hệ tiêu hóa không ổn định, dễ gây tình trạng đi ngoài phân sống. Cha mẹ thường có thói quen cho con ăn quá nhiều chất đạm, chất béo với mong muốn trẻ lớn nhanh dẫn đến dư thừa các chất, cơ thể không hấp thụ hết được dẫn đến việc trẻ đi ngoài phân sống.
- Mẹ cho trẻ ăn bột sớm. Tinh bột được tiêu hóa nhờ men amylaza và ptyalin trong nước bọt. Tuy nhiên, phải đến 6 tháng tuổi trẻ mới tiết ra nhiều nước bọt. Vì thế, việc cho trẻ ăn dặm quá sớm, tinh bột không được tiêu hóa hết, dễ gây tình trạng phân sống.
- Mẹ cho trẻ ăn quá nhiều khiến trẻ không hấp thu được hết các chất dinh dưỡng trong thức ăn. Do đó trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa và gặp phải tình trạng đại tiện phân sống.
- Thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn.
- Sử dụng thuốc kháng sinh kéo dài cũng gây tổn thương hệ tiêu hóa còn non nớt của trẻ. Kháng sinh không chỉ tiêu diệt các vi khuẩn có hại mà còn tiêu diệt cả những lợi khuẩn trong đường ruột, làm giảm khả năng hấp thu dưỡng chất của đường ruột, dẫn đến tình trạng trẻ đi ngoài phân sống. Hậu quả là trẻ chậm tăng cân, còi xương, suy dinh dưỡng.
- Trẻ mắc các bệnh lý như viêm ruột, lồng ruột, tắc ống mật,… khiến quá trình hấp thu chất dinh dưỡng bị cản trở. Khi đó, trẻ có nguy cơ bị đi ngoài phân sống.
Trẻ không dung nạp lactose hay gluten dẫn đến không hấp thu được các chất dinh dưỡng trong thức ăn chứa các chất này như sữa, lúa mì, lúa mạch…Khi đó, trẻ dễ bị đi ngoài phân sống.
Ngoài ra, môi trường sống không đảm bảo vệ sinh cũng là nguyên nhân khiến hệ miễn dịch của bé giảm công suất hoạt động, suy giảm khả năng chống đỡ bệnh tật, khiến trẻ dễ nhiễm vi khuẩn, virus, ốm và phải dùng thuốc kháng sinh để điều trị. Từ đó, hệ tiêu hóa của bé bị tổn thương và gặp tình trạng đi ngoài phân sống, chậm tăng cân.
3. Triệu chứng điển hình của tình trạng phân sống
Mẹ có thể dễ dàng phát hiện ra trẻ đại tiện phân sống nhờ vào các dấu hiệu điển hình như:
- Trẻ đi phân không thành khuôn. Phân lúc rắn, lúc phân sền sệt hoặc có lúc nước riêng phân riêng.
- Trong phân sống có nhầy, phân lợn cợn hạt, có bọt, đôi khi có cả những đồ ăn chưa tiêu hóa được như: hạt, rau củ…
- Phân sống thường có màu vàng ngả qua xanh (màu giống như dưa cải).
- Phân có mùi chua.
4. Các bước xử trí tình trạng phân sống ở trẻ
Đi ngoài phân sống ở trẻ cần được phát hiện càng sớm càng tốt để có biện pháp xử trí kịp thời. Nếu tình trạng này kéo dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ, gây ra tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi. Các bước xử trí được áp dụng đúng cách sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt, giải quyết dứt điểm đi ngoài phân sống ở trẻ.
4.1. Bước 1: Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng
Đối với trẻ đang bú mẹ hoàn toàn:
Tình trạng trẻ đi phân sống có khả năng bắt nguồn từ chế độ dinh dưỡng của mẹ chưa hợp lý.
Mẹ nên tránh ăn những thức ăn khó tiêu:
- Bữa ăn không nên quá nhiều đạm, chất béo
- Không ăn đồ cay nóng.
- Hạn chế thực phẩm tanh, lạnh
- Tránh thực phẩm lạ khiến bé dị ứng
- Không hút thuốc và hạn chế đến nơi có khói thuốc lá
Mẹ nên:
- Tăng cường rau củ quả: bổ sung chất xơ và vitamin
- Ăn sữa chua/ bổ sung lợi khuẩn
- Đảm bảo chế độ giàu dưỡng chất, đủ dinh dưỡng cho mẹ
- Uống nhiều nước
- Tạo một tâm lý thoải mái, tránh stress
Đối với trẻ bú sữa công thức:
Khi gặp tình trạng đi ngoài phân sống, với những trường hợp mà nguyên nhân rối loạn tiêu hóa có liên quan tới dinh dưỡng (bất dung nạp lactose, dị ứng đạm sữa bò) mẹ có thể cần xem xét lại nguồn dinh dưỡng cho con. Với trường hợp bé rối loạn tiêu hoá nguyên nhân từ sữa, mẹ có thể cân nhắc điều chỉnh sữa theo đúng nguyên nhân.
- Với những trường hợp bé được bác sĩ chẩn đoán không dung nạp lactose: mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về việc đổi sữa cho bé. Có thể lựa chọn sữa có lượng đường lactose thấp, sữa freelactose cho trẻ như : Similac Isomil IQ 1, Sữa Enfamil A+ Lactofree Care, Sữa bột Nan AL110, Aptamil Lactose Free, Sữa Wakodo Bonlact
- Với trường hợp bé được chuẩn đoán dị ứng đạm bò: Dựa trên tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng và phản ứng của bé mẹ có thể đổi sang các sản phẩm sữa phù hợp. Với trường hợp này nên chọn sữa đạm thủy phân 1 phần hoặc thủy phân toàn phần: Nan HA, pregestimil, nutramigen, alimentum…, sữa đậu nành Frisolac soy
Đối với trẻ đang ăn dặm:
- Khẩu phần ăn của bé cần được cân bằng, đầy đủ đạm, chất béo, chất xơ và đường.
- Các loại thức ăn mềm, dễ tiêu nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng như bông cải xanh, cải bắp, cà rốt, cháo trắng, thịt gà, táo chuối…
- Cho trẻ uống nhiều nước để bù vào lượng nước bị hao hụt do đi ngoài liên tục. Mẹ có thể thay bằng nước ép hoa quả vừa bổ sung thêm các vitamin cần thiết cho trẻ.
- Không nên quá thiên về khẩu phần ăn nhiều chất béo và đạm, gây nặng nề cho hệ tiêu hóa.
- Hạn chế thực phẩm nhiều đường như (bánh kẹo, đồ uống có ga…); nhiều dầu mỡ, khó tiêu như (đồ ăn nhanh, đồ chiên xào…)
- Tránh những thực phẩm trẻ không thể dung nạp hoặc hấp thu.
4.2. Bước 2: Đảm bảo vệ sinh thực phẩm cũng như môi trường vệ sinh, an toàn cho bé
- Thực hiện ăn chín, uống sôi và vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh bé như đồ chơi, dụng cụ ăn uống, vệ sinh tay chân…giúp hạn chế những vi khuẩn gây bệnh cho trẻ.
- Không để trẻ gặm, mút tay chân, đồ chơi
- Đảm bảo nguồn nước sạch cung cấp cho trẻ
- Lựa chọn sản phẩm rau củ quả màu sắc tươi sáng, tránh ôi thiu
4.3. Bước 3: Bổ sung lợi khuẩn:
Việc bổ sung lợi khuẩn càng sớm sẽ giúp cải thiện tình trạng trẻ đi ngoài phân sống, ngăn chặn tái đi tái lại nhiều lần. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do loạn khuẩn đường ruột. Chính vì thế, việc bổ sung lợi khuẩn giúp thiết lập lại trạng thái cân bằng vốn có của hệ vi sinh, giúp hệ tiêu hóa hoạt động ổn định, trơn tru.
Chủng lợi khuẩn phổ biến thường được lựa chọn là Lactobacillus và Bifidobacterium. Trong đó, chủng Bifidobacterium chiếm tới 90% lợi khuẩn đường ruột, với các ưu điểm vượt trội như:
- Cạnh tranh vị trí bám tốt.
- Điều hòa nhu động ruột nhịp nhàng.
- Tiết lớp chất nhầy, tạo hàng rào vững chắc bảo vệ niêm mạc ruột.
- Hỗ trợ tiết enzym, giúp thức ăn được tiêu hóa triệt để.
Mẹ nên bổ sung lợi khuẩn cho trẻ qua các nguồn như sữa chua (nên chọn loại nguyên chất, không đường), phô mai hoặc các sản phẩm bổ sung lợi khuẩn chứa Bifidobacterium Bb12.
>>Xem thêm: Men vi sinh nào tốt nhất cho bé đi ngoài phân sống
4.4. Bước 4: Thận trọng khi sử dụng thuốc
Mẹ cần hết sức lưu ý khi dùng thuốc cho trẻ, đặc biệt là thuốc kháng sinh. Mẹ chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc vì có thể làm tình trạng nặng thêm tình trạng của trẻ, gây ra rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy kéo dài, ảnh hưởng đến phát triển.
4.5. Bước 5: Đưa trẻ đến các cơ sở y tế khám và điều trị
Nếu việc tuân thủ các bước trên không mang lại hiệu quả, trẻ vẫn tiếp diễn tình trạng đi ngoài phân sống. Mẹ nên đưa trẻ đến thăm khám tại các cơ sở y tế để có thể xác định được căn nguyên của bệnh và có các biện pháp xử trí an toàn hiệu quả.
Với hệ tiêu hóa còn non nớt của bé, thường xuyên gặp phải các tình trạng rối loạn tiêu hóa khác nhau. Hi vọng qua bài viết này, cha mẹ đã có thêm những hiểu biết để phát hiện và có những phản ứng xử trí đúng cách, hiệu quả, giúp trẻ mau chóng vượt qua tình trạng đi ngoài phân sống.
>>Xem thêm: Bật mí cách vượt qua tình trạng phân sống ở trẻ
Để được tư vấn cụ thể về tình trạng sức khỏe của bé, vui lòng liên hệ với các chuyên gia của chúng tôi theo HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.